Chương 50

Theo lệnh của tổng đài, chúng tôi dò đường vào đảo Côn Sơn, sương mù giăng kín mặt biển. Dãy núi trên đảo lần lần hiện ra trong lớp sương mù, ai cũng mừng rỡ, thuyền tôi trực chỉ về đảo Côn Sơn. Cuối cùng chúng tôi vào được một bến cảng. Lúc ấy khoảng 6 giờ chiều ngày 2-11, sóng vẫn to, gió vẫn mạnh. Khi vào đến đảo, cảnh tượng hết sức hãi hùng. Tất cả thuyền đậu gần đảo đều đứt neo, trôi dạt khắp nơi, nhiều chiếc đã đụng vào nhau, chiếc chìm chiếc nổi. Đó đây rơi vãi những mảnh vụn của thuyền bè bị hư bễ và rác rưởi chập chờn theo bọt sóng. Trên bến, thuyền này chồng cưỡi lên thuyền kia, có chiếc bị sóng đưa lên trên triền đá, kẹt cùứng luôn trên đó. Những gốc dừa trên bờ bị trốc rễ nằm ngổn ngang trên mặt đất. Những dãy nhà xây dựng bằng vật liệu kiên cố cũng tróc nốc, những căn nhà che lợp bằng vật liệu nhẹ chỉ còn chơ vơ nền đất, đồ đạc rơi vãi lung tung. Đó đây lác đác một vài thây người, xác thân bầm dập vì bị thuyền đè hoặc bị va vào vách núi. Cách đó không xa, nhiều người đang khiêng những xác chết xếp hàng dài trong căn nhà đổ nát vừa được dọn dẹp. Chúng tôi không dám buông neo, cứ để máy chạy cầm cự với những đợt sùóng dữ và thay phiên nhau canh giữ thuyền. Có người mệt quá té xỉu.
Trọn một đêm vất vã, sáng ngày 3-11, bầu trời quang đãng trở lại, gió giảm nhẹ, cơn bão đã qua đi. Chúng tôi được phép xuống bộ và chia nhau đi tìm trong số các tử thi xem có thấy xác người bạn trên thuyền cùng hai người bạn khác bị nước cuốn trôi ngoài khơi hay không. Đi qua những thi thể vô tri đó, tôi không khỏi mũi lòng. Ai là thân nhân của những người bạn xấu số này, gia đình có hay biết để đến nhận diện kịp thời hay không, hay họ sẽ được chôn vùi trên hòn đảo này. Tôi lang thang thơ thẫn giữa cảnh hoang tàn đổ nát, lòng rối như tơ vò. Mãi đến khi nghe có tiếng gọi tôi mới vội vàng quay lại thuyền. Anh em ở lại trên thuyền đang sửa soạn chuẩn bị đưa thuyền vào bờ sửa chữa, vá lại các lỗ hỗng. Tôi cũng bắt tay vào việc nhưng tâm hồn bất an. Không biết giờ đây cha tôi trên bờ có bị gì không. Cha tôi là một phế binh cụt cả hai chân, không di chuyển được dễ dàng, liệu có bề gì không. Còn vợ tôi với đứa con còn nhỏ dại, làm sao đủ sức chống bão... Tôi làm việc như người máy. Sau vài giờ phụ giúp anh em, những lỗ hỗng vừa vá xong. Đúng 2 giờ chiều cùng ngày, thuyền chúng tôi rời đảo Côn Sơn trực chỉ đất liền.
Trời quang, gió nhẹ, sau một đêm di chuyển thuyền chúng tôi bình yên trở về bến cũ. Lúc ấy đã khoảng 7 giờ chiều ngày 4-11-1997. Thuyền chúng tôi từ từ tiến vào bờ cùng với ba thuyền hộ tống, phòng có sự cố xảy ra cho thuyền chúng tôi. Vừa cập bến xong, thuyền trưởng liền ra lệnh kéo thuyền lên ụ sửa chữa. Một số anh em được phân công ở lại trông giữ thuyền, tôi cùng vài người khác thuê xe ôm cấp tốc chạy về nhà.
Vừa về đến nơi, sự kiện đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn, đổ nát. Căn nhà của chúng tôi vừa dựng lên cạnh mép bờ biển bị sụp đổ, nhà cửa tan hoang, vợ con tôi không biết đi nơi nào. Tôi rùng mình liên tưởng đến điều bất hạnh có thể xảy ra gia đình tôi. Tôi vội hỏi thăm mấy người hàng xóm còn đang thu nhặt những đồ đạc bị rơi vãi, họ cho biết hôm xảy ra cơn bão có người trông thấy bà nội các cháu xuống có lẽ rước vợ con tôi về làng trên. Tôi liền chạy bộ về nhà cha mẹ tôi cách đó độ vài cây số. Thật là sung sướng khi nhìn thấy cha mẹ, các em và vợ con tôi được bình yên. Căn nhà của cha mẹ tôi cũng không hơn gì căn nhà tôi ở bờ biển, cũng đổ nát nhưng đã được thu dọn lại gọn gàng, cha tôi lượm vài mảnh tôn che tạm để làm chỗ ngủ. Vạn tạ ơn Trời Đất đã phù hộ gia đình tôi được sống còn đầy đủ trước thiên tai khủng khiếp. Tôi vội chạy về Phước Tĩnh thông báo cho thuyền trưởng và được cho phép về sửa lại nhà vì ghe phải nằm ụ trên một tháng để tu sửa.
Sáng hôm sau, ngày 5-11, cả thị trấn Long Hải náo động vì tàu cứu hộ sẽ vào bến mang theo những nạn nhân bị đắm thuyền trong cơn bão. Thân nhân của những người đi biển kéo nhau ra trạm xá chờ chực cùng với một lực lượng lớn xe Hồng Thập Tự. Xe nào cũng có bác sĩ và y tá túc trực. Gần 8 giờ sáng, chuyến tàu đầu tiên cặp bờ. Dân chúng tụ tập hai bên đường ngóng trông. Ai cũng hy vọng trong đó có thân nhân của mình. Những người sống sót lần lượt được khiêng lên bờ và được xe Hồng Thập Tự chở đến bệnh viện. Nhìn những thân xác gầy guộc, mặt mày hốc hác vừa thoát chết trở về nằm bất động trên băng ca cố giương mắt nhìn tìm thân nhân, lòng tôi không khỏi xót xa. Xe Hồng Thập Tự tới lui liên tục, tiếng còi cấp cứu kèm lẫn với những tiếng than khóc của những người không tìm được cha, chồng, anh em, con cháu vang dội một góc trời. Tàu cứu hộ tiếp tục đưa người vào bờ. Xe Hồng Thập Tự hoạt động trọn ngày đêm hôm ấy mãi đến trưa hôm sau mới chuyển hết số người mắc nạn đến bệnh viện. Ai tìm được thân nhân bị nạn thì mừng rỡ, tận tình nuôi dưỡng, ai không tìm được thì tản đi các nẻo tìm kiếm.
Nghe một vài người sống sót kể lại, cơn bão đã tàn phá nặng nề hòn đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang. Thổ Chu là một hòn đảo nổi tiếng an bình nhất xưa nay nên nhiều thuyền chài ở Long Hải thường xuống đó đánh bắt tôm cá trong những tháng mùa gió bấc. Lần này tất cả đều bị cơn bão số 5 hãm hại. Có ghe bị đánh lật úp, kẹt luôn bốn xác người trong đó, thi thể bị dập nát nên được chôn cất luôn tại chỗ. Thật khủng khiếp sức tàn phá của cơn bão Linda.
Trong lúc sửa soạn mang hành lý về nhà cha tôi, tôi nghe ông Bố Già, một bạn chài lớn tuổi nhất trên thuyền của tôi, kể lại điều đã nghe thấy hôm tàu gặp bão. Lúc đó trời đã khuya, sóng biển cứ nhồi thuyền lên xuống, thuyền bị ngập nước sắp chìm, còn các anh em thì đang lui cui tát nước. Bất thần ông nhìn thấy dưới lườn thuyền có một cặp cá ông thật lớn nâng thuyền lên cao. Trên thuyền lúc đó ai cũng nghĩ là nhờ tát nước thuyền nhẹ bớt đi nên mới nổi lên khỏi mặt nước. Ông Bố Già đang giữ bánh lái, thấy thuyền chồng chành nổi lên một cách bất thường liền ló đầu ra ngoài buồng lái nhìn xuống mạng thuyền, ông giật mình khi thấy rõ ràng ràng hai thân hình to lớn đen xì đang ép vào mạng thuyền lướt đi trên mặt nước. Ông Bố Già sợ quá, chỉ lâm râm khấn niệm van vái chớ không dám lên tiếng sợ anh em làm náo động thuyền bị chìm. Lúc đó mọi người đều mệt mỏi nên không ai nhìn hai bên sườn tàu, hai con cá ông cứ chuyển con tàu trên mặt nước đến một vùng nước ít giao động rồi bỏ đi. Anh em trên thuyền nghe thuật lại đều tái mặt nhớ lại lúc con sóng lớn phủ ụp xuống tàu, máy móc đều tắt ngắm, tàu bị ngập nước chìm xuống biển, rồi tự nhiên lại nổi lên. Mọi người cứ nghĩ là do van vái trời yên gió lặng và do anh em quăng tất cả vật dụng nặng xuống nước nên con thuyền mới nổi lên. Mầu nhiệm thay, vậy là thuyền chúng tôi được ông độ rồi. Giả thử hôm đó không có cặp cá ông chuyển thuyền của chúng tôi sang vùng biển yên tịnh có lẽ giờ này gia đình chúng tôi cũng đang khóc lóc đứng chờ đoàn tàu cứu hộ tìm thân nhân.
Hiện tôi và vợ con tôi phải sống nhờ sự đùm bọc của cha mẹ tôi. Nhà cửa đành để vậy. Ngày ngày tôi vẫn phải vào Phước Tĩnh tu sửa thuyền bè, chờ sửa xong mới đi đánh bắt cá trở lại. Những ngày ở bờ gia đình không có lợi tức, viễn ảnh đầy đen tối, thất vọng. Số phận nghiệt ngã chẳng biết đến bao giờ mới dứt.
Cha tôi là một phế binh hiện đang sinh sống tại Bà Rịa, nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân ở nước ngoài, ông đã tìm lại nhân phẩm, gia đình tôi được sống những ngày đầm ấm. Nay trong cơn hoạn nạn mới, nạn nhân của cơn bão Linda, gia đình chúng tôi cùng những nạn nhân khác rất mong đón nhận sự giúp đỡ của quí ân nhân giàu lòng nhân ái. Chân thành cảm ơn và cầu chúc quí ân nhân muôn đời hạnh phúc.
Viết lại theo lời kể của Đoạn Trường,
phế binh Biệt Kích Mỹ cụt hai chân,
và người con trai cả hiện cư ngụ tại Bà Rịa, Vũng Tàu.