5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”

Ngày 1.1.1967, báo, tạp chí của đảng cho in bài xã luận “Hãy tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản tới cùng”, kêu gọi mở cuộc tấn công vào “Một nhúm người cầm quyền trong đảng đi theo đường lối tư bản” và “lũ đầu trâu mặt ngựa” ngoài xã hội.
Với lời kêu gọi “tổng tiến công” đó, lại càng có thêm nhiều cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương các ngành bị phê phán và đánh đổ. Ngày 11.1.1967, hội nghị của Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc quyết định bãi bỏ tư cách có mặt tại các hội nghị Bộ Chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú (uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc, bí thư thường vụ Ban bí thư trung ương), Trần Vân (phó chủ tịch trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện), Hạ Long (Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc Phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương). Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đào Chú bị Ban Cách mạng văn hoá trung ương vu cho là “phái bảo hoàng to lớn nhất”, Nguyên soái Hạ Long bị Lâm Bưu chỉ đích danh là “đại thổ phỉ”, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Hồ Bắc, Vương Nhiệm Trọng; bí thư thứ nhất thành uỷ Thượng Hải, Trần Phi Hiển: bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Cát Lâm, Triệu Lâm; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Phúc Kiến, Diệp Phi; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Giang Tô, Giang Vị Thanh; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Sơn Đông, Đàm Khải Long; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ An Huy, Lý Bảo Hoa; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Chiết Giang, Giang Hoa; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Giang Tây, Phương Chí Thuần; phó chủ nhiệm tổng cục chính trị quân Giải phóng, Lưu Chí Kiên, và một số cán bộ lãnh đạo các tỉnh, cùng quân đội tiếp nhau bị hạ bệ. Trong cuộc đấu tố cuồng bạo thảm khốc, Diêm Hồng Ngạn, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Vân Nam; Vệ Hằng, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Sơn Tây, bị hành hạ đến chết; Trương Lâm Chi, bộ trưởng Bộ Công nghiệp than, bị đánh đến chết; Đào Dũng, tư lệnh hạm đội hải quân Biển Đông cũng bị chết chẳng rõ ràng gì.
Các cấp chính quyền được thành lập sau khi dựng nước Trung quốc mới “nhất loạt diệt vong”, lãnh đạo các cấp tiếp tục bị đánh đổ, thật đúng là những năm tháng điên khùng.
Nhưng, nếu chỉ riêng đánh đổ lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp, vẫn không no nê được dã tâm của bè lũ Lâm Bưu và Cách mạng văn hoá. Với kế sách của Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên ở Ban Cách mạng văn hoá trung ương, bắt đầu từ tháng giêng, phái tạo phản ở Thượng Hải cướp đoạt quyền của đảng và chính quyền thành phố. Thế là bắt đầu từ đấy, được sự khẳng định của Mao Trạch Đông, trong phạm vi toàn quốc dấy lên cả một phong trào cướp đoạt chính quyền. Lấy phái tạo phản của Cách mạng văn hoá làm cơ sở, tổ chức thành Uỷ ban cách mạng, thay thế cho mọi cơ cấu tổ chức của đảng và nhà nước.
Đối với phong trào tiếm quyền, Mao Trạch Đông không những tán thành ủng hộ, mà còn coi đó là một biện pháp thực thi chủ yếu để thực hiện lý tưởng cách mạng liên tục của ông ta. Lý tưởng của ông ta là nhờ vào cuộc “Biến đổi cách mạng vĩ đại nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại” để đập phá cho tan nát cái thế giới cũ trong tay “kẻ cầm quyền đi theo đường lối tư bản”, xây dựng một thế giới mới, cách mạng hoá hoàn toàn mới. Hình thức cụ thể của thế giới lý tưởng, tức là xây dựng một chính quyền “cách mạng” hoàn toàn mới, nằm trong tay của phái cách mạng vô sản, giống như công xã Pa ri, tức là Uỷ ban Cách mạng!
Mao Trạch Đông nói: Đại cách mạng văn hoá sẽ đi từ “Thiên hạ đại loạn” tới chỗ Thiên hạ đại trị. Thành lập Uỷ ban Cách mạng, phải chăng đó là một loại “đại trị” như trong lòng ông ta hằng mong ước? Nếu quả là như vậy, thì hỏng bét và sai toét rồi. Cái “đại trị” không che đậy nổi sự thật, là tiếp tục đại loạn, là cái sự nghiệp ấy đã hẫng chân, không thể thu vén lại được, càng thêm đại loạn rối ren hơn.
Phải tạo phản tấn công vào trường học, tấn công vào các cấp đảng và chính quyền địa phương, tấn công vào quân đội, những sự kiện hỗn loạn một cách đại quy mô hơn tiếp nảy sinh, ở Thành Đô đã xảy ra chuyện “chống đối lẫn nhau” giữa phái”tạo phản và quân đội, ở Tây Ninh đã xảy ra chuyện quân đội bắt buộc phải nổ súng phản kích phái tạo phản, và có người bị bắn chết, ở Vũ Hán đã xảy ra chuyện phái tạo phản tấn công vào báo chí, vào quân đội dẫn tới việc quân đội “bắt người”, ở Quảng Đông, Nội Mông Cổ, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tây Tạng và nhiều nơi khác đều liên tục xảy ra các thứộch cứ như chào đón, vời gọi nhau.
Sau khi Cách mạng văn hoá bắt đầu, trước hết là xảy ra chuyện đấu tố và lục soát nhà cửa, tiếp đó là hàng loạt cán bộ bị bức hại và đánh đổ. Tất cả, tất cả những cái đó khiến cho rất nhiều, rất nhiều người, từ hoang mang lúc đầu biến thành bất an, biến thành chống đối, biến thành phẫn nộ.”
Tháng hai, với một bên là Trần Nghị (1), Diệp Kiếm Anh(2), Từ Hướng Tiền(3), Nhiếp Vinh Trăn(4), Lý Phú Xuân, Lý Tiên Niệm(5), Đàm Chấn Lâm(6), Dư Thu Lý(7), Cốc Mục(8) cùng các cán bộ lão thành khác, gươm đao vào trận đấu tranh với Cách mạng văn hoá trung ương mà đại diện là Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên.
Cả lớp các đồng chí lão thành cách mạng này đã từng vì cách mạng mà vào sinh ra tử, vì xây dựng xã hội chủ nghĩa mà đổ bao mồ hôi tâm huyết, trong hội nghị của Bộ Chính trị, hội nghị Quân uỷ trung ương đã tố cáo những hành động bạo ngược và phi pháp xảy ra trong Cách mạng văn hoá, đã phẫn nộ lên án những âm mưu và hành động ngỗ ngược, lật đổ của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, lời lẽ mạnh mẽ của ngôn từ, thái độ đàng hoàng, hiên ngang, nộ khí bừng bừng, thật đáng gọi là chính khí lẫm liệt, sảng khoái tràn trề.
Song, có điều bất hạnh là, những lời nói chân chính ấy không những không hoán tỉnh được Mao Trạch Đông, mà ngược lại, khiến ông ta cảm thấy rằng đây là những lời dèm pha, sự trở ngại xưa nay chưa từng có đối với phong trào cách mạng do đích thân ông ta đứng ra phát động. Ông ta đã nghiêm khắc phê bình và chụp mũ cho sự phản kháng này là dòng “nước ngược tháng hai”, đồng thời hạ quyết tâm phá bỏ hết mọi trở lực, tiếp tục đi sâu, mở rộng phong trào “cách mạng”, “chưa từng có trong lịch sử”, nhưng lại luôn luôn làm cho mọi người bối rối, không sao hiểu nổi.
Trong tháng ba, đã triệu tập cuộc họp ban công tác trung ương, Mao Trạch Đông lại thêm một lần nữa phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đồng thời trong thời gian đó cho thành lập “Tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ” chuyên việc điều tra “tội lỗi” của Lưu Thiếu Kỳ.
Trong tình trạng mà sự phê phán càng ngày càng thêm mạnh mẽ, việc công khai chỉ đích danh Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là đối với Lưu Thiếu Kỳ đã trở thành điều tất nhiên. Ngày 1.1.1967, báo “Nhân dân” và tạp chí Cờ đỏ in một bài của Thích Bản Vũ (tổ viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương) phê phán Lưu Thiếu Kỳ với tựa đề: “Chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa bán nước”. Trong bài đó ngoài việc dùng câu “Kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản” để thay thế cho cái tên Lưu Thiếu Kỳ, còn chụp cho Đặng Tiểu Bình danh hiệu “Một kẻ cầm quyền lớn nhất khác trong đảng đi theo đường lối tư bản”, để công khai phê phán. Công khai phê phán, tuy chẳng chỉ rõ họ tên ra, nhưng tất cả bàn dân thiên hạ đều biết đây chính là một cuộc đánh đổ. Trong thời kỳ không bình thường đó, đấu tố không cần thỉnh thị, tóm cổ lôi ra là đấu, ai lôi cổ ai ra, người đó có thể đấu, lúc nào tóm cổ được là lôi ra đấu ngay lúc bấy giờ. Đánh đổ cũng không cần phê chuẩn, chỉ cần cấp trên - đương nhiên là chỉ Lâm Bưu, Giang Thanh, và những ông kễnh Cách mạng văn hoá - có người ra hiệu, hoặc phái tạo phản nhận thấy rằng, cần phải như thế, là lập tức có thể lôi người ta ra. Khi đấu tố vừa bắt đầu, khi khẩu hiệu vừa gào lên, coi như đã bị cách cổ, và cũng coi như đã bị đánh đổ. “Nhưng nếu muốn đánh đổ cán bộ cao cấp của đảng, của nhà nước hoặc lãnh đạo tối cao, thì còn cần phải có một “trình tự”, “chính thức”, đó là còn cần phái có báo chí công khai phê phán. Vạch mặt chỉ tên cũng có những hình thức khác nhau, một loại là vạch mặt chỉ tên công khai, một loại khác của việc vạch mặt chỉ tên nhưng lại phải đội một cái danh hiệu đã được quy định nào đó. Vào thời đó, bị vạch mặt chỉ tên rõ ràng là một sự kiện lớn, có gọi tên thật ra không, gọi tên những ai, ra, khi nào gọi tên ra, gọi tên như thế nào, đều là một loại “đãi ngộ”.
Cách chỉ tên phê phán của báo chí của đảng, ngày một được nâng cấp nhưng vẫn mang hơi hướng của hai người: Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là: “Kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản”.
Ngày 3.4.1967, cha tôi cầm bút viết cho Mao Trạch Đông một lá thư.
Trong thư viết: “Suốt từ ngày 12.1.1967 đến nay, tôi vẫn mong được gặp Chủ tịch để xin chỉ giáo, nhưng lại cảm thấy rằng, trong khi quần chúng đang kịch liệt phê phán đường lối phản động cũng như hậu quả nghiêm trọng đó của tôi, lại đến cầu kiến Chủ tịch, liệu có thật thích đáng không, cho nên tôi vẫn cứ do dự là vậy. Hôm mới rồi, tôi có đọc bài báo của đồng chí Thích Bản Vũ thấy rằng tính chất sai phạm của tôi đã được định rõ. Nên trong tình hình này, lòng mong mỏi diện kiến, xin chỉ giáo của Chủ tịch rõ ràng là rất cần thiết. Nếu như Mao Chủ tịch cho là được, xin thông báo cho tôi biết bất cứ lúc nào”.
Thư viết cho Mao Trạch Đông được đưa đi, nhưng chẳng thấy có một hồi âm nào, nên chỉ còn biết đợi chờ, sự đợi chờ vô vọng trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, bất trắc.
Ngày 6.4.1967, phái tạo phản xông vào nhà Lưu Thiếu Kỳ, đấu tố vị Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã được bầu chính thức trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Ngày hôm sau, Lưu Thiếu Kỳ viết báo chữ to tranh luận, biện luận, dán ở Trung Nam Hải, nhưng chỉ mấy giờ đồng hồ sau đã bị xé nát. Ngày 10 cùng tháng, phái tạo phản trường Đại học Thanh Hoa mở một đại hội, có 30 vạn người tham dự đấu tố Vương Quang Mỹ, phu nhân Lưu Thiếu Kỳ.
Việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ trở nên điên cuồng, cha tôi và cả gia đình tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng ứng phó với tình hình càng ngày càng trở nên thảm khốc. Đến tháng năm, có một hôm, chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng là Uông Đông Hưng tìm đến nhà tôi, gặp cha tôi trò chuyện. Uông Đông Hưng nói với Đặng Tiểu Bình: Chủ tịch vừa mới trừ về Bắc Kinh, nhờ Uông Đông Hưng đến thăm Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông cho Uông Đông Hưng truyền đạt ba ý kiến của mình: thứ nhất cần nhẫn nại, không nên cuống gấp; thứ hai, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là riêng biệt; thứ ba. nếu có việc gì có thể viết thư cho ông (Mao Trạch Đông). Sau khi nghe xong những ý kiến của Mao Trạch Đông được Uông Đông Hưng truyền đạt lại, Đặng Tiểu Bình đã tỏ bày: rất nhiều vấn đề được nếu ra trong báo chữ to không dúng sự thật, ông yêu cầu được gặp Mao Chủ tịch để trình bày. Uông Đông Hưng đã chuyển đề đạt đó tới Mao Trạch Đông. Chẳng bao lâu sau, một hôm trời đã khuya, mọi người trong nhà tôi đều đã ngủ cả, ngoài sân tối om. Cũng chẳng biết lúc đó là mấy giờ, đột nhiên lũ trẻ con chúng tôi nghe thấy máy điện thoại réo chuông liên hồi ở nhà phía tây, tôi mơ mơ màng màng choàng dậy đi nhấc điện thoại, tôi nghe thấy tổng đài nói, thư ký tổ một (nơi Mao Trạch Đông) cần tìm thư ký của cha tôi là Vương Thuỵ Lâm để nói chuyện, nhưng Vương Thuỵ Lâm lại không trực ban ở phòng làm việc, nên nhờ tìm Vương Thụy Lâm tới nghe điện thoại. Khi ấy nhà của Vương Thuỵ Lâm ở cách nhà chúng tôi rất gần, nhưng trong nhà lại không có điện thoại. Sau khi đi tìm được Vương Thuỵ Lâm tới không lâu, thì thư ký của Mao Trạch Đông là Từ Nghiệp Phu cũng tới nhà tôi ở bên cạnh Hoài Nhân đường, trong Trung Nam Hải.
Vương Thuỵ Lâm đưa Từ Nghiệp Phu vào phòng ngủ của cha tôi dựng cha tôi dậy, cho biết Chủ tịch muốn gặp cha tôi nói chuyện, cha tôi vội vã trở dậy. Từ Nghiệp Phu không cho mang bảo vệ đi theo, nên cha tôi phải ra đi một mình. Sau khi cha tôi đi rồi, mẹ tôi lo lắng vô cùng. Nên rõ rằng, kể từ sau khi Cách mạng văn hoá phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình tới đó, Mao Trạch Đông chưa hề cho tìm cha tôi để trò chuyện gì.
Trời sắp sáng, cha tôi mới từ chỗ Chủ tịch trở về. Cha tôi cho mẹ tôi biết rằng, vấn đề chủ yếu mà Chủ tịch hỏi ông là tình hình về giai đoạn những năm 30 khi rời quân đoàn Hồng quân số 7, đến Thượng Hải, đã báo cáo công tác với trung ương như thế nào, ông đã nói lại với Chủ tịch rất tường tận. Chủ tịch có phê bình sai lầm của ông trong việc cử các tổ công tác (xuống trường học - N.D).
Cha tôi cũng nói rằng: ông đã tiếp thu lời phê bình ấy. Cha tôi có hỏi Chủ tịch: sau này có việc cần báo cáo với Chủ tịch thì tìm ai. Chủ tịch đáp: Có thể tìm Uông Đông Hưng, cũng có thể trực tiếp viết thư cho Chủ tịch. Thấy thái độ của Chủ tịch rất ôn hoà, phê bình cũng chẳng lấy gì làm gay gắt, khiến cha tôi như có được một niềm an ủi lớn.
Với sự kích động và ủng hộ của Lâm Bưu, Giang Thanh cùng một số người khác, việc điên cuồng phê phán Lưu Thiếu Kỳ càng ngày càng được nâng cấp. Đến tháng chín. những bài báo trên báo lớn báo nhỏ phê phán Lưu Thiếu Kỳ đã lên tới trên 150 bài. Đầu tháng bảy, phái tạo phản đòi “tóm cổ” Lưu Thiếu Kỳ nằm bên ngoài Trung Nam Hải, bắt Lưu Thiếu Kỳ phải viết kiểm điểm. Ngày 15.4.1967, phái tạo phản Học viện xây dựng lập doanh hạ trại bên ngoài cửa Tây của Trung Nam Hải, chính thức thành lập “chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ”. Với sự kích động của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ nhanh chóng mở rộng cờ xí biểu ngữ như sông như biển, lều trại tăng bạt nhấp nhô bạt ngàn, tiếng loa mở hết âm lượng nhức óc rung trời. hàng nhiều vạn con người bao vây nơi ở của Trung ương đảng, của Quốc vụ viện: Trung Nam Hải. Các phái tạo phản luân phiên đấu tố “băng đen” và những kẻ “đi theo tư bản” của các bộ, các tỉnh, cùng với sự ủng hộ của các ông kễnh trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương, thay phiên nhau xông vào các cửa lớn của Trung Nam Hải.
Thanh thế phê phán Lưu Thiếu Kỳ có thể nói là cực kỳ to lớn, như nước sôi lửa bỏng, nhưng phê phán đối với Đặng Tiểu Bình xem ra có vẻ rất ôn hoà. Nguyên nhân là: thứ nhất, vì Lưu Thiếu Kỳ là tên đầu sỏ số một “lớn nhất đi theo tư bản”, trước hết cần phải đánh đổ ông đã, nên cần thứ thanh thế khác. Thứ hai là vì cho đến lúc này, trong đầu óc Mao Trạch Đông vẫn còn sự phân biệt trong việc xử lý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.
Đối với Mao Trạch Đông mà nói, “sự phẫn nộ giai cấp vô sản” của ông ta đã được nảy sinh ra từ Lưu Thiếu Kỳ, người vốn đã được ông ta chọn lựa làm người kế cận. Còn đối với Đặng Tiểu Bình, tuy sự tức tối đã được nảy sinh từ sau những năm 60, rồi tăng cao dần lên, song cái “khí tức” ấy vẫn không lớn bằng đối với Lưu Thiếu Kỳ. Đồng thời cứ quan sát xem xét những bài nói chuyện và cách làm của Mao Trạch Đông, có thể chứng minh được rằng, đối với Đặng Tiểu Bình, trước sau, trong lòng ông ta vẫn có phần nào ưu ái. Sau khi Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình mắc sai lầm trong Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông phê phán Lưu Thiếu Kỳ và phê phán cả Đặng Tiểu Bình, nhưng mũi dùi của phê phán trước sau vẫn nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ. Đối với việc đó, sau này Đặng Tiểu Bình có nói: “Aii không nghe ông ta, (chỉ Mao Trạch Đông), ông ta sẽ chỉnh cho ngay, nhưng chỉnh đốn đến mức độ nào, bao giờ ông ta cũng có suy tính”.
Trong hồi ức của Vương Lực, thành viên của Ban Cách mạng văn hoá trung ương lúc bấy giờ (có nói), vào ngày 16.7.1967, sau khi Đặng Tiểu Bình đã bị đánh đổ trong một lần nói chuyện riêng giữa hai người, ông ta có nói một câu mang đầy ý vị sâu xa. Mao Trạch Đông nói rằng: “Nếu sức khoẻ của Lâm Bưu không ổn, có khi tôi phải để Đặng Tiểu Bình xuất hiện lại. Chí ít Đặng Tiểu Bình cũng là thường vụ”. Qua câu nói này sẽ thấy được rằng nguyên nhân sự phân biệt đối xử rất có lớp lang của Mao Trạch Đông trong việc phê phán, xử lý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đó là sẽ lưu giữ Đặng Tiểu Bình, đến lúc nào đó thấy cần thiết sẽ đem ra dùng lại.
Đối với cách thức suy nghĩ và kiếu cách dùng người như thế của Mao Trạch Đông, cha tôi khó mà biết được. Sau khi bị phê phán, đặc biệt là khi đã bị thủ tiêu mọi tư cách, không được tham gia các cuộc hội họp của Bộ Chính trị trung ương, ông suốt ngày ngồi nhà, chẳng ai tìm đến để làm việc, bàn bạc gì cả. Khi ấy đám trẻ chúng tôi vẫn còn ở chung một nhà, và cũng còn có thể tuỳ tiện ra vào Trung Nam Hải, vì thế, qua chúng tôi, cha tôi còn cơ bản nắm được tình hình đại phê phán, đại loạn ở bên ngoài. Ông cũng giống như những lãnh đạo cao cấp bị phê phán khác ở Trung Nam Hái, đều bị bắt buộc phải đọc báo chữ to của phái tạo phản trong Trung Nam Hải dán ra. Nhưng cũng không giống Lưu Thiếu Kỳ ở chỗ phải viết kiểm điểm đem đọc trước quần chúng cách mạng, và cũng không giống như Lưu Thiếu Kỳ bị “quần chúng cách mạng” đấu tố, tấn công. Chỉ có một lần khi ra đọc báo chữ to, bị “quần chúng cách mạng” trong Trung Nam Hải bao vây. Khi ấy nhất định hẳn đã có một ai đó đứng ra giải thích, vì thế mà không bị rơi vào bước hai là đấu tố.
Đối diện với những cơn phê phán hết đợt nọ tới đợt kia, đối diện với báo chí luôn luôn vạch mặt chỉ tên, đối diện với mọi kiểu tấn công, sỉ nhục thậm chí là vu cáo bịa tạc, mà cha tôi vẫn cứ phải nhìn, phải nghe, phải chấp nhận, phải chịu dựng, thử hỏi trong lòng cha tôi bình tĩnh, yên ổn làm sao được? Nhưng có thể rằng ông là một nhà cách mạng triệt để, nên đã từ lâu rèn luyện mình thành một người không biết sợ, không biết hãi, cũng có thể rằng trong hơn sáu chục năm từng trải của cuộc đời mình, ông đã sớm trải qua những chặng đường khuất khúc, gập ghềnh, bất chút, nên khi gặp phải những cục diện bất thường, gặp phải sự đối xử không công bằng, gặp phải những bước đường không đoán trước được trong tương lai, tuy trong lòng ông không thể không nghĩ không lo, những vẫn có thể âm thầm chờ đợi. Cứ mỗi ngày trở dậy, tiếp tục sống, chúng tôi chẳng thấy có thay đổi gì ở cha tôi, trên nét mặt cha tôi cũng chẳng thấy tỏ rõ một thái độ nào, vẫn cứ trầm lặng như thế, vẫn cứ ít lời như thế. Khi ấy chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ trên mười tuổi, chúng tôi bàng hoàng, chúng tôi chẳng hiểu gì, chúng tôi tức giận, chúng tôi cảm nhận được sự oan khuất. Nhưng từ trên con người của cha tôi, chúng tôi đều hoặc nhiều hoặc ít, như có như không, nhận được một chút sức mạnh bảo vệ cho mình. Đám trẻ trong nhà chúng tôi, bất kể là con trai hay con gái, đều rất yêu quý cha tôi, tin tưởng chắc chắn rằng cha của chúng tôi không phải là phần tử “băng đen” phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa. Phái tạo phản trong Trung Nam Hải thúc giục chúng tôi vạch tội phê phán cha mình. không viết không được, mà viết lại không thể bịa đặt ra, cuối cùng cả ba chị em chúng tôi, chụm đầu lại, tốt xấu viết ra một chút gọi là, viết xong đem dán ra, mặc bọn tạo phản bảo rằng chúng tôi không chịu vạch vòi, hoặc né tránh, bỏ nặng, nhận nhẹ.
Phía bên ngoài nhà chúng tôi, cả một khu Trung Nam Hải đầy ứ những bài báo chữ to và biểu ngữ. Bên ngoài Trung Nam Hải “chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ” đã mở rộng tới “tóm cổ cả lũ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình” khiến tình thế càng trở nên nguy cấp. Cả gia đình nhà chúng tôi bao gồm: cha mẹ, bà, và lũ con gái chúng tôi như một lá thuyền đơn trong sóng to gió lớn quăng quật giữa biển khơi, chỉ còn biết cụm chặt lại với nhau, dùng tình yêu thương, tin tưởng để an ủi và giữ vững cho nhau, tìm lấy một chút yên ổn trong linh hồn.
Tương lai của cuộc phê phán ra sao, cha tôi cùng cả gia đình chúng tôi không sao tiên đoán nổi. Nhưng tiếng chuông rung trước xe của cuộc phê phán Lưu Thiếu Kỳ càng ngày càng được nâng cấp, khiến chúng tôi có được sự chuẩn bị tư tưởng trước bước phát triển có thể còn gay go hơn của sự việc.
Chú thích:
(1) Trần Nghị: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(2) Diệp Kiếm Anh: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương
(3) Từ Hướng Tiền: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung quốc, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(4) Nhiếp Vinh Trăn: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc. phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(5) Lý Tiên Niệm: uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc. phó thủ tướng Quốc vụ viện. (Nguyên chú)
(6) Chấn Lâm: uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện.
(7) Dư Thu Lý: Phó chủ nhiệm thứ nhất kiêm thư ký trưởng Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.
(8) Cốc Mục: Chủ nhiệm Uỷ ban xây dựng nhà nước

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ