Chương 1

Họ đã già lắm rồi, già đến nỗi nhìn họ bây giờ, không ai trong chúng ta có thể hình dung nổi những điều mà họ đã từng làm với nhau trong quá khứ...
Ấy vậy mà nếu có ai tỏ ý nghi ngờ gì tính chân thật của một vài chi tiết nhỏ thì họ - Những nguyên nhân và chứng nhân của một thời kỳ đang buồn đã lùi xa vào dĩ vãng - Sẽ sẵn sàng đứng thẳng người ưỡn ngực lên để chứng minh một cách hùng hồn rằng mọi thứ đều có thực!
− Nội ơi, đừng kể nữa...
Đứa cháu gái kêu lên và dợm đứng dậy. Nhưng ngay lập tức cô bé đã bị bàn tay gần guộc khẳng khiu của ông già giữ lại.
− Tố Mai! Cháu cứ ngồi yên đó... chỉ còn một đoạn chót nữa thôi, cháu à!
Nhưng Tố Mai vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
− Ngán lắm! Cháu ngán lắm... cứ như là phải nghe giảng một bài lịch sử quá dở. Ông đi nằm đi thôi...
Có lẽ biết sẽ không thể nào thuyết phục được đứa cháu nhỏ nên ông cụ lẩm bẩm vẻ không hài lòng:
− Chúng mày bây giờ hư hết... À Tố Mai! Ông bảo cái này...
Nhưng cô bé vừa được ông buông tay ra đã chạy và đi mất. Mới đó mà nghe tiếng cười giòn tan từ dưới bếp vọng lên. Đúng là con nít, ăn chưa no, lo chưa tới.
− Không phải đâu! - Nghe ông nội than phiền với mẹ, Tố Mai thanh minh - Chỉ tại vì con đã thuộc nằm lòng câu chuyện của nội.
− Thì con cứ ngồi nghe cho ông nội vui.
Bà Liên - Mẹ Tố Mai - Cố gắng thuyết phục con, nhưng cô bé vẫn lắc đầu le lưỡi.
− Con còn bao nhiêu việc phải làm! Nói chuyện với nội chán ơn là chán.
− Cái con này... không sợ nội nghe được nội buồn sao!
− Nhưng mà con biết phải làm gì bây giờ? Thật không thể nào hiểu nổi.
− Con nói cái gì không hiểu nổi? – Bà Liên ngạc nhiên nhìn con gái út của mình.
Tố Mai nhìn mẹ một giây rồi ngập ngừng:
− Không lẽ nội sợ con phải lòng những thằng con trai bên ấy?
− Ba sợ chính cái điều đó đấy con ạ! Chúng mày mới dọn về đây nên chưa biết rõ... Bọn chúng toàn là một lũ bất lương.
Người cha chồng bảo với con dâu như vậy, khi nghe kể lại cuộc nói chuyện giữa bà và Tố Mai.
− Con đã căn dặn cháu Mai rất kỹ rồi ba à. Vả lại, con bé cũng đã biết rõ mối hiềm khích xưa nay giữa hai gia đình.
− Chúng bây là hậu sinh, phải biết noi gương người đi trước mà sống. Hai bên đã thề là vĩnh viễn đoạn giao.
Vừa nhắc nhở con dâu, ông cụ vừa đưa mắt nhìn sang nhà hàng xóm. Đôi mày đã bạc trắng của ông khẽ chau lại.
− Không thấy gì đâu nội ơi! Muốn nhìn được, nội phải phá bỏ bức tường đi.
Có tiếng cười khúc khích tiếp theo sau câu nói rối Tố Mai xuất hiện. Cô bé đã rình nghe tất cả.
− Bậy nè! Nội đang nhìn xem có cần phải xây cao thêm nữa không?
Tố Mai vẫn chưa thôi cười, đôi mắt lém lỉnh nhìn ông:
− Nội có cần mời chuyên gia ở Đông Béc Lin qua không?
− Hử? Cái gì? - Ông già nhướng cặp mày bạc nhìn cháu – Sao lại phải mời chuyên gia?
− Để họ xây giúp ông nội một bức tường giống như bức tường Đông Béc Lin, chia đôi nước Đức vậy đó.
− Tố Mai! Không được giỡn như vậy?
Có tiếng quát khẽ sau lưng khiến cô gái giật thót người. Ông Chiến – ba Tố Mai - Vừa về tới. Ông lừ mắt nhìn con, khiến cô bé sợ quá đánh trống lảng:
− Thưa ba mới về!
Rồi nhân cơ hội và ba bận làm 'thủ tục' với ông nội, cô bé vội vã chuồn êm.
Năm ấy Tố Mai vừa tròn mười tám tuổi.
− Vậy mà ba mẹ và mấy anh cứ bảo ta là con nít.
Một hôm Tố Mai than phiền với cô bạn thân của mình như vậy. Nhật Uyên - Tên cô bạn - Tủm tỉm cười:
− Không con nít là gì? Có người lớn nào lại đi xử sự như vậy?
Tố Mai xấu hổ đỏ mặt:
− Ai biểu hắn cứ đón dường ta hoài làm chi?
Hắn là con cái nhà ai. Tố Mai đâu có biết. Vậy mà bỗng dưng lại đi chận đường, đón ngõ người ta.
− Ê! Mắt mũi để đâu mà dâm sầm vào người ta vậy hở? - Tuy chưa bị sứt mẻ gì nhưng Tố Mai vẫn sừng sộ.
− Còn người ta để mắt mũi ở đâu mà lại không thấy mắt mũi của thiên hạ vẫn giữ nguyên vị trí?
Ái chà! Tay này cũng chẳng vừa gì. Đã vậy thì ta phải ra tay trước mới được. Nghĩ vậy, Tố Mai hai tay chống nạnh, mặt hất lên trời, độp ngay một câu.
− Tên kia! Mi con cái nhà ai mà có vẻ ngang ngược quá vậy? Không biết ta là...
− Bà La Sát! - Hắn tiếp luôn với nụ cười giễu cợt trên môi.
Bị tấn công bất ngờ, không kịp phản ứng, Tố Mai nhìn sang bạn cầu cứu. Nhưng nhỏ Nhật Uyên giả tảng làm như không trông thấy gì.
Tức quá, Tố Mai hét lên:
− Ta là Bà La Sát thì mi là... Ngưu Ma Vương...
Vừa nói xong, biết mình lỡ lời, Tố Mai bối rối im bặt. Trong lúc đó, cả nhỏ Nhật Uyên cũng tủm tỉm cười. Quê quá, Tố Mai bỏ đi một nước.
Đã thôi đâu! Mấy hôm sau hắn lại đón đường. Lần này, hắn chẳng đếm xỉa gì đến Tố Mai.
− Cô bạn của Uyên khó tính quá - Hắn liếc sáng Tố Mai đang lầm lũi đi.
− Tại anh Minh không biết chứ Tố Mai dễ thương lắm. Học giỏi, hát hay nhất lớp.
Tố Mai trừng mắt nhìn bạn:
− Ai đánh mà khai hết vậy?
Nhật Uyên phì cười, trong lúc hắn vẫn tỉnh bơ:
− Không tin đâu! Cái mặt này thì chỉ có nước giỏi... ăn quà vặt và nhõng nhẽo.
Sao trời không đánh chết hắn đi, để hắn lải nhải hoài vậy. Thôi thì 'dĩ độc trị độc' ta cứ làm như không nghe thấy gì, nhất định hắn phải mắc cỡ mà đi thôi.
Nhưng mà nào hắn có chịu tin đâu. Khi nhỏ Nhật Uyên rẽ vào nhà thì chỉ còn lại có hai người, hắn gọi đích danh Tố Mai mà hỏi:
− Hai cô nhỏ học chung lớp à?
− Thấy thì biết - Tố Mai trả lời cộc lốc.
− Nhưng biết không chắc chắn thì phải hỏi lại chứ.
− Chi vậy?
− Để khỏi nhầm lẫn với người khác.
− Vớ vẩn!
− Không vớ vẩn đâu. Nói nghiêm chỉnh đấy.
− Làm gì có chuyện nghiêm chỉnh ở đây?
− Có đấy, cô bé khó tính ạ.
Câu chuyện tạm ngưng ở đó vì Tố Mai đã về đến nhà. Ngang qua phòng khách, thấy ông nội đang ngồi săm soi mấy bộ quân phục đã sờn rách, cô gái hơn nhăn mặt, mùi long não xộc vào mũi khiến Tố Mai khó chịu. Cô định đi nhanh lên phòng mình, nhưng lại cũng không kịp.
− Tố Mai! Cháu lại dây mà xem mấy bộ đồ này ông đã cất giữ gần nửa thế kỷ rồi.
Tố Mai vừa khịt mũi vừa bước lại gần ông.
− Nội cho cháu đi!
− Để làm gì?
− Đem vô viện bão tàng. - Tố Mai trêu ông.
− Hỗn! Cái này là kỷ vậy thiêng liêng đánh dấu một thời kỳ trọng đại trong đời sống. Ông sẽ giữ nó tới chết.
Giọng ông không có vẻ gì là giận dữ khiến Tố Mai yên tâm, và như để chuộc lại lỗi lầm của mình, cô kiên nhẫn ngồi nghe ông kể hết câu chuyện về 'bức tường'. Lần này có lẽ là lần thứ một trăm rồi. Tố Mai nghe ông kể lại đời của mình.
− Hồi đó ông còn là lính cận vệ của hắn. cái lão quan năm chết tiệt ấy. Ồ! Giá mà hắn đừng làm quan năm, còn ông thì đừng làm tên lính cận vệ quèn thì sự thể đã không như thế...
− Ông ơi! Vậy chứ có ai chết không?
Câu hỏi đột ngột của đứa cháu khi gần hết câu chuyện khiến người ông ngạc nhiên:
− Cháu muốn hỏi ngay lúc ấy à?
− Không... cháu muốn nói... về sau này kìa. Có ai ngồi nghe kể chuyện mà đói bụng muốn chết như cháu lúc này không?
Cũng may là câu chuyện đã đến lúc kết thúc. Người ông khẽ cốc đầu đứa cháu gái và mỉm cười nói:
− Thôi cháu đi ăn cơm đi.
Có một điều đáng buồn là câu chuyện đã được kể đi kể lại đến hàng trăm lần song mục đích lớn nhất và duy nhất của ông là truyền sang cho cháu mối hận thù chất ngất trong lòng mình đã không thực hiện được. Tố Mai còn trẻ quá. Cô bé đang ở độ tuổi nhìn đời bằng cặp mắt trong trẻo, hồn nhiên, vô tư. Cô không hiểu nổi tại sao người lớn lại có những mối thâm thù tận xương tủy đến thế. Cho nên mỗi lần nghe ông kể. Tố Mai hay tinh nghịch, pha trò, để cho câu chuyện bớt đi sự nghiêm túc đến nặng nề. và điều đó đã làm cho người ông thêm lo sợ Ở cô cháu gái của mình.