Chương 10

Chị Liên ngồi suy nghĩ vẫn vơ, chị Liên thở dài, đối với chị, không yêu thì... không làm được "chuyện ấy", chị sẽ không bao giờ bước sang bên kia đường. Chị chỉ còn một mình, nhẹ lo hơn chị Mạc. Thằng Đức, kỷ vật cuối cùng, dấu ấn của tình yêu đối với chồng chị, anh Nguyễn Văn Hơn, đã mất. Chị không còn gì nữa ngày hôm nay, nhưng những kỷ niệm thời học trò nhẹ nhàng băng ngang dòng tâm tư của chị. Bảy năm yêu thương, bảy năm hạnh phúc. Những lần chồng về phép, chị rất thích nghe những bản nhạc "Buồn trong kỷ niệm", "Tấm ảnh ngày xưa" với tiếng ca não nùng thấm thía của bà chị Thanh Thúy. Ờ, rồi lại còn "Tàu đêm năm cũ" nữa. "Đem về trả cho tôi người xưa"... chồng chị cười nói: "Cũng là con tàu thôi, khi đem người đi thì buồn, lúc đem người về lại em cảm thấy gì?". Chị nhìn anh lo sợ. "Có khi nào...", chị không dám nói hết ý.
"Có khi nào con tàu đem người thân đi mãi" hay không? Ngoài đời chị vẫn nhìn thấy những chiếc GMC chở quan tài phủ cờ vàng chảy ba dòng máu đỏ, máu của người chiến binh đã đổ ra cho đất nước, và những chiếc khăn tang chan hòa nước mắt buộc chặt trên đầu các thiếu phụ và những trẻ thơ. Chiến cuộc ngày càng khốc liệt hơn, những lần về phép của anh cũng thưa dần. Chị Liên còn nhớ rõ ánh mắt buồn bã của chồng trong lần chia tay cuối cùng, anh đã đi biền biệt không về. Một ngày kia, người ta báo tin anh tử trận. Chị Liên gia nhập vào đội quân tóc dài mặc áo đen, đầu chích khăn tang khóc chồng, ôi thật buồn bã.
Mãi miên man suy nghĩ, tưởng nhớ vu vơ, chị Liên giật mình liếc mắt tìm bạn. Chị Mạc không còn ở bên này bùng binh nữa. Vừa ăn xong củ khoai luộc, chị Mạc vội bước sang bên kia đường, biến mình trong khu nhà ga với ánh đèn vàng, những tấm nệm cói phập phồng và những tiếng thở hồng hộc.
- Trong những tấm nệm cói ấy vang lên tiếng thở, họ thở ấy ra sao nhỉ? - chị Liên nhắm mắt liên tưởng.
Tưởng tượng những tấm nệm cói phập phồng, chị Liên rùng mình ớn lạnh. Chị cảm thấy cô đơn, chị ao ước: "Phải chi được nghe tiếng thở của anh Hơn trong tấm nệm ấy thì... sung sướng biết bao". Chị mơ tưởng những giây phút êm đềm, ấm áp của ngày xưa. Chị có cảm tưởng như nhìn thấy đôi mắt của anh, đôi mắt sao giống đứa con trai của chị quá. Chị mỉm cười vu vơ. Trong giấc mơ, chị thấy anh trở về trên xe bước xuống cùng những người bạn lính, có cả lá cờ vàng nữa... Nhưng rồi chị hốt hoảng. Người đứng trước mặt không phải là chồng chị, mà là người báo tin anh tử trận. Người ấy nói nhiều lắm, chị ù cả tai không nghe gì cả.
- Làm gì mà ngồi đây có một mình hả em?
Chị Liên giật mình mở mắt, trướưc mặt là một gã đàn ông, tay cầm ổ bánh mì và bọc trà đá.
- Ăn đi em, anh đã ăn rồi. Đêm nay sao buồn quá.
- Không, cảm ơn.
Chị Liên đứng dậy bỏ đi ra bờ sông Bạch Đằng. Gió đêm làm chị cảm thấy lạnh hơn. Dòng sông đen lấp loáng ánh đèn. Chị nhớ đến cái chết của chị Trúc, xác chị nằm ngữa trương phình lên. "Không, mình không được phép tự tử, mình là người Công giáo. Lạy Chúa, xin nâng đỡ con, dẫu cho có thế nào con vẫn tin Chúa, Chúa ơi!", chị Liên khấn thầm mặt hướng lên trời. Mỗi khi nghe tin có vài anh em phế binh thân quen chết đi, chị vẫn thường cầu nguyện. Chị vẫn mong là ngày mai rồi sẽ khác đi.
Mùa mưa cũng vừa sắp hết, Chị Liên sửa soạn rời khỏi khu vực nhà ga xe lửa Sài Gòn. Chị nói với các chị bạn là cần đi xa để quên những chuyện buồn. Chị muốn về quê nhưng quê hương đâu còn nữa. Chị đi bộ về phía Chợ Lớn, lạc vào giáo xứ Quận 8. Buổi trưa chị ngồi nghỉ chân bên cổng nhà thờ Bình An Thượng. Chị nhìn lên tượng Chúa Giêsu chịu khổ nạn cầu nguyện. Ông cha xứ già, tóc bạc phơ, dáng người mệt mỏi từ trong nhà thờ đi ra nhìn thấy chị. Chị nhìn cha. Hình ảnh ông cha xứ già sao giống đấng Thánh Phêrô quá. Cha hỏi, chị lễ phép trình bày hoàn cảnh của mình. Chị không mong cầu điều gì khi trình bày hoàn cảnh của chị, chị có cảm tưởng như đang xưng tội trước vị cha xứ, lòng chị trở nên nhẹ nhõm hơn. Thế thôi.
Nghe xong cha xứ bước vào lại giáo đường. Một lúc sau nghe tiếng cha gọi, chị Liên đi vào. Cha mở ngăn kéo, trong có số tiền lùớn nhưng là toàn là tiền giấy nhỏ, chị hiểu đó là tiền ủng hộ của giáo dân dâng hiến trong những ngày lễ. Cha xứ đã cất giữ những món tiền đó trong nhà thờ. Chị ứa nước mắt nhìn cha. Ông cha xứ già cẩn thận gói số tiền ấy vào tờ giấy báo và run run cầm đưa tận tay chị. Nước mắt chị trào ra, ướt cả khuôn mặt. Cha gọi người làm vườn nhờ đưa chị đến bến đò qua bên kia sông để tránh không bị công an làm khó dễ. Chị quay lại nhìn cha chào từ giã. Cha dặn chị: "Con nên rời bỏ cuộc sống vỉa hè ấy đi" và chúc lành: "Chúa nâng đỡ bước chân con. Hãy cầu nguyện thường xuyên".
Chị Liên quay lại nhà ga xe lửa Sài Gòn, tay chị cầm theo ba ổ bánh mì kẹp thịt ba rọi trông thật ngon lành. Nhưng chị không gặp được chị Mạc và con Hoa. Ở đấy vừa có chiến dịch thu gom những người sống "bụi đời" vô gia cư, vô nghề nghiệp, ăn ngủ ngoài hè phố. Nhà nước cộng sản Việt Nam không bằng lòng để những người trước kia tuân theo lệnh đi xây dựng vùng kinh tế mới nay trở về sống ở hè phố, "bêu xấu chế độ". Lần này tất cả bị đưa đi những nông trường xa xôi khác. Chị Liên mò vào những xóm nghĩa địa hỏi thăm, nhưng không ai biết mẹ con chị Mạc ở đâu. Mãi về sau gặp lại chị Nguyệt "già", chị Liên mới biết là chị Mạc bị đưa đi cải tạo lao động ở "nhà nuôi" Ba Thôn, huyện Hóc Môn.
- Còn đứa con gái? - chị Liên hỏi.
Chị Nguyệt nhún vai:
- Thì họ tách hai mẹ con ra chớ sao, nghe đâu con nhỏ được đưa về cô nhi viện gì đó ở Gò Vấp.
Chị Liên ngồi thơ thẩn ở bùng binh nhìn qua sân ga, sau đợt truy quét sinh hoạt vẫn y như cũ. Bên kia nhà ga là kiếp người lầm than tủi nhục, những người sống vật vờ đi đi lại lại, họ không còn cách nào để sống khác hơn. Vẫn là những ổ bánh mì, những trả giá, kỳ kèo cho mỗi cuộc tình. Chị nghĩ về chị Mạc và đứa con gái, họ đã sống như những con chó ghẻ, bị rẻ rúng, đuổi xô. Chị nghe phong phanh tình hình có nhiều biến chuyển. Khối cộng sản ở Đông Âu đang bị tan rã, Liên Xô đã có tổng thống. Cộng sản Việt Nam đã bắt chước đưa ra "những việc cần làm ngay" của đảng và nhà nước. Chị đã nhìn thấy những cái quẹt ga thay cho cái quẹt dầu hôi. Đất nước đang đổi mới. Những bộ quần áo từ nước ngoài gởi về đã thấy bày bán ở các chợ trời, nhiều người đã liên lạc được những người thân ở hải ngoại. Đường phố cũng đã khác xưa, những ngôi nhà cao tầng và nhiều khách sạn đang được xây dựng lên. Đêm tối đã thấy những ánh đèn màu xanh đỏ chớp loáng trên những bảng hiệu. Nhà nước đang "mở cửa" đây mà. Sự thay đổi này đâu phải là... vì dân. Họ thay đổi để tồn tại, để khỏi bị dân chán ngán như Đông Âu, để nuốt trôi miền Nam.
À, thì ra nhà nước cộng sản đang dùng sự hào nhoáng xa hoa để che đậy những đen tối của sự thật. Họ biết là dư luận các nước bên ngoài đang hướng về Việt Nam, họ đã trả tự do cho những sĩ quan đi học tập cải tạo. Còn ông cha Thủ ở nhà thờ Đồng Công, xã Tam Hà, huyện Thủ Đức thì sao nhỉ? Họ đã thả cha ra hay chưa? Tội nghiệp, cha đã ngoài tám mươi mà không thoát khỏi lao tù. Hòa thượng Thích Trí Thủ nghe nói rằng đã "ức quá" mà chết. Còn hai ông Phạm văn Thương (Tuệ Sỹ) và Lê Mạnh Thát (Trí Siêu) đã bị họ tử hình chưa? Liệu những dư luận của các nước có giúp gì được cho họ hay không?
Những người bất hạnh sống trên hè phố đang bị bắt nhốt, xua đuổi ra khỏi thành phố, đang âm thầm gục chết ở vỉa hè, góc chợ, công viên có được ai chú ý tới không? Liệu sự "mở cửa" này có làm cho các nước bên ngoài công nhận màu cờ đỏ như máu kia không, có quên đi màu cờ vàng hiền hòa như tấm áo khoác của những nhà sư tu hành theo hạnh khất sĩ hay không?
Tự nhiên chị Liên cảm thấy quá mệt mỏi. Bộ ngực chị lép xẹp, đôi vai khô gầy, đôi chân chị nặng nề, không còn đủ sức để đi tiếp đoạn đường nữa. Chị nhìn thấy những người đàn bà và trẻ em mời mọc khách qua đường những điếu thuốc lá ngoại. Chị nghe nói ở Củ Chi, những nơi gần cửa khẩu, có những người đi buôn lậu thuốc lá ngoại, sống được lắm. Chị nhìn xuống gói giấy báo bọc số tiền của vị cha xứ già của giáo xứ Bình An Thượng. "Tình thương" của giáo dân đây mà. "Nghị lực" của Thiên Chúa đang tiếp sức cho chị. Ờ, tại sao chị lại không đi về Củ Chi một chuyến xem sao. Ở đấy còn có nhỏ bạn học ngày xưa, ở giáo xứ Bắc Hà, gần căn cứ Đồng Dù có cây phượng vĩ. Năm học cuối của mùa hè xưa, hai đứa đã từ giã nhau, nó đi lấy chồng, còn chị gặp anh Hơn. Hai đứa đã tặng nhau cuốn lưu niệm, trong đó có ghi những dòng lưu bút và ép vào đó những cánh hoa phượng. Cánh phượng ấy bây giờ có lẽ đã khô theo thời gian nhưng những cảm xúc ngày xưa vẫn tươi mãi trong lòng chị. Ngày xưa chị đi xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước cộng sản, con Hoa ngăn cản:
- Hãy ở lại thành phố, Liên ơi. Mình không biết nói sao về cái lòng tốt có vẻ như lo cho dân kia. Nó có vẻ tuyên truyền, xảo trá làm sao ầy. Chúa đã dạy "hãy xem trái thì sẽ biết kẻ trồng cây", hãy nhìn xem những gì họ đã làm... Đừng để bị xí gạt.
Nhưng tiếc thay ngày ấy chị đã không còn cách nào khác, chị bị liệt kê vào thành phần gia đình "ngụy", có chồng chết trận nên phải đi vùng kinh tế mới để rồi bây giờ... chị ngồi đây, tứ cố vô thân. Chị Liên đứng dậy rời bùng binh chợ Sài Gòn, bỏ nhà ga xe lửa, tìm đường về Củ Chi trên chuyến xe cuối ngày. Xe lăn bánh, chị nhìn lại hè phố Sài Gòn lần nữa và nói với chính mình: "Chúng sẽ không giết chết được anh đâu. Bởi vì anh đang sống trong em và thở bằng hơi thở của em". Chị nguyện sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh của anh, người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa của chị. Chi Liên đã ở lại bên này đường vì chị còn giữ vững niềm tin, chị sẽ nối tiếp bước đi của chồng. Bỗng nhiên chị Liên ứa nước mắt: "Nếu như Chúa chưa tuyệt con đường sống của con thì giúp con thức tỉnh các thế hệ mai sau cảnh giác, không để vi khuẩn vô nhân xâm chiếm tâm hồn".
Tới nơi chị đi bộ về hướng giáo xứ Bắc Hà, về nhà người bạn gái thuở học trò xưa. Trong xóm đạo này có rất nhiều người Bắc di cư năm 1954, không cộng sản. Họ là những người ghê sợ cộng sản như một cơn dịch bệnh