(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Ba mươi giây trên Đông Kinh

    
hông một cuộc cải tổ ngoạn mục nào đã được thực hiện trên đây có thể vuốt ve được công luận Mỹ vốn phải ngậm đắng nuốt cay từ hơn bốn tháng qua. Người ta đã ráng sức làm cho công luận vui lòng với các câu chuyện tường thuật các cuộc không chiến một chống mười diễn ra tại Trung Hoa dưới sự điều khiển của Tướng Claire Lê Chennault, người sát cánh với Tưởng Giới Thạch nắm quyền chỉ huy không lực Trung Hoa và nhóm American Volunteer Group, do ông ta đứng ra tuyển mộ từ năm 1939. Mặc dầu đấy là các chiến công vũ dũng phi thường, chúng chỉ chứng tỏ cho dân chúng Mỹ biết rằng trong giới trẻ tuổi Hoa Kỳ có những thanh niên can đảm tuyệt vời, nhưng vì không bao giờ nghi ngờ gì đến sự kiện đó, sự tường thuật các chiến công này càng làm trầm trọng tổng mối oán hận sự bất lực của các giới lãnh đạo.
Với ý thức vận động quần chúng bén nhạy, Roosevelt hiểu rằng phương cách duy nhất để tái lập lại lòng mến chuộng của dân chúng là tổ chức một hành động lừa dối ngoạn mục mà ông vừa có ý tưởng thoáng qua. Cơ hội đã đến do một Đại tá phi công thuộc Lục quân Mỹ, chuyên viên oanh tạc, tác giả một kế hoạch mà mục tiêu không hơn không kém là ném bom xuống Đông Kinh. Điểm xứng đáng nơi Tổng thống là quan tâm đến kế hoạch này, một kế hoạch mà ban sơ vào thời kỳ đó dường như phát sinh từ một dưỡng trí viện.
Viên Đại tá, tên James Doolittle, cam đoan là có thể cất cánh từ một hàng không mẫu hạm với các oanh tạc cơ trung bình B-25 Mitchell vừa mới được mang ra sử dụng, bay đi ném bom xuống Đông Kinh rồi sau đó cầu may bằng cách cố bay đến Vladivostok hoặc tất cả phi trường bạn trên lãnh thổ Trung Hoa. Roosevelt ra lệnh cho chỉ huy trưởng không lực thuộc Lục quân và các chuyên viên không lực thuộc Hải quân nghiên cứu dự án này. Tất cả đều có ý kiến rằng mặc dầu quá táo bạo, nhưng cũng có đủ may mắn để thành công, nên thử. Thoạt tiên có vẻ lơ là, Đô đốc King sau này cũng để cho bị thuyết phục vì ông thấy đã có hàng không mẫu hạm Hornet chiếc mới nhất cùng loại với các mẫu hạm Yorktown, Enterprise vừa chấm dứt chạy thử sau nhiều sự thay đổi. Vì chiếc mẫu hạm này cần thực hiện một chuyến hải hành để thử sức chịu đựng, cơ hội này rất tốt để thử thách nó mà không vì thế làm chậm trễ sự tham chiến của nó trên chiến trường Thái Bình Dương.
Ngày 4 tháng 4 năm 1942, hàng không mẫu hạm Hornet nhổ neo từ San Francisco với 16 oanh tạc cơ B-25 đậu trên sàn, và 80 phi công sẽ lái chúng bay đi tấn công. Sau cuộc ghé bến Trân Châu Cảng và được thông báo các tin tức cuối cùng về các phi trường có thể đáp xuống được tại Trung Hoa, chiếc Hornet lại khởi hành đến một điểm hẹn với lực lượng đặc nhiệm chung quanh chiếc Enterprise do Phó đô đốc Halsey chỉ huy và sẽ hộ tống nó cho đến cách bờ biển Nhật Bản 700 cây số và sau đó đưa nó trở về hải cảng sau khi phóng các phi cơ lên không.
Phần đầu của cuộc hải hành không xảy ra chuyện gì, nhưng bình minh ngày 8 tháng 4 năm 1942 (ngày theo Đông Kinh), lúc đi vào hải phận do Nhật kiểm soát, lực lượng đặc nhiệm thấy một chiếc phóng ngư lôi hạm địch. Hải pháo của các hộ tống hạm hành động tức khắc và đánh chìm chiếc tàu chiến của Nhật lúc ấy dại dột muốn cắt ngang đường của hạm đội Mỹ. Trước biến cố bất ngờ này, Doolittle và Halsey kinh hoàng. Làm sao biết được liệu trước khi chìm, quân Nhật có kịp gửi đi lời kêu cứu SOS và báo động Đông Kinh hay không? Tung ngay cuộc tấn công trước giờ ấn định há chẳng hơn sao? Chiếc Hornet còn cách duyên hải Nhật đến 1.200 cây số, một khoảng cách vượt quá xa mức dự liệu, nhưng đó là cách duy nhất chắc chắn có thể đến được mục tiêu trước khi nhà cầm quyền Nhật cho áp dụng các biện pháp đề phòng.
Trong một chớp mắt quyết định đã dứt khoát. Doolittle bình tĩnh ra lệnh và đích thân xem xét mọi thứ sẵn sàng. Động cơ của 16 oanh tạc cơ bắt đầu nổ và Doolittle leo lên chiếc đầu tiên. Đến 8 giờ 18 phút, ông nhả thắng và chạy trên phi đạo đầy bọt nước biển do các lượng sóng cao phủ lên. Giờ phút ấy thật cảm động. Ai cũng rung sợ phải thấy chiếc phi cơ của vị chỉ huy đâm xuống biển. Mặc dầu sóng lớn, ông Đại tá đã cất cánh theo một kiểu cách hoàn hảo. Lợi dụng các đợt sóng nhấp nhô, 15 chiếc khác cất cánh tiếp theo cách nhau vài phút. Từ trên đài chỉ huy chiếc Enterprise, Đô đốc Halsey đưa mắt nhìn theo một lát rồi ra lệnh cho hạm đội mở hết tốc độ quay trở về Trân Châu Cảng, vì lúc bấy giờ hạm đội đang ở sâu quá trong vòng bán kín hoạt động của các thủy phi cơ thám sát thuộc hải quân Nhật.
Trong lúc đó, đoàn oanh tạc cơ tập họp thành đội hình, và bay là là mặt biển để tránh khỏi bị rada đối phương khám phá, hướng thẳng đến Đông Kinh. Trên suốt đường bay, phi đoàn không hề gặp một phi cơ nào của địch. Trong thực tế, trước khi bị chìm, chiếc tàu tuần tiễu của Nhật đã kịp gửi đi hiệu lệnh kêu cứu và chỉ rõ vị trí của mình. Khoảng cách với duyên hải xa quá khiến cho tín hiệu mơ hồ đến nỗi Bộ Tư lệnh Nhật không tin là phải báo động ngay tức khắc cho các lực lượng không quân.
Cuộc đột kích của Doolittle được thực hiện đều đặn như kim đồng hồ xoay. Giữa trưa, trong khi các đường phố Đông Kinh đang bày cảnh náo nhiệt thường lệ, tiếng phi cơ gầm thét làm mọi người ngước mặt nhìn lên. Ai cũng nghĩ là một cuộc biểu dương sức mạnh mới của không quân và sau vài phút ngưỡng mộ, lưu thông trở lại nhịp bình thường. Nhưng tiếng bom đầu tiên nổ và tiếng cao xạ DCA đã mau lẹ biến niềm say sưa chiến thắng êm dịu ấy thành thái độ sửng sốt. Đám đông hỗn loạn ùa chạy để kiếm chỗ ẩn thổ sơ trong vài ngôi nhà đúc tại khu vực trung tâm. Các xe chữa lửa chạy như bay trong các đường phố chật hẹp trong khi còi báo động hú vang. Và khi khói lửa từ các đám cháy bốc cao lên bầu trời trong tiết xuân kế cạnh Hoàng cung, sự sửng sốt của quần chúng biến thành sự kinh hoàng.
Tại Tổng hành dinh Thiên hoàng, các chức sắc cao cấp sửng sốt đến nỗi phải một lát sau họ mới quyết định được các biện pháp, Nagano ra lệnh cho Yamamoto cho hạm đội nhổ neo ngay lập tức. Tất cả các khu trục cơ của Nhật đều cất cánh để ngăn chặn. Nhưng đã quá trễ! Đoàn B.25 đã bay đi mà không cần biết đến kết quả. Cả 16 chiếc đều bình an, nhưng chúng còn phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Số xăng rất ít còn lại không cho các phi công cơ may bay đến các phi trường Trung Hoa. May thay một luồng gió mạnh từ đằng sau đẩy họ về phía lục địa Á châu, nhưng những cơn giông và thì giờ chậm trễ đã làm họ mất khả năng định hướng.
Những thử thách gay go đang chờ đợi họ. Các sự bố trí để đón họ trên các phi trường Trung Hoa đã không được nghiên cứu kỹ. Vì các lý do phải giữ bí mật, người ta đã lơ đễnh không báo trước rằng họ sẽ đến, cho một người duy nhất có thể đảm bảo sự thành công của họ: Tướng Claire Lee Chennault, người vẫn luôn luôn ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch nhưng giờ đây là Tư lệnh Không lực 14 của Mỹ. Ông tướng ấy là một Outsider, một người ngoài, vốn đã rời khỏi quân đội từ nhiều năm qua và được gọi trở lại phục vụ trong những điều kiện giống y như Mac Arthur nghĩa là do các biến cố thúc đẩy. Những đấng thanh giáo tại Ngũ giác đài coi ông như là một người làm trò múa rối vì ông coi thường các quy tắc ước lệ và đã cách mạng hóa chiến thuật săn giặc bằng cách bắt các phi công tập nhào lộn từng nhóm thường làm quan khách rùng mình. Nhưng kinh nghiệm cho thấy ông có lý và các kết quả phi thường đạt được trong các cuộc không chiến chống Nhật tại Trùng Khánh và Miến Điện, trong lúc trên khắp tất cả các chiến trường khác Không quân Mỹ chỉ ghi nhận toàn thất bại, đã bắt buộc Bộ Tổng tư lệnh phải xin lỗi. Chennault đã tổ chức một hệ thống canh chừng trải dài cho đến tận khu vực bị chiếm đóng của Trung Hoa. Vậy thì chắc chắn là ông có thể hướng dẫn các oanh tạc cơ của Doolittle đến các phi trường yên ổn. Nhưng vì lý do bí mật, người ta đã lơ là không chịu báo tin cho ông.
Kết quả thật thê thảm. Ngay khi bay đến được bờ biển, các phi công nhận thấy rằng tìm một phi trường để đáp trong bóng tối bi thảm này là một điều gần như không thể được. Doolittle và phi hành đoàn, chiếc đầu tiên, nêu gương, và nhảy dù ra khỏi phi cơ. Họ được phi hành đoàn 9 chiếc khác bắt chước ngay, 50 chiếc dù mở ra trong đêm tối, một chiếc bị tréo dây làm cho một quân nhân thiệt mạng. Các chiếc B-25 khác toan tính đáp xuống đất ngay khi họ lờ mờ phân biệt được hình dáng bờ biển, và họ đã gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ khác nhau. Một chiếc rơi xuống biển nhưng khá gần bờ nên phi công và phi hành đoàn bơi vào bờ được. Một chiếc khác lật úp trong ruộng lúa, may thay không bị thiệt hại nhiều. Chiếc thứ ba có số phận bi thảm hơn: đâm xuống một giải cát và tất cả phi hành đoàn đều bị thương ít nhiều. Trong số ba chiếc còn lại, một chiếc bay hướng về Mãn Châu và đáp xuống được cách Vladivostok 35 cây số. Hai chiếc khác rơi và giữa vùng bị Nhật kiểm soát. Trong số 10 nhân viên phi hành, hai người bị chết đuối trong khi cố gắng thoát ra khỏi phi cơ, 8 người khác bị bắt ngay. Bị kết án là đã oanh tạc vào vị trí không có tính cách quân sự, họ bị mang ra xét xử. Hai sĩ quan và một trung sĩ bị tử hình và bị treo cổ sau khi bị tra tấn, năm người bị đưa vào trại tập trung trong đó một người bị chết ngày vì kiệt sức.
Nhờ may mắn lạ kỳ, phần đông các phi công khác đều sống sót sau cuộc phiêu lưu kinh hồn. Nhờ sự tận tụy của nông dân Trung Hoa đến đón, họ thoát khỏi các đoàn tuần tiễu Nhật, và đến được Trùng Khánh sau không biết cơ man nào là nghịch cảnh. Sau nhiều tháng lo âu chờ đợi người ta được biết rằng trong số 80 nhân viên phi hành của chiếc Hornet chỉ có 8 tử trận hay bị mất tích. Rõ ràng đấy là một tỷ lệ nhỏ bé so với một cuộc đột kích táo bạo nhất trong lịch sử. Nhưng không có một chiếc B-25 nào kịp thời được thu hồi lại cả. Là người rất cần các phi cơ này và biết rằng có thể cứu chúng thoát nếu được báo tin, Chennault đã phản đối Ngũ Giác Đài một cách dữ dội. Hố chia cách giữa con người đởm lược ấy và các thượng cấp của ông sau đó không ngừng rộng thêm ra - làm cho nước Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất, bởi vì đó không những chỉ là chiến thuật gia lỗi lạc nhất về không lực săn giặc, mà còn là người Mỹ duy nhất có các dữ kiện chính xác nhất về Trung Hoa và dân tộc xứ ấy.