15. Chuyến bay đơn độc về phương nam

Sáng sớm ngày 22.10.1969, cha mẹ tôi trở dậy rất sớm, rồi cùng với bà nội và Đặng Lâm lên chiếc xe Jeep đến đón họ, hành lý có một chiếc xe khác chở đi. Hôm đó là một ngày u ám, tuy đã sáng nhưng trời vẫn còn tối âm u. Bắc Kinh chìm trong sương mù đây đặc, trời thấp xuống, mây che lớp lớp, trong không khí đã mênh mang cái lạnh của trọng thu. Chiếc xe Jeep cũ nát xộc xệch chở cha mẹ tôi, bà tôi và Đặng Lâm đó, tất cả các cửa đều đóng chặt, rèm cửa dầy cộp cũng kéo kín mít. Chiếc xe ra khỏi Trung Nam Hải, chệnh choạng nhấp nhổm chạy trên đường phố Bắc Kinh. Ngồi trong xe, chăng ai nhìn thấy bất cứ vật gì bên ngoài, chỉ với cảm giác mà biết rằng, chiếc xe vòng vòng rẽ rẽ rất nhiều khúc. Chẳng ai nói gì suốt trên dọc đường. Xe chạy lắc lư rất lâu, rồi cuối cùng cũng dừng lại. Xuống xe, nhìn quanh mới biết đó là một sân bay quân dụng không lớn lắm.
Đến sân bay, mọi người vội vàng đưa hành lý lên khoang máy bay, nhưng tổ lái chỉ cho mang một ít theo người, báo rằng đó là vấn đề tải trọng. Hành lý còn dư lại, chủ yếu là mấy hòm sách thật to, không được mang lên máy bay, đành bỏ lại, rồi hạ hồi phân giải. Nhìn mọi người bận rộn vội vã, Đặng Lâm bất chợt thấy buồn thiu. Phác Phương bị liệt nằm ở bệnh viện 301, Đặng Nam đã bị trường học đưa đi sơ tán ở ngoại thành, Mao Mao và Phi Phi cũng đã đi xa, người cắm chốt ở Thiểm Bắc, kẻ cắm chốt ở Sơn Tây, đến tiễn đưa cha mẹ chỉ có mỗi một mình chị. Đã đến giờ chia tay, Đặng Lâm nhìn cha mẹ, nhìn bà bắt đầu đặt chân lên chiếc thang máy bay đơn giản để vào khoang máy. Bà chân bó, tuổi tác lại cao, phải nhọc nhằn lắm mới leo lên nổi. Lên đến cửa khoang máy bay, cha tôi ngoái đều nhìn lại, chừng như ông muốn nhìn lại toàn cảnh Bắc Kinh lần cuối. Kể từ ngày ông bắt đầu bị phê phán năm 1966 đến nay, ông không hề bước chân ra ngoài Trung Nam Hải, lần này trên đường ra sân bay, rèm cửa ô-tô lại bị bịt kín như bưng, chẳng nhìn thấy bất cứ một thứ gì hết. Giờ đây, ông muốn ngó nhìn lại Bắc Kinh, nhìn lại ngôi thành cổ nơi ông đã cư trú ngót hai chục năm trời. Nhưng trong tầm nhìn của con mắt, ngoài cái sân bay rộng rãi thông thoáng, chẳng còn có gì hết, ông quay lại, chui vào trong khoang máy bay.
9 giờ 3 phút sáng, tiếng động cơ máy bay rộ lên mỗi lúc một to hơn, rồi máy bay bắt đầu lăn bánh, tăng tốc, chập chờn đôi cánh vọt lên cao, bay vào tầng mây thấp, nặng nề, nhỏ dần, càng xa càng nhỏ hơn, cuối cùng chìm hẳn vào trong mây.
Đó là chiếc máy bay IL-14 quân dụng, cũ kỹ, già lão, mang số hiệu 3287 mà người cơ trưởng là Lý Tuấn. Nơi máy bay cất cánh là sân bay Sa Hà, Bắc Kinh, điểm đến của chuyến bay là thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây. Hành khách trên máy bay tất cả chỉ có năm người, trừ ba người là bà, và cha mẹ tôi ra, còn có một tổ trưởng Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình và một nhân viên công tác làm nhiệm vụ áp giải. Phía đầu khoang, sát với cửa, có đặt một chiếc giường sắt, gọng gấp, trên có trải đệm, đó là chiếc giường mới được tạm thời đặt ở đó phòng cho bà tôi nằm, vì sợ bà tuổi già không quen ngồi máy bay. Mẹ tôi cùng bà tôi ngồi trên chiếc giường đó. Bên cạnh giường cũng có một chiếc bàn gấp đặt tạm, cha tôi ngồi bên cạnh chiếc bàn, hai người áp giải ngồi phía cuối khoang. Trong khoang máy bay không có thiết bị cách âm, chỉ có tiếng động cơ ầm ầm, nên cũng chẳng ai nói gì được. Nhân viên tổ máy, xách chiếc phích nước, lấy tay vỗ vỗ lên vỏ sắt, ra hiệu hỏi có ai cần uống nước hay không? Đáp lại cũng chỉ là cái lắc đầu hoặc cái xua tay.
Trầm lặng, im nín, không trầm lặng, hỏi còn nói được gì?
Rời khỏi Bắc Kinh lần này, nhưng cốt lõi là phúc nhiều, hay họa nhiều? Chuyển dịch nơi quản chế tuy có lý do là chuẩn bị chiến tranh, nhưng liệu rằng, trong đó có mang theo tính chất một cuộc xử lý đã được kết luận? Cuộc sống ở đất Giang Tây chắc hẳn sẽ không giống như cuộc sống giam cầm ở Trung Nam Hải, nhưng rồi nó sẽ ra sao? Hơn hai năm cầm cố, cảnh sắc Bắc Kinh bên ngoài Trung Nam Hải còn chẳng rõ nó ra làm sao, vậy ở Giang Tây nơi thăm thẳm ngàn dạm xa xôi kia sẽ thế nào? Liệu có thể được cùng con cái vãng lai gặp gỡ, nhưng phương trời biền biệt, rồi chúng sẽ ra sao, và liệu chúng có được đến Giang Tây không?
Trên chuyến máy bay bay về thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây, trong đầu óc cha tôi đã nổi cộm lên những vấn đề đó, nhưng cũng chẳng có được đáp án. Tiền cảnh của Cách mạng văn hoá, tiền đồ của đất nước, tình hình phái triển của chính trị, đều không dự liệu được, thì còn nói gì đến số phận một con người? Trong bão tố chính trị của Cách mạng văn hoá, thường thường lại là hàng loạt, hàng dãy những biến số quyết định tiến cảnh của chính trị, quyết định số phận của con ngươi, mà trong sự đột biến của nó. những biến số ấy, thậm chí còn mang theo mầu sắc của một bi hài kịch, đem lại cho con người, đem lại cho xã hội, đem lại cho đất nước những tổn thất, những đại bi kịch chính trị ngoài ý thức của mọi người. Sau mấy giờ bay, chiếc máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Hướng Đường của thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây.
Những người ra đón đã có mặt đầy đủ tại sân bay. Sau khi cha tôi xuống máy bay, thì Trình Huệ Viễn, chủ nhiệm văn phòng Uỷ ban Cách mạng tỉnh Sơn Tây mà trước đây đã nhắc tới, tiến lên bắt tay cha tôi, tự giới thiệu và mỉm cười nói: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình, Mao Chủ tịch gửi đồng chí xuống Giang Tây, chúng tôi vô cùng hoan nghênh”. Một tiếng “đồng chí” hiếm hoi, một cái mỉm cười hiếm hoi, mở đầu cho những ngày ở Giang Tây.
Một đoàn xe ba chiếc ô-tô con chứ không phải xe Jeep phóng đi trên vùng đất đỏ Giang Tây. Đoàn ba người của cha tôi ngồi trong chiếc xe đi giữa, rèm xe không vén lên, nhưng ngồi trong xe vẫn có thể nhìn ra bên ngoài, có thể nhìn thấy thế giới ngoài kia. Đó cũng lại là một sự cảm thụ hiếm hoi.. Thả tầm mắt nhìn ra vùng đất đỏ trải dài ra tít tắp, vùng đất quen thuộc và thân thiết làm sao! Hơn ba mươi năm trước, chính trên mảnh đất này, cha tôi đã bắt đầu cuộc sống chiến đấu trong khu Xô-viết, đã đi bước đi đầu tiên trên con đường chính trị đầy chìm nổi, gập ghềnh, đồng thời đã bước trên mảnh đất đỏ đó, hướng tới vạn dặm trường chinh. Chớp mắt đã ba chục năm trôi qua rồi, thật đúng là: “Cảnh nguyên vẻ cũ, người đà khác xưa”.
Chẳng bao lâu sau, xe đã vào thành phố Nam Xương, đỗ lại ở chiêu đãi sở số 1 của tỉnh uỷ (khi đó gọi là chiêu đãi sở Tân Giang).
Dương Đống Lương, phó chủ tịch Uỷ ban Cách mạng tỉnh Giang Tây, uỷ viên tư lệnh tỉnh đội Giang Tây tiếp kiến Đặng Tiểu Bình khi ông vừa đặt chân tới đó, trong câu chuyện cũng chỉ vòng vo việc họ đến Giang Tây lao động cải tạo cho tốt v.v..., và “được tính là đón tiếp” đồng thời cũng là bố trí công việc.
Khi gia đình ba người nhà Đặng Tiểu Bình được sắp xếp ở trong chiêu đãi sở, thì hai người của Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình đi theo đến đất Cán (tên tự của tỉnh Giang Tây - N.D) bắt đầu bận rộn hẳn lên. Theo lời dặn dò của Vương Lương Ân, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương, nhân viên Tổ chuyên án vội vã đi thăm dò tìm kiếm một chỗ ở và một nơi lao động cho phù hợp với yêu cầu, không một phút bê trễ. Ngay hôm đến Nam Xương, bọn họ đã cùng với người ở Giang Tây đi xem mấy nơi, nói chung đều không ưng ý. Ngày hôm sau, họ lại đi xem tiếp, vẫn chẳng có nơi nào vừa ý cả. Sang ngày thứ ba, người của tỉnh đưa họ đến một ngôi nhà gác nguyên là ngôi nhà của hiệu trưởng trường bộ binh binh chủng lục quân Nam Xương, thuộc quân khu Phúc Châu, rồi đi xem tiếp một xưởng sửa chữa máy kéo của huyện Tân Kiến, cách trường bộ binh chừng 2, 3 dặm dường. Tổ chuyên án cho rằng chỗ này là thích hợp nhất. Ngay tối hôm đó. họ gọi điện thoại báo cáo về “Văn phòng hai” ở Bắc Kinh, “Văn phòng hai” đồng ý và báo cáo với Văn phòng trung ương đảng. Cuối cùng đã nhận được sự chấp nhận của Văn phòng trung ương. Sau một loạt những cố gắng, đã coi như hoàn thành nhiệm vụ, người của Tổ chuyên án trở lại chiêu đãi sở, nói chuyện với Đặng Tiểu Bình dộ chừng mươi phút đồng hồ. Họ cho Đặng Tiểu Bình biết sự sắp xếp chỗ ở cũng như nơi lao động, đồng thời hỏi Đặng Tiểu Bình xem còn có yêu cầu gì nữa không, để tiện báo cáo với trung ương. Đặng Tiểu Bình đáp:
- Tôi đồng ý mọi sự sắp xếp của trung ương đối với tôi. Tôi đã tới Giang Tây, tôi còn ra làm việc được, tôi có thể làm việc cho đảng mười năm nữa”.
Câu trả lời ấy đã làm cho mấy người ở Tổ chuyên án ngạc nhiên. Thái độ rõ ràng dứt khoát như thế không phải là thứ khẩu khí cần có của một người mắc sai lầm bị thẩm vấn điều tra. Tiếp đó, Đặng Tiểu Bình lại nói với nhân viên Tổ chuyên án:
- Còn một việc, đó là cô con gái lớn của tôi, năm nay đã hai mươi tám tuổi rồi, quả thật tôi có ít nhiều lo âu về chuyện cá nhân của cháu.
Nghe Đặng Tiểu Bình nói vậy, tổ trưởng Tổ chuyên án đáp:
- Về vấn đề nêu trên, phải trông vào tình hình bản thân ông, về việc ra công tác nữa hay không, lại do trung ương quyết định. Còn vấn đề nêu ra sau ấy, con cái là thuộc về nhà nước, ông cũng phải tin vào sự tự biết giải quyết công việc của bản thân chúng và nhà nước cũng sẽ quan tâm đến nữa.
Cuộc trao đổi này là cuộc trao đổi “chính thức” lần đâu tiên, mặt đối mặt, giữa Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình với đúng đối tượng mà họ phải điều tra thẩm vấn. Tổ chuyên án đã được thành lập hơn một năm nay rồi, mà họ vẫn chưa có cơ hội nào trực tiếp gặp Đặng Tiểu Bình, còn nói gì tới việc đối diện thẩm vấn, “tìm chứng cứ cho mãi đến lần áp giải Đặng Tiểu Bình đi Giang Tây này, bọn họ mới được gặp đối tượng điều tra lần đầu tiên, hơn nữa, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, sắp lên đường trở về, mới được cùng với Đặng Tiểu Bình “đàm đạo”. Cuộc trò chuyện trong vòng mười phút đồng hồ đó, chính là cuộc trò chuyện lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng giữa Tổ chuyên án và Đặng Tiểu Bình. Quả thật chỉ trong thời kỳ phi lôgic của phong trào Cách mạng văn hoá mới có thể sinh đẻ ra được những chuyện quái đản, lạ kỳ đến thế.
Thực ra, nói rằng quái đản thì cũng quái đản thật, bảo rằng không quái đản thì cũng chẳng có gì là quái đản cả. Chuyện như Đặng Tiểu Bình, trong Cách mạng văn hoá đâu phải chỉ có một. Một mặt, Mao Trạch Đông cần phê phán Đặng Tiểu Bình, dùng chiêng trống Lâm Bưu, Giang Thanh hạ bệ Đặng Tiểu Bình. Mặt khác Mao Trạch Đông lại không khai trừ Đặng Tiểu Bình khỏi đảng, và một mạch từ đầu tới cuối chỉ giao cho Văn phòng trung ương đảng, mà cũng là Uông Đông Hưng trực tiếp quản lý mọi chuyện của Đặng Tiểu Bình, chưa bao giờ cho Lâm Bưu, Giang Thanh, hoặc người nào khác được nhúng tay vào đấy. Có thể nói rằng, đồng thời với việc phê phán và hạ bệ, thì ở một mức độ nào đó Mao Trạch Đông vẫn bảo vệ Đặng Tiểu Bình, bao gồm cả việc an toàn thể xác.
Bây giờ nghĩ lại, nếu như Mao Trạch Đông không bảo vệ Đặng Tiểu Bình, nếu như giao quyền lực vây hãm Đặng Tiểu Bình cho Lâm Bưu, Giang Thanh và một số kẻ khác, thì số phận Đặng Tiểu Bình dứt khoát là đã khác. Trong Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông bảo hộ, hoặc cũng có thể nói là bảo lưu, không chỉ có một mình Đặng Tiểu Bình, mà còn cả một tốp cán bộ lão thành, mà nguyên nhân lại thật đa dạng.
Đầu tiên, tôi muốn bắt đầu từ việc Mao Trạch Đông lựa chọn người kế cận thay mình. Mao Trạch Đông đã chọn Lâm Bưu, cũng là suy đi tính lại rất thấu đáo rồi. Trong những năm chiến tranh, bắt đầu từ núi Tỉnh Cương, Lâm Bưu đã là bộ tướng rất đắc ý của Mao Trạch Đông. Lâm Bưu có thể xông pha trận mạc, lập chiến công, đặc biệt là trong nhiều trường hợp khi trong đảng, trong quân đội xảy ra những chuyện mâu thuẫn, Lâm Bưu không chỉ đứng về phía Mao Trạch Đông, mà còn có thể xả thân, không tiếc sức, tranh chấp với mọi người. Sau giải phóng, ở hội nghị Lư Sơn, Lâm Bưu hùa theo việc phê phán Bành Đức Hoài. Vào những năm 60, Lâm Bưu lớn tiếng kêu gọi học tập tư tưởng Mao Trạch Đông. Với “Đại hội 7.000 người” năm 1962, những người công tác ở tuyến một trung ương như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và rất đông cán bộ ra sức điều chỉnh “tả khuynh”, thì Lâm Bưu, khác với mọi người, ra sức xu nịnh và bợ đỡ Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông là một con người vĩ đại, nhưng đồng thời lại là con người bình thường, ông ta ghi ân và nhớ oán, nhận xét con người và xử lý các vấn đề không khỏi mang máu sắc cảm tính. Mao Trạch Đông cho rằng: về lịch sử, Lâm Bưu là người của ông ta, trong thực tế, Lâm Bưu lại không có tư tưởng hữu khuynh như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu biết giương cao lá cờ tư tưởng và trung thành với đường lối cách mạng của ông ta. Mao Trạch Đông tính rằng, khi đã “thâu tóm được đại quyền” và đẩy được cuộc đấu tranh giai cấp vào trong nội bộ đảng, đương nhiên phải quyết định chọn Lâm Bưu làm người kế cận, đồng thời mượn thế lực “quân đội” mà Lâm Bưu khống chế để phát động cuộc Cách mạng văn hoá. Nhưng đồng thời với việc Mao Trạch Đông chọn Lâm Bưu làm người kế cận, ông ta lại không hoàn toàn yên tâm, tin tưởng trăm phần trăm vào Lâm Bưu. Đặc biệt là tham vọng của Lâm Bưu lại hầu như không ngừng mở rộng mà đã từng để lộ ra ngoài, khi đó Mao Trạch Đông lại càng nâng cao lòng cảnh giác.
Hai nữa là, đối với Giang Thanh và những thế lực của Cách mạng văn hoá, thái độ của Mao Trạch Đông lại càng tế nhị hơn. Ngồi quan sát Cách mạng văn hoá từ đầu tới cuối, Mao Trạch Đông đã dùng thủ đoạn “cách mạng” để đạt tới mục tiêu “cách mạng”, ban đầu ông ta dùng Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v... làm người xây dựng quy hoạch, người thực thi, và là lực lượng cơ bản của “phong trào”. Mao Trạch Đông nhận định rằng, họ là “phái tả” chính cống, là những vệ sĩ chân chính cho đường lối và tư tưởng của ông ta. Nhưng trong khi thực hiện phong trào, những người này càng ngày càng thể hiện rõ nét sự điên khùng ngang ngược và thói xấu chính trị thâm căn cố đế, Mao Trạch Đông đã nhận ra điều đó và bắt đầu điều chỉnh, khống chế có mức độ. Trước sau như một, không bao giờ để cho bọn họ quản lý Quốc vụ viện, không bao giờ cho bọn họ quản lý ngoại giao, và cũng chẳng bao giờ cho họ tiếp quản quân đội. Đối với những con người này, Mao Trạch Đông chỉ cho họ làm những anh lính mũi nhọn của “phong trào”, làm một loại bảo đảm trong việc quán triệt lý luận và đường lối của ông ta, còn tuyệt đối không khi nào coi họ là những nhà kinh bang tế thế, những anh tài trị quốc an dân. Trong vấn đề này, Mao Trạch Đông đã giữ được sự tỉnh táo cần thiết.
Hai đại thế lực Cách mạng văn hoá mà Mao Trạch Đông sử dụng, ông ta vừa coi trọng, tin cậy, lại vừa cảnh giác, vừa sử dụng vừa xét nét. Con người không có nỗi lo xa cũng có nỗi lo âu. Dù sao Mao Trạch Đông cũng là một chính trị gia, khi ông ta bồng bột đổ nhiệt tình vào phong trào, thì ông ta vẫn có những phút tĩnh tâm nghĩ ngợi, giữ lại một số cán bộ lão thành trong đó có Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu, Giang Thanh v.v... là lực lượng của “cách mạng”, nhưng tuyệt đối không phải là những nhân tài trị quốc. Đối với điểm này, trong lòng Mao Trạch Đông đã rất rạch ròi. “Cách mạng” cần phải làm, nhưng ngoài “cách mạng” ra, còn phải xây dựng kinh tế, còn phải tiến vào chủ nghĩa cộng sản, có khi còn phải làm đại chiến, con đường mai hậu còn dài dằng dặc, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp xây dựng đều còn rất nặng nề. Những nhiệm vụ nặng nề ấy, chỉ dựa vào một mình con người kế cận Lâm Bưu là không xong được, mà dù có cộng thêm cả lực lượng của Giang Thanh cùng một số người khác vào đó, nhiệm vụ cũng chẳng thể hoàn thành. Trong lòng Mao Trạch Đông có một điểm rất rõ ràng rằng, những đồng chí lão thành, trong đó có cả Chu Ân Lai, không thể hoàn toàn đánh đổ hết, mà còn phải giữ lại một số người, và vẫn còn dùng được số người đó. Với ý đồ ấy, nhân khi sơ tán chuẩn bị chiến tranh này, Mao Trạch Đông đã chỉ thị rất rõ ràng, phải sắp xếp kỹ càng đưa lớp người này đi. Mao Trạch Đông đã chỉ định Chu Ân Lai giải quyết, sắp xếp đi sơ tán, bởi ông ta biết rằng, chỉ có Chu Ân Lai mới hết lòng hết sức thu xếp cho số người đó. Mao Trạch Đông dù có dặn dò riêng về việc thu xếp cho Trần Vân, Vương Chấn và những lão đồng chí khác, bảo rằng còn cần tới họ, không thể rời xa họ được, còn dùng được họ, và còn cần tìm đến họ. Tất cả những điều đó đều là những suy nghĩ chân thực trong lòng ông ta. Đây chính là một tâm thái chính trị rất phức tạp. Trong khi Mao Trạch Đông chọn một con đường đặc biệt để thực hiện cách mạng không ngừng, trong khi sử dụng hai phái lớn để đấu tố tranh luận nhưng lại có chia, có hợp, trong khi sự kích thích cách mạng được nâng cao, thì ông ta vẫn giữ được một phần tĩnh lặng với rất nhiều lo toan. Trong khi Cách mạng văn hoá, rồi “đại loạn mới dẫn tới đại trị” đã hỗn loạn đến độ nát bét, ông ta đã đưa ra một số hạn chế sự điên cuồng, sự dã man của phong trào, và ở một mức độ nào đó cũng đã ngăn chặn được sự bứt hại và hạ bệ nhiều hơn nữa cho một số lớn cán bộ, và từng bước khôi phục được công tác cho số cán bộ đó. Những biện pháp tỉnh táo cần thiết đó của Mao Trạch Đông, dù là hữu ý hay vô ý, thì đối với bước đường tương lai của Trung quốc, giữa cái thời khắc then chối của sự sống chết mất còn, cũng đã giữ gìn lại được cơ sở và sức sống vô cùng quý báu.
Đối với việc giữ gìn lại được số cán bộ lão thành này, có thể tính là sự sáng suốt hiếm có trong những hành động chính trị ở tuổi vãn niên của Mao Trạch Đông.

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ