Chương 58
Thay lời kết

Thưa quí vị ân nhân,
Thưa quí vị trong giới truyền thông,
Chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Ham Cộng Hòa, phát động từ cuối 1993 đến nay đã đạt nhiều thành quả tốt. Ngoài mục đích vật chất là giúp các anh em thương phế binh bị cụt chân tay có một phương tiện di chuyển dễ dàng hơn trong việc sinh sống, chương trình còn có mục đích tinh thần là mang lại nhân phẩm cho người bất hạnh.
Ước muốn giúp đỡ các anh em phế binh tại Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam đã đến với tôi từ rất lâu, nhưng mãi đến gần đây tôi mới có điều kiện thực hiện ước nguyện đó. Đời sống và danh dự của các anh em phế binh trong nước không ngừng ray rứt tâm tư của tôi khi mỗi ngày tôi cảm thấy mình đã được cuộc sống dành cho quá nhiều may mắn. Tâm trạng này, theo tôi, cũng là tâm trạng của rất nhiều người Việt Nam khác hiện đang định cư tại hải ngoại. Không ai có thể yêu quê hương đất nước mà không yêu chính đồng bào ruột thịt của mình, nhất là những người đang bị thua thiệt trong cuộc sống. Cũng như trong một gia đình, đứa con bị tàn tật càng phải được dành cho nhiều thương yêu và đùm bọc hơn nữa. Những anh em này đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ miền Nam thân yêu cho gia đình tôi, và nhất là bản thân tôi, cũng như cho nhiều người khác có cuộc sống yên ấm trong suốt cuộc chiến vừa qua. Đền ơn đáp nghĩa những ân nhân này là bổn phận và là trách nhiệm của bất cứ ai may mắn thoát ra nguyên vẹn sau một cuộc chiến đẫm máu như cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ý tưởng này đã hướng dẫn tôi thành lập hội "Aide aux mutilés de guerre du Vietnam" (Hội cứu trợ những nạn nhân chiến tranh Việt Nam) hồi tháng 2 năm 1994. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi tự hứa sẽ gửi bằng mọi cách 100 xe lăn trong vòng hai năm cho những phế binh bị cụt hai chân tại Việt Nam. Và, chỉ sau khi thực hiện được tham vọng này, lương tâm tôi mới bớt ray rứt mỗi khi nhắc đến quê hương tổ quốc.
Sau khi trao đổi với bạn bè và thân hữu, nhiều người nói tôi là quá lý tưởng hoặc quá liều lĩnh. Lấy tiền đâu ra để làm chuyện này, biết ai là phế binh thiệt, ai là phế binh giả, ai là phế Việt Nam Cộng Hòa, ai là phế binh cộng sản, v.v... Đối với tôi, bất cứ người tàn phế nào cũng cần được giúp đỡ, nhưng trong khả năng và điều kiện hiện có tôi chỉ có thể lập kế hoạch giúp những anh em phế binh Việt Nam Cộng Hòa trước, kế mới đến những thường dân bị thương tật vì chiến tranh. Theo con số tôi biết được, hiện có hơn 40.000 phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn sống trong nước, giúp được hết những anh em này đã là chuyện đội đá vá trời rồi, do đó không thể lo toan cho những hoàn cảnh khác.
Những tháng đầu tiên (tháng 12-1993 và tháng 1-1994), sau khi gởi tặng bốn xe lăn cho anh em phế binh bị cụt hai chân trong nước, tôi nhận được nhiều thư cảm ơn và xin giúp đỡ khác. Lời lẽ thống thiết trong các lá thư càng dục tôi tiến hành chương trình trên một qui mô rộng lớn hơn nữa vì một mình không thể cáng đáng hết. Cơ hội đã đến khi Nguyễn Văn Huy, một người bạn thân, có ý định phỏng vấn và giới thiệu chương trình cứu trợ phế binh Việt Nam Cộng Hòa trên báo Thông Luận (Paris), số tháng 5-1994. Sau đó, chính Nguyễn Văn Huy đã giới thiệu chương trình cứu trợ này đến các cơ quan truyền thông đại chúng Việt ngữ khác tại hải ngoại, từ đó chương trình được sự hưởng ứng mạnh mẽ của rất nhiều ân nhân ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả cộng đồng người Việt tại Colombie, Châu Mỹ la-tinh. Kết quả đầy khích lệ này đã có được là nhờ sự tiếp tay đắc lực của rất nhiều hội đoàn thiện nguyện của người Việt tị nạn trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Pháp, Bỉ, Canada, Hoa Kỳ và Úc. Tại mỗi nơi các hội đoàn này tự động tổ chức các buổi sinh hoạt gây quỹ để tài trợ chương trình cứu trợ thương phế binh tại quê nhà với những kết quả đầy khích lệ. Tôi xin được chia sẻ nỗi vui này với tất cả những người thiện tâm.
Vì là một chương trình nhân đạo nên chính quyền cộng sản, tuy có làm khó dễ một số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cũng không thể cản trở sự giúp đỡ này. Chính phong trào này đã gây sôi nổi ngay trong nội bộ chính quyền cộng sản tại quốc nội. Từ tháng 7-1994, chính quyền cộng sản đã tung ra một chương trình qui mô nhằm giúp đỡ những người đã vì họ mà hy sinh: gia đình thương binh, liệt sĩ, các bà mẹ cách mạng có con hy sinh trong cuộc chiến. Có những người bị bỏ quên từ hơn 30 năm qua từ thời chống Pháp, hoặc gần 20 năm qua sau 1975, bổng nhiên được chính quyền lập danh sách tặng nhà cửa, tiền bạc hay quà cáp. Các ủy ban nhân dân thành phố, đoàn thanh niên cộng sản, hội phụ nữ... đã dùng báo chí trong nước làm ồn ào chương trình và tổ chức nhiều đoàn người đích thân mang xe lăn, nạng chống và tiền bạc đến tặng cho hơn 60.000 gia đình thương binh liệt sĩ của họ. Chương trình này không có gì đáng trách, nhưng sự giúp đỡ chỉ trong vòng đai thân nhân của đảng và chính quyền cộng sản. Những "căn nhà tình nghĩa", tiền bạc và quà cáp chỉ được tặng cho những người thuộc diện gia đình cách mạng hoặc có nhiều thành tích trong cuộc chiến tranh vừa qua. Những anh em bộ đội khác, bị cụt chân tay, vì là thành phần "nghĩa vụ" thấp cổ bé miệng không có vây cánh, không được nhắc tới; họ tiếp tục sống lây lất trong cảnh lầm than thiếu thốn như những anh em phế binh miền Nam cũ. Nhiều gia đình thương binh liệt sĩ còn bị chính những người trong chính quyền, những "đồng chí" cũ, tống tiền để hồ sơ mau được chiếu cố.
Có nhiều trường hợp, qua những lá thư chúng tôi nhận được, chính những anh em phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã cưu mang những anh em phế binh từ chiến trường Kampuchea trở về. Họ đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhau từng niềm vui, nỗi nhục của kiếp ăn xin. Đây là những tấm gương cao cả. Trong sự đau khổ họ đã vượt lên trên sự thù hận để chia sẻ chỗ đứng bạc bẽo trong một chế độ mạnh được yếu thua. Hòa giải và hòa hợp không còn là những mỹ từ đầu môi chóp lưỡi, chính những anh em phế binh cũ đã thực hiện tinh thần hòa giải ngay trong cuộc sống, cho dù là cuộc sống nghèo hèn, với những anh em phế binh mới. Cũng xin nói thêm, trong cuộc chạy đua marathon bằng xe lăn tổ chức tại Sài Gòn hồi cuối 1994, những anh em phế binh miền Nam không thắng vì tuổi già sức yếu (đa số đã trên 40 tuổi), không tranh sức nỗi với anh em phế binh về từ Kampuchea, trẻ và khỏe mạnh hơn. Nhưng đây là một thể hiện độc đáo về tình anh em tìm lại.
Có người hỏi tôi có giúp bộ đội cộng sản tàn phế hay không? Trước khi trả lời, tôi xin thưa là dư luận trong nước rất thông cảm thảm trạng của những người tàn phế. Trong bối cảnh một xã hội tha hóa mà sự lường gạt, chụp giựt, mạnh được yếu thua là phong cách sinh hoạt, làm sao những người bị cụt chân cụt tay, có người bị cụt cả chân lẫn tay còn thêm mù cả hai mắt, có đủ điều kiện để tranh tìm miếng sống? Do đó chỗ đứng của đại đa số anh em phế binh là hành khất và, danh dự hơn, bán nhang, bán vé số dạo. Người trong nước không phân biệt ai là phế binh thời trước, ai là phế binh thời sau khi nhìn những thân xác què cụt đang bò lết trên khắp nẽo chợ xin ăn. Giúp thương phế binh là một vấn đề nhân đạo, đã là nhân đạo thì không còn màu sắc chính trị. Trên thực tế, cho đến nay, trong hơn 10.000 đơn xin trợ cấp mà chúng tôi nhận được, chưa hồ sơ nào có xuất xứ từ quá khứ từ thành phần bộ đội cộng sản. Theo chỗ tôi biết, một là họ không biết có sự cứu trợ từ hải ngoại, hai có lẽ là do mặc cảm. Dù có xuất thân từ phía nào, đời sống của những anh em này đều tăm tối và tủi nhục.
Nhiều người chỉ trích tôi là ngây ngô, du học lâu năm không biết sự tráo trở của người cộng sản, họ là những người có tâm địa ma giáo, tráo trở... Tôi xin thưa, thà cho lầm một phế binh giả mạo còn hơn để một phế binh thật mòn mỏi đợi chờ hay chết tức tưởi vì không tiền chữa trị, chúng ta không có quyền bức tử các thương phế binh Việt Nam Cợng Hòa lần thứ hai. Thật ra cùũng có thể có một số hồ sơ giả mạo để xin tiền trợ cấp nhưng, theo chỗ tôi biết, cho đến giờ này chúng tôi chưa gặp. Hơn nữa, những đại diện của chúng tôi trong nước, đa số là những nạn nhân của cộng sản, khi xét duyệt và gởi sang đây hồ sơ những người cần được cứu trợ, chúng tôi tin rằng đó là những hồ sơ đáng tin cậy. Mỗi hồ sơ thường có đính kèm đầy đủ chứng từ, chứng thương và hình ảnh mới nhất của người thương binh.
Tại hải ngoại, một ân nhân muốn giúp một phế binh thường xin chúng tôi gởi trước cho họ hồ sơ và lý lịch người đó (với tất cả hình ảnh, giấy chứng thương và chứng từ) sau đó mới quyết định giúp. Có người còn mang cả hồ sơ về trong nước quan sát tận mắt rồi mới giúp, và sự giúp đỡ này thường cao hơn số tiền mà chúng tôi dự trù. Về việc trao tặng xe lăn, chính đại diện của chúng tôi trong nước, sau khi đã nhận tiền trợ cấp từ hải ngoại, đặt mua xe lăn sản xuất trong nội địa rồi đích thân mang đến tận tay người nhận, do đó khó có thể có sự "thất thoát" hay nhầm lẫn, vì người này có quyền rút lại quyết định trao tặng nếu phút chót thấy không đúng đối tượng. Về hồ sơ xin cấp tiền, chúng tôi gửi bưu phiếu đích danh người phế binh cần sự giúp đỡ, những ai mạo nhận không thể lãnh thay. Nói chung, việc xét duyệt và cấp phát có những điều kiện bắt buộc của nó, khó có thể có sự gian lận. Đây là một vấn đề kỹ thuật.
Đời sống của những anh em phế binh như thế nào? Tôi xin mạn phép đưa ra một vài hình ảnh.
Về trường hợp những anh em phế binh cụt hai chân, trước đây có người phải di chuyển trên hai ghế đẩu, có người phải cột hai mảnh vỏ xe hơi cũ nơi vết thương, từ sáng đến tối lê lết từ đầu đường này đến xó chợ nọ để xin ăn, tối đến trải giấy báo ở một góc nào đó trước một căn nhà để ngủ qua đêm. Họ đã chịu đói, chịu lạnh từ ngày này qua tháng nọ. Có người tìm về các nghĩa trang để ngủ. Ranh giới giữa người chết và người sống đối với họ không có gì là cách biệt, họ đã sống như những người chết trong suốt thời gian qua. Cuộc đời đã hắt hủi họ. Hai mươi hai năm qua, đối với những con người bất hạnh này, không phải là một cơn gió thoảng. Nghèo khó, đau khổ và tủi nhục đã tích tụ thành những lớp chai trong tâm khảm và trên thân thể họ. Nay đến lúc chúng ta cạy phá để nụ cười nở lại trên những vành môi khô héo, dù có muộn màng.
Bị thương tật vì chiến tranh không phải là một tội lỗi, vậy mà họ đã sống như những tội phạm trong suốt thời gian qua. Sau ngày 30-4-1975, những anh em phế binh đang còn nằm điều trị bị đuổi ra khỏi các quân y viện. Nhiều anh em đã phải dùng lại những cuộn băng rách nát để băng bó các vết thương chưa lành, có người đã chết sau đó vì thiếu thuốc trụ sinh hay vết thương bị nhiễm độc. Trước kia, nếu có ai mạo muội ân cần thăm hỏi họ, lập tức người đó sẽ bị công an hạch hỏi, tình nghi cấu kết với "tàn dư Mỹ Ngụy". Hiện nay những con người xấu số này, mỗi khi có mặt ở đâu thì bị người ta xua đuổi đến đó, có khi còn bị đánh đập hay thóa mạ tục tằng. Người ta quên rằng chính những người mà họ đang xua đuổi đó đã bỏ một phần thân thể để cho hôm nay họ được bình yên vui sống. Thử thay đổi chỗ đứng, họ là những phế binh, liệu có đủ kiên nhẫn chịu đựng những lời thóa mạ và khinh miệt đó không?
Trước sự bạc đãi của đồng loại, các anh em phế binh chỉ còn một cách là tương thân tương trợ lẫn nhau. Họ thường mỉa mai nhắc lại một câu phong dao xưa "lá lành đùm lá rách" nhưng chỉ thay một chữ thành "lá rách đùm lá rách". Chúng ta thử tưởng tượng trong cảnh trời mưa tầm tã, những anh em phế binh cùng nhau chia đĩa cơm thừa. Họ dùng bữa cơm chan hòa nước mưa cùng nước mắt, đó cũng là những bữa ăn thường ngày. Mặc cảm đã đưa họ đi khá xa, nhiều anh em sẵn sàng phản ứng lại những ai khinh họ ra mặt. Chúng ta nên thông cảm. Đó là ngón đòn tự vệ cuối cùng của những người không còn gì để mất.
Cái chết có lẽ là ám ảnh mạnh nhất đối với người phế binh. Nhiều người đã viết cho tôi nói rất muốn được chết cho nhẹ gánh đời nhưng không được, họ còn mẹ già phải nuôi, đàn con thơ cần được che chỡ. Có anh nói nếu chẳng may bị chết bất tử, gia đình cũng không có tiền để mai táng. Có người muốn tự tử bằng độc dược nhưng không đủ tiền để mua và mua cũng không ai bán... Ai rồi cũng có ngày phải chết nhưng trong xã hội Á Đông, vai trò của người đàn ông trong gia đình rất là cần thiết cho dù chỉ còn là biếu tượng. Hơn nữa các anh em phế binh này phải sống để làm chứng nhân về sự tàn ác của con người đối với đồng loại.
Có nhiều người vợ phế binh đã cật lực ngày đêm thay chồng nuôi con, đã lao lực kiệt quệ đến chết, để lại cho người chồng tàn phế một đàn con bơ vơ trước một tương lai đen tối. Có những mẹ già, không quảng nắng mưa, ngày đêm gánh gồng ra chợ mua bán nuôi con trai bị tàn tật và đàn cháu nhỏ. Nếu muốn tìm những tấm gương yêu thương và chịu đựng, thật khó ai so bì với những người đàn bà cao cả này. Cuộc sống của họ chẳng có gì là vinh quang chỉ toan là tủi nhục. Nước mắt đà chảy cho cuộc chiến vừa qua không ai đổ nhiều bằng những người mẹ này. Thêm vào đó là sự chịu đựng, họ đã chia sẻ với người con, người chồng tàn tật tất cả nỗi đau của cuộc đời. Đó là những đốm sáng trong một bức tranh đen tối.