44. Kẻ ác đi kiện trước

Mãi đến tận tháng 9.1975, đối với việc chỉnh đốn toàn diện mà Đặng Tiểu Bình tiến hành, Mao Trạch Đông vẫn còn giữ thái độ ủng hộ. Trong thâm tâm ông ta, Đặng Tiểu Bình vẫn là người được tuyển chọn số một, thay thế Chu Ân Lai và đứng phía sau ông ta nắm chính quyền. Ngày 24.9.1975, khi Mao Trạch Đông hội kiến với tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam là Lê Duẩn, ông ta còn nói với khách: “Bây giờ, người nghèo trong thiên hạ không phải là các ông, mà là chúng tôi. Chúng tôi có tám trăm triệu nhân khẩu. Chúng tôi đang có nguy cơ về lãnh đạo. Thủ tướng ốm yếu trong một năm phải mổ tới bốn lần, nguy hiểm lắm. Khang Sinh cũng chẳng khoẻ mạnh gì, Diệp Kiếm Anh sức khoẻ cũng kém. Tôi tám mươi hai tuổi rồi, cũng bệnh tật đầy mình” Mao Trạch Đông chỉ vào Đặng Tiểu Bình cùng ngồi tiếp khách với ông ta, nói: “Chỉ có ông này được coi như một tráng đinh”.
Từ câu chuyện nói trên có thể thấy, đối với tình hình nội bộ Trung quốc lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông có nắm được. Thứ nhất, Trung quốc lúc bấy giờ có thể coi như “nghèo nhất thiên hạ”. Thứ hai: tình hình cán bộ lãnh đạo của Trung quốc đang có nguy cơ. Thứ ba: Đặng Tiểu Bình được coi là một “tráng đinh”. Ý nghĩa của chữ “tráng đinh” là người tháo vát, được việc, hoặc cũng là người kế cận. Mao Trạch Đông gọi Đặng Tiểu Bình là “tráng đinh”, chứng tỏ rằng cho đến lúc bấy giờ, ông ta vẫn còn đặt rất nhiều hy vọng vào Đặng Tiểu Bình. Trong quá trình chỉnh đốn toàn diện, mọi việc làm, mọi hành động của Đặng Tiểu Bình, tuy không hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ của Mao Trạch Đông, nhưng Mao Trạch Đông đã chọn cách thức là chiếu cố tới toàn cục. Nhưng vì những tình huống, những vấn đề mà đảng và nhà nước đang phải đối diện, ông ta cũng nắm bắt được, và cũng biết rằng cần phải có một ai đó đứng ra tiến hành chỉnh đốn toàn diện, chỉ cần việc chỉnh đốn không được phá rào “vượt quá khuôn khổ” ông ta đều chấp nhận. Còn có một điểm này, trong quá trình chỉnh đốn toàn diện, Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rõ năng lực của Đặng Tiểu Bình. Có tltể nói rằng: cái “lá gan” của Đặng Tiểu Bình, cái khí phách và tài năng của Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông khẳng định và chấp nhận. Với tiền đề to lớn như vậy, trong quá trình chỉnh đốn toàn diện, tuy bè cánh “lũ bốn người” phản đối và gây khó dễ từ bên trong, Mao Trạch Đông vẫn giữ nguyên một cách thức: hạn chế “bè lũ bốn tên”, ủng hộ Đặng Tiểu Bình.
Nhưng điều bất hạnh lại là chỉ ít lâu sau, thái độ của Mao Trạch Đông thay đổi, vì thế mà tình thế cũng thay đổi theo, thay đổi đến mức nghiêng trời lệch đất.
Nguồn gốc của sự việc là ngày 13.8 và ngày 13.10.1975, phó bí thư đảng uỷ trường Đại học Thanh Hoa Lưu Băng cùng một số người đã hai lần viết thư lên Mao Trạch Đông phản ánh một số vấn đề về tác phong sinh hoạt và vi phạm chính sách của đảng của Trì Quần, bí thư đảng uỷ, và Tạ Tĩnh Nghi, phó bí thư đảng uỷ trường Đại học Thanh Hoa. Trong thư, Lưu Băng và một số người tố cáo Trì Quần, Tạ Tĩnh Nghi vốn là hai kiện tướng của “bè lũ bốn tên”, đã chuyên quyền làm bậy, và có những hoạt động vi phạm nguyên tắc của đảng, đặc biệt là Trì Quần, vì không được làm trung ương uỷ viên và bộ trưỏng trong chính phủ, mà ăn nói lung tung, bất mãn, nên họ quyết định báo cáo thực với Mao Trạch Đông. Hai lá thư để lên cấp trên này là do Đặng Tiểu Bình chuyển trình lên.
Xem xong thư đệ trình đó của Lưu Băng, tuy Mao Trạch Đông chẳng để ý đến, nhưng trong lòng nhất định là cũng chẳng được vui. Bởi vì trong đầu, trong lòng ông ta, Tiểu Tạ(1) và Trì Quần tuy có “khuyết điểm”, nhưng dù sao cũng là “công thần” của Cách mạng văn hoá. Đặng Tiểu Bình chuyển thư của Lưu Băng chứng tỏ rằng lập trường của Đặng Tiểu Bình là ủng hộ Lưu Băng và phản đối Tiểu Tạ, Trì Quần vậy. Điều này cũng làm cho Mao Trạch Đông không vui trong dạ. Việc này, lúc đó cũng chẳng có gì đáng quan tâm nhiều, nhưng chỉ ít lâu sau, nó lại trở thành lý đo và ngòi nổ hết sức quan trọng.
Sau khi đã phải trải qua sự kiện Lâm Bưu tự huỷ diệt, Mao Trạch Đông đã ốm một trận kịch liệt, bệnh tình kéo dài cho đến nay vẫn chập chờn khi nặng, khí nhẹ. Đến năm 1975, Mao Trạch Đông đã thuộc loại cao niên, tám mươi hai tuổi rồi, già yếu suy nhược, lực bất tòng tâm. Nhưng khi đó thực hiện chế độ lãnh đạo suốt đời, tất cả các loại quyền hành lớn của đảng, của chính phủ, của quân đội tập trung vào một người và chỉ cần một người nói là xong, cho nên ngay trong những giờ khắc nghiêm trọng đó, tiền đồ, vận mệnh của đảng và nhà nước vẫn tập trung trong tay Mao Trạch Đông, một con người đang dở sống, dở chết. Nửa cuối năm, năm 1975, bệnh tình của Mao Trạch Đông càng nặng hơn, cử động khó, nói năng cũng khó. Căn cứ vào chính đề nghị của ông ta, người cháu trai là Mao Viễn Tân sẽ đảm nhiệm công việc làm liên lạc giữa ông ta và Bộ Chính trị. Quyết định này của Mao Trạch Đông chứng tỏ rằng cái nút thắt ở trong đầu ông ta vẫn chưa được cời bỏ, tức là, sau sự kiện Lâm Bưu, Mao Trạch Đông không còn đem quyền lợi đặt vào một cá nhân người nào nữa. Về chính trị mà nói, ông ta đã dùng biện pháp để cho các thế lực chính trị khống chế lẫn nhau. Về mặt tín nhiệm cá nhân, cuối cùng ông ta cũng đã lựa chọn xong, vẫn là người thân của mình. Tình trạng đó càng vào tuổi vãn niên, càng thêm nghiêm trọng ở Mao Trạch Đông.
Mao Viễn Tân là con trai của Mao Trạch Dân, em trai ruột của Mao Trạch Đông. Mao Trạch Dân đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chiến tranh, chỉ có một người con trai duy nhất này. Khi Cách mạng văn hoá bùng nổ, Mao Viễn Tân đang theo học ở học viện Công trình quân sự tại Cáp Nhĩ Tân, sau khi bùng nổ Cách mạng văn hoá. Mao Viễn Tân trở thành một đầu mục của phái tạo phản, sau đó nhanh chóng thăng lên đến Uỷ ban Cách mạng tỉnh Liêu Ninh và người phụ trách quân khu Thẩm Dương. Trước Cách mạng văn hoá, quan hệ của Mao Viễn Tân và Giang Thanh rất hững hờ. Nhưng kể từ khi phong trào Cách mạng văn hoá bùng nổ, do việc hai bên phải cần tới nhau, nên quan hệ giữa hai người bỗng trở nên vô cùng mật thiết, theo thời thế, Mao Viễn Tân trở thành một đại nhân vật có quyền hô phong hoán vũ, chỉ một không hai ở tỉnh Liêu Ninh, đồng thời cũng là một đại kiện tướng dưới trướng của “bè lũ bốn tên”. Nay Mao Trạch Đông dùng anh ta làm liên lạc viên, nên chỉ trong nháy mắt đã bốc lên, được đặt vào bộ phận trung lâm quyền lực chính trị trung ương. Mao Viễn Tân với danh phận là cháu ruột Mao Trạch Đông, không những trở thành người truyền ngôn, mà còn là một trong số rất ít người thường được gặp mặt Mao Trạch Đông, và có thể nói được với Mao Trạch Đông điều này điều nọ.
Đặng Tiểu Bình nhìn thấy rõ việc Mao Viễn Tân không chỉ làm liên lạc viên cho Mao Trạch Đông, mà còn là người luôn luôn sát gót với “bè lũ bốn tên”, dặc biệt với Giang Thanh lại càng gần gũi bơn bao giờ hết. Với việc đó, ông biết ông cần phải có những cảnh giác cần thiết. Ngày 31.10.1975, ông viết cho Mao Trạch Đông một lá thư, trong thư, Đặng Tiểu Bình đề xuất: “Tôi có việc muốn được diện kiến Chủ tịch để trao đổi, đồng thời muốn xin chỉ thị và tranh thủ sự dậy dỗ của Chủ tịch. Ngày mai, sáng hoặc tối đều được. Nếu như được phép xin cho thông báo”. Tối ngày 1.11.1975, Mao Trạch Đông đã cho tìm Đặng Tiểu Bình tới. Trong lần gặp mặt ấy, Mao Trạch Đông đã phê bình Đặng Tiểu Bình về việc chuyển thư của Lưu Băng và những người khác. Đặng Tiểu Bình xin Mao Trạch Đông cho biết về phương châm, chính sách công tác gần đây của trung ương có đúng hay không. Mao Trạch Đông khẳng định: “Đúng”.
Mao Trạch Đông cho Mao Viên Tân làm liên lạc viên, khiến cho “bè lũ bốn tên” vô cùng phấn chấn. Vào tuổi vãn niên của Mao Trạch Đông, tuyệt đại đa số cán bộ lãnh đạo trung ương khó có thể được gặp ông ta. Ngay đến cả Giang Thanh là vợ ông ta mà cũng khó gặp được. “Bè lũ bốn tên” muốn dâng “sớ kiện cáo”, tung lời sàm bậy cũng tương đối khó khăn. Vậy mà bây giờ, người của bọn họ, lại có thể luôn luôn bám sát gót Mao Trạch Đông, cuối cùng đã trở thành một nhân vật quan trọng, lúc nào cũng có thể tỉ tê bên tai Mao Trạch Đông được. Đối với “bè lũ bốn tên” quả đây là một đại hỷ, có đến nằm mơ cũng không mơ thấy được, nên chúng đã vui mừng khôn xiết, lập tức bàn kế hoạch trong phòng kín. Lần này chúng sẽ đẩy Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình vào chỗ chết, chết không có đất chôn.
Kể từ khi Mao Viễn Tân được làm “Thiên tử cận thần”, đã mang thân tình nguyện làm công cụ đắc lực cho “bè lũ bốn tên”. Đương nhiên rằng, Mao Viễn Tân chả làm tay sai “vô tư” cho “bè lũ bốn tên”. Khi anh ta nhảy được vào trung tâm hạt nhân quyền lực trung ương, thì dã tâm cũng như nỗi đam mê quyền lực của anh ta cũng vọt lên rất cao, anh ta cần một cái gì đó về chính trị để vênh vang. Khi Mao Trạch Đông chết đi, và sau khi Giang Thanh lên làm “nữ hoàng”, anh ta cũng sẽ được chia một muôi canh trong trung tâm quyền lực chính trị. Mao Viễn Tân quả là “không hổ thẹn với chức trách” của mình, mới chân ướt chân ráo đã bắt đầu phát huy ngay tác dụng.
Buổi sáng ngày 2.11.1975, Mao Viễn Tân báo cáo với Mao Trạch Đông. Anh ta nói với Mao Trạch Đông: “Trong vòng một năm nay, công tác ở tỉnh, cháu thấy có một luồng gió lạ, mà chủ yếu là đối với Cách mạng văn hoá. Thứ nhất là cần phải xem xem Cách mạng văn hoá như thế nào, nó là dòng chủ lưu hay là dòng nhánh, về mặt đánh giá thì ba phần bất cập, bẩy phần thành tích hay bẩy phần sai lầm, ba phần thành tích, là khẳng định nó, hay phủ định nó. Thứ nữa là, cần nhìn nhận cuộc phê phán Lâm Bưu, Khổng Tử như thế nào. Hiện nay, người ta chỉ nói trên miệng vài ba câu thành tích, còn ở chỗ riêng tư lại nói đến cả đống việc xấu khác, chẳng thèm nhắc gì tới thành tích của việc “phê phán Lâm Bưu, Khổng Tử nữa. Thứ ba là có nên tiếp tục phê phán đường lối của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu nữa ông. Đến nay mà nói, chẳng còn ai nhắc gì tới việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ”.
Mao Viễn Tân nói y như thật rằng, đối với Cách mạng văn hoá có một luồng gió lạ; hình như còn mạnh hơn cả hồi năm 1972 phê phán cực tả và phủ định Đại cách mạng văn hoá nữa kia. Mao Viễn Tân nhằm đúng vào việc mà Đặng Tiểu Bình đã đề xuất là “lấy ba chỉ thị làm cương lĩnh”, anh ta nói, hầu như bây giờ người ta chẳng còn nhắc gì tới đấu tranh giai cấp nữa, cứ nói là lại chỉ nhắc tới “lấy ba chỉ thị làm cương lĩnh”, cháu không tán thành. Phải là lấy đấu tranh giai cấp, đường lối đấu tranh làm cương lĩnh. Bây giờ tất cả chỉ còn lại một chỉ thị mà thôi, ấy là nâng cao sản xuất. Mao Viễn Tân không chấp nhận những thành tích nhờ có cuộc chỉnh đốn mới bắt đầu đem lại cho công nông nghiệp, tài mậu, giáo dục và văn hoá văn nghệ v. v.:. Anh ta kiến nghị với Mao Trạch Đông: “Trước mắt, cần phải đẩy mạnh chính sách cán bộ thiết thực hơn một bước nữa, mặt khác cũng lại cần phải giáo dục cán bộ, làm cho cán bộ có thái độ chính xác, là cán bộ phải cảm ưu quần chúng cách mạng đã giáo dục, giúp đỡ mình”. Anh ta, còn tỏ ý với Mao Trạch Đông rằng: “Lo trung ương bị làm phản”
Mao Viễn Tân nhân có được cơ hội vạch vòi bịa đặt này, anh ta nói với Mao Trạch Đông, có một số đồng chí khi tụm lại với nhau, chỉ rặt nói chuyện xấu của Đại cách mạng văn hoá, họ dè bỉu, có người còn coi Cách mạng văn hoá như một thứ tai nạn. Anh ta nói, cháu rất chú ý đến những bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình, cháu cảm thấy có một vấn đề, ông ta rất ít nói đến thành tích của Cách mạng văn hoá, rất ít nhắc đến việc phê phán đường lối xét lại của Lưu Thiếu Kỳ. Cả năm nay, chưa hề nghe ông ta nói về vấn đề học tập lý luận, chẳng nghe thấy việc phê phán Thuỷ Hử, chẳng nghe thấy nói về phê phán chủ nghĩa xét lại.
Khi Mao Trạch Đông đưa thư của Lưu Băng và một số người ở trường Đại học Thanh Hoa tố cáo Trì Quần, Mao Viễn Tân lập tức túm lấy vấn đề, biện hộ cho Trì Quần. Anh ta nói với Mao Trạch Đông rằng nhóm Trì Quần là những người chấp hành đường lối giáo dục cách mạng của Chủ tịch tương đối kiên quyết, mười ngón tay, có bảy ngón là tốt.
“Báo cáo” của Mao Viễn Tân đã làm cho Mao Trạch Đông quan tâm. Bởi vì, khi “báo cáo”, Mao Viễn Tân đã đánh được đúng vào cái huyệt hiểm yếu nhất của Mao Trạch Đông, đó là việc đánh giá Cách mạng văn hoá như thế nào. Như vậy, cũng có nghĩa là, phải chẳng còn có người dám lật lại vụ án Cách mạng văn hoá. Nếu như còn có ai đó dám có lời dị nghị về Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông quyết không thể chỉ ngồi giương mắt ra mà nhìn. Thái độ của Mao Trạch Đông là tán thành cách nhìn nhận của Mao Viễn Tân. Mao Trạch Đông nói: “Có hai loại thái độ: một là bất mãn với Đại cách mạng văn hoá. Hai là muốn thanh toán nợ nần, thanh toán món nợ Đại cách mạng văn hoá. Ông ta còn nói: “Có một số đồng chí, chủ yếu là các đồng chí già, về mặt tư tưởng chỉ dừng lại ở giai đoạn cách mạng dân chủ của giai cấp tư sản, còn đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa lại không hiểu biết thấu đáo, nên có những bức xúc, thậm chí chống đối”, Mao Trạch Đông nói tiếp: “Vấn đề mà Thanh Hoa đề cập tới, không phải là riêng lẻ, mà là sự phán ánh của công cuộc đấu tranh giữa hai con đường” Ông ta nói về bức thư của Lưu Băng: “Lưu Băng và một số người ở Đại học Thanh Hoa viết thư tố cáo Trì Quần và Tiểu Tạ, tôi đọc thư, thay động cơ có phần không trong sáng, muốn đánh đổ Trì Quần và Tiểu Tạ. Mũi giáo trong thư của họ là chĩa vào tôi”, rồi nói thầm: “Tiểu Bình thiên lệch về phía Lưu Băng”.
Mao Trạch Đông nổi cáu, ông ta cáu là vì, đã qua một thời gian dài như thế, đã qua sự vỗ về, sắp xếp khốn khổ của ông ta, vậy mà vẫn còn nhiều người tỏ vẻ bất mãn bất bình với Cách mạng văn hoá, vẫn còn muốn lật lại vụ án Cách mạng văn hoá. Đó là điều tuyệt đối không thể tha thứ. Cho đến tận lúc đó, thái độ đối với phong trào Cách mạng văn hoá, coi như một hòn đá thử vàng đối với thái độ ủng hộ hay phản đối ông ta. Ông ta sẽ đem dùng toàn bộ lực lượng của mình để bảo vệ phong trào “cách mạng”, đối với ông ta mà nói, là vấn đề vô cùng hệ trọng.
Nhưng trong tình thế này, ông ta vẫn còn giữ được một phần bình tĩnh. Ai chống đối Cách mạng văn hoá, tất nhiên người đó phải chịu phê phán. Nhưng thực tế, ông ta đã vào tuổi cao niên nên hoàn toàn không muốn, sự “cân bằng” của cục diện chính mà ông ta đã phải dày công sắp xếp, bị phá vỡ một lần nữa. Cần nói một câu rất thực lòng rằng, ông ta đã chẳng còn tinh lực, và cũng chẳng còn tâm lực để sắp xếp lại, tổ chức lại một cục diện chính trị đại quy mô. Người mà Mao Viễn Tân nhằm vào trong vụ kiện cáo này chủ yếu là Đặng Tiểu Bình, đối với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông thấy cần phải phê bình, nhưng lại không hề nghĩ tới việc đánh đổ Đặng Tiểu Bình một lần nữa. Ông ta nói với Mao Viễn Tân:
- Cháu đi gặp Đặng Tiểu Bình, Uông Đông Hưng, Trần Tích Liên nói rằng, tôi sai cháu đến gặp họ, còn Lý Tiện Niệm, Kỷ Đăng Khuê, Hoa Quốc Phong thì bảo đến đây, nói trực tiếp với họ rằng, đừng có lúng ba lúng búng như thế, hãy mở toang cửa ra, có gì nói nấy, nói cho thật hết xem nào? Tôi đã gặp Đặng Tiểu Bình hai lần, tối hôm qua tôi lại nói rồi.
Mao Trạch Đông sau một lát suy nghĩ nói tiếp:
- Trước hết là tìm gặp đồng chí Tiểu Bình, Tích Liên, Đông Hưng, làm một cuộc họp, cháu nói cho hết những ý kiến vừa rồi, nói cho thật hết.
Quả thật Mao Trạch Đông đã từng khổ công một phen để sắp xếp ông ta muốn Mao Viễn Tân tới gặp những người đó để trao đổi đặc biệt là còn gặp Đặng Tiểu Bình để chuyện trò, và Mao Viễn Tân đề xuất ý kiến của mình ra, rồi đối diện, trực tiếp bàn bạc với Đặng Tiểu Bình, cùng những người khác cho rõ ràng. Để tiện cho việc Đặng Tiểu Bình cùng những người khác tiếp nhận ý kiến của Mao Viên Tân, ông ta đặc biệt không cho mấy người trong “bè lũ bốn tên” tham gia. Bởi ông ta biết rằng, mâu thuẫn giữa Đặng Tiểu Bình và “bè lũ bốn tên” là quá sâu sắc, ông ta lo “bè lũ bốn tên” tới đó quấy phá, làm sự việc không thể thu vén lại được. Mao Trạch Đông bố trí chu đáo như vậy, là cốt mong sao, Đặng Tiểu Bình và những người khác có thể nghe lọt những ý kiến của Mao Viễn Tân, và tiếp nhận những ý kiến của Mao Viên Tân. Nếu như sự sắp xếp đó thành công, thì A di đà phật, lạy trời lạy đất, vạn sự đại cát rồi.
Nhưng đó chỉ là nguyện vọng một phía của Mao Trạch Đông, sự việc hoàn toàn phát triển theo hướng ngược lại.
Lý do rất giản đơn bởi vì về phía Mao Viễn Tân mà nói, anh ta hoàn toàn không chân tâm thành ý “đề xuất ý kiến”, mà anh ta đã rùm beng khiêu khích dưới sự điều khiển của “bè lũ bốn tên”. Còn Đặng Tiểu Bình và các đồng chí khác đều đã nhìn tới đáy sự bí mật của con người không đáng tin cậy này. Hơn nữa, đối với những lời thất thiệt và vi phạm nguyên tắc của Mao Viễn Tân, thì một người thẳng đuột, trực tính như Đặng Tiểu Bình dù một tấc cũng không nhường. Cuộc chiến đấu đã nổ bùng ra như thế.
Căn cứ vào chỉ thị của Mao Trạch Đông, tối ngày 2.11.1975, Mao Viễn Tân với tư cách là “liên lạc viên” mời Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên, Uông Đông Hưng... trong Ban thường vụ Bộ Chính trị tới họp. Trong cuộc họp, Mao Viễn Tân ỷ vào chỗ dựa của mình, đã đem “cái vở tham mưu” của mình với Mao Trạch Đông nói mọi “ý kiến” ra trích ý của Mao Trạch Đông là mở cửa bảo nhau.
Đặng Tiểu Bình ngồi trong phòng họp, lặng lẽ húi thuốc, lặng lẽ nghe “ý kiến” của Mao Viễn Tân. Và rồi không một chút do dự, ông đã bật lên nói, từ tốn mà sắc bén, bác bỏ mọi “ý kiến” của Mao Viên Tân vừa nói ra. Ông xọc thẳng vào những lời Mao Viễn Tân nói: “Vấn đề này có thể phải nghĩ thêm xem, cứ theo như lời ông nói, thì ra cả cái trung ương này đều đi theo đường lối của chủ nghĩa xét lại hay sao, hơn nữa, như vậy là, trong tất cả mọi lĩnh vực đều không chấp hành đường lối của Chủ tịch hay sao? Nói rằng trung ương dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch đi theo đường lối của chủ nghĩa xét lại, như vậy nghe sao được”. Đối với những công tác chủ yếu và những bài nói chuyện của mình, Đặng Tiểu Bình tóm tắt sơ lược, ông nói: “Bắt đầu từ khi có văn kiện số 9 vào tháng ba năm nay, tôi mới nắm công việc. Tôi cũng mới điều khiển công tác của trung ương từ tháng bảy. Đường lối từ sau khi có văn kiện số 9 như thế nào, ba tháng tôi điều khiển công tác của trung ương ra làm sao, có thể xem xét mà! Nếu định thanh toán nợ nần với tôi, chỉ tính từ khi có văn kiện số 9 thôi. Tình thế trong toàn quốc từ sau khi có văn kiện số 9, tốt lên một chút, hay xấu đi một tý, điều đó có thể nghĩ ra được ngay thôi. Với việc đánh giá của đồng chí Viễn Tân từ sau khi có văn kiện 9, tôi có cách nhìn khác đấy. Là tốt là xấu, thực tiễn đã chứng minh rồi”. Cuối cùng ông đã nói giản dị nhưng thật mạch lạc với những người có mặt tại cuộc họp: “Tối qua ( 1), tôi có hỏi Mao Chủ tịch rằng, phương châm, chính sách của giai đoạn công tác này ra sao? Chủ tịch đáp: “Đúng!”.
Ngày 4.11.1975, Mao Viễn Tân báo cáo với Mao Trạch Đông tình hình cuộc “tranh luận” vào tối 2 của mình với Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình hoàn toàn không chịu tiếp thu “ý kiến” của Mao Viễn Tân, hơn thế nữa, thái độ còn căng thẳng như vậy, điều đó khiến Mao Trạch Đông rất thất vọng. Nghe xong “báo cáo”, Mao Trạch Đông không hài lòng, chỉ thị cho Mao Viễn Tân: “Tiếp tục họp, mở rộng phạm vi ra, mời cả Lý Tiên Niệm, Kỷ Đăng Khuê, Hoa Quốc Phong, Trương Xuân Kiều cùng tham gia, tám người thảo luận trước”.
Mao Trạch Đông đã nổi máu lên rồi, ông ta kiên trì khẳng định lập trường của Đại cách mạng văn hoá. Ông ta nói: “Đối với Đại cách mạng văn hoá, cách nhìn tổng quát là: cơ bản là chính xác, nhưng cũng còn có khiếm khuyết”. Ông ta cho rằng: chia bên ba bên bẩy, bẩy phân là thành tích, ba phần là sai lầm”. Mao Trạch Đông nói: “Đại cách mạng văn hoá có phạm hai sai lầm: 1. Đánh đổ tất cả. 2. Nội chiến toàn diện”. Mao Trạch Đông đã quy định việc đánh giá Cách mạng văn hoá. Ông ta yêu cầu mở hội nghị tám người, và chỉ thị rằng, phải lấy cái kết luận này của ông ta làm cơ sở, rồi đưa ra quyết nghị về Cách mạng văn hoá.
Ngày 3.11.1975, đảng uỷ trường Đại học Thanh Hoa họp mở rộng, bí thư thứ nhất thành uỷ Bắc Kinh Ngô Đức tới truyền đạt về cuộc nói chuyện với Mao Trạch Đông vào hạ tuần tháng mười. Trong cuộc trò chuyện đó Mao Trạch Đông nói: “Lưu Băng và một số người ở trường Đại học Thanh Hoa viết thư tố cáo Trì Quần và Tiểu Tạ. Tôi đọc thư, thấy động cơ không trong sáng, có ý muốn đánh đổ Trì Quần và Tiểu Tạ. Mũi giáo trong thư của họ lại chỉ vào tôi”. Mao Trạch Đông còn nói: “Tôi ở Bắc Kinh viết thư, làm sao không gửi trực tiếp cho tôi mà lại phải nhờ Tiểu Bình chuyển. Tiểu Bình thiên lệch về phía Lưu Băng. Những vấn đề Đại học Thanh Hoa đề cập tới, chẳng phải đơn lẻ một mình, mà nó là sự phản ánh của cuộc đấu tranh về hai con đường trước mắt”. Thái độ của Mao Trạch Đông như vậy, là ủng hộ Trì Quần và Tạ Tĩnh Nghi, chỉ mặt vạch tên phê bình Lưu Băng, động cơ không trong sáng, và cũng chỉ mặt vạch tên Đặng Tiểu Bình, thiên lệch. Thái độ như vậy là mang theo ý nghĩa quyết định có tính chất định tính”. Đảng uỷ trường Đại học Thanh Hoa triệu tập hội nghị mở rộng vào ngày 12.11.1975, một ngàn bảy trăm con người tham gia học tập, thảo luận chỉ thị của Mao Trạch Đông. Ngày 18, trường Đại học Thanh Hoa triệu tập một đại hội toàn trường, vạch tội, phê phán Lưu Băng, và cả bộ trưởng Bộ Giáo dục Chu Vinh Hàm cũng bị phê bình, và đổ tội cho bọn họ là: “Phủ nhận giáo dục cách mạng, lật án Cách mạng văn hoá. Sau đại hội đó, trường Đại học Thanh Hoa, trường đại học Bắc Kinh tiếp tục dán báo chữ to, công khai chỉ tên phê phán Lưu Băng và Chu Vinh Hàm v.v... Thành phố Bắc Kinh và một số tỉnh khác được lệnh tổ chức cán bộ và quấn chúng đến trường Đại học Thanh Hoa, trường đại học Bắc Kinh đọc báo chữ to.
Nội dung của những bài báo chữ to đó, nhanh chóng được lan truyền ra, một số trường học trong toàn quốc cũng tiếp tục triển khai “đại biện luận về giáo dục cách mạng”. Tất cả những điều đó đều do một tay của “bè lũ bốn tên” bầy đặt, điều khiển. Nhưng phê phán Lưu Băng, Chu Vinh Hàm đâu phải là mục đích cuối cùng của “bè lũ bốn tên”. Mục đích thực của chúng là đánh đổ Đặng Tiểu Bình. Theo yêu cầu của Mao Trạch Đông, phải triệu tập một cuộc họp tám người gồm Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên, Uông Đông Hưng, Lý Tiên Niệm, Kỷ Đăng Khuê, Hoa Quốc Phong, Trương Xuân Kiều và Mao Viễn Tân. Trương Xuân Kiều, một trong “bè lũ bốn tên” có mặt trong hội nghị này, không khí của hội nghị như thế nào, chỉ tưởng tượng cũng biết. Sau hội nghị, Mao Viễn Tân lập tức báo cáo tình hình hội nghị với Mao Trạch Đông ngay. Nghe xong, Mao Trạch Đông nói: “Đối với Đại cách mạng văn hoá mà nói, cách nhìn tổng quát là: cơ bản chính xác, nhưng cũng còn có những khiếm khuyết. Cái cần nghiên cứu, bây giờ lại đi nhằm vào các mặt khiếm khuyết của nó, thành ra cách nhìn không thống nhất được rồi”.
Mao Trạch Đông chỉ thị rằng, mục đích của hội nghị tám người là làm công tác thông qua tiến hành phê bình, để đạt tới nhận thức chung là thống nhất tư tưởng. Mao Viễn Tân hỏi Mao Trạch Đông: “Lần hội nghị này, từ vấn đề Đại cách mạng văn hoá, có thể tranh thủ được sự thống nhất nhận thức bước đâu, sẽ có lợi cho đoàn kết. Mục đích: thông qua thảo luận, đoàn kết lại, cùng làm tốt công tác. Có phải như vậy không ạ?” Mao Trạch Đông khẳng định trả lời: “Đúng”. Mao Trạch Đông còn chú ý dặn dò Mao Viện Tân rằng: “Điều này không được nói với Giang Thanh, không nói bất cứ cái gì”. Ông ta sợ Giang Thanh phá thối. Điều đó chứng tỏ rằng, đến lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông vẫn muốn chẳng qua sự thống nhất tư tưởng để “biển lặng, người yên”, duy trì cục diện và kết cấu “đoàn kết ổn định” mà ông ta đã sắp xếp, và không muốn bọn Giang Thanh làm to, rách việc. Không biết Mao Trạch Đông đặt vấn đề quá giản đơn hay về căn bản ông ta không biết được rằng Mao Viễn Tân sớm đã thành người chân sào của “bè lũ bốn tên” Giang Thanh, nên ông ta mới dặn dò Mao Viễn Tân đừng đem nói việc này cho Giang Thanh biết. Thử nghĩ xem, Mao Viễn Tân thu xếp việc này, Trương Xuân Kiều lại tham gia hội nghị, làm sao mà Giang Thanh không biết cho được? Rất có thể rằng, Mao Trạch Đông dùng cái cung cách đó, cảnh cáo Mao Viễn Tân, chứ có đi quá gần với Giang Thanh.
Chú thích:
(1) một cách gọi khác của Tạ Tĩnh Nghi (N.D)
(2) Lưu Khánh Đường: diễn viên, nanh vuốt của “bè lũ bốn tên” ở Bộ Văn hoá
(3) Đoàn Hoàn Hương: nguyên chỉ tổ chức võ trang địa chủ của Quốc Dân đảng trong những năm chiến tranh. Ở đây có ý nói tới các cán bộ cũ đã được phục hồi công tác
(4) La Thanh Trường: Đã từng là phó ban thư ký Quốc vụ viện phó ban thư ký của Ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc
(5) Sescu: Lúc đó là uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng Lao động Anbani, bí thư Ban bí thư trung ương
(6) Alia: Uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng Lao động Anbani. bí thư Ban bí thư trung ương
(7) Mi-ki Tha-kê-ô: Khi đó là tổng tài Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, là thủ tướng nội các
(8) Bà Bandalanaicơ: Lúc đó là thủ tướng Sri Lanca
(9) Hàn Niệm Long khi đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ