2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra

Mao Trạch Đông không ở Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ là phó chủ tịch Ban thường vụ trung ương Đảng, Chủ tịch nhà nước, là người kế cận Mao Trạch Đông, “phụng mệnh” triệu lập và chủ trì hội nghị mở rộng Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc.
Lưu Thiếu Kỳ không thể ngờ được rằng, tất cả những việc làm cho tới nhiều cơn giận dữ, tức tối của Mao Trạch Đông vặn vẹo, buộc tội, nhằm vào Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản.
Năm 1958, sau khi Đại nhảy vọt bị thất bại, đặc biệt là trong những năm 60, sau khi điều chỉnh thành công những hành động “tả” nguy hiểm, Mao Trạch Đông bắt đầu tỏ ra khó chịu đối với những người làm việc ở tuyến một của trung ương mà lại có những cách nghĩ không phù hợp với ông ta như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Đương nhiên rằng, người thuộc loại hàng đầu như Lưu Thiếu Kỳ thì sự bực tức càng lớn. Khi đó Mao Trạch Đông cũng đã có quyết định dùng Lâm Bưu, một con người luôn luôn tìm mọi cách “tỏ rõ lòng trung thành” với ông ta, làm người kế cận trong đảng, thay cho Lưu Thiếu Kỳ, cốt để duy trì bảo vệ cái lý luận “cách mạng phải được tiếp tục trong điều kiện chuyên chính của giai cấp vô sản”, và để đề phòng, ngăn ngừa nảy sinh “Chủ nghĩa xét lại” cùng “tư bản ngóc đầu dậy” ở Trung quốc. Điều này, Lưu Thiếu Kỳ không nhận biết được gì hết, Đặng Tiểu Bình cũng không nhận biết được gì cả, các cán bộ cao cấp trong đảng cũng chẳng ai nhận biết ra.
Đối với các loại sự kiện như sấm nổ không kịp bịt tai sắp xảy ra, đối với hàng loạt cách làm, cách nghĩ vượt khỏi những quy luật thông thường của Mao Trạch Đông, ban đầu Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình cũng các quan chức cao cấp đều không nhận ra, nhưng khi đã nhận ra rồi, lại không sao mà hiểu được, sự “trì trệ” về chính trị đó đã đẩy họ vào một tình thế “không theo kịp tình hình” ngay tự lúc vừa bắt đầu, dẫn tới những “sai lầm” tất yếu, dồn đẩy họ tới mức bị đánh đổ và chìm nghỉm trong dòng chảy điên cuồng của “cách mạng”.
Ngày 25.5.1966 cũng là một ngày trước khi kết thúc hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để phê phán Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn, thì bí thư đảng bộ khoa triết trường đại học Bắc Kinh là Nhiếp Nguyên Tử cùng nhóm tất cả là bảy người, lãnh ý và kế sách của Khang Sinh, dán tờ báo chữ to đầu tiên, đả kích đảng uỷ trường đại học Bắc Kinh và thành uỷ Bắc Kinh. Đó chính là bài báo chữ to “của chủ nghĩa Mác-Lê” thối tha nổi tiếng nhất của Đại cách mạng văn hoá. Bài báo này vừa dán ra, đã làm xao động trong toàn trường đại học Bắc Kinh. Chị hai tôi, Đặng Nam, khi đó đang theo học lại trường đại học Bắc Kinh, đọc xong bài báo, lập tức gọi điện thoại cho mẹ tôi hỏi về chuyện báo chữ to. Lúc đó, mẹ tôi nói:
- Nhiếp Nguyên Tử là một kẻ xấu, hồi ở Diên An đã có những thái độ không tốt. Nhưng con đừng nói với ai đấy.
Thái độ của mẹ tôi chính là đại diện cho cha tôi. Rõ ràng rằng, đối với bài “báo chữ to” xuất hiện hoàn toàn bất ngờ này, cha tôi giữ ý kiến phản đối.
Giông bão ập tới, khó có ai chống chọi lại được. Chỉ trong ngày hôm đó, báo chữ to với các loại ý kiến trong trường đại học Bắc Kinh đã lên tới dư ngàn bài. Cá thành phố Bắc Kinh rung động, lập tức như có một trận cuồng phong thổi tràn vào các trường đại học, trung học ở Bắc Kinh với đủ các kiểu, các loại tạo phản đề xuất ý kiến với ban lãnh đạo nhà trường, báo chữ to chẳng khác gì tuyết bay, rơi lả tả xuống các vườn trường Bắc Kinh. Một không khí xao động, điên cuồng như một bệnh dịch cấp tính tràn lan, trôi chảy không gì ngăn cản nổi. Tất cả các trường đại học, trung học Bắc Kinh trong nháy mắt đã rơi vào tình trạng hỗn loạn toàn diện. Hành động tạo phản không ngừng mở rộng và được nâng cấp. Một số trường học đã xuất hiện tình trạng phê phán đấu tố hiệu trưởng, thầy giáo, thậm chí cả hiện tượng đánh đập.
Ngày 28.5.1966, với sự bố trí sắp xếp của Mao Trạch Đông, Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, tức Ban Cách mạng văn hoá trung ương, được tuyên bố thành lập, do Trần Bá Đạt làm tổ trưởng, Khang Sinh làm cố vấn, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều v.v... làm tổ phó, Diêu Văn Nguyên và một số người khác làm tổ viên. Trước đó, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v... vẫn âm thầm bàn mưu tính kế, đợi sau này sẽ lên sân khấu đóng những vai chính, trọng yếu, nay đã chính thức giáp trụ, mũ mão, tô son trát phấn lên sân khấu.
Xưa nay, Mao Trạch Động vẫn tin chắc vào một nguyên tắc cơ bản là “không phá thì không xây được”, lập luận của ông ta là “Thiên hạ đại loạn sẽ dẫn tới thiên hạ đại trị “. Khi đó, ông ta đang ở tỉnh ngoài, từ xa xôi vọng nhìn về sự tiến triển tình thế đại phá, đại loạn ở Bắc Kinh lần này, rất lấy làm đắc ý.
Trong khi đó ở Bắc Kinh, những người chủ trì công việc như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình phải đối diện với sự hỗn loạn nghiêm trọng như bất ngờ rơi từ trên trời xuống, đẩy họ vào một tình thế cực kỳ khó khăn.
Ngày 29.5.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, ba vị thường vụ của Bộ Chính trị, phụ trách công việc hàng ngày của Trung ương, triệu tập các bộ môn có liên quan với Trung ương đến họp nghiên cứu các vấn đề của cuộc vận động, quyết định thành lập tổ công tác, đến báo Nhân dân, do Trần Bá Đạt lãnh đạo, tổ công tác đến trường đại học Bắc Kinh, do Trương Thừa Tiên, thứ trưởng Bộ Giáo dục lãnh đạo. Chu Ân Lai báo cáo những quyết định đó bằng điện thoại với Mao Trạch Đông khi đó đang ở Hàng Châu và đã được đồng ý ngay. Ngày 30.5.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, ba người liên danh gửi điện báo tới Mao Trạch Đông xin chỉ thị, ngay trong đêm đó. Mao Trạch Đông trả lời: “Đồng ý làm như thế”.
Trong khi cán bộ lãnh đạo ở tuyến một Trung ương đang bận rộn bàn bạc bố trí cán bộ lãnh đạo phong trào, tình hình bỗng có đột biến. Ngày 1.6.1966, Mao Trạch Đông lại đưa ra lời phê chuẩn, ủng hộ bài báo chữ to của Nhiếp Nguyên Tử, chỉ thị cho Thông tấn xã phát hành toàn văn, in trên báo chí toàn quốc, và nói: Bắc Kinh đại học, các dinh luỹ phản động này, từ nay bắt đầu bị phá tan.
Ngày 1.6.1966, báo Nhân dân (Nhân dân nhật báo) cho in bài xã luận với tựa đề: “Quét sạch bằng hết lũ đầu trâu mặt ngựa” (nguyên văn: lũ trâu quỷ, rắn thần - N.D), kêu gọi dân chúng vùng lên “quét cho sạch lũ đầu trâu, mặt ngựa, đang chiếm giữ trận địa tư tưởng văn hoá”. Đánh cho tơi bời khói lửa những tên được gọi là “chuyên gia”, “học giả”, cầm quyền”, “ông tổ sư” của giai cấp tư sản, khiến cho uy phong của bọn chúng quay lơ trên mặt đất. Bài xã luận ấy, do Trần Bá Đạt thức thâu đêm viết ra, trước khi cho in không hề báo cáo với Trung ương. Ngay tối hôm đó, đài phát thanh Nhân dân trung ương cho đọc những bài báo chữ to của nhóm bảy người Nhiếp Nguyên Tử.
Chỉ trong vòng một ngày mà gió mưa đột biến, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình hoàn toàn không có được một chút chuẩn bị tư tưởng nào, nên vô cùng kinh ngạc. Mấy ngày liền tiếp sau đó, báo Nhân dân liên tục đăng những bài xã luận, những bài báo, những tin tức mang tính xúi giục, kích động, tình thế xấu đi mau chóng, phong trào tràn ra toàn quốc như nước vỡ bờ.
Ngày 3.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ khẩn cấp triệu tập những người phụ trách cấp uỷ có liên quan, tham gia Hội nghị thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, thảo luận xem nên ứng phó với tình thế như thế nào. Với sự nhận thức nhất trí của đại bộ phận người tham gia hội nghị đã quy định ra tám điều: trong ngoài có khác nhau, chú ý giữ gìn bí mật, báo chữ to không tràn ra đường phố, không tổ chức diễu hành thị uy, không liên kết xâu chuỗi, không tổ chức những hội nghị vạch tội đại quy mô, không nên bao vây nhà ở của “băng đen”, không được phép đánh người, xỉ nhục người v.v... Quyết định: gửi đi những tổ công tác để ngăn chặn tình hình các trường đại học, các học viện lớn ở thủ đô đang rơi vào tình trạng cận kề với sự tê liệt. Đồng thời còn quy định, ở đâu xảy ra chuyện gì phải phái người tới đó tổ công tác được cử đi phải nhanh chóng, mau lẹ, y như đội phòng cháy chữa cháy đi cứu hoả. Trong hội nghị này, Đặng Tiểu Bình có nói: Truyền đạt tám điều đó của Trung ương cần phải hết sức nhanh chóng, mở những hội nghị có mười vạn người tham gia, một lần cắm cọc, cọc phải tới đáy.
Sau hội nghị, thành uỷ Bắc Kinh căn cứ vào tinh thần của hội nghị, đã đưa các tổ công tác xuống các trường đại học, trung học. Vì phong trào tạo phản đã có những người đứng đằng sau che chở, ủng hộ, nên khi tổ công tác tới trường, không những không ngăn được sự hỗn loạn phát triển, mà mọi việc vì thế càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, khó có thể chế ngự được. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v... bù đầu lên vì hội họp, nghiên cứu và xử lý hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong phong trào ấy.
Mao Trạch Đông không có mặt ở Bắc Kinh, rất nhiều những chính sách lớn không được quyết định, nên ngày 9.9.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đi Hàng Châu để hội báo tình hình. Từ ngày 10 đến ngày 12.9.1966, Mao Trạch Đông triệu tập, chủ trì hai cuộc họp, thảo luận vấn đề Đại cách mạng văn hoá. Trong cuộc họp đã bàn bạc, thảo luận tới hàng loạt, hàng loạt các mặt mà nội dung của nó có liên quan tới Cách mạng văn hoá. Trong cuộc họp có bàn tới khả năng tiến hành phong trào này phải tới nửa năm, nhưng lại không đề xuất được ý kiến cụ thể để điều hành phong trào ngay trước mắt. Đối với vấn đề cử những tổ công tác tới những nơi xảy ra sự việc, Mao Trạch Đông chỉ bày tỏ trong sự bàn bạc của mình rằng: cử những tổ công tác đi quá nhanh cũng không tốt, bởi chưa được chuẩn bị gì, chi bằng cứ để cho nó hỗn loạn một dạo, hỗn chiến một trận, tình hình rõ ràng ra rồi mới cử người đi.
Sau khi từ Hàng Châu về Bắc Kinh, do Chu Ân Lai phải đi thăm nước ngoài, nên trách nhiệm chỉ đạo thuộc về Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Bắt đầu từ ngày 4.6.1966, thành uỷ Bắc Kinh theo kinh nghiệm của tổ công tác cử tới trường đại học Bắc Kinh, đã cử tiếp những tổ công tác tới một số trường đại học, học viện lớn và trường trung học.
Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình có ý định thông qua việc cử các tổ công tác này vào trường học đề giữ vững lấy quyền lãnh đạo phong trào, đồng thời ngăn chặn mọi sự hỗn loạn, lập lại trật tự, họ quan tâm và hỗ trợ các tổ công tác này, còn chia nhau trực tiếp đi gặp nhân viên các tổ công tác để nắm tình hình và chỉ đạo công tác.
Ngày 4.6.1966, Đặng Tiểu Bình gặp gỡ tổ công tác đóng tại trường trung học nữ, trực thuộc đại học Bắc Kinh. Trong khi trò chuyện đã nhắm đúng vào vấn đề mà học sinh phê phán: “Uy quyền học thuật tư sản” của thầy giáo, Đặng Tiểu Bình nói:
- Nếu như (thày giáo) có học vấn, có kiến thức thật, thì phải đoàn kết với họ, môn toán, môn vật lý của trường nữ trung học này đều rất khá. Một trường học tốt, có khí thế ngất trời, tiếng tăm lừng lẫy, càng hay. Nếu như không có thầy giáo giỏi, làm sao đào tạo ra học sinh giỏi được. Cần phải phân tích cho thoả đáng. Tổ công tác cần phải giáo dục, giúp đỡ học sinh để nâng cao trình độ. Có đánh người chưa? Đánh người là không có bản lĩnh, là vô lý. Đấu tranh cần phải nói lý, nói lẽ, phê phán cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, sự thật phải đối chiếu cho rõ ràng. Có một số người là “băng đen” thật, có một số người không phải là băng đen. Nói sai đi rằng tất cả mọi người đều xấu, vậy lấy ai là người tốt? Tài liệu chứng cứ không đầy đủ, chớ vội vã khinh xuất mở đại hội đấu tranh, không nên dùng nhục hình biến lưỡng, nịnh hót cũng chẳng hay gì. Nếu làm nhiều điều sai trái, sau này có đi tạ tội cũng tạ tội không hết. Vấn đề chính trị cần phải dùng biện pháp chính trị để giải quyết. Trong đảng bộ cũng có cái tốt của nó chứ, hiệu trưởng, hiệu phó bao giờ cũng có những người tốt chứ. Đem kéo đổ đảng đi, sao được? Đem kéo đổ đoàn đi sao được? Nếu phong trào này làm đảng sụp đổ, làm đoàn thanh niên sụp đổ mà là thắng lợi sao? Bao giờ chẳng là chuyên chính vô sản do đảng lãnh đạo chứ. Các giáo sư, đại đa số là tốt. Nói tất cả các giáo sư đều hỏng tuốt, tôi không tán thành.
Tôi sao chép tỷ mỷ đoạn nói này, là muốn chứng minh hai điều. Thứ nhất: có thể nhận ra rằng, Đặng Tiểu Bình, về tư tưởng và về nguyên tắc, đều không đồng tình, chấp nhận lý luận của “tạo phản”. Thứ hai, có thể nhận ra rằng, đến lúc này đối với ý đồ phát động phong trào chính trị này của Mao Trạch Đông, ông vẫn hoàn toàn chưa ý thức được, và càng không thể nói ông đã theo sát gót được về tư tưởng và về hành động. Là một người lãnh đạo ở tuyến một trung ương, ông cũng giống như Lưu Thiếu Kỳ, với phong trào mà nói, ông đã lạc đội, đã theo không kịp, đã thoát khỏi những bước đi của Mao Trạch Đông rất xa một cách hoàn toàn không tự giác.
Ngày 14.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình triệu tập hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng mở rộng để truyền đạt tinh thần của hội nghị Hàng Châu. Từ đó về sau, hai ông đã nhiều lần nghe báo cáo và nghiên cứu về những vấn đề mới xuất hiện trong phong trào. Ngày 21.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lại thêm một lần nữa triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng để nghiên cứu vấn đề này. Trong hội nghị, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một số ý kiến về vấn đề phương pháp của tô công tác và một số vấn đề khác. Tinh thần hội nghị được đem thi hành, tình hình hỗn loạn trong các trường học và ngoài xã hội đã có những chuyển biến tốt, những hiện tượng vô chính phủ cũng đã được ngăn chặn. Ngày 28.6, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, đưa ra ý kiến: phong trào cần tiến hành theo từng bước thứ tự, là cần phải đặt ra những chính sách cụ thể cho dễ hành động.
Trong tình trạng không hề được chuẩn bị về tư tưởng, mà phong trào lại ào ạt, ập đến một cách bất ngờ, hành động của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là những quyết định đúng, cần phải làm, đồng thời đó cũng là quyết định chính xác. Họ cũng giống như tuyệt đại đa số cán bộ khác, đều mong khôi phục lại được không khí thường nhật vẫn có, mong học sinh trở lại trường học lập, mong thủ đô có lại được sự yên bình.
Họ không nghĩ tới rằng, cách thức, hành động của họ, về căn bản mà nói, đã lội ngược dòng với tính toán của Mao. Trạch Đông. Hơn thế nữa, cả một đám người của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, trong nơi tăm tối, đang dồn hết sức mạnh, với tinh thần đầy hung hăng, đầu têu, xúi giục những hành động tạo phản của học sinh. Đối với bè lũ Giang Thanh mà nói, chỉ trong tình trạng hỗn loạn, mới là cái sân khấu tốt nhất, để họ múa may, tỏ vẻ.
Cuộc Cách mạng văn hoá này, về cơ bản mà nói, nó từ trên dội xuống, do con người bịa ra là điều khiển, thêm vào đó Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người Cách mạng văn hoá khác, lợi dụng nhiệt tình cách mạng cùng sự ngây thơ, ấu trĩ của thanh niên học sinh, xúi giục, kích động và đầu độc họ. Cho nên những tổ công tác cử đi, sau khi vào được nhà trường rồi, cũng không những không xoay chuyển được tình hình hỗn loạn, mà ngay từ đâu đã vấp phải sự phản đối mãnh liệt, thậm chí là xua đuổi của một bộ phận quần chúng cách mạng”.
Do có những sự bất đồng về việc đưa tổ công tác vào trường học, nên tổ chức quần chúng trong các học viện, các trường đại học đã nhanh chóng chia thành hai tác trận lớn, cơ bàn là “Phái bảo thủ” và phái tạo phản”. Sở dĩ cục diện đó hình thành được, là do trên thực tế đã hình thành hai phái đối lập nhau mà một bên là những người phụ trách trung ương ở tuyến một do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình làm dại diện, còn một bên là phái Cách mạng văn hoá do Lâm Bưu, Giang Thanh v.v... làm đại diện.
Tháng bảy, do sự việc đã trở thành quá khẩn cấp, Trung ương có ba cuộc họp tiến vào những ngày 13, 19, 22 để bàn về vấn đề tổ công tác. Trần Bá Đạt là đại diện của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, nói rằng, tổ công tác đàn áp dân chủ, dội nước lạnh vào quần chúng, nên yêu cầu rút hết các tổ công tác về. Lưu Thiếu Kỳ giận dữ bác lại, và đã xảy ra cuộc tranh luận với Khang Sinh. Một người vốn nổi tiếng là trầm tĩnh như Đặng Tiểu Bình cũng không “trầm tĩnh” nổi nữa, đột ngột đứng dậy, chỉ thẳng vào Trần Bá Đạt nói, các ông bảo chúng tôi sợ quần chúng, các ông hãy thử đến tại trận xem sao! Ông dứt khoát tỏ rõ thái độ: “Rút tổ công tác về, tôi không tán thành!”. Trong hội nghị, cán bộ lãnh đạo trung ương ở tuyến một, và cán bộ Cách mạng văn hoá trung ương hai bên từ tư tưởng đến ngôn từ đã lên đến đỉnh của đối chọi, cuộc đấu tranh đã nóng dần lên.
Sự hỗn loạn cứ như thế kéo dài tới hơn một tháng. Trong một số trường học đã xuất hiện tổ chức Hồng vệ binh, những hành động phê phán lãnh đạo nhà trường, đấu tố “băng đen” và lũ “đầu trâu mặt ngựa”, không ngừng được nâng cấp, và đã xảy ra việc hành hạ thể xác, đánh đập. Cuộc đấu tranh phản đối tổ công tác và bảo vệ tổ công tác càng ngày càng kịch liệt hơn, những tổ chức mang tính chất và bè phái khác nhau do đó mà được đẻ thêm ra. Các trường đại học và trung học nói chung đều đã nghỉ học, những đại hội tranh luận lớn cũng như nhỏ được tiến hành suốt ngày đêm. Người ngựa của Ban Cách mạng văn hoá trung ương tới tấp, rầm rộ tới các trường để thổi gió, châm ngòi, cổ vũ tạo phản. Cán bộ lãnh đạo trung ương như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v... bắt buộc phải tới các trường học để đối thoại và thuyết phục học sinh. Tôi nhớ, có một lần, cha tôi tới một trường đại học để tham gia tranh luận, giải đáp những câu chất vấn của học sinh. Có mặt tại đó, còn có các cán bộ lãnh đạo trung ương khác, cùng Giang Thanh và các thành viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương. Trên sân vận động chật ních người, khẩu hiệu hô vang trời đất, khí thế hừng hực, sôi sục Dưới ánh đèn sáng choang, chói mắt, có tiếng the thé của Giang Thanh gào thét: “Học tập tiểu tướng Hồng vệ binh”, “Xin gửi tới Hồng vệ binh lời chào kính trọng”. Cái thứ tiếng Phúc Kiến của Trần Bá Đạt chẳng ai nghe hiểu được, phải có Vương Lực (tổ viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương) đứng bên làm phiên dịch, xem ra đầy vẻ ác ý, ngông cuồng, không thể chung sống. Còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình cùng các cán bộ lãnh đạo ở tuyến một trung ương, lại ra sức giải thích, khuyên can, và tỏ ra bó tay, bất lực. Những vị cách mạng tiền bối đã cống hiến cả đời mình cho cuộc cách mạng nhân dân, phải đối diện với đám quần chúng “tạo phản cách mạng” biến dạng, méo mó ấy, thật quả là mù mịt không sao hiểu được.
Mao Trạch Đông là người phát động cuộc Đại cách mạng văn hoá ấy, lại là người khuyến khích, duy trì phong trào tạo phản. Khi “thiên hạ đại loạn” ở Bắc Kinh, thì ở Hàng Châu, bên bờ hồ Tây Tử, ánh nước long lanh, Mao Trạch Đông đã đưa ra quan điểm dứt khoát không đồng ý với những người lãnh đạo tuyến một ở Bắc Kinh. Ngày 21.6.1966, Mao nói: Cách mạng văn hoá là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp. Bây giờ không cử các tổ công tác tới các trường học, cứ để cho nó đại loạn lên đã.
Ngày 8.7.1966, Mao viết thư cho Giang Thanh nói, thiên hạ đại loạn sẽ dẫn tới thiên đại trị. Cứ bảy tám năm lại làm lại một lần. Nhiệm vụ hiện nay là phái đánh đổ hết phái hữu trong toàn đảng trên toàn quốc.
Kể từ khi phong trào nổ ra tới đó, Mao Trạch Đông lại thêm một lần phát khẩu lệnh “chiến đấu”.
Ngày 18.7.1966, sau khi Mao Trạch Đông sảng khoái rong chơi, bơi lội trên sông Trường Giang ở Vũ Hán, mới trở lại Bắc Kinh. Ông ta mượn cớ cần nghỉ ngơi từ chối không tiếp Lưu Thiếu Kỳ tới thăm viếng, nhưng ngay trong ngày hôm đó, ông ta đã nghe báo cáo của Ban Cách mạng văn hoá trung ương.
Bắt đầu từ ngày hôm sau cho đến ngày 23.7.1966, Lưu Thiếu Kỳ căn cứ vào ý kiến của Mao Trạch Đông đứng ra triệu tập và chủ trì “Hội nghị báo cáo về Đại cách mạng văn hoá”. Sự chia rẽ trong hội nghị vẫn rất lớn, Ban Cách mạng văn hoá trung ương kịch liệt công kích tổ công tác của lãnh đạo tuyến một trung ương là đàn áp quần chúng. Trong hội nghị này, Mao Trạch Đông có phát biểu ý kiến của mình. Ông ta nói, trở về tới Bắc Kinh, ông ta cảm thấy rất đau lòng, lạnh lẽo, tẻ nhạt, thậm chí lại thấy có người đàn áp phong trào học sinh. Đây là sai lầm phương hướng, cần phải quay trở lại ngay. Ngày 24.7.1966, Mao Trạch Đông triệu tập Ban thường vụ trung ương và các thành viên trong Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, để phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, họ bảo tổ công tác chỉ có tác dụng xấu, làm trở ngại cho phong trào, chính thức chỉ thị phải ngay lập tức rút các tổ công tác về.
Mao Trạch Đông đã xác định tính chất của tổ công tác, những người đã cử tổ công tác đi như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, trên một số vấn đề, rõ mười mươi rằng đã “phạm sai lầm”.
Ngày 29.7.1966, thành uỷ Bắc Kinh mở đại hội với một vạn người ở hội trường Nhân dân, tuyên bố huỷ bỏ tổ công tác.
Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình nói chuyện, nhưng mang tính kiểm thảo tại hội trường. Đặng Tiểu Bình nói:
- Cần phải nói cho rõ ràng rằng, lấy danh nghĩa là thành uỷ mới, cử các tổ công tác tới các trường đại học, trung học, đó là việc làm có căn cứ vào ý kiến của trung ương... Có đồng chí nói: các đồng chí lão thành cách mạng vấp phải vấn đề mới, rõ ràng là như vậy.
Chu Ân Lai nói:
- Các đồng chí trong tổ công tác, tuyệt đại đa số là người tốt, lão thành cách mạng vấp phải vấn đề mới mà!
Lưu Thiếu Kỳ nói:
- Còn như phải tiến hành Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản như thế nào, các đồng chí không hiểu lắm, không rõ lắm, các đồng chí hỏi tôi, tôi thành thật trả lời các đồng chí rằng, tôi cũng chẳng hiểu ra sao. Tôi nghĩ rằng, rất nhiều đông chí khác ở trung ương rồi các thành viên trong tổ công tác, cũng chẳng hiểu được.
Những lời nói của Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình là kiểm điểm, là chịu trách nhiệm và cũng là những lời tâm huyết.
Là đại biểu của Hồng vệ binh nhà trường, tôi cũng tham gia lần đại hội đó. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn ghi nhớ rất rõ ràng rằng, nhìn lên Chủ tịch đài rộng lớn, cả vạn người trong hội trường đều im như thóc. Chúng tôi thuộc phái “bảo vệ tổ công tác”, vừa nghe mà vừa rơi nước mắt, từ trong sâu thẳm trái tim, chúng tôi cảm nhận được sự chống đối và bất lực của các bậc tiền bối. Tôi cũng còn nhớ rất rõ ràng, khi đại hội kết thúc, Mao Trạch Đông bất ngờ xuất hiện trên lễ đài hội trường, với phong thái của người khổng lồ không ai sánh kịp, hướng về những người tham gia hội nghị vẫy vẫy tay gửi gắm lời thăm hỏi ân cần. Hội trường lập tức sôi động hẳn lên, những tiểu tướng Hồng vệ binh vì niềm vui bất chợt, nên xúc động hoan hô, ai nấy nước mắt ròng ròng. Muốn được nhìn rõ Mao Chủ tịch, những người phía sau quên hết mọi sự, họ đứng lên ghế, lên bàn gào đến khản cổ: “Mao Chủ tịch muôn năm!”. Hội nghị từ chỗ trầm buồn, dồn nén đến cao độ lúc ban đầu, chỉ trong chốc lát đã biến thành biển lớn trào dâng.
Sau đại hội đó, phong trào Đại cách mạng văn hoá, đã được Mao Trạch Đông phát động, từ đó đã phá bỏ được mọi trở ngại, danh chính ngôn thuận tiến vào giai đoạn mới - “tạo phản có lý”.

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ