(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Cuộc xâm chiếm Phi Luật Tân

    
rong khi về phía tây những trận đánh đầu tiên diễn ra tại Ma Lai, về phía đông người Mỹ cũng phải chịu đựng những thất bại đau đớn tại Phi Luật Tân.
Thật vậy, kế hoạch miền Nam đã tiên liệu việc tiêu diệt các kẻ gây rối đang đe dọa cạnh sườn con đường chuyển vận đoàn quân xâm lăng chính yếu của Nhật Bản.
Nhờ màng lưới gián điệp xuất sắc, Yamamoto đã xác định giá trị của hệ thống phòng vệ Hoa Kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân. Một tiểu hạm đội tuần dương hạm, vài tàu ngầm đặt căn cứ tại cửa khẩu Cavite trong vịnh Manille, hay hay ba Sư đoàn bộ binh được thành lập với người bản xứ do các huấn luyện viên Mỹ chỉ huy. Không có gì có thể làm ông quá lo âu. Chắc ông có thể “qua mặt” dễ dàng những tiền đồn mong manh này mà sự tiêu diệt hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng làm tiêu tan mọi hy vọng được yểm trợ. Nhưng đến phút chót, ông vừa được biết có 36 phi cơ B-17 vừa mới đến Manille, những pháo đài bay trứ danh mà vào thời đó không có một kiểu nào tương đương. Do đó ông đã ra lệnh oanh tạc ồ ạt các phi trường và đổ bộ vài đơn vị bộ binh lên phía bắc đảo Lujon, đảo quan trọng nhất và gần Đài Loan nhất trong quần đảo Phi Luật Tân.
Ngay trong thời bình, Bộ tham mưu Mỹ cũng không bao giờ quan niệm có thể bảo vệ chừng 1.700 đảo và 8.000 đảo nhỏ của quần đảo tản mác này mà diện tích 300.000 cây số vuông trải dài trên hơn mười vĩ độ giữa đường xích đạo và các chí tuyến (Đúng 1.400 cây số). Quân đội của xứ “Commonwaelth” này được thành lập từ năm 1934 dưới sự giám hộ của Mỹ gồm binh sĩ được tuyển mộ tại địa phương và được huấn luyện bởi Tướng Mac Arthur, một trong các tướng lĩnh nổi bật nhất của Hoa Kỳ.
Là con của một người từng chủ tọa cuộc giải phóng lãnh thổ Phi Luật Tân thời chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, ông tướng này đã tham dự các trận đánh đầu tiên tại quần đảo, đã đóng ở đấy hai lần, và có dây liên lạc thân hữu với Quốc trưởng, Tổng thống Quezon.
Năm 1930, sau một binh nghiệp chói sáng, khi Douglas Mac Arthur leo lên chiếc ghế tối cao Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, ông đã không quên xứ này, một xứ sở mà ông xem như là tài sản riêng của gia đình. Ông luôn luôn có ý tưởng thành lập một đạo quân Phi Luật Tân được các huấn luyện viên Mỹ chỉ huy và biến quần đảo thành ra tiền đồn của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.
Chính sách này không thu được thắng lợi tại Quốc hội Mỹ, và năm 1935, khi ông được Tướng Malin Craig thay thế tại Ngũ giác đài, thì không ai làm gì để tăng cường căn cứ hải quân Cavite lẫn hòn đảo nhỏ Corregidor, vị trí phòng thủ lối ra vào vịnh Manille. Riêng phần đạo quân Phi Luật Tân thì mặc dầu có các nỗ lực của ông, đã giảm xuống còn vài ngàn “hướng đạo sinh” được huấn luyện theo kiểu Mỹ và vài Sư đoàn tuyển mộ từ người bản xứ vốn chỉ có trên giấy tờ. Mặc dầu đã leo lên đến tận đỉnh của hệ cấp quân sự, Douglas Mac Arthur cũng không làm sao biến được các ý tưởng của ông thành ra có giá trị thực tiễn, và ông cho đó là niềm cay đắng của mình. Hiểu rằng không còn có thể chờ đợi được gì nữa trong xứ mình với một chức hàm thuần túy, ông xin Tổng thống Roosevelt phái qua Phi Luật Tân trong danh nghĩa trưởng phái bộ. Do tính cách quân sự lẫn chính trị của danh nghĩa này, ông sẽ đứng đầu một quái trạng tạo nên bởi sự hiện diện của một tướng lĩnh bốn sao trong vị trí chỉ huy một đạo quân trơ xướng ốm yếu. Tổng thống Roosevelt thỏa mãn yêu cầu này và vị cựu Tổng tham mưu trưởng quân lực Mỹ hân hoan đến nhận lại các chức vụ cũ của mình bên cạnh ông bạn Quezon.
Hai năm sau, mặc dầu nhiệm vụ ông còn lâu mới hoàn tất, Mac Arthur bị gọi về Mỹ đột ngột không một lời giải thích “để phục vụ trong quân đội chính quốc”. Hành động đầu tiên của ông là gửi đơn từ chức, nhưng vì nghi ngừ có âm mưu gì, Tổng thống Quezon đã can gián ông. Do đó ông tướng nghe theo lời khuyên của bạn đáp ngay chuyến tàu đầu tiên về biện minh cho mình trước Roosevelt. Cuộc tiếp kiến thoạt tiên không được nồng đượm lắm, nhưng vốn là người biết đánh giá cao những kẻ có cá tính, Tổng thống Roosevelt để cho bị thuyết phục rằng không thể bỏ mặc Phi Luật Tân cho một vị Thống đốc dân sự nào đó, và cho phép Mac Arthur về hưu rồi trở lại cạnh Quezon với một tước vị bán chính thức: “Cố vấn quân sự”.
Trong vai trò mới, ông đi biểu dương một hoạt động đáng kể đến nỗi danh hiệu cố vấn được thay thế mau lẹ bởi một danh hiệu ồn ào hơn “Field Marshall của quân đội thuộc xứ liên hiệp Phi Luật Tân”. Dưới sự thúc đẩy gắt gao của ông, trong vòng hai năm, đạo quân này lên đến 100.000 người. Nhờ ảnh hưởng cá nhân, ông được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Tướng Satherland, trưởng phái bộ quân sự Hoa Kỳ để huấn luyện đạo quân của ông và để chỉ huy cả họ nữa. Nhưng, ngoài vài sự cung cấp vũ khí, sự giúp đỡ chính thức chỉ giới hạn trong việc cho mượn tạm vài huấn luyện viên trích ra trong đoàn quân chừng hai mươi ngàn người dưới quyền của Sutherland. Không một yêu cầu nào do Quezon gửi cho Tổng thống Roosevelt để tổ chức hệ thống phòng vệ quần đảo, để cải thiện các phi trường tại đấy và biến căn cứ hải quân Cavite thành một Tân Gia Ba thứ hai, được thỏa mãn cả.
Do đó, ông tướng có vóc dáng cao lớn, vẫn còn giữ vẻ trẻ trung lạ lùng, đã trải qua những năm trước chiến tranh trong một chức vụ, ngồi không ăn lương, vàng son như thế. Ông sống với bà vợ trẻ (Đó là cuộc hôn nhân thứ hai của ông - cuộc ly dị của ông đã gây tai tiếng rất nhiều tại Hoa Thịnh Đốn và tạo thêm động lực để đẩy ông đi Phi Luật Tân) và người con nhỏ trong một căn nhà sang trọng nằm trên tầng chót của khách sạn lớn nhất Maniille. Mọi sự chuyển dịch của ông là cả một sự phô trương kiểu Á Đông. Ông chỉ huy theo cách của Lyautey, với một quyền uy thay đổi, ôn hòa khi phải làm như thế vì một thứ lòng tốt rất quý phái vốn biết làm rung động và lôi cuốn những quả tim. Nhưng ông chỉ điều khiển độc có quân đội Phi Luật Tân.
Tháng 7 năm 1941, khi cuộc tấn công của Nhật vào Đông Dương rốt cuộc đã mở mắt người Mỹ, vấn đề tăng viện cho Phi Luật Tân được đặt ra với tất cả nhạy bén. Tướng Marshall đề nghị gửi cho Tướng Sutherland tăng viện về người và chiến cụ cũng như sự thiết lập một căn cứ không quân cho các pháo đài bay. Nhưng một không đoàn chiến đấu có tầm mức quan trọng đó phải được một tướng lĩnh không quân chỉ huy. Thật khó mà đặt ông ta dưới quyền một tướng lĩnh khác cùng cấp bậc, đó là trường hợp ông tướng trưởng phái bộ quân sự Mỹ. Cần phải tìm một tướng lĩnh khác có hơn một sao...
Một người gợi ý: “Tại sao không phải là Mac Arthur?”
Marshall không ưa ông quan chuyên chế địa phương có dáng điệu như một đại minh tinh màn bạc ấy, do đó đã nhăn mày. Trái lại, Roosevelt thì lại thấy ý kiến ấy là tuyệt diệu. Gia đình Mac Arthur luôn luôn theo đảng Cộng hòa. Chính Douglas cũng có ảnh hưởng không chối cãi được trong đảng. Nếu không làm cho con người quái quỷ ấy bận rộn việc gì, ông ta có thể trở thành một ứng cử viên gây khó chịu trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Gọi ông trở lại quân đội là sắp xếp được hết mọi chuyện...
Chính vì vậy mà ngày 27 tháng 7 năm 1941, trong khi đang ăn trưa trên chiếc sân thượng tràn ngập hương hoa ngoại quốc của đại khách sạn Palace tại Manille, Douglas Mac Arthur được biết rằng ông bị mất tước vị “Field Marshall của quân đội Phi Luật Tân” để được gắn lon Trung tướng khiêm nhường hơn nhiều - cùng cấp bậc mà ông đã lên lên đến nơi, cũng tại nơi này hai mươi lăm năm trước (Qui tắc xưa cũ của quân đội Mỹ bó buộc việc phục hồi cấp bậc này chỉ có tính chất tạm thời). Quả thật là người ta đã ban thưởng cho ông một trong những chức vụ chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ: đó là chức vụ chỉ huy chiến trường Thái Bình Dương mới vừa được sáng lập.
Nhà quân sự lão thành đã nhận sự đãi ngộ ve vuốt này sau khi hạ bệ mà không chau mày. Thái độ đầu tiên của ông là từ chối. Nhưng, trong lúc ấy, nhờ một thông tin viên bí mật báo cho biết nội vụ, Tổng thống Quezon hấp tấp chạy đến. Ông ta nhón gót ôm hôn ông tướng và đeo vào vai ông, tìm cách xoay chuyển cái nhìn lạnh lùng của ông bằng cặp mắt van lơn.
“Tất cả những gì chúng tôi có là của ông. Tất cả những gì mà chúng tôi được như bây giờ là nhờ ông!” Tổng thống Phi Luật Tân thì thầm.
Niềm hăng say cao cả, giọng nói chân thành, Mac Arthur đành nhượng bộ. Ông chấp nhận nhiệm vụ bạc bẽo là phòng thủ với gần như bàn tay trắng, xứ sở này, một xứ sở có một dân tộc được ông yêu thương và nơi đó ông được yêu thương.
Ngọn lao đã phóng đi. Ông bắt đầu làm việc với nhiệt tâm mãnh liệt vẫn luôn luôn thúc đẩy ông trong hành động. Trong vài tháng trời ông đã sẵn sàng đưa ra chiến trường một đạo quân thuần nhất, đã cho xây doanh trại đồn trú dành cho đoàn quân mà rốt cuộc người ta đã chấp thuận gửi cho ông, ông phái các xe ủi đất nới rộng phi đạo các phi trường Clark Field và Nichols Field tại Lujon, và phi trường Del Monte tại Mindanao. Ông cho thiết trí đại bác phòng không chung quanh các cứ điểm quan trọng và thiết trí hai đài rada vừa được ban cấp trên núi cao phía bắc và phía nam Lujon.
Ba tháng sau, ông có trong tay 60.000 binh sĩ Phi Luật Tân, 12.000 hướng đạo kinh nghiệm chiến đấu trong rừng rậm và 20.000 quân Mỹ do tướng Sutherland nhường lại để trở thành Tham mưu trưởng của ông. Vũ khí của họ còn bất ổn định, chiến xa cũ kỹ nhưng kỷ luật thì hoàn toàn và tinh thần thì rất cao.
Công cuộc phòng thủ đảo Lujon được phân chia cho hai đạo quân. Khu vực phía bắc đặt dưới quyền của một trong các môn đệ được ông yêu mến nhất của trường West Point, tướng Wainwright, người được ông đặt hoàn toàn tin tưởng. Chính ông sở cậy đạo quân này để chịu đựng vố đầu tiên trong trường hợp bị xâm lăng.
Ngày 4 tháng 11 1941, tướn Brereton, một phi công kỳ cựu thuộc thế hệ đầu tiên, đáp xuống phi trường Clark để nắm quyền chỉ huy không lực. Tháng 12, Brereton có trong tay 72 khu trục cơ, trong đó có 18 P-40 kiểu mới nhất và 35 pháo đài bay B-17. Kế hoạch phòng thủ của Mac Arthur tiêu liệu rằng các pháo đài bay này sẽ đến oanh tạc các phi trường của Nhật tại Đài Loan ngay khi chiến tranh bùng nổ. Chúng phải đặt căn cứ tại Del Monte trên hòn đảo lớn Mindanao, nằm ngoài tầm oanh tạc cơ Nhật.
Tối hôm trước ngày 8 tháng 12, một phần sự di chuyển này đã được thực hiện: 18 chiếc B-17 đến Del Monte, 17 chiếc còn lại ở Clark Field trong khi chờ đợi các công tác sắp xếp đã định trước.
Vì thận trọng, Mac Arthur cho phép Đô đốc Hart, Tư lệnh Hạm đội Á châu gửi ba tuần dương hạm và sáu khu trục hạm của ông ta xuống biển Java và ở lại đó chờ đợi tình hình sáng sủa hơn. Ông chỉ giữ lại tại căn cứ Cavite hạm đội tàu ngầm và các khinh tốc đỉnh phóng thủy lôi.
Mac Arthur tin chắc rằng đã làm tất cả những gì trong phạm vi thẩm quyền để chịu đựng trong hai tuần lễ vố tấn công xâm lăng trong tương lai - nghĩa là thời gian cần thiết để Hạm đội Thái Bình Dương đến tiếp cứu.
Trưa ngày 6 tháng 12, khi Đô đốc Sir Tom Philips từ Tân Gia Ba đến thăm, Mac Arthur tiếp ông với lòng trắc ẩn kín đáo của một người độc thân cường tráng mà một người thân trong gia đình vừa đến báo tin một trong các con cái lâm bệnh. Thật vậy “các thuộc địa” của Anh và Hà Lan tại Viễn Đông đối với ông có vẻ được thể hiện một cách lý tưởng và có thực chất hơn là xứ “Commonwealth Phi Luật Tân” được hạm đội Thái Bình Dương bảo vệ nhiều. Ông đảm bảo với Sir Tom Philips rằng chính phủ Mỹ vốn đã cung cấp cho Anh và Nga những số lượng vũ khí khổng lồ để chịu đựng cuộc chiến tranh tại Âu châu sẽ can thiệp đúng lúc nếu sự đe dọa của Nhật trở nên rõ rệt hơn. Sự hiện diện của chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse tại Viễn Đông là một lá bài tẩy quan trọng và phải sẵn sàng sử dụng chúng tối đa bằng cách nghiên cứu ngay từ bây giờ những nét chính của một sự hợp tác trong tương lai. Những nét chính này sẽ được ấn định cùng với Đô đốc Hart trong cuộc hội nghị tham mưu mà ông đề nghị đích thân chủ tọa vào sáng ngày mai.
Nhưng hôm sau, 7 tháng 12, có tin cho biết một đoàn tàu Nhật đã được phát hiện trong vịnh Thái Lan. Như chúng tôi có nói, Sir Tom Philips xếp hành lý và hấp tấp trở lại Tân Gia Ba.
Dầu vị Đô đốc Anh đã ra đi, buổi hội nghị cũng vẫn được tổ chức. Đa số có ý kiến rằng đoàn tàu ấy đang trên đường đến Thái Lan. Sau Đông Dương thuộc Pháp, những yêu sách lấn át của Nhật lan tràn như vết dầu loang. Tổng thống Roosevelt khó thể chấp nhận một cách thụ động hành động thách đố mới này. Vậy thì phải đặt quân lực trong tình trạng báo động. Các đài rada liền được lệnh canh chừng liên tục, các ổ cao xạ thường trực sẵn sàng khai hoả, các phi cơ sẵn sàng cất cánh và các tàu ngầm gia tăng gấp đôi các cuộc tuần tiễu.
Đến tối, vì không nhận được điện văn nào mới, Mac Arthur và các cộng sự viên bình yên đi ngủ.
Đúng lúc họ chìm vào giấc ngủ, sáu hàng không mẫu hạm của Đô đốc Nagumo quay hướng và tung thủy lôi vào Trân Châu Cảng. Tại Đài Loan, 100 oanh tạc cơ chạy ra khỏi hăng-ga và xếp hàng dọc theo phi đạo. Tại Khota Baru, đoàn công voa đầu tiên của Nhật đã đến đích.
Chắc rằng độc giả tin là bị đánh thức bởi tiếng vang động của bom, cùng với các tướng lĩnh. Độc giả sẽ thất vọng. Tướng Sutherland bị lôi ra khỏi giường lúc 3 giờ 30 sáng chính là do tiếng chuông điện thoại reo. Sĩ quan trực tại Bộ tham mưu xin lỗi đã làm rầy ông tướng vào một giờ giấc quá sớm nhưng người ta vừa được nghe đài phát thanh loan tin một cuộc tấn công chớp của Nhật vào Trân Châu Cảng. Vì có quá nhiều tin đồn đại sai lạc trong mấy tuần trước đó nên Sutherland không ra lệnh áp dụng các biện pháp báo động nào nữa. Ông chậm rãi mặc quân phục và lên xe đến Bộ tham mưu. Không khí ở đấy có vẻ khích động dữ, mỗi người bình luận một kiểu các thông cáo của báo chí mà các hiệu thính viên vừa bắt được. Ông tướng đòi xem các công điện chính thức. Ông chẳng thấy gì khác hơn là các vấn đề thường nhật. Ông quyết định chờ sự xác nhận trước khi báo cho Mac Arthur. Rồi ông soạn thảo một điện văn báo động chung.
Đến 5 giờ, các tin tức do nhiều đài phát thanh thương mại phát đi càng nhiều và chính xác đến mức ông phải nhấc chiếc điện thoại liên lạc trực tiếp với tướng Mac Arthur.
- Trân Châu Cảng? Ông không nghĩ đến chỗ đó sao! Đấy là cứ điểm vững nhất - Ông tướng trả lời. Rồi ông thêm - Cám ơn Dick! - Và gác máy.
Thật hay giả, tin tức ấy cũng không đáng cho ông phải đặc biệt can thiệp vào. Mọi kế hoạch đều bị đình chỉ, mọi biện pháp đã được thi hành, mỗi người đã biết việc phải làm trong trường hợp có sự gây hấn hay chiến tranh bùng nổ. Chỉ còn việc chờ đợi các biến cố.
Trong chiến tranh, sự tình cờ luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Trong các kế hoạch chuẩn bị kỹ nhất, vẫn có các góc cạnh bị che khuất và các điểm không chính xác. Trong số các sự việc khôn lường trước được, đứng hàng đầu là khí tượng, thứ khoa học phù thủy ấy.
Luôn luôn lạc quan một cách cương quyết, Yamamoto đã điều hợp nhiều cuộc tấn công khác nhau bằng cách giả định một cách “tiên thiên” rằng thời tiết tốt sẽ đứng về phía ông. Thế mà rõ ràng là không thể nào trong cùng một ngày, cùng một giờ, những điều kiện khí tượng lại giống nhau tại nhiều địa điểm trên trái đất xa cách như Hạ Uy Di, biển Nam Hải và vịnh Thái Lan. Nhưng ông là tay chơi bài và ông toan tính chuyện bất khả. Sự liều lĩnh này suýt bắt ông phải trả giá đắt.
Ngày 8 tháng 12 (Ngày của Đông Kinh), trước bình minh một chút, khi 192 oanh tạc cơ của không đoàn 21 và 22 thuộc không lực Hải quân, do Phó đô đốc Tsukahara chỉ huy, xếp hàng từ đầu phi đạo của các phi trường ở Đài Loan sẵn sàng bay đi oanh tạc Phi Luật Tân, thì một làn sương mù dày đặc bao phủ toàn đảo và cản trở hoàn toàn các cuộc cất cánh.
Lát sau, vào lúc mà Fushida trút bom xuống Trân Châu Cảng, phi cơ của Tsukahara vẫn luôn luôn bị đóng đinh xuống mặt đất chờ đợi một khoảng trời trong. Thời gian chờ đợi này kéo dài 4 giờ... Ta có thể dễ dàng tưởng tượng nỗi kinh hoàng của các cấp chỉ huy thuộc Bộ Tư lệnh Nhật và những lời cầu nguyện của họ nhiệt thành đến mức nào. Chắc chắn là quân Mỹ nhờ được báo tin cuộc oanh tạc tại Trân Châu Cảng, đã cho tất cả các phi cơ cất cánh và nạp đạn cho tất cả vũ khí phòng không để chờ đợi các kẻ đến tấn công. Hiệu quả bất ngờ, lá bài tẩy chủ yếu của Yamamoto, dường như hoàn toàn vô dụng.
Tại Lujon, những giờ đầu tiên của buổi sáng trôi qua trong không khí hoàn toàn bình thản. Tuy nhiên, đến 9 giờ, căn cứ thủy phi cơ trong vịnh Davao báo hiệu bị một thủy phi cơ thám sát của Nhật ném một quả bom. Tướng Brereton liền cho một không đoàn khu trục cất cánh. Một lát sau, mười bảy chiếc pháo đài bay B-17 cất cánh trong một phi vụ thường lệ. Chúng phải hạ cánh sau đó một giờ, rồi đổ đầy xăng chờ bay đi tấn công Đài Loan vào quá trưa, nếu cuộc xâm lăng Davao được xác định. Đến 10 giờ, các khu trục cơ bay về mà chẳng trông thấy gì và đáp xuống phi trường sau khi che chở cho mười bảy pháo đài bay hạ cánh. Trong thời gian đó, các phi cơ P-40 mới đến đang lấy xăng trước các hăng-ga phi trường Clark và các phi công đang than phiền điều kiện cư trú tệ hại. Họ bỏ đi ăn sáng trong khi chờ đợi cuộc tạp dịch bất tận này chấm dứt.
Đúng lúc đó, sương mù trên đảo Đài Loan tan dần và hai không đoàn phi cơ thuộc Hải quân Nhật được năm mươi bốn khu trục cơ Zéro hộ tống phóng lên bầu trời sáng sủa. Chúng chờ đợi chịu đựng các cuộc tấn công dữ dội ngay cả trước khi đến mục tiêu. Tuy vậy phi vụ của họ chẳng xảy ra chuyện gì. Các phi cơ thám thính Mỹ cất cánh từ sáng sớm quả thật đã trở về căn cứ từ lâu vì sương mù mà họ đã gặp ngoài khơi.
Vào lúc 11 giờ 30, đài rada phía bắc Lujon báo hiệu có một đoàn phi cơ quan trọng bay đến theo hướng Nam cách bờ biển năm mươi hải lý. Lệnh báo động được chuyển đến tất cả các phi trường. Nó chỉ đến phi trường Clark đúng giữa trưa, lúc các phi cơ P-40 vừa đổ đầy xăng lần lượt cất cánh từng chiếc một.
Đến 12 giờ, một đợt 27 oanh tạc cơ Nhật bay đến bên trên phi trường, trút hết bom và quay về mà chẳng phải lo ngại gì. Mục tiêu lớn lao quá: 17 pháo đài bay sắp hàng như vậy vịt, những chiếc cánh vĩ đại xếp chồng lên nhau từng cặp, phản chiếu ánh mặt trời chói lọi.
Những toán người dưới đất, kinh hoàng, trông thấy cả một tấm màn gần như liên tục gồm những điểm sáng trút xuống, lớn dần như giọt lệ. Mọi người chạy tứ tán trong khi tiếng còi báo động sầu thảm cất lên. Rồi thì là tiếng bom nổ như sấm động, và vô số cột khói thoạt tiên đột ngột, rồi đường bệ bốc lên bao phủ cả bầu trời đầy mây trắng như sữa.
Đợt thứ nhất vừa biến đi, một trung chuyển khác, còn ghê rợn hơn vì không khí mờ mịt khói lửa, đã bắt các kẻ chạy trốn chậm chân dán người xuống mặt đất. Một đợt thứ hai tương tự đợt đầu tiên đến phiên trút bom xuống phi trường.
Sau một thời gian nghỉ ngơi 15 phút, quang cảnh lại tái diễn một lần thứ ba...
Khi sự hỗn loạn dịu dần, hàng khói đen cuồn cuộn bốc lên trên phi trường với những ánh lửa đỏ hồng lóe lên ngang dọc: mười bảy pháo đài bay, hơn năm mươi sáu khu trục cơ và hai mươi phi cơ đủ các loại mà các bình chứa xăng tuôn ra hàng suối xăng biến phi trường thành một biển lửa mênh mông.
Lực lượng xung kích của Mac Arthur chỉ còn lại một đống sườn sắt bốc khói.
Vài giờ sau, một phi đoàn nhỏ oanh tạc cơ Nhật lại tiêu diệt vài chiếc P-35 trên phi trường tiếp cứu Aparri, phía bắc Lujon, và các tàu vận tải đầu tiên đổ bộ binh sĩ lên các bãi biển kế cận mà không bị một chống đối nào. Cuộc chinh phục Phi Luật Tân bắt đầu.
Tại làm sao mà không ai có ý tưởng tổ chức các cuộc tuần tiễu liên tục và nhất là các pháo đài bay cất cánh ngay để oanh tạc các phi trường ở Đài Loan? Tại làm sao mà tướng Brereton lại có thể phạm vào điều bất cẩn là đem trở về phi trường Clark, vốn nằm trong tầm hoạt động của oanh tạc cơ Nhật, 17 pháo đài bay đã cất cánh trong một phi vụ bay điều chỉnh? Tại sao ông không cho áp dụng trước vài giờ kế hoạch oanh tạc Đài Loan dự định sẽ thực hiện vào buổi chiều? Biết bao nhiêu câu hỏi vẫn còn chưa được trả lời.
Hai tướng Sutherland và Brereton đổ lỗi cho nhau về sự thiếu sót này. Dường như hai ông đã xung đột dữ dội, nhưng tướng Mac Arthur vốn không thể không biết tình trạng ấy, đã phải chấm dứt tàn nhẫn sự xung đột giữa hai người. Kết quả rất đáng công.
Mac Arthur vẫn luôn từ chối không soi sáng các bí mật ấy. Ông đã làm câm họng các tin đồn đại về vấn đề này bằng cách cho công bố vài tháng sau một thông cáo trong đó ông hoàn toàn che chở vị Tư lệnh không quân của ông. Lúc ấy, gương chiến đấu chói sáng của các đơn vị quân đội Phi Luật Tân và nhiệt tâm khiến ông vẫn ở lại tại bộ chỉ huy của pháo đài Corregidor dưới các cuộc oanh tạc tàn khố của Nhật đã biến ông thành anh hùng dân tộc, mà dưới mắt công chúng Hoa Kỳ, biểu tượng cho sức đề kháng của dân tộc Mỹ; do đó không còn vấn đề trách cứ ông về những sai lầm đã qua lẫn vấn đề hạ bệ ông nữa.
Mac Arthur lại còn là người duy nhất trong tất cả các tướng lĩnh Đồng minh phải chịu đựng vố tấn công bất thần đầu tiên ngày 7 tháng 12, được hưởng một thời hạn đủ để phản ứng chống trả. Thế mà, mặc dầu ông đã chứng tỏ hoàn toàn thụ động, ông là người duy nhất không bị cách chứ Tư lệnh. Sau này ta sẽ thấy chẳng những ông không bị khiển trách gì, mà các biến cố bi thảm đầu năm 1942 lại khiến ông được bơm lên chức vụ Tư lệnh đạo quân quan trọng nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Sau khi làm chủ được bầu trời và mặt biển tại Phi Luật Tân một cách dễ dàng giống như tại Mã Lai, quân Nhật có thể yên chí hoàn tất nhiệm vụ của mình. Ngày 10 tháng 12, trong lúc các dương vận hạm chở quân đổ bộ vốn phải rút lui vì sương mù hôm trước, tiếp tục con đường tiến về vinh Lingayen - trên bờ biển Tây bắc Lujon - chính các phi cơ đã từng oanh tạc các phi trường lại nhào đến căn cứ hải quân và thành phố Cavite nằm trong vùng vịnh Manille. May thay, hải cảng trống trơn, vì hạm đội nhỏ bé của Đô đốc Hart đã đến tiếp hợp với các hạm đội của Hà Lan và của Úc trong vùng biển Java. Tại Phi Luật Tân chỉ còn lại chừng mười tàu ngầm đang rình các tàu đổ bộ tận ngoài khơi và một vài khinh tốc đỉnh phóng thủy lôi.
Trong khi các biến cố trên đang diễn ra, quân đôi xâm lăng của Nhật ở Hoa Nam tràn vào thuộc địa nhỏ hẹp của Anh tại Cửu Long đối diện đảo Hồng Kông, và vô hiệu hóa mau lẹ hải cảng và căn cứ hải quân. Các đoàn quân Anh bị số đông địch tràn ngập, vội rút lên các đỉnh núi cao trên đảo để đánh trì hoãn như ở Mã Lai. Nhưng cuộc chiến đấu anh dũng của họ cũng không trì hoãn được một ngày nào sức tiến quân vũ bão của Nhật. Kể từ 20 tháng 12 năm 1941, không còn gì có thể ngăn Hạm đội liên hợp tiếp tục các cuộc chinh phục về phía nam. Sáu mẫu hạm của Đô đốc Nagumo đã trở về Kuré, nơi đây sau khi ăn mừng vì xứng đáng với chiến thắng tại Trân Châu Cảng, chúng lại điền khuyết phi công và phi cơ. Yamamoto phái chúng đến đảo Palau (quần đảo Carolines), nơi có một căn cứ hải quân quan trọng. Sự bố trí ban đầu của hạm đội được sửa đổi lại nhằm mục đích tấn công dứt điểm, lần này nhắm vào hàng rào ngăn chặn Mã Lai, nghĩa là dãy đảo (Sumatra, Yaya, Bali, Soembava, Florès và Timor - là những đảo quan trọng nhất) trải dài theo chiều ngang dọc theo kinh độ 10 nam giữa bán đảo Mã Lai và tân Guinée. Ngoài tính cách là thành lũi cuối cùng trước Úc châu, các đảo này, vốn được người Hà Lan khai khẩn tốt đẹp, tạo thành một trong các thuộc địa giàu có nhất thế giới. Cũng chính vì để chiếm hữu các mỏ dầu, các đồn điền cao su, và các mỏ đồng và vì, bị thúc đẩy bởi lệnh phong tỏa sự cung cấp nguyên liệu do Tổng thống Roosevelt ban hành, mà Nhật Bản khai mào chiến tranh. Do đó cuộc chiếm đóng thật mau các đảo ấy là mục tiêu số một của kế hoạch phía Nam.