HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN
Long Khoa Đa giáng chức lo phạt tội
Liêm thân vương mưu bàn việc quân vương

    
oãn Tự chạy vội đến cửa thư phòng, vừa lúc tiếng chuông đồng hồ vang lên, chiếc đồng hồ quả lắc điểm liền mười hai tiếng, nhìn qua cửa kính vào bên trong, thấy một người chừng trên 50 tuổi râu điểm bạc, một tay cầm cốc đang nghiêng người nheo mắt nhìn giá sách. Doãn Tự bảo Tô Nô mở cửa, sải chân bước vào, cười mỉm nói:
- Cữu cữu (cậu) có khỏe không?
Tô Nô khom người chào, rồi đứng ngay dậy nói:
- Xin vấn an Cữu da.
- Cú mèo vào nhà không chuyện gì không đến. Nay chỉ có Long Khoa Đa, lấy đâu ra "cữu cữu", "Cữu da"! - Long Khoa Đa để lại quyển sách lên giá: quay mặt lại. Lúc này đứng gần, Doãn Tự mới nhận ra mặt ông ta hơi phù thũng, ngay cả những nếp nhăn trên trán cũng bóng lên, cử chỉ điệu bộ trông cũng chậm chạp. Doãn Tự cười sai người nhà đang đứng hầu ở cửa:
- Dâng cho Long đại nhân một bát sâm. - Giơ tay mời Long Khoa Đa ngồi rồi nói- - Tô Nô cũng ngồi đi. Cữu cữu, trong lòng cữu cữu bực tức, điều này cháu biết. Hoàng thượng lần trước ra chỉ lục soát giản của cậu, cậu đưa đến mười vạn ngân phiếu bảo cháu thu lấy, cháu đã lặng lẽ trả lại cho cậu chẳng phải vì điều này sao? Dù sao cậu cũng có dính việc thâm hụt. Đương kim hoàng thượng lên ngôi mấy năm nay, quan viên trong triều ngoài dã bị tịch thu gia sản trên nghìn nhà, ông ta sinh ra là một "hoàng đế tịch thu gia sản" mà. Thập tứ da bị tịch thu rồi, chỗ cháu càng là nơi ông ta nhắm trúng từ lâu, có gì đảm bảo là an toàn? Cháu nghĩ cho cậu còn chu đáo hơn nhiều...
Doãn Tự nói xong, với người lên giá sách lấy xuống bộ Tả truyện, lật giở một lúc, lấy ra một tờ giấy đưa cho Long Khoa Đa, chân thành nói:
- Đây là điền trang cháu mua được ở Thuận Nghĩa, hết 13 vạn bạc. Việc tịch thu gia sản chỉ tịch thu tài sản bề nổi, không tịch thu từ đường, ruộng đất tổ tông để lại, cháu đã ghi ngày tháng trước 10 năm, cậu giữ lấy phòng khi có việc gì. Cậu, cháu không phải là kẻ vô tình vô nghĩa qua cầu rút ván, điều này xin cậu yên tâm.
- Bát da, việc này không lớn, nhưng ta có thể thấy tấm lòng của cháu. - Long Khoa Đa đón lấy tờ ngân phiếu nhìn qua rồi đút vào túi. Trông ông ta có vẻ tiều tụy - Điều canh cánh trong lòng ta là bản ngọc điệp kia. Khi đến mượn ở nhà sách Hoàng Sử, ta đã làm giấy biên nhận. Bây giờ chỉ là kê biên tài sản của ta, gia sản đều đang niêm phong trong nhà chứ chưa tịch thu. Tình hình của ta bây giờ Bát da có gì không rõ? Nói nhốt là nhốt, nói giết cũng chỉ cần một tờ ý chỉ. Ngay cả đi thăm người thân cũng phải đi vào giờ này! Ngọc điệp là Hoằng Thời mượn đi, ta vừa đến phủ Tam bối lặc gặp anh ta, nghe nói là Bát da mượn xem. Tam da cũng nói không an toàn, xin Bát da trả lại cho lão nô tài, nếu không, khi phủ Nội vụ truy cứu thì liên lụy to.
Doãn Tự nhìn vị trọng thần "Thiên tự nhất hiệu" từng lừng lẫy một thời này, chưa đầy nửa năm mà dường như Long Khoa Đa đã già đi 10 tu, gương mặt vuông rắn rỏi ửng hồng trước đây giờ trở nên nhão nhoét mệt mỏi, không chút sinh khí, giọng nói thê thảm, đầu tóc bạc trắng rối bù run run dưới ánh đèn. Doãn Tự bỗng thấy lòng mình nặng trĩu, liếc mắt nhìn Tô Nô cũng đang trầm ngâm không nói. Tô Nô thực ra không phải là cháu ruột của Doãn Tự, tổ tiên anh ta là từ Thái tông hoàng đế đã phân nhánh ra, đến đời cha anh ta tước vị bị hạ xuống dần, chỉ phong tước Tam đẳng tử, mỗi năm chỉ được lĩnh 6 trăm lạng bạc ở chùa Quang Lộc, ngoài ra hầu như không còn khoản gì khác, quả thực là con em nhà tôn thất nhàn tản chính cống. Nhưng Tô Nô từ nhỏ thông minh lanh lợi, ít nói nhưng rất giỏi kết giao với những người quyền quý, 8 tuổi đã được đưa vào nhà Tông học học, người khác chỉ tính chuyện thể diện, thậm chí chỉ hòng được mấy lạng bạc giấy bút, nhưng Tô Nô lại thấy đây là cơ hội để kết giao với người quyền quý. Mấy người con nhỏ của Khang Hy hoàng đế học bài không thuộc, anh ta chịu phạt quỳ thay, viết hộ bài, giúp họ mài mực trải giấy. Có lúc còn lén lút mang tiểu thuyết vào lớp cho các "thúc thúc" Doãn Ngã, Doãn Hộ, Doãn Kỳ giải sầu, hay mua các lồng dế, quả tú cầu, ống cắm bút,...chỉ đáng vài đồng tặng cho Hoằng Thời, Hoằng Vượng, lớp con cháu hoàng thất lá ngọc cành vàng... Vừa được học hành lại vừa được mọi người khen là "biết điều". Vì vậy từ trong nhà Tông học ra, Doãn Ngã liền cho anh ta đến phủ Thập bối tử giúp làm công việc trong phủ, lại giới thiệu đến bộ Lễ, bộ Hình làm việc cho Doãn Tự. Doãn Tự là tổng lý đại thần được phong thân vương sớm nhất, một cái thẻ phát ra lại làm Diêm đạo Vu Hồ, mấy cái mật bảo, Khang Hy mới biết trong số con em tôn thất hoàng gia Ái-tân-giác-la cũng còn có một quan giỏi, bèn thăng vượt cấp lên làm tuần phủ Hồ Quảng. Doãn Đề xuất binh đi Lạp Tát, lương thực từ bộ Hộ phát ra đều hỏng mốc, chỉ có của Hồ Quảng chuyển đi là gạo mới, Doãn Đề chiến thắng, một bản tấu công dâng lên lại là một sự bảo đảm chắc chắn, lại xét đến công lao của tổ tiên anh ta, vua Khang Hy lại phái đến chỗ Doãn Tự lệnh cho bộ Lễ xét công trạng, một "bối tử" được phong một cách thỏa đáng, lại ban cho làm thị vệ. Vì vậyửa nhà tôn thất họ hàng xa không danh không tiếng này bỗng nhiên rạng rỡ trở lại, con nhà tôn thất nghèo cùng học đều gọi anh ta sau lưng là "khỉ câm". Tờ "ngọc điệp" mà Long Khoa Đa nói bên trên chỉ có mấy câu, ghi ngày giờ sinh của Bảo thân vương Hoằng Lịch. Thứ này đương thời là hồ sơ tuyệt mật, nhằm đề phòng có kẻ hành yêu pháp hoặc thuật bóng đè làm hại hoàng a-ca của hoàng đế, từ trước đến nay phong kín khóa chặt trong nhà sách Hoàng Sử. Tam a-ca Hoằng Thời không biết định dùng làm gì mà ép Long Khoa Đa giở quyển lấy trộm ra, Doãn Tự biết được việc này qua Tô Nô, lại đòi "mượn đọc", nếu không sẽ lôi ra kiện, Hoằng Thời đành phải nhân nhượng cho vị Bát thúc khó chơi này.
- Bát thúc - Tô Nô thấy Doãn Tự nhìn mình, khom mình trên ghế nói: - Ngọc điệp này cũng đọc thuộc làu rồi, Long cữu da rơi vào hoàn cảnh thế này, giữ lại cũng chẳng ích gì, có điều... - Anh ta do dự một lát, gương mặt ánh lên nụ cười xảo quyệt - Chúng ta là "mượn" ở chỗ Hoằng Thời Bối lặc da về; bây giờ không có ba mặt một lời mà Cữu da lấy đi, đến lúc Tam da đòi chúng ta, thì biết làm thế nào?
Long Khoa Đa vội nói:
- Quả thực ta vừa từ chỗ Tam da đến, Tam da không tiện đích thân đến, nên bảo ta im lặng lấy từ chỗ Bát da về. Ngọc điệp này Bát da giữ lại chỉ tội gây thêm rắc rối, chứ thực sự chẳng có tác dụng gì cả.
Doãn Tự lúc này mới cười nói:
- Cậu vội gì, đương nhiên cháu sẽ trả lại cậu.
Tô Nô lúc này mới đứng dậy, lục trên giá sách lấy xuống một quyển, rút ra một quyển sổ bìa cứng kẹp ở trang bìa, xung quanh bìa ánh vàng nạm một đường viền hoa, mở ra xem, thấy bên trong có mấy dòng
Hoàng tứ a-ca Hoằng Lịch, sinh giờ Dần ngày 13 tháng Tám năm Khang Hy thứ 50 tại phủ Ung thân vương (cung Ung Hòa). Vương phi Nữu Hỗ Lộc thị, Niên thị, a hoàn Thúy Nhi, Châu Nhi, Nghênh Nhi, Bảo Nhi chứng kiến, bà đỡ Lưu Vệ thị.
Đây chính là quyển "Ngọc điệp" giá trị liên thành, can hệ đến tính mạng của cả mấy vương công đại thần nọ. Tô Nô không trực tiếp đưa trả cho Long Khoa Đa, mà diễu quả trước mặt ông ta rồi hai tay đưa cho Doãn Tự.
Doãn Tự không thèm xem, thuận tay đặt xuống án thư, quay mặt cười hỏi Long Khoa Đa:
- Cậu đi A Nhĩ Thái hội nghị với La Sát, bao giờ thì khởi hành?
Long Khoa Đa không hề muốn lưu lại lâu ở cái chỗ thị phi này, chỉ chờ lấy được ngọc điệp là đi, nhưng ông ta biết thủ đoạn của ông "cháu họ ngoại" lúc nào cũng tỏ ra khiêm nhường này, bèn khom người nói:
- Hoàng thượng thương tiếc nô tài. Nô tài vốn định lên đường rồi, hôm qua vào cung từ biệt, hoàng thượng nói nhận được bản tấu của tướng quân A Nhĩ Thái là Bố Thiện, nói sứ thần nước La Sát vừa rời Mặc Tư Khắc, nô tài là sứ thần của thiên triều, không nên đến trước, đường đầy băng tuyết cũng không dễ đi, đầu xuân cây cỏ nảy mầm rồi đi cũng chưa muộn, cho nên nô tài tạm thời chưa đi!
Doãn Tự cười, nói:
- Cậu, cậu trả lời thế nào?
- Nô tài nô tài là người có tội, đâu dám sợ lạnh? - Long Khoa Đa nhớ lại lúc Ung Chính tiếp kiến mình, chậm rãi nói: - Người La Sát thâm hiểm xảo trá, muốn chia cắt Ca Nhĩ Ca với Mông Cổ, 100 năm nay mưu đồ không thay đổi. Nay Sách-linh-a-la-bô-thản rục rịch, chân tướng đã bại lộ, nếu nước La Sát đến trước, hai bên cấu kết với nhau thì hậu họa vô cùng. Chi bằng nô tài đi trước, bố trí trước về quân sự một là làm cho Sách Linh sợ hãi, hai là có thể ký kết điều ước với nước La Sát một cách thuận lợi. Ý kiến của nô tài là vẫn nên đi sớm một chút. Hoàng thượng đã nói với nô tài: "Những lời khanh vừa nói đều là lời của bậc lão thành mưu quốc. Tướng quân A Nhĩ Thái cũng là khâm sai đại sứ, khanh viết một bức điều trần, trẫm sẽ gửi cho Bố Thiện, bảo ông ta ở đó lo trước mọi chuyện. Khanh tuy có tội, nhưng trẫm vẫn không coi khanh là hạng nô tài tầm thường. Trước nay khanh vẫn là người có công mà! Lần này đi sứ nếu làm tốt, trẫm sẽ miễn tội cho khanh". Bát da, xin ngài giúp đỡ nô tài, qua được bước gập ghềnh này, sẽ có ngày nô tài đem hết sức lực phục vụ ngài!
Long Khoa Đa nói xong, không biết câu nói nào đã động vào tâm can mình, Doãn Tự bỗng thấy lòng cay đắng, nước mắt đã dâng đầy trong hốc mắt, nhưng ông ta vốn là người cứng rắn, cố kìm không cho nước mắt chảy ra.
- Cữu da nay đã thành "đại thần kiện tội" rồi. - Tô Nô đứng bên cạnh nói: - Ngài có tội gì? Ngài là bề tôi có công từng theo tiên đế Tây chinh Chuẩn Cát Nhĩ nay lại nói ngài cấu kết với Niên Canh Nghiêu, thực ra không có ngài làm quan ở Bắc Kinh. Niên Canh Nghiêu mới thật sự muốn làm phản!
Tô Nô là kẻ lúc nào cũng toan tính, tỏ bất bình thay cho Long Khoa Đa:
- Ngài từ chức đề đốc Cửu môn, vốn là để vứt quyền tránh họa, hoàng thượng lại miễn nốt chức đại thần phòng Thượng thư của ngài, nói là "câu kết" mà không có chứng cứ gì, nói là tự ý lục soát Ngự viên, nhưng đó là công việc nằm trong chức quyền của ngài, ông ta quả là một Việt vương Câu Tiễn! Nay Bát da tại vị, Bát da xảy ra chuyện nữa, ông ta lại trị ngài tội "câu kết" với Bát da.
Long Khoa Đa nghe xong im lặng không nói gì, lâu sau mới lên tiếng:
- Ta đã là người 60 tuổi, ra tướng vào tướng, cuộc đời này coi như không uổng rồi, bây giờ ta chẳng muốn gì, cũng không thể làm gì nữa, chỉ muốn được bình yên sống những ngày tàn. Thực lòng mà nói, bình thường ở nhà tĩnh tâm ngồi nghĩ, ta không được đầu xuôi đuôi lọt nhưng cũng không đến nỗi để lại di họa cho cháu con! Bát da nếu nghĩ cho chút ước nguyện này của ta, thì xin để ta yên, bằng không, bạch hạc của ta đã chuẩn bị xong xuôi rồi, nhờ mấy viên thuốc mà đi thôi...
Ông ta không kìm được nữa, nước mắt tuôn lã chã.
Doãn Tự thấy vậy cũng thương tình, không nén nổi xúc động, chìa tay đẩy nhẹ quyển Ngọc điệp sang phía Long Khoa Đa, nói:
- Cậu đừng như vậy... Có lẽ cậu hận cháu, hận cháu kéo cậu xuống nước, làm lỡ tiền đồ gấm vóc của cậu, có điều, có hai điều xin cậu suy nghĩ, cháu cũng là bất đắc dĩ, ở vào cái địa vị này, phải đọ mánh khóe với anh ruột để tự bảo vệ mình. Cậu nhìn trên bức tường đối diện kia, đó là bức thư họa do chính tay cháu viết?
Long Khoa Đa ngẩng đầu xem, quả nhiên thấy bức thư họa bồi vải lĩnh màu tương, viết bằng thể chữ Nhan [5]:> Ngài không thấy cây liễu bên hồ ư: Sóng đánh vào gốc của nó, tên đầy tớ bẻ cảnh của nó, cây này không có thù oán gì với thiên hạ, tại sao lại như vậy? Cây đàn hương thơm ngát, tùng bách trên núi cao, trên lá xanh tuyết phủ, dưới rễ thông tam tuyền, trên có chim loan chim phượng, dưới có hổ báo kỳ lân, thiên thu vạn đại không phải chịu một lưỡi rìu, cây này không có họ hàng thân thích với thiên hạ, tại sao lại được như vậy?
- Đây là đoạn trong Thư gửi Tô Tần, Trương Nghi của Quỷ Cốc Tử. - Ánh mắt Doãn Tự đảo qua đảo lại dưới ánh đèn - Đều là cây cối, mà số phận chẳng giống nhau, đó là tạo hóa an bài, chẳng thể nào khác được, lương tâm trời đất ở đây, cháu xưa nay chưa bao giờ có lòng hại người, chẳng qua là vị vua làm anh này không thể dung cháu! Cho dù có phải chết, hay là giam cầm trong tường cao, cháu cũng chấp nhận. Xưa nay vốn được làm vua thua làm giặc mà! - Ông ta chìa hai ngón tay ra: - Cháu thưa bao giờ cố ép người khác, lại càng không bán rẻ bạn bè. Cậu, chuyện "đảng" của cậu và cháu không nói làm gì, chuyên của cậu và Hoằng Thời cháu cũng không có gì không biết. Cậu sa sút thế này, hoàn toàn là do Ung Chính đa nghi phỏng đoán không chịu tha thứ! Ông ta đến em cùng một mẹ đẻ ra mà còn không tha, thì huống hồ là cháu, càng huống hồ gì cậu? Từ khi cậu bị tịch biên gia sản thất thế, Đại Lý tự và bộ Hình đã huy động bao nhiêu người thanh tra chuyện cậu và Niên Canh Nghiêu, và cả chuyên của cháu? Ngoài việc cậu tẩu tán gia sản, thì có tìm ra cái gì nữa không? Không! Như thế cũng đủ thấy là cháu không bán rẻ bạn bè rồi.
Ông ta lấy ngón tay chỉ vào quyển Ngọc điệp:
- Cậu cầm cái này đi, cố gắng mà bịt kẽ hở lại. Cháu không bao giờ làm phiền cậu nữa. Cậu cứ yên tâm...
- Đa tạ Bát da! - -Long Khoa Đa nâng ngọc điệp lên, tay run run cẩn thận giấu vào trong áo lót, cái bìa vàng lạnh buốt lp tức khiến ông ta rùng mình một cái, ánh mắt u tối của ông ta sáng lên nhìn Doãn Tự, rồi lập tức cúi gằm mặt xuống, nói: - Lão già cổ hủ này là đồ vô dụng, quả thật có lỗi với Bát da. Nhưng cũng xin Bát da yên tâm, Long Khoa Đa nửa đời anh hùng, cũng chưa bao giờ bán rẻ bạn bè.
Nói xong, quay sang gật đầu với Tô Nô, chắp tay vvái chào Doãn Tự sát đất, rồi lọm khọm đi ra. Tô Nô nhìn theo cho đến khi bóng Long Khoa Đa mất hút cuối hành lang dài, mới nói:
- Thế là thả cho đi rồi! Lão già thật tốt phúc.
Doãn Tự đứng dậy như trút được gánh nặng, nói:
- Ông ta đã là ngọn đèn hết dầu rồi. Bức ông ta đem sức lực ra phục vụ cho chúng ta, nếu nóng vội, không chừng trong chốc lát ông ta lại bán hết cả Hoằng Thời và chúng ta ấy chứ. Ông ta từng làm tể tướng, nay lại bị bãi chức, nhất cử nhất động đều có bao nhiêu con mắt nhìn vào, chúng ta không dây dưa với ông ta là tốt rồi. Ông ta không nhập bọn với chúng ta, tâm trí Ung Chính cũng chỉ để vào ông ta, trâu không uống nước cứ dìm đầu xuống, ta cũng không làm những chuyện như vậy. Nói như lời Hà Trụ Nhi: Đêm 30 bắt con thỏ, không có nó thì không ăn tết chắc? - Doãn Tự quay mặt lại, hai con mắt lấp lánh dưới ánh nến leo lét, nói không ra hơi: - Tô Nô, ngày mai đến phủ Tam bối lặc, thông báo kết quả hội nghị với Hoằng Thời, bốn vương gia đã đến Thừa Đức, thời tiết thế này thì Doãn Tường cũng chỉ nước chết thôi. Nhưng Hoằng Lịch chưa chắc đã cùng Lý Vệ lên đường đi Nam Kinh, nếu Hoằng Lịch không rời Bắc Kinh, thì mấy vương gia cứ tạm thời ở lại Thừa Đức. Nói với Tam da, Bát thúc lần này quyết sống mái giành ngôi vị thái tử cho anh ta.

*

Nhưng Doãn Tự không hoàn toàn đoán đúng. Ba ngày sau Dinh báo ra, Hoằng Lịch đi tuần sát Giang Nam với tư cách thân vương, khâm sai đại thần, đã được Trương Đình Ngọc thay vua Ung Chính đến trạm dịch Lộ Hà tiễn ra khỏi Bắc Kinh. Hoằng Trú phụng chỉ đến Mã Lăng Dụ thị sát việc quân, bái tế Cảnh Lăng với tư cách là hoàng tử. Tin Hoằng Thời chuyển đến, không những Doãn Tường đã ngã bệnh không thể làm việc, vua Ung Chính cũng mắc bệnh nhiệt, tạm thời ngừng tiếp sứ thần bên ngoài. Doãn Tự cảm thấy những tin tức này tốt lành đến mức không ai dám tin, ra lệnh cho thái giám Hà Trụ Nhi thăm dò sự thực ở trong cung, lúc này mới lặng lẽ khởi kiệu vào vườn Sướng Xuân yết kiến Ung Chính, đích thân đến tìm hiểu thực hư.
- Bát đệ đến rồi? - Ung Chính triệu kiến Doãn Tự ở Đạm Ninh cư, thấy ông ta hành lễ, mỉm cười nói: - Sức khỏe đệ xưa nay không được tốt, từ lâu đã có ý chỉ không cần thường xuyên đến vấn an. Làm khổ đệ phải nhớ nhung.
Quả thật trông hoàng đế thần sắc mệt mỏi, mắt thâm quầng, gương mặt nhợt nhạt, nước da mai mái. Ung Chính chỉ mặc một chiếc áo bào da chồn mặt lụa màu tương, lưng thắt dây đai lụa thun mầu vàng hơi nghiêng người tựa vào ghế, giọng nói uể oải mà mềm mỏng:
- Ngồi xuống ghế kia đi! Anh em trong nhà không cần đa lễ như vậy, trẫm tiếp sứ thần bên ngoài cũng chưa bao giờ để họ làm thế. Đệ dạo này sức khỏe thế nào, trẫm trông thần sắc cũng không đến nỗi, thuốc Thiên ma lần trước đã dùng chưa?
Doãn Tự vội khom người đáp:
- Nhờ hồng phúc hoàng thượng, thần đệ mấy hôm nay khá hơn nhiều, Thiên ma hoàng thượng ban thần đệ đang uống, có điều bệnh đau đầu này không phải ngày một ngày hai mà khỏi được. Thần đệ vốn cũng không dám đến làm kinh động hoàng thượng, nhưng thấy trong Dinh bán viết rằng hoàng thượng tạm thời không tiếp kiến ngoại thần, thần đệ lo cho sức khỏe của hoàng thượng, nên mới vội đến đây xin vấn an.
Ung Chính chống tay ngồi thẳng dậy, một lúc không nói gì. Hai anh em ruột thịt này từ năm Khang Hy thứ 46 xảy ra xích mích, vì đoạt ngôi vua mà tranh giành Tử Cấm Thành, trở thành kẻ thù sống còn của nhau đã gần 20 năm. Nhưng xưa nay vẫn nói chuyện với nhau bằng gươm đao, bên này Ung Chính là Doãn Tường, bên kia Doãn Tự là Doãn Ngã, Doãn Đường, hai bên trực tiếp giao chiến. Ung Chính và Doãn Tự rất hiếm khi gặp riêng, khi hội triều cũng chỉ là cung kính vái chào bắt buộc theo lễ nghi mà thôi. Lúc này, hai đối thủ chính trị bao năm đối mặt với nhau một quân một thần trong lòng đều hết sức xúc động, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Không biết sau bao lâu, Doãn Tự mới cảm thấy cứ ngồi không như thế thật không tiện, khom người nói:
- Lần trước gặp hoàng thượng vẫn thấy ngài rất khỏe, lần này trông có phần tiều tụy, nghe nói hoàng thượng một ngày phải tiếp đại thần ba giờ, phê bản tấu đến nửa đêm, làm việc quá sức như vậy thì dù có khỏe mấy cũng không chịu được. Khi tiên đế ở ngôi chăm lo chính trị, các bậc đế vương ngàn đời không ai theo kịp, nhưng hoàng thượng lại còn vất vả hơn tiên đế! Đạo văn võ khi căng khi chùng, hoàng thượng học thông cổ kim, dù sao cũng nên cẩn thận giữ gìn, đó cũng là hồng phúc cho thần dân thiên hạ.
- Trẫm hiểu mình hơn ai hết, phàm giải quyết mọi việc, trí thông minh thiên bẩm trẫm không thể bằng tiên đế, đành phải lấy cầù mà bù thông minh vậy.
Ung Chính trong lòng biết rõ Doãn Tự chỉ mong mình chết ngay tức khắc, nghe những lời thăm hỏi giả dối này, không khỏi ngán ngẩm, chau mày như nhai phải trám đắng, nhưng giọng nói lại hết sức khoan thai:
- Con người ấy mà, sợ nhất là không tự biết mình. Trẫm dạo này trong người khó chịu, vốn định gọi khanh vào hỏi từ lâu, chuyện chỉnh đốn việc Kỳ đến nay đã làm thế nào rồi?
Doãn Tự do dự một lát, rồi cười đáp:
- Thật lòng mà nói, thần đệ và hoàng thượng có nhiều bất đồng chính kiến, duy chỉ có việc chỉnh đốn Bát Kỳ, thần đệ hoàn toàn tán đồng. Nhưng đúng như hoàng thượng nói, con người ta phải tự biết mình. Khai quốc mới được 80 năm, thế mà con cháu Bát Kỳ của Mãn Châu chúng ta đã thành đồ bỏ đi cả rồi! Năm Khang Hy thứ 56, quân Nhĩ Đan đánh bại Thanh Hải, toàn quân 6 vạn người bị tiêu diệt sạch, những kẻ trốn về được nói, nghe thấy tiếng trống giặc đã sợ vãi tè. Doãn Đề tiến quân vào Tây Tạng, Niên Canh Nghiêu đánh nhau ở Thanh Hải, đều dùng lục doanh quân Hán. Ngay cả những kỳ ở kinh sư đây, hàng tháng lĩnh tiền lĩnh lương mà chẳng chịu làm việc gì, chỉ biết ngồi quán trà tán dóc, nếu không thì nuôi chó cảnh, trồng cây cảnh, trong vòng mười dặm không có nổi một người biết nói quốc ngữ [6]! Cho nên việc này thần đệ hết sức chú ý làm, chưa bao giờ lơi lỏng.
Ung Chính chăm chú lắng nghe, thấy Cao Vô Dung đưa sữa tới, liền nói:
- Đưa cho Bát da! Khanh
Doãn Tự hai tay nâng ly sữa, tạ ơn rồi nhấp một ngụm, ung dung nói tiếp:
- Nhưng hoàng thượng biết đấy, bọn nô tài vô tích sự dưới Bát Kỳ đứa nào đứa nấy đều kiêu ngạo buông thả quen rồi. Mỗi đứa lại có kỳ chủ của mình, chức quyền khó mà thống nhất. Lần trước phụng chỉ, cắt đất phân cho chúng ở một số nơi như Mật Vân, Thuận Nghĩa, Tuân Hóa. Người thật thà một chút thì đi, còn kẻ dối trá thì xuất địa tô, ngồi thu lương thực sẵn. Có một loại lười làm ăn thì thẳng tay bán đất đi. Thần đệ truy xét những việc này, bắt mấy tên về phủ thần đệ tra hỏi, chúng đều nói là đã thỉnh thị bản chủ, làm thần đệ tức phát điên lên, mà không làm gì được chúng. Cho nên mới bàn với Tam a-ca, gọi kỳ chủ các kỳ về Bắc Kinh, đưa ra điều lệ chỉnh đốn, để kỳ chủ các kỳ tự quản lý người Mãn dưới kỳ mình, triều đình chỉ kiểm tra xem xét định kỳ. Đi làm tốt thì biểu dương khen thưởng, làm không tốt thì xử phạt theo điều lệ. Những kỳ chủ này ở Phụng Thiên cũng ngồi không chẳng chịu làm gì, ăn bổng lộc rồi thì cũng nên để họ làm chút việc gì có ích chứ. Đây là một biện pháp mà Hoằng Thời và các thần đệ nghĩ ra. Thích hợp hay không còn phải chờ hoàng thượng xem xét.
Nói xong cúi đầu uống sữa.
- Những việc này khanh và Hoằng Thời bàn bạc thêm nhé. - Ung Chính thờ ơ nói: - Trẫm lúc này công việc quá nhiều, sáu tháng cuối năm đã phải tiếp kiến quan viên từ tri phủ các tỉnh trở lên. Qua Nguyên đán, bắt đầu từ tỉnh Trực Lệ, trẫm phải tiếp kiến tất cả quan châu, huyện. Quan châu huyện là những người gần gũi với dân chúng nhất, tất cả chế độ của triềuu đinh đều do họ thi hành, những cay đắng ngọt bùi của muôn dân, họ là người hiểu rõ nhất, cải cách chế độ quan lại phải bắt đầu làm từ họ. Có người nói trẫm vụn vặt, đâu biết điều mà thiên hạ ngày nay thiếu nhất chính là sự vụn vặt, không sợ phiền phức. Trẫm biết chính kiến của khanh không giống trẫm, khanh đừng vì chuyện này mà lo lắng. Dương Danh Thời, Lý Phất họ cũng đều bất đồng ý kiến với trẫm, nhưng làm việc tốt, không làm những chuyện tà ma ngoại đạo, trẫm vẫn tin dung. Nói về việc chỉnh đốn Bát Kỳ, trẫm chỉ có một câu, tất cả người trong kỳ đều phải nghĩ đến ân đức cao dày của triều đình, gắng sức làm ăn, cùng xây dựng nước Đại Thanh phồn vinh thịnh trị. Có tôn chỉ này, còn biện pháp do các khanh suy nghĩ.
Đang nói, thì thấy Trương Đình Ngọc từ hiên Vận Tùng vội vàng đi tới, Ung Chính liền hỏi:
- Có việc gì gấp sao?
Trương Đình Ngọc khom người chào Ung Chính rồi đứng dậy gật đầu tỏ ý chào Doãn Tự, nói:
- Bẩm hoàng thượng, vừa nãy nhận được quân báo của Bố Thiện, Sách Linh A-la-bô-thản mang 3 nghìn kỵ binh Mông Cổ bất ngờ đánh vào đại doanh A Nhĩ Thái, đã bị quân ta đánh lui. Đây là việc đại sự, cho nên nô tài vội sang tấu để hoàng thượng biết.
Ung Chính chau mày, bỗng nhiên vẻ mặt trở nên hăm hở, hỏi:
- Bản sớ của Bố Thiện đâu? Tình hình thương vong của hai bên như thế nào?
- Bản tấu nô tài đang bảo họ chép tóm tắt lại, đây là nô tài bẩm trước hoàng thượng, khi chép xong cũng đưa cho Di thân vương một bản. Quân ta thương vong rất ít, chỉ có 73 người chết, quân Sách Linh hơn 200 tên bỏ mạng. Vì trận chiến xảy ra vào ban đêm, nên tình hình thiệt hại của địch không rõ, chỉ có điều, quân địch cướp mất của quân ta một kho lương, mất 3 nghìn thạch lương thực, đốt mất khoảng 7 nghìn thạch. A Nhĩ Thái lương thực mùa đông không đủ, xuân tới tuyết hóa thành bùn, sợ rằng khó vận chuyển, xin hoàng thượng xuống chỉ cho bộ Hộ tức tốc điều 1 vạn thạch lương chuyển
đi để bổ sung quân lương. - ông ngừng một lát, rồi do dự nói: - Bản tấu còn có một bản danh sách tướng lĩnh có công đề nghị triều đình xem xét.
- Đây là "trận thắng" gì vậy? - Mặt Ung Chính bỗng đỏ gay, ông cười nhạt một tiếng rồi nói: - Bố Thiện là một thượng tướng, thống tính 3 vạn binh mã, để người ta vào doanh, đốt kho cướp lương đi, còn giết mất hơn 70 người! Vậy mà lại còn mặt mũi xin lương thỉnh công triều đình? - ông thở dốc một hơi, xoa ngực một lúc mới bình tĩnh trở lại: - Khanh thảo chỉ nói với Bố Thiện, trẫm không có nhiều ân điển mà ban cho hắn! Cách chức hắn nhưng cho giữ nhiệm vụ cũ để lập công chuộc tội, hạn trong vòng nửa tháng cũng phải cướp được một kho lương của quân địch, cũng được phép để chết 200 người! Nếu không, trẫm sẽ cho xích giải hắn về Kinh giao cho bộ Hình xét xử. Nếu còn có ảo tưởng ngông cuồng như vậy, thì trẫm sẽ "xét công" cho hắn!
Ông nôn nóng đi đi lại lại, chốc chốc dừng lại bên cửa sổ nhìn ra những nóc nhà và ngọn cây phủ đầy tuyết trắng xóa bên ngoài và nước tuyết tan đầy mặt sân, rồi lại quay lại như chẳng nghĩ điều gì, chăm chăm nhìn vào chồng tấu sớ chất đống như núi ở trên bàn.
Trương Đình Ngọc suy nghĩ hồi lâu, mới nói:
- Đánh trận thua là chuyện đã rõ rành rành, nhưng nô tài cho rằng đây chỉ là thất bại nhỏ. Nay hoàng thượng hạ chỉ cách chức ố Thiện, nếu như trong vòng nửa tháng ông ta không thể lập công như lệnh thì triều đình sẽ chọn viên tướng nào đi A Nhĩ Thái thay ông ta? Xin hoàng thượng thánh xét!
Ung Chính giận dữ "hừ" một tiếng, nói:
- Trẫm không hề tức giận vì "thất bại nhỏ" của hắn, thua thì đằng nào cũng thua rồi, cứ tấu về cho rõ ràng, tại sao lại khi quân? Khanh nói không có người thay thế, trẫm không tin! Chẳng lẽ đồ tể chết thì phải ăn lợn cả lông sao?
- Hoàng thượng, - Doãn Tự nãy giờ ngồi bên không nói gì bỗng từ từ cất tiếng: - che giấu thất bại, mạo nhận công lao, đó là thói quen của tướng lĩnh biên thùy, xưa nay đều như vậy, hoàng thượng hà tất phải vì chuyện này mà nổi nóng...
- Ừm.
- Bố Thiện là tướng cũ từng theo Thánh tổ tây chinh, không phải là hạng tầm thường. - Doãn Tự mỉm cười đĩnh đạc nói: - Những vùng tây bắc Thanh Tạng, A Nhĩ Thái đều là vùng sa mạc mênh mông lạnh giá đến cây cỏ cũng không mọc được, có thể lưu giữ lâu dài ở đó, Bố Thiện cũng có thể coi là bề tôi trung thành, không nên vì sai lầm nhỏ mà phạt nặng, làm lạnh lòng tướng sĩ ngoài biên ải. Thay một người mới, uy tín chưa đủ để thu phục lòng quân, không thể điều khiển được như ý, có khi lại sinh ra đại loạn. Triều đình ở xa vạn dặm, thần đệ cho rằng càng không nên bố trí việc quân vụn vặt, kỵ binh Mông Cổ, Sách Linh A-la-bô-thản vốn thoắt ẩn thoắt hiện, dũng mãnh mau lẹ, rất khó chế ngự, chúng cũng chưa chắc đã có kho lương gì. Nếu Bố Thiện mong đánh để chuộc lỗi, mà tùy tiện xuất binh, lại đúng vào mùa đông giá rét, khả năng thắng bại khó mà lường trước, nếu lại thua nữa, thì hội nghị biên giới với nước La Sát mùa xuân tới của Long Khoa Đa chưa biết chừng cũng vì vậy mà gặp nhiều bất lợi. Việc này vốn không phải là bổn phận của thần đệ, thần đệ ngồi bên cạnh nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy hoang mang. Thừa nhận cái "thắng" nhỏ của Bố Thiện, lệnh cho ông ta thừa "thắng" tiến vào sào huyệt của chúng. Trong mật sớ châu phê hoàng thượng có thể nói rõ nguyên do làm như vậy, Bố Thiện tự nhiên sẽ tri ân cảm kích. Binh hung chiến nguy, việc này khác với chính sự, sai rồi có thể sửa chữa. Thần đệ quê mùa nông cạn, mong hoàng thượng xem xét.
Ung Chính nghe được nửa chừng đã biết chủ kiến của Doãn Tự là đúng. Ông liếc nhìn Doãn Tự đang rất cung kính ôn hòa, thầm thở dài, nếu ông ta thực lòng thần phục, năng lực làm việc cũng không thua kém Doãn Tường... Nhưng ông không muốn để lộ ra mặt, bèn quay sang nói với Trương Đình Ngọc:
- Chủ trương của Bát da xem ra cũng có lý, tạm thời không khiển trách Bố Thiện nữa. Lương thực định tính sao? Một vạn thạch lương này điều từ đâu?
- Lương thực thì không thiếu. - Trương Đình Ngọc nói: - Hà Nam, Thiểm Tây, Tứ Xuyên đều có lương thực dự trữ, có điều vận chuyển không dễ. Chi phí cho phu ăn, rồi tiền công thức ăn cho lạc đà, lừa, ngựa, một trăm dặm chở một trăm cân phải chi phí mất một xâu [7] mốt tiền, trời đất như thế này sợ rằng còn không gọi được người, tính chung lại trên đường cũng phải tiêu tốn một vạn thạch lương nữa mới đủ!
Doãn Tự thấy Ung Chính nhìn mình, biết ông xót khoản chi phí này, liền cười nói:
- Chỉ e một trăm dặm một trăm cân một xâu ba cũng chưa chắc đã gọi đủ số dân phu. Quân của Nhạc Chung Kỳ đóng ở bắc Tứ Xuyên, nếu phát chỉ lệnh Nhạc Chung Kỳ ấy ngay quân lương trong doanh dùng binh mã của mình vận chuyển, như thế chi phí vận chuyển cũng tiết kiệm được không ít.
- Quân đội của tỉnh Thanh Hải trước đây do Niên Canh Nghiêu quản lý còn có 6 vạn, quân lương đều dựa vào các tỉnh cung ứng. Tỉnh Thanh Hải vừa được bình định, cũng không có kho lương lớn, Nhạc Chung Kỳ chèo chống được lúc này đã là khó, không nên lại rút bớt quân lương của ông ta! - Trương Đình Ngọc chau mày trầm tư nói: - Kho lương Du Lâm của Cam Túc hiện còn có 10 vạn thạch lương thực, số lương thực Bố Thiện thiếu cũng có thể điều từ đây, lương trong kho Du Lâm cũng đến lúc phải đổi lương thực mới rồi, đúng lúc phải chuyển lương cũ đi để lấy kho chứa. Vùng Cam Đông năm ngoái đại hạn, mới đầu xuân đã phải phát chẩn cứu tế, cũng chỉ có thể huy động số lương thực này. Dân đói phải qua một mùa đông không có cái ăn, bảo họ đi vận chuyển, tiền công đều trả bằng lương thực, thế nào mà họ chẳng vui long? Như vậy, vừa giải phóng được kho lương, vừa đỡ được tiền vận chuyển, mà muôn dân cũng có ăn qua mùa đông, chẳng phải là vẹn cả mấy đường sao? Như vậy chỉ thay đổi đi một chút, phát chẩn biến thành làm công ăn lương, phát chẩn mùa xuân chuyển sang phát chẩn mùa đông, mùa xuân tới dù là không đủ dùng, thì cũng không đến nỗi.
Tâm tư Ung Chính bỗng chốc thấy thoải mái hơn, ông cười nói:
- Đúng là nhiều người góp ý vẫn hơn, hôm nay các khanh thẳng thắn lắm! Trẫm là người bộc trực, xưa nay không biết che giấu buồn vui, may mà có các khanh uốn nắn giúp cho. Lý Thế Dân từng nói với Phòng Huyền Linh rằng "Trẫm luôn mong muốn các khanh tận tình can gián hết sức", hôm nay các khanh can gián thẳng thắn, chưa thể nói là can gián "hết sức", trẫm đã được lợi rất nhiều rồi. Chuyện lương thực cứ thế mà làm, dùng lệnh triều đình vượt 600 dặm chuyển gấp đến Cam Túc, giao cho Lạc Văn Thọ đích thân quản l trong vòng hai tháng phải chuyển quân lương đến đại doanh của Bố Thiện. Lệnh Điền Văn Kính, chuyển 10 vạn thạch lương thực vụ thu năm nay của ông ta đến Du Lâm, bảo ông ta tính toán trước. Hôm qua bộ Lễ có tấu, chủ khảo thi Hương năm nay của Trực Lệ vẫn chưa định, Trương Đình Ngọc phát công văn đi, bảo Lý Phất nhanh chóng đến đảm nhận, mấy vụ án tồn đọng ở Hồ Quảng anh ta không phải lo, giao cho Lý Vệ giải quyết. Có Bảo thân vương và Lý Vệ ở đó, việc gì mà không làm được?
Ông ngừng một lát, rồi sảng khoái cúi người xuống, nói:
- Bát đệ, cố làm việc cho tốt! Cứ làm như hôm nay, giúp trẫm cũng chính là giúp khanh. Sau này nếu gặp việc gì trẫm suy xét không chu đáo, thì các khanh cũng đừng e ngại, cứ can gián thoải mái, trẫm không bao giờ vì thế mà tức giận hay bắt tội các khanh.
Mắt ông ánh lên vẻ vui mừng, nhìn Doãn Tự một cách kỳ vọng. Doãn Tự vẫn giữ nguyên vẻ thành thực, nho nhã, đứng dậy vái chào Ung Chính, nói:
- Thần đệ xin hết lòng vì hoàng thượng.
- Tốt, tốt, - Ung Chính trên mặt vẫn cười, nhưng ánh mắt thì đã tối sầm lại: - đệ như vậy là rất tốt. Tối qua trẫm nhận được bản tấu vấn an của Doãn Đề, anh ta sắp phụng chiếu về Kinh làm việc. Cùng là anh em ruột thịt cả, trẫm không để ý đến cái lễ nghi vấn an này của anh ta, chỉ cần để trẫm "ừ" một tiếng là được rồi. Thập tứ đệ là người nóng nảy, hai khanh lại rất hợp nhau, thường ngày ở cạnh nhau nên khuyên anh ta một tí. Chỉ vậy thôi, trẫm cảm ơn đệ. Đệ không được khỏe lắm, cần dùng gì cứ nói với trẫm một tiếng.
Ung Chính chưa nói xong, Doãn Tự đã luôn mồmhối từ, cúi người chào rồi lui ra. Nhìn theo bóng ông ta, Ung Chính thở dài một tiếng, nói:
- Đây chẳng phải là một nhân tài chí khí sao, đáng tiếc là ta không dùng được.
Trương Đình Ngọc lặng lẽ cúi đầu, rồi nói:
- Chỉ mong Bát da thực lòng vì triều chính, vừa phúc cho xã tắc, cũng là phúc cho gia đình.
- Anh ta không giở trò "Bát vương nghị chính", thì đương nhiên trẫm cũng không làm khó anh ta. - Sắc mặt Ung Chính lại lạnh như băng: - Thập tam đệ bệnh rất nặng, trẫm cũng nay ốm mai đau. Hoành Thần, khanh tuổi cao như thế, mà việc gì cũng đến tay, trẫm thật thương khanh!
Trương Đình Ngọc trong lòng trào dâng một nỗi chua xót, đang định nói lời tạ ơn, thì Ung Chính lại tiếp:
- Lý Vệ và Doãn Tường đều tiến cử tên Giả Sĩ Phương khác người đó. Việc này khanh viết thư cho Lý Vệ, bảo anh ta lưu ý tìm, cũng không nhất thiết chỉ là một mình hắn, không nên sợ tiến cử nhầm, bản thân trẫm cũng muốn thử dùng xem sao.
Trương Đình Ngọc là người theo Nho học, không hề tin vào những trò thần ma quỷ quái này, sững sờ nghe xong, liền nói:
- Xin hoàng thượng tha tội, thần không tán thành, cũng không dám phụng chiếu.
Ung Chính không nhịn được cười, hồi lâu mới nói:
- Không phụng chiếu thì.
--------------------------------

1

2

3
Thể chữ của Nhan Châu Khanh đời Đường.
Đời Thanh quy định tiếng Mãn là chữ quốc ngữ.
Cách tính phí vận chuyển thời xưa, 1 xâu = 1000 đồng.
 

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI