Chương 24

Đứa con trai vui vẻ ôm lấy vai mẹ:
− Má chờ con ít lâu nghe má! Chỉ cần khoảng... bốn tạ gạo nữa là má sẽ có được một cô dâu ngon lành "đảm bảo chất lượng đã đăng ký"!
Người mẹ lườm con một cái rồi đe:
− Cứ liệu hồn đó! Tao và ba mày đã tính toán đâu vào đó. Hễ hô lên một tiếng là có đủ.
Rồi bà ngồi bấm ngón tay kể lể:
− Đây là con bò thứ tám mà bà nhờ người em ở dưới quê nuôi giùm. Cứ nuôi rồi lại bán, rồi lại nuôi nữa. Vậy mà mãi chẳng thấy thằng con đòi cưới vợ. Tiến à! một cái Tết này nữa thôi nghen con. Tao với ba mày đợi hết xiết rồi.
− Má yên trí - Tiến cố làm ra vẻ nghiêm chỉnh - Trong vòng năm nay má sẽ có cháu nội cho mà coi!
− Đừng có nói tầm xàm! - Người mẹ rầy con trai - Bây giờ đã là tháng tám rồi, làm sao kịp mà nói không biết!
Tiến bật cười, buông mẹ ra:
− Ai biểu má sinh có mỗi một thằng con trai làm chi?
− Tại ông trời ổng biểu vậy chứ ai mà biết được. Thôi, đi coi sửa soạn đi, sắp tới giờ rồi đó!
− Được rồi, con xong ngay đây, nhưng má phải hứa là đừng nói gì với người ta nhé!
− Chuyện người lớn, để tao với ba mày tính toán với người ta, đừng có chộn rộn.
Hôm nay, ông bà chủ ga- Ra Đồng Khánh có mở tiệc tiễn mấy người bạn đi nước ngoài đoàn tụ gia đình. Dĩ nhiên họ muốn có một "chàng rể tương lai" của mình. Thế là Tiến được "điều" đi như một cái máy.
− Anh Tiến! Nhảy với em một bài chứ?
Đang nghĩ ngợi miên man nên Tiến không để ý thấy Kiều Thu đã đến bên cạnh tự bao giờ với một nụ cười thật quyến rũ trên môi.
− Rất sẵn sàng! - Chàng kỹ sư vui vẻ chìa tay ra.
Họ nhảy với nhau một bài, hai bài... rồi lại ngồi cạnh nhau suốt khoảng thời gian còn lại.
− Người ta nói quả không sai Kiều Thu à! Em nhảy tuyệt lắm!
− kHông tuyệt sao được khi mà suốt ngày em chỉ làm có mỗi một việc là nhảy nhót - Kiều Thu đáp với vẻ tự hào.
− Chỉ mỗi một việc đó thôi à? - Hai mắt Tiến gần như trợn tròn.
− Dĩ nhiên là còn những việc khác, nhưng em mê khiêu vũ hơn mọi thứ trên đời.
− Thật vậy sao?
Kiều Thu hơi ưỡn ngực ra, kiêu hãnh trả lời:
− Anh đã thấy rồi còn gì!
− Nhưng anh cũng thấy rằng nếu chỉ có vậy thì cuộc sống thật nhạt nhẽo, vô vị.
− Ồ không! Khi người ta yêu thích một việc gì thì sẽ cảm thấy hết sức thú vị khi thực hiện chúng! - Kiều Thu phản đối.
Đôi mắt Tiến ánh lên một tia châm chọc:
− Thế... em sẽ làm gì một khi em lấy chồng? Nhất là khi em sẽ trở thành một người mẹ?
− Chuyện đó đối với em không quan trọng lắm, bởi vì như anh đã thấy đấy, ba mẹ em chỉ có một mình em.
Câu chuyện của họ bị cắt ngang bơisự xuất hiện của ông chủ nhà, bà Kiều Thu.
− Thế nào, các con cảm thấy dễ chịu chứ?
− Cám ơn bác! - Tiến lịch sự trả lời.
Ông chủ ga ra Đồng Khánh ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh con gái:
− Tiến này! Bác muốn nói với cháu một việc... Chắc anh chị bên nhà cũng đã cho cháu biết, nhưng bác muốn chính thức đặt vấn đề với cháu.
− Bác cứ nói, cháu nghe đây!
− Cháu có thể sắp xếp để tổ chức sớm sớm một chút. Từ đây đến cuối năm có đủ thời gian cho cháu chuẩn bị không?
− Cháu không hiểu bác muốn nói đến chuyện gì? - Tiến ngạc nhiên thật sự.
− Thì chuyện giữa cháu với con Thu nhà bác. Xem như người lớn đã thỏa thuận với nhau, chỉ còn chờ ý kiến của cháu. Còn con Thu thì hai bác bảo sao nó sẽ nghe vậy.
Chuyện này quả là bất ngờ đối với Tiến. Chàng không ngờ sự thế lại nghiêm trọng đến như vậy. Chưa biết trả lời sao, Tiến đành nói khỏa lấp:
− Cháu cần phải suy nghĩ kỹ lại bác à! Vả lại, cháu với Kiều Thu chưa biết nhau nhiều.
− Chúng bây đã học chung với nhau bao nhiêu năm rồi còn gì? Nhưng chuyện đó không quan trọng đâu con, không biết rồi sẽ biết, chủ yếu là làm sao có nhiều tiền để mà sống.
Bất giác Tiến thầm rủa mình đã có mặt trong bữa tiệc hôm nay. Đã không có gì hay ho lại thêm chuyện rắc rối, phức tạp. Trong lúc đó thì Kiều Thu vẫn lặng thinh làm như đang mải nghe nhạc, chẳng chú ý gì đến câu chuyện của cha.
− Con không hiểu tại sao má lại đi chọn nhà ấy để mà kết thân? - Tiến nói ngay với mẹ khi vừa bước chân vào nhà.
− Vì ba con và bác Khánh là bạn bè với nhau từ thuở còn để chỏm. Chính vì vậy mà họ biết nhau rất rõ.
− Nhưng con không muốn rồi đây má sẽ trở thành một người phục vụ cho một cô con dâu chỉ biết nhảy đầm - Tiến nhăn mặt.
− Con người ta là con cưng, quen sống sung sướng từ lúc lọt lòng, chẳng lẽ con bắt nó phải lao động như một người bình thường sao?
Nghe giọng nói có vẻ gay gắt của mẹ, Tiến đành đấu dịu:
− Thôi, không nên bàn cãi nữa má à! Chuyện đâu vẫn còn đấy mà! Con đi ngủ đây.
Nhưng Tiến không sao ngủ được. Chàng mong cho trời mau sáng để chạy đến báo cho Tố Mai biết chuyện này, thử xem thái độ cô bé sẽ ra sao. Nhưng sáng sớm Tiến lại bận đột xuất nên mãi đến gần trưa mới đến được. Tiếc là Tố Mai lại đi vắng và sau đó thì họ lại giận nhau.
− Em không biết phải nói thế nào cho anh hiểu bây giờ - Tố Mai nói như phân bua.
− Thì hãy nói sự thật? - Tiến bực bội gắt.
− Nhưng... không phải sự thật nào cũng cần thiết. Em cảm thấy thật là bất tiện...
Sở dĩ Tố Mai không nói cho Tiến biết vì cô nghĩ rằng sau đó thì anh Chinh cũng sẽ biết. Rồi sau đó nữa... mọi chuyện sẽ đổ bể.
− Anh quả thật không còn hiểu nổi em nữa, Tố Mai à! Em kỳ quặc thật đấy! Có gì thì cứ nói thẳng ra đi, bằng không thì anh sẽ không đến đây nữa!...
Tố Mai hốt hoảng khi thấy Tiến giận dữ thật sự. Anh đùng đùng bỏ đi, như thể mọi chuyện đã chấm dứt ở đó.
− Thằng Tiến không nói gì với em chuyện nó đi Úc một tháng à? - Chinh buông viết ngẩng lên nhìn em.
− Anh ấy không nói gì với em hết!
− À, anh hiểu rồi... - Chinh mỉm cười, gật gù - Lại giận nhau rồi chứ gì?
Tố Mai lắc đầu:
− Nếu có... thì người giận không phải là em.
Chinh giở lịch ra xem rồi bảo:
− Cu cập sắp về rồi đấy! Còn đúng một tuần lễ nữa.
Có nghĩa là họ đã không gặp nhau gần một tháng qua. Rất ít khi Tiến giận như vậy, cho nên Tố Mai cảm thấy lo sợ hơn là mong ngóng. một tháng không phải là ít nếu người ta muốn quyết định một điều gì đó...
Nhưng không phải vô cớ mà Tố Mai lo sợ. Cô có cảm giác như mình là một tên tội phạm và tên tội phạm ấy ngày một dấn sâu vào con đường tội lỗi.
Lần thứ hai, Tố Mai đã phải đấu tranh tư tưởng quyết liệt trước khi đặt chân vào ngôi nhà ấy. Nhưng cô không thể dừng, một khi cô đã biết được cái gã con trai mà trước đây mình đã từng căm ghét, khinh bỉ, đang đổi máu của mình để kéo dài cuộc sống cho cha anh ta. Điều đó làm Tố Mai xúc động. Và cô cảm thấy sợ hãi khi biết hoàn toàn không dửng dưng với những số phận đáng thương ấy.
− Tố Mai này! Em làm sao vậy? - Chàng bác sĩ nhìn em bằng ánh mắt dò xét - Em đang có điều gì lo lắng phải không?
− Không đâu... Sao anh lại hỏi em như vậy, anh Trường?
− Anh trông em có vẻ hốc hác đi...
Tố Mai bật cười:
− Tại vì em đang học thi mà. Chỉ vài hôm nữa thì anh sẽ thấy em ăn ngon, ngủ kỹ cho mà xem.
− Mau quá! Mới đây mà em đã sắp lên năm thứ ba rồi. - Trường bỗng kêu lên.
− Em thì lại thấy lâu ơi là lâu! Em chỉ muốn được đi làm như anh với anh Hai.
− Rồi cũng sẽ đến lúc đó thôi, nôn nóng mà làm gì! Biết đâu rồi đến chừng đó, em sẽ thấy hối tiếc...
Tố Mai làm thinh không trả lời. Cô biết anh mình có lý, vì anh đã trải qua, và con người ta bao giờ cũng cảm thấy cái đáng quý là cái mà mình đã đánh mất đi rồi.
− Tiếc là em đã không theo nghề ba mẹ và anh. - Chợt Tố Mai thốt lên với vẻ tiếc rẻ.
− Hồi đó, anh chẳng đã từng khuyên em là gì? Nhưng suy cho cùng thì mỗi người có mỗi khả năng tiềm tàng khác nhau. Biết đâu rồi sau này em sẽ trở thành một nhà ngoại giao thật xuất sắc?
− Làm gì có chuyện đó! À, anh Trường nè! Nếu anh ghét một người nào đó... thì anh có chữa bệnh cho người ta không?
Câu hỏi của cô em khiến ông anh bật cười:
− Anh chưa bao giờ ghét ai đến độ như vậy! Mà nếu có đi nữa thì cũng không được phép xử sự như thế. Từ mẫu mà!
− Anh nói nghiêm chỉnh đó chứ, anh Trường! - Tố Mai chăm chú nhìn anh.
− Cái con nhỏ này, bộ tao hay nói đùa lắm sao? - Trường giả vờ sừng sộ.
− Thì... thì em hỏi thử thôi mà!
Cuối cùng thì Tố Mai cũng đã không dám nói thật với anh trai cái điều đang dằn vặt lòng mình, bởi cô chưa biết chắc thái độ của anh mình sẽ ra sao khi đối đầu với sự thật. Tố Mai định bụng lần sau sẽ nói đại, rồi ra sao thì ra!
Riêng Trường, anh cũng đã lờ mờ đoán ra Tố Mai đang có điều gì muốn nói, nhưng một khi con bé chưa muốn tự mình giải bày, thì cũng không nên gạn hỏi làm gì.
Đang suy nghĩ bâng quơ, chợt Trường nghe tiếng gõ cửa, và ngay lập tức cửa phòng được mở ra. Đứa con trai tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của ba mẹ, càng ngạc nhiên hơn khi thấy gương mặt của hai người đều lộ vẻ lo lắng.
− Có chuyện gì mà ba mẹ tìm con giờ này? - Trường vừa kéo ghế cho ba mẹ ngồi vừa hỏi.
Bà Liên đưa mắt nhìn chồng rồi quay sang con trai:
− Ba và mẹ muốn hỏi xem con có sử dụng thường xuyên những loại thuốc này trong tủ thuốc của ba không?
Nói xong, bà đặt trước mặt con trai mảnh giấy nhỏ. Trường chăm chú nhìn vào rồi lắc đầu.
− Con không việc gì phải sử dụng những loại thuốc này mẹ à? Xem nào, kháng sinh, giảm đau, an thần... Không. Những thứ thuốc này ở bệnh viện con chỉ kê toa rồi bệnh nhân tự mua lấy... Còn ở nhà, con không dùng đến chúng.
Hai vợ chồng bác sĩ Chiến đưa mắt nhìn nhau rồi ông chậm rãi nói:
− Có thể do ba nhớ lầm, ba đã xài xong lại quên... Thôi, ba má đi đây, con ngủ đi.
Nhưng thật khó mà ngủ với một mối nghi ngờ trong lòng. Trường cứ trằn trọc mãi không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Chắc chắn là ba không bao giờ lẫn lộn. Nếu vậy thì đã có chuyện mất mát xảy ra trong nhà. Nhưng ai dám cả gan làm điều đó?
Giờ đây, nỗi lo lắng của vợ chồng bác sĩ Chiến đã truyền sang cho cậu con trai thứ. Trường đang mang tâm trạng giống y như ba mẹ mình. Thật là khổ tâm khi buộc phải nghi ngờ những người thân trong nhà. Và sẽ càng tồi tệ hơn khi điều nghi ngờ ấy sẽ trở thành sự thật...
Đến lúc ấy thì có lẽ phải xem xét lại lòng tin của mình. Còn gì khủng khiếp hơn một khi lòng tin đã bị đánh mất. Còn lấy lại lòng tin ư? Điều đó thật chẳng dễ dàng một chút nào!