HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN
Năng lại buồn dùng nhầm "kị húy"
Quan trường ẩn sĩ thề giúp nhau

    
ng Chính hoàng đế vừa mới ra chỉ dụ khen ngợi Nặc Mẫn tuần phủ Sơn Tây, đồng thời cũng khiển trách Điền Văn Kính, Nặc Mẫn liền nhận được ngay thư báo tin từ kinh thành gửi đến. Lúc đó quan lại giám sát ở các tỉnh đều có dinh cơ riêng ở kinh thành, trên danh nghĩa là làm như vậy để cho con cái dòng tộc được ăn học ở kinh đô để đợi thi cử, nhưng dụng ý thực sự của họ là để kịp thời thông tin về "nhà" được nhanh. Do đó Nặc Mẫn đã sớm có sự định liệu, thấy Điền Văn Kính còn vùi đầu vào kiểm tra các kho, đối chiếu các danh mục rất kỹ lưỡng, ông ta cười thầm trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn tỉnh bơ như chưa biết gì. Lúc đó đã đến lễ quốc tang trừ phúc, vua mới lên ngôi, đổi niên hiệu đại lễ trùng với tết Nguyên tiêu, Nặc Mẫn không nén được nỗi vui mừng của mình, bèn truyền lệnh:
- Tại thành Thái Nguyên sẽ không cấm tất cả quân đội và dân thường tự do xem rước đèn trong vòng năm ngày kể từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng.
Những người bị giữ để phục vụ lễ quốc tang đang căng thẳng bỗng như chim được sổ lồng, như khỉ được mở xích, chẳng biết có còn vui thú nào hơn thế hay không. Từ khi có cáo thị dán ở nha môn tổng đốc thì suốt đoạn đường dài hàng chục dặm từ đền Tần cho tới miếu Giới Tử Thôi đèn màu được treo cao tỏa sáng, những bức họa gắn vào nhau, ở mọi đường ngang ngõ hẻm đèn nhấp nháy như sao sa, về ban đêm ở trong thành dày đặc như các dải sao trời, có chỗ kết đèn thành chùm như hoa vậy. Cư dân ở các làng bản xa tới hàng trăm dặm bốn bề ai mà chẳng nhìn thấy phong cảnh phong lưu phú quý này? Thế rồi đây đó kéo về thành, người chật như nêm khắp bảy mươi hai con đường của tỉnh Thái Nguyên sôi động, nào là đèn tường, tả sinh, thư họa, đèn mê bành, đèn ngựa chạy, bàn quay gió, tẩu bách hý... thôi thì đủ các loại xanh hồng phô bày trăm kiểu, rồi có cả diễn kịch về các truyền thuyết ở đường phố, bán mua đồ ăn..., sự ồn ào phức tạp đó đã làm cho cả thành Thái Nguyên thêm rực rỡ đèn hoa, tưởng như là ở đây không có màn đêm tăm tối.
Điền Văn Kính thì không xem đèn. Việc ông được giao ra đi chỉ là đọc chiếu dụ cho tướng quân Niên Canh Nghiêu đang ở Thiểm Tây, triệu ông ta về Kinh bẩm báo, ông chưa về ngay vì trên đường hồi Kinh phải qua Sơn Tây, tại Dương Tuyền gặp nữ tử Kiều Dẫn Đệ là người đã được Doãn Đề cứu sống. Vì Kiều Dẫn Đệ chỉ có một mình nên đã bị bọn lính bảo vệ kiệu bắt trói, lại bị khám xét lôi ra mấy quả dưa bằng vàng mà cũng chưa thu để bổ sung vào chỗ thất thoát ở huyện Dương Tuyền. Lúc đó kiệu của Điền Văn Kính vừa đi qua, liền ra lệnh cho bọn lính này đến huyện Dương Tuyền để kiểm tra kho, quả nhiên là thiếu hụt 3 vạn lạng. Điền Văn Kính suy nghĩ, sự thất thoát ở tỉnh Sơn Tây hầu như đã bổ sung xong rồi, đã báo cáo rất sớm về triều đình,và đã ban thưởng, cớ sao chỉ một huyện Dương Tuyền bé cỏn con này mà lại còn tới 3 vạn lạng chưa sung kho? Bởi vậy bèn với danh nghĩa quan khâm sai ra lệnh dẫn giải Dẫn Đệ và huyện lệnh Dương Tuyền trở lại Thái Nguyên, và đã cùng Nặc Mẫn gây nên chuyện...
Nếu như hôm nay kiểm tra thực tế, kho của Sơn Tây bạc vàng đầy đủ, không thiếu một lạng nào, ngay cả sự thiếu hụt ở huyện Dương Tuyền, Nặc Mẫn cũng đều ghi vào sổ nợ, lại nói là làm cả chức năng của huyện Khúc Ốc, bạc đã nhập vào kho Thông Chính sử rồi, thì Sơn Tây thực tế không phải là tỉnh bị thất thoát!
Nhưng mình phải làm thế nào đây? Không nói việc triều đình mới thành lập mà từ trước người ta vẫn ghét quan trong triều ra ngoài gây chuyện thị phi, cũng không nói Nặc Mẫn dựa dẫm vào đại tướng quân Niên Canh Nghiêu sừng sững như quả núi, nghĩ mình chỉ là một quan tứ phẩm nhỏ nhoi, chạm vào một sứ thần đồ sộ ở biên cương như vậy thì họa khó tránh khỏi! Khi kiểm tra đến tờ bút lục cuối cùng của kho thì mặt Điền Văn Kính bạc như tờ giấy trắng, bước ra từ trong những tiếng cười mỉa mai trêu chọc của bọn nha dịch, ông chẳng buồn trở về dịch quán nữa, một mình thẫn thờ trong mênh mang đèn đuốc và dòng người tấp nập, nghe những tiếng xô đẩy, chen chúc... mãi hồi lâu mới định thần lại, tiến vào một quán ăn nhỏ, gọi một đĩa thịt bò, một đĩa cơm với lạc tự ăn uống một mình. Bên ngoài những tiếng thanh la, trống chiêng nhạc cụ loạn xạ, những điệu múa sư tử vờn rồng làm cho người ta phải hoa mắt ù tai nhưng Điền Văn Kính nghe chẳng lọt vào tai, nhìn không biết hay mắt.
- Đây rồi!
Tiếp theo tiếng hô, một người hầu bàn bưng một cái mâm, trên mâm là một bát mì sợi nóng hôi hổi nhẹ nhàng đặt xuống trước mặt Điền Văn Kính. Khi Điền Văn Kính nhìn vào bát mì, quả nhiên thấy làm rất hay, từng sợi hình lá liễu, mỏng tang mà trắng trong. Lấy đũa gắp lên mỗi sợi dài khoảng tám thốn, đan xen vào mì là những phiến thịt bò thái nhỏ như sợi tăm rải khắp bát, tương dầu ớt đỏ, mùi thơm của tỏi, gừng, hành xông lên mũi hấp dẫn muốn ăn. Điền Văn Kính thở dài, định đưa đũa lên thì nghe một người ngồi gần đó gọi lớn:
- Cho một ít kị húy.
Điền Văn Kính tuy chẳng biết "kị húy" là cái gì nhưng vừa gặp phải những tâm tư như vậy, nên khi thấy bồi bàn đáp lời rồi đi lấy, liền chỉ vào bát và nói to:
- Ta cũng cần kị húy! Lấy nhiều nhiều vào.
- Vâng! - người hầu bàn đáp một tiếng lớn rồi bưng một cái bình to tướng đến, mồ hôi mồ kê nhễ nhại chẳng nói gì cả liền rót tồ tồ vào bát của Điền Văn Kính, bỗng thấy có vị chua xông lên mũi làm cho Điền Văn Kính nhăn mặt - lúc này mới biết "kị húy" là giấm Lão Trấn Sơn Tây, thế là một bát mì thịt bò nghiêm chỉnh phút chốc chua loét không sao nuốt nổi.
Điền Văn Kính ngẫm nghĩ mà buồn cười, bưng bát lên nhìn đi nhìn lại, một sự nghẹn ngào nuối tiếc. Cuối cùng ông uống luôn một hơi hết nửa bát canh chua đó vào bụng rồi mới chậm rãi khều từng sợi mì lên ăn, chua cay vào bụng làm mồ hôi trán túa ra, nhưng trong lòng bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn. Đang ăn uống tào lao bỗng nghe thấy phía cách tường có tiếng vỗ tay, cười nói ầm ầm, một loạt những tiếng đàn nhạc trầm buồn, rồi có tiếng con gái chậm rãi hát:
Giận quá hóa thành ngu
Phải đổi thay ý nghĩ
Tình đảo điên không nghỉ.
Hải đường này đang say
Dương liễu kia đang chán
Ước mơ ta giống bạn.
Ai làm xưa ngao ngán
Cho ngày nay u sầu
Còn mãi mãi về sau
Như cỏ cây trên núi.
Đã tự biệt ly rồi
Cớ sao không hiểu nổi
Qua đêm dài tăm tối
Là vầng dương sáng ngời.
Mặt nhăn thẹn với đời
Mong ngóng mòn mỏi thôi
Tất cả quăng đi hết.
Chăn thơm ghen giấc mơ
Ngọc đẹp làm sợ hãi
Không ngủ trằn trọc mãi?
Đêm dài tựa một năm.
Cả năm như một canh giờ
Qua ba canh như tam thu dài dằng dặc
Người ta sao chẳng nhanh già?
- Hay! - Điền Văn Kính đã ngà ngà say, "chát" một tiếng đập xuống bàn rồi ông ta cao giọng: - Nhưng mà lời hát hơi ủy mị, ta có mấy câu tiếp tục đây!
Nói xong, ngẩng đầu lên giọng đọc:
Chỉ tại lòng nông cạn
Vô cớ lại buồn rầu
Mây che trời u ám.
Ném đàn đi để đeo kiếm vào
Leo lên lầu bằng phẳng mà khói sương mịt mù.
Chẳng thà quay trở lại
Cái ở trong bình là đắng chua cay
Mặc cho anh ta áo quần xộc xệch!
Giấm là "kị húy", "kị húy" là giấm
Ai biết rằng trong đó rất diệu kỳ...
Lẩm bẩm xong ông cười vang, nhưng những giọt nước mắt không lời lại trào ra. Khách khứa ở đó thấy ông say, mồm miệng ngọng nghịu ca, nên cũng không ai chú ý. Đang lúc lộn xộn đó, bỗng rèm cửa mở ra, một người nha đầu vừa cười vừa tiến vào, đi thẳng tới trước mặt Điền Văn Kính cúi chào và nói:
- Thưa tiên sinh, gia chủ tôi nhẹ nhàng thanh tịnh, vô cùng ngưỡng mộ tiên sinh, kính mời tiên sinh cất bước, vào trong ngồi nói chuyện.
- Gia chủ ư? - Điền Văn Kính nheo mắt liếc sang và hỏi: - Gia chủ nhà ngươi là ai? Ông... ông ta sao không tự thân đến?
Nha đầu nhếch mép cười và thưa:
- Gia chủ tôi họ Ô húy Tư Đạo cũng là người Bắc Kinh đến, chân có tật nên không tự đến được.
Điền Văn Kính đứng dậy, một luồng gió lạnh tràn vào làm ông tỉnh rượu vội vàng bước theo nha đầu vào trong. Liếc nhìn gia chủ, thấy Ô Tư Đạo khoảng bốn mươi nhăm, bốn mươi sáu tuổi, mặc chiếc áo dài len trân châu màu xanh da trời, bên ngoài khoác một chiếc áo cộc tay bằng len Sơn Dương, khuôn mặt gầy guộc vẫn hiện vẻ hồng hào, hai con mắt sâu thăm thẳm dưới đôi lông mày uốn cong như trăng lưỡi liềm, lộ ra một vẻ thâm trầm, ông ngồi xếp bằng ở giữa, trên tay cầm một chiếc quạt gấp đang trầm tư suy nghĩ, hai bên hai thiếu nữ dung mạo yểu điệu, kiểu cách lẳng lơ, đầy đầu châu ngọc, toàn thân lụa là, lắc la lắc lư, ngọc châu xúng xính. Điền Văn Kính chắp tay cười mà rằng:
- Ô tiên sinh, phiền ngài đấy!
- Xin mời ngồi. - Ô Tư Đạo nói không to nhưng nghe rất rõ. Ông ta cũng nhìn thăm dò Điền Văn Kính, hai hàng lông mày chổi sể dựng ngược, ánh mắt long lanh, môi trên để hàng ria mép hình chữ bát, râu dưới cằm uốn cong lên, khóe miệng hơi xếch trông rất mạnh mẽ, rõ là người đa tài đa trí - như sách thường gọi "dáng diều hâu" thì đây là một chứng cứ hiển nhiên. Mãi sau, Ô Tư Đạo cười thản nhiên, chỉ vào hai thiếu nữ nói:
- Không có người xa lạ, hai cô gái này đều ở Hạ Sơn Kinh tên là Phong Cô và Lan Thảo Nhi. Còn tiên sinh cũng là người nhà, hãy chúc thọ ngài! Xin hỏi quý danh tiên sinh?
Điền Văn Kính hất bím tóc ra sau ghế rồi từ từ ngồi xuống, đón lấy rượu ở tay hai cô gái, mỗi tay cầm một cốc uống "ực" cạn chén, lau miệng cười nói:
- Ta là Điền Văn Kính bất tài. Tiên sinh quả diễm phúc! Hai thê tử, rõ là nhất càn nhị khôn! Với người phú hào như tiên sinh cũng đã có mười mấy tiểu thiếp rồi?
- Ta không có thiếp. - Ô Tư Đạo thở dài và nói: - Nga Hoàng Nữ Anh, cũng chẳng nghe nói ai thê ai thiếp, hà tất thân phận thế này? Ồ... Điền Văn Kính... hình như là sứ thần đi truyền chỉ tới đại tướng quân Niên ở miền Tây phải không?
Điền Văn Kính không nén được sự khó chịu, mình và tuần phủ ở mảnh đất này đã làm những chuyện long trời lở đất, thiên hạ đều biết mà sao con người này lại không biết gì? Mà giọng điệu của Ô Tư Đạo cũng làm ông ta khó chịu vì vậy mới cười nói:
- Ta vừa ở ngoài nghe thấy các âm thanh của đại nha, cứ tưởng rằng tiên sinh thủ bút? Không biết rằng ở đâu cúng lễ nhỉ?
- Ta chính là mộ khách ở nha môn tuần phủ này.
- Ta chính là quan lang của bộ Hộ đây! - Điền Văn Kính trợn mắt nói một cách kiêu ngạo.
Thấy Điền Văn Kính có vẻ cáu, Ô Tư Đạo ngơ ngác, rồi "phì" cười mà nói:
- Tiên sinh lại quên nói còn là khâm sai thiên sử nữa chứ!
- Trước nay đúng như thế!
- Ồ... Ô Tư Đạo cười trêu chọc - Chả trách tối nay ở ngoài cứ rối mù lên vì ánh sáng loạn xạ. Trong nha thất này thì ánh sáng huy hoàng rực rỡ, quá thất lễ đấy, thì ra là thiên sử đến.
Những người ở trong phòng nghe nói trêu như vậy đều cười khanh khách.
Nghe ông ta khinh nhờn vô lễ như vậy, Điền Văn Kính tức đến toát run người vịn vào thành ghế đứng dậy, nhìn Ô Tư Đạo bằng vẻ hằn học. nghiến răng nói:
- Ta dù không có công cán gì thì cũng là bậc sĩ đại phu, không thể coi như người đeo bị đi ăn xin được. Túc hạ không nghe nói "Cóc chết ba năm quay đầu về núi" ư? Biết đâu có thể sụp đổ cả núi băng, túc hạ dẫn "Nga Hoàng Nữ Anh" của mình đi mà hành khất ở dưới bãi tha ma ấy!
- Điền đại nhân hãy ngồi xuống đi. - Ô Tư Đạo lấy cán quạt chỉ chỉ xuống ghế, thay đổi sắc mặt cười mà rằng: - Yêu cái bệnh tật, ghét thuốc thang, ngay cả mấy câu tiếng lóng đó cũng không hiểu hay sao? Mà ngài nói tới hai chữ "núi băng", tức là đã chọc vào lòng kẻ dưới này rồi. Kẻ dưới lúc nhỏ cũng không bị ràng buộc gì, chu du ở Giang Hoài, học hành ở Chung Nam, lăn lộn ở nơi công đường hàng chục năm, đến nay thân tàn như thế này, đã sớm đoạn tuyệt với những ước mơ quan tướng rồi. Nguyện phục ở đây đợi đại nhân tiên sinh qua cửa, xin làm danh thần phò tá đại nhân không rõ ngài có chịu thu nhận không?
Điền Văn Kính ngạc nhiên nhìn xoáy vào Ô Tư Đạo, thấy nét mặt ông ta trang nghiêm trịnh trọng, không phải là mỉa mai hay tố khổ, đích thực là một kẻ có tâm tư đặc biệt, bèn nhẹ nhàng ngồi xuống nói:
- Ta đã đến cái hoàn cảnh như ngày nay ngươi có biết không? Ngươi làm tướng của Nặc Mẫn chẳng to hơn là theo ta làm quan ở một bộ nhỏ bé này ư?
Ô Tư Đạo cười đáp:
- Hoàn cảnh của ngài lúc này sao tiểu nhân lại không biết? Vụ thất thoát ở Sơn Tây ngài tấu nhưng là sai sự thật, kiểm tra không minh bạch, hiện đang tiến thoái rối bời, khó khăn chồng chất, tiểu nhân tôi sao lại không nhân cơ hội này mà tránh xa núi băng để về nấp ở bóng ngô đồng, nhất định phải đợi chờ khi con khỉ chạy ra là ta tóm?
Điền Văn Kính nghe ông ta nói hàng loạt như vậy, ngẩn người ra hồi lâu, thở dài và nói:
- Cho dù là thật hay giả, ta cũng cảm ơn tình cảm của ngươi. Chỉ có điều hiện nay ta chưa vượt qua được "Hỏa Diệm sơn" thì nói gì tới chuyện "cây ngô đồng"! Nặc Mẫn, ông ta cúi thấp đầu, là một bức tường rắn chắc, sợ rằng va vào sẽ vỡ đầu không ổn đâu...
- Nặc Mẫn chỉ biết thích lập công, không ưa ve vuốt chỉ biết đọc sách chứ không biết viết văn, biết mài kiếm mà không đâm giặc, ngài bị tiếng tăm khoác lác của ông ta dọa rồi. Xin nói để ngài rõ vụ thất thoát ở Sơn Tây là số một trong thiên hạ. Chỉ một mình Điền Văn Kính ngài kiểm tra là chưa đúng pháp luật!
Ô Tư Đạo rót ra hai chén rượu mỗi tay một chén đưa cho hai phu nhân uống, rồi cười nói:
- Thực ra là hắn giở trò quyền thuật nhưng chỉ lừa bịp được nhất thời, làm sao lừa mãi được; lừa được những dân thường, sao lừa được sĩ tử; đương kim thiên tử kiểm tra sẽ biết ngay trí tuệ của Nặc Mẫn, cuối cùng liệu còn được ân sủng nữa hay không?
Điền Văn Kính càng nghe càng sợ, tất cả những lời nói đó đều là lời chôn giấu trong lòng mình, rõ ràng là những cái giả dối rất dễ nhìn thấy, nhưng nếu chỉ có một mình thì cũng khó moi ra được! Tên Ô Tư Đạo này đã từng làm môn khách nha môn của Nặc Mẫn, phải chăng hắn đã nhìn được những sự tình lừa đảo ở nơi đó? Mà tại sao hắn lại vứt bỏ cái lớn để chọn lấy cái nhỏ, vứt bỏ vinh hoa để chấp nhận sự nhục hèn, lại đi dựa dẫm vào chức quan sử nhỏ bé như ta? Ngẫm nghĩ mãi lại sợ hay là đêm nay gặp Ô Tư Đạo cũng là nằm trong mưu kế của Nặc Mẫn, liền nói:
- Lời nói của tiên sinh rất dễ nghe, nhưng đáng tin cậy được mấy phần đây? Nặc Mẫn là tín thần của thiên tử, mà lại bảo là "núi băng" là thế nào?
Ô Tư Đạo lạnh nhạt nói:
- Ngài nhìn kỹ đi, ta là một người tàn phế. Nhưng thực ra ngài chưa hiểu được là Lý Vệ tiến cử ta vào cửa Nặc Mẫn, Niên Canh Nghiêu với ta cũng chẳng lạ gì nhau! Nói thật với ngài ta như thế này làm không nổi chức quan, nhưng ta vẫn có chút tài, ta yêu rượu ngon sắc đẹp nên chưa nỡ vứt bỏ cái thân tàn mà tự tìm nơi dựa dẫm. Trời đất này có tám chữ "Lễ, nghĩa, liêm, sỉ, tửu, sắc, tài, khí" nó như là trận đồ bát quái. Liêm là cửa sinh, tài là cửa tử, Nặc Mẫn vào cửa tử thì có thể ra bằng cửa sinh hay không?
Gặp những tấm lòng như vậy, Điền Văn Kính không thể không chịu thua, ông ta nâng cốc uống, đứng thẳng người nói:
- Nhưng trong kho hóa đơn bạc tồn đã đối chiếu tới ba lượt, không thể sai sót. Bọn lừa đảo làm thế nào, xin tiên sinh chỉ bảo, ta xin đội ơn tới lúc răng long đầu bạc?
- Không nên nói tới "răng long đầu bạc" làm gì. - Ô Tư Đạo cười nói: - Chỉ là vì nửa đời trước của ta long đong lận đận, nửa đời sau muốn được vui chơi tửu sắc. Ta với ngài giao ước với nhau, nếu ngài chịu cung cấp lương cho ta mỗi năm 3 nghìn lạng; sau này có thăng tiến thì mỗi năm 5 nghìn; khi được khai phủ phong đất thì mỗi năm 8 nghìn lạng; đáp ứng được như vậy ta giúp cho ngài chiến thắng vụ này!
Điền Văn Kính nhìn chằm chằm vào Ô Tư Đạo chân đưa đi đưa lại đáp:
- Được!
- Quân tử nhất ngôn!
- Đã nói là làm!
- Tốt! - Ô Tư Đạo quay lại nhìn Phong Cô và Lan Thảo Nhi cười mà rằng: - Nhà ta hình như còn có hậu phúc. Điền đại nhân, ngài đã kiểm tra lại kho chưa?
Điền Văn Kính ngơ ngác hỏi:
- Cái đó ta còn phải hỏi gì nữa? Việc đầu tiên ta đã làm là kiểm kho bạc! Tổng cộng hiện còn 305 vạn 4 nghìn 211 lạng so với danh mục sổ sách không sai tí nào.
- Đều gói bằng giấy tang bì phải không?
- Ta đã bóc tách ra xem thử.
- Đóng thỏi Bắc Kinh hay Đài Châu?
- Đều không phải, mà toàn là bạc tạp. Khoảng 30 vạn lạng là loại Đài Châu có vân, trọng lượng mỗi thỏi 50 lạng.
Ô Tư Đạo chớp chớp mắt rất ranh mãnh, xòe cái quạt ra lại gấp vào, mãi hồi lâu sau mới cười khanh khách nói:
- Đã rõ chưa?
Điền Văn Kính hãy còn lơ mơ, Ô Tư Đạo lại nói tiếp:
- Đã là lửa làm hao bạc, đã báo về bộ Hộ, trong kho sẽ không thể có loại bạc tạp được! Đây chính là nói...
Ông ta nói chưa xong thì Điền Văn Kính liền hiểu, cao hứng đứng phắt dậy:
- Nói phải lắm! Ta sao mãi chẳng nghĩ ra nhỉ? Nói như vậy là trong kho thực tế chỉ tồn số bạc thỏi là 30 vạn, ngoài ra đều là mới gom góp bỏ vào bù cho triều đình!
- A-di-đà-phật! - Ô Tư Đạo hai tay chắp lại nói: - Túc hạ giờ này đã tỉnh rượu rồi!
Khi Điền Văn Kính và Ô Tư Đạo đang bàn cách thanh tra việc thất thoát ở Sơn Tây tại quán ăn nhỏ phố đèn, thì thị vệ cấp hai Càn Thanh môn vừa mới nhậm chức. Đồ Lý Sâm đã nhận lệnh đến làm tuần phủ nha môn Tiểu Đông Quan. Đồ Lý Sâm là cháu Đồ Hải - nguyên đại tướng quân ở Phủ Viễn, nhờ công đức của tổ phụ mà trưởng thành. Ngày ấy tướng quân Trương Ngọc Tường đang ở mạn Hắc Long Giang, khi kỵ binh La Sa tiến vào, Đồ Lý Sâm đã từng đang đêm dẫn mười tám kỵ binh tấn công thẳng vào doanh trại giặc ở Bàn Cứ Mộc giết chết tướng Ma-ha-la-phu của nước La Sa, được Ung Chính gọi là "Thiết đảm anh hùng", vừa tròn hai mươi tuổi đã thân chinh đánh trên mười trận biết bao lần xông vào thập tử nhất sinh mà vẫn thoát chết. Tuy nói cái chức thị vệ cấp hai mới tấn phong rất bình thường, nhưng vừa mới gặp hoàng thượng đã ban cho áo mũ, đồ trang sức, giao làm chính sứ Càn Thành môn. Ai cũng biết rõ, người này lên làm thị vệ nhất đẳng chỉ là chuyện thời gian sớm hay muộn mà thôi. Đồ Lý Sâm đã xuống ngựa trước bia hạ mã bên tường tuần phủ, hai mươi mấy người tùy tùng trẻ cũng nhất tề xuống ngựa thu yên. Lính gác thấy sự việc như vậy ở trước cổng phủ, biết là người đến đây không phải là nhỏ, một tên gác cổng quan vội vàng chạy ra, thẳng tới trước mặt Đồ Lý Sâm chào rồi cười nói:
- Đại nhân vạn phúc kim an! Xin được hỏi quý danh, nơi làm việc và đến vui chúc nha môn nào?
Đồ Lý Sâm ngẩng đầu tự nhiên nhưng không nói gì, trước cổng nha môn tuần phủ có tám ngọn đèn, mười sáu đĩa để các hộp lửa, con quay chuột, cùng một lúc bốc lửa, ánh sáng nhiều màu tỏa ra rực rỡ, soi rõ khuôn mặt thanh tú mà lạnh lùng của ông, giống như tượng đá thâm trầm bất động. Một tên hộ vệ cùng đi chạy lại trả lời thay:
- Đây là tướng quân họ Đồ của chúng tôi. Vừa mới từ Bắc Kinh đến, cần gặp Nặc Mẫn để truyền chỉ.
- Dạ! - tên gác cổng sợ hãi nhìn Đồ Lý Sâm khấu đầu nói: - Không nhận được sự báo trước, nên không biết khâm sai đại nhân giá đáo, xin Đồ tướng quân tạm đợi, bỉ chức xin vào bẩm báo Nặc trung thừa.
- Không cần. - Đồ Lý Sâm gật đầu nói: - Ta không thích nghi lễ suông bởi vậy trên đường đi mới không báo tin trước. Ngươi không cần phải bẩm báo gì cả, ta một mình vào là được.
Nói xong ông quay lại vứt roi ngựa cho tên tùy tùng. Lúc này tên lính gác mới nhìn thấy, dưới tai trái Đồ Lý Sâm có một vết sẹo dao chém dài tới bốn thốn: dưới ánh lửa chiếu vào nó đỏ au trông rất sợ. Hắn muốn nói điều gì nữa, nhưng nhìn thấy Đồ Lý Sâm với thái độ ngạo mạn chẳng coi ai ra gì nên lắp bắp trong miệng rồi lùi ra xa.
Đồ Lý Sâm không nói gì thêm, tiếng chân bước lộp cộp trên đường đá ngoằn ngoèo, chẳng mấy chốc đã tới trước Nghi môn, qua ánh sáng đèn nhìn rõ dòng chữ trên câu đối:
Giản mệnh trú Binh Châu, cảm tần niên hãn hoạn ngự tai, sáng giả lập, phế giả hưng, giáo giả thâm, dưỡng giả hậu xâm thực phất hoàng thuần dĩ Tế dân tận thần chức.
Sứ quân thông Tấn tỉnh, thính bách tính ca công tụng đức, lương dĩ an, ngoan dĩ hóa, kiếp dĩ chuyển, khỉ dĩ đăng, liền lao bị trí, lực năng tạo phúc khế thiên tâm.
Chẳng biết vì sao Đồ Lý Sâm mỉm cười thoáng qua khóe miệng rồi quay đầu nói với tả hữu rằng:
- Nặc Mẫn đại nhân xứng đáng với hai vế câu đối này, chí hướng này không tầm thường!
Nói xong lại tiếp tục tiến vào coi như hai bên chẳng có người nào khác. Nha môn tuần phủ đang qua đêm Nguyên tiêu, trước dinh Tây Hoa là một khoảng trống không, ở đó có đến mấy chục môn khách tướng công, các sư gia hàng đoàn, tụ tập đông đúc như sao trời, Nặc Mẫn ngồi ở giữa đám người hồ hởi đó, xung quanh tiếng người mời rượu chúc nhau rối rít, người nào người nấy uống rượu mặt đỏ như gấc chín. Hai bè nhạc sáo tiêu nhất tề tấu diễn, mười hai cô đào quần áo sặc sỡ hát múa nhảy nhót, tiếng ca lanh lảnh vang xa:
Trang điểm nhẹ nhìn càng lóa mắt
Tiếng đàn lòng bím tóc hòa vui
Gió trăng, ký, họa đua mời
Ấp e khóc mắt nụ cười yêu sao
Đợi tranh chim thúy mở
Màn phù dung che đi
Những thẹn thùng dần hết.
Qua ngọn đèn leo lét
Nhìn chẳng thấy đồng xanh
Gửi lời đôi chim yến
Dặn nhau bao ý tình
Đường về chồng chất khó khăn
Khi nào Ta lại với Mình bên nhau
Nói sao hết chuyện tình yêu
Ngọn hoa còn đó, sớm chiều vần xoay.
Khi Đồ Lý Sâm chen lẫn vào xem cùng quan khách ở đó, Nặc Mẫn ngồi nghiêng nghiêng trên ghế giữa, bím tóc to bóng mượt hất ra sau ghế, khuôn mặt trắng như màu chiếc mũ ngọc đang đội, đôi mắt xếch không to lắm, môi trên để lộ bộ ria đen xì hình chữ nhất, mặc một chiếc áo dài da báo tím có in hình hoa hồng, ngoài khoác một bộ áo vóc đen. chân xoạc ra, hai tay gõ nhịp theo tiếng nhạc. Đồ Lý Sâm chau mày, ông ta phụng chỉ trước hết phải đi quan sát Nặc Mẫn rồi sau mới truyền chỉ. Nhìn Nặc Mẫn ở trước mắt như thế này ông không thể hình dung được diện mạo ông ta hàng ngày ngồi ở nha môn làm việc thì như thế nào? Chỉ trong vòng nửa năm trời mà ông ta giải quyết xong xuôi hết những tổn thất của kho Sơn Tây tích tụ hàng mấy chục năm! Đang nghĩ, nhìn thấy một sư gia tiến lại nói nhỏ mấy câu vào tai Nặc Mẫn. Nặc Mẫn ngồi ngay ngắn lại, cười khanh khách nói:
- Cái tên Ô Tư Đạo này, chẳng qua là ta nể mặt Niên đại tướng quân và Lý Vệ mà thu lưu nó, lương bổng có phần đầu tiên, lại chỉ là tên tàn phế, chẳng làm việc gì sao nó ăn ở trong mà bíu lấy việc ngoài? Cái con kỹ nữ tư thông với Điền Văn Kính đã bắt được chưa?
- Bắt được rồi ạ! - sư gia cười vui vẻ đáp: - Thật sự là một người tuyệt vời trên thế gian này. Phủ đài có cần gọi hắn...
- Không cần. - Nặc Mẫn lắc đầu nói: - Trước hết nhốt vào phòng để ghi nhận xong, đợi chỉ xử lý Điền Văn Kính đến rồi ta sẽ áp giải cả người và chứng cứ về Bắc Kinh luôn!
Đồ Lý Sâm cảm thấy mình đã hoàn thành công việc Ung Chính giao cho là "xem người trước truyền chỉ sau" miệng quát một tiếng, một tên lính lập tức nhảy vào trước chiếu nói lớn;
- Ngự tiền đới đao thị vệ Đồ Lý Sâm đến tuyên dụ! Những người vô liên quan hãy lui ra, riêng Nặc Mẫn quỳ xuống tiếp dụ!
Mấy con đào nghe tiếng quát giật mình sợ hãi, cuống cuồng bỏ ra ngoài. Nặc Mẫn hoảng sợ đứng dậy, nhưng khi nhìn thấy Đồ Lý Sâm hai tay nâng chiếu dụ có đóng dấu trang trọng bước tới thì vội cười thưa rằng:
- Thiên sứ đã đến mà ta chẳng biết tí gì thật có lỗi, có tội Xin đại nhân tạm nghỉ, ta thay áo sẽ đến lập hương án!
Đồ Lý Sâm khẽ gật đầu, đưa sắc thư cho tùy tùng giữ, đồng thời mặc chiếc áo hoàng đế ban cho vào người chậm rãi dạo bước, khi tới hương án hướng nam thì đứng lại, quả nhiên thấy Nặc Mẫn mặc triều phục xuất hiện, ông ta dập đầu xuống đất nói rằng:
- Thần Nặc Mẫn cung thỉnh thánh an!
- Thánh cung an! - Đồ Lý Sâm cao giọng: - Nặc Mẫn nghe chỉ!
Nói xong mở thánh chỉ ra đọc:
Phụng Chu phê: Nặc Mẫn có bản tấu rất rõ ràng, rất đáng khen, việc thanh lý thất thoát ở Sơn Tây thiên hạ đều biết. Nay truyền các tỉnh cùng thương lượng noi theo. Sơn Tây thất thoát trên 200 vạn, bởi nhiều việc lỏng lẻo. Nay Nặc Mẫn đáo nhiệm nửa năm, xem rõ sự tình tiền bạc phân định giải quyết. Tội của những tiền nhiệm, liên lụy tới người đương nhiệm vất vả, vô tội. Nên các quan được phái đi tỉnh mà làm được như Nặc Mẫn thì thiên hạ này còn gì không làm được? Nặc Mẫn xứng đáng số một trong các thần phủ khắp thiên hạ! Đốc phủ ở tỉnh vẫn hổ thẹn với hiệu quả của mình. Nay triệu Nặc Mẫn nhận hàm của thượng thư và ban thưởng riêng.
Khâm thử.
Nặc Mẫn nghe xong liền dập đầu lia lịa nói:
- Xin Đồ đại nhân tấu lại cho thần rằng, Nặc Mẫn tài đức có là bao mà được nhận ân sâu của chúa thượng nhiều lần, thần nguyện xem việc nước như việc nhà, trung thành với quyết chức, dốc lòng làm cho tam Tấn không còn trộm cắp, trên đường không có người nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, để khỏi phụ lòng chúa thượng đã giao trọng trách này!
Đó là lời đáp mà Nặc Mẫn sớm đã bàn tới với mục khách rồi. Ông ta biết rõ Ung Chính là người chú trọng thực tế, vỗ vào ngựa phải dè chừng vỗ vào chân nó, những câu nói "nếm mật nằm gai, sống chết không từ" chưa muốn nghe mà nên nói những việc thực tế mình đang làm, nếu không thì lại không vừa lòng thánh thượng.
Quả nhiên nét mặt Đồ Lý Sâm hiện lên vẻ tươi cười, hai tay đỡ Nặc Mẫn dậy và nói:
- Thánh thượng thức khuya dậy sớm, toàn tâm mong đợi. Nặc Mẫn đại nhân chăm lo thánh tâm đã là một năng thần rồi. Chúa thượng khen ngài, không chỉ vì ân đức Thánh tổ lưu lại cũng không phải vì Niên đại tướng quân tiến cử. - Nói đến đây liền hỏi: - Điền Văn Kính thế nào?
- Xin trả lời quan khâm sai - Nặc Mẫn trang nghiêm nói: - Điền đại nhân mấy ngày nay liên tục đi kiểm tra sổ sách ngân khố. Hôm nay hoàn tất rồi, nghe nói vào phố xem hội đèn.
- Xem ra ngài không thích việc Điền Văn Kính làm việc ở tỉnh Sơn Tây?
- Cũng chỉ vì cùng là thần tử thực thi, thiên tử trọng trách. - Nặc Mẫn trả lời rất tự nhiên - Cái việc mà chỉ trong vòng nửa năm kiểm tra thanh lý toàn bộ khiếm khuyết của hàng chục năm dồn lại thì khó tránh được những dị nghị đáng tiếc. Điền đại nhân làm việc chăm chỉ, kiểm tra khảo sát rất thực tế, đã giúp ta làm rõ thực hư, ta cảm kích quá! Còn chỗ nào không ưng ý? Nhưng có điều...
Nặc Mẫn nói, đánh mắt sang tả hữu, thở dài mà than rằng:
- Khi kiểm tra thất thoát thì Điền Văn Kính bắt một kỹ nữ nuôi trong dịch quán, quan hệ này làm dư luận ầm ầm cả tỉnh, cái đó đã bôi nhọ cho các quan. Ta thì không tính toán gì, nhưng bọn lâu la dưới quyền thì hậm hực và đã bắt thiếu nữ đó vào trong phủ. Sự kiện này cũng cần Đồ đại nhân xem xét làm thế nào để thể hiện được đẹp cả mọi đằng mà không đến nỗi làm cho Điền đại nhân phải hiểu lầm.
Khuôn mặt Đồ Lý Sâm đang đanh lại bỗng giãn ra cười, chỉ có một thoáng như vậy mới thấy rõ một mặt khác trong tính cách lầm lì cương nghị của ông, nó còn mang một vẻ trẻ trung mà ngây thơ nữa. Dưới sự đạo diễn của Nặc Mẫn, Đồ Lý Sâm chậm bước vê phía chỗ ngồi, mặt khác trả lời:
- Đó có phải là việc trong phận sự tuần phủ của ngài không! Ta biết những chuyện đó để làm gì? Ngài cùng Điền Văn Kính thực hiện lệnh của quan khâm sai giải quyết vụ thất thoát, cái đó ai ai cũng biết. Một tí cái chuyện trăng gió bất quá cũng như là thêu hoa vào gấm thôi mà.
Nặc Mẫn vừa ngồi vừa nghĩ, tay thanh niên này mới làm việc, những câu nói đó cũng chỉ thoảng qua mà thôi liền nói:
- Ta và Điền Văn Kính chẳng có tư thù, Văn Kính cứ cố rước lấy vạ, không chịu buông ra. May mà thánh thượng cao minh xem xét kỹ nếu không thì Nặc Mẫn này cũng không sao đạt được ý nghĩa của bốn chữ "Mạo Công yêu sủng"!
Nói xong cười và lệnh tiếp tục mở tiệc. Vừa lúc đó một tên lính gác tiến vào báo:
- Điền Văn Kính đại nhân đặc biệt đến thăm riêng khâm sai đại nhân!

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI