Chương 5

Hạnh phúc không bao giờ có thật trong chế độ này, một chế độ lấy sự ác độc làm phương châm và lường gạt làm kim chỉ nam hành động. Như một kiếp luân hồi không được siêu thoát, các chế độ cộng sản phải là độc ác.
Sau khi áp đặt bạo lực của kẻ chiến thắng trên người bại trận,các ủy ban quân quản buộc công chức và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ra trình diện rồi đưa họ vào những nhà tù tập thể, dưới tên gọi mỹ miều "trường học tập cải tạo". Tiếp theo sau là chính sách quản lý "hộ khẩu" khắc nghiệt, nó là sợi dây thòng lọng thắt cổ nhân dân, chế độ không ưa ai thì người đó phải chết. Để cướp trọn bộ số tiền nằm trong túi dân chúng miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản ra lệnh "đổi tiền", 500 đồng cũ ăn một đồng mới, như thế cứ mỗi 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa mới bằng một đồng xã hội chủ nghĩa, thêm vào đó họ còn quy định mỗi hộ khẩu chỉ được đổi 200 đồng mới mà thôi, số tiền còn dư do nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý. Sau hai lần "đổi tiền" như thế, toàn bộ tài sản của dân chúng miền Nam đã lọt vào tay nhà cầm quyền cộng sản. Đúng là quân cướp ngày.
Xã hội cũng thay ngôi đổi chủ. Những người trước kia thuộc thành phần ăn trên ngồi trước nay bị lọt sổ thành ăn dưới ngồi sau. Cán bộ cộng sản có chức có quyền thì "vinh thân phì gia" trong khi đất nước đã nghèo lại càng nghèo thêm. Nhà nước còn chiếm tất cả các cơ sở sản xuất lớn, "đánh" tư sản mại bản, quản lý tất cả các mặt hàng "nhu yếu" để làm chủ thật sự miền Nam. Bà con nghèo khó buôn bán trên lề đường đều bị xếp vào hàng "bóc lột". Cán bộ hạ tầng và "thành phần 30" hàng ngày săn lùng, bắt bớ, tịch thu hàng hóa của những thành phần "bóc lột", người buôn gánh bán bưng, trên các hè phố để... bán lại cho những thành phần "bóc lột" khác. Chính vì vậy mà không ít cán bộ nhà nước núp dưới danh nghĩa "cách mạng" hà hiếp dân chúng, vơ vét của công cho vào... túi riêng.
Dân chúng quá sợ hãi đã trở thành ngu dốt và yếu hèn. Người ta không biết phải sống làm sao với hệ thống luật pháp ma quái, nay thế này mai thế khác, của nhà cầm quyền cộng sản. Bị ép vào đường cùng, dân chúng chỉ biết im lặng làm theo. Nhà nước cộng sản hứa cho dân một cuộc sống ấm no trong vùng kinh tế mới, nơi đây người ta chỉ thấy địa ngục trần gian. Không một cây lương thực nào có thể mọc lên ở những vùng đất khổ, biết bao gia đình tan nát và biết bao người âm thầm bỏ nắm xương tàn nơi chốn rừng sâu nước độc. Người dân đói quá phải đào những cây khoai mì mới trồng chưa kịp lớn, củ chỉ bằng ngón tay em bé, để ăn. Ăn càng non thì càng đói nặng. Ai kiên nhẫn ch^ờ đợi những củ khoai mì lớn lên trong lòng đất thì ăn bất cứ vật gì có thể ăn được để cầm cơn đói, từ cóc nhái, ễnh ương, "bù toọt", rắn mối, dế cơm, bò rầy, trứng kiến, chuột rừng, rắn mối con còn đỏ hỏn đến măng non, củ dại, nấm rừng. Tại nhiều nơi, dân kinh tế mới ăn nhằm nấm độc chết hết cả nhà.
Thiếu ăn, da thịt người kinh tế mới biến sắc, áo quần rách nát, chân tay phù thủng, bệnh sốt rét rừng, dịch tả, kiết lị cướp đi rất nhiều mạng sống, số trẻ em sinh ra trên kinh tế mới không đủ bù lắp số người bị chết vì đói và bệnh tật. Đi hay ở, đó những câu hỏi được lặp đi lặp lại trong lòng mỗi người. Bỏ về thành phố thì không biết sẽ ở nơi đâu, nhà cửa, vốn liếng đã lỡ dồn cả cho chuyến đi "lập nghiệp" trên vùng kinh tế mới rồi. Ở lại thì thần chết sống kề bên hông, luôn luôn đòi mạng. Người dân trên vùng kinh tế mới tự đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời. Thói thường vẫn vậy, khi quá cùng khổ người ta thường "đứng núi này trông núi kia". Do nhận thức yếu kém, họ chỉ mơ ước được đi... những vùng kinh tế mới khác với hy vọng sẽ có một cuộc sống khá hơn nơi đang sống.
Những tin đồn mà dân chúng thành thị nghe được, do những người trốn từ các vùng kinh tế về thành phố kể lại, rất là hãi hùng.
Trên một vùng kinh tế xa xôi nọ ở tỉnh Sông Bé, có một gia đình gồm có hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Đứa con gái đầu lòng mới 11 tuổi phải theo cha mẹ vào rừng đào nương phát rẫy trồng khoai mì. Có lúc thiếu ăn cả nhà hái rau cỏ rừng về ăn lót dạ, chính vì thế mà hai đứa em nhỏ (đứa em gái 7 tuổi và đứa em trai 4 tuổi) chỉ lớn hơn con mèo. Người chồng trước kia là cựu quân nhân biệt phái về dạy ở một trường tiểu học nên không thích nghi kịp với nghề tay chân. Người vợ thay chồng làm việc quần quật nhưng cũng không đủ ăn, một hôm bà mắc bệnh kiết lị rồi qua đời vì thiếu thuốc men. Gia đình còn lại trở nên túng thiếu, nhiều bữa không có đủ khoai cho bốn miệng ăn, người cha và đứa con gái lớn phải nhường phần của họ cho hai đứa nhỏ, còn họ thì ăn... lá khoai mì luộc, uống nước lá mì luộc nên bị say nôn. Đêm nằm có nhiều ảo giác ngất ngây, cứ như bị ai đó nắm chân dốc ngược lên trời, oẹ mửa thốc tháo ra tới mật xanh mật vàng, trông thật khủng khiếp.
Một đêm nọ vì quá đói, hai cha con lén vào rẫy nhà hàng xóm bới trộm khoai mì. Đang lúc hì hụt đào trộm thì cả bị nhóm "dân quân tự quản" đi tuần bắt quả tang. Thế là trong đêm tối, những ánh đuốc trong thôn thắp dọi lên theo tiếng gõ dồn dập của thùng thiếc, dân chúng vây quanh cha con kẻ trộm. Người cha đứng cúi gằm mặt im lặng bên cạnh đứa con gái mặt mày tái xanh, tay còn ôm rỗ khoai mì. Một cán bộ xã, người miền Bắc, dáng vạm vỡ bước xộc đến, vẻ mặt nghiêm nghị chỉ tay vào mặt người cha hống hách nói:
- Không "nao" động hả, ông thầy? Bắt quả tang đang ăn trộm rồi nhá.
Rồi quay sang đám dân quân, người cán bộ này ra lệnh:
- Đưa về huyện nhốt, cho chúng nó bỏ thói "nười"!
Đang khi ông thầy còn lúng túng thì người cán bộ hùng hổ tiến tới túm lấy đôi vai gầy guộc của ông thầy, kéo xuống rồi lên gối một cái "huỵch" vào ngực. Đứa con gái thấy cha bị đánh liền thét lên: "Cha!", rồi quăng rổ khoai chạy tới nhưng bị hai người đàn ông khác nắm áo đẩy qua một bên té xuống đất. Mặt ông thầy tái lại, mắt mở to, sụm đầu gối, hai tay định ôm lấy ngực thì "bịch", một cú đấm mốc tứ dưới lên tống vào mặt ông thầy làm ông chúi nhủi. Người đàn bà chủ rẫy thấy vậy thét lên: "Ngưng tay, tôi không thưa kiện gì hết". Bao nhiêu căm ghét kẻ trộm nơi bà bay biến đâu mất, bà nói: "Để hai cha con ông thầy mang rổ khoai về nhà". Mặc dù khoai củ ở vùng kinh tế mới trong mùa khô này rất quí, bà còn biếu cha con ông thầy 40 đồng tiền mới (bằng một phần năm số tiền nhà nước quy định đổi cho mỗi gia đình). Hai cha con ông thầy cúi đầu tạ ơn bà hàng xóm rồi lầm lủi đi về.
Nhưng người cha trở nên quẫn trí, thay vì dùng số tiền đó để mua khoai cho con ăn, ông ra chợ mua hai kí gạo và một con gà mang về nhà nấu một nồi cháo thật to cho con ăn. Đang lúc nấu, đứa con gái thấy cha nó vừa khóc vừa bỏ một thứ bột gì đó vào nồi bốc lên mùi nồng nặc khó ngửi nên nó bỏ chạy ra ngoài không chịu ăn. Nó vừa chạy vừa khóc trong đêm tối, ba cha con ông thầy tiếp tục ngồi ăn ngon lành. Sùáng hôm sau người ta thấy xác ba cha con ông thầy nằm chết bên cạnh nồi cháo. Chính quyền địa phương không cho dân chúng chôn ba cái xác ấy ngay, họ được đắp chiếu để trước cửa 24 tiếng đồng hồ, bên cạnh là bản án có ghi hàng chữ "Tự tử là có tội". Vì chiếc chiếu không đủ che ba cái xác nên đôi chân cứng đờ và tái xanh của ông thầy lòi ra trông rất rùng rợn. Sang ngày hôm sau bà con lối xóm mới được phép chôn cất ba cha con ông thầy, đứa con gái 11 tuổi ấy theo đoàn người bỏ về thành phố rồi mất tích luôn.
Các vùng kinh tế mới đúng là địa ngục trần gian, con người bị cái đói và bệnh tật dằn vặt hàng ngày, dân chúng trốn về thành phố rất nhiều. Chính quyền địa phương dựng lên nhiều chốt ngăn chặn luồn người trốn về thành phố và tung chiến dịch tuyên truyền hứa "cứu đói". Nhưng không ai nói láo bằng "vẹm", chẳng ai đến cứu đói và dân cứ tiếp tục trốn về. Trong đêm tối, từng đoàn người lũ lượt gánh đồ, vác bị trốn về thành phố. "Về đi thôi, nếu có chết thì chết ở thành phố sướng hơn chết trên rừng", mọi người rỉ tai nhau.
Về được thành phố, họ ngủ trên các vỉa hè, bến xe, sạp chợ, kể cả trong các nghĩa địa. Họ lấy nền xi măng làm giường, bao ny lông làm chiếu, mùng màn thì không cần vì da thịt họ quá cằn cỗi, ruồi muỗi có viếng thì cũng bỏ đi thôi. Nhiều người còn cảm thấy vui thích được ngủ dưới trăng sao của thành phố; họ nói trăng Sài Gòn đẹp hơn trăng vùng kinh tế mới: "trăng gì mà trắng bệch như... mặt người chết đói, thấy mà ghê". Mọi người sung sướng chia nhau cảm giác về lại quê xưa, dẫu cho thân thể có tồi tàn rách nát trở về sống tại quê nhà vẫn thích thú hơn.
Họ làm bài thơ sau đây hiến tặng độc giả:
Về đi thôi
Nhà nước nhà nôi thôi đừng nói nữa!
Nói đi nói lại cũng chừng đó thôi.
Nơi đây khốn khổ muôn người thiếu ăn,
Chỉ mong có gạo có khoai qua ngày.
Cuốc ngày cuốc tối, cuốc cả trời mưa,
Bụng thì cứ đói, ruột thì cứ than.
Tay chân bủn rủn, toàn thân bàng hoàng,
Đêm về chỉ thấy bầy con khóc rần.
Ở thì không được chỉ nước về thôi,
Về thì du kích hung hăn hầm hừ.
Trốn chui trốn nhủi mới về tới nơi,
Chẳng may bị bắt, tiêu tan cuộc đời.
Về lại thành phố có phiền ai đâu,
Không nhà không cửa, chúng tôi ngủ đường.
Ngày ngày sớm tối lang thang ngoài đời,
Đói thì đứng chợ ăn xin của người...
"Về đi thôi", tôi nghe thấy tiếng lòng thôi thúc. Mỗi đêm nhìn bà con lối xóm bỏ về, tôi cũng nôn nao. Được những người quen cho biết tin cha tôi lâm bệnh, tôi càng xót xa. Trước kia ông đi lập nghiệp ở khu kinh tế mới Tây Ninh, cạnh Núi Bà Đen cùng với mẹ và các em tôi. Mẹ tôi chẳng may mắc bệnh sốt rét rừng đã qua đời cách đây sáu tháng, cha tôi cùng các em đã trở về thành phố cách đây bốn tháng. Hiện cha tôi sống bằng nghề xin ăn, mỗi bữa ông đứng chực ở mấy cửa hàng ăn uống quốc doanh, chờ khi thực khách ăn xong, còn sót lại những thức ăn trên tô dĩa, ông vội vàng trút hết vào lon guigoz đem về nhà hâm lại cho các em tôi ăn. Xưa kia ông có lần dạy kèm Pháp văn cho trẻ nhỏ nên hiếm khi ông dám ngước nhìn thực khách hoặc chìa lon xin tiền vì sợ người quen nhận diện, ông chỉ nói lí nhí trong miệng. Tôi cứ lo âu hình dung cha tôi với mái tóc bạc trắng đứng bơ vơ bên đường, lỡ gặp cán bộ vạm vỡ nào đó túm áo mà xô đẩy thì sao. Miên man nghĩ đến cha, rồi nhớ lại câu chuyện ba cha con ông thầy, tôi càng nôn nóng trở về hơn. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy nóng nặt, máu dồn lên óc. Cuối cùng thì gia đình tôi cũng chuẩn bị khăn gói lên đường. Thế là chúng tôi bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cả mảnh đất đang làm dở dang trên vùng kinh tế mới, theo chân những người đi trước trốn về thành phố.
Sau gần một tuần lễ lòn lách, trốn tránh các nút chặn trên các con đường rừng, chúng tôi về tới thành phố cũ với tên gọi mới. Sài Gòn vẫn còn đó nhưng đời sống đã khác xưa. Khu nhà tôi còn đây, nhưng căn nhà cũ không còn. Những người dân đi xây dựng vùng kinh tế như gia đình chúng tôi về lại phố cũ đều đau lòng nhìn các gia đình cán bộ tập kết miền Bắc đến xây nhà trên những nền nhà cũ của chúng tôi, họ ăn sung mặc sướng, đời sống sung túc, no đủ trong những căn nhà đep đẽ. Tôi mới chợt hiểu "cách mạng" không có nghĩa là xóa bỏ cái cũ để nâng cao mức sống người dân, mà là "loại bỏ" những người chủ cũ, những người thất trận và người dân nghèo như chúng tôi, ra khỏi thành phố, lùa họ vào những vùng đất chết để cho thiên nhiên, bệnh tật và đói khổ tiêu diệt. Còn tại thành phố, họ nâng cao mức sống cho những công bộc, dành những khu phố đẹp cho cán bộ cao cấp và gia đình họ ở. Trong những khu lao động, người nghèo khổ bị xua đuổi để lấy đất xây thêm những khu nhà mới, gọn đẹp hơn cho những cư dân mới, những người đến từ miền Bắc xa xôi, những gia đình "có công với cách mạng" (nằm vùng cũ) hay thành phần người giàu có mới.
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa như vậy chỉ là sự thay ngôi đổi chỗ giữa những thành phần giàu có mới và giàu có cũ. Những người nghèo khổ như chúng tôi không có chỗ đứng trong xã hội này, nếu có chăng thì ở chốn rừng sâu, nước độc. Nhiều người không biết cứ ngỡ rằng chế độ mới đã làm nhiều cố gắng cải thiện đời sống "nhân dân", nhưng nhân dân ở đây là "nhân dân cán bộ", thành phần ăn trên ngồi trước. Những hào nhoáng bên ngoài có mục đích phô trương, khoe mẽ với các quốc gia khác, với Liên Hiệp Quốc rằng nhà cầm quyền cộng sản đang "thay da đổi thịt", lo lắng cho lớp người cùng khổ của xã hội miền Nam xưa kia, nhưng thật ra là gạt chúng tôi ra ngoài rìa xã hội, để phải sống lây lất trên các vỉa hè, nghĩa địa và hành nghề ăn xin. Chúng tôi mới chính là người vô sản, nhưng vì là thành phần vô sản miền Nam nên chỉ hưởng ùđày đọa và hà hiếp. Chúng tôi không còn gì cả ngoài những thân hình ốm yếu, tật nguyền cùng với đàn con rách rưới, sống không có ngày mai và chết không ai thừa nhận. Chúng tôi không buồn vì bệnh tật ốm đau không được chữa trị, đói không được cho ăn, nhưng buồn vì quê hương thiếu vắng tình người. Những người "vô sản" ngày hôm qua đang đày đọa những người "vô sản" hôm nay.
Không riêng gì dân chúng miền Nam, cả những người vô sản miền Bắc cũng là nạn nhân của nhà cầm quyền cộng sản. Họ được hứa hẹn đủ điều để rồi chỉ toàn bánh vẽ, nhà cầm quyền cộng sản luôn luôn hứa hẹn thực hiện cho cái "sẽ là", và cái "sẽ là" không bao giờ tới. Con cái họ tiếp tục vào Nam làm bia đỡ đạn, lúc chết xác thân không biết chôn vùi ở đâu, hòa bình trở lại họ trở về kiếp sống nông dân, bị bạc đãi và khốn khổ như chúng tôi. Trẻ em cũng bị lợi dụng, các khẩu hiệu ra vẻ yêu thương chăm sóc trẻ em chỉ là bánh vẽ, các em bé miền Bắc cũng như miền Nam ở thôn quê đều suy dinh dưỡng, bụng ỏng da chì trong khi con cái những cán bộ có chức có quyền ăn sung mặc sướng và được đi học. Những đứa trẻ con ông cháu cha này tiếp tục sẽ đè đầu đè cổ con cháu chúng tôi. Cuối cùng sau bao nhiêu năm sống dưới sự ách cai trị của cộng sản, dân chúng miền Bắc rủ nhau từng đoàn vào Nam... ăn xin như những người trốn từ vùng kinh tế mới về vậy.