Chương 43
Kiếp Sống Gian Truân

Thành phố đang mùa lễ hội (2-9-1996), đường phố giăng đầy cờ và biểu ngữ, nhà cửa được sơn phết lại đẹp đẽ. Những khu vực ngoại ô, không khí có phần khí thế hơn. Một buổi sáng trước ngày lễ hội, tôi vừa bước ra khỏi cửa liền gặp hai cán bộ có nhiệm vụ gìn giữ an ninh khu vực. Họ hỏi tôi:
- Cờ đâu? Sao còn chưa treo lên?
Họ đưa mắt nhìn chung quanh vẻ bực dọc:
- Sân nhà để cỏ rác thế này à? Dọn đi!
Tôi ấp úng:
- Dạ... ạ, cha tôi vừa mới qua đời còn nhiều việc lu bu, mấy anh thông cảm. Lát nữa tôi sẽ mua cờ...
Rồi tôi cúi xuống "chấp hành" nhặt cỏ rác. Hai cán bộ vừa đi vừa lải nhải:
- Nhà này cái gì cũng chậm chạp hơn người khác.
Chiều hôm ấy, sau một ngày vất vã mưu sinh, tôi dừng chân ngồi nghỉ trên cầu Rạch Chiếc. Tôi đưa mắt nhìn thửa ruộng dưới chân cầu. Nơi ấy, cách đây hơn hai mươi năm, có nấm mồ chôn xác bốn chiến sĩ chết trận. Dân chúng đã cắm một cây cọc và treo lên đó bốn cái nón sắt để làm dấu thay cho mộ bia. -U đất ngày nay đã mất dấu, cây cọc có lẽ cũng mục theo thời gian và các nón sắt cũng không còn dấu tích. Tôi nghĩ đến chính phủ Mỹ với chương trình MIA đi tìm hài cốt của những người chiến binh Hoa Kỳ chết trận ở Việt Nam mà thương cho những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bất hạnh, chết vô danh ngay trong ngày tàn của cuộc chiến. Không biết bao giờ các đồng đội của họ mới gom nhặt được những hài cốt ấy đem về an táng trong một nghĩa trang nào đó, để họ được yên nghỉ bình thường dưới bóng cờ của tổ quốc thân yêu.
Trời đang tối dần, ánh đèn trên cầu không đủ để tôi nhìn rõ nơi đã vùi xác thân của bốn người chiến sĩ kia. Tôi quay người nghiêng ngả bước đi. Dưới chân tôi mặt đất dường như chao động. Trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày sắp tắt, tôi như còn thấy nơi ấy bóng cờ vàng hiền hòa theo gió tung bay. Tôi ứa nước mắt ngước nhìn lên trời cao thầm hỏi: "Biết đến bao giờ Việt Nam mới có được dân chủ, tự do, nhân quyền?". Tôi mong chờ những người Việt Nam tha hương, những người có tấm lòng nhân nghĩa, tìm giúp thay tôi câu trả lời.
Viết lại theo lời kể của phế binh Nhất Chi,
hiện cư ngụ cạnh cầu Rạch Chiếc.

*

Quảng Ngãi, miền Trung, quê hương tôi đất cày lên sỏi đá. Quanh năm người dân hứng chịu không biết bao thiên là tai bão lụt, hạn hán và mất mùa nhưng lúc nào cũng sẵn sàng chịu đựng. Nghèo đói tuy gắn liền với số phận của người dân quê, nhưng chúng tôi không bao giờ buông tay đầu hàng định mệnh, chính vì vậy mà người đời thường gọi chúng tôi là "dân cá rô cây". Cụm từ này vừa nói lên sự nghèo khó vừa diễn tả niềm tự hào của người dân đất Quảng.
"Ngày xưa ở Quảng Ngãi có một anh học trò nghèo nhưng hiếu học. Một hôm anh phải khăn gói hành trang như những học trò ở các tỉnh khác ra kinh đô học và chờ kỳ thi hương, vì quê anh không có thầy. Đời sống ở thị thành không giống miền quê nên học trò đến từ khắp nơi thường kết bạn với nhau để giúp đỡ trong việc học hành cũng như trong cảnh hoạn nạn. Anh học trò Quảng Ngãi cũng kết bạn với những người khác nhưng cứ đến mỗi bữa ăn, anh thường ra một góc sân ăn một mình. Anh ăn uống ngon lành, bữa nào cũng có rau luộc, mắm nêm hoặc nước mắm và món cá chiên. Bạn bè cho rằng anh ta ích kỷ, không muốn chia sẻ miếng ăn nên cũng xa lánh dần. Một hôm, muốn biết "người bạn đất Quảng" của mình ăn những thứ gì mà cứ giấu, một số anh em chia nhau đứng rình. Đúng là một "tên ích kỷ", bữa ăn nào cũng có rau và cá chiên trong khi có nhiều người khác ăn uống thiếu thốn hơn nhiều. Tức quá, đợi lúc anh kia đi học, một số bạn bè định vào phòng phá cho bỏ ghét. Sau khi lục soát, một người bất ngờ khám phá một con cá rô cây được đẽo gọt rất khéo giống con cá rô thiệt treo trên thành giường, từ đó mọi người mới thương cảm và quí mến anh bạn kia hơn. Vì nghĩ rằng các bạn bè kia đều là con nhà khá giả, anh bạn Quảng Ngãi kia không muốn tỏ ra thua thiệt nên phải giả bộ ăn uống đầy đủ như họ, nhưng vì sợ bị bắt gặp nên anh phải tìm cách ăn riêng".
Chưa phải hết, người ta còn mai mỉa "học trò xứ Quảng thấy cô gái Huế chân đi không đành". Đúng như vậy, học trò Quảng Ngãi tuy có siêng năng hơn học trò một số tỉnh khác nhưng vì mặc cảm nhà nghèo nên nhút nhát không dám tỏ tình với các cô gái đất Thần Kinh, cho nên mới có lời chọc đó. Thêm nữa cách phát âm của người Quảng Ngãi nếu không phải là người cùng địa phương thì rất khó hiểu. Ông tướng râu kẽm thời đệ nhị cộng hòa đã từng nhại tiếng miền quê tôi để làm trò cười cho thiên hạ: "Lèm en như con kẹt, hễ thấy mẹt là đòi tiền" ("làm ăn như con c..., hễ thấy mặt là đòi tiền", ý muốn nói dân Quảng Ngãi lười biếng không làm gì nên thân lại hay kỳ kèo từng xu từng cắc, con người nhỏ nhen chỉ nghĩ đến vật chất, v.v...).
Nghèo và khổ do đó luôn bị thiệt thòi, những gì xấu nhất đều trút xuống đầu người dân quê tôi. Nhưng dân Quảng Ngãi không phải như vậy. Vì không được thiên nhiên ưu đãi, miền đất này đã tạo cho người dân đức tính cần cù, kiên nhẫn hiếm thấy, chính vì đổ nhiều mồ hôi nước mắt đế có miếng ăn người dân Quảng Ngãi có một lòng yêu nước nồng nàn và một tình quê hương mặn mà. Quê hương tôi tuy không giàu đẹp nhưng nơi ấy đã sinh ra, đùm bọc và dưỡng nuôi tôi nên vóc nên hình, tôi yêu miền đất này như một người mẹ. Mẹ hiền Quảng Ngãi đã sản sinh biết bao người con, đã vui mừng khi thấy đàn con khôn lớn và đã khóc rất nhiều khi những đứa con lần lượt nằm xuống. Đất Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng không thiếu gương anh dũng, biết bao người đã đáp lời sông núi, hy sinh tính mạng để bảo vệ quê hương xứ sở, trong đó có tôi. Nhiều người tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị, một số khác gia nhập vào các đơn vị võ trang và nhiều người nắm giữ vai trò then chốt trong các cấp chính quyền và quân đội, nhưng phần lớn còn lại chỉ muốn được hưởng một cuộc sống bình thường như mọi người khác.