Chương 38

Ông Dân nhìn ra cửa sổ rồi xem đồng hồ:
− Hôm nay chắc chúng nó không về kịp.
− Bác có cần gì không? - Tố Mai bước đến bên ông.
− Không. Các cháu có bận thì về đi. Bác sẽ đi dạo quanh một lát rồi ngủ.
Tố Mai nháy mắt với Tiến. Anh tủm tỉm cười. Trước lúc sang đây, Tố Mai đã phải hứa sẽ đi chơi "1 vòng" với anh tối nay.
− Bác ngủ ngon nhé. Chúng cháu về đây!
− Cháu cũng vậy, Tố Mai! Cầu Chúa ban cho cháu một buổi tối tốt lành.
Họ vừa đi ra đến cổng, Tố Mai bỗng giật mình đứng sựng lại. một chiếc ô tô - Vẫn chiếc ô tô màu trắng sữa - Bỗng đỗ xịch trước mặt hai người. Tố Mai dáo dác nhìn quanh. Từ trên xe một người đàn ông đã đứng tuổi ăn mặc lịch sự bước xuống, tươi cười:
− Xin lỗi! Tôi có thể hỏi thăm được không?
Tố Mai thở phào nhẹ nhõm. Thì ra đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi cái màu tra9'ng sữa kia không phải của riêng người nào.
Tố Mai vui vẻ trả lời:
− Chúng cháu có thể giúp bác điều gì?
− Tôi vừa đến nơi thì đúng lúc các cháu đi ra. Điều đó có nghĩa là nhà của các cháu đây à?
Tố Mai nhìn Tiến rồi hỏi tiếp để khỏi phải trả lời.
− Bác muốn gặp ai ở đây ạ?
Ông khách nhìn cô gái rồi nhìn sang người thanh niên đi cùng, sau đó chậm rãi hỏi:
− Trong nhà này có một người tên là Phạm Thế Dân phải không cháu?
Tố Mai gật đầu ngay:
− Dạ, đúng rồi!
Nét mặt người khách đang lo lắng bỗng giãn ra:
− Thế thì tôi đã gặp may!
Thấy đứng ngoài đường hoài cũng bất tiện, Tiến vui vẻ bảo khách:
− Xin mời bác vào trong nhà.
Tố Mai cũng mau miệng nói theo:
− Chúng cháu sẽ trông chừng xe cho bác!
Người khách lạ có vẻ nghĩ ngơi, sau đó lắc đầu:
− Các cháu thưa lại với ông nhà rằng chiều mai, vào giờ này, bác sẽ đến. Đây là danh thiếp của bác.
Ông khách đi rồi, Tố Mai mới nhìn vào danh thiếp. Cô khẽ nhíu mày kêu lên:
− Anh xem này! Ông ta không phải dân Việt Nam mình đâu.
Tiến đón tấm giấy trên tay Tố Mai rồi cũng nhíu mày lẩm bẩm:
− Phrancois Phạm Thế Dinh... Điều này có ý nghĩa như thế nào hả Tố Mai?
− Em cũng không biết. Chúng ta vào hỏi bác Dân xem nào.
Nhưng ngay cả người được hỏi cũng không tìm được câu trả lời. Ông đọc đi, đọc lại tờ danh thiếp, cuối cùng lắc đầu:
− Chịu thôi! Bác không thể nào hiểu nổi. Phạm Thế Dinh là tên ông nội thằng Minh. Còn ngài Phrancois nào đó không biết có quan hệ gì với ông cụ. Chúng ta đành phải đợi đến ngày mai.
Dĩ nhiên là không thể nào làm khác hơn nhưng mỗi người lại chờ đợi theo cách riêng của mình. Đôi bạn trẻ bị cuốn vào tối vui nên không sốt ruột mấy. Vả lại, đấy không phải là chuyện của họ. Chỉ có người trong cuộc là cứ bồn chồn thao thức không yên.
Đại tá Phạm Thế Dinh qua đời đột ngột tại Paris. Khi người ta đưa xác ông về Sài Gòn thì gia đình chỉ còn làm cái thủ tục cuối cùng để vĩnh biết người chết là đào huyệt chôn ông. Giấy xác nhận của Pháp y bên ấy gởi về ghi rõ rằng ông bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng và không qua khỏi. Tuy nhiên cũng có nhiều tin đồn rằng ông bị tên vệ sĩ của mình bắn chết, song điều đó không được chính thức xác nhận. Sau đo 'vì chiến tranh và điều kiện không cho phép nên người con trai duy nhất của ông đành phải bằng lòng với nguyên nhân cái chết của cha.
Giờ đây trong đầu ông Dân chỉ láng máng kỷ niệm về những ngày tháng đau buồn đó. Ông uống thêm một tách trà loãng rồi đi nằm với hy vọng rằng buổi sáng bao giờ đầu óc cũng sẽ minh mẫn, sáng suốt hơn. Ngày mai, có thể ông sẽ nhớ ra một điều gì đó chăng?
Trong khi đó thì ở nhà bên cạnh, Tố Mai đang ngủ bỗng giật mình choàng dậy. Cô vừa mơ một giấc mơ thật khủng khiếp. Có lẽ câu chuyện chưa kết thúc lúc ban chiều với ông Dân đã ám ảnh Tố Mai. Cô thấy ông đại tá và bà nội mình... Sau đó là một tiếng súng nổ đinh tai nhức óc vang lên và Tố Mai lồm cồm bò dậy.
Cô thấy khát khô cả cổ và sực nhớ ra rằng buổi chiều ba chê món thịt kho quá mặn. Sợ làm mọi người thức giấc nên Tố Mai lần mò trong bóng tối xuống nhà bếp. Cô uống cạn hai ly nước đầy và thấy tỉnh táo hẳn ra. Giờ thì sẽ khó mà ngủ lại được ngay.
Trở lên phòng, Tố Mai đang loay hoay định tìm một cái gì đó để đọc để dỗ giấc ngủ. Chợt cô ngẩng lên dáo dác nhìn quanh, hai cánh mũi phập phồng. Có vật gì bị đốt cháy đang bốc lên mùi khét lẹt đến nghẹt thở. Tố Mai mở tung cửa sổ, không thấy gì. Cô chạy lên sân thượng, một cảnh tượng hãi hùng đang trải ra trước mắt Tố Mai cô chạy bay xuống cầu tang tối om mà không hay rằng mình đã vấp ngã, năm bảy lần trước khi đến được căn phòng đầu tiên.
Trường thò đầu ra hỏi em:
− Có chuyện gì vậy, Tố Mai? Em làm gì mà hớt hơ, hớt hải như bị ma đuổi vậy?
− Cháy... cháy nhà bác Dân rồi! - Tố Mai nói không ra hơi.
− Thật không?
Trường xô cửa chạy ra, vừa chạy vừa kêu vang đánh thức cả nhà.
Bị dựng giữa đêm hôm khuya khoắt, mọi người ngơ ngác không hiểu có chuyện gì. Đến chừng Trường chạy lên sân thượng trở xuống thì mọi người mới biết chắc rằng bà hỏa đang đe dọa chính họ.
Bác sĩ Chiến tức tốc gọi điện thoại cho cảnh sát chữa cháy và phân công vợ trực máy gọi liên tục.
Lửa bốc cao ngùn ngụt ở nhà bếp, đang bén dần lên nhà trên. Phố phường đã được đánh thức. Người ta không biết rằng ông Dân đã ở nhà một mình.
Buổi tối, sau khi Tố Mai và người yêu ra về, ông cứ ngồi nghĩ mãi về người khách có cái tên nửa ta nửa Tây trong danh thiếp. Rồi ông lần mò xuống bếp nấu một ít nước sôi. Sợ mình khó ngủ nên ông đã châm trà thật loảng. Trong lúc nấu nước sơ ý, thế là mà một tàn lửa nhỏ đã văng vào vách. Từ đó cho đến lúc ông uống trà xong và lên giường ngủ thì bà hỏa có đủ thời gian để gậm nhấm mấy miếng vách vá chằng vá đụp bằng thùng các- Tông và giấy báo các loại.
− Bác ơi! Chạy mau, cháy nhà rồi!
Thoạt đầu nghe tiếng Tố Mai, ông Dân cứ tưởng mình nằm mơ. Đến chừng thấy đôi tay con bé sờ soạng trong đêm tối ông mới biết chẳng phải là chuyện chiêm bao rồi.
− Lửa cháy lan lên nhà trên rồi bác ơi! - Tố Mai nói như mếu.
− Vòng qua bên hông có đường ra.
Một già, một trẻ không biết ai dẫn ai dìu nhau chạy ra ngoài đường. Khi ấy, mọi người đã đổ xô đến. Rồi xe cứu hỏa cũng đã hụ còi inh ỏi. Mọi người giãn ra cho mấy cái vòi rồng làm việc.
Ông Dân như kiệt sức trước thảm họa bất ngờ này. Đứng ngoài xa, ông như một người mất hồn khi nhìn ngọn lửa đang thiêu cháy nốt những gì còn lại của cuộc đời mà sự nghèo túng và bệnh tật chưa kịp cướp đi của cha con mình.
− Nếu con không sang kịp thì giờ đây bác đã làm mồi cho ngọn lửa kia! - Ông ôm chặt Tố Mai vào lòng.
Trong lúc mọi người còn chờ Trường chạy lên sân thượng xem rõ thực, hư thì Tố Mai đã chạy ào đi, luýnh quýnh thế nào mà khi mở cổng, mấy sợ kẽm gai đã cào nát cả mấy ngón tay cô nàng.
Đến bốn giờ sáng thì ngọn lửa được dập tắt. May mắn là xưa kia đại tá Dinh đã xây nhà trong một khuôn viên rộng lớn. Điều may mắn thứ hai là bức tường. Chính nhờ nó đã ngăn bước thần lửa, bằng không thì một lần nữa, cả hai gia đình lại cùng chung một số phận.
Ông Chiến bảo con trai lớn:
− Con đưa bác vào nhà nghỉ đi!
Chinh dìu người đàn ông khốn khổ vào nhà. Trên mặt ông ta vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng đau đớn. Ông khóc!
Mọi người lẳng lặng cúi đầu. Ai cũng muốn chia sẻ với ông nỗi bất hạnh quá lớn này.
− Người còn thì của còn, xin anh đừng buồn! - Bà Liên ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng an ủi người bạn gì - Rồi chúng ta sẽ sửa sang lại tất cả.
Ông Dân cảm động nắm lấy tay bà:
− Chúa thấy tất cả! Người sẽ ban phước lành cho gia đình cô chú.
Vợ chồng ông bác sĩ Chiến là người ngoại đạo. Chẳng hiểu họ có tin hay không? Chỉ biết rằng ông bà luôn dạy cho con cái phải sống nhân nghĩa, thủy chung.
Và với họ, đó cũng chính là tôn giáo vậy.