Chương 4
Những bóng ma trên hè phố

Quê hương, hai tiếng thân thương ai trong chúng ta cũng đã một lần gọi đến. Bình thường hai tiếng gọi thân thương ấy không gợi lên trong ta một cảm xúc nào vì đang sống với nó. Giống như không khí, con người hít thở nó để sống mà không cảm nhận sự hiện hữu của nó trong từng mạch sống. Chỉ đến khi thiếu dưỡng khí chúng ta mới cảm thấy nó là cần thiết. Cũng như thế, chỉ đến khi nào tôn miếu, xã tắc Việt Nam Cộng Hòa bị người cộng sản tiêu hủy, ngôi từ đường thờ kính tổ tiên bị bỏ phế, mồ mả cha mẹ, ông bà bị xúc phạm, khi ấy chúng ta mới cảm thấy thực sự mất mát, hụt hẫng vì quê hương không còn nữa. Chắc không ít ai trong chúng ta đã hơn một lần nhỏ lệ khóc cho quê hương điêu linh, tang tóc này. Vậy thì, các bạn hỡi, từ nỗi đau thương mất nước này hãy cùng chúng tôi lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của những mảnh đời rách nát.
Theo những biến đổi của thời cuộc, Hoa Kỳ và đồng minh rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam từ sau 1973, Việt Nam Cộng Hòa chao đảo theo từng đợt tấn công ào ạt của cộng quân. Nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc nuôi dưỡng âm mưu thôn tính miền Nam từ lâu, họ cho người nằm vùng trong những cơ quan, bộ phận trọng yếu của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa để quấy phá. Bị nội công ngoại kích, miền Nam sụp đổ mau chóng trước đợt tiến công quyết liệt từ đầu tháng 4-1975 của quân đội miền Bắc.
Kể từ sau ngày 30-4-1975 thủ đô Sài Gòn không còn nữa. Lăng mộ, tôn miếu, sơn hà, xã tắc của Việt Nam Cộng Hòa bị chà đạp. Mồ mả, nghĩa trang của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người đứng ra bảo vệ tổ quốc và đã hy sinh vì chủ nghĩa tự do ở miền Nam, bị đào bới, san bằng trong khi xác của Hồ Chí Minh được long trọng ướp trong hòm kiếng đặt ở quảng trường Ba Đình để được chiêm bái. Có người còn đến đó đùể khóc thương trong khi những nơi tôn nghiêm, thờ phượng ở miền Nam thì bị biến thành những khu "văn hóa" vui chơi tập thể. Ai khóc thương cho những chiến sĩ vô danh này, ai đoái hoài những người bị thương tật vì chiến tranh như chúng tôi chờ ngày tàn của cuộc sống? Bất công này biết bao giờ được gột rửa? Xin mọi người hãy chia sẻ và cố gắng xoa dịu nỗi đau của dân tộc nói chung và của chúng tôi nói riêng.
Chủ nghĩa cộng sản loang nhanh như vết máu trên mảnh vải trắng tự do. Chủ thuyết vô sản tràn lấp những giá trị xưa, rồi lấn chiếm mọi ngõ ngách tâm hồn, đe dọa mọi suy tư của người dân trong thành phố bị đổi tên, ai phê bình hay chỉ trích chế độ mới đều bị trừng trị. Các lãnh tụ cộng sản Các Mác, Lênin, Mao Trạch Đông được ngợi ca, xác ướp Hồ Chí Minh được tôn thờ. Một phó sản mới được nhào nặn ra, "thành phần 30 tháng 4" ngoan ngoãn vâng lời chủ mới, hống hách với bà con, họ hàng và còn ác độc hơn cả quân "giải phóng".
Chế độ cộng sản không cần đến tôn giáo đã đành, họ còn phỉ báng thần linh, ngăn cấm nghi thức thờ cúng ông bà, vong hồn người quá cố; tất cả đều là "mê tín dị đoan". Cảm xúc thiêng liêng và tình cảm riêng tư của con người đối với người cộng sản không là gì cả. Không những thế họ còn xúc phạm đến các tôn giáo, Chúa hay Phật, hoặc bất cứ đấng thiêng liêng nào cũng đều bị đem ra "đầu tố", nếu không bị mắng chửi bởi những người cuồng tín thì cũng bị bôi tro trát trấu. Những người lãnh đạo tôn giáo nếu không phải là thành phần "quốc doanh" thì bị liệt vào hàng "phản động", nếu không bị bắt giam thì cũng bị theo dõi, kiểm tra ráo riết. Họ còn cho người len lỏi vào các giáo phái, chia rẽ tín đồ, khai thác ngộ nhận, bẻ cong giáo lý, gài bẫy bắt giam giáo dân, hạn chế nghi thức thờ phượng. Chế độ cộng sản còn hủy diệt tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Việt Nam, các đình làng đều biến thành khu vui chơi, giải trí.
Để đạt mục tiêu mong muốn, nghĩa là "xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội" trên khắp cả nước, tập đoàn lãnh đạo cộng sản không ngần ngại chà đạp nhân phẩm con người nhưng khôn khéo che đậy bằng những mỹ từ nhân đạo, nào là thông cảm nỗi khổ của nhân dân, nào là xóa đói giảm nghèo, khiến dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại tin lầm. Khi đạt mục tiêu mong muốn, tất cả những thành phần dại dột tin theo đều bị bỏ rơi như những giẻ rách, kể cả những gia đình "liệt sĩ, cách mạng và mẹ chiến sĩ". Người đời có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời cộng sản biết thương đồng bào" thật là xác đáng.
Trong xã hội mới này, đạo đức bị coi thường, khôn sống dại chết, con người tranh nhau từng miếng ăn và nhìn người quen như... kẻ xa lạ. Liên đới xã hội mất dần chỗ đứng, có tiền thì có tất cả, không tiền thì không có gì hết. Quan hệ giữa người với người lần hồi mục rữa, kể cả những người sống ở nấc thang thấp cùng nhất xã hội. Chính quyền nhìn dân như kẻ thù địch và sẵn sàng dùng bạo lực trấn áp những ai tranh đấu đòi quyền sống danh dự. Chủ nghĩa xã hội không phải là chế độ của người nghèo. Quê hương này thật là bất hạnh, không có một tên êm đẹp nào đặt cho lá cờ sặc tanh mùi máu và cũng không tìm một tên nhân từ nào gọi tên những người cộng sản. Màu đỏ không phải là màu của tươi vui trong ngày lễ hội, nó là màu của tang thương và đọa đày bao phủ quê hương. Chủ nghĩa cộng sản gắn liền với sự độc ác.