Chương 53
Tan vỡ một giấc mơ

Thành phố dạo này hay lạnh về đêm. Những người già yếu mắc bệnh phổi thường hay khó ngủ vì cái lạnh xốn xang, phải quấn thêm chăn màn vào người để cho đủ ấm. Đó là hình ảnh của mẹ tôi.
Hôm nay rằm tháng bảy, ngày báo hiếu. Mẹ tôi trăn qua trở lại. Bà ho lên sù sụ, cái chỏng tre cũng ọp ẹp theo từng tiếng ho. Nằm bên kia vách ván, tôi ray rức thở ra từng hồi. Tiếng ván kọt kẹt cũng buồn theo cái cảnh nghèo của mẹ con tôi. Sáng nay, tôi dậy thật sớm. Nhìn qua khung cửa sổ, tôi nghĩ về cuộc đời của tôi, nó cũng mập mờ như cảnh trời nửa tối nửa sáng của ngày hôm nay. Người ta thường dậy sớm vào buổi sáng để suy nghĩ chuyện đời bên tách cà phê hay tư duy về cuộc sống bên ly trà nghi ngút. Còn tôi ngồi đây suy ngẫm chuyện đời cùng với tiếng ếch kêu "uệch uệch" và tiếng thạch sùng tặc lưỡi. Tôi thắc mắc tự hỏi trên cõi dương trần này có Thượng Đế không nhỉ? Nếu Ngài là Đấng Toàn Năng, là Đấng Công Bình, tại sao có người quá ư giàu có, người khác lại quá ư nghèo khổ?
Những lúc tuyệt vọng, tôi thường tìm quên trong kỷ niệm. Nhớ lại quãng đời ngày xưa, năm 1967, lúc còn học lớp đệ tứ A1 trường Hùng Vương thị xã Quảng Ngãi, cuộc đời thật tươi sáng. Cũng ngày này đây, rằm tháng bảy, bạn bè bắt chước phong tục người Nhật: ai còn mẹ cài lên ngực áo một bông hồng, ai mất mẹ cài bông trắng. Tôi cười thành tiếng, cười thật tươi, thật hạnh phúc.
Phải rồi, ngày ấy tôi có người bạn gái tên Mai hát tặng tôi bài "Bông hồng cài áo" của nhà sư Nhất Hạnh: "Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho những ai, cho những người còn mẹ, để lòng vui sướng thêm. Rồi một chiều nào đó, anh về nhìn mẹ thật lâu và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là con yêu mẹ không?". Rồi từ đó tình yêu lớn dần theo năm tháng, tình yêu tuổi học trò đẹp vô cùng. Rất thánh thiện, tôi nhìn Mai như một đóa hoa. Nhẹ nhàng và trân trọng, tôi nhìn Mai từ phía xa xa để nghe thoang thoảng hương vị tình yêu bay đến. Ngày tháng qua, hai chúng tôi đều đậu tú tài toàn phần. Mai theo học sư phạm ở Huế, tôi trường chính trị kinh doanh Đà Lạt. Tuy hai thành phố cách xa, nhưng đôi tim và suy nghĩ chúng tôi không hề rời nhau. Ông phát thơ có lẽ là sứ giả mang thông điệp tình yêu thân mến nhất của chúng tôi.
Thế rồi đất nước lâm nguy, cộng quân gia tăng áp lực quân sự tại khắp nơi trên lãnh thổ. Mùa hè đỏ lửa 72, chính phủ ban hành lệnh tổng động viên, đông đảo sinh viên lên đường nhập ngủ. Tôi trở thành anh lính chiến. Mãn khóa xong, tôi mặc áo hoa dù ra vùng địa đầu chiến tuyến. Tôi tham gia nhiều trận đánh quyết định, giải tỏa áp lực ngày càng nặng của cộng quân. Vài ngày sau khi ký hiệp định Paris, đầu tháng 2-1973, tôi bị thương nặng trong một trận đánh giành dân chiếm đất tại một làng phía Tây Bình Định. Chân phải tôi bị cưa. Trong suốt thời gian nằm điều dưỡng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi không liên lạc với gia đình, kể cả người yêu vì không muốn người thân biết sự thật không may của tôi. Mặc dầu vậy, hình ảnh của Mai luôn luôn hiện diện và lòng tôi không khỏi bồi hồi mỗi khi nghĩ tới.
Mùa hè 1974, tôi được xuất viện và trở về quê cũ. Sau bao năm xa cách, quê hương không có gì thay đổi. Vẫn cảnh nghèo khó quen thuộc. Thật đau lòng khi về lại nhà cũ. Nhìn thấy tôi mẹ thật mừng rỡ, nhưng khi thấy tôi chống nạng vào nhà bà ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Tôi muốn xin lỗi mẹ tôi nhưng miệng khô đắng, tôi chỉ biết ôm lại mẹ tôi lòng chua sót. Bà vội vàng dìu tôi vào nhà, thay quần áo cho tôi, lăn xăng hỏi thăm đủ điều, nhưng tôi chỉ im lặng nhìn mẹ tôi trong nước mắt. Hay tin tôi trở về, Mai từ dãy nhà kế bên chạy vội đến. Thấy tôi, Mai chỉ gọi được một tiếng "Anh!", rồi gục đầu trên vai tôi khóc. Tôi đau đớn ôm Mai vào lòng và im lặng.
Không gì buồn cho một đời trai, chưa làm gì báo hiếu cho mẹ, chưa làm gì đẹp lòng người yêu đã vội chất thêm gánh sầu trên vai mỗi người. Những ngày đầu tôi sống trong mặc cảm, cứ muốn xin về trại an dưỡng sinh sống với những anh em đồng cảnh ngộ. Ít ra tại đây, tôi không sống trong mặc cảm vì nhiều anh em còn bất hạnh hơn tôi, có người còn mất cả hai chân, hai tay và mù hai mắt.
Nhưng tình yêu của mẹ tôi và Mai giúp tôi yêu dần cuộc sống. Ngày ngày, sau khi thu xếp xong chuyện học hành, Mai lui tới thường xuyên với tôi. Mai vẫn học ở Huế nhưng cố thu xếp để thường xuyên về nhà thăm tôi. Mai sung sướng vì tôi còn sống, đối với Mai như vậy đã là đủ, chuyện thương tật không đáng quan tâm. Bao nhiêu chuyện xa, chuyện gần được kể cho nhau nghe. Nhưng mặc cảm tàn tật cứ ám ảnh trong tôi. Trong những lần hàn huyên, tôi cố trấn áp mặc cảm nhưng rồi một hôm tôi buộc nói lên sự thật:
- Mai ạ, anh với em nên xa nhau thì tốt hơn. Anh giờ đây chẳng còn gì cả, nhất là trong một xã hội này. Anh không còn làm gì được nữa, chỉ là gánh nặng và mặc cảm cho em đối với gia đình và bạn bè mà thôi.
Mai lườm tôi, nói một cách quả quyết:
- Anh bị thương cái chân, đâu bị thương cái đầu hay cánh tay mà nói như thế?
Để an ủi tôi, Mai tập làm nữ y tá, những ngày nghỉ học Mai thường đến thay băng cho tôi. Đúng Mai là chiếc nạng gỗ vững chắc cho tôi trụ chân, cho tôi bước đi trên quãng đời còn lại. Cuộc đời của tôi như vậy êm đềm trôi qua, mẹ tôi vẫn buôn bán bình thường và Mai đến thăm tôi đều đặn. Tôi chỉ muốn ngày tháng đọng lại nơi đây để tôi thấy cuộc đời thật đáng sùống. Đối với tôi con người cần nhất là tình thương, những thứ khác chỉ là phù du.
Nhưng chiến cuộc ngày càng khốc liệt. Tin tức chiến sự ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Những ngày cuối tháng 3-1975, thành phố Huế bỏ ngõ, Quảng Ngãi bị cộng quân chiếm đóng, Mai bỏ học trở về nhà. Một bước ngoặc mới trong cuộc đời của Mai. Ba của Mai là thiếu tá pháo binh, sau biến cố 1975 trở nên bất lực, ông bị đưa "học tập cải tạo" ở miền núi xa xôi hẻo lánh, ba tháng mới được thăm nuôi một lần. Mẹ của Mai, một phụ n¨ữ Huế, suốt đời chỉ biết tề gia nội trợ, mẫu người không thể chật vật, chạy đôn chạy đáo để kiếm từng miếng ăn được. Mai là sinh viên sư phạm, con gái trưởng một gia đình có truyền thống tại địa phương, phải bỏ học nửa chừng cáng đáng trọng trách nuôi một gia đình gồm sáu miệng ăn, trong đó một người cha đang đi học tập cải tạo và ba đứa em nhỏ dại còn cấp sách đến trường. Mai đi buôn chuyến hàng vải từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi.
Cuộc sống tiếp tục trôi qua, trôi trong khó khăn và tủi nhục cho những người thất thế. Mặc dù được giải ngũ vì thương tật, tôi cũng phải đi "học tập cải tạo" như bao quân nhân khác nhưng được cái may "học tập cải tạo" tại địa phương nửa tháng. Một thời gian sau, vết thương nơi chân phải tôi làm độc, tôi phải vào bệnh viện mổ lại vì còn sót nhiều mảnh đạn. Làm thủ tục nhập viện thật là trần ai, nhưng rồi sau cùng chân tôi cũng được mổ gấp mảnh đạn ra. May là những y tá phục vụ bệnh viên thị xã là nhân viên thuộc chế độ cũ có cảm tình với tôi nên chân tôi được chữa trị bằng các loại thuốc tốt trong kho còn lại. Một thời gian ngắn sau các vết thương đều lành.
Chuyện buôn bán của Mai chỉ dễ dàng trong mấy tháng đầu, sau đó thì đâu vào đó. Chính quyền cộng sản ngày càng siết chặt gọng kềm, Mai không còn chạy hàng như mong muốn và ngày càng mất vốn. Hôm nay bị bắt hàng hóa, ngày mai hàng hóa bị phạt, bị tịch thu, cuộc sống cứ chồng chất bao nỗi lo âu. Rồi đến ngày thăm nuôi, mẹ của Mai phải khăn gói đi thăm chồng. Chuẩn bị chu đáo lắm cũng mất cả tuần lễ, nào làm đơn đi chứng thị thực từ thôn xóm lên đến xã phường, rồi làm lương khô. Những chuyến đi này bà mang đi cả một "gia tài" của gia đình. Trong một chuyến đi thăm, bà xin phép chồng để tổ chức đám cưới cho tôi và Mai.
Một hôm mẹ của Mai đi rồi, các em đều đi ngủ sớm, tôi và Mai kề đầu vào nhau nói chuyện tương lai. Nếu cuộc sống chỉ là những ước mơ đẹp dành cho lứa đôi thì vui thú biết bao. Tôi đề nghị sau khi làm đám cưới hai đứa sẽ về nhà mẹ tôi, nhưng Mai thở dài:
- Em khó rứt khỏi căn nhà này mà đi được. Vì em đang gánh vác trọng trách của cả gia đình.
Tôi an ủi:
- Trên ấy anh chỉ còn mẹ già, cưới nhau rồi em cứ ở dưới này lo cho gia đình mạ và các em. Em chạy đi chạy về cũng được.
- Bây giờ chưa vô tròng thì nói vậy, chứ hữu sự rồi khó lắm đấy anh.
- Em cứ nghĩ quẩn hoài. Mình thương yêu nhau tùy hoàn cảnh mà sống.
Bổng nhiên không hiểu bị bức xúc thế nào, Mai nói:
- Thôi, trên anh nghĩ cưới em về để làm cột trụ cho gia đình anh?
- Em đừng nghĩ thế. Nếu em nghĩ có sự lạm dụng hay lợi dụng nhau thì nên dứt khoát nhau là tốt hơn.
- Tùy anh.
Nghe hai tiếng "tùy anh", tôi choáng váng cả mặt mày. Như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt mình, tôi giận hờn trách móc:
- Trong tình yêu mà em nói "tùy anh" thì anh sẽ tự giải quyết đấy. Em nghĩ sao?
- Sao cũng được.
Tự ái nổi dậy, tôi cầm hai chiếc nạng trên tay, đứng lên nói:
- Kể từ nay coi như anh và em thực sự chia tay nhau. Anh không bao giờ về dưới này nữa.
Mai im lặng. Chẳng nói và cũng chẳng có một hành động nào. Tôi càng tự ái, chống nạng ra về. Vừa đi nhưng tôi hy vọng Mai sẽ gọi giật lại, có lẽ mọi sự sẽ "lành lại" ngay. Nhưng cuộc tình đến đó đã thực sự sang trang. Tôi về lại nhà mẹ tôi, lòng đầy phiền muộn. Bao nhiêu mộng đẹp chỉ trong phút chốc tan biến theo mây khói. Từ đó tôi ở luôn trong nhà, không buồn lên tiếng với ai, kể cả mẹ tôi.
Bấy giờ tôi sống trong bầu "trời" thù hận. Thù tất cả mọi người. Hận đủ thứ. Tôi muốn quên mình, quên tất cả. Nhiều khi ý nghĩ tự tử lại đến với tôi nhưng bị dập tắt ngay khi nghĩ về mẹ. "Tự tử là hèn mạt". Thế vào những thời gian trống rỗng vô vị đó là cuộc sống lang bạc. Tôi la cà hết nhà người thân này đến nhà người thân nọ để nhậu nhẹt, chén thù chén tạc. Không ai nỡ xua đuổi tôi vì thương hại. Từ đó tôi sống lang thang, không bờ bến, ít khi về nhà. Mẹ tôi trông thấy thân thể tôi ngày càng tiều tụy, vàng vọt, bà khóc thương cho số kiếp bất hạnh của con và năn nỉ tôi trở về với bà.
Mẹ của Mai hay chuyện cũng phiền trách Mai ghê gớm, nhưng trong lúc tuyệt vọng Mai cũng không tìm lời giải thích. Hai chúng tôi mất liên lạc với nhau trong hơn một tháng. Mẹ tôi và mẹ Mai nhờ biết bao nhiêu người lớn đến khuyên răn thắt lại tơ duyên đôi lứa, nhưng không cách chi được. Có lẽ vì vết thương lòng tôi quá lớn để có thể làm lành vết thương tình. Khó kết vá lại được. Có lần mẹ tôi về tận dưới quê nội tôi ở Tịnh An, mời một số tôn trưởng cao niên, chức sắc trong dòng tộc, nói chuyện với tôi, may đâu thuyết phục được tôi để tôi tĩnh táo mà định hướng lại cuộc đời. Những lời vàng ngọc đó vẫn còn văng vẳng trong tôi: "Cháu hãy tự đứng bằng đôi chân của chính mình. Đứng không phải bằng chân thật hay chân giả mà bằng ý chí của mình. Không ai sống giùm cháu cả. Hãy suy nghĩ cho kỹ mà sống. Con người hơn nhau ở ý chí và nhân cách". Lời nói đó hâm lại bầu máu nóng trong tôi từ lâu tắt ngấm.
Dòng máu của người lính dù, đã từng "đi mây về gió", đã từng sống hùng không hề sợ chết. Bất giác mấy câu thơ thời sinh viên tranh đấu về lại trí nhớ tôi. "Bao giờ còn sắn phơi khô, còn lang xắt lát thì còn đấu tranh. Làm người phải sống ngang tàng, quyết không chết nhục đầu hàng khó khăn". Từ đó tôi trở nên tỉnh táo, bỏ hẳn cả rượu chè và quyết định đi tìm cho mình một chỗ đứng bằng cách lìa xa quê hương, một khung trời đầy rẫy hình ảnh, kỷ niệm thân thương. Mẹ tôi bây giờ chỉ sống cho con, tôi là nguồn an ủi, là động lực của bà nên bà chìu theo ý tôi. Một buổi tiệc chia tay đơn sơ, âm thầm, lặng lẽ của vài người thân chí cốt. Lòng ai cũng chừng lại. Mẹ tôi không cầm được nước mắt khi phải rời xa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn trong tuổi về chiều. Tôi quyết định không cho gia đình Mai hay biết chuyến đi này, tự ái tôi quá lớn. Tôi nghĩ làm trai mà không lo được cho mình thì còn ai nễ phục, thế là hai mẹ còn tôi đi vào Sài Gòn. Tôi không mơ mộng cao xa, chấp nhận mọi khó khăn miễn sao tìm được cho mình một chỗ đứng bình thường.
Ở đất Sài Gòn này vấn đề thuê nhà không khó lắm, vào trong các khu lao động hỏi vài nơi là tìm được một chỗ ở ưng ý ngay. Cuộc sống tại Sài Gòn cũng rất khó khăn nên nhà nào có dư một căn phòng nhỏ sẵn sàng cho thuê. Lúc đầu tôi xay bột cho mẹ gói bánh bán dạo, ban đêm tôi nhận dạy kèm cho vài em nhỏ trong xóm. Cuộc sống bình dị, êm đềm trôi qua, mặc cảm những ngày tháng cũ cũng được nguôi ngoay. Sau nhiều năm cực nhọc, sức khỏe mẹ tôi ngày một yếu dần. Tôi không để mẹ tôi đi bán bánh nữa, tôi đi bán báo dạo. Sống ở cái xứ hai mùa nắng mưa, cái nghề bán báo thật là nghiệt ngã. Có những hôm bán không được ôm cả chồng báo về nhà, lòng tôi mềm như cọng thung. Tôi nẩy ra một ý nghĩ: phải đổi nghề. Nghề gì tôi chưa biết nhưng phải đổi nghề. Tôi không thể đi bán báo suốt đời được. Tuổi đời ngày chồng chất, nạng gỗ cũng hao mòn dần theo từng vết chân. Một hôm sau khi đi dạy kèm về, thấy mặt tôi có vẻ buồn buồn mẹ tôi hỏi:
- Con có điều gì bất an sao có vẻ "dàu dàu" vậy?
- Dạ, con muốn kiếm việc khác làm, chứ bán báo phiêu lưu quá, vả lại không thích hợp với chân con chút nào.
- Này con, hồi chiều có bà bên Hội Thánh (Tin Lành) nói với mẹ là con bị tật nguyền nhưng có chữ nghĩa. Vậy con đến Hội Thánh đọc kinh thánh cho một số con cái Chúa bị khiếm thị, đến tháng họ trả thù lao cho.
Tôi nghe lấy làm mừng lắm vì đỡ phải vận động bằng chân. Thế là tôi có thêm một nghề mới: đọc kinh thánh cho những người mù nghe. Công việc mới này an ủi cuộc sống của tôi vô cùng vì dầu sao tôi cũng còn may mắn, tuy què cụt nhưng tôi còn đủ tai mắt để nghe nhìn. Tôi vẫn hạnh phúc hơn những người này nhiều. Nhất là khi đọc lời kinh câu thánh, tôi khám phá một triết lý sống mới. Chẳng hạn trong Mathiơ 7:13-14 "Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoái dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít".
Bây giờ tôi yêu cuộc sống hơn. Tôi không đòi hỏi họ phải trả cho tôi là bao nhiêu tiền. Tôi muốn tự nguyện dâng hiến một chút công, một chút hiểu biết cho những người bất hạnh này, nhưng họ vẫn thiết tha yêu cuộc sống. Tôi lại thích làm một cái gì hơn nữa để có thật nhiều tiền, không những lo cho mẹ tôi mà còn lo cho những người bất hạnh khác, những con người cần được an ủi, cần được đem yêu thương nhiều hơn.
Trong suốt thời gian bán báo dạo, tôi cũng thu nhận được một vài "đệ tử", đó là những em bé mồ côi, không nhà không cửa. Các em đó thiều tình thương và sự đùm bọc. Thỉnh thoảng tôi dẫn một vài em về nhà cho tắm rữa và ăn uống, rồi cho ngủ luôn trong nhà để sáng hôm sau cùng tôi đi bán báo tiếp. Từ ngày tôi ngưng đi bán báo, các em đó như thiếu một người cha. Nhiều hôm trời sập tối các em đến nhà thăm hai mẹ con tôi, tất cả đều được cho tắm rửa sạch sẻ và ăn uống no nê. Nhưng mẹ tôi ngày càng già yếu, bệnh ho ngày càng nặng, nhất là những khi trời trở lạnh về đêm như đêm qua, hơn nữa lợi tức của tôi ngày càng eo hẹp, tôi không thể lưu giữ các em mãi trong nhà. Mỗi khi để các em ra lại đường phố, lòng tôi se lại. Tội nghiệp "trẻ không cha như nhà không nóc", tôi phải tìm một việc gì khá hơn để nuôi những em nhỏ này.