ùa đông, năm Khang Hy thứ 61, tiết trời u ám, lạnh lẽo, sau tiết lập đông tuyết lớn vẫn rơi. Lấy kinh đô làm trung tâm, phía đông bắt đầu từ Phụng Thiên, phía bắc đến Nhiệt Hà, suốt dải từ Sơn Đông, Hà Nam chạy về phía Sơn Tây, Tây Tạng, Cam Túc đến Thiểm Tây tuyết phủ trắng xóa, tuyết bay tứ tung, lúc dầy, lúc thưa, tuyết trắng mênh mông, huyền ảo. Tuyết phủ lên mái nhà, phủ lên cánh rừng già trải dài dọc sông Đông Hà. Tuyết bao phủ sông, suối, ao, hồ, cả giếng nước cũng bị tuyết lấp đầy. Trên trời từng đám mây đen vần vũ, gào thét, gió cuốn tuyết bay, không khí thật ảm đạm, thê lương. Mặt trời nhợt nhạt, tựa như quả bóng tuyết, lững lờ trôi qua đám mây lạnh, giữa trưa mà mặt trời chỉ chiếu ánh sáng lờ nhờ xuống biển tuyết mênh mông. Về chiều, một đám mây đen như những con thuyền sà xuống, cảnh tượng tối tăm. Trời lạng vạng tối, một đoàn quan võ cùng thị vệ thân tín, khoảng hơn ba mươi người dừng ngựa trước miếu thờ thần Núi ở ải Nương Tử. Họ ăn vận lung tung, thị vệ của mười vương phủ đều là quan tứ phẩm của triều đình mặc võ phục, đầu đội nón chóp đỏ; kẻ mặc áo bào cũ nát, kẻ thì mặc áo vá thêu tám con mãng xà, vuốt chân năm ngón, đầu đội mũ lông cáo; hai quan lục phẩm thì mặc trang phục tạp dịch nội phủ. Đứng đầu đoàn tùy tùng là một chàng trai khoảng ba mươi tuổi, có khuôn mặt trái xoan thanh tú, lông mày rậm hình lưỡi mác, môi đầy đặn, cả khuôn mặt toát lên nét cao ngao. Chàng trai người mặc áo đỏ tía, ngoài khoác da báo Xa-li. Khi thấy đoàn ngựa đi đầu dừng lại, chàng trai vội giật dây cương, tay nắm chuôi kiếm lạnh, lia ánh mắt phớt đời quan sát xung quanh, bất giác thở dài. Một thị vệ vội tâu: - Nô tài thử đi dò la xem sao. Lời vừa dứt, một thị vệ khác từ trước cửa miếu chạy đến chỗ chàng trai đứng, quỳ xuống thưa: - Bẩm Thập tứ da, miếu thờ thần Núi đã bị bỏ hoang, lâu ngày không có hương khói. Tuyết dầy như thế này, xung quanh đây năm sáu mươi dặm không có một dịch quán nào nghỉ tạm, xin Thập tứ da chỉ bảo, đêm nay ta nghỉ ở đâu? - Ồ! - Chàng trai khẽ gật đầu, quay người nói với hai viên quan lục phẩm: - Tiền Uẩn Đẩu, Thái Hoài Tỉ, hai người phụng mệnh hoàng đế Ung Chính giải ta về Kinh, các người bảo gì, Dận Đề ta cũng nghe theo! Dưới ánh mắt oai phong của chàng trai, Tiền Uẩn Đẩu sợ hãi không dám ngẩng đầu lên, vội quỳ xuống thưa: - Vương gia nói vậy, nô tài đâu dám! Việc này ngoài khả năng của nô tài, vương gia bảo đi, thì đi, bảo ở lại, thì ở lại. Vạn tuế da dặn nô tài hầu hạ Thập tứ da chu đáo suốt trong quá trình về Kinh chịu tang tiên đế, không hạn ngày về, nô tài xin tuân mệnh vương gia. Dận Đề cười nhạt, gật đầu. Dận Đề ngồi lâu đã mỏi, liền đứng dậy co duỗi chân tay, xoa đôi bàn tay đỏ ửng vì lạnh nói: - Hoàng thượng là Tứ ca, cùng một mẫu thân sinh ra. Về tình, anh em ta như chân với tay. Về danh phận, thì là vua tôi. Các ngươi phụng mệnh thánh thượng đến đây, ta đâu dám thất lễ? Dọc đường, đi, nghỉ thế nào các ngươi tự định đoạt mới phải. Tối nay tá túc ở đây, cũng là do các ngươi định liệu, các ngươi đừng vờ vĩnh là người tốt nữa. Nơi đây vắng vẻ, nhỡ ta mưu phản, hoặc chạy trốn đều có liên lụy đến phận sự của các ngươi. Tiền Uẩn Đẩu và Thái Hoài Tỉ cười, gật đầu lia lịa. Chờ cho Dận Đề nói xong Tiền Uẩn Đẩu mới thưa. - Vương gia anh minh, nô tài chỉ thừa hành công vụ, hai nô tài là quan lục phẩm, trên có: Tư, Phủ, Đô đốc, đại thần nội thị, nô tài còn cách hoàng thượng mười tám bậc nữa ạ! Qua công vụ này dù thế nào đi nữa thì nô tài chỉ mong vương gia về Kinh bình an, về sau nếu được lọt mắt vương gia, nô tài xin được hầu hạ chu tất. - Đây mới là câu nói thực lòng - Dận Đề quay mặt nói tiếp: - Mang miệng thịt hươu huyện lệnh huyện Dương Tuyền biếu ra đây, tối nay ta uý lạo các ngươi! - Dứt lời Dận Đề chân đi giầy da hươu, rảo bước trên tuyết nghe lạo xạo, dẫn đầu đoàn người đi về phía miếu thờ thần Núi. Miếu thờ thần Núi mới bị bỏ hoang, miếu dựa vào thế núi, sân miếu hoang vắng, tuyết phủ dầy hơn một thước. Hai bên chính điện có hành lang kéo sang hai phía là hai ngôi nhà, tuyết đóng băng cao một, hai thước. Cửa miếu rộng, xây dựng theo kiểu nửa cũ nửa mới, giấy dán cửa sổ còn nguyên vẹn, các cột trong miếu sơn son thiếp vàng đã xuống màu. Giữa sân miếu treo một chiếc chuông cao bằng đầu người, đứng trơ trọi giữa tuyết lạnh, đỉnh chuông tuyết phủ một lớp dày, chuông dường như đang muốn thổ lộ tâm tình gì đó. Đoàn người ào vào chính điện, làm kinh động đàn chim sẻ, quạ, gà lôi đang tránh tuyết ở trong điện, chúng bay vù vù ra ngoài, bất giác khiến cho Tiền Uẩn Đẩu giật mình ngã bệt xuống đất. Thái Hoài Tỉ nhanh chân nhanh tay chộp được hai con gà lôi, cười khì khì, nói: - Thập tứ da, được bữa thỏa thích đây! - Ồ! - Hai mắt Dận Đề mỉm cười ý nhị, bước dài lên bậc tam cấp, vừa đi vừa tránh các đống tuyết dưới chân, miệng dặn dò: - Dọn sạch tuyết ở sân miếu, phá lan can ở hành lang làm củi. Ta và hai quan lục phẩm ở chính điện, thị vệ ở nhà phía tây, số còn lại ở nhà phía đông. Dứt lời Dận Đề cởi bỏ án choàng đưa cho thị vệ, một mình bước vào chính điện, cung kính vái tượng thần Núi đã bị hương khói hun đen, miệng lẩm bẩm những gì nghe không rõ, khấn xong quay đầu hỏi Tiền Uẩn Đẩu: - Đây không giống một cái miếu, tại sao miếu lại không có hương khói, chẳng lẽ đạo sĩ và thủ từ lấy cắp hết các thứ trong miếu? Tiền Uẩn Đẩu cười, nói: - Dạ, nô tài cũng thấy nghi nghi. Thái Hoài Tỉ đang nhóm lửa ở bên cạnh cũng chen lời: - Vương gia không biết đấy thôi, năm ngoái Sơn Tây đại hạn, hạn đến nỗi cỏ cũng không mọc được, quanh đây vài chục dặm không một bóng người, nếu có họ cũng ngại ra khỏi nhà giữa lúc trời lạnh. Ớ! Này, xung quanh đây còn vương vãi đầy tro than. Nạn đói đã làm cho mọi người phải lang bạt, ngay cả thủ từ trong miếu cũng không thể tự nuôi được mình, thì lấy ai mà hương khói? Dận Đề im lặng, bỗng nghe tiếng gọi to "Mẹ" từ ngoài sân miếu vọng vào, tiếp theo nghe tiếng râm ran: - Chuyển cái thi thể thối kia đi? - Gọi ông chủ đến đây! -...! Đến lúc này Dận Đề mới biết, trong khi dọn phòng thị vệ phát hiện ra các đống lửa mới bị tắt, hai nữa trong phòng sương mù dày đặc, không ai chú ý tới xung quanh. Dận Đề nhìn thấy một đám người vừa tranh nhau nói, vừa khiêng một thi thể tới liền hỏi: - Các ngươi kêu gì thế? Thị vệ vội chạy lại bẩm: - Trong nhà có một xác chết đông cứng, là... là xác phụ nữ. Dận Đề chẳng nói thẳng rằng, chắp tay sau lưng, đi về ngôi nhà phía đông, quả nhiên nhìn thấy xác một cô gái trẻ, tóc xõa, khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, mặc quần áo màu xanh nhạt, đôi chân nhỏ nhắn để trần, buộc đôi giày vào sau lưng bằng mảnh vải cuốn chân, da mặt xanh lét, chết ở góc tường, tư thế ngồi hai tay chống sau lưng. Mấy tên thị vệ vừa la vừa chửi đổng, cho rằng làm ô uế đến miếu thờ, song không một ai dám động đến xác chết. Dận Đề với giọng nói sắc lạnh ra lệnh: - Các ngươi thế mà cũng đòi là binh sĩ dưới cờ? Như ta đây là đại tướng quân, đem quân chinh phạt Tây Tạng đánh quân A-la-bô-thản, dưới thanh kiếm này, thây chất thành núi, máu chảy thành sông! Các ngươi không đáng xách dép cho ta! Bay đâu, hộ vệ đâu? - Có nô tài! - Khiêng xác cô gái ra khỏi miếu thờ! - Khiêng! Thị vệ dạ ran, một thị vệ hai tay ôm chặt lấy lưng cô gái chuyển ra ngoài, vừa ra đến cửa, đột ngột dừng lại: - Thưa Thập tam da, người cô gái còn nóng! - Hả? - Dận Đề giật mình, đi tới nắm lấy cánh tay cô gái, bắt mạch một lúc lâu - Cô ta chưa chết. Nhanh lên! Đưa cô ấy vào sưởi trong miếu, may ra cứa sống được. Thế là mỗi người một chân, một tay khiêng cô gái đến cạnh đống lửa, hâm nóng lại rượu, cậy miệng cô đổ rượu vào mồm, lát sau bắt lại mạch, mạch đập không đều lúc mạnh lúc yếu, cánh mũi nhô lên xẹp xuống, nước da xám xịt trắng dần, hơi thở nhè nhẹ, vẫn nằm bất tỉnh trên tấm thảm để cạnh đống lửa. Tiếng củi cháy nổ lép bép, thịt hươu trong nồi lan tỏa mùi thơm, khiến ai ngửi thấy cũng thèm. Dận Đề lòng đầy tâm sự, mắt nhìn ra ngoài đêm đen vắng lặng, vẳng nghe tiếng tuyết rơi xào xạc, chốc chốc thở dài, Dận Đề nói với Tiền Uẩn Đẩu đang đứng ở bên cạnh: - Ta không đói, ngươi và Thái Hoài Tỉ ăn đi. Nếu cảm thấy ở đây gò bó, thì sang hai phòng bên ăn uống cùng họ, ta chỉ mong các ngươi vui thôi, chứ đừng sợ ta chạy trốn, ta cũng không tự sát đâu! - Thập tứ da đừng buồn! - Tiền Uẩn Đẩu miễn cưỡng nói tiếp: - Tiên đế giữ ngôi 61 năm, Người mong được bảy mươi năm, nô tài cho rằng đây là hỉ tang. Thập tứ da là cành vàng lá ngọc, cần phải bảo trọng, người chết như đèn tắt, vương gia có buồn cũng chẳng ích gì. Dận Đề than rằng: - Các ngươi đừng trách ta tính khí thất thường, suốt dọc đường ta chú ý quan sát, ngươi và Thái Hoài Tỉ là người tốt, chẳng qua là trong lòng ta có nỗi buồn. Năm Khang Hy thứ 57 người giao cho ta trọng trách là đại tướng quân vương, trước lúc xuất quân, Người ra tận cửa Càn Thanh nắm tay ra, ân cần dặn dò: A-ma già rồi, xương cốt yếu rồi, trẫm biết con không muốn chinh chiến nơi xa, trong lòng ta chỉ yên tâm khi con cầm quân ra trận, có ai trên đời này làm trọn chữ hiếu đâu? Lúc đó nước mắt hoàng đế đầm đìa tiễn biệt, nào ngờ đâu, đây lại là lần chia tay cuối cùng. Nói tới đây mặt Dận Đề tràn đầy nước mắt. Thái Hoài Tỉ vội vàng khuyên giải: - Việc tổ chức hậu sự cho tiên đế cực kỳ long trọng, nô tài đã xem lăng ở Tuân Hóa đã được tu sửa, lăng đặt nơi uy nghiêm, phong thủy hữu tình. Vạn tuế da chỉ lo Thập tứ da quá buồn rầu, mới sai nô tài tới tận Tây Tạng để đón Thập tứ da về Kinh. Thủ tục tang lễ nhiều lắm. Thập tứ da đừng quá ưu phiền, tổn hại long thể, trên đời này không gì quý bằng sức khỏe. Dận Đề tay cầm que củi gạt lửa, mắt nhìn cô gái đang nằm ngủ ở bên cạnh nói: - Tứ ca vốn dĩ là người lanh lợi, Người xứng đáng lên ngôi hoàng đế còn điều gì phải đáng bàn, điều thứ hai ta muốn nói là thế này. Ta ở đây, đầu không tới trời, chân không chạm đất, dở ông dở thằng, từ tận đáy lòng ta hỏi các ngươi vài câu, các ngươi muốn làm nô tài dưới ngọn cờ vàng, phụng chỉ lệnh vua giải về Kinh... thôi ta không nói nữa, từ giờ trở đi coi ta bị câm. Tiền Uẩn Đẩu liếc nhìn Thái Hoài Tỉ, cười nói: - Hoàng thượng nghi vương gia thay lòng đổi dạ, thì tại sao chỉ sai hơn 20 thân tín đi đón vương gia? Vương gia còn điều gì uẩn khúc cứ nói, nếu nô tài biết nô tài không dám dấu. Nghe đến đây Dận Đề vô cùng ngạc nhiên, ngửa mặt lên trời cười to, khiến hai tên Thái, Tiền run sợ. Dận Đề vung tay vứt bỏ que củi gạt lửa, đứng dậy nói: - Các ngươi giả ngốc hay giả hồ đồ? Tuy rằng hiện tại hoàng thượng "tín nhiệm" ta, thế thì tại sao thánh chỉ thứ nhất, lệnh cho tổng đốc hai tỉnh Cam - Thiểm là Niên Canh Nghiêu phải giới nghiêm Cam Túc và Thiểm Tây? Thánh chỉ thứ hai, lệnh cho tuần phủ Tứ Xuyên Thái Đĩnh tập kết hai vạn binh mã chờ lệnh ở cửa khẩu Lão Hà? Tiền Uẩn Đẩu kinh ngạc nhìn Dận Đề, thưa: - Việc này nô tài có biết, tiên đế băng hà, đề phòng bất trắc, hoàng đế sợ có biến, lệnh giới nghiêm ban hành trong toàn bộ quân sĩ. Không chỉ có Cam Túc, Thiểm Tây giới nghiêm, các nơi khác cũng vậy, 9 cửa thành vào Bắc Kinh đều phong tỏa rồi. Dận Đề cười, nói: - Cứ cho như vậy là đúng, ta lại hỏi ngươi, bố chính sứ Lý Vệ ở Thiểm Tây, chính là tiểu Cẩu Nhi trước đây chuyên hầu hạ bút nghiên cho Tứ ca ở thư phòng, nay chuyên phụ trách lương thảo cho đại quân đang chế độ cung cấp theo mùa, mùa nào thức ấy tại sao lại đột ngột đổi thành cung cấp theo ngày? Tiền Uẩn Đẩu cứng họng không biết đối đáp thế nào, thấy vậy Thái Hoài Tỉ đứng ở bên cạnh liền nói: - Mấy ngày nay ở Hưng Hứa liên tục có tuyết rơi, lương thực nhất thời cung cấp không đủ, vì thế mới đổi từ chế độ cung cấp theo mùa, sang chế độ cung cấp theo ngày. Dận Đề cười mà rằng: - Thái Hoài Tỉ, ngươi đừng nói với ta giọng điệu thế nữa. Ta là con trai của tiên đế, từng du hoành ngang dọc đất trời! Phụng mệnh về Kinh chịu tang, trên đường về chỉ được phép mang theo mười thị vệ, nghi thức trở về không bằng quan tri phủ. Trò hề này của các ngươi, chỉ nên diễn cho trẻ nhỏ xem, các ngươi cho rằng ta không biết ư? Các ngươi hơn 30 người, ta chỉ có một mình, trước mặt 30 dặm lại có sự quan sát của 3 ngàn lính, qua từng dịch quán đều có lệnh truyền "bình an" hộ tống ta về Kinh. Các ngươi sợ gì kia chứ? Các ngươi cho rằng đã bịt được ta, kín như bịt trống? Đêm nay ngủ ở đây, ta bảo đảm ở dịch quán trước mặt nóng ruột như kiến nằm trong chảo! Hãy chờ xem, trời vừa hửng sáng sẽ có người đến "đón" ta! Ôi! ta... - Dận Đề càng nói càng xúc động, mặt đỏ bừng, đi đi lại lại như con thú bị nhốt trong lồng; đột nhiên tung chân đá tan mảnh giấy dán trên cửa sổ, ánh mắt sáng rực, dường như xuyên thấu màn đêm đen kịt xa xăm. Lúc lâu sau, Dận Đề quay người lại, mặt đầy nước mắt, lẩm bẩm nói: - Ông trời! Ơi hỡi ông trời... sao ông lại sắp đặt như vậy? Bát ca! Cửu ca!... vẫn còn Ngạc Luân Đại đáng giết sao, các ngươi ở Bắc Kinh... ăn gì, uống gì vậy? Các ngươi là đồ rượu vại, cơm thùng! - Nói xong chàng thản nhiên ngồi xuống cạnh đống lửa, ngọn lửa hồng soi sáng khuôn mặt thanh tú của chàng, im lặng rất lâu. Dận Đề là con trai thứ 14 trong 24 con trai của hoàng đế Khang Hy, vì thế được mọi người gọi là "Thập tứ da", chàng coi nhẹ tiền bạc, trọng lễ nghĩa; tinh thông binh thư, võ giỏi, nổi tiếng là một "nghĩa hiệp vương" của vương triều Khang Hy. Những năm cuối đời Khang Hy, triều đình mục nát, lơi lỏng kỷ cương phép nước, thái tử Dận Nhưng u mê bất tài, bị phế truất hai lần vào năm thứ 47 và năm thứ 51. Dận Nhưng có dã tâm khích anh em ruột tiếm quyền, đoạt ngôi hoàng đế, ông ta kết bè kéo cánh, náo động một thời. Lần thứ nhất phế truất thái tử, con trưởng của hoàng đế tranh nhau ngôi vị với Tam a-ca Dận Chỉ. Dận Thì vạch trần "thành vương bất thành", người trong môn phái là Mạnh Quang Tổ chu du khắp nơi, kết giao với các quan lại địa phương, mưu làm việc xấu. Dận Chỉ không những không tố cáo bọn Mạnh, lại đi tố cáo Dận Thì chôn "càn khôn địa ngục đồ" ở trong cung thái tử, ý đồ là dọa thái tử, vô hình dung làm cho Dận Nhưng mê muội, dẫn tới có ý đồ gây tội ác. Khang Hy hay tin vô cùng tức giận, lập tức bắt giam Dận Thì, khiển trách Dận Chỉ, hạ chiếu chỉ lệnh văn võ bá quan suy tôn thái tử. Khang Hy nghĩ rằng, thái tử mà thất đức, quấy rối triều chính, thì đều là tay chân của con trai trưởng, nay đã rõ ràng. Dận Nhưng sau 30 năm là thái tử, về lý thì ứng chiếu chỉ, về tình thì chính truyền. Nào ngờ kết quả ngoài ý muốn, lục bộ, cửu khanh, đô đốc, tuần phủ 18 tỉnh thành nhất loạt đồng ý phế truất thái tử cũ, lập Dận Tự tức "Bát da", chưa từng độc lập tham dự triều chính lên ngôi thái tử. Chú ý quan sát mới phát hiện được Bát a-ca là một nhân vật tài giỏi, từ lâu đã ngầm câu kết bè cánh, mua chuộc, liên kết với Cửu a-ca Dận Đường, Thập a-ca Dận Ngã, xử lý công việc trong triều nhất hô bách ứng, họ còn liên kết với Đại a-ca Dận Thì, Thập Tứ a-ca Dận Đề, cả bọn văn võ song toàn, phủ Bát da ở ngoài cửa thành Triều Dương chỉ cần đạp một chân, thì cả chín thành đều bị chấn động ngả nghiêng! Khang Hy từ lâu đã có ý định lập Dận Tự làm thái tử, suy đi nghĩ lại, thấy Dận Tự là một vương gia không có thực quyền, bảo gì làm nấy. Đồng đảng với thái tử là Tứ a-ca Dận Chân và Thập tam a-ca phụ trách việc quyết toán các quan lại còn nợ ngân khố triều đình, chỉnh đốn lại bộ Hình và một số việc quan trọng khác, vì họ chống lại "Bát hiền da", nên mọi công việc đều không thành. Nếu như thực sự lập Dận Chân lên ngôi thái tử thì sẽ khó tránh khỏi huynh đệ tương tàn, nay cả ngôi vị của Khang Hy cũng chưa chắc vững. Trong muôn vàn cái khó đó, bất đắc dĩ Khang Hy phải tái lập Dận Nhưng lên ngôi thái tử, đồng thời lệnh cho Tứ a-ca phụ tá triều chính. Để vỗ về bọn Dận Tự, phong Dận Tự chức Liêm Thân Vương, phong Dận Đường, Dận Ngã chức bối lặc. Nào ngờ tình thế sự việc ngày càng xấu thêm, Dận Nhưng sau khi tái lên ngôi thái tử nghĩ rằng: - Một là sợ Khang Hy thay đổi ý định, hai là sợ thanh thế của Bát a-ca quá mạnh khó bề khống chế, do đó luôn núp sau lưng Tứ a-ca Dận Chân, mật bàn binh biến, mưu đồ chỉ một mẻ lưới quét sạch "đảng Bát da", đồng thời bức Khang Hy thoái vị. Do không giữ được bí mật, sự việc vỡ lở, một lần nữa Khang Hy tuyệt luân sáng suốt phát hiện, liền hạ chiếu chỉ, giam Dận Nhưng vĩnh viễn, cầm tù thân tín của thái tử là Thập tam a-ca Dận Tường, đồng thời cho dán bố cáo khắp nơi, hoàng đế còn tại vị ngày nào, thì ngày đó quyết không lập thái tử. Khang Hy năm 57 tuổi biết tin A-la-bô-thản quấy rối, ngang nhiên đem quân xâm lược Thanh - Tạng, Khang Hy tự mình dẫn 10 vạn tinh binh thảo phạt phía tây. Dận Tường và Dận Đề ở trong hoàng cung, tinh thông binh pháp, được mệnh danh là "song hung", vì Dận Tường đang chấp hành án, bị giam trong ngục, cho nên xét cả lý lẫn tình, Dận Đề xứng đáng được phong đại tướng quân vương dẫn binh chinh phạt. Dận Đề vừa sưởi vừa suy nghĩ mông lung. Trước đêm được phong chức đại tướng quân vương, chàng nói chuyện thâu đêm với Dận Tự. Tình cảnh lúc đó như thế nào nhỉ? Đầu Dận Tự quấn khăn đen, dưới ngọn nến leo lắt, bóng Dận Tự trông thật khó coi, Dận Tự nắm chặt tay Dận Đề, mặt ướt đẫm nước mắt, giọng nói gấp gáp: - Người anh em ạ, ta... sắp xa nhau rồi, tâm trạng huynh vừa sợ vừa vui... không biết kiếp trước làm gì, mà kiếp này sinh trong hoàng cung, đại họa vẫn cứ lẩn khuất đâu đây, không những bị hoàng a-ma thất sủng, ngay cả huynh đệ ruột thịt cũng không dung tha! Vốn dĩ huynh chỉ muốn làm một "hiền vương", giải khốn phò nguy, suốt đời làm việc tốt nào ngờ bởi nhân duyên, nhân tình thế thái, được suy tôn là thái tử, kết cục trời đất không dung. Cây huynh... trồng là cây hoa, cái mà huynh nhận được lại là kiếm... Nay huynh ốm đau thế này, còn làm được việc gì nữa, đệ đi rồi, khác gì chân tay hai ta mỗi thứ một phương, chắc gì lại được gặp nhau. Giờ đây Bắc Kinh như hang hùm hang sói, biết đâu xấu tốt. Thực lòng, a-ma già rồi, thái tử chưa lập trong anh em mình liệu có ai không tính toán? Tứ ca không phải là không có dự liệu làm hoàng đế, suốt ngày chỉ lo làm việc, được chăng hay chớ, cốt làm vừa lòng Vạn tuế da, xem ra Tứ ca vị tất đã không có suy nghĩ khác thường. Tam ca biết rằng a-ma thích đọc sách, giỏi chọn thời cơ, hàng ngày đứng nói chuyện với bọn Trần Mộng Lôi về sách, song kỳ thực cũng chỉ mẹo vặt mà thôi. Mọi người gọi Cửu ca, Thập ca là trụ sắt của "đảng Bát da". Chuyện nước Tấn xưa, thái tử Thân Sinh ở trong cung thì nguy, công tử Trọng Nhĩ ở ngoài lại an, chỉ vì anh em mình không nỡ xa nhau, nên lo như vậy, đệ dẫn quân đi lòng huynh yên tâm đôi phần, đệ chú ý giữ gìn sức khỏe, vú nuôi của huynh là Nhã Bố Tề sẽ chăm sóc đệ, như chăm sóc huynh trước đây. Nếu như triều đình có biến, đệ dẫn 10 vạn tinh binh án ngữ dưới thành, trong thành có huynh tiếp ứng, ngôi hoàng đế đệ không ngồi thì ai ngồi? Dận Đề nghe anh nói xong khóc không thành tiếng, nghẹn ngào: "Những điều Bát ca nói đều đúng cả, duy chỉ có điều lên ngôi hoàng đế, đệ chưa bao giờ nghĩ đến, mà đệ cũng không dám nghĩ. Đệ chỉ biết cầm quân, thích luyện võ công, không thích ban thưởng và cũng không thích danh vọng. Theo đệ, hoàng thượng rất sủng ái huynh, do đó hoàng thượng mới thử thách huynh. Nếu không thì tại sao hoàng thượng nói huynh phản nghịch, mà lại phong huynh là thân vương? Tứ ca bỏ ban công sức, làm bao nhiêu việc mà cũng chỉ được phong hàm ngang huynh... Bát ca cứ an tâm dưỡng bệnh, đệ ở ngoài sa trường, trong Kinh có biến, tốt xấu thế nào cũng viết thư cho đệ hay, đệ dùng binh ở ngoài như thế nào Bát ca đều rõ cả..." Củi khô trong đống lửa bỗng nhiên nổ đánh "tách", Dận Đề chớp mắt, tỉnh lại mới hiểu rõ phần nào thân phận của mình lúc này, còn rất nhiều điều chưa nghĩ tới, trớ trêu thay, tạo hóa thật vô tình, song bên trong mỗi người có sự tính toán riêng. Vừa tới chiến trường, Dận Đề liền mua chuộc ngay "cái gai" là Ngạc Luân Đại thị vệ thân tín của Dận Tự cài vào bên mình, trở về Kinh thành để "giúp đỡ Tứ da, chăm sóc Bát da", Nhã Bố Tề không mua chuộc được sẽ giết chết trên đường hành quân. Cứ tưởng hoàng đế không lập thái tử, khi nghe tin Khang Hy chết, Dận Đề lập tức kéo đại quân về Kinh tranh ngôi, Ngạc Luân Đại từ ngày về Bắc Kinh đến nay bặt vô âm tín, ngay đến một bức thư cũng không gửi; càng không ngờ hoàng đế có di chiếu, Tứ ca "không phải là dự liệu của hoàng đế đã tự hóa trang leo lên vũ đài chính trị, nhảy vào đoạt vị tôn nghiêm! Bát ca uy quyền hiển hách là thế mà phải chịu cúi đầu xưng thần, bản thân mình bị Niên Canh Nghiêu vặn sườn, khống chế "không cho 10 vạn đại quân nhập ải", lại phải chịu cảnh nửa giải giáp, nửa hộ tống của 20 tên lục lâm thảo khấu về Kinh... Chàng liếc mắt nhìn hai tên Thái Hoài Tỉ, Tiền Uẩn Đẩu đang nhai thịt hươu uống rượu, tự mình than thân, trách phận, hoài nghi, phẫn nộ xen lẫn nỗi sợ hãi vu vơ... "phựt", chàng giật tung cái cúc ở cổ áo, định đứng lên, song lại nghiến răng lặng lẽ ngồi xuống. - Thập tứ da, - Tiền Uẩn Đẩu quay đầu lại, ngạc nhiên nhìn Dận Đề, miệng dính đầy mỡ: - Vương gia có dặn dò gì không ạ? Dận Đề bực tức trả lời: - Nóng! Cụ mày cởi cúc áo! Thái Hoài Tỉ vội nói: - Lửa cháy to quá, nô tài rút bớt vài thanh củi ra nhé? Dận Đề điên tiết, nghiến răng nói: - Ta muốn lửa cháy to hơn! Muốn có biển lửa thiêu cháy toàn bộ thế giới này, thiêu ta thành tro bụi ta mới thỏa! Đến lúc này Thái Hoài Tỉ và Tiền Uẩn Đẩu mới hiểu, cơn tức giận của Dận Đề đã làm cho Dận Đề đứng ngồi không yên, muốn nói ra mà không nói được. Đúng thời khắc này, cô gái khẽ cựa mình, rên rỉ: - Nước... nước...!