24. Trời chẳng phụ lòng người

Chẳng biết có phải là việc Phác Phương đi “gặp gỡ cấp trên” có tác dụng gì không, những vào một ngày tháng sáu, cuối cùng Bắc Kinh đã ra quyết định đưa Phác Phương về Giang Tây.
Con trai đã về, đứa con trai năm năm không gặp mặt đã về. Suốt từ tháng hai cho đến mãi tháng sáu, cuối cùng cha mẹ tôi cũng đã mong ngóng được con về. Nhưng đứa con trai đó lại chẳng như những đứa con trai khác nhảy nhót tâng tâng chạy tới, mà là được khênh cả người lẫn xe lăn trở về!
Con trai đã trở về, lẽ ra là những lời chuyện trò không dứt, nhưng khi cha con gặp nhau, nhìn nhau mà chẳng nói được gì. Biết nói gì đây? Vả lại còn có gì để mà nói? Chỉ có những ánh mắt xót xa đã thay thế cho tất cả, cho hết thảy.
Khi đó, trong nhà chỉ có ba ông bà già. Với sự giúp đỡ của những người đi theo, ba ông bà già thu xếp cho Cu Mập vào ở trong gian phòng phía bắc, tầng một, cạnh gian phòng cán sự Hoàng Văn Hoa đang ở. Trước khi đưa Phác Phương về, cha tôi, thông qua cấp tỉnh của Giang Tây mượn được của bệnh viện tỉnh một chiếc giường sắt của bệnh nhân. Nhưng Cu Mập bị liệt ở vị trí cao, nên phải nằm trên phản gỗ cứng, cho nên lại phải nhờ các bác công nhân bên xí nghiệp đóng cho một tấm phản lớn. Cu Mập không thể tự mình lật người qua lại được, trong khi anh bắt buộc phải lật người hai tiếng một lần, nếu không sẽ bị thối thịt, thành hoại thư. Thế là ba ông bà già, đặc biệt là cha tôi, ngày ngày phải giúp anh lật người. Những người già không những phải giúp anh lật người ban ngày, mà ban đêm cũng phải trở dậy nhiều lần để giúp anh làm việc đó. Những khi khó khăn quá, lại phái phải nhờ đến sự giúp sức của các bác công nhân bên xí nghiệp. Với thiết kế và đề nghị của Phác Phương, các bác công nhân đã làm thêm cho một chiếc giá gỗ ở đâu giường, trên giá gỗ lại có treo hai cái vòng. Như vậy Cu Mập có thể kéo hai chiếc vòng, rồi dùng sức của mình giải quyết được việc tự lật trở mình.
Để trông nom cho Cu Mập, ba ông bà già phân công, cha tôi vẫn làm những việc nặng nhất, như lật người, và tắm rửa, lau người cho anh. Mẹ tôi làm những việc bẩn nhất như đổ phân, đổ nước tiểu, giặt giũ những chăn đệm bị bẩn. Bà tôi thổi nấu, đưa cơm, và giúp thêm mẹ tôi trong việc giặt áo quấn. Trong nhà đột nhiên có thêm một người con trai tàn lật, nên ba người già cũng đột nhiên bận bịu hẳn lên. Nhưng dù thế nào, cha mẹ tôi vẫn cố gắng ngày ngày sang xí nghiệp lao động.
Mùa hè ở phương nam thường hay đến sớm: mùa hè năm 1971 lại là một mùa hè vô cùng nóng bức.
Cái mà người ta gọi là khổ hạ, tức là nói tới sự nóng bức ngột ngạt không sao chịu đựng nổi, chữ khổ ở đây cũng chẳng phải ngoa ngoắt gì. Đối với những dân sống lâu ở miền bắc như gia đình chúng tôi thì chữ khổ đó lại càng đúng. Những người già đã phải đến xí nghiệp lao động, lại còn phải làm thêm việc nhà, trong mùa hè vốn đã khó sống, nay lại còn phải trung nom hầu hạ một người bệnh liệt giường, nên cái khổ cái khốn, khó mà nói ra hết được. Ngay bản thân Phác Phương nằm liệt trên giường bệnh, sống được qua ngày, cũng chẳng phải dễ dàng gì. Ngày hè nóng nực, đưa tay sờ vào mặt phản, mặt phản còn nóng hơn cả tay mình. Nằm bất động ở đó mà mồ hôi vẫn chảy tầm tã, hơn thế, anh cũng còn phải làm động tác, tay nắm chặt lấy đôi vòng treo, rồi vận dụng tất cả sức lực của mình để nhấc người lên, hoặc lật người đi, và cứ mỗi động tác như thế mồ hôi lại tóa ra ướt đầm quần áo. Để cho Cu Mập khỏi bị hoại thư, hoặc rách da thối thịt. Cha mẹ tôi cứ mỗi ngày một lần, hoặc đôi ngày một lân, lại lấy nước lau rửa mình mẩy cho anh, rồi còn bôi phấn cho da khô da sạch. Mùa hè này là mùa hè bận rộn nhất của cha mẹ tôi kể từ khi ông bà tới Giang Tây. Mệt thì có mệt, bận thì có bận, nhưng việc con cái được ở chung nhà, đó lại là một niềm hạnh phúc. Có khổ thêm một ít, mệt thêm một ít, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với việc con mình đơn độc chịu khổ chịu cực ở nơi ngàn dặm xa xôi.
Sự chịu đựng của con người thật quả là rất đáng kinh ngạc.
Gặp những lúc bất thường, con người ta sẽ nghiến răng nghiến lợi lại, làm được những việc mà lúc bình thường đến nghĩ cũng không dám nghĩ tới. Song khắc phục những khó khăn lại chẳng phải là việc dễ. Ngay ngày hôm nay, tức là vào khoảng hơn hai chục năm sau đó, mỗi khi nghĩ tới những ngày nồng nã, bức bối ở Giang Tây, vẫn khiến người ta không khỏi rùng mình.
Ngày tháng cứ thế mà trôi đi, dần dần cả nhà cũng quen với cách sinh hoạt ấy, những ngày nóng bức khủng khiếp cũng giảm dần. Những ngày cuối hạ mà mọi người vẫn mong đợi cũng đã chậm rãi bước tới.
Ngày nóng giảm dần, mọi sự dồn nén, tích luỹ trong đầu con người ta cũng rũ bỏ đi được nhiều. Bà tôi và mẹ tôi nuôi được một đàn gà. Thông thường cứ thấy bóng mẹ tôi là cả đàn gà lớn bé chạy xúm xít, bám sát gót mẹ tôi, rồi vừa mổ những hạt sỏi trong đám cỏ vừa túc túc kêu lên. Có được một “chi đội quân lính” đó, mẹ tôi bỗng có một cái tên rất xứng đáng, rất phù hợp với thực tế là “Tư lệnh gà”. Trời đất bắt đầu mát mẻ được ít nhiều, cơm chiều xong, khi những tia nắng quái chiều hôm xuyên qua những kẽ lá thả những mảng sáng trên đám sỏi son, bà tôi ngồi ở sân, tay phe phẩy chiếc quạt, rồi vừa quạt vừa nhàn tản, đàm đạo sự đời.
Cha tôi đã bắt đầu đi bách bộ trong sân sau bữa cơm chiều.
Vòng quanh căn gác nhỏ, ông đi từng bước, từng bước, từng vòng, từng vòng, và ngày này tiếp ngày khác, năm nọ nối năm kia, đều bước. Dưới những bước chân đều đặn của ông, trên mặt đất sỏi son đỏ, một con đường mòn nho nhỏ bạc mầu, đã dần dần rõ nét.
Cái nóng ngột ngạt của ngày hè tiêu tan hết, thì cuộc sống trong căn gác nhỏ của trường bộ binh cũng đã đi vào nền nếp. Vì anh lớn ở nhà, những người già lại quá bận bịu nên đã gọi tôi từ vùng nông thôn Thiểm Bắc về nhà giúp thêm. Đối với tôi, được trở về nhà, là sướng hơn tất cả.
Về đến nhà rồi, nhiệm vụ trọng yếu của tôi là giúp việc cho ba người già. Ở nông thôn, tôi đã học được cách cán mỳ, kỹ thuật cũng thuộc loại khá. Một quả cán dài, một khối bột mỳ nhồi, tôi có thể cán ra một tấm bột, vừa tròn, vừa lo, vừa mỏng trông chẳng khác gì một tấm vải to, cán xong, xếp những tấm bột chồng lên nhau, rồi lấy đao thái nhỏ, thả vào nồi đun, tôi đã trở thành một tay thợ cán mỳ chính cống của Thiểm Bắc. Bà tôi là người phương nam, vốn chỉ biết làm cơm Tứ Xuyên, nay cũng đã học được cách ủ men, hấp bánh màn thầu (bánh mỳ hấp), nhưng vẫn chưa biết cán mỳ. Nay tôi đã học được nghề từ Thiểm Bắc mang về, tôi có thể ra tay trổ tài nghệ trước mặt mọi người trong nhà. Nhưng ba vị già cũng chẳng chịu thua kém, cũng học cán mỳ. Ba vị không những học được mà còn học rất nhanh. Nhất là cha tôi, học tới mức ngang tài ngang ngửa với tôi.
Sau khi tôi về nhà, những việc như lật trở người cho anh tôi, đều do tôi “đảm đương”, ngoài ra còn giúp gia đình làm một số công việc lặt vặt. Nhưng tôi cũng lại là người vô tâm vô tính chết đi được, nên trong khi làm lụng cũng gây khối chuyện “rách việc”. Anh tôi bị liệt, chi dưới bị teo lại, bắp đùi bắp chân luôn luôn bị lạnh giá. mẹ tôi cẩn thận, nên cứ tối tối là lấy một gối nước nóng, kê xuống dưới chân anh tôi, cho chân anh ấm lại. Nhưng từ khi tôi gánh vác việc này, tôi đã làm hỏng bét cả. Một hôm, không cẩn thận, tôi đem túi chườm đổ đây nước sôi, đóng nút kỹ, đặt vào bên đùi anh tôi. Sáng hôm sau, xem lại, thảm chưa, túi nước nóng đã làm đùi anh tôi bỏng một mảng thật to. Mời bác sĩ tới xem, được biết bỏng độ hai, và chi dưới của người bị liệt mà bị bỏng nữa thì rất khó lành. Khi đặt túi chườm nước nóng, tôi hoàn toàn không biết rằng, chân đùi anh tôi đã hoàn toàn mất cảm giác, đúng là hối không kịp. Tôi bị bà và mẹ mắng cho một trận tới số, còn chân của anh tôi phải mãi ba tháng sau mới lành lại được.
Phác Phương suốt ngày trên giường bệnh trong nhà, nên chỉ còn biết đọc sách, nghe phát thanh. Anh tôi vốn là một sinh viên giỏi trong khoa vật lý kỹ thuật của trường đại học Bắc Kinh, anh không những học giỏi lý thuyết mà thực hành cũng giỏi, anh có thể làm được mọi việc về vô tuyến điện cũng như điện cơ. Cha tôi thấy một chàng trai mới hai mươi bảy tuổi hoa niên, đầy mình học vấn và kỹ thuật, vậy mà chỉ nằm liệt giường chẳng biết làm gì, nên ông cũng lấy làm tiếc và nghĩ ngợi. Một hôm, ở xí nghiệp, cha tôi hỏi ông trung đội trưởng Đào Đoan Tấn: “Trong xí nghiệp có công việc gì về điện cơ hay không?”. Ông trung đội trưởng lấy làm lạ, bởi vì thường ngày làm việc trong xí nghiệp, mỗi khi tới, chỉ chào hỏi mọi người qua loa, rồi cầm lấy chiếc giũa chăm chăm chú chú làm việc bên cạnh cái bàn nguội của mình, ít khi trò chuyện với ai. Hôm nay Lão Đặng lại chủ động đặt ra câu hỏi, nhất định là phải có chuyện gì, nhưng trong một xí nghiệp nhỏ bé thế này, làm gì có công việc điện cơ. Cha tôi lại hỏi: “Có những công việc về vô tuyến điện, hoặc sửa chữa máy thu thanh chẳng hạn, cũng được...”. Ông trung đội trưởng hỏi lại: “Lão Đặng này, ông hỏi về những thứ ấy để làm gì vậy?”. Cha tôi nói cho ông trung đội trưởng biết rằng con trai ông, Phác Phương, ngồi chơi không ở nhà, Phác Phương lại biết làm các công việc về vô tuyến điện và điện cơ, nếu tìm được công việc cho Phác Phương làm thì tốt. Trung đội trưởng Đào Đoan Tấn, sau khi nghe biết mọi sự cũng thật tình muốn giúp Lão Đặng một việc gì đó bởi ông sống với Lão Đặng thời gian cũng đã dài, mọi người đều rất có cảm tình với Lão Đặng, nhưng khổ một nỗi trong xí nghiệp lại chẳng có công việc thuộc về loại đó. Cha tôi vẫn chưa chịu thôi, nên lại hỏi ông trung đội trưởng: “Trong xí nghiệp không có những loại công việc như thế, coi như cho qua. Nhưng trong gia đình ông, có máy thu thanh đó, nếu bị hỏng đem đến cháu nó chữa cho. Có tý công việc, nhúc nhắc chân tay rõ ràng là tốt hơn việc ngồi buồn chơi không”. Lão Đặng quan tâm tới công việc của con cái như thế đã làm cho ông trung đội trưởng cảm động, nhưng ông chỉ có thể nói với Lão Đặng rằng: “Chả dám giấu gì ông, cả nhà tôi chỉ có bốn năm chục đồng bạc lương, mà có đến bốn trẻ nhỏ, đứa lớn nhất mới đang đi học tiểu học, lại còn người già, sống chật vật lắm, tiền đâu mà đi mua máy thu thanh cơ chứ”.
Nghe nói vậy xong, cha tôi không nói thêm gì nữa. Không phải vì không giúp con kiếm được việc làm, mà là được nghe một người công nhân bình thường thổ lộ can tràng, đã buộc ông phải có những suy tư. Xây dựng xã hội chủ nghĩa đến bây giờ đã hơn hai chục năm rồi, mà trong nhà một người công nhân, không có tiền mua nổi một chiếc máy thu thanh. Là một người lãnh đạo lớp trước, ông và các đồng chí của ông đã từng hết lòng hết sức, đã từng được chứng kiến nhân dân toàn quốc, trên dưới một lòng, đông tâm hiệp lực, mất ba năm ròng rã mới vượt qua được cái cửa quan thiên tai thất bát, đã từng đi khắp đất đai rộng lớn của tổ quốc, cùng với bao nhiêu cán bộ, quấn chúng để tìm tòi ra được con đường dân giàu nước mạnh, và đã phải trải qua bao nhiêu đoạn đường khúc khuỷu, quanh co, mới tạo ra được một cục diện tương đối ổn định cho nền kinh tế phát triển, vậy mà đã bị phong trào Cách mạng văn hoá này làm cho nát bét. Cha tôi giờ đây đã bị hạ bệ rồi, không còn chịu một trách nhiệm lãnh đạo nào nữa. Cha tôi sống ở nơi đất trích xa xôi, viễn ly với trung tâm chính trị, nên ông không nhìn thấy, không nghe biết và cũng chẳng hiểu gì về những sự việc đã xảy ra trên chính trường. Nhưng bằng vào những điều hết sức nhỏ bé đã nghe thấy, đã nhìn thấy, đã nhận biết được của bản thân mình, và với sự nhạy bén của một chính trị gia, nên ông đã phân tích ra được, Trung quốc hiện nay, sự động loạn vẫn chưa ngừng lại, tình hình chính trị vẫn cứ phức tạp như cũ, sự phát triển kinh tế vẫn còn đang bị ngáng trở, đời sống của nhân dân quần chúng vẫn khó khăn, đói khổ. Đối với một đảng viên cộng sản lão thành như cha tôi, dù rằng đang tại chức, dù khi chức vụ đã bị bãi, ông vẫn nghĩ tới đất nước từng giờ, từng phút một, vẫn nhớ tới nhân dân, vẫn nhớ tới đảng từng khắc từng giây. Những sự bàng hoàng, kinh hãi đã từng đến với ông khi bắt đầu cuộc Cách mạng văn hoá, giờ đây, nỗi bàng hoàng đã trở thành niềm âu lo. Cho nên hôm nay, sau khi nghe những lời thành thực của một công nhân bình thường, điều ông cảm nhận được đó là sự đau lòng.
Những ngày nóng bức ở phương nam còn chưa tàn hẳn, thì trên chính trường nơi phương bắc, đã có một sự kiện mang tính bùng nổ. Ngày 13.9.1971, Lâm Bưu đem theo vợ con lên máy bay chạy trốn, chiếc máy bay đã rơi xuống vùng sa mạc hoang vu, đứt lèo gãy cánh ở Mông Cổ.
Căn gác nhỏ nơi trường bộ binh bị khép kín. Nhưng dù có bưng bít khép kín đến đâu, thì tin tức vẫn cứ xâm nhập vào được. Phác Phương là người hiểu biết kỹ thuật, bình thường anh vẫn hay lôi các đồ điện khí và máy thu thanh ra sửa chữa, nay cha tôi, mẹ tôi sợ anh nằm đó một mình buồn bã vắng vẻ, nên đem chiếc máy thu thanh tốt nhất trong nhà đến chỗ anh, cho anh nghe tin tức giải buồn. Nhìn qua chiếc máy, anh đã biết máy có sóng ngắn, anh đã xoay xoay, vặn vặn tìm nghe đài phát sóng ngắn ở xa, có lúc còn bắt được những buổi phát thanh của một số đài nước ngoài. Người già và người trẻ quả là có khác nhau, ba vị tuổi cao sử dụng chiếc máy đã hai năm mà chẳng biết gì về sóng ngắn sóng dài cả, nhưng Phác Phương chỉ thoáng nhìn là đã làm rõ ràng tất cả.
Sau hôm “13.9.1971” một ngày, từ làn sóng ngắn của một đài nước ngoài, Phác Phương chợt thu được một tin ngắn, nói rằng có một chiếc máy bay Trung quốc gặp nạn, bị rơi ở Mông Cổ. Tin tức tiếp theo của mấy ngày hôm sau, toàn là tin đồn, tin đoán rằng, trong nội bộ Trung quốc đã xảy ra một sự kiện gì đó ghê gớm lắm. Ngay lập tức Phác Phương nói lại tin đó với cha mẹ, nhưng cha mẹ chẳng nói gì.
Cho đến ngày Quốc khánh 1.10.1971, nhà nước vẫn tiến hành lễ chào mừng nhưng bãi bỏ cuộc diễu hành, mà từ khi lập quốc tới nay chưa năm nào bị bỏ. Một điều càng làm người ta khó hiểu hơn là trong suốt thời gian phát tin này, đặc biệt là những dòng tin về ngày Quốc khánh, lại không thấy tên của Lâm Bưu, đây là một việc hoàn toàn không bình thường. Anh nói với tôi: “Có thể Lâm Bưu vướng vào chuyện gì rồi”. Cha tôi vẫn như mọi khi, chỉ nghe mà chẳng nói năng gì.
Lâm Bưu tự nổ tự chết, có thể nói đó là sự kiện chính trị rung động nhất kể từ khi có Cách mạng văn hoá tới nay.
Năm ngày sau khi sự kiện đó nổ ra, được Mao Trạch Đông phê chuẩn, trung ương ra thông cáo việc Lâm Bưu phản quốc chạy trốn ra nước ngoài.
Mười ngày sau, thông báo mở rộng ra đến cấp quân khu, sư đoàn. Ngày 6.10.1971, trung ương ra thông cáo tội trạng của tập đoàn Lâm Bưu. Trung tuần tháng mười thông cáo được truyền đạt tới cấp bí thư chi bộ đảng ở các địa phương. Ngày 2.10.1971, thông cáo được truyền đạt cho rộng khắp các giới trong quần chúng trong toàn quốc.
Ngày 6.11.1971, xí nghiệp đột nhiên thông báo cho cha mẹ tôi đến xí nghiệp nghe văn kiện của trung ương. Đảng tịch của cha tôi vẫn được lưu lại, nhưng nghe truyền đạt văn kiện trung ương, thì thật đây là lần đầu tiên khai phá đất hoang.
Vẫn như mọi ngày, cha mẹ tôi thay đôi giày nhựa, tay cầm dù che mưa tới xí nghiệp. Khi cha mẹ tôi đi rồi, tôi đã lao xuống phòng anh tôi, rồi một lát sau, tôi lại nhao sang nhà bếp tìm bà. Tôi cứ chạy quanh chạy quẩn như vậy, với sự bồn chồn trong dạ, đợi cha mẹ tôi đi nghe truyền đạt trở về. Nên nhớ ìăng, trong Cách mạng văn hoá: việc gì cũng có thể xảy ra. Là phúc là hoạ, là cát là hung, có đến ông trời cũng không trù tính được.
Cha mẹ tôi đến xí nghiệp, thấy trong gian nhà ăn rộng chừng khoảng trên một trăm mét vuông, hơn tám mươi người công nhân đã ngồi thành hàng thành lối, rất nghiêm chỉnh, trinh trọng tại đó. Phía trước là hai chiếc bàn ghép lại tạm thời làm bàn chủ tịch. Cha mẹ tôi, cùng các công nhân chào hỏi nhau rồi ngồi xuống.
Chủ nhiệm ủy ban cách mạng xí nghiệp là La Bằng, cùng cục trưởng cục Công nghiệp huyện vào hội trường, ngồi xuống trước bàn chủ tịch. La Bằng đưa mắt đảo quanh, thấy vợ chồng Đặng Tiểu Bình liền nói:
- Lão Đặng, ông tai điếc, nghe không rõ nên ngồi lên trên cùng đây!
Cha mẹ tôi chuyển chỗ lên hàng ghế thứ nhất. Văn kiện của trung ương được truyền đạt hôm đó, chính là thông cáo của trung ương về việc Lâm Bưu phản quốc, trốn ra nước ngoài và những tài liệu về lội lỗi của tập đoàn phản đảng này. Văn kiện được đọc liền một mạch hơn hai tiếng đồng hồ, cả hội trường nín thở lặng nghe hơn hai tiếng đồng hồ ấy. Sau khi đã truyền đạt xong, các phân xưởng về thảo luận nóng. Trong phân xưởng sửa chữa, cha tôi nghe những người công nhân sôi nổi, nhiệt tình thoả luận bạn bạc, và ông vẫn một mực chẳng nói năng gì. Trung đội trưởng Đào Đoan Tấn đề nghị với La Bằng đưa văn kiện cho Đặng Tiểu Bình đem về nhà đọc. Như thế cha mẹ tới đem văn kiện về nhà.
Khi đó đã là hơn một giờ chiều, tôi mong mỏi mắt mới thấy cha mẹ tôi trở về. Tôi lao tới định hỏi, đã bị mẹ tôi túm lấy cánh tay, tôi tuột vào nhà bếp, viết vào trong lòng bàn tay tôi mấy chữ: “Lâm Bưu chết rồi?”. Trong Cách mạng văn hoá, để tránh tiếng có mạch vách có tai, chúng tôi thường “nói chuyện” bằng cách viết vào lòng bàn tay nhau như thế. Khi tôi đã nhìn rõ được mấy chữ đó, hầu như tất cả những dòng máu nóng trong người tôi bốc hết lên đầu. Vì sợ có người nghe trộm, nên ngay đó tôi chẳng dám hỏi thêm mẹ tôi nhiều. Tôi vội vã chạy xuống phòng anh tôi, đóng chặt cửa phòng, tôi thì thầm nói lại cho anh tôi nghe. Tôi thấy anh tôi cực kỳ xúc động, niềm vui ấy đã thắng mọi ngôn ngữ. Khi đã trở về nhà rồi, cha tôi vẫn chẳng nói chẳng rằng. Cả nhà ăn cơm trưa xong, tất cả lên gác, đóng cửa lại. Mẹ tôi đã tường thuật lại cho tôi nghe mọi chuyện trong khi nghe truyền đạt, tôi nghe, mà những dòng nước mắt nóng hổi của tôi cứ lặng lẽ tuôn trào. Cha tôi không ngồi mà vẫn cứ đứng đó, vừa hút thuốc vừa đăm đăm nhìn chúng tôi. Ông đã vút bỏ được cái trầm tĩnh, nghiêm túc xưa nay của mình, ông cũng xúc động và vui mừng như chúng tôi vậy. Ông không nói nhiều, chỉ có mỗi một câu: “Lâm Bưu không chết, trời đất chẳng dung”.
Hai ngày sau, tức là ngày 8.11.1971, cha tôi cầm bút viết thư cho Mao Trạch Đông.
Trong thư, ông viết: “Trước khi nghe truyền đạt, tôi hoàn toàn không biết gì về tội phản đảng, phản quốc của tập đoàn Lâm Bưu, Trấn Bá Đạt, mà chỉ cảm thấy rằng, Trần Bá Đạt có vấn đề gì đó. Đối với Lâm Bưu thật quả là chuyện quá bất thường, cho nên trong khi nghe những tội trạng đáng chết của tập đoàn này, tôi cảm thấy vô cùng kinh hoàng và phẫn nộ”.
Ông bày tỏ thái độ kiên quyết ủng hộ quyết định của trung ương đối với tập đoàn Lâm Bưu, ông viết:
“Sự phát hiện nhanh và giải quyết sớm tập đoàn Lâm Bưu, Trần Bá Đạt đúng là một đại sự đáng được ăn mừng. Nếu như không có sự lãnh đạo anh minh sáng suốt của Chủ tịch và trung ương để sớm phát hiện ra, đồng thời là sự nhanh chóng giải quyết, nếu như âm mưu của bọn chúng có dịp thi thố, sẽ đúng như trong thông cáo của trung ương đã nói, cuối cùng chúng cũng sẽ bị nhân dân cách mạng mai táng, nhưng sẽ có không biết bao nhiêu đầu người bị rơi xuống đất, và tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiều khúc khuỷu gian nan. Bây giờ đã giải trừ được mối nguy hiểm đó rồi, tôi cùng với nhân dân cả nước vui mừng biết bao nhiêu”.
Trong thư cha tôi viết, ông còn biểu lộ niềm vui trong lòng mình, bởi không sao “nén nối” được.
Đúng vậy, đúng là ông không nén nổi lòng mình. Kể từ khi có Cách mạng văn hoá tới nay, ông đã từng phải viết kiểm điểm, phải viết tự thuật, phải viết các loại thư từ, đo chính trị và tình thế ép buộc, ông không thể không tự phê bình trái với lòng mình, không thể không dùng những ngôn từ thông dụng trong Cách mạng văn hoá, không thể không vì gia đình mình, vì con cái mình mà đi cầu cạnh sự trợ giúp của người khác. Bao nhiêu năm nay, những điều ông muốn nói, lại không nói được những điều không muốn nói, lại bắt buộc phải nói. Vậy mà hôm nay, tên Lâm Bưu tội ác tày trời, cuối cùng cũng đã chết không đất vùi thân, khiến cho ai ai cũng vô cùng thống khoái. Đối với quyết định của trung ương, ông thực lòng ủng hộ, những điều ông viết trong thư đều là những lời xuất phát tự đáy lòng. Những lời kìm nén bao nhiêu năm, nay có thể thông thống viết ra một cách sung sướng vô vàn.
Sau những phút hứng khởi, cao hứng, ông cũng đã lạnh lùng nhận ra rằng, ông đang viết thư cho Mao Trạch Đông.
Kể từ khi ông bị hạ bệ đến nay, kể từ sau lần trò chuyện cuối cùng với Mao Trạch Đông tới nay, ông chưa một lần trực tiếp viết thư cho Mao Trạch Đông. Tất cả mọi công việc, dù là chính trị, dù là việc nhà, nói chung đều theo đúng lời dặn của Mao Trạch Đông trong lần gặp mặt cuối cùng giữa hai người, nên đều viết cho Uông Đông Hưng, hoặc nhờ Uông Đông Hưng chuyển cho Mao Trạch Đông và trung ương. Nhưng lần này lại khác. Lần này ông trực tiếp viết thư cho Mao Trạch Đông. Thứ nhất là vì Lâm Bưu đã toi mạng, đó là một sự kiện quan trọng. Thứ hai là ông đã tỉnh táo nhận định rằng, đây cũng lại là một thời cơ rất quan trọng.
Trong Cách mạng văn hoá, sở dĩ Đặng Tiểu Bình bị hạ bệ, nguyên nhân trọng yếu là Lâm Bưu, nhưng trong khi đó Mao Trạch Đông vẫn kiên quyết không khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng. Trong điều này không thể không ẩn chứa những nhân tố chính trị. Trong hoàn cảnh chính trị phức tạp và tệ hại ấy, bản thân Đặng Tiểu Bình dù phải sống trong tình trạng ác liệt cũng không thể xoay xở gì được song không vì thế mà để chìm đắm đi tất cả. không buông trôi bất cứ thứ gì, dù đó chỉ là một tia hy vọng cuối cùng. Với tiền đề giữ gìn nhân cách, giữ gìn khí tiết và nguyên tắc cần phải có của một người đảng viên đảng cộng sản, ông đã từng tự kiểm điểm, tự phê bình trước Mao Trạch Đông cũng chính là để bảo vệ, giữ lấy cái phòng tuyến chính trị cuối cùng này. Đương nhiên rằng trong nghịch cảnh, ông không hề làm bất cứ một chuyện ảo tưởng nào, song ông cũng chưa từng bỏ qua một hy vọng cũng như một cố gắng nào. Là một đảng viên cộng sản lão thành, suốt đời phấn đấu cho một sự nghiệp cách mạng, khi nhìn thấy chính trị hỗn loạn, nhìn thấy quyền bính nằm trong tay kẻ ác, nhìn thấy xã hội bị xáo trộn, nhìn thấy nhân dân bị lầm than, ông làm sao giữ mãi trong lòng, làm sao không xao xuyến lương tâm! Ngay cả trong khi bị đấu tố, bị giam cầm, ông vẫn không từ bỏ hy vọng, vẫn không ngừng suy tính. Trước khi Lâm Bưu bị ngã đài, mục đích chính xác của ông là cố duy trì lấy phòng tuyến chính trị cuối cùng. Nay Lâm Bưu đã tự diệt mình, mục đích đó của ông lại càng rõ ràng hơn. Ông cần phải sử dụng mọi thời cơ, tranh thủ xuất hiện trở lại, lại làm việc cho đảng, cho dân. Trong suốt năm năm đầy gập ghềnh trong cuộc đời ông, đối với con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của Trung quốc, ông đã có rất nhiều suy tính, trong lòng ông cũng đã chất chứa đầy đủ mọi bề. Nếu như có một ngày xuất hiện trở lại, ông sẽ lại dùng tấm lòng son của mình, đem hết những trí tuệ và kinh nghiệm đã thu thập được trong mấy chục năm bão tố cách mạng, vượt sóng to gió cả, cứu vãn sự suy sụp của nhân dân và tổ quốc mà ông hàng yêu mến.
Lúc này với kinh nghiệm chính trị phong phú, với sự tỉnh táo trong nhận thức, cha tôi biết rằng, tuy Lâm Bưu đã chết, nhưng chính trường của Trung quốc vẫn chưa yên tĩnh được. Một người cán bộ già nua muốn xuất hiện trở lại, mặc dù những trở lực vẫn còn rất lớn, nhưng nếu không chịu tranh thủ giành lấy, cơ hội đó sẽ biến đi ngay lập lức. Sau khi Lâm Bưu tự diệt, tất nhiên Mao Trạch Đông phải xem xét lại việc sắp xếp chính trị và nhân sự, đó là một thời cơ hết sức quan trọng một thời cơ không thể bỏ qua được.
Trong thư viết cho Mao Trạch Đông, cha tôi. ngoài việc tỏ lòng ủng hộ quyết định của trung ương ra, ông còn cần phải báo cho Mao Trạch Đông biết tình hình của mình. Ông viết:
“Được sự quan tâm của Chủ lịch, tôi đến Giang Tây đã hai năm tròn. Trong hai năm này, hàng ngày, buổi sáng tôi vẫn đi lao động ở xí nghiệp, buổi chiều và buổi tối ở nhà, đọc sách, đọc báo, nghe phát thanh và làm những cũng việc lao động trong nhà. Trừ việc tới xí nghiệp, tôi không hề bước chân ra khỏi nhà, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Trong suốt thời gian này tôi đã hoàn toàn tôn trọng chỉ thị của Chủ tịch cố gắng cải tạo mình bằng lao động và học tập, tuyệt đối tuân thủ điều tôi i đã hứa bảo đảm với đảng, không hề có liên hệ hay đi lại với bất cứ một người này trừ thân nhân trong gia đình. Đời sống của tôi đã được trên tổ chức giúp đỡ chiếu cố, nên chẳng có khó khăn gì”.
Sau đó ông viết: “Riêng cá nhân tôi chẳng có yêu cầu gì, chỉ hy vọng một ngày nào đó sẽ làm được một chút công việc cho đảng tất nhiên đó chỉ là một công việc mang tính kỹ thuật thôi. Sức khoẻ của tôi vẫn tốt, vẫn còn có thể làm việc vài năm nữa trước khi về hưu. Hàng ngày, đọc báo tôi thấy sự kiện thiết đất nước của tổ quốc xã hội chủ nghĩa chúng ta có những bước tiến vượt bực, và uy tín quốc tế cũng được nâng cao chưa từng thấy, khiến cho lòng tôi vô cùng xúc động và muốn làm một chút công việc, để tôi có thể chuộc lại một phấn nào sai lầm của mình trong sự nỗ lực công tác”.
Tôi còn nhớ rằng, khi vừa tới Giang Tây, cha tôi đã nói với nhân viên Tổ chuyên án: “Tôi sẽ trở lại làm việc”. Đến hôm nay, hai năm sau đó, cha tôi đã chính thức nêu ra yêu cầu này với Mao Trạch Đông. Cha tôi tin rằng, trong thời điểm đó, Mao Trạch Đông nhất định phải suy nghĩ tới yêu cầu này.
Con người cha tôi, trước hết ông là một chính trị gia, cho nên, trong lòng ông, những vấn đề chính trị, những vấn đề lớn, luôn luôn được xếp ở vị trí số một. Ngoài cái đó ra ông là người chủ gia đình, là người chồng, là người cha: Gia đình và tình thân cũng luôn luôn giữ một vị trí trọng yếu trong lòng ông. Ngay trong thư viết cho Mao Trạch Đông, nói tới chuyện lớn có liên quan tới vận mệnh chính trị ông cũng không bao giờ quên những thân nhân trong gia đình. Trong thư này, ông cũng đề cập tới vấn đề con cái với Mao Trạch Đông, đồng thời cũng đề nghị Mao Trạch Đông giúp sắp xếp cho con cái ông được yên hàn hơn. Ông viết: “Ngoài ra, tôi cũng được sống gần gũi với các con, đặc biệt là mấy đứa còn nhỏ (Mao Mao và Phi Phi). Mao Mao (con gái nhỏ) được phân phối về nông thôn Thiểm Bắc đã ba năm, nay vì đứa con trai lớn bị tàn phế phải ở nhà, chúng tôi chăm sóc không xuể, nên phải tạm đưa Mao Mao về nhà để trông nom anh trai. Mao Mao chính học y, trước đây đã tự học nên cũng có được một số vốn cơ bản Phi Phi (con trai nhỏ) cũng đi cắm chốt ở Sơn Tây đã hơn ba năm. Chúng vì là con tôi, thành phần không tốt, nên không được sự chiếu cố của tổ chức cấp trên, không thể phân phối tới những chỗ gọi là tương đối. Tuổi tác của chúng tôi cũng đã cao rồi, nên càng lo lắng cho con cái hơn, vì thế tôi mong sao chúng được phân công công tác ở nơi gần nhà, tốt nhất là vào nhà máy, xí nghiệp làm công nhân, có được đồng lương cố định, nếu Mao Mao được học y, là víệc tốt nhất rồi. Đó là một vài tâm sự của tôi, nhân tiện nói với Chủ tịch vậy thôi. Tất nhiên tôi hiểu rằng, việc này hoàn toàn nên nghe theo sự tính toán và xử lý của tổ chức là hơn”.
Đọc thư đó, trong ngực tôi như được ấp ủ bằng một luồng khí ấm áp. Tôi thấy chúng tôi thật sự hạnh phúc, bởi vì chúng tôi đã có một người cha yêu mến chúng tôi đến thế, một người cha đã lo lắng cho chúng tôi trong những lúc vô cùng khó khăn, gian khổ, một người cha rất đáng để cho chúng tôi tự hào.
Vào khoảng tháng hai, cha tôi viết thư cho Uông Đông Hưng về việc anh trai tôi được đưa về Giang Tây, cấp trên cũng đã từng nói là không được viết tiếp thư nữa. Nhưng lần này, không những ông vẫn viết, mà lại viết trực tiếp cho Mao Trạch Đông. Để tiếp tục liên hệ với trung ương, cha tôi viết: “Trước đây Chủ tịch đã dặn tôi rằng có việc gì, cứ tìm đồng chí Uông Đông Hưng, nhưng vào khoảng đầu năm nay tôi có viết thư cho đồng chí ấy về việc người con trai của tôi, những đồng chí làm việc ở đây bảo rằng từ nay về sau đừng viết tiếp thư nữa, cho nên đã gần mười một tháng nay tôi không viết một lá thư nào. Không biết về những việc sau này, tôi còn có thể viết thư cho đông chí Uông Đông Hưng nữa không”.
Cuối thư ông viết thêm: Tôi thành tâm kính chúc Chủ tịch vạn thọ vô cương, sức khoẻ trường trường thọ của Chủ tịch là niềm hạnh phúc lớn nhất của toàn đảng toàn dân ta!”
Viết xong thư cha tôi trịnh trọng ký tên cá nhân mình lên đó.
Mao Trạch Đông đọc xong lá thư này, đã hỏi Uông Đông Hưng:
- Tại sao ông lại không quản người ta nữa.
Thực tình Uông Đông Hưng hoàn toàn không biết gì về việc không cho Đặng Tiểu Bình được viết thư tiếp, ông ta trả lời Mao Trạch Đông:
- Làm gì có chuyện không quản. Tôi theo đồng chí ở tỉnh ngoài, đâu có ở Bắc Kinh, nên việc này giao cho phó chủ nhiệm vãn phòng trung ương Vương Lương Ân giải quyết.
Mao Trạch Đông lại nói với Uông Đông Hưng:
- Thư này của đồng chí Tiểu Bình nói rằng, việc của đồng chí ấy, vẫn cứ giao cho Uông Đông Hưng quản.
Ý kiến của Mao Trạch Đông rất rõ ràng. Việc của Đặng Tiểu Bình vẫn do Uông Đông Hưng quản. Trên phong bì, lá thư của Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông bút phúc: “In và phát cho Bộ Chính trị. Việc gia đình của Đặng Tiểu Bình, đồng chí Uông Đông Hưng giải quyết”.

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ