HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU
Tôn gia Kiềm náo động Cung Đình
Thập tam vương Kim Điện đắc sủng

    
ng Chính giữ các vị a-ca ở lại cùng ăn bữa trưa. Từ buổi sáng, tại linh đường mỗi người được một miếng điểm tâm chay, đến giờ thì ai cũng đói cồn cào cả ruột gan rồi. Trong bữa ăn, ngoài Tam ca Doãn Chỉ, Ngũ ca Doãn Kỳ, Bát ca Doãn Tự vẫn giữ được phong thái đoàng hoàng lịch sự, các người khác thì không còn biết ý tứ là gì, ăn uống ngấu nghiến ngồm ngoàm mồ hôi nhễ nhại. Ung Chính là người rất chú trọng nghi thức, trong lòng ông rất không thích cảnh này, nhưng ông vẫn mỉm cười bảo mọi người cứ ăn uống thoải mái đi. Ung Chính chỉ ăn ít miến thả váng đậu đã dừng tay, súc miệng, rồi ngồi mỉm cười nhìn mọi người ăn xong. Ung Chính đứng lên nói rằng:
- Buổi lễ đã kết thúc, các anh em có việc gì có thể vào gặp ta bất cứ lúc nào!
Nghe vậy, mọi người đứng dậy lau miệng, quỳ lậy tạ ơn, nhốn nháo một hồi rồi ra về. Doãn Tường bởi kiêm chức Thượng thư phòng, là đại thần thị vệ phụ trách bảo vệ Tử Cấm Thành, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của hoàng đế, nên không chịu ngồi vào bàn ăn, cứ đứng sau lưng Ung Chính hộ vệ. Khi tiệc tan, Doãn Tường lại thay mặt Ung Chính tiễn đưa các a-ca ra tận tiền sảnh, Doãn Tường nhìn thấy Long Khoa Đa đứng trước Đông phối điện, liền cười chào:
- Long đại nhân đứng đây lâu chưa? Sao không vào?
Long Khoa Đa đang định nói chuyện với Doãn Tường thì thấy Ung Chính bước ra điện, Long Khoa Đa vội vàng bước lên cúi chào và bẩm:
- Thần mang mẫu đồng tiền mới đến để Vạn tuế da xem ạ! - Long Khoa Đa vừa nói vừa dâng lên một cái gói bọc bằng giấy vàng.
- Ờ! - Ung Chính ngập ngừng giây lát không nhận lấy gói tiền mà ngoảnh sang Đông phối điện gọi: - Lý Đức Toàn!
- Có nô tài! - Lý Đức Toàn qua cửa kính đã nhìn thấy Ung Chính từ lúc nãy, đang đứng trực sau cánh cửa, nghe Ung Chính gọi liền bước ra cúi lạy: - Chủ nhân có ý chỉ gì ạ?
Ung Chính xua tay bảo: - Đi gọi Trương Đình Ngọc và Mã Tề qua đây.
Lý Đức Toàn vâng lệnh đứng lên đang định đi thì Long Khoa Đa nói xen vào:
- Bẩm chủ nhân, Mã Tề đã thoái triều, Trương Đình Ngọc đang tiếp các quan châu huyện mới vào kinh thành, lát nữa Trương Đình Ngọc sẽ đưa họ vào chầu kiến chủ nhân đấy ạ.
Nghe vậy, Ung Chính mới nhận lấy gói tiền nặng trình trịch, gật gù nói:
- Được, lần này có bao nhiêu quan châu huyện vào Kinh?
Long Khoa Đa vội đáp:
- Dạ! 27 người ạ, Trương Đình Ngọc đang hướng dẫn họ về nghi thức chầu kiến, đó chẳng qua chỉ là hình thức thôi, chắc bây giờ đã xong rồi ạ.
Ung Chính cười nhạt và nhìn thẳng vào mặt Long Khoa Đa nói:
- Hình thức ư? Ông cho là vậy sao?
Long Khoa Đa vẻ mặt hoảng hốt, nhìn Doãn Tường rồi cúi đầu không dám trả lời. Việc hướng dẫn các quan châu huyện vào chầu kiến vua, thực ra cứ quỳ lạy là xong, không hiểu ông vua cầu kỳ khó tính này còn yêu cầu gì nữa đây? Đang lúc này Trương Đình Ngọc và một tiểu thái giám ôm một chồng tấu sớ đi vào, thấy Trương Đình Ngọc đang định quỳ lạy, Ung Chính xua tay:
- Miễn lễ, vào đi. - Nói rồi Ung Chính quay vào điện, mọi người đành phải theo sau vào. Ung Chính đi thẳng vào Tây thư phòng, ngồi ngay ngắn xếp chân vòng tròn trên sập và tự tay sắp xếp lại đống tấu sớ mà Trương Đình Ngọc vừa dâng lên. Ung Chính dặn:
- Hòa nhiều một chút chu sa, tối nay trẫm sẽ làm việc thâu đêm.
Lúc này Ung Chính mới tươi cười nói với Long Khoan Đa, rằng:
- Ngươi là tầng lớp quyền quý, xuất thân từ võ lâm, có nói sai trẫm không trách ngươi. Các quan châu huyện tuy chức nhỏ, nhưng họ gần gũi với dân, các ý chỉ của triều đình phải thông qua họ để phổ biến tới bá tính, nỗi thống khổ của người dân là do họ bẩm báo lên triều đình, những điều mà họ nghe được thì dân nghe được, điều mà họ trông thấy cũng là dân thấy, họ vừa làm nhiệm vụ, vừa là tai mắt của triều đình, tầng lớp quan chức này là tối quan trọng đấy. Bởi vậy, việc dẫn kiến không thể làm như bình thường như trước đây là tất cả vào cùng một lúc, quỳ lạy nghe huấn thị rồi ra về. Lần này trẫm phải gặp từng người, sát hạch từng người.
Ung Chính vừa nói vừa mở gói giấy mầu vàng bọc tiền ra xem.
- Bẩm vạn tuế da! - Trương Đình Ngọc khom lưng cúi chào nói: - Thần cho rằng cần chính cố nhiên là cần thiết, nhưng với 18 tỉnh, rộng lớn bao la như vậy, các tỉnh hiện nay thực tế còn thiếu hơn trăm viên quan châu huyện, cộng thêm số quan dự khuyết, dự tuyển, rất là đông, nếu tiếp kiến từng người và tiến hành sát hạch...
- Ngươi không cần nói nữa - Ung Chính mắt không rời đống tiền trên bàn, nói: - Thế thì mỗi lần tiếp 3 người, giờ thì ta hãy xem mẫu tiền trước. Trông như 3 loại đồng tiền này không giống nhau?
Mọi người bắt đầu tập trung xem các đồng tiền, trong một gói to có 3 gói nhỏ, mỗi gói có 9 đồng xu mẫu, tổng cộng là 27 đồng xu. Các đồng tiền "Ung Chính" mới đúc sáng choang được bày làm 3 hàng. Mọi người xem rất lâu mà không phát hiện ra các đồng tiền có điểm gì khác biệt. Ung Chính chỉ vào hàng 1 và hàng 3, rằng:
- Các nét chữ trên các đồng tiền ở hàng thứ 3 không sắc nét bằng các nét chữ trên đồng tiền hàng thứ nhất!
- À! - Long Khoa Đa thở phào, cười bẩm: - Thưa hoàng thượng, có khác biệt ạ, nếu xem kỹ ra thì các đồng tiền hàng thứ hai cũng không nét bằng hàng thứ nhất, bởi 3 hàng tiền này được đúc bằng 3 bộ khuôn đúc khác nhau ạ. Đồng tiền hàng thứ nhất gọi là đồng tiền "Tổ", là tiền mẫu để lưu giữ trong hoàng cung, được đúc bằng khuôn mẫu "Tổ". Hàng thứ hai gọi là đồng tiền "Mẫu", sử dụng khuôn đúc "Mẫu", đúc với số lượng lớn. Hàng thứ 3 gọi là đồng tiền "Tử", sử dụng rộng rãi trong thiên hạ. Bởi vì đúc đi đúc lại hai lần, nên nét chữ của đồng tiền "Tử" không sắc nét bằng đồng tiền "Tổ" ạ.
Ung Chính cười nói:
- Nếu để ý sẽ thấy học vấn khắp mọi nơi. Không ngờ khanh lại tinh thông kỹ thuật đúc tiền như vậy! - Ung Chính như đang suy nghĩ việc gì, đứng dậy đi đi lại lại, rồi đột nhiên hỏi: - Tôn Gia Kiềm vì sao mà cãi nhau với thượng thư bộ Hộ? Cũng vì chuyện nét chữ không rõ hay sao?
Doãn Tường và Long Khoa Đa không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, chỉ nhìn nhau không dám trả lời.
Trương Đình Ngọc:
- Vừa rồi nô tài có cho người đi hỏi qua, không phải vì nét chữ không rõ, mà là vì tỉ lệ đồng và chì dùng để đúc tiền, Tôn Gia Kiềm là chủ sự ty Vân Quí thuộc bộ Hộ, có viết tấu trình đề nghị thượng thư bộ Hộ dâng lên vua ngự lãm. Cát Đạt Huy nói ông ta lắm chuyện, ông ta không phục, rồi hai người to tiếng với nhau, tính khí của Cát Đạt Huy thì hoàng thượng còn lạ gì, Cát Đạt Huy tát Tôn Gia Kiềm một bạt tai, thế là ầm ĩ cả lên.
- Cả hai người đều chẳng ra sao cả! - Ung Chính ngáp dài một cái rồi lại quay sang xem đồng tiền xu, rồi đột nhiên hỏi Trương Đình Ngọc: - Thế đã xử lý cái tay họ Tôn chưa?
- Bẩm chưa ạ.
- Truyền hắn vào gặp trẫm.
- Dạ! - Trương Đình Ngọc ngạc nhiên nhìn Ung Chính một cái rồi vội vàng ra truyền chỉ.
Ung Chính nhìn đồng hồ tự động rồi cười nói:
- Đã giờ Mùi rồi, Doãn Tường chắc đói lắm rồi nhỉ? Hình Niên, đi lấy hai đĩa điểm tâm cho Thập tam da! - Ung Chính vừa nói vừa cầm tấu trình lên đọc Trương Đình Ngọc và Long Khoa Đa cung kính đứng hầu cạnh. Ung Chính giở đọc qua mấy tờ tấu đặt xuống rồi chọn lấy một tập khác đang chăm chú đọc thì có viên quan trẻ độ hơn 20 tuổi bước vào quỳ lạy Ung Chính chẳng để ý đến viên quan trẻ mà quay mặt sang hỏi Long Khoa Đa, rằng: - Sử Di Trực trình tấu rằng tuần phủ tỉnh Sơn Tây Nặc Mẫn bưng bít việc ngân khố bị thiếu hụt, việc này các ngươi có biết không?
- Tâu hoàng thượng. - Long Khoa Đa vội vàng khom lưng cúi bẩm: - Việc ngân khố Sơn Tây bị thiếu hụt, năm Khang Hy thứ 56 đã giải quyết cân đối bù đắp lại rồi ạ, khi đó là hoàng thượng đích thân giám sát bộ Hộ kiểm tra, không thể có sai sót đâu ạ! Tuy nhiên, Sử Di Trực tính tình cương trực, quả thực là một vị quan thanh liêm, ông ta là Ngự sử thanh tra, được phép tấu trình bất cứ việc gì mắt thấy tai nghe, dù là tấu sai, nhưng cũng vì việc công nên cũng không thể trách cứ ông ta được. Xin hoàng thượng minh xét! - Câu trả lời thật khéo, thực ra mọi người có mặt trong điện đều rõ, Nặc Mẫn và Sử Di Trực đều là người đo Tổng đốc Thiểm Cam Niên Canh Nghiêu tiến cử, Niên Canh Nghiêu lại là người mà hoàng đế đương thời tín nhiệm nhất. Doãn Tường ngồi bàn bên cạnh nhấp nháp bánh điểm tâm, nghe vậy nghĩ thầm trong bụng: - "Khôn khéo thật một con trạch già đời!"
Ung Chính giờ mời chú ý nhìn viên quan trẻ đang quỳ trước sập, quần áo xộc xệch, cái nón trên đầu bị gãy chóp làm rơi cả chùm nơ mầu đỏ, cổ áo bị rơi một chiếc cúc, khả năng là do khi giằng co với Cát Đạt Huy làm rơi mất. Viên quan trẻ này có đôi mắt ốc nhồi, mặt dài như quả bí đao với cái mũi khoằm khó coi. Ung Chính chợt nhìn đã sinh ác cảm lạnh nhạt hỏi: - Ngươi là Tôn Gia Kiềm ư? Về bộ Hộ từ khi nào? Sao trẫm chưa gặp ngươi bao giờ?
- Bẩm Vạn tuế da! - Tôn Gia Kiềm dập đầu ba cái thật mạnh lên nền nhà lát gạch vàng rồi lên tiếng: - Thần là tiến sĩ bảng khoa năm Khang Hy thứ 60, ở bộ Lễ được 3 tháng thì chuyển về bộ Hộ. Khi đó bộ Hộ đã kết thúc công việc truy đòi công nợ đối với các quan chức, Vạn tuế da đã quay về vương phủ, nên thần không có phúc được thấy long nhan ạ.
Ung Chính cười nhạt rằng:
- Không gặp ta chưa hẳn là họa, gặp ta chưa hẳn là phúc. Tiến sĩ năm Khang Hy thứ 60 ngoài những người được phân vào Viện hàn lâm làm công việc biên soạn sách ra, bất luận các quan cử đi ngoại tỉnh hay ở lại Kinh thành, chưa ai leo lên được chức quan lục phẩm! Ngươi luồn lách như thế nào, được ai nâng đỡ, leo nhanh như vậy mà còn không chịu an phận?
Tôn Gia Kiềm đáp lại:
- Bẩm Vạn tuế da, từ ngày búi tóc đi học, thần luôn vâng theo lời dạy của thánh nhân, việc nhà việc nước không dám trễ nải, trong khóa thi thực ra thần trúng Truyển lu (xếp thứ tư), hồi đầu thần được phân về Viện hàn lâm nhận chức Chệ cát sĩ, nhưng chỉ vì mặt mũi hình thức xấu xí, ngài học sĩ Tổng quản Học viện chê rằng: - Ngày đại lễ chúc thọ Thánh tổ 60 tuổi, bộ dạng ngươi mà đứng trong đội danh dự thì còn ra quái gì? Ngài Tổng quản đã hội ý với bộ quan lại, điều chuyển thần sang bộ Hộ, giáng xuống chức chủ sự... Vạn tuế da nói là thần luồn lách leo cao, quả thực là thần không biết nói sao? - Tôn Gia Kiềm nước mắt giàn giụa nói không nên lời.
- Hóa ra là như vậy. - Ung Chính nghiêm nét mặt, có vẻ động lòng. Rồi cười rằng: - Tướng mạo khuất tài, cổ có Trung Quỳ, kim có Tôn Gia Kiềm thật đáng tiếc, nhưng quân tử hữu trí, biết tu tâm dưỡng tính, ngươi được trúng thứ tư khoa giáp, học vấn chắc là khá, nhưng tại sao lỗ mãng như vậy, to tiếng chốn Cung đình, đánh nhau với đại thần, làm huyên náo cả Tây Hoa môn, ngươi đã ngông cuồng quá mức rồi!
- Vạn tuế đa có biết trên thị trường hiện nay một lạng bạc đổi được mấy đồng tiền Khang Hy?
Tôn Gia Kiềm nhìn chằm chằm vào Ung Chính, với giọng đanh thép: - Vạn tuế da đúc tiền là nhằm tiện lưu thông trong dân, hay là để tô điểm cho sự thái bình thịnh trị?
Các thị vệ thái giám trong điện nghe Tôn Gia Kiềm liên hồi tuôn ra những câu chất vấn, ai nấy đều hồn xiêu phách lạc. Trong Hoàng môn, Ung Chính được coi là "con người đanh thép", cứng nhắc lạnh lùng và đa nghi, tâm địa hiểm ác, từ trước đến nay chưa thấy ai dám mạo phạm ông ta trước đám đông người, huống chi Tôn Gia Kiềm chỉ là một viên quan lục phẩm quèn! Thấy sắc mặt Ung Chính sa sầm xuống, Trương Đình Ngọc và Long Khoa Đa nháy nhau định tìm cách hòa giải bầu không khí căng thẳng, thì Doãn Tường đã lớn tiếng quát:
- Tôn Gia Kiềm! Ngươi nói với Vạn tuế da như vậy sao? Người đâu, lôi cổ hắn ra ngoài!
- Khoan! - Ung Chính đã bình tĩnh lại, trầm ngâm giây lát rồi nói: - Trẫm không chấp cái tính ngang ngạnh của ngươi. Ừ, theo giá quan, một lạng bạc có thể đổi được hai nghìn xu, điều đó có liên quan gì đến việc của ngươi?
Tôn Gia Kiềm cũng đã ý thức được sự thất lễ của mình, vội dập đầu lậy, rằng:
- Thần tính bộp chộp, Vạn tuế da tha cho thần vô cùng cảm kích. Vạn tuế da vừa nói là giá quan. Nhưng thực tế hiện nay đã không phải như vậy nữa ạ. Một lạng bạc Đài Châu, giá thị trường thực tế chỉ đổi được 750 xu thôi.
Người khác nghe nói vậy thì cảm thấy bình thường, riêng Trương Đình Ngọc như bị điện giật, cảm thấy choáng váng trong người. Ông ta làm Thừa tướng lâu năm, hiểu rõ những điều rích rắc trong chuyện này.
Ung Chính cười nói: - Đồng tiền giá cao thấp, từ cổ xưa cũng vậy, có gì lạ đâu? Ngươi sao phải làm toáng lên? Ngươi là người của ty Vân Quí sau này bảo (tỉnh) Vân Nam khai thác thêm nhiều đồng và chì để đúc nhiều tiền nữa, há chẳng cân đối rồi sao?
Long Khoa Đa chau mày rằng: - Khai thác thêm mỏ cố nhiên là một biện pháp, nhưng e rằng có nhiều thợ mỏ tụ tập dễ sinh sự, khó quản lý.
Doãn Tường hỏi:
- Tôn Gia Kiềm, theo ngươi thì vì sao bạc và giá đồng tiền không thể cân đối được?
Tôn Gia Kiềm thưa:
- Thập tam da, đồng tiền Khang Hy có hàm lượng tỷ lệ đồng và chì không thỏa đáng, nửa đồng nửa chì, nên có gian dân thu mua đồng tiền về để tách đồng ra chế thành đồ đồng đem bán. Qua tay đã lãi mấy chục lần. Bởi vậy nhà nước có khai thác nhiều mỏ mấy cũng không thể lấp đầy cái hố không đáy này ạ. Triều Minh suy vong, một nguyên do quan trọng cũng vì tiền bạc bất cân đối. Nay chủ nhân lên ngôi, chủ trương cách tân chính trị, làm trong sạch bộ máy quan lại, thì vì sao lại đi theo vết xe cũ?
"Việc này có can hệ cục diện chính trị và cơ cấu tổ chức quan lại ư!". Ung Chính chưa hiểu hết vấn đề nên trầm ngâm suy nghĩ.
Trương Đình Ngọc thấy Tôn Gia Kiềm nói chưa được rõ, nên giải thích:
- Vạn tuế da, những điều ẩn khuất trong vấn đề này Vạn tuế da nghe là rõ ngay thôi. Triều đình bỏ tiền ra khai khoáng đúc tiền, bọn buôn đồng thu gom tiền để đúc thành đồ đồng, trong dân gian tiền tệ lưu thông bất tiện, buộc phải lấy hàng đổi hàng; do vậy đồng tiền tăng giá không có lợi cho bá tính. Đó chỉ là thứ yếu, điều quan trọng hơn là quốc khố thu thuế bằng bạc, với giá chuyển đổi một lạng bạc đổi 2000 xu. Các bá tính ở thôn quê lấy đâu ra bạc? Đành phải theo giá quan mà nộp đồng xu, các viên tham quan dùng 2000 đồng xu đổi lấy hai lạng bạc, nhưng chỉ nộp vào quốc khố một lạng thôi...
Hóa ra là như vậy! Trương Đình Ngọc chưa nói hết lời thì trong bụng Ung Chính đã rõ như ban ngày: Hàng năm triều đình thu thuế, hóa ra có một nửa rơi vào tư túi của các quan lại địa phương! Nghĩ đến việc bọn tham quan khéo léo chiếm đoạt tiền của và ra sức bóc lột dân chúng vẫn chưa thỏa lòng tham, còn vay mượn vàng bạc của quốc khố, rồi chây ỳ không chịu hoàn tra, làm cho quốc khố rỗng tuếch, trên sổ sách ghi năm ngàn vạn lượng, nhưng thực tế chỉ còn tám trăm vạn lượng... Ung Chính tức giận vô cùng, ông nhìn vào 27 đồng xu mới sáng choang trên bàn, chỉ muốn cầm quẳng ra ngoài cửa. Ung Chính suy nghĩ một hồi lâu rồi ngoảnh sang Tôn Gia Kiềm, hỏi:
- Theo ngươi thì tiền phải đúc như thế nào?
- Đồng 4 chì 6 ạ.. - Tôn Gia Kiềm trả lời: - Mầu sắc có kém một chút, nét chữ hơi tù một chút, nhưng xóa bỏ được tệ nạn về đồng tiền, với nước với dân chỉ có lợi không có hại, cớ sao mà ta không làm? Xin hoàng thượng minh giám!
Đôi mắt Ung Chính lóe sáng rồi lại ảm đạm dần. Vừa rồi gặp các a-ca, Ung Chính nói rằng Thánh tổ và trẫm là một, nhưng chỉ chốc lát đã định thay đổi tỷ lệ đúc tiền của Thánh tổ, ai mà biết được đám anh em đã sẵn lòng ghen ghét kia sẽ phao tin đồn nhảm gì đây? Theo phép xưa "phụ khuất, tam niên tử bất cải đạo", có nghĩa là trong ba năm đầu, mọi quy định của Khang Hy không được phép có tơ hào thay đổi, nếu vì việc đúc tiền mà gây ra tranh luận trong triều chính, Bát a-ca sẽ mượn gió bẻ măng thì cục diện triều chính này đang nóng bong sẽ như lửa gặp gió bùng cháy lên, hậu quả khôn lường. Ung Chính hiểu rằng, với đức độ của mình chưa thể làm mọi người thuần phục, nhờ uy quyền mà Khang Hy trao cho mới cố gắng duy trì được cục diện như hiện nay đã không phải là dễ dàng. Nếu nhất sự bất cẩn, để "đảng Bát a-ca" với thế lực hùng mạnh trong triều đình kết hợp với lực lượng của 5 bộ tộc người Mãn do họ quản lý, viện cớ nổi lên chống đối, thì cái ngôi vua sẽ sụp đổ tan tành! Nghĩ vậy Ung Chính đã có chủ định, rồi cười rằng:
- Trẫm tưởng ngươi có tài giỏi gì, cũng xoàng thôi! Thánh tổ hoàng đế chủ trì triều chính 61 năm, năm nào cũng đúc tiền, đều với tỷ lệ nửa đồng nửa chì, đã tạo dựng lên hình ảnh triều đại Khang Hy thịnh vượng! Ngươi chỉ là một viên quan nhỏ, dám bạo gan dù đại sự triều đình, vô lễ với cấp trên, làm huyên náo chốn cung đình, nhưng thấy ngươi tuổi trẻ còn bồng bột, hơn nữa là vì việc công tranh luận với cấp trên, nên trẫm nương nhẹ, cách chức chủ sự ty Vân Quí bộ Hộ của ngươi, chờ phân công việc khác, cắt bổng lộc nửa năm. Nực cười thật, trẫm còn bao nhiêu đại sự quốc gia phải giải quyết, thế mà mất nửa ngày để nghe ngươi nói những chuyện không đâu ra đâu cả! - Thấy Tôn Gia Kiềm còn muốn giải thích, Ung Chính quát ngăn: - Thôi, đi đi! Về đọc thêm sách nữa hãy đến gặp trẫm!
Tôn Gia Kiềm hậm hực lui ra khỏi cung điện. mọi người thở phào nhẹ nhõm. Doãn Tường định nói đỡ cho Tôn Gia Kiềm, nhưng thấy Ung Chính không vui nên không dám mở miệng. Trương Đình Ngọc là người sâu sắc và tinh đời, ông hiểu Ung Chính đang nghĩ gì, nhưng lúc này tốt hơn hết là không nên nói gì. Long Khoa Đa cho rằng lời nói cửa Tôn Gia Kiềm có lý, nên cười bẩm: - Tôn mẫu tuy hỗn xược song thần cho rằng hắn không có tư tâm, mà có lòng lo cho triều đình, nghị luận của hắn về phương pháp đúc tiền cũng có lý, xin hoàng thượng hãy bỏ qua cái dở và ghi nhận điều hay của hắn, đưa bản tấu của hắn qua lục Bộ bàn thảo, để mọi người tham gia ý kiến, như vậy có thỏa đáng hơn không?
- Trẫm ngán lắm rồi, hôm nay không nói việc này nữa. Chúng ta đã đầy mồm mùi đồng rồi, ngôn bất đạt nghĩa, không hợp với đạo lý nghĩa lợi của Mạnh Tử.
Ung Chính chau mày nói tiếp:
- Công việc khẩn cấp nhất hiện nay là đại tướng quân vương Doãn Đề về kinh, đại bản doanh Can Thỉnh không có chủ tướng, cần cử ngay một tướng giỏi đi thay. Tỉnh Sơn Đông mùa thu năm ngoái bị hạn hán, hôm trước Bố chánh sứ tỉnh Sơn Đông có dâng tấu, rằng đã có hơn 300 người bị chết đói, chết rét, đến mùa xuân có khi không còn lúa giống để gieo trồng nữa, như vậy sao được? Ngươi và Trương Đình Ngọc về Thượng thư phòng bàn bạc biện pháp cứu tế, cử một người thích hợp đi phát chẩn, xem các tỉnh khác nếu có tình hình tương tự như vậy thì viết luôn một tấu trình.
Ung Chính nhìn đồng hồ rồi nói tiếp:
- Đã cuối giờ Thân, cho các ngươi nửa tiếng đồng hồ ăn cơm, đúng giờ Hợi tối nay, bỏ bản tấu trình vào cái tráp vàng bảo thái giám đưa đến Dưỡng Tâm điện cho trẫm, rồi các ngươi có thể về nghỉ - Chờ hai người lui ra, Ung Chính cười:
- Doãn Tường, đã lâu anh em mình không có dịp tâm sự, bảo chúng mang lên ít đồ nhắm, anh em ta vừa nhâm nhi vừa chơi cờ nhé!
Ung Chính hoàng đế là con người nghiêm túc trong sinh hoạt, không rượu không gái, không thích chơi bời, có khi chơi ván cờ để giải trí, nhưng cờ thuật cũng xoàng. Doãn Tường nổi tiếng là vua cờ trong các a-ca, ngay cả quốc thủ Hoàng Văn Trị cũng phải kính nể. Doãn Tường tranh lấy quân cờ đen, vắt óc suy nghĩ làm sao chơi hòa ván cờ. Quan sát sắc mặt Ung Chính đã vui, Doãn Tường cất lời:
- Hoàng thượng, trong lòng thần vẫn canh cánh lời nói của Trương Đình Ngọc. Hơn nửa số tiền thuế của triều đình bị bọn quan lại có tâm địa tối cuỗm đi thông qua giá chênh lệch trong việc bạc đổi tiền, việc này... coi chừng không ổn!
- Không chơi nữa, toàn hòa, vô vị - Ung Chính vứt quân cờ vào hộp, đứng dậy nhìn Doãn Tường không nói gì. Doãn Tường cũng đứng dậy theo. Ung Chính đi đi lại lại một hồi lâu, đột nhiên hỏi: - Doãn Tường, ngươi coi thường trẫm ư?
Doãn Tường sợ hãi, vội vàng quỳ gối run rẩy bẩm:
- Thần không dám, quân thần khác biệt, bề dưới đâu dám phạm thượng, thần chỉ hành sự theo luân lý thôi ạ.
- Dở! - Ung Chính tức giận tiếp: - Trẫm thấy ngươi càng ngày càng không giống Dận Tường trước kia nữa. Dám nói dám làm, giận dỗi cười đùa, Thánh tổ còn đích thân thưởng cho ngươi biệt hiệu Thập tam lang liều mạng!
Doãn Tường vội khấu đầu tạ tội, rằng:
- Lúc này đã khác xưa, tình thế đã thay đổi rồi...
Không chờ Doãn Tường nói hết lời, "xoảng!", Ung Chính giơ nắm đấm đập mạnh xuống bàn cờ, các con cờ trắng đen bay tung tóe khắp nhà, cốc chén đổ loảng xoảng - Trẫm thích Thập tam lang ngày xưa, trẫm muốn ngươi là Thập tam Thái bảo của trẫm!
Các thái giám, cung nữ trong Dưỡng Tâm điện tuy đã hầu hạ chủ nhân mới này được một tháng trời, nhưng chưa bao giờ thấy ông ta tức giận. Giờ thấy Ung Chính nét mặt giận dữ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào Doãn Tường la lớn ai nấy đều sợ khiếp vía. Trước kia, mỗi khi Khang Hy nổi giận là bọn Lý Đức Toàn, Hình Niên chạy sang Thượng thư phòng cầu cứu, nhưng nay không hiểu tính tình Ung Chính thế nào, nên không ai dám mạo muội hành động.
Doãn Tường chớp chớp đôi mắt đen, trầm ngâm giây lát với giọng bình tĩnh nói: - Hoàng thượng biết đấy, anh em ruột thịt chúng ta kể từ ngày 15 tháng Tám năm Khang Hy thứ 45, bọn Thập ca đại náo Ngự Hoa viên, chỉ vì tranh giành cái ghế Rồng này mà đấu đá nhau suốt 14 năm trời! Muốn nhổ đi cái gai trong mắt họ, có kẻ đã nhiều lần bầy mưu ám hại đệ, sai người bỏ thuốc độc giết đệ, những việc đó huynh đã biết. Trong 14 năm đó đệ như kẻ đi trên tảng băng mỏng, cẩn trọng trong từng bước đi, nhưng cuối cùng vẫn mắc mưu họ, bị phụ hoàng giam lỏng 8 năm trời... giọng Doãn Tường nghẹn ngào: - Hoàng thượng... đệ là kẻ mới chui ra từ bụi gai, mới được vớt lên từ vạc dầu sôi, mới thoát ra khỏi địa ngục. Hoàng huynh xem, trên đầu đệ đó có hơn nửa tóc bạc, huynh có nhớ rằng đệ năm nay mới 37 tuổi đầu. Thập tam lang liều mạng ngày xưa đã chết rồi sao còn có thể sống lại?...
- Thập tam đệ... - Ung Chính rất xúc động khi nghe những lời kể lể như khóc than của Doãn Tường, Ung Chính bước lên đỡ Doãn Tường an ủi - Hiền đệ xúc động quá, gần đây trẫm có nhiều tâm sự, chưa chú ý đến tâm trạng của đệ, ý trẫm là muốn đệ phấn chấn lên một chút...
Doãn Tường lau nước mắt, vái lạy rằng: - Thần hiểu!
- Đệ chưa hiểu hết đâu - Ung Chính thở dài: - Nếu đệ hiểu thật thì phải phấn chấn lên! Đệ phải biết rằng trẫm hiện nay đang ngồi trên đống lửa, đệ cũng còn trong bụi gai đấy!
Doãn Tường ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn Ung Chính, rằng: - Xin hoàng thượng dạy bảo?
- Những ngày qua khi canh hầu trước linh cữu, trẫm suy nghĩ rất nhiều. - Ung Chính nhìn ra ngoài sân, màn đêm đang buông xuống, gió lạnh nổi lên đu đưa các chuông sắt treo ngoài cung kêu leng keng. Ung Chính như muốn nhìn xuyên thấu cái thâm cung trùng trùng điệp điệp thành luỹ này. Ung Chính chậm rãi rằng:
- La-bô-thản ở Tân Hải và A-la-bô-thản ở Chân cát nhĩ đã bí mật gặp nhau 3 lần, họ từ chối chức thân vương mà triều đình ban thưởng, tự phong "Han" thực tế là đã làm phản. Giải quyết việc này không thể tránh khỏi binh đao. Trận chiến ở miền tây thực tế là đánh nhau bằng lương thảo, "mặt trận chính" ở hậu phương! Nhưng trong quốc khố của chúng ta chỉ còn gần một ngàn vạn lượng bạc, làm gì đủ? Tiền đã bị bọn tham quan mượn hết rồi, hồi Tiên đế còn ngự triều, hai anh em mình được giao chuyên trách việc đòi nợ, kết quả ra sao? Trẫm bị cách chức, còn đệ thì bị tống giam lỏng!
Doãn Tường ngắt lời:
- Đã vậy tại sao hoàng thượng còn trách cứ Tôn Gia Kiềm?
Ung Chính quay lại nhìn Doãn Tường, giọng chậm rãi rõ ràng:
- Chỉ vì tấu trình của hắn dâng lên sớm quá, trẫm không thể mới lên ngôi đã đưa chuôi dao trao người, nhỡ sơ hở để những kẻ bất lương lợi dụng! Tôn Gia Kiềm là một nhân vật Ngự sử, vài tháng nữa trẫm sẽ hạ chỉ.
Doãn Tường chợt nghe đã hiểu, "những kẻ" là chỉ bọn Bát a-ca, Cửu a-ca, Thập a-ca và Thập tứ a- ca đang lộng quyền khuynh đảo triều chính, thầm khâm phục Ung Chính biết nhìn xa trông rộng, liền hô:
- Vạn tuế thánh minh, nhìn xa trông rộng, thần nguyện ghi tâm khắc cốt!
- Ngồi đi, ngồi đi! - Ung Chính chỉ vào ghế mời Doãn Tường, rồi xếp chân ngồi lên sập - Hiện nay các tệ nạn lan tràn chồng chất như núi, trẫm không phải không biết. Chế độ quan lại đồi bại, tham quan khắp mọi nơi, quan lại câu kết lập đang, kéo bè kéo cánh. Hoàng a-ma sinh thời đã rất khổ tâm về chuyện này, đến lúc tuổi già sức yếu cảm thấy mệt mỏi đành để buông trôi. Trẫm mà không thanh toán những tệ nạn này thì giang sơn Đại Thanh còn đâu? Ngoài đệ ra không ai có thể giúp trẫm! Đệ không được rút lui, trẫm có ít trợ thủ nhưng lại gặp nhiều kẻ cản trở, dù chỉ vì tính mạng và gia đình của đệ thì đệ cũng cần phải phấn chấn lên!
Nghe vậy Doãn Tường cảm thấy nhiệt huyết trong người sục sôi, vừa cảm động vừa hổ thẹn, liền đứng phắt dậy rằng:
- Từ nay về sau thần nguyện suốt đời phụng sự hoàng thượng. Thần xin được đem quân đi quyết chiến với bọn La Bô Thản ở Thanh Hải, một trận đại thắng sẽ quét sạch bách tà, khi đó hoàng thượng có thể rảnh tay chấn chỉnh triều đình!
- Tốt! - Trẫm cần là cần cái hào khí này của đệ đấy! - Ung Chính đứng dậy, đôi mắt sáng ngời nhìn chằm chặp vào Doãn Tường, rằng: - Đệ không thể đi Thanh Hải được, một là trẫm không thể không có ngươi ở cạnh hộ giá, hai là đệ đi sẽ có người nói: - "Tại sao không cho Thập tứ da đi?", nhất định sẽ gây tranh cãi trong triều đình, đệ ở lại giúp trẫm lo việc khác. Trẫm đã truyền chỉ lệnh cho nguyên trợ lý thừa tướng Phương Bao vào kinh, cộng với Trương Đình Ngọc mấy người thì sẽ dễ làm việc hơn!
Trương Đình Ngọc ôm chồng tấu sớ đi vào đặt trên bàn chưa kịp hành lễ thì Ung Chính bảo: - Hoành thần, ngươi thảo giúp hai bản chiếu chỉ!
Trương Đình Ngọc không ngờ Doãn Tường vẫn chưa về, thấy hai anh em họ đang chuyện trò rôm rả, hối hận mình vào sớm quá. Nghe Ung Chính giao cho công việc, liền bước lại án thư chuẩn bị mực sẵn sàng.
Ung Chính: - Viết rằng nguyên đại tướng quân vương Doãn Đề thực giữ chức quận vương, nhưng thưởng cho hưởng lộc thân vương. Chức đại tướng quân để trống nay bổ nhiệm tổng đốc Cam Thiểm Niên Canh Nghiêu đảm nhiệm.
Đó là một chiếu thư đơn giản, Trương Đình Ngọc nhoáng một cái là viết xong, hai tay dâng lên Ung Chính. Ung Chính vừa xem chiếu thư vừa nói:
- Doãn Tường từng được Tiên đế trao cho nhiều nhiệm vụ, đều hoàn thành xuất sắc, Tiên đế đã nhiều lần nói với trẫm rằng: - Doãn Tường là thiên lý mã của nhà ta, trẫm cũng biết khả năng của Doãn Tường từ lâu, nay đảm nhiệm chức tham tán Thượng thư phòng, ý trẫm là phong cho chức thân vương, thưởng cho một ngôi nhà tam viên, xứng đáng đấy - Doãn Tường, đệ đừng từ chối - Đình Ngọc, cứ theo ý này mà thảo - Nói xong Ung Chính đứng ngay trước án thư chờ. Trương Đình Ngọc có tư duy nhạy bén, văn hay chữ đẹp, khi nghe hoàng thượng nói đã ngầm phác thảo trong bụng, Ung Chính vừa dứt lời đã khua bút như múa trên trang giấy, chỉ một lát đã viết xong bản chiếu chỉ dâng lên hoàng thượng, Ung Chính cầm đọc:
Phụng thiên thừa vận hoàng đế chiêú rằng: nguyên Thập tam bối lặc Doãn Tường, công trung liêm năng, cần lao vương sư, lãnh nhiều yếu trách, hoàn thành xuất sắc, có công với triều đình, Tiên đế sinh thời nói với trẫm rằng: Doãn Tường là thiên lý mã của nhà ta. Trong Hoàng môn trẫm cũng rất biết khả năng của Doãn Tường.
Nay tấn phong Doãn Tường chức Di thân vương, thưởng cho ngôi nhà tam viên, để chứng tỏ thánh ý khuyến khích trung lương của triều đình.
Khâm chỉ!
Ung Chính đọc xong gật gù tỏ vẻ hài lòng nói:
- Vậy là được, tối nay trẫm ấn triện ngày mai cho phát đi, chiếu chỉ của Doãn Tường và Doãn Đề thì tuyên đọc, của Niên Canh Nghiêu thì gửi đi.
- Hoành thần, - Doãn Tường đôi mắt sáng rực, đanh giọng: - Lần trước chúng ta đã bàn bạc, trong thời gian quốc tang tạm ngừng việc đòi nợ, cho nên công việc kiểm tra tài sản của 19 viên quan thuộc Lục bộ bị dừng lại. Sau tang lễ mọi việc sẽ trở lại bình thường, ngày mai sau khi tan triều, ngươi thông báo các vị quan đường của phủ Thuận Thiên và các vị thống lĩnh bộ Binh Nha môn đến phủ của ta nhận nhiệm vụ.
Trương Đình Ngọc với ánh mắt ngạc nhiên nhìn Doãn Tường ủ rũ trước đây không hiểu sao đột nhiên trở thành con người hăng hái mạnh mẽ như vậy.
- Dạ, thần xin tuân lệnh Di thân vương!
Ung Chính: - Đó là bọn sâu mọt, đối với chúng không cần phải từ bi nương nhẹ. Vừa rồi ngưng việc kiểm tra, e rằng chúng đã tẩu tán tài sản rồi, phải làm thật mạnh vào, chỉ cần đề phòng bọn chúng tự tử, không ngại chúng bị khuynh gia bại sản!
- Dạ!
- Các ngươi về nghỉ đi!
- Dạ!
Ung Chính tiễn hai người ra về, một mình đứng trước thềm cung điện hồi lâu sừng sững như một pho tượng sắt tắm mình trong gió lạnh trong lành.

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI