Chương 19

Chương 5: Nỗi đau vẫn còn đây
Cuộc chiến đã kết thúc cách đây đã gần một phần tư thế kỷ rồi, tiếng súng đã thực sự chấm dứt nhưng thanh bình vẫn chưa trở về trên quê hương. Màu xanh của lá phủ lại núi rừng, hố bom biến thành ao cá, bông lúa trổ đầy ruộng nương nhưng cuộc sống người dân vẫn còn tăm tối. Hình ảnh cuộc chiến vẫn còn lai vãng nơi đây mặc dù tên những trận địa nổi tiếng không ai buồn nhắc tới. Đáng lẽ mọi người phải mừng rỡ khi không còn cảnh bồng bế dẫn nhau đi chạy giặc, không ai còn hồi hộp hay lo âu đạn pháo lạc vào nhà nhưng thực tế đã không phải vậy, lòng người vẫn chưa bình yên và mỗi ngày là một cuộc chiến mới... trên mặt trận cơm áo.
Trong bối cảnh này, tập thể thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa chịu nhiều bất hạnh nhất, đau thương nhất. Cuộc đời của những anh em này mất mát nhiều quá. Mỗi người nếu không cụt cả hai chân, mất cả hai tay hay mù cả hai mắt thì cũng mất một khúc chân, một khúc tay hay một con mắt, đó là chưa kể những mảnh đạn bom ghim đầy trong người giấu dưới những vết sẹo. Phải làm gì với tấm thân tàn phế này trong cuộc sống mà ngay chính những người có đầy đủ cả tứ chi, còn có cả gia đình đứng sau lưng làm hậu thuẫn, vẫn không sống nổi. Thêm vào đó là nỗi khổ tinh thần. Bị gia đình bỏ rơi, xã hội ruồng rẫy, phải có một ý chí sắt đá lắm mới kéo dài cuộc sống cho tới ngày nay. Sắt đá thì lòng dạ có sắt đá nhưng tập thể anh em phế binh không chống chọi nổi với thời gian khi gia đình và con cái thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học. Thân xác các anh bệ rạc, tinh thần các anh hao mòn, mặc cảm thua thiệt và bị bỏ rơi chiếm ngự mọi suy nghĩ của các anh. Hình ảnh tiều tụy, đau thương và đói khổ của các anh em thương phế binh không được chế độ này thương xót. Không những không được cứu giúp, những người của chế độ này còn muốn xóa sổ luôn những người lính tàn phế đã một thời dám chống lại họ.
Đời sống của các anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa do đó cần được nhiều người biết tới, biết để đánh giá mức độ nhân đạo mà chế độ này thường rêu rao và biết để đừng quên những người đã từng cống hiến xương máu để xã hội miền Nam được bình yên. Sở dĩ phải nhắc lại quá khứ đau buồn này chỉ vì muốn kêu gọi lòng từ tâm của những người Việt Nam, những người có thể đã trải qua những tháng ngày gian khổ trong nước nhưng đã vượt thoát ra được và hiện nay đang ở hải ngoại, thương cảm và đoái hoài đến hoàn cảnh và nỗi lòng của những anh em thương phế binh trong nước. Ở đây tôi chỉ mạn phép kể lại một vài cuộc sống mà tôi có cơ hội gần gũi và chứng kiến. Những hình ảnh tuy nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa, mà ý nghĩa lớn nhất là sức sống mãnh liệt của những con người đã mất tất cả và không còn gì để mất nữa.
Sống để làm gì? Đó là câu hỏi mà các anh em thương phế binh thường tự đặt ra cho mình. Có người tìm được câu trả lời bằng cách tự sát, treo cổ, nhảy xuống sông hay uống thuốc ngủ. Người khác thì muốn tiếp tục sống để nhìn ánh sáng của thông điệp tình yêu một ngày nào đó soi sáng khắp mọi miền đất nước. Những người còn lại chỉ muốn sống để làm chứng nhân, chứng nhân cho chính mình và chứng nhân cho một cách đối xử. Hình ảnh của những người què cụt, đui mù dắt díu nhau đi khắp nẻo đường bán từng bó nhang, van xin từng chén cơm bị hành hạ chỉ vì mang tội tàn phế, không đủ sức lao động. Ghi lại những hình ảnh này để các thế hệ mai sau đừng quên rằng đất nước Việt Nam đã có một thời con người đã quá tàn ác đối với con người, đó là dưới chế độ cộng sản hiện nay.