Chương 17

Hơn tám ngàn ngày đã trôi qua, chúng tôi sống lê thê theo ngày tháng, lê bước chân trên khắp nẻo đường của đất nước, từ cố đô Huế cho đến tận mũi Cà Mau. Tôi thường đi bán ở những vùng duyên hải, với hy vọng có dịp nào đó "tìm đường" thoát thân. Có một lần đi ra mũi Né, khi xe đến eo biển thì dừng lại, nơi đây "lầu của nhà thơ Hàn Mạc Tử". Nhớ lại câu chuyện trao đổi với Hiền, người nữ sinh Gia Long cách đây hơn hai mươi năm, tôi quyết định ở tạm lại đây một buổi chiều.
Khoảng ba giờ chiều, trời mưa lất phất. Tôi bước vào quán cơm, ăn vội vã một món gì đó rồi đi vào núi ông Hoàng. Tôi muốn lên đó xem cảnh vật nhưng cụt hai chân thì làm sao leo núi. Ngồi suy nghĩ một lát, tôi đã có cách, phải lột hai chân giả ra rồi từ từ bò lên. Phải mất hai giờ tôi bò đến nơi, mồ hôi ướt đẫm. Nằm trên một bệ đá bên đường nghỉ một lát, tôi từ từ hồi sức, gắn lại chân giả và chống nạng đi về phía lầu ông Hoàng. Cảnh vật nơi đây xinh đẹp, cỏ cây hoa lá đủ màu đủ sắc.
Từ lầu ông Hoàng, tôi nhìn ra bãi biển, nhìn về phía xa xăm và không nghĩ được gì. Lạ thật, có những lúc cần phải mơ mông, tôi không thể mơ. Tôi cố hình dung cuộc sống tốt đẹp tại nơi xứ người nhưng đầu óc mù tối, chỉ thấy trời xanh mây nước chập chờn, chỉ nghe tiếng sóng vập vờ trên bãi cát. Tôi chỉ biết mỗi một điều là bên kia bờ đại dương, người ta được sống trong tự do, bình đẳng và tình người, còn bên này là địa ngục trần gian, ít ra là đối với tôi. Đời tôi không có lối thoát, gia đình và con cái tôi không có ngày mai.
Tôi tự an ủi nhủ thầm có lẽ ngày xưa Hàn Mặc Tử cũng ra đây nhìn trời nhìn nước như tôi, ông có cái tài làm thơ, còn tôi chẳng có gì hết. Cả hai chúng tôi đều tật nguyền, nhưng tôi còn có vợ con, bạn bè bên cạnh, yêu thương và chia sẻ với tôi nỗi bất hạnh, còn ông thì sống cô đơn một mình, bị đời hắt hủi. Chính vì bị đời hắt hủi ông mới làm được những áng thơ hay, đóng góp cho văn học nước nhà. Đêm nay bầu trời lại có trăng, tôi nhớ lõm bõm vài câu thơ: "Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu, đợi gió đồng về để lã lơi..." hay "Không gian dầy dặc toàn trăng cả, tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng, mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diểu, nàng xa xôi quá nói nghe chăng?".
Trăng của Hàn Mạc Tử là trăng thơ mộng, trăng của tôi ngày nay u ám, trăng không còn sáng vì đám mây "hồng" che khuất, che phủ cả đời tôi, che kín tương lai con cái chúng tôi. Tôi vô vọng như ông đã tuyệt vọng. Ngày xưa Hàn Mạc Tử rao bán trăng, ngày nay tôi rao bán nhang. Trăng của ông chẳng ai mua, nhang của tôi cũng không bán được. Một phút yếu lòng, tôi định gieo mình xuống núi, muốn được chết để không còn phải khổ. Hình ảnh của Hiền và đàn con hiện ra, tất cả nhìn tôi âu yếm, không nói gì. Một hơi ấm chợt dâng trong tôi, tôi cúi đầu hổ thẹn. Hàn Mạc Tử chỉ có một mình mà vẫn sống, vẫn làm thơ, còn tôi có cả một gia đình yêu thương, đùm bọc, tại sao lại muốn chết? Không, tôi phải sống. Sống để nhìn sự biến chuyển của thời cuộc. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi và thức dậy trong nắng ấm và tiếng chim ca.
Sáng hôm sau tôi lần về phía chợ mũi Né bán hết những thẻ nhang trên vai và đón xe về Sài Gòn. Nằm nhà dưỡng sức một tuần, tôi tiếp tục vác bị đi về miền Tây bán nhang. Bắc Mỹ Thuận lúc nào cũng tấp nập người đi, đò qua sông Tiền Giang ngày đêm không ngừng nghỉ. Nơi đây trước kia cũng là địa bàn hoạt động của phe cộng sản, biết bao gia đình đã theo họ chống lại chính quyền miền Nam, giờ đây cũng đang khổ cực kiếm cơm kiếm áo như chúng tôi.
Ngày xưa người ta theo phe cộng sản chỉ vì ước mong xây dựng một chế độ đẹp hơn cái họ đang sống, nhưng tất cả đều lầm. Xã hội ngày nay là một xã hội không có tự do, nó là chế độ độc tài cộng sản. Hitler đã từng nói với Goebels, bộ trưởng thông tin, nói mãi một điều sai thì nó sẽ thành sự thật. Cộng sản nói mãi về cái xấu xã hội miền Nam, riết rồi nhân dân cũng tin và nghe theo họ. Khi biết rõ sự thật thì tất cả đều đã muộn.
Càng xuống đến miền tận cùng đất nước, mũi Cà Mau, đời sống càng cùng cực hơn. Nơi đây trước kia là chiến khu cộng sản, giờ đây cũng không thoát đai nạn, thậm chí còn nghèo khổ hơn những nơi khác. Bán nhang ở đây thật khó, không phải người dân không muốn mua nhưng vì không có tiền để mua. Ưu tư của họ là được sống sót qua cơn khó này, họ không còn trông mong gì nơi chính quyền này cả. Bán không được gì và muỗi nhiều quá, tôi ra đón xe về lại Sài Gòn. Tôi dừng lại ở chợ Mỹ Tho bán cho hết các thẻ nhang mới đón xe trở về. Đến thành phố trời đã 10 giờ tối, không còn xe về nhà nên tôi ngủ lại tại bến xe Chợ Lớn.
Đêm hôm đó là đêm kinh hoàng. Khoảng một giờ khuya, công an ùa vào bến xe bắt khoảng 350 người. Họ không cần hỏi giấy tờ gì cả, cứ thấy người ngủ bờ ngủ bụi là bắt. Thanh niên và phụ nữ sau đó bị đưa về trại giam Bố Lá lao động, người già cả và tàn tật thì đưa về "nhà nuôi Thị Nghè". Trong số đó có hai người vợ của phế binh mới chết nên phải vào bến xe làm nghề giác hơi cho khách để kiếm tiền nuôi con. Hai chị quả phụ này, người thứ nhất có ba đứa con nhỏ, có đứa mới sanh được hai tháng, hai đứa còn lại mới 7 và 8 tuổi; chị thứ hai cũng có hai đứa con, một đứa 9 tuổi đứa kia 10. Công an bảo hai chị phải giao mấy đứa con cho "nhà nước" nuôi còn hai chị phải đi lao động, hai chị này nhùất định không giao, cố ẵm con giữ chặt vào lòng. Toán công an nhào tới gỡ tay hai chị ra, giựt mấy đứa nhỏ đưa vội lên xe chở về "nhà nuôi" Gò Vấp. Hai chị bất lực chỉ biết khóc, chửi bới một hồi rồi cũng bị tống lên xe. Thấy cảnh bất công và đau lòng này, tôi liền ngồi dậy chống nạng bước ra chỉ choœ:
- Tụi mày là quỷ hay sao mà ác quá vậy? Không biết thương người hả? Tụi mày không thấy người ta là đàn bà có con mọn sao mà tàn nhẫn quá vậy? Đúng là đồ súc vật!
Đám công an sừng sộ nhìn tôi, một thằng nhào tới đá vào hông tôi một cái, nhiều tên nhảy tới đánh hôi, tôi bị té sấp xuống đất. Không biết một thằng nào đó chạy tới cầm cây quất vào đầu tôi mấy cái, tét cả da đầu, máu tuôn xối xả. Tất cả những người bị bắt bị đưa về "nhà nuôi" Thị Nghè. Những anh em phế binh bị nhốt trong phòng giam tập thể. Còn tôi thì bị biệt giam, căn phòng nhỏ hẹp, chật chội và hôi thối. Tôi bị cụt hai chân mà còn phải khòm lưng để ngồi và nằm cũng khó khăn. Nói là nhà nuôi nhưng thực tế là nhà giam, chung quanh là hàng rào kẽm gai, có công an gác cửa. Mỗi ngày họ cho ăn hai chén cơm nhỏ và một ly nước uống. Sau hai tuần lễ biệt giam tôi bị kiệt sức, không còn ăn uống được gì nữa nên quản giáo mới đưa tôi ra phòng tập thể, tại đây tôi được anh em chăm sóc tôi nên từ từ tỉnh lại.
Khi vào phòng tập thể, tôi mới biết có khoảng hai trăm thương phế binh bị giam tại đây. Phòng giam quá nhỏ nếu nằm hết thì không có chỗ, do đó ngày cũng như đêm anh em thay phiên nhau đứng, nằm. Về thức ăn thì mỗi ngày quản giáo trại cho ăn cơm với khô mực sình thúi, đáng cho heo ăn, và ăn cũng chẳng no. Các anh em phải uống thêm nhiều nước để bớt đói, nhiều người đã chết vì bệnh kiết lị. Thêm vào đó, phòng giam quá hẹp và bít bùng, lỗ thông hơi quá nhỏ thiếu dưỡng khí, nên mỗi đêm có một vài người quá yếu sức bị chết ngộp. Xác những người bất hạnh được bó trong mảnh chiếu rồi chôn vội vàng ở phía sau trại.
Trường hợp bị bắt của mỗi anh em phế binh cũng rất khác nhau. Một anh kể rằng một đêm nọ ba anh em phế binh đang ngủ trong nghĩa địa Phú Lâm, trời mưa gió suốt đêm, tấm bạt nylon mong manh che không nổi sức gió, một anh đã chết vì lạnh. Sáng hôm sau, hai anh em còn lại ra phường báo cáo sự kiện rồi phường bắt đưa vào đây luôn. Một trường hợp tương tự do một anh khác kể lại là một sáng đang đi bán nhang cùng với một người bạn, anh này bị chóng mặt nên phải ngồi dựa gốc cây nghỉ và nói sẽ đi sau, anh kia đi bán đến 2 giờ chiều trở lại gốc cây tìm bạn, thấy bạn mình vẫn còn nằm ngủ, anh nắm vai lắc mạnh thì anh kia đã tắt thở từ hồi nào, xác cứng đờ. Anh ta vội vàng ra phường báo cáo thì bị người ta bắt đưa luôn vào đây, anh đã ở trại giam này hơn mười tháng nay.