3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh

Từ ngày 1 đến ngày 12.8.1966, Đảng cộng sản Trung quốc họp phiên toàn thể lần thứ 11 khóa VIII. Ở Hội nghị thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, họp trong những ngày đầu của Hội nghị toàn thể, Mao Trạch Đông chỉ trích nặng nề hơn đối với việc cứ các tổ công tác, ông ta nói “là đàn áp, là khủng bố, cuộc khủng bố này là từ trung ương mà ra”, và mập mờ nói thêm: “bọn đầu trâu mặt ngựa hiện đang ngồi ở đây”. Mao Trạch Đông còn dùng phương thức điển hình của Cách mạng văn hoá viết ra bài báo trứ danh: Bài báo chữ to của tôi - Nã pháo vào Bộ tư lệnh, trong đó chỉ trích một số đồng chí cán bộ lãnh đạo từ trung ương tới các địa phương đã đứng trên lập trường giai cấp tư sản phản động, thực hiện chuyên chính của giai cấp tư sản. Bài báo chữ to đó tuy không đích xác chỉ vào ai, nhưng mũi giáo chỉ vào đâu thì đã hai năm rõ mười.
Từ đó, đại hội bắt đấu vạch vòi và phê phán những “sai lầm” của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Các ông kễnh cách mạng văn hóa từ “các lộ” bắt đầu bằng việc cử các tổ công tác đàn áp phong trào học sinh, rồi mới ngược các loại “sai lầm”, từng điểm một, từ năm 1962 tới lúc đó của cán bộ lãnh đạo tuyến một trung ương, buộc tội Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình.
Bài nói chuyện trong hội nghị của Mao Trạch Đông cũng chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đàn áp phong trào học sinh là vấn đề phương hướng, là vấn đề đường lối, là đường lối sai lầm. Hội nghị phê phán đó đã đi đến được một kết luận, ngoài Trung ương đảng do Mao Trạch Đông dẫn đầu, còn có thêm một Bộ tư lệnh của giai cấp tư sản do Lưu Thiếu Kỳ làm đầu đảng.
Cuối cùng, theo đề nghị của Mao Trạch Đông, đại hội tăng thêm một nghị trình, xét tuyển lại Bộ Chính trị trung ương Đảng và Ban thường vụ Bộ Chính trị. Lưu Thiếu Kỳ đang đứng ở hàng thứ hai, nay tụt xuống hàng thứ tám. Còn Lâm Bưu thì lên lách leo lên, được xếp vào hàng thứ hai, trở thành phó chủ tịch duy nhất của Trung ương Đảng, được cất nhắc, thay thế cho Lưu Thiếu Kỳ, ở vào địa vị người kế cận.
Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình vốn là những người chủ trì công tác ở tuyến một trung ương, kể từ sau hội nghị này, trên thực tế là đã rút khỏi công tác lãnh đạo ở trung ương rồi. Đồng thời với việc tiếp thu phê phán ở hội nghị, cha tôi có lúc vẫn phải đi tham gia phong trào, tham gia các cuộc mít tinh của quần chúng, và giải đáp các vấn đề ở một số trường học. Đối với Cách mạng văn hoá, cha tôi đã từng nói: “Lão thành cách mạng gặp vấn đề mới” để biểu thị sự không hiểu nổi của mình. Sau khi bị phê phán, sự không hiểu nổi lại càng sâu đậm hơn. Ông là người trầm lặng, ít nói, nhưng đối với phong trào này, đặc biệt là đối với sự điên cuồng của lũ người trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương và sự ngu muội của lũ tạo phản thì nỗi căm ghét càng chất chứa trong lòng. Có khi, đứng trước quần chúng, ông đã mặc xác cái nghịch cảnh của mình, chứng minh sự chính nghĩa của mình và của cả người khác.
Ngày 2.8.1966, ông được thông báo phải đến tham gia tại hội công nhân viên chức của thầy trò trường Đại học nhân dân, có học sinh gửi tới ông một mẩu giấy, hỏi về sự kiện “binh biến tháng hai”. Ông biết rõ rằng đây là một âm mưu có người xúc xiểm, vu cáo, buộc tội thêm nguyên soái Hạ Long, biết rõ ràng ở hội trường có Trần Bá Đạt v.v... và cả những ông kễnh của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, nhưng ông vẫn thẳng thắn trả lời:
- Đã kiểm tra đầy đủ, không hề có chuyện này.
Và nói thêm:
- Xin nói để các bạn biết, quân đội của ta, Bành Chân không điều động nổi, tôi cũng không điều động được!
Chỉ từ mấy câu giải đáp trên đây, đã có thể hoàn toàn hiểu được sự bực bội, tức tối trong lòng ông ra sao. Ông muốn giải đáp bênh vực những đồng chí cũ, những chiến hữu cũ, nhưng ông, trong lúc đó, đã là người thấp cổ bé họng, có miệng mà chẳng cất được lên lời.
Sau khi đã kết thúc hội nghị toàn thể lần thứ 11, Mao Trạch Đông quyết định, Lâm Bưu đứng ra triệu tập một cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị mở rộng. Hội nghị vốn định là tiếp tục phê phán Lưu Thiếu Kỳ, nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người khác lại nhận định rằng: về thực tế, Lưu Thiếu Kỳ đã bị đánh đồ rồi. Trước mắt, Đặng Tiểu Bình mới là mối nguy cơ chủ yếu, và là sự trở ngại lớn nhất, bởi thế mà mũi dùi phê phán của hội nghị bèn quay về phía Đặng Tiểu Bình. Bọn họ không những tổ chức chặt chẽ người phê phán Đặng Tiểu Bình, mà Lâm Bưu còn đích thân xuất tướng, biến vấn đề Đặng Tiểu Bình thành mâu thuẫn địch ta.
Ở hội nghị, cha tôi còn bị phê phán không chính đáng, thậm chí còn bị vu cáo. Tâm lý nhất định là mất bình tĩnh rồi. Về nhà tuy ông chẳng nói năng gì, nhưng trằn trọc không ngủ được. Mẹ tôi thấy ánh đèn trong phòng ngủ của ông suốt đêm không tắt, liền đi vào nói:
- Ba giờ hơn rồi đấy, làm sao ông vẫn chưa ngủ?
Cha tôi nói với mẹ:
- Trong cuộc họp tối hôm nay, việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ đã chuyển hướng sang tôi rồi.
Mẹ tôi hỏi:
- Ai phê phán ông?
Cha tôi chỉ nói một câu:
- Anh Bộ đội.
Cha tôi không nói thêm một câu nào nữa, mẹ tôi cũng không dám hỏi nhiều hơn, chỉ an ủi ông:
- Ông ngủ đi thôi, nếu không, sáng mai lại không dậy đi họp được.
Cha tôi biết rằng, sau lần phê phán này, những “cái sai” của ông, không còn dừng ở chuyện cử tổ công tác đi “đàn áp” quân chúng nữa, mà tất cả các món nợ cũ. nợ mới trong lịch sử đều được đem ra thanh toán hết.
Sau hội nghị, cha tôi bị bức phải nghỉ việc. Ông phải bàn giao lại số công việc vốn do ông phụ trách ở các ban thuộc Văn phòng trung ương Đảng cho Khang Sinh. Ông nói:
- Công việc của tôi giao cho ông, tôi không thể tiếp tục làm việc được nữa.
Cha tôi là một người xưa nay vốn trầm lặng, ít nói. Khi phong trào bùng nổ, cha tôi quá bận bịu với những công việc đột ngột nảy sinh, sau này lại bị đình chỉ công tác vì mắc sai lầm, nên lại càng ít nói hơn. Khi đó, mọi việc hoạt động, tham gia họp hành cũng càng ngày càng thưa thớt, ngay ở nhà cũng chỉ ngồi đọc những văn kiện được gửi tới.
Công việc ở trung ương không phải làm nữa, nhưng đối với bọn trẻ con trong nhà ông quản rất chặt. Những đứa trẻ nhỏ chúng tôi, ai nấy đều tham gia phong trào ở các trường đại học, trung học, thường rất ít khi về nhà. Sau khi các tổ công tác bị phê phán, tuy chúng tôi biết về vấn đề này, cha tôi đã mắc sai lầm, nhưng còn cái cảnh trớ trêu mà cha tôi phải đối phó trước mặt, chúng tôi lại chẳng hiểu được, nên ai nấy vẫn cứ bận rộn với phong trào.
Đầu tháng tám, khi đôi câu đối (và bức hoành) của Hồng vệ binh của một số trường trung học được dán ra: “Bố anh hùng, con hảo hán”, “Cha phản động, con thối thây”, “cơ bản như thế” lập tức đã làm trỗi dậy một cuộc tranh luận lớn về “huyết thống”. Tổ chức Hồng vệ binh ở nơi tôi giữ vững lập trường của đôi câu đối này, nhưng tổ chức Hồng vệ binh của chị cả Đằng Lâm tôi ở Học viện mỹ thuật trung ương lại giữ thái độ phản đối. Tôi vẫn nhớ rằng, khi ấy để tranh luận với nhau về đôi câu đối này, các tổ chức luôn bận bịu suốt ngày đêm, chạy đây chạy đó, tới các hội trường tranh luận, cãi nhau. Vừa cãi lộn ầm ĩ, tranh luận với nhau xong ở học viện âm nhạc, là đội ngũ lại rầm rập kéo nhau tới Học viện mỹ thuật. Chính vì quan điểm bất đồng nên tôi và chị tôi, hai người cứ hồ như đối lập với nhau. Hôm đó đêm đã khuya lắm, tôi dùng điện thoại công cộng bên ngoài hội trường, nơi đang tranh luận ỏm tỏi gỏi về cho mẹ tôi để tranh thủ ý kiến của bà. Tôi nhớ, mẹ tôi cuống quýt nói với tôi:
- Đôi câu đối ấy sai đấy, con đừng có tranh cãi với chị con làm gì con về nhà ngay đi!
Tiếng nói nặng nhọc của mẹ tôi nhắc lại lần nữa:
- Cha con nói thế đấy!
Khi ấy, tôi thật chẳng thích thú gì khi phải tuân theo sự quyết định của cha mẹ, sau này, khi đã hiểu ra được, tôi mới thấy thật may vì tôi đã nghe lời cha mẹ.
Ngày 18.8.1966, ở đại hội Chúc mừng Đại cách mạng văn hoá, Lâm Bưu đã hô hào Hồng vệ binh:
- Đập cho tan nát tư tưởng cũ, văn hoá cũ, phong tục cũ, lập quán cũ của giai cấp bóc lột!
Bắt đầu từ ngày 20.8.1966, Bắc Kinh là nơi đầu tiên được phát động phong trào Đập phá bốn cái cũ của Hồng vệ binh với quy mô vô tiền khoáng hậu, rồi nhanh chóng lan ra bao phủ toàn quốc. Các tiểu tướng Hồng vệ binh vượt cổng trường học, lao vào “đâm chém xã hội”. Chỉ trong chốc lát, cả xã hội đã bao trùm bơi một cuộc “khủng bố đỏ”. Phong trào “cách mạng” huỷ hoại xã hội sâu đậm này do đích thân thống soái Lâm Bưu kêu gọi phát động, với sự xúi bẩy, thúc giục trực tiếp của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, càng diễn càng mạnh, phát triển tới những cuộc lục soát lớn, đấu tố lớn, phá hoại lớn, thậm chí đánh chết người. Không biết bao nhiêu tiểu tướng Hồng vệ binh trẻ con, ấu trĩ, vì “bảo vệ đường lối cách mạng của Mao chủ tịch”, đã cuồng nhiệt, mù quáng bị cuốn hút vào hành động cách mạng điên rồ này. Cha mẹ tôi, lúc này cũng cảm thấy mọi sự hỏng to rồi, đã gọi tôi và em trai tôi từ trường trung học về nhà giữ rịt, không cho thò chân ra ngoài, và nói rõ cho chúng tôi biết, cấm hẳn không được phép tham gia bất cứ một hành động khám nhà, đấu tố nào. Khi ấy mấy anh chị em tôi cũng đã cảm thấy tình thế bất lợi của cha tôi, nên đều nghe lời, đóng cửa ở nhà. có người ngồi học đan len, có người láp ráp máy thu thanh, cũng có người suốt ngày chỉ ngồi sao chép những ngữ lục của Mao Chủ tịch.
Sự yên tĩnh trong nhà khiến chúng tôi hoàn toàn cách ly với những động loạn bên ngoài. Cho đến tận bây giờ nhớ lại những ngày đó, chúng tôi thấy vô cùng biết ơn cha mẹ đã nghiêm khắc trông giữ chúng tôi trong cái giờ phút gay go ghê gớm ấy.
Cách mạng văn hoá, một phong trào quần chúng với quy mô chưa từng có đã làm cho toàn thể xã hội bị đảo lộn đến mức trời long đất lở, sau khi đã cách cổ được sự trở ngại của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, phong trào càng được tăng cường sức mạnh, ào ào phát triển lao đầu về phía trước.
Ngày 18.8.1966, Mao Trạch Đông mặc quân phục, tay đeo băng đỏ Hồng vệ binh, tiếp kiến hàng triệu Hồng vệ binh tại quảng trường Thiên An Môn. Cho đến cuối tháng 11.1966, Mao Trạch Đông, trước sau tất cả tám lần tiếp kiến hơn 11 triệu Hồng vệ binh. Với sự chỉ đạo của đích thân Mao Trạch Đông, phong trào Hồng vệ binh vẫn cuồng điên phát triển như lửa cháy đùng đùng.
Dư âm điên cuồng của phong trào “phá bốn cái cũ” chưa tắt, lại bắt đầu phong trào Đại cách mạng xâu chuỗi trên phạm vi cả nước. Với sự kêu gọi của Mao Trạch Đông, những tiểu tướng Hồng vệ binh mặc quần áo bộ đội cũ, rất được ưa chuộng lúc bấy giờ, đi xe lửa, đi ô-tô không phải mua vé, bắt đầu làm một cuộc xâu chuỗi lớn với hàng chục triệu người trên phạm vi toàn quốc. Cuồng phong bão tố của phong trào ập tới không sót một ngõ ngách nào của xã hội, ngọn lửa bạo liệt của tạo phản bùng bùng bốc cháy khắ đại địa Thần Châu.
Phong trào tạo phản từ trường học đã tràn ra khắp xã hội, làm cho trật tự xã hội bị phá hoại nghiêm trọng, mạnh mẽ đánh vào nông nghiệp cũng như các ngành sản xuất khác, khiến cho đại đa số cán bộ quần chúng bất mãn và chống lại, sự hỗn loạn cũng như mâu thuẫn xã hội sâu sắc thêm một bước. Đồng thời do sự nhận thức và quan điểm của các tổ chức Hồng vệ binh bất đồng, nên đã phân hoá thành các bè phái hết sức nghiêm trọng. Các bè phái, các tổ chức lại không ngừng tiến hành những cuộc tranh luận và tranh chấp đấu đá. Phong trào đến đây đã làm cho cả vùng đất bao la của Trung quốc sôi lên sùng sục, đúng là đã đạt tới biên giới lý tưởng của nhà tiên tri cách mạng: Thiên hạ đại loạn rồi.

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ