Chương 42

Anh Thơm nhìn đứa con nhỏ chết từ từ vì suy dinh dưỡng, anh không có điều kiện để cứu con nên cứ cho rằng đáng lẽ ra nó chưa phải chết nếu được mẹ nó quan tâm đúng mức. Anh buồn quá không đi bán nhang nổi nữa. Anh mệt nhoài nằm nghỉ dưới chân cầu sắt bắc ngang qua sông Sài Gòn gần Ngân Hàng Quốc Gia cũ, nghĩ lại lời bạn bè kể lại thấy vợ anh ra bùng binh chợ Bến Thành "đi khách" để dành tiền cho anh làm vốn đi bán nhang. Anh mở nút hai típ thuốc ngủ trút hết vào miệng. Bị say thuốc, anh ộc mửa đầy cả áo quần, thân hình anh dẫy dụa mấy cái rồi "ngủ" luôn dưới chân cầu.
Lộc què mắc bệnh ho lao thắt cổ chết trong một toa xe lửa bỏ hoang ở Biên Hòa. Quý "đốc tưa Zivago" không nuôi nổi mẹ già 80 tuổi, bất lực nhìn mẹ già cầm lon ra chợ xin thức ăn nên cũng thắt cổ chết lè cả lưỡi ra. Thanh "Liệt" thì mài dao tự cắt cổ, cứa mãi không đứt vì sợ đau đâm ra bực mình liền chỉa mũi dao đâm một cái phọt thẳng vào tim. Anh chỉ kịp la lên một tiếng "ỐI" rồi buông dao ôm ngực ngã xuống đất, dãy đành đạch mấy cái rồi chết. Máu chảy ra lai láng, ruồi nhặng bu đầy làm nhiều người không dám đi ngang qua chỗ anh chết.
Anh Xuyến mù thì "tự chết" bằng cách cứ tiếp tục đi xin. Nghe đâu anh đã bị bắt trở lại rồi bị đưa lên "nhà nuôi" ở Núi Bà Đen Tây Ninh. Nhiều người trong trại đó trở về cho biết xác anh Xuyên chết cứng từ hồi nào trong đêm, sáng ra người ta mới phát giác, không biết anh Xuyên chết vì lý do gì.
Những anh em phế binh khác gặp may hơn vì nghe theo lời Năm Huệ cố phấn đấu từng ngày, thậm chí từng bữa, nên tiếp tục sống cho đến ngày hôm nay. Điều mà anh em phế binh chúng tôi chờ đợi từ lâu đã đến, đó là những cộng đồng người Việt tha hương ở khắp nơi trên thế giới đang nghe và hiểu được hoàn cảnh khắc nghiệt của chúng tôi nên đã quyên tiền góp bạc nhờ các hội đoàn thiện nguyện tìm cách gởi về giúp đỡ những người phế binh khốn khổ chúng tôi.
Cho đến hôm nay những điều suy nghĩ và dự đoán của anh Năm, người phế binh già, đã gần thành tựu vì cộng đồng người Việt hải ngoại sau bao năm xa cách quê nhà còn tưởng nhớ, yêu thương và đùm bọc anh em phế binh trong nước. Cảm ơn lòng tốt của các vị hảo tâm, nhờ sự giúp đỡ của quí ân nhân mà cuộc sống các anh em phế binh trong nước đang được hồi sinh.
Phế binh Trần Ngọc Tiến nhờ mua bán nhang giỏi và gặp hên nên đã cưu mang được anh mình là phế binh Trần Ngọc Tân, cụt một chân, mù một mắt, khỏi phải đi xin. Anh Tân sống được đến ngày nay là nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển đã tặng cho chiếc xe lăn có lắc tay làm phương tiện đi lại và được cấp cho một số vốn để đi bán vé số dạo. Hành động của bác sĩ Hiển như là ngọn đuốc thắp sáng cuộc đời đen tối của anh em phế binh chúng tôi trong nước.
Những hành động cụ thể này đã làm những anh em phế binh còn lại phấn khởi hẳn lên. Anh em chuyền tai nhau những tên và địa chỉ của các hội đoàn và ân nhân ở hải ngoại. Niềm tin đang trở lại với chúng tôi, nhiều anh em đã nhận được những sự giúp đỡ một cách tận tình, có người còn nhận được nhiều lần do những hội đoàn khác nhau gởi tới. Khát khao tìm lại cuộc sống có nhân cách trổi dậy. Các anh em giúp nhau viết thơ đến các ân nhân và hội đoàn xin được giúp đỡ và tiếng kêu của chúng tôi đã được nghe.
Ôi không còn gì sung sướng cho bằng! Anh em chúng tôi được... cấp vốn làm ăn nên thôi hành nghề ăn xin. Nhiều người vợ trẻ và con gái của những phế binh già cũng thôi ra "đứng" ở các bùng binh buổi tối mang tiền về nuôi sống gia đình. Con cái anh em phế binh cũng thôi đi bới các đống rác moi tìm các bao ny lông cũ và giấy vụn, các em bây giờ phụ cha mẹ đi bán vé số và bán nhang. Nhân phẩm mỗi người đã được tìm lại.
Trời Đất dường như đã hiểu và chiều lòng người nên đã có nhiều tấm lòng nhân đạo đáp lời giúp đỡ. Từ cái hộp quẹt hiệu Zippo của vị đại tá Vũ Ngọc Hướng bên Tây Úc (Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) được đem ra "đấu giá" để lấy tiền giúp đỡ phế binh cho đến những nghĩa tình ấm áp và những nổ lực không mệt mỏi của anh Lê Quang Vinh (báo Phổ Thông), các ký giả Nguyễn Văn Huy, Trọng Kim (báo Ngày Nay), Yên Mô (Thời Báo), Gàn Bát Sách (Tiền Phong), anh em đã được "ăn" những bữa cơm ấm áp tình người. Chúng tôi chỉ biết rưng rưng nước mắt cảm tạ lòng tốt của quí ân nhân.
Những chiếc xe lăn lắc tay của anh Phan Minh Hiển gửi về giúp những anh em phế binh có mức độ tàn phế nặng đi lại dễ dàng trong cuộc sống. Nhiều hội đoàn và ân nhân cảm mến những hành động nhân đạo của bác sĩ Hiển đã chung tiền góp bạc cho bác sĩ Hiển có điều kiện giúp đỡ anh em phế binh nhiều hơn. Những hành động này càng làm anh em chúng tôi vô cùng cảm kích. Bác sĩ Phan Minh Hiển đã không nề hà vị trí xã hội của mình, đã xăn tay áo bước xuống "vũng lầy" xã hội, chịu "lấm lem" như anh em chúng tôi, vực đỡ chúng tôi đứng dậy. Còn biết bao nhiêu hội đoàn khác nữa như các hội Huynh Đệ Chi Binh, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức và Nam Định ở Mỹ đã cùng với các ân nhân cứu sống các anh em phế binh ở quê nhà.
Đã lâu rồi, hơn hai mươi năm qua, cuộc đời sống tăm tối của anh em phế binh trong nước thiếu ánh nắng tình thương đã gần như khô cạn, tâm hồn của chúng tôi chai sạn theo gót giầy của những chủ nhân mới. Không ai trong chúng tôi còn tin rằng trên đời này vẫn còn có tình người, tình yêu tự nhiên giữa người với người. Làm sao tin được khi chung quanh chúng tôi chỉ thấy toàn ức hiếp và bất công đối với những người sa cơ thất thế, tàn tật và bần cùng. Mặc dù quê hương vẫn còn đó, hai tiếng gọi Việt Nam vẫn còn đó, nhưng lòng người đã khác xưa rồi. Không ai dám để lộ tình cảm riêng tư đối với hoàn cảnh chúng tôi, không nói đến những người đứng từ phía chính quyền hất hủi chúng tôi là lẽ tự nhiên mà ngay cả những người đã từng đứng chung với nhau trên một chiến tuyến cũ cũng đã ngoảnh mặt làm ngơ khi chúng tôi lỡ bước đi ngang.
Sống trong những hoàn cảnh như vậy làm sao có thể tin tưởng gì được nữa, chung quanh chúng tôi là những người xa lạ. Tuy cùng nói chung một tiếng nói Việt Nam nhưng không ai "hiểu" được nhau. Từ khi chúng tôi được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ, anh em chúng tôi đã tìm được ánh sáng soi bước đường mình đi, thấy được tình người đúng nghĩa, chúng tôi đã thấy được những người Việt Nam chăn chính, biết thương đồng bào đau khổ trên đất nước này. Nói theo cách nói của nhà báo Nguyễn Văn Huy, người Việt đang gặp lại nhau trong tình anh em tìm lại. Cách nói này thật hay và thật đúng với tâm trạng của anh em chúng tôi. Nó vừa tình cảm, vừa bao dung và tràn đầy lý tưởng. Tuy không biết nhau nhưng vẫn tìm lại nhau để xây dựng một tương lai chung, còn gì lý tưởng cho bằng! Xây dựng một đầt nước trong đó mọi người đều có một chỗ đứng như nhau, sẽ không còn người nào bị phân biệt đối xử vì quá khứ chính trị hay vì lý do tàn phế, chúng tôi chỉ biết chia sẻ và cảm ơn.
Việt Nam! Chúng tôi đã gọi quí vị ân nhân và các hội đoàn là như thế. Chúng tôi đã khóc trong niềm vui hoan lạc. Hy vọng một ngày mai tươi sáng đang trở về trong lòng chúng tôi và cũng từ cõi lòng sầu lắng, chúng tôi thân tặng quí vị ân nhân và các hội đoàn khúc hát tình thương, qua đó chúng tôi như đang được thở hít không khí tự do, trong một nước Việt Nam luôn coi trọng sự sống của con người:
Hoan khúc tình thương
Tình thương khai sinh từ chia sớt
Là tình thương khai nguyên từ con tim.
Tình thương cho ta lòng tha thứ,
Tình thương cho ta lòng hy sinh.
Hãy hát lên với tôi các bạn ơi!
Hoan khúc tình thương
Cho nhân loại thôi xa cách,
Cho xa vời cơn phân tranh.
Xích lai gần cuộc sống anh và tôi.
Hãy thiết tha trong khúc tình thương,
Cho nhân loại chuyền nhau hơi ấm,
Cho không còn những mục rữa cơn hoại sinh.
Hãy hát lên hoan khúc tình thương
Cho xa rời đêm tăm tối...