HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI
Tuần thú Lạc Hà, gió tuyết gặp bạn cũ
Luận bàn chính trị, cầu Thiên Tân chia ngả

    
ối đó Lý Phất nghỉ trong thư phòng La Trấn Bang. Ông có chứng mất ngủ, ban đêm uống rượu vào, lại có tâm sự, nên trằn trọc mãi đến canh tư mới mơ màng chợp mắt, tỉnh dậy thấy người lạnh buốt, hóa ra vì lò sưởi nóng quá nên đạp tung chăn ra. Nhìn ra ngoài, thấy trời sáng rõ, Lý Phất liền khoác áo trở người dậy, rửa mặt mũi rồi đẩy cửa bước ra, một luồng gió lạnh cuốn theo những mảnh tuyết lập tức thốc vào mặt, khiến ông nghẹn thở. Hoá ra đêm qua gần sáng tuyết bắt đầu rơi. Đứng hầu trước cửa là hai tên gia nhân của La Trấn Bang, nghe tiếng động vội quay lại vấn an. Lý Phất cười nói:
- Chà, giữ nghiêm kỷ cương quá, hai tên đầy tớ của ta đâu?
- Họ còn nhỏ tuổi, còn ham ngủ. - Người đầy tớ đứng tuổi cười nói - Chế đài đừng nhìn trời, tuyết rơi thế này, nóc nhà đều trắng toát một lớp, ánh vào phòng trông mới sáng, thực ra còn sớm lắm! Lão da nhà con vừa qua đây, ngài dặn chúng con, trời lạnh, nếu chế đài lạnh, cần mặc thêm quần áo gì thì ngài cứ nói, chúng con sẽ đưa đến ngay. Hôm nay trời tuyết, nếu ngài không thích, thì nghỉ thêm một lát, chờ có kiệu hẵng đi!
Lý Phất nói:
- Ta thích nhất trời tuyết, cũng không muốn ngồi kiệu. Từ đây đến Y Khuyết Long Môn chỉ có 50 dặm, thuê một ừa, bảo hai tên lính của ta đi theo là được. Trấn Bang còn bận việc công, cũng không cần tháp tùng. Đều là bạn cũ cả, không ai nên cố chấp ai.
Tên đầy tớ vội đáp:
- Vâng! Có điều lão da nhà con đã nói rồi, ông ấy nhất định phải tháp tùng. Đêm qua Điền chế đài đã đến Lạc Dương, trời chưa sáng đã gọi lão da đến Quán dịch, để kiểm tra công trình Lạc Hà. La lão da nói, xin Lý chế đài cố đợi, chưa đến giờ Ngọ ngài đã về rồi, không thể lỡ việc đâu ạ.
Điền Văn Kính đến rồi? Lý Phất sững người một lát cười nói:
- Vậy thì đúng là đi sớm không bằng đi đúng lúc Điền Ngưỡng Quang đến, ta có lý gì lại không gặp? Chẳng phải họ đến Lạc Hà rồi sao? Hôm nay ta không đi Long Môn nữa, cùng đạp tuyết tìm mai, chẳng phải là vui lắm sao!... Chuẩn bị cho ta một chiếc kiệu, đến công trình Lạc Hà.
- Kiệu thì có rồi, chính là chiếc lão da nhà chúng con hay ngồi. - Tên đầy tớ cười lấy lòng nói: - Ý lão da nhà chúng con nói là, Điền chế đài biết ngài đến Lạc Dương, nhất định sẽ đến hầu chuyện. Lão da không cần phải vất vả nữa.
Lý Phất suy nghĩ một lát rồi nói:
- Chuẩn bị kiệu, cứ để ta đi!
Nha môn tri phủ cách Lạc Hà rất gần, Lý Phất ngồi kiệu đi qua cửa tây hướng về phía nam, đi chưa được nửa giờ, nhìn qua ô cửa kiệu đã thấy một bãi bồi bỏ hoang rộng mênh mông, nhìn ra xa, trong làn tuyết lất phất bay, một con sông lớn đông cứng nh mặt gương vắt ngang qua. Lý Phất chỉ vào một ngôi miếu đổ nát bên đường, hỏi tên đầy tớ theo hầu kiệu:
- Ngôi miếu to quá, là thờ ai vậy?
- Là miếu Chu công ạ. - Tên đầy tớ vừa đi vừa trượt chân, nói: - Bị hỏng nát đã nhiều năm, ngày con còn bé nó đã như vậy rồi.
Lý Phất không nói gì nữa, mắt nhìn ra bờ đê đằng xa, thấy có mấy chiếc kiệu lớn dừng ở đó, trên đê mấy người đứng trong gió lạnh đang chỉ trỏ và nói với nhau gì đó, đoán chắc là đám La Trấn Bang. Lý Phất không đợi đến chân đê đã ra lệnh dừng kiệu, bước xuống và thong thả đi lên đê, quả nhiên thấy đúng là Điền Văn Kính mang theo một đám trợ lý và quan tư đạo trong tỉnh đang thị sát đê. Vì không ai để ý, Lý Phất cũng không vội gặp, lặng lẽ đi theo đám người, khi liếc mắt nhìn Điền Văn Kính, thì thấy ông ta vẫn như lần trước gặp ở Kinh, có điều tóc đã bạc trắng, thân hình khô đét đứng trên mặt đê tưởng như một ngọn gió thổi cũng có thể ngã, búi tóc dài bị gió hất tung lên, chòm râu dưới cằm cũng dính đầy tuyết.
- Trấn Bang, - Điền Văn Kính nhăn mày lại, chỉ những tảng đá vuông vất lăn lóc trên đê, - Anh làm việc càng ngày càng chểnh mảng. Số đá này, lần trước trợ lý lương tiền đến, nói còn có mấy nghìn khối đã xếp đống gọn gàng. Mùa đông không làm được, chẳng nhẽ anh không cử nổi mấy dân phu trông giữ sao? Để cho dân lấy về xây tường làm móng hết rồi. Đá cũng là tiền của cả, nếu là của anh, anh có nỡ để như vậy không?
La Trấn Bang vừa đi theo, miệng liên tục vâng vâng, rồi nói:
- Việc này quả thật khó nói, ban công trước điện Đại Thành của Học phủ bị sập, rồi còn nhà Minh Luân và tường Đông viện cũng đều phải sửa chữa, phòng ở của mấy thầy huấn đạo Học phủ cũng xuống cấp nghiêm trọng. Lần trước Vương Hàn Lâm đến xem, nói chẳng ra sao cả. Tệ chức nói trong phủ quả thực không có khoản tiền này, họ nói mùa đông không thi công mà bãi Lạc Hà còn để bao nhiêu đá thế kia, tạm chuyển về dùng trước cũng chẳng sao. Trương học đài trên tỉnh cũng trát về bảo làm. Vì thế tệ chức đành phải để họ khiêng về dùng trước, đến mùa xuân ấm lên thi công thì...
- Mùa xuân ấm lên? - Sắc mặt Điền Văn Kính không chút biểu lộ, nói: - Tháng Ba có lũ hoa đào, tháng Năm có lũ hoa cải, đến lúc đó mới làm, liệu có kịp không?
Nghe ông nói, mọi người đều ngớ ra. Điền Văn Kính có vẻ rất lo lắng, lúc thì im lặng bước nhanh, lúc thì đứng lại trầm ngâm. Quả thực ông không sợ vất vả phiền phức, có lúc còn đích thân ra tận bờ đê trơn nhẫy, lấy đá gõ lên đê, gặp chỗ còn hổng, chẳng nói chẳng rằng bước lên đê ném mạnh hòn đá trong tay.
- Đắp đê kiểu gì vậy? Hừ! Phải kiểm tra xem có chuyện ăn bớt bạc xây đê không! - Rồi chỉ ra bãi lau sậy mênh mông ở ngoài đê, nói: - Bãi đất này ít nhất cũng phải có chục vạn mẫu chứ? Hoàng thượng đã bao nhiêu lần ban chiếu dụ khẩn hoang, các ngươi cứ giả mù giả điếc cả lượt! Thành Lạc Dương bao nhiêu kẻ ăn rồi ngồi không, vậy mà đất lại để hoang. Anh La, anh nhìn xem, từ khi thượng nguồn Lạc Hà xây đập dẫn nước, đất đai ở đây tươi tốt, không lo gì hạn hán lụt lội.
Ông phủi đám bùn đất đã khô dần trên tay, lạnh lùng nói:
- Hạn cho anh năm sau phải khai hoang hết bãi đất này cho ta!
Đám quan phủ, huyện Lạc Dương đi theo La Trấn Bang im thin thít nghe vị tổng đốc đại nhân trách mắng, ai nấy đều cúi đầu nuốt nước bọt, sắc mặt u ám. La Trấn Bang gượng gạo cười nói:
- Đại nhân, bãi đất này tuy bỏ hoang, nhưng đều là đất có chủ cả, nếu không tệ chức đã cho khai khẩn từ lâu rồi ạ. Hôm nay không xem kỹ được, khi nào xuống bãi dạo một lát là biết ngay, bên trong đều là mồ mả, địa giới xung quanh mộ tổ đều rất rõ ràng. Đây là đất tư, quan phủ quả thật không biết làm thế nào...
- Ô! - Điền Văn Kính thở dài một tiếng, ngạc nhiên quay nhìn bãi đất hoang: - Là đất tư?
Ông chau mày nghĩ ngợi, nhất thời không nói gì. Lúc này gió tuyết càng lớn, những mảnh hoa ngọc quỳnh vỡ vụn xoay hỗn loạn trên bãi hoang mênh mông, lúc thì bắn tung tóe như cơn sóng dữ, lúc thì tựa mũi tên cuốn thốc lên mặt... Lúc này Lý Phất toàn thân tuyết trắng, thấy Điền Văn Kính hãy còn trừng mắt đứng nhìn, ánh mắt như cố bới tìm thiếu sót của quan viên dưới cấp, ông vừa tức vừa buồn cười. Liền đến sau lưng Điền Văn Kính, cười nói:
- Ngưỡng Quang, ông chăm lo công việc quá. Thật không hổ danh là tổng đốc mẫu mực!
Điền Văn Kính quay đầu lai, nhìn chằm chằm một lúc mới nhận ra Lý Phất đang cười vái chào mình, liền vội vàng vái chào lại, trên mặt nở một nụ cười:
- Thì ra là Cự Lai công! Vừa nãy Trấn Bang nói ông đến, đang định kiểm tra xong đoạn đê này thì đến thăm, sao ông đã đến
Rồi mắng La Trấn Bang:
- Lý chế đài là khách, sao ngài ra đê ngươi cũng không nói với ta một tiếng?
La Trấn Bang đành cười gượng giải thích.
Lý Phất và Điền Văn Kính sánh vai nhau đi một đoạn. Lý Phất kể tình hình mình rời Vũ Xương, Điền Văn Kính cũng hết sức thân mật, vừa đi vừa hỏi:
- Nghe nói ông không đem gia quyến đi theo, tại sao vậy?
Lý Phất tỉnh queo đáp:
- Phiền phức lắm, một năm ba bốn lần về Bắc Kinh, gặp nhau dễ như không, việc gì phải mang đi theo? Lần trước ở Tương Dương gặp một quan huyện đi Nghi Xương nhậm chức, ngoài vợ lớn vợ bé, còn kéo theo một lô một lốc cô dì chú bác, gia nhân đầy tớ thầy đề, phải đến sáu bảy mươi người, lúc đó tôi liền cách chức ông ta. Nghi Xương bé bằng nắm tay, mà mang theo lũ đầu trâu mặt ngựa nhiều như thế, thì chúng vơ vét hết đất này còn gì! Tôi thấy triều Khang Hy không ít tham quan, vốn cũng không phải là người xấu, nhưng anh ta không thò tay ra, thì cũng không ngăn được bà vợ hám của, lén lút nhận quà của người ta sau lưng, một lần hai lần rồi cũng quen.
Điền Văn Kính cười khùng khục, nói:
- Ông về Trực Lệ làm tổng đốc, nhà lại ở Bắc Kinh, chẳng lẽ lại đưa họ về nguyên quán?
Lý Phất đáp:
- Bắc Kinh khác, ở ngoài là quả dưa hấu thì đến Bắc Kinh chỉ bằng hạt vừng, trên đầu là cửu khanh lục bộ, khoa đạo ngự sử lúc nào cũng nhìn vào, dưới ngự xa của triều đình, nhà lại có mấy con em chẳng ra gì, cũng không thể không cẩn thận một chút. Thực ra tôi không muốn về Bắc Kinh, không phải vì sợ những chuyện này. Ở ngoài phong cương, tất cả mọi cái tôi nói là xong. Đến Bắc Kinh, muốn làm tham quan đã khó muốn làm việc thực càng khó hơn!
- Ồ, ý nghĩ này hay đấy. - Điền Văn Kính muốn nói "Những bọn "đầu trâu mặt ngựa" đó đều sống bằng tiền bù hao. Sung công tiền bù hao, quan lại sống dựa vào bổng lộc và tiền dưỡng liêm, ai còn mang theo nhiều thực khách thế nữa" nhưng ông không nói ý nghĩ này mà lại nói: - Đáng tiếc là người làm quan trong thiên hạ không phải ai cũng nghĩ như vậy thật là uổng công!
Lý Phất cười nói:
- Đừng tuyên truyền tho cái "tiền dưỡng liêm" của ông. Hôm nay không nói chuyện đó. Ông xem tuyết này, rơi đẹp lắm, nếu ở Tô Hàng, có hoa mai điểm xuyết thì tuyệt biết bao!
Điền Văn Kính nhìn xuống chân đê, tuyết hai bên bờ Lạc Hà đã rơi dày ba tấc, một vùng tuyết trắng mênh mang, bên kia bờ là rừng bạch dương bạt ngàn xám ngắt trong làn tuyết rơi như ném tơ thả bông, cảnh vật trở nên mơ hồ không rõ. Chỉ có băng trên mặt sông không giữ được tuyết, từng bông tuyết bị gió cuốn tung lên chao qua chao lại như sương mù. Hồi lâu, Điền Văn Kính mới cất tiếng:
- Hà Nam có câu "Lúa mạch đụn đắp ba lần chăn, thì sẽ nằm lên gối bằng bánh", tôi chỉ mong tuyết này là bông! Trời này - ông ta đột nhiên nhớ ra điều gì vẫy tay gọi La Trấn Bang lại dặn: - Những người ta mang đ̍n, mời thầy Tiền ở lại, còn nữa cho về hết. Người của nha môn Trấn đài cũng về cả đi. Có điều không được nghỉ, thông báo cho các huyện, xem có nhà nào tuyết làm đổ nhà đổ cửa, không có cơm ăn lấy lương trong kho huyện cứu tế cho họ. Những ngày này những người ăn mày khó mà qua khỏi, bảo các giáp trưởng bố trí cho họ vào trong miếu ở tạm. Có hai điều: Một, không được để người chết đói chết rét, hai, kẻ nào dám ăn bớt khoản này, ăn một miếng, Điền Văn Kính ta bắt trả ba thưng!
- Vâng!
La Trấn Bang đáp lời, vội vàng chạy ra sau sai bảo, đám quan viên, lính hộ vệ, phu kiệu chỉ chờ có vậy vội vàng chân nam đá chân chiêu chạy xuống đê tìm kiệu, trong phút chốc như chim vỡ tổ. La Trấn Bang dẫn một người trung niên vừa gầy, vừa đen, lùn đến trước mặt họ, Điền Văn Kính cười chỉ vào người trung niên đó nói:
- Tiền Độ, thầy tiền lương trong nha tôi đến yết kiến Lý đại nhân.
Lý Phất thấy Tiền Độ tuy thấp bé, nhưng lộ vẻ tinh ranh, hai mắt không ngớt đảo qua đảo lại, chỉ nhìn qua cũng biết là người không an phận, trong lòng không ưa, nhưng lại giữ hắn lại nói:
- Đừng làm thế! Tôi còn phải thỉnh giáo ông nhiều!
Tiền Độ cười hì hì đáp:
- Cự Lai đại nhân lừng danh khắp thiên hạ, học trò này đã từ lâu ngưỡng mộ! Hôm nay bên cầu Thiên Tân may mắn được gặp, học trò thật có phúc.
Nói xong, quay mặt xuống đê vẫy tay, đã cên lính ba chân bốn cẳng chạy lên, ôm một đống áo tơi trước ngực, khi giũ ra vừa đúng bốn chiếc. Tiền Độ lại nói:
- Trời đất rét mướt thế này, áo quần nào cho lại! Tiểu nhân vừa bảo họ chạy ra mấy nhà dân gần đây mượn mấy cái áo tơi, chẳng cầu tránh được tuyết, chỉ mong chặn được gió, đội nón tơi mà đi trong gió tuyết thì cũng thêm phần thú vị!
Lúc này, không khí có phần nặng nề ban đầu đã được ông ta khuấy động, bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng hơn.
- Cầu Thiên Tân tôi nghe tên đã lâu, hóa ra là ở đây ư? - Lý Phất và mọi người phủi tuyết bám trên người, rồi khoác chiếc áo tơi vừa dày vừa nặng lên, quả nhiên thấy đỡ gió thật, bèn cười hỏi La Trấn Bang: - Cầu Thiên Tân cách đây bao xa?
La Trấn Bang cả cười, chỉ tay về phía xa bờ bên kia Lạc Hà, nói:
- Ở phía bắc rừng bạch dương kia, ngay trên bãi cát. Thực ra đó chỉ là một chiếc cầu vòm nhỏ, nhưng lại rất có tiếng. Cứ xuân thu nhị kỳ, văn nhân mặc khách thường đến đây tụ họp văn chương, còn bình thường cũng không mấy ai đến.
Lúc này Lý Phất mới biết cây "cầu Thiên Tân" lừng danh khắp thiên hạ này của Lạc Dương không hề bắc qua sông Lạc Hà, mà là một danh thắng "xếp xó" trên bãi Lạc Hà. Lý Phất thấy Điền Văn Kính vẫn đang say sưa, bèn cười nói:
- Vẫn đang nghĩ đến "bông" của ông sao? Làm quan như ông thì chắc là mệt lắm. Chúng ta đến cầu Thiên Tân xem đi!
- Đến Lạc Dương năm lần rồi, không phải là đắp đê thì là khai hoang, thế mà chưa một lần thăm thú danh thắng nào ở đây. Lẽ ra trời đất thế này, cảnh sông nước bao la thế này, cũng nên có chút thi hứng mới đúng. Thôi, hôm nay tôi đi vậy.
Thế là bốn người lẩy bẩy bước xuống đê đội tuyết mà đi. Họ băng qua một bãi cát, đến bờ sông dừng lại, càng thấy hoa tuyết lờ mờ, trời đất mênh mang. Lý Phất nhìn mặt sông trong suốt như gương nói:
- Nước ở đây chắc là sâu lắm, tôi hồi nhỏ giẫm vỡ băng rơi xuống nước, giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. Đi trên mặt sông thế này, thực sự phải hết sức cẩn thận như đứng trước vực thẳm.
La Trấn Bang cười nói:
- Không sao đâu, các ngài xem, đây còn có vết xe mờ mờ. Lúc đầu nghe nói Lý chế đài muốn đi xem Y Khuyết, tệ chức cho người qua thử mấy lần rồi. Hai ngài là quan lớn phong cương, nếu xảy ra chuyện gì ở phủ Hà Nam của tệ chức thì e rằng hoàng thượng tuẫn tang La Trấn Bang này mất! Có điều nước sâu thì đúng là sâu thật, mùa hè tàu thuyền đi ngập nước đến 6 thước vẫn không biết mắc cạn là gì. Năm ngoái Lý Hựu Giới (tên tự của Lý Vệ) đi Thiểm Tây qua đây, uống rượu ở lầu An Lan phía nam thành Lạc Dương, cũng trời nước một màu, hải âu bay thành đàn, chẳng thua kém gì phong cảnh Giang Nam, mấy văn nhân nổi tiếng địa phương còn viết không ít thơ!
- Hựu Giới ngâm thơ? - Lý Phất hỏi.
- Anh ta thì hiểu cóc khô gì về thơi phú! - Điền Văn Kính đáp: - Anh ta chỉ biết nằm vùng bắt giặc thôi.
Tiền Độ dò dẫm bước đi, cười nói lấy lòng:
- Lý đại nhân học hành không nhiều, nhưng là người thông minh, nhạy cảm, thỉnh thoảng cũng có làm thơ. À... Năm trước tôi đi Kim Lăng có việc công, Phạm Thời Tiệp là thầy chủ khảo trường thi của phủ ta, tôi đi thăm ông, vừa gặp lúc ông mời Hựu Giới công và Kế Thiện công đến lầu Lâm Giang ở Yến Tử Cơ uống rượu, mọi người cùng đề thơ. Kế Thiện bắt đầu bằng câu "Trời sông cùng một lầu", thầy Phạm tiếp "Gió mát tiễn xuân thu". Tôi thấy Hựu Giới đại nhân vò đầu bứt tai mãi không nghĩ ra, cũng đưa ra một câu "Nhạn ngư theo dòng nước". Vốn muốn để cho ông ấy suy nghĩ thêm một lát, không ngờ nói xong ông ấy vẫn chau mày trầm tư. Thầy Phạm với ông ấy vốn rất thân tình bỗ bã, nên nói "Ăn mày nghèo thì biết gì mà thơ với phú! Để tôi làm thay cho anh nhé!". Bỗng nhiên mắt Hựu Giới sáng lên, chỉ xuống mặt sông ở đằng xa nói: "Anh Phạm đừng nhiều lời, tôi cũng có thơ rồi. Các anh xem, có hai ngư ông đang kéo lưới đằng kia, câu thơ của tôi là "Hai ngư ông đánh lưới chài".
- Đang là thơ năm chữ, - La Trấn Bang lắc đầu nói: - sao Hựu Giới lại làm thành sáu chữ?
Tiền Độ nhịn cười nói:
- Vãn sinh cũng nói như vậy: "Đây là thơ năm chữ, đại nhân có thể bỏ bớt chữ "đánh" đi như vậy cũng vần hơn. Lý đại nhân rất mừng, ấn vai vãn sinh nói: "Đúng rồi! Hai ngư ông lưới chài. Thơ thế mới tuyệt chứ!". Doãn phủ đài nói: "Câu thơ này của anh mà gọi là "tuyệt" ư? Ở trên trường thi mà làm loại câu này thì phải đánh ấy chứ!". Hựu Giới ngẩn mặt ra, chỉ vào vãn sinh nói: "Trong thơ tôi có chữ "đánh" anh ta lại bảo tôi bỏ đi rồi!"
Mọi người nghe xong phá lên cười. La Trấn Bang sơ ý ngã ngồi xuống băng trượt đi một đoạn dài. Lý Phất bỗng nhớ đến bản sớ lần trước mình vạch tội Lý Vệ "bất học vô thuật", so với Điền Văn Kính này, thì Lý Vệ dù sao vẫn khiêm tốn, lịch sự với văn nhân. Điền Văn Kính là người có học, mà lúc nào cũng gây khó dễ cho kẻ sĩ. Ông đăm chiêu suy nghĩ; mặt không chút biểu lộ. Đang mải suy nghĩ thì cầu Thiên Tân đã ở ngay trước mắt, Lý Phất ngắm nhìn, chỉ thấy cây cầu nằm hướng chính nam chính bắc, đối diện với thành Lạc Dương, dài khoảng 5, 6 trượng, cao hơn 2 trượng, chỉ là một cây cầu vòm trông rất bình thường, trên cầu có một cái đình nhỏ rất xinh xắn. Bốn người đạp tuyết lững thững đi tới, bước lên cầu nhìn ra xa, nhưng trong đình gió lạnh như cắt da cắt thịt, lại cùng bước xuống cầu đi sang phía nam.
- Bên này có cầu chắn, không có gió cũng không có tuyết nên ấm hơn một chút. - Lý Phất cười nói: - Thân cầu này giống phong cách thời Đường, còn đình ở trên cầu hơi cứng, là phong cách Tiền Minh. Tại sao lại gọi là "cầu Thiên Tân" chứ?
La Trấn Bang nói:
- Lạc Dương là kinh đô cổ của chín triều, thời Đường tú tài các nơi vào Kinh ứng thí, đều đi qua cầu này, giống như nút đường thanh vân, nên mới có tên là "cầu Thiên Tân".
Lý Phất gật đầu, than rằng:
- Một thoáng đã trăm nghìn năm, cầu còn, người đâu? Tú tài ngày đó chính là cử nhân bây giờ, cũng không làm văn bát cổ, thật là hạnh phúc! Nhìn cầu này, thì chắc là sông Lạc Hà này vào thời Đường nước cũng không to lắm
Lý Phất chỉ nói mấy câu, nhưng vô tình đã đụng đến Điền Văn Kính. Ai cũng biết ông ta ba lần vào Kinh thi đều hỏng, không qua nổi tú tài "cầu Thiên Tân". Mọi người đều không dám đáp lời. Nhưng Điền Văn Kính tựa hồ không để ý, nhếch mép cười, nói:
- Dương có bốn con sông: Y, Lạc, Triền, Giản, trước kia từng sông đổ riêng vào Hoàng Hà, về sau Y Hà đổi dòng nhập vào với Lạc Hà, đó là do Trần Khang đời Tống cho đào thông hai sông để dễ thông thương, vì thế Lạc Hà mới có quy mô như ngày hôm nay. Trần Khang không phải là tiến sĩ, cũng chẳng từng bước qua Long môn, nhưng ông ấy làm được như vậy thì cầu Thiên Tân cũng chẳng còn nghĩa lý gì.
Lý Phất biết mình lỡ lời, đỏ mặt lên không nói gì. Điền Văn Kính đứng sững trong tuyết, nhìn sang thành Lạc Dương âm trầm, ảm đạm bên bờ bắc, hồi lâu mới cất tiếng:
- Trấn Bang, ngày mai ta đi xem công trình cửa sông Giản Hà chảy vào Hoàng Hà, sau đó đi dọc bờ bắc Hoàng Hà kiểm tra rồi về Khai Phong, anh đừng để bụng chuyện ta hay nổi cáu với anh. Anh làm việc cũng là nghiêm túc, nhưng có tật là cứ để ta giục thì anh mới làm. Nghe người dưới xúi giục, nhằm vào đồng niên chúng ta mà moi bạc trong phiên khố của tỉnh. Nói để anh biết, thương nhân Lạc Dương giàu nhất thiên hạ, thân sĩ lớn có hàng nghìn khoảnh đất cũng nhiều nhất tỉnh, phải tìm cách mà lấy từ họ. Bạc trong tỉnh cũng không phải là bạc của Điền Văn Kính ta, một con sông Hoàng Hà phải tiêu bao nhiêu, anh không tưởng tượng nổi đâu! Lại còn phát chẩn lương thực mùa xuân, chẳng phải là tiền của cả hay sao? Những kẻ phú hộ này có của ngồi ăn, không có triều đình bỏ tiền ra làm những việc này, thì họ sống yên ổn được chắc? Họ là những con gà sống sắt, thì anh phải có kìm sắt để nhổ lông! Không được mềm tay, như thế là tốt cho họ. Nói lý không xong, thì đành phải thẳng tay với họ.
Lý Phất đứng bên nghe, những lời này thật khó lọt tai. Ai giàu thì dùng "kìm sắt" vặt lông, thế thì khác gì bọn đạo tặc? Đã là nhà nước thì thu tiền phải có chính sách, sao có thể làm bừa bãi được? Nhưng Điền Văn Kính lại là tuân theo ý chỉ của Ung Chính, nên cho dù những lời muốn nói có chất đầy một xe cũng chỉ có thể về Bắc Kinh tâu bày với hoàng thượng. Lý Phất vốn nghĩ Điền Văn Kính chắc cũng còn ở lại Lạc Dương dăm ba ngày, định bụng chờ khi rỗi rãi nói chuyện với ông ta, lúc này nghe nói ngày mai đã đi, bỗng thần mặt ra, nghĩ một lúc rồi nói:
- Văn Kính, tôi có câu chuyện muốn nói với ông.
Nói rồi chìa tay nhường đường, hai người liền rời cầu Thiên Tân, men theo bờ Lạc Hà dạo bước về phía đông.
Lúc này gió đã lặng hơn, băng trên mặt sông Lạc Hà đã được phủ thêm một lớp tuyết dày độ nửa tấc, ánh lên con đê đá mờ xám phía đối diện, từng bông tuyết trắng vẫn rơi xuống không ngừng nghỉ, hai bên bờ sông đóng băng chỉ có tiếng tuyết rơi lạo xạo. Hồi lâu, Lý Phất mới lên tiếng:
- Ngưỡng Quang!
- Sao?
- Ông một lòng muốn làm danh thần, thật vất vả quá.
- Ông đã nói đúng một nửa. - Điền Văn Kính nói: - Một nửa tâm trí của tôi muốn làm danh thần, còn một nửa nhiều hơn là muốn báo đền ân đức của hoàng thượng. Không vất vả không được, Chu Công phải làm việc quên ăn mới quy phục được thiên hạ đấy thô
Lý Phất thở dài một tiếng. Những lời Điền Văn Kính nói là thật. Ông ta 20 năm làm một ông quan nghèo ở kinh thành, được phong hàm lục phẩm, năm Ung Chính thứ nhất đi Thiểm Tây tuyên chỉ, trên đường về tự động dùng khâm sai quan phong thanh tra thâm hụt phiên khố của Sơn Tây, trong chốc lát lật đổ Nặc Mẫn "thiên hạ đệ nhất tuần phủ", năm Ung Chính thứ 3, thứ 4 được thăng chức tổng đốc, rõ ràng là chư hầu một phương, được như thế hoàn toàn nhờ sự ủng hộ hết sức của Ung Chính, rõ ràng ông ta chỉ có làm như thế mới báo đền được "thánh ân" này. Hồi lâu, Lý Phất mới nói:
- Tôi hiểu tâm tư của anh. Có điều, có một việc day dứt trong lòng, muốn được khuyên Ngưỡng Quang huynh.
- Việc gì?
- Đối xử với kẻ sĩ tốt một chút, cả thân sĩ nữa. - Lý Phất nói: - Đây là nguyên khí của quốc gia.
Điền Văn Kính đứng khựng lại, nhìn chằm chằm vào Lý Phất, ánh mắt ông không còn vẻ ôn hòa:
- Đương nhiên họ là "nguyên khí quốc gia". Nhưng nguyên khí vượng quá rồi, dương thịnh âm suy, cũng chẳng phải là bệnh của quốc gia sao? Lửa to quá thì phải dập bớt đi. "Vặt lông" họ là làm lợi cho thiên hạ, từ cái gốc mà nói họ có lợi không có hại. Cách nhìn này thật thiển cận, chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà quên mất vết xe đổ, như thế chẳng đáng sợ sao? Anh xem, cái đất lạc Dương này, thời Tiền Minh là đất phiên thuộc của Phúc vương, đất đai Lạc Dương đều nằm trong tay vương gia rượu thịt này, thế mà không nỡ bỏ ra một chút để cứu tế cho dân nghèo, động viên tướng sĩ. Thành tan nhà mất, vàng bạc chất núi cũng hết cho Lý Tự Thành làm lương bổ quân sĩ! Ông phải đọc thơ của Phúc vương, xem tranh của ông ta, đó chẳng phải là văn nhân hay bậc nhất sao!
- Tôi không nói ông không ưa kẻ sĩ. - Lý Phất cố ghìm lửa giận trong lòng, thong thả nói: - Sĩ đại phu coi thể diện quan trọng hơn tính mệnh, mấy ông quan về vườn lại bị quan phủ đuổi ra đây đắp đê vác đá thế mà gọi là quốc gia ưu đãi kẻ sĩ? Bùi Hiểu Dị ở Đặng Châu từng làm tri phủ 2 năm, là một vị quan thanh liêm, ông ta chết đi để lại năm người vợ góa con côi, lại bị bắt đến Thụy Hà đào đất xây cầu, đó là người từng được vua phong hiệu, phải nhẫn nhục như vậy liệu có chịu được không? Triều Khang Hy không thực hiện chế độ dưỡng liêm, tôi nghe nói mỗi tri phủ một năm ông cấp cho 5 nghìn lạng bạc dưỡng liêm, nhưng Bùi Hiểu Dị, ông ta đã được cầm khoản tiền đó đâu! Nhưng các tham quan thường ngày sưu cao thuế nặng, họ đâu có sợ cái gọi là "quan lại thân sĩ đều đi phu" của ông. Ngưỡng Quang, ông làm thế khiến kẻ sĩ có học thất vọng quá!
Điền Văn Kính lững thững bước đi, một trận gió mang theo những mảnh tuyết thốc lên mặt, làm ông rùng mình, ông định thần lại, nói:
- Vụ Bùi Vương thị tự vẫn tôi có biết, hoàng thượng cũng có bút phê, yêu cầu đặc biệt chú ý chăm sóc con cái họ. Nhưng làm những việc như thế này, xưa nay không có ai là vẹn toàn cả, kẻ sĩ làm quan là vì thiên hạ, vì xã tắc, chứ không phải vì mưu lợi riêng cho mình. Cho nên đi làm những việc như thế chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Những nhà thân sĩ không xuất nổi bạc thuê người làm thực ra rất ít, có thể nghĩ cách khác để giúp đỡ họ. Nhưng kẻ sĩ quan lại nông thôn mà không điều động họ làm việc, thì lâu ngày, cái hại sẽ khôn lường.
- Thực ra tôi thấy chẳng có gì ghê gớm cả, bản sớ của ông tôi cũng được đọc rồi. Tôi thấy ông đúng là loò trắng răng.
- Bản sớ của ông tôi cũng đọc rồi, quá ư bảo thủ. - Điền Văn Kính híp mắt lại, dửng dưng nói: - Đến nay trong triều ngoài dã, có đến hàng trăm bản sớ vạch tội tôi, nhưng chẳng mấy bản có trọng lượng.
- Nóng vội thì dễ hỏng việc, e rằng làm một đằng ra một nẻo.
- Đàn cầm đàn sắt lạc điệu, thì đương nhiên phải thay đàn đổi dây.
Nói đến đây, cả hai đều đứng lại, bỗng nhiên cùng phá lên cười. Té ra hai người trong khi gân cổ lên bốp chát nhau đã vô tình làm thành một câu đối. Lúc này, La Trấn Bang đang đứng trên cầu Thiên Tân nhìn thấy, cười nói với Tiền Độ rằng:
- Cứ bảo hai ngài Điền, Lý như nước với lửa, tôi thấy họ nói chuyện với nhau ăn ý đấy chứ!
Tiền Độ lắc đầu nói:
- Anh không biết những vị đại nhân này đâu, họ khóc chưa hẳn là buồn. Cười chưa chắc đã là vui, những người này ấy à, gặp chuyện đại sự mới bộc lộ tình cảm thực, còn chuyện vặt thì đừng hòng. Anh đã gặp Phạm Thời Tiệp rồi chứ? Nói là người họ nội của tổng binh Mã Lăng Dụ Phạm Thời Tiệp, đến hoàng thượng cũng phải sững người. Lần trước đi Nam Kinh, một thuộc hạ của ông ta là quan trông coi tài chính mới đùa ông ta, nói là trên đường tới nha môn gặp hai đứa trẻ đang chửi nhau, đứa này chửi đứa kia là đồ bị cắm sừng, hòa giải thế nào cũng không được, Phạm tổng binh nói: "Cái đó thì có gì mà hòa giải không được, ngươi bảo với chúng, trẻ con sao lại "bị cắm sừng" đượ chỉ có người lớn mới có thể "bị cắm sừng" thôi". Tên quan đó nói: "Câu này đại nhân nói được, còn tệ chức không dám nói."... Thầy Phạm cũng chỉ cười mắng một câu, sau này nên làm việc thế nào thì làm thế ấy, như vị này của chúng tôi... - ông ta giẩu môi ra phía Điền Văn Kính đang đứng - Anh nhe răng ra trước mặt ông ta, ông ta có thể đuổi anh ra khỏi thư phòng. Nhưng đến khi cần làm việc chính đáng, thì vẫn gọi anh vào vui vẻ hòa nhã bố trí cho.
- Nói thì cứ nói cười thì cứ cười - La Trấn Bang cười nói: - Vụ án quả phụ Kim ở Thiểm Châu, Điền đại nhân bác bỏ, sau đó cũng có cách gì đâu? Vụ án này liên quan đến thân sĩ, phú thương. Những tú tài này ở Lạc Dương đùng đùng đòi kéo lên Kinh kêu kiện. Làm không khéo mà xẩy ra chuyện bãi khảo thì lôi thôi to. Anh biết đấy, Kim Sinh Nhất là thủ lĩnh của văn nhân phủ Hà Nam, người chết rồi, hồn còn đâu?
Tiền Độ nói:
- Đó là chuyện nằm trong tay thầy Tất. Kim quả phụ đòi nợ không thành, tự vẫn trước cửa nhà họ Thái là chuyện trong đêm giông tố. Thầy Tất đến Thiểm Châu đích thân điều tra nghe ngóng, Kim quả phụ thường ngày không ra khỏi cổng, là người phụ nữ hết sức gầy yếu, không có kẻ thù, không có nhân quả gì. Chủ trương dùng nhục hình tra tấn. Nhà họ Thái không biết mời được ở đâu một tên điêu bút, biện bác hỏi vặn lại: "Cửa cao tám thước, một người đàn bà sao có thể thắt cổ được? Canh ba trời mưa rất to, tại sao hai chân lại không có bùn đất?". Điền chế đài nới bắt bẻ như vậy nghe có lý, nên bảo ông xét xử lại.
La Trấn Bang chau mày nói:
- Nồi cơm này sống rồi. Ông xem, tôi phải làm thế nào?
Tiền Đ chỉ cười, không nói gì. La Trấn Bang vội vàng thò tay vào túi ngực móc ra một tờ ngân phiếu nhét vào tay ông ta, nói:
- Nhà họ Kim quả thực bị oan, đã gom chút bạc này để lót tay, vụ án này lật lại mới có chút ý nghĩa.
Tiền Độ cũng không khách sáo nhận lấy, rồi hỏi:
- Nguyên cáo, bị cáo đưa đến Lạc Dương cả rồi chứ?
- Đưa đến rồi. - La Trấn Bang đáp: - Tôi đã cho phòng Xét xử thăng đường mấy lần, nhưng vẫn chưa phân xử được.
Tiền Độ cười nói:
- Tôi có cách, có thể không dùng hình phạt mà vẫn giải quyết được đòi lại công bằng cho Kim thị, lúc đó ông phải cảm ơn tôi đấy!
La Trấn Bang cười đáp:
- Điều đó thì đương nhiên rồi, cháu của Kim quả phụ nói, chỉ cần trút bỏ được oan ức này, thì dù có khuynh gia bại sản cũng cam lòng. Bây giờ không cho thu tiền bù hao, thì cũng phải dựa vào những việc này để tăng thêm thu nhập chứ.
Tiền Độ lại gần La Trấn Bang, nhìn Điền Văn Kính và Lý Phất đang đứng trên bờ sông đằng xa, nói:
- Việc này rõ như ban ngày rồi, chính là người nhà họ Thái đã đổi giầy cho Kim quả phụ. Bây giờ cách ly những đầy tớ gái nhà họ Thái ra, thử chân của họ, ai đi vừa đôi giầy đó, thì bắt cả vợ lẫn chồng tống vào đại lao. Sau đó thẩm vấn tiếp người họ Thái. Việc này thông đồng bịa đặt lời khai là chắc chắn. Cũng vì thông đồng bịa đặt lời khai nên người biết sẽ rất nhiều. Ông cứ thẳng tay bắt nhốt từng người vào đại lao, đảm bảo thế nào cũng có người không chịu được sẽ khai ra. Khi đã cạy được miệng một người rồi, thì chẳng ai có thể bịt nổi nữa.
La Trấn Bang cười nói:
- Một thầy tiền lương như ông mà cũng rành hình pháp ra trò!
Tiền Độ chớp mắt cười nói:
- Hai chế đài ở bên kia nói chuyện thân mật thật, họ làm sao biết được chúng ta đang ngấm ngầm giở trò ma mãnh ở đây!
Nhưng cuộc nói chuyện của Lý Phất và Điền Văn Kính đã tan vỡ.
- Ngưỡng Quang, tôi không can dự vào công việc Hà Nam của ông, nhưng đạo bằng hữu lấy nghĩa làm đầu! - Lý Phất cố nén lửa giận, hết sức nhẹ nhàng nói: - Dù sao tôi và ông cũng là đồng niên Hương thí cơ mà!
Điền Văn Kính cười nhạt một tiếng, nói:
- Anh khua tay múa chân, cứ như là Khổng thánh nhân sai anh đến dạy tôi ấy. Nên thế này, không nên thế kia. Tôi hơn anh những mười mấy tuổi, chẳng lẽ tôi không tự biết nên làm thế nào sao. Anh thấy biện pháp của anh ở Hồ Bắc tốt, nhưng phiên ty của anh lại chiếm đoạt ngân khố làm của riêng. Tôi làm không tốt, nhưng Hà Nam tôi không có tham quan! Anh là tiến sĩ, anh có đồng niên tiến s của anh, Văn Kính này không dám với cao!
Một tiếng băng sụt nhẹ vang lên, Lý Phất vội lùi lại một bước, nói:
- Tôi không hề muốn đắc tội với ông, mà hết sức chân thành khuyên ông, ông cứ một mực làm mạnh, không rộng lượng một chút, e rằng sẽ xảy ra chuyện. Quan phủ nắm thân sĩ, thân sĩ quản trăm dân. Ông nên nhớ là ông đang chỉnh trị tai mắt nanh vuốt của quan phủ đấy! Cải cách chế độ quan lại, cũng như đi trên mặt sông băng này vậy, để ý từng bước còn chẳng kịp nữa là!
- Hồ nghi!
- Cái gì?
- Tôi nói là anh hồ nghi! - Điền Văn Kính lạnh lùng nói: - Con cáo đi trên băng, đi được vài bước lại nghe ngóng, chỉ một tiếng băng mà sợ giật lùi ba bước? Anh xem - ông giậm nhẹ chân: - Băng ở đây đã đông cứng lại, chẳng việc gì cả!
Lý Phất đỏ bừng mặt. Ông không chịu đựng được nữa, hét lên:
- Tôi đã cố nhịn hết sức rồi, ông lại coi thường người khác như vậy chứ? Làm quan mà lại tàn hại kẻ sĩ! Một kẻ bề tôi ngôn lợi! Ông là kẻ tiểu nhân, tôi sẽ dâng sớ vạch tội ông!
- Tùy.
Điền Văn Kính hơi lắc lư người, không thèm quay đầu lại đi thẳng về bờ bắc. Lý Phất cũng chọn đường đạp băng qua sông.
Bên cầu Thiên Tân, Tiền Đồ và La Trấn Bang đang nói chuyện rất sôi nổi, thấy hai người họ bỗng dưng mỗi người một ngả, liền đưa mắt nhìn nhau. Tiền Độ vội đuổi theo Điền Văn Kính, La Trấn Bang cũng chạy theo Lý Phất, vừa thở hổn hển vừa hỏi:
- Hai người có gì thì từ từ nói, sao lại thành ra nông nỗi này?
- Ngày mai ta sẽ đi.
- Sao bảo còn...
- Ở đây hơi đồng nặng lắm!
Ở bên này, Tiền Độ hỏi Điền Văn Kính:
- Ông chủ, Lý chế đài làm sao vậy? Chẳng phải các ngài nói chuyện rất ăn ý sao?
- Hừ! - Điền Văn Kính xì một tiếng: - Đồ quân tử dởm!

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI