12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình

Trong hội nghị mở rộng lần thứ 12 của khoá 8 triệu tập hồi tháng 10.1968, Mao Trạch Đông không phản đối việc bảo lưu đảng lịch cho Đặng Tiểu Bình, điều đó càng làm cho Lâm Bưu, Giang Thanh cùng phe cánh thắc thỏm, bất an.
Lâm Bưu tuy đã được Mao Trạch Đông chỉ định làm người kế cận, nhưng ông ta hiểu một cách sâu sắc rằng, nếu ngày nào Đặng Tiểu Bình còn chưa bị đánh đổ, thì sự uy hiếp ông ta vẫn còn ngày đó. Duy chỉ có mỗi một nước là đẩy Đặng Tiểu Bình vào cửa tử, thì mới hết được nỗi lo lắng về sau. Lâm Bưu, Giang Thanh chỉ thị cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình gấp rút làm việc.
Giang Thanh, Khang Sinh đã nhiều lần ra chỉ thị cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất là phải nhanh chóng tấn công đột kích vào vấn đề tự thú sự phản bội trong quá khứ. Văn phòng hai của ban chuyên án trung ương cần phải tăng cường lực lượng điều tra bên ngoài giúp cho Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, phải rút người từ “Tổ chuyên án Diệp Hướng Chân” (con gái Diệp Kiếm Anh) hiện đang ở khách sạn Kinh Tây bổ sung sang.
Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, với binh hùng tướng mạnh phải gấp bước tăng nhanh hoạt động thu thập chứng cứ từ khắp bốn phương tám hướng.
Nhóm đi Thiểm Tây điều tra tình hình của Đặng Tiểu Bình do đảng biệt phái tới quân đội của Phùng Ngọc Tường hồi đầu năm 1927(1).
Nhóm đi Thượng Hải điều tra tình hình công tác tại trung ương đảng năm 1927, và hai lần “Ra trận bỏ trốn” từ quân đoàn Hồng quân số 7 ở Quảng Tây về Thượng Hải báo cáo công tác vào hai năm 1928 và 1930, đồng thời điều tra xét hỏi những người có liên quan tới thời kỳ Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm ở Pháp.
Nhóm đi An Huy điều tra tìm kiếm xem có đầu mối “phản bội” nào, khi Đặng Tiểu Bình là đại biểu trung ương, đi thị sát công tác của tỉnh uỷ An Huy vào năm 1931 không.
Nhóm đi Giang Tây phải điều tra toàn diện hết mọi hoạt động của Đặng Tiểu Bình vào năm 1931, sau khi tới khu Xô-viết trung ương.
Nhóm đi Quảng Tây điều tra mọi hoạt động của Đặng Tiểu Bình tại căn cứ địa cách mạng Hữu Giang vào quãng trước sau năm 1929. Nhóm đi Hồ Bắc điều tra thẩm vấn em trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Khẩn, nguyên là phó thị trưởng thành phố Vũ Hán.
Nhóm đi Tứ Xuyên điều tra thẩm vấn họ hàng Đặng Tiểu Bình và những hoạt động “phản cách mạng” tại quê hương.
Nhóm đi Thiên Tân, tìm người, điều tra tình hình khi Đặng Tiểu Bình ở trong quân đội của Phùng Ngọc Tường. Họ còn cử người đến Quảng Đông, Ninh Hạ, Hồ Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và một số nơi khác tìm những người dưới quyền Đặng Tiểu Bình ngày xưa để điều tra, tìm chứng cứ. Những nhân viên Tổ chuyên án với “trách nhiệm nặng nề trên vai” không dám chậm trễ chút nào. Họ, ngựa tốt ra roi, không nề gian khổ, tung hoành khắp nơi tìm chứng cứ, chỉ nhóm ba người đi Quảng Tây, trong vòng không đây hai tháng, họ đã chạy hết bốn khu, mười hai huyện, hói cung, thẩm vấn hơn hai trăm người.
Đó là chuyện ở các tỉnh bên ngoài. Còn ở Bắc Kinh, Tổ chuyên án cũng chẳng nhàn nhã gì. Mùa hè năm 1969, đội nắng thiêu đốt, nhân viên Tổ chuyên án chạy vạy khắp nơi khắp chốn, để tìm những nhân chứng ở Bắc Kinh để tiến hành điều tra, những lão đồng chí như Đằng Đại Viên(2), Viên Nhiệm Viên(3), Mạc Văn Hoa(4) v.v..., nói chung đều bị thẩm vấn. Trong khi thẩm vẩn, bọn nhân viên Tổ chuyên án phải đối mặt với những người vốn là những lão tướng quân, lão đồng chí. Những vị đảng viên cộng sản lão thành đã từng thân chinh bách chiến đối với những lời tra vấn hiểm độc đầy dụng ý xấu của Tổ chuyên án, có người trả lời với sự thực sự cầu thị của mình, có người dứt khoát né tránh hoặc dứt khoát không thèm đáp lại.
Khi Tổ chuyên án tìm tới đại tướng quân Trương Vân Dật (Trương Vân Dật: đã cùng Đặng Tiểu Bình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bách Sắc, xây dựng quân đoàn Hồng quân số 7 và là quân đoàn trưởng quân đoàn số 7 này) đã bị ăn món cửa đóng then gài với cái cớ là “Thủ trưởng không được khoẻ”. Tổ chuyên án cuống queo như bị trúng phong. Ngay cả Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến cũng đích thân ra dàn xếp, bố trí, và cũng chẳng thèm biết trời cao đất dày ra làm sao, dám tìm đến Nhiếp Vinh Trăn, nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, phó chủ tịch hội đồng Quân uỷ trung ương để điều tra thẩm vấn.
Ngày 20.7.1969, trong mọi phòng họp - nhỏ của khách sạn Kinh Tây, nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn, một con người đạo cao đức trọng, ngồi trong chiếc ghế mây, trước mặt nhân viên Tổ chuyên án để trả lời từng câu hỏi một. Trong những ngày trai trẻ, bắt đầu từ khoảng đầu những năm hai mươi, nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn ở Pháp vừa học vừa làm, ông đã là chiến hữu của Đặng Tiểu Bình, hiểu biết nhau vô cùng sâu sắc. Họ bắt ông nói về Đặng Tiểu Bình, mà những điều ông biết về Đặng Tiểu Bình lại quá nhiều, nên mỗi lần nói là ông nói rất dài, có khi dài tới bốn mươi phút. Trong câu chuyện của ông chừng như ông đã đem lý lịch của người bạn chiến đấu cũ đọc lại một lượt suốt từ đầu tới cuối, còn như “tội trạng” và những “vấn đề” của Đặng Tiểu Bình mà nhân viên Tổ chuyên án đòi hỏi, yêu cầu, thì đến nửa chữ ông cũng không nhắc tới. Cuối cùng Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn chỉ nói thêm một câu:
- Thôi nhé, trong người tôi không được khoẻ lắm, hôm nay chỉ nói đến đây thôi.
Sau đó, cùng với người thư ký của mình, ông đi thẳng, không thèm ngoái đầu nhìn lại.
Nhân viên Tổ chuyên án ngồi nghe đến chán chê ra, vậy mà chẳng thu lượm được một tý gì cả, không khỏi ảo não đến xỉu người, hậm hực rút về văn phòng làm việc của họ ở đường Thuý Vi.
Bắt đầu từ 6.1968, trong vòng thời gian một năm rưỡi, để truy tìm những tội trạng, vốn được gọi là bản tự thú phản bội” của Đặng Tiểu Bình, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, trước sau đã cử 93 nhóm đi điều tra ở bên ngoài, với hai trăm hai mươi ba lượt người đi làm công việc ấy, đến những vùng đất thuộc năm mươi tỉnh, thành phố, và khu tự trị, hơn một trăm bốn mươi thị xã, phủ huyện, với hành trình hơn ba mươi vạn cây số. Chỉ riêng lại Bắc Kinh, họ đã đi về, ra vào gần một trăm đơn vị, cơ quan như: ban tổ chức trung ương, ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Giao thông, Bộ Công an, ban. Thống nhất, Bộ Công nghiệp hoá chất, ban Cơ yếu số 1, ban Cơ yếu số 7, Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Chính trị quân Giải phóng, Văn phòng trung ương, Ban kiểm tra trung ương, cục Cơ yếu Văn phòng trung ương, ban Văn hoá đối ngoại, Tân Hoa xã, báo Nhân dân, Uỷ ban cách mạng thành phố Bắc Kinh, đội Cảnh bị bảo vệ Bắc Kinh, Tổng công đoàn toàn quốc, hội Phụ nữ trung ương, Tổng cục hàng không dân dụng, Viện khoa học cùng các viện phụ thuộc, ban Tôn giáo, Trường đảng cao cấp trung ương, Viện bảo tàng lịch sử trung ương, Bộ tư lệnh không quân, Bộ tư lệnh hải quân, đại học nông nghiệp Bắc Kinh, Học viện chính trị quân giải phóng, Toà án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhân dân Trung quốc, cục biên dịch chủ nghĩa Mác-Lê, Viện khoa học Đông y Trung quốc, xí nghiệp đầu máy toa xe 7-2 Bắc Kinh, ban cải cách dân chủ trung ương, trại giam Tân Thành v.v...
Lịch trình cách mạng của Đặng Tiểu Bình dài như thế, những nơi đã từng làm việc nhiều như thế, diện liên quan rộng khắp như vậy, mà điều tra cho toàn diện cũng đã đầy rẫy những khó khăn rồi. Có thể nói, công việc của Tổ chuyên án cũng tốn kém khá nhiều sức lực, trong khi cặm cặm cụi cụi, lật đi lật lại, đổ ra không biết bao nhiêu công trình sức lực để điều tra nghiên cứu họ mới viết ra được một bản báo cáo điều tra trình cho Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng, song có điều rất đáng tiếc là: “Về vấn đề quá khứ của Đặng Tiểu Bình, sau khi đã điều tra kỹ lưỡng, thấu đáo nhiều lần, thì cho đến trước mắt mà nói, trừ việc vào đoàn, chuyển đảng còn chưa gặp được nhân chứng trực tiếp, và ngoài việc chấp hành đường lối có cơ hội chủ nghĩa, thì không điều tra được đầu mối nào về việc bị bắt, phản bội, liên lạc với địch cùng những vấn đề trọng đại khác”.
Từ “vấn đề quá khứ” được coi là trọng yếu nhất, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình bị rơi vào vô vọng, hẫng hụt. Tổ chuyên án không tìm được vấn đề quá khứ, nên đành bắt tay vào sáng tác “vấn đề hiện tại”. Trong báo cáo nói trên, bọn đó viết. “Đặng Tiểu Bình cùng đồng bọn là Dương Thượng Côn phạm vào hai phản tội lớn là lộn sòng vào bên cạnh Mao Chủ tịch để nghe trộm, thu nạp bọn đầu hàng phản bội, bao che cho kẻ xấu, phản bội, đặc vụ... Đã thu thập được không ít chứng cứ chuẩn bị đưa trình thủ trưởng thẩm duyệt. Trong công tác bước sau, chúng tôi sẽ lấy trọng điểm là nhằm vào điều tra các vấn đề: làm chính biến phản cách mạng, những hoạt động với các âm mưu tiếm quyền trong đảng, trong chính phủ và thông tin, liên lạc với nước ngoài, tương ứng với tội “tam phản” của bọn chúng”. Ba ngày sau, Khang Sinh son phê đồng ý, đồng thời đưa văn kiện đó cho Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Giang Thanh, Tạ Phú Trị v.v... xét duyệt.
Trong khi điều tra, Tổ chuyên án chỉ còn duy nhất một điểm nghi vấn, đó là vấn đề vào đảng của Đặng Tiểu Bình, sẽ có kết luận trong nay mai.
Khi bản báo cáo nói trên được chuyển tới chỗ Chu Ân Lai, Chu Ân Lai đã ghi vào phần cuối: “Đặng Tiểu Bình vào đoàn trong thời kỳ vừa học vừa làm tại Pháp, việc chuyển đảng có tôi và đồng chí Lý Phú Xuân, Thái Sướng(5) đều biết”. Hoàn toàn có thể tưởng tượng được rằng, bọn người ở Tổ chuyên án kia cùng với cấp trên của chúng đã thất vọng nhường nào khi nhìn thấy những dòng chữ đó của Chu Ân Lai.
Nhưng, công tác điều tra trống giong cờ mở của Tổ chuyên án không phải cuốn cờ tắt trống từ đây. Bắt đầu từ nửa cuối năm 1969, bằng vào chỉ ý của Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người khác, Tổ chuyên án còn tóm chặt hơn nữa “vấn đề hiện tại” đối với Đặng Tiểu Bình. Trong trại giam Tân Thành, chúng thẩm vấn Bành Chân, Lưu Lan Đào(6), Lý Sở Ly(7) v.v..., tại trại giam Tiểu Thang Sơn, chúng thẩm vấn An Tử Văn v.v..., tại một doanh trại ở ngoại ô Bắc Kinh chúng thẩm vấn Dương Thượng Côn, trong một phòng giam nhỏ của tổng cục chính trị ở Tây Đan, chúng thẩm vấn Tiêu Hoa(8), trong phòng giam của văn phòng khu cảnh bị bảo vệ Bắc Kinh, chúng thẩm vấn Vương Tòng Ngô(9), lại trường cải tạo cán bộ giao thông, chúng thẩm vấn Tiến Anh(10), rồi còn thẩm vấn riêng rẽ Phan Hán Niên(11), Lưu Hiểu, Liêu Chí Ca(12). Họ cũng còn đến Bộ Ngoại giao gặp Trần Nghị, và tại ban Văn hoá đối ngoại tìm Khuất Vũ(13), Tiểu Tam(14), đến ban cơ yếu số 1 tìm Giang Trạch Dân(15), đến đội quân quản của Tổng cục chính trị tìm Phó Chung(16) và những người ở trường cải tạo cán bộ 7-5. Trung trực như Tăng Tam(17), Lý Chất Trung(8), Đặng Điển Đào(19), trường đảng cao cấp Phạm Nhược Ngu(20), cho đến Viên Nhiễm Viễn, Trương Chấn Cầu(21), Đặng Tốn Luân(22) đều bị điều tra xét hỏi.
Giờ đây nhìn lại, họ đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu nhân lực, đi đến không biết bao nhiêu địa phương, để tiến hành xét hỏi điều tra không biết bao nhiêu cuộc như thế, bỏ ra không biết bao nhiêu tâm cơ độc chăng lưới bủa vây vơ quét cuối cùng lại rơi vào cái kết quả không có kết quả. Cái Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình này, thực sự có thể nói rằng đã uổng công vô ích, hoặc cũng có thể nói là đã điều binh khiển tướng đánh vào chỗ không người, thật đáng tiếc.
Số phận của Tổ chuyên án, khi làm đã khốn khổ, khi xoá lại còn khốn khổ hơn. Đến năm 1970, trước hết là trong đại hội toàn thể lần thứ 2 khoá 9 vào tháng tám, Trần Bá Đạt bị phê phán, tiếp theo đến ông trùm làm chuyên án là Khang Sinh ốm liệt giường liệt chiếu không dậy được, còn tập đoàn Lâm Bưu lại đang bận bịu giao đấu với Mao Trạch Đông. Những nhân vật to đầu trên đây đều bận rộn với công việc đại sự, của riêng mình, nên công tác của Tổ chuyên án cũng bị bỏ bễ đi lập tức, đặc biệt là đến khoảng cuối năm, gần như bị quẳng vào một xó hẻo lánh nào đó.
Nếu cứ để Tổ chuyên án sống không ra sống, chết chẳng ra chết cũng sẽ chẳng biết thế nào, nên họ quyết định viết một cái báo cáo lên trên để thăm dò tình hình.
Ngày 28.11.1970, họ dùng danh nghĩa “Tổ chuyên án Hạ Long” viết một bản báo cáo gửi Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, đề nghị cho họ tới những bộ môn có liên quan đề tiếp tục điều tra về vấn đề “tội tam phản”, tội “kết nạp thu dung những tên đầu hàng phản bội” v.v... Ngô Pháp Hiến vừa mới bị Mao Trạch Đông phê bình tại đại hội toàn thể lần thứ hai khoá 9, nên không dám khinh suất manh động, ông ta đem văn kiện đó gửi tới cho Chu Ân Lai và Uông Đông Hưng. Mấy hôm sau, Tổ chuyên án nhận được bản báo cáo đó chuyển trả về.
Trên giấy trắng mực đến có dòng bút phê của Chu Ân Lai: “Kính gửi đồng chí Uông Đông Hưng, toàn bộ văn kiện này là văn kiện công khai, đề nghị đồng chí duyệt xét, xem xem nên như thế nào. Tôi còn nhớ rằng, khi điều Đặng Tiểu Bình và Đàm Chấn Lâm đi xa (hạ phóng), hai Tổ chuyên án của hai người đã giải tán rồi”.
Nhìn dòng bút phê của Chu Ân Lai, Tổ chuyên án giật thót mình kinh hãi. Thì ra Tổ chuyên án đã bị giải tán từ hơn một năm trước, vậy mà nhân viên Tổ chuyên án lại không hay biết gì cả. Thế này là thế nào nhỉ?
Trong tình thế đó, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình đành phải viết một báo cáo cuối cùng gửi Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Htến và một số người khác nói rằng: “Nếu như đã quyết định giải tán Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, chúng tôi sẽ kết thúc công tác điều tra, và có nên tiếp tục gửi nốt bán báo cáo điều tra về tội trạng tam phản cũng như tội kết nạp thu dung bọn đầu hàng phản bội của Đặng Tiểu Bình nữa không?”.
Bán báo cáo cuối cùng này cho đến tận nửa tháng sau vẫn chưa có một ai đáp lời. Tận đến ngày 24.12.1970, thư ký của Ngô Pháp Hiến mới đến chỗ Tổ chuyên án triệu tập toàn thể nhân viên của tổ họp, nói: “Báo cáo về vấn đề Đặng Tiểu Bình mà các đồng chí gửi lên, và cả báo cáo trước đây đã có bút phê của đồng chí Chu Ân Lai, các thủ trưởng đều đã đọc qua, các thủ trưởng cho tôi nói với các đồng chí rằng, các loại báo cáo đều không cần gửi tới nữa, vụ án Đặng Tiểu Bình cũng không tiếp tục làm nữa. Tài liệu điều tra cứ tạm thời lưu ở chỗ các đồng chí đây, và các đồng chí cứ tạm thời chờ đợi”.
Đợi mà chẳng cân chờ, mỗi người trong Tổ chuyên án đều biết rằng, sứ mạng của họ đã kết thúc, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình kẻ từ khi thành lập đến nay, cũng đã qua được một thời gian là hai năm rưỡi, và bây giờ đã bị giải tán âm thầm, không kèn không trống, im hơi lặng tiếng kết thúc, thật đúng là thời vận xui xẻo, thương thay, bi thay”
Chú thích:
(1) Phùng Ngọc Tường, tướng lãnh cao cấp của Quốc Dân đảng, nổi tiếng là người yêu nước tiến bộ. Năm 1927, Đặng Tiểu Bình đã được phái tới quân đội của Phùng Ngọc Tường làm giáo viên giảng dậy chính trị
(2) Đằng Đại Viên: đã từng là phó tư lệnh quân khu Tán, Dục, Lỗ, Dự (tên khác của các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam (N.D) và là thường vụ trung ương cục bốn tỉnh nói trên, là cấp dưới của Đặng Tiểu Bình
(3) Viên Nhiệm Viên: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sác do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo, từng là trưởng khoa hành chính tổng hợp phòng chính trị quân đoàn Hồng quân số 7, kiêm chủ nhiệm phòng chính trị trung đội số 2 và uỷ viên chiến trường
(4) Mạc Văn Hoa: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sác do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo. Đã từng là tham mưu ban sơ yếu Quân đoàn Hồng quân số 7
(5) Thái Sướng: mùa đông năm 1919 sang Pháp vừa học vừa làm, năm 1922 với Đặng Tiểu Bình cùng tuyên thệ gia nhập đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa, năm 1923 chuyển sang Đảng cộng sản Trung quốc
(6) Lưu Lan Đào: đã từng là bí thư dự bị của Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó bí thư Ban Kiểm tra trung ương đảng, bí thu thứ nhất cục Tây Bắc của Đảng cộng sản.
(7) Lý Sở Ly: đã từng là uỷ viên ban Kiểm tra trung ương, phó ban tổ chức trung ương.
(8) Tiêu Hoa: đã từng là chủ nhiệm tổng cục chính trị quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc.
(9) Vương Tòng Ngô: đã từng là phó bí thư ban Kiểm tra trung ương
(10) Tiến Anh: đã từng là phó bí thư ban Kiểm tra trung ương
(11) Phan Hán Niên: đã từng là trưởng ban Xã hội cục Hoa Đông của trung ương.
(12) Liêu Chí Cao: đã từng là bí thư của ban bí thư cục Tây Nam của trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, bí thư thứ nhất tỉnh uý Tứ Xuyên Đảng cộng sản Trung quốc
(13) Khuất Vũ, bạn học của Đặng Tiểu Bình ở trường đại học Trung Sơn tại Mat-xcơ-va.
(14) Tiêu Tam: đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm tại Pháp.
(15) Giang Trạch Dân: đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm ở Pháp
(16) Phó Chung đã từng cùng với Đặng Tiểu Bình vừa học vừa làm tại Pháp.
(17) Tăng Tam: đã từng là phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng cộng sản Trung quốc, trưởng phòng hồ sơ trung ương.
(18) Lý Chất Trung: đã từng là cục trưởng cục Cơ yếu Văn phòng trung ương đảng cộng sản Trung quốc, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng.
(19) Đặng Điển Đào: phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng cộng sản Trung quốc kiêm trưởng phòng hành chính cơ quan văn phòng.
(20) Phạm Nhược Ngu: đã từng làm hiệu phó trường đảng trung ương.
(21) Trương Chấn Cầu: đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bách Sắc do Đặng Tiểu Bình và một số người khác lãnh đạo, đã từng là đội trưởng đội tuyên truyền phòng chính trị quân đoàn Hồng quân số 7.
(22) Đặng Tốn Luân: đã từng là chủ nhiệm chính trị ban hậu cần của Dã chiến quân thứ hai

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ