Chương 36

Lúc này tôi cũng già đi nhiều, mới 31 tuổi mà nhiều người tưởng đã 40. Kể cũng buồn nhưng không sao, gia đình tôi vẫn còn đầy đủ, không ai bị thương tật hay mắc bệnh hiểm nghèo là tôi mừng rồi. Mẹ tôi dạo này già yếu hẳn đi nên phải ở nhà, ba đứa con gái lớn trong nhà thay phiên nhau ra chợ buôn bán. Lúc này kinh tế có phần cởi mở nên việc mua bán ở chợ dễ thở hơn. Tôi sang được một căn sạp ở chợ Thống Nhất để các em thay phiên nhau ra chợ đứng bán ở quầy vải và áo quần may sẵn, tôi chỉ vào Bình Tây và chợ An Đông mua sỉ mang về cho các em bán lẻ. Thỉnh thoảng tôi dẫn Xuân Tiên hay Xuân Trang đi theo để làm quen với bạn hàng phòng hờ những lúc phải thay thế tôi. Những người bán sỉ ở hai chợ này đều là người gốc Hoa, họ dành mọi dễ dãi cho khách hàng quen, nhiều lúc không biết tôi ở nơi đâu họ cũng cho mua chịu với số lượng nhỏ, nhưng tôi luôn tìm cách thanh toán nhanh nhất để không mắc nợ. Việc nhà giải quyết tạm xong, tôi có ý định về Miền Tây buôn chuyến.
Nghe nói ở miền Tây lúa gạo và cá mắm nhiều, việc ngăn sông cấm chợ cũng đã giảm, tôi muốn về quan sát tình hình và nhân dịp thăm lại mẹ chồng ở Vĩnh Long, vì gần bảy năm qua tôi chưa gặp lại bà, không biết bây giờ bà ra sao. Hơn nữa những anh em phế binh mà tôi có dịp quen biết ở vùng kinh tế mới Tân Uyên về chợ Thống Nhất gặp tôi nhờ giúp đỡ, họ nói lúc này đi buôn củi không còn lời nữa vì có quá nhiều trạm kiểm soát. Đi buôn cá khô về Sài Gòn cũng khó ăn nên họ có ý định buôn gạo từ Hố Nai về Phan Thiết. Gạo là hàng hóa ít bị hư nên có bị kẹt cũng không hư hỏng, vả lại nếu có kẹt thì bán ở đâu cũng được. Tôi rất muốn giúp những anh em này vì lúc còn ở kinh tế mới, mặc dù thân thể tàn tật họ luôn luôn tận tình giúp đỡ gia đình chúng tôi. Thêm vào đó Khánh, em trai thứ nhì của tôi, cũng muốn đi theo những anh em này đi buôn chuyến nên tôi cấp cho ít vốn làm ăn. Sắp xếp xong việc nhà, tôi chuẩn bị đi về miền Tây.
Trên chuyến xe đi về Vĩnh Long, đi qua những cánh đồng ruộng lúa chín vàng chẳng khác gì một thảm lụa xanh biếc kéo dài suốt tận chân trời, tôi thấy miền Nam thật đẹp. Mặc dù là một người miền Bắc, tôi là dân di cư nên không nhớ gì quê hương miền Bắc. Đối với tôi quê hương là miền Nam, miền đất của tự do và hạnh phúc nay đã mất. Cảnh vật miền Nam thật dịu hiền, khác hẳn với khu Hố Nai tôi đang ở mặc dù cũng có những thửa ruộng bông lúa chín vàng nhưng không đẹp bằng nơi đây. Thôn xóm miền Nam được bao bọc bởi những lũy tre xanh cao ngập trời, lẫn lộn giữa những đọt dừa ngã nghiêng theo chiều gió. Lúc này cuộc sống ở thôn quê cũng bớt vất vả, máy móc thay thế dần sức người, ghe xuồng máy chạy tấp nập trên các nhánh sông. Nụ cười nở đầy trên mặt mọi người, lời ăn tiếng nói cũng hiền hòa, ấm áp hơn. Có lẽ do cư trú trên một vùng địa lý kinh tế dễ dàng nên tâm hồn con người trở nên bình dị, phản ánh ra bên ngoài sự thành thật. Tình trạng lúa gạo dồi dào như thế này mà tôi tự hỏi tại sao nhiều nơi dân chúng vẫn thiếu gạo ăn? Có một cái gì không ổn.
Xe vừa đổ bắc Mỹ Thuận, mọi người ùa xuống đi lên phà và đứng tản mác hai bên hông. Sông Tiền Giang nước chảy siết, đẩy những đám lục bình dọc theo mạng phà. Tôi ra đứng ở lan can ở tầng trên nhìn xuống dòng nước, mơ màng nhớ tới lần đầu tiên anh Tân đưa tôi về quê chồng. Tôi chợt mỉm cười nhớ tới giọng nói miền Nam của Tân giải thích công cuộc khai khẩn miền Tây. Gia đình anh Tân là những công bộc thời chúa Nguyễn di cư vào Nam hồi cuối thế kỷ 17, lập nghiệp tại Tiền Giang. Ông tổ của anh theo hầu Nguyễn Hữu Kính năm 1698, có công dẹp loạn tại Gia Định và được cấp đất tại Định Tường canh tác. Theo thời gian gia đình Tân đông thêm, đất đai canh tác không đủ nên đã tản mác đi những nơi khác lập nghiệp. Đến đầu thế kỷ 20, gia đình anh có mặt tại khắp nơi tại đồng bằng sông Cửu Long, tất cả đều sốg bằng nghề nông, chỉ một vài bà con cô bác mở tiệm buôn bán tại các thành phố lớn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Long Xuyên và Sài Gòn. Gia đình anh Tân ở trong những số đó. Mẹ anh Tân là người gốc Hoa năm đời nên bà không còn nói được tiếng Hoa, nhưng máu buôn bán của bà rất mạnh. Sở dĩ bà theo Tân lên Xuân Lộc vì anh Tân là con trai duy nhất, cha chồng tôi đã bị quân cộng sản bắn chìm xuồng chết đuối khi chúng đột nhập vào thành phố Vĩnh Long năm 1968, từ đó bà ở luôn với anh Tân với hy vọng sớm có cháu nội bồng bế.
Đang thả hồn theo mây nước và những ngày tháng cũ, một tia sáng gãy khúc xẹt ngang bầu trời kèm theo tiếng nổ kinh hồn làm tôi giật mình. Trời đất bỗng nhiên tối lại, mây đen vần vũ, gió thổi mạnh, tôi thấy lành lạnh. Khác hẳn nơi vùng núi rừng Đồng Nai, mỗi lần trời chuyển cơn giông tôi có đủ thời giừ trốn tránh, nhưng tại đây thì không kịp làm gì cả. Cơn mưa trút xuống ào ào như thác nước, tôi vội lấy chiếc khăn quấng vào cổ đi xuống tầng dưới tiến vào một chỗ đông người đứng cho bớt lạnh. Chiếc phà vẫn bình thản băng sóng tiến về phía bên kia bờ. Thị xã Vĩnh Long loáng thoáng hiện ra trước mặt.
Trong những chỗ đông người như thế này, sợ nhất là bị móc túi. Tôi cẩn thận giữ chặt chiếc túi xách và quan sát chung quanh tìm một chỗ đứng an toàn. Nơi đây ồn ào tiếng người và tiếng máy. Tôi nghe vang vẳng bên tai tiếng đàn ghi ta đệm theo một giọng ca vừa bi thương, vừa hùng tráng. Sao lời bài hát diễn tả đúng tâm trạng của tôi thế này, lâu rồi tôi chưa được dịp nghe lại. Lúc trước tôi rất ghét nghe những bài hát này vì mỗi lần nghe tôi chỉ biết khóc. Bây giờ nỗi đau đã nguôi nên nghe lại những lời này tôi không khỏi rùn mình hãnh diện vì đó là tâm trạng của tôi.
Lời ca ấm áp, truyền cảm của người hát làm lòng tôi xúc động, lâu rồi không còn ai nhắc đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến đã qua. Tôi nhớ anh Tân quay quắc và tiếc nhớ thời son trẻ chưa kịp hưởng hạnh phúc được bao nhiêu.
"Đợi anh về chỉ còn trơ vầng trán đứa bé thơ tấm khăn sô, người quả phụ cầu được sống trong mơ. Tumơrông, Đắctô, Krek, Snoul, trưa Khe Sanh gió mù, đêm Hạ Lào thức sâu... Anh, cũng anh vừa ở lại một mình. Charlie tên vẫn chưa quen người dân thị thành".
Tiếng hát vừa dứt những tràng pháo tay nổ ran một góc bến phà, tiếng người yêu cầu người ca sĩ hát thêm bản nữa vang lên liên tục. Tôi tò mò xen vào đám đông, ghé mắt nhìn vào. Quét mắt nhìn đám người đứng quanh vòng tròn, tôi chẳng thấy ai là ca sĩ cả. Cố gắng chen vào và cúi nhìn vào khoảng trống ở giữa thì thấy một người trung niên, tay cầm đàn ngồi dưới đất. À, thì ra một anh nhạc sĩ lang thang, một phế binh cụt sát hai chân. Anh ca sĩ có khuôn mặt sạm nắng, nét mặt phong sương chứng tỏ cuộc đời của anh đã từng dầm mưa giăng nắng, nhưng đầy phúc hậu. Tóc anh đã điểm bạc. Anh mặc chiếc áo kaki màu xanh lá rừng nhầu nát với nhiều mảnh vá vụng về và chiếc quần tây mà hai ống quần đã được cột thắt lại xếp gọn trong lòng. Anh cúi đầu vuốt ve cây đàn gỗ cũ kỹ bóng láng mồ hôi, rồi ngước mắt nhìn từng thính giả đứng chung quanh. Anh từ từ lết trên hai mảnh vỏ xe đã mòn láng đáy để lộ cả lớp bố, đi một vòng chìa chiếc lon đựng tiền. Những người đứng nghe đặt tiền vào lon với vẻ quí mến, đa số là thanh niên đứng tuổi, có một vài em bé được cha mẹ báo cầm tiền tới cho.
Tinh thần đùm bọc thật là cảm động. Nhìn những người cho tiền, tôi có cảm tưởng họ là những người đã từng liên quan đến cuộc chiến đã qua. Có thể họ là những binh lính cũ đã trở về đời sống dân sự, đang làm ăn, cũng có thể họ là anh em, con cháu những người lính chiến cũ. Tất cả chia sẻ với nhau nỗi đau của người thất trận trên chiếc phà này. Tôi ở trong đám người đó, lặng lẽ nhìn anh phế binh rồi bỏ tiền vào lon. Tôi muốn nói với anh vài lời khen thưởng nhưng cổ họng nghẹn lại. Theo lời yêu cầu dồn dập của khách thập phương, anh phế binh chuẩn bị hát thêm một bài khác. Có lẽ anh là người nghệ sĩ được ngưỡng mộ nhất trên chiếc phà ngày hôm nay. Uống một ngụm nước, sửa lại dây đàn, anh cầm phiếm dạo nhạc và hát:
"Anh không chết đâu em... Anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương. Tôi vẫn thấy đêm đêm một bông dù sáng trên đồi máu... Và tiếng súng, tiếng súng thay nhạc chiêu hồn đưa anh đi... anh đi. Anh không chết đâu em. Anh chỉ về với mẹ mong con. Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương ngươi lính. Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua... Trên khăn tang cô phụ còn...".
Những lời ca não nuột khiến lòng tôi tê tái. Không ai bảo ai, mọi người cùng im lặng và bùi ngùi thương tiếc cho thân phận của anh phế binh, thương tiếc cho quê hương đã mất đi biết bao nhiêu người anh hùng mũ đỏ... tên Đương, những phi công oanh dũng, những chiến sĩ thuộc các binh chủng đã ngã gục hy sinh cho tổ quốc, để lại những góa phụ với vành khăn sô, những trẻ thơ mồ côi cha. Bài hát vừa chấm dứt, tiếng vổ tay, huýt sáo miệng vang rền. Hứng chí, anh phế binh run tay dạo sang bản khác.
"Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime, hay Dắctô, Đồng Xoài, Bình Giả... Anh trở về có thể bằng một chiếc vòng hoa, chiếc khăn tang ngăn dòng lệ ướt, em ơi... Đây kỷ vật viên đạn đồng đen, em sang sông cho làm kỷ niệm. Anh trở về, người đã bị thương... Anh trở về trên đôi nạn gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân... Em một chiều dạo phố mùa xuân bên người yêu tật nguyền chai đá...".
Tiếng ca vừa dứt, tiếng pháo tay lại thi nhau nổ rang. Mặt anh phế binh lộ vẻ vui mừng vì chia sẻ được những ẩn khúc chất chừa từ lâu trong lòng anh và trong lòng mọi người. Lần này người ta tự động lấy tiền tặng anh. Chiếc lon guigoz méo mó tràn đầy bạc lẻ. Anh phế binh gật đầu lia lịa, nghẹn ngào cất tiếng cảm ơn. Đám người tự giải tán vì phà đã cập bến, tất cả lật đật tuôn chạy lên phà, bỏ lại sau lưng anh phế binh lúc này cũng đang mắc cây đàn và chiếc lon guigoz vào người chuẩn bị xuống phà. Giây phút tình cờ gặp nhau trên chiếc phà đến đây chấm dứt, cuộc sống chụp giật lại bắt đầu. Anh phế binh ngước mắt nhìn trời. Trời tiếp tục mưa, gió lạnh từ xa cùng mây đen ồ ạt kéo tới, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt.
Anh phế binh lướt mình trên hai lốp xe theo dòng người xuống bến. Tôi xót xa nhìn anh ướt sũng nước mưa trường người đi trong mưa gió. Đời người sống như gió thoảng mây trôi. Tội nghiệp những phế binh không cửa không nhà, sống kiếp lang thang không bờ không bến. Tôi giựt mình lo sợ cho chính mình, ai sẽ lo cho tôi trong những ngày tháng tới? Cuộc đời này thật là bạc bẽo, chưa hưởng bao nhiêu hạnh phúc đã vội khổ đau, không còn gì để mơ tưởng, tâm hồn tôi cằn cỗi, trái tim chai lạnh. Hình ảnh anh phế binh làm tôi trở về những kỷ niệm cũ, quá khứ êm đềm đó quá ngắn ngủi để giờ đây đối diện với nỗi lo thường trực là cơm áo. Tôi buồn cho thân phận, tôi mong có những tia sáng chiếu rọi vào con tim, tôi cũng khát khao có một cuộc sống bình thường trong một nước Việt Nam tự do dân chủ, trong đó mọi người có quyền chọn cuộc sống mà mình mong muốn.