Chương 27

Theo lời Nam kể lại, vào xế chiều ngày 1-5-1975, sau khi những người cuối cùng trong trại thu xếp đồ đạc chuẩn bị về nhà, một tiếng nổ vang ầm từ ngoài sân vọng vào, ai nấy đều giật mình. Một phế binh mếu máo chạy vào báo tin hai anh bạn cụt hai chân ngồi chung trong chiếc xe lăn đã ôm một trái lựu đạn tự sát. Lúc đó Nam có nghe người bạn phế binh nhắc đến tên hai anh đó nhưng vì tâm thần bất an nên đã quên tên. Có người nghe lời trăn trối cuối cùng của hai anh trước khi tự sát kể lại rằng các anh quá thất vọng và chán chường vì đã mất tất cả, các anh không muốn sống chung với cộng sản nên đã quyết định bung chốt lựu đạn cùng nhau đi vào cõi chết. Nam nói họ đúng là những con người đầy nghĩa khí, bất khuất không muốn đầu hàng quân địch. Toán bộ đội gác cửa chạy vào, mắng chửi những anh em còn lại và xô đẩy tất cả mọi người ra ngoài để lục soát, truy tìm vũ khí. Từ đó phòng nào cũng có một bộ đội đứng gác và thúc dục những người còn lại thu dọn đồ ra đi.
Nam cũng cho tôi biết ca sĩ Vân Sơn đã tự sát. Trước đó tôi đã có nghe nhiều tin đồn về anh, mỗi người thêu dệt một cách, có người nói lộn cả tên anh. Thực là ca sĩ Vân Sơn trong ban nhạc AVT đã nhảy xuống sông Thị Nghè tự vẫn. Ban nhạc AVT gồm có ba người là Vân Sơn, Tuấn Đăng, Lữ Liên, đó là ban tam ca nổi tiếng về những ca khúc châm biếm sâu sắc nhẹ nhàng.
Sau vài ngày ở chơi với tôi, Nam và đứa con trai giã từ tôi về lại quê cũ sống nhờ người chị thứ ba chờ thời. Đời sống vùng quê Nam lúc ấy còn thấp kém lắm. Tất cả ruộng rẫy đều phải vào hợp tác xã, làm ăn tập thể chứ không được làm cá nhân. Gia đình chị Ba của Nam cũng như bao gia đình nghèo khó khác lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải ăn độn. Cả nhà làm quần quật suốt ngày mới có miếng ăn. Nam cảm thấy không khí ở đây ngột ngất khó chịu vô cùng. Mặc dù là người tàn tật, Nam vẫn không được chính quyền cho mua gạo giá chính thức, phải mua gạo giá chợ đen. Biết ở nơi này khó sống, không thích hợp với hoàn cảnh của mình, Nam xin phép chị dẫn con trở về thành phố sinh sống.
Ban đầu Nam có ý định điđi lậu vé để đỡ tốn tiền, bớt đồng nào hay đồng nấy. Trong túi Nam chỉ còn chút ít tiền, không đủ chi dụng khi vào đến Sài Gòn. Hàng ngày, thằng con nhỏ dẫn Năm đi xin ăn từ làng này sang làng nọ dọc theo quốc lộ. Cứ như thế, ban ngày đi ăn xin, chiều về hai cha con kiếm các sạp chợ, hoặc các hàng hiên tạm ngủ qua đêm. Đi đường mệt nhọc, Nam dừng lại ở một vùng nào đó để nghỉ ngơi, có khi kéo dài khoảng một tuần lễ, vì vậy ròng rã hơn cả hai tháng Nam cùng con mới về đến Sài Gòn.
Trở về căn nhà cũ ở làng phế binh, bộ đội gác cửa đuổi hai cha con đi. Nam sực nhớ tới một người bạn ở một xóm nhỏ trong khu ổ chuột gần cầu Chữ Y, quận 8. Gặp lại bạn cũ, gia đình anh vui vẻ chia sẻ với Nam căn nhà chật hẹp. Đời sống dân chúng ngày càng khó khăn, một số dân trong xóm đã đi vùng kinh tế mới, những người còn lại sống khắc khoải trong cảnh nghèo khó, ngày hai bữa ăn độn bobo. Mặc dù thiếu thốn, tinh thần đùm bọc chòm xóm vẫn mặn mà.
Với thân phận mù lòa và con còn nhỏ dại, Nam phải làm nghề gì đây để mưu cầu cuộc sống, trong khi đó ngoài xã hội biết bao nhiêu người lành lặn kiếm việc không ra. Tiền cấp đưỡng phế binh đã bị cúp từ lâu, Nam đành chấp nhận số kiếp ăn xin. Mỗi lần đi xin là mỗi lần tủi hổ, sáng sáng hai cha con lê lết từ quận này sang quận nọ, từ ngày này sang tháng nọ, van xin người dưng bố thí. Ròng rã hơn mười năm đi ăn xin cùng với cha, vui buồn lẫn lộn có nhau, thằng con Nam nay đã lớn. Tội nghiệp cho nó, vừa mới ra đời chưa được bao lâu thì bị mẹ bỏ rơi, cha thì tàn phế. Đáng lẽ nó phải được hưởng sự hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò, hăng hái chạy nhảy tung tăng vui đùa cùng chúng bạn bè đồng trang lứa, nhưng nó không có may mắn đó. Tuổi thơ của nó chỉ biết nghèo hèn và tủi nhục, cuộc đời trẻ thơ đã sớm trải qua gió bụi phong trần, chưa bao giờ biết đến mộng mơ. Cũng chính nhờ đó đứa con của Nam đã hiểu cuộc đời sớm hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Thấy con nhiều lần biết ngập ngừng trong lời ăn tiếng nói khi gặp người quen thấy nó dẫn cha đi ăn xin, Nam biết con mình đã lớn. Không thể dẫn con đi theo mình như vậy được nữa, chỉ làm cho nó thêm mặc cảm, Nam gởi con vào nhà người anh họ, nhờ giúp tìm cho nó học một nghề để tự lập tiến thân. Hàng ngày Nam dong ruỗi một mình, cầm gậy đi qua các đường phố rao bán vé số để dành tiền cho con học nghề. Nam chỉ mong sao cho tương lai của con được tốt đẹp vinh hiển để bù đắp những ngày thơ ấu, xa mẹ, thiếu thốn và khổ nhọc, và nhất là không phải sống tủi nhục như cha nó.
Về phần tôi, hơn hai năm qua vì mãi bận rộn với miếng cơm manh áo, tôi chưa có dịp vào thăm anh Nhứt Mù, nhà ở Thủ Đức cách nơi tôi ở không xa. Một ngày nọ nắng trời dịu xuống, tôi rủ thằng bạn cùng vào thăm anh Nhứt Mù. Anh Nhứt là bạn thân của Nam cùng nằm chung phòng trong bệnh viện ở miền Trung và cũng là thân quen với tôi từ nhiều năm qua. Trong lần từ giã trước biến cố 30-4-1975, Nam chí tình dặn bảo tôi thỉnh thoảng phải tới thăm anh Nhứt cùng gia đình, nếu giúp được gì thì cứ giúp, đời sống gia đình anh rất khó khăn. Đón xe Lam tới nhà anh, chúng tôi mất hơn nửa tiếng. Tới đầu con xóm nhỏ hỏi thăm gia đình anh Nhứt Mù ai cũng biết. Nhà của anh cách nghĩa địa không xa bao nhiêu, đứng ngoài đường cái nhìn vào những chòm mả thấy được căn nhà của anh thấp thoáng sau mấy hàng cây khuynh diệp.
Đường đi vào nhà anh Nhứt Mù quanh co, gập ghềnh mô đất và ổ gà. Vào những ngày trời mưa, đường đi càng trơn trợt, lầy lội và bùn sình. Chúng tôi đi lần vào tới trước nhà, cỏ mọc hoang dại, tràn lan ở phía ngoài sân vì không có ai phát cỏ. Căn nhà của anh Nhứt từ lâu lắm rồi không được tu sửa nên có phần xiêu vẹo. Vách nhà bằng lá đã mục nát, mấy miếng nẹp cây cột bị lệch lạc vì sút dây kẽm. Mái nhà lợp bằng tôn thiếc, nhiều tấm đã rỉ sét, có tấm lũng lỗ chỗ. Mỗi khi trời mưa, căn nhà bị ngập ướt nước. Nhà anh Nhứt bây giờ trống trước trống sau, không có tủ thờ, bàn ghế và bộ ván ngựa như năm xưa. Anh đã bán lần hồi những đồ đạc có giá để lấy tiền mua gạo nuôi đàn con thơ dại. Hai ba chiếc ghế sút gọng, gãy chân được chấp vá bằng mảnh cây tạp nhạp, đặt dựa vách nhà. Một cái giường cũ kỹ, giát giường kêu cọt kẹt lúc lắc mỗi khi ngồi lên, được để nằm sát cửa sổ, đây là nơi duy nhất để đón tiếp khách, bè bạn. Ngoài ra căn nhà không còn một vật dụng gì nữa. Đỡ một chút là nền nhà được tô láng bằng xi-măng, tối đến cả nhà trải chiếu trên nền nằm lăn ra ngủ.
Anh Nhứt là lính Sư Đoàn 25 Bộ Binh, bị mù hai mắt vì mảnh đạn B40. Sau khi giải ngũ, anh được chính phủ cấp dưỡng chu đáo, về sau có người bà con cảm thương tình cảnh bảo anh về đây cất nhà mà ở thay vì vào làng phế binh. Từ đó gia đình anh về trong căn nhà vách lá, mái tôn trong mảnh đất đầy ao vũng. Dân cư trong xóm lúc đó còn thưa thớt, nhà ở cách khoảng, mọi người đều thương mến gia đình anh vì anh ăn ở hết lòng với họ. Anh Nhứt trước khi bị trọng thương có ba đứa con được sinh ra trong một trại gia binh, khi giải ngũ về xóm này ở thì sinh thêm ba đứa khác, như vậy anh có cả thảy sáu đứa con.
Nghe tiếng tôi gọi oang oang ngoài cửa, anh Nhứt lăng xăng bước ra ngoài cửa mà không cần ai dẫn dắt, y như một người sáng mắt. Anh mừng rỡ, nói năng liền miệng, tay dẫn tôi vào nhà, sai con nấu nước rồi tự tay pha trà, rót ra chén một cách thành thạo, vừa đủ không tràn nước. Bạn tôi khẽ mỉm cười rồi ngó tôi gật đầu tỏ ý phục. Anh Nhứt nói từ lâu không có ai vô thăm nên có hơi buồn, nay có chúng tôi đến lòng anh vui lắm, quyết giữ chúng tôi ở lại chơi thật lâu không cho về sớm. Nét mặt anh rạng rỡ, cười nói nhiều hơn mọi ngày.