(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Biển Corail

    
hông nên đánh nhau trong một vùng biển san hô. Các bên đối phương của năm 1942 nhờ đấy mà có kinh nghiệm trên. Những ngày 7 và 8 tháng 5 chỉ là những ngày đầy ngộ nhận, hỗn độn và lầm lỗi to lớn.
Trong cái góc đó và vào thời kỳ này, những trò quỷ quái của thời tiết chắc chắn là đứng về phe Nhật Bản, bởi vì hạm đội của Takagi, người được Inoue giao cho quyền chỉ huy cuộc hành quân Mo - đánh Moresby - chuyển dịch dọc theo phía bắc Salomon, rồi đến tận quần đảo Louislade mà không lúc nào gió mùa ngừng mang phủ bên trên một lớp mây dày che chở. Hệ thống bố trí của Takagi gồm có hai phần: một lực lượng đổ bộ được hộ tống bởi vài Trung đoàn và một hàng không mẫu hạm nhẹ - chiếc Soho - và một lực lượng che chở gồm có hai mẫu hạm lớn nhất của hạm đội Nhật, chiếc Shokaku và chiếc Zuikaku mà sứ mạng là che chở từ xa và không quá tiến sâu vào cuộc hành quân đổ bộ dường như không có gì là khó khăn đặc biệt.
Trong khi các dương vận hạm chở quân đổ bộ và các chiến hạm hộ tống tập họp tại quần đảo Shortland phía nam Bougainville, hai chiếc Shokaku và Zuikaku thì tuần tiễu phía đông Salomon. Chúng chỉ phải tiến vào biển Corail vào phút chót để nếu cần, giáng một đòn từng phạt làm gương cho những hải lực nào của đối phương dám mạo hiểm vào đấy.
Phút chót nói đây là ngày 7 tháng 5, ngày mà các dương vận hạm chở quân đổ bộ được vài phi cơ của chiếc Soho che chở sẽ phải băng ngang qua quần đảo Shortland tại eo biển Jomard (Louiside) theo đường chéo phía bắc biển Corail.
Lúc ấy Takagi không được biết một tí gì về vị trí của lực lượng đối phương. Do vậy, ông đưa đoàn công voa chở quân đổ bộ tiến vào biển Corail mà không có một chỉ dẫn nào khác hơn là một sự nghi ngại mơ hồ rằng nhóm phi cơ nhỏ bé đã từng tấn công Tulagi ngày 4 tháng 5 rất có thể là đã cất cánh từ một hàng không mẫu hạm nào đó. Gia dĩ đó là một viễn ảnh không làm ông sợ mà còn mong cho xảy ra là đằng khác. Theo tin tức tình báo mà ông biết thì hiện có ba mẫu hạm Mỹ trong vùng bắc Thái Bình Dương và một mẫu hạm ở phía Nam, ít có thể nào - ngoại trừ phải là một phù thủy - mà nó lại biết ngày và giờ của cuộc tấn công Port-Moresby. Takagi tin cậy vào các phi cơ thám thính Kanawishi có tầm hoạt động rất xa để được thông báo trước các sự xê dịch của đối phương.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên... chiếc mẫu hạm Mỹ nói đây không phải là chiếc duy nhất và ngoài ra, vì bộ máy Magic, nó lại là một phù thủy.
Bình minh ngày 7 tháng 5 năm 1942, tất cả đã được khởi động với một sự mau lẹ sấm sét. Phi vụ thám thính đầu tiên do chiếc Yorktown phóng lên đã khám phá lực lượng đổ bộ Nhật trong eo biển Jomark.
Bốn phi đoàn lập tức cất cánh tấn công và chiếc mẫu hạm đáng thương Sôh của Nhật bị đánh bất ngờ trước khi kịp phóng các phi cơ của mình lên không trong không đầy 15 phút đã lãnh đủ 13 trái bom và 7 thủy lôi. Các phi đoàn Mỹ khi rút lui còn thấy nó chìm tỏng một chùm tia lửa khổng lồ. Khi ấy các dương vận hạm chở quân đổ bộ phân tán theo lệnh của người chỉ huy lực lượng hộ tống đang xét đoán không thể nào tiếp tục cuộc tấn công vào Port-Moresby vì thiếu sự che chở của không lực.
Gần như cùng lúc đó một Kanawishi đang tuần thám báo hiệu trông thấy phía Đông nam một mẫu hạm và một tuần dương hạm đang tìm cách thoát ra khỏi biển Corail. Lập ức Đô đốc Takagi ra lệnh cho các phi cơ thuộc hai mẫu hạm Shokaku và Zuikaku lúc ấy đang ở cách điểm chỉ định chừng 30 hải lý, cất cánh đuổi theo. Cuộc tấn công cũng diễn tiến với mức độ mãnh liệt như các phi công Mỹ đã làm với chiếc Soho và kết quả cũng rất thảm hại. Chiếc “mẫu hạm” bị tấn công phát hỏa từ đầu đến đuôi và chìm lỉm sau một tiếng nổ kinh hồn... Những phi công oanh tạc sau cùng rất nóng nảy muốn tấn công mà chưa được may mắn ném bom, liền ùa đến chiếc “tuần dương hạm” đang toan tính một cách tuyệt vọng chạy trốn sau một màn khói. Nó bị bắt kịp và đến lượt bị đánh chìm ngay khiến cho các phi công chiến thắng không kịp ý thức được các lầm lẫn tai hại kế tiếp nhau: Chiếc tàu lớn có hình dáng khổng lồ mà họ cho là một hàng không mẫu hạm, không gì khác hơn là chiếc tàu dầu vô tội Neosho đã trút hết dầu cho các chiến hạm; riêng chiếc “tuần dương hạm” thì thật ra đấy là chiếc khu trục hạm Sima được giao nhiệm vụ hộ tống tàu dầu.
Khi trở về mẫu hạm, các phi công Nhật được đón tiếp như thường lệ sau một đại chiến công và mãi nhiều giờ sau đó, khi đối chiếu các bằng chứng thu thập được, ban tham mưu của Takagi mới bắt đầu nghi ngờ sự thật được báo cáo.
Trong thời gian này Đô đốc Nhật Bản được biết cuộc mạo hiểm ghê rợn đã xảy đến cho mẫu hạm Soho và lần này được thông báo tin tức chính xác hơn về lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhờ một Kanawishi khác trông thấy rõ, ông liền ra lệnh cho tất cả oanh tạc cơ có sẵn cất cánh truy lùng.
Chiều xuống đã lâu và những cơn mưa rào nhiệt đới lại bắt đầu. Một trận đụng độ hỗn loạn giữa các phi cơ đã xảy ra tại phía tây, trong đó các oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul đến cứu viện chiếc Soho khai hỏa vào bất cứ chiến hạm nào vừa trông thấy, trong khi đó các pháo đài bay B-17 của Mac Arthur cũng làm như vậy.
Trong tình trạng không thể nào tái lập trật tự ngay giữa cuộc thao diễn lực lượng ấy, Fletcher đã kêu các đoàn tuần tiễu của ông trở về để giữ cho lực lượng còn nguyên vẹn dành cho trận chiến quyết định mà ông tiên liệu sẽ xảy ra ngày mai.
Vào khoảng 6 giờ chiều, tất cả phi cơ của chiếc Yorktown và chiếc Lexington đều đáp xuống mẫu hạm ngoại trừ một. Đêm tối mịt. Mưa rào nối tiếp nhau. Các toán chuyên viên làm việc trên các sàn tàu trơn trượt. Trên boong những trinh sát viên ban đêm dò xét chân trời để kiếm chiếc phi cơ về trễ.
Đột nhiên một ánh lửa chớp chớp trong mây. Đấy chỉ có thể là chiếc phi cơ đang được chờ đợi. Người ta thấy nó hạ dần xuống chiếc Lexington, và các đèn rọi được thắp sáng để đáp lại dấu hiệu nhận nhau.
Vài giây sau, ha, ba, bốn, năm ánh sáng xuất hiện tiếp theo sau chiếc thứ nhất. Từ trên đài chỉ huy chiếc Lexington người ta thấy chúng bay thành hàng theo một tứ tự không chê vào đâu được. Một phi đoàn phi cơ Nhật sắp đáp xuống chiếc Yorktown! Sự xuất hiện này đã tạo ra sửng sốt đến nỗi không ai nổ súng... Phải đợi đến lúc chiếc phi cơ về trễ ý thức được mình bị rơi vào tổ ong vò vẽ nên xả một tràng đại liên, thì các giàn cao xạ DCA trên các chiến hạm mới quyết định khai hỏa. Đoàn phi cơ của mẫu hạm Shokaku (vì quả thật là chính nó) biến mất trong đêm tối không cần biết chuyện gì xảy ra sau đó.
Đấy là điểm chấm hết cho một ngày lừa phỉnh nhau. Trong cả hai bên đối thủ, thần kinh nghiệm của các phi công bị thử thách nặng nề.
Đêm tối trôi qua, sau đó quả là một đêm canh chừng đụng trận. Giờ đây, mỗi người đều biết rằng hai lực lượng đặc nhiệm cách nhau rất gần và bình minh hôm sau sẽ xảy ra trận đánh quyết định. Số phi cơ của mỗi bên đối phương gần bằng nhau: vào khoảng 120 chiếc. Riêng về phẩm chất thì rõ rệt bên phía Nhật có ưu thế hơn: khu trục cơ Zéro trội hẳn loại Wildcat của Mỹ, các oanh tạc cơ đâm bổ có giá trị bằng nhau, nhưng các phi cơ phóng thủy lôi Nhật và nhất là các quả thủy lôi của họ thì rõ rệt vượt xa những chiếc TBD Devastotor của Mỹ.
Bình minh ngày 8 tháng 5 năm 1942, các phi cơ tuần thám của hai bên cất cánh cùng một lúc, các mẫu hạm Nhật ở phía Bắc nhờ thời tiết mưa gió nên được che chở tương đối. Chiếc Yorktown và chiếc Lexington chạy phía nam rất lộ liễu và bị khám phá trước tiên bởi một phi cơ của Shokaku nó báo động ngay lập tức.
Vài phút sau một phi cơ của chiếc Yorktown nhờ một khoảng trời sáng, may mắn trông thấy hạm đội Nhật liền thông báo vị trí cho Đô đốc Fletcher, ông cho phi đoàn của mình cất cánh ngay.
Quân Nhật đã tung phi cơ của họ để tấn công. Thế là hai đoàn phi cơ giao nhau trên không mà chẳng trông thấy nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai hạm đội sắp đương đầu với nhau ngoài tầm mắt trông rõ không phả bằng hải pháo, mà bằng không lực của mình.
Cuộc đọ sức không rõ ràng gì lắm. Được ưu thế nhờ thời tiết, phi cơ Nhật cùng lúc tấn công vào cả hai chiếc Yorktown và Lexington. Chiếc thứ nhất lãnh hai trái bom, chiếc thứ hai, ba quả trong đó có một quả nổ dưới đáy tàu. Đã có lúc Fletcher tin là bại trận rồi vì chằng có tin tức gì về cuộc tấn công của đoàn phi cơ Mỹ. Do vậy ông vô cùng thoải mái khi nghe qua loa phóng thanh giọng nói của một phi công thuộc chiếc Yorktown vốn đang la hét trong một trạng thái phấn khích vô bờ: “Mẫu hạm địch bốc cháy! Tôi đến thanh toán nó đây!”. Sau đó ông phải chờ phi cơ của mình chở về mới biết được kết quả của trận chiến.
Trong thực tế, vì bị mây cản trở, các phi đoàn Mỹ chỉ có thể tấn công một mẫu hạm Nhật mà thôi. Chiếc Shokaku vốn thật sự chỉ bị hai quả bom. Sàn đáp bị thổi bay đến nỗi không thể đón bất cứ chiếc phi cơ nào của nó được, nhưng chiếc Zuikaku thì hoàn toàn còn nguyên vẹn.
Thấy chiếc Lexington dường như đã làm chủ được ngọn lửa và có thể chạy với tốc độ 25 nút, Fletcher ra lệnh cho hạm đội xuôi về phía Nam với tốc độ này. Ông đã bẻ gãy cuộc tấn công của địch, nên ông rời bỏ chiến trường, thì cũng là trong thế của kẻ thắng và trong sự hài lòng.
Bên phía Nhật, căn cứ vào báo cáo của các phi công, Takagi ước tính rằng hai mẫu hạm Mỹ đã bị đánh chìm và ra lệnh cho hạm đội quay trở về Rabaul.
Nói chung các Đô đốc của hai bên đều ca khúc khải hoàn và đấy là hậu quả bất ngờ của trận hải chiến theo một kiểu hoàn toàn mới lạ này.
Không một vị Đô đốc nào lại có cái nhìn bao quát về trận đánh và không ai có thể can thiệp trong khi trận đánh đang diễn tiến. Do đó không ai ngạc nhiên khi thấy con số ước lượng của họ về mức thiệt hại của đối phương có đôi phần giàu tưởng tượng. Fletcher và Takagi nói chung đều đã đánh bóng mình, và chỉ có một cuộc phân tích chặt chẽ các báo cáo của họ, các ban tham mưu mới xác định được những nét chính của một chiến thuật chiến đấu ấu trĩ.
Trong thực tế, Đô đốc khó mà làm cho thượng cấp của ông thừa nhận rằng ông đã mang về một chiến công lớn lao nếu một biến cố bất ngờ không xảy đến, để xác nhận một cách chậm trễ báo cáo khoác loác của các phi công Nhật. Chiều ngày 8 tháng 5, trong lúc các toán an ninh của chiếc Lexington tin rằng đã diệt được ngọn lửa, thì một tiếng nổ kinh hồn làm rung chuyển đáy tàu. Vì cách xếp đặt cũ các hầm chứa xăng, một hỗn hợp chất khí nổ đã lan tràn trong một hầm tàu mà các vách thép mỏng đang còn nóng bỏng. Lửa lại vùng cháy dữ dội hơn, mặc dầu các đội cứu hỏa nỗ lực tối đa cũng không làm sao chế ngự được. Lập tức nhiều tiếng nổ và đám cháy khác bùng lên và chiếc Lexington đáng thương, bùng cháy như cây đuốc mất hẳn lá và dàn máy, bắt đầu trôi theo làn gió như một xác tàu hư. Đến 17 giờ hạm trưởng (Đại tá F.Sherman) ra lệnh bỏ tàu, và các tuần dương hạm, khu trục hạm do Fletcher phái đến cứu các người bị thương lên trước rồi với các thủy thủ lành mạnh sau. Các toán an ninh còn tiếp tục chiến đấu chống lửa cho đến khi hạm trưởng chắc chắn đã không bỏ người nào lại sau. Rồi ông lại cho họ di tản và là người sau chót rời chiếc sàn tàu nóng bỏng cùng với Đô đốc Fitch, bằng một chiếc thang dây.
Đến 18 giờ 30 một tiếng nổ kinh hồn vang dội từ chiếc xác tàu: hầm chứa thủy lôi của phi cơ phóng thủy lôi phát nổ. Ngọn lửa chiếu sáng bầu trời bốc lên cao đến nỗi Đô đốc Fletcher phải ra lệnh cho một khu trục hạm dùng thủy lôi đánh chìm ngọn đuốc cháy rực ấy. Chiếc chiến hạm dũng cảm mà các đoàn thủy thủ thân mật gọi là “Lady Lex”, và cho đến lúc ấy, một mình đã lập thành tích nhiều hơn tất cả các chiến hạm Mỹ cộng lại, chìm từ từ xuống biển và biến mất dưới một đám mây hơi nước đang dập tắt ngọn lửa của đám cháy.
Hồi chung cục bi thảm của chiếc Lexington đã đập một đòn thẳng vào con tin Đô đốc Nimitz. Thành quả tuyệt vọng của Fletcher, ngăn chặn được cuộc xâm lăng của Nhật tại biển Corail, đã giúp ông lấy lại can đảm giữa các niềm lo âu mới đang tràn ngập tâm trí ông. Thật vậy máy Magic tiên báo rằng Yamamoto đang chuẩn bị một cuộc tấn công vĩ đại nhắm vào quần đảo Midway và phía tây quần đảo Aléoutiennets. Vì đã gửi chiếc Enterprise về phía Nam để hậu thuẫn cho lực lượng đặc nhiệm của Fletcher, tại Trân Châu Cảng, ông chỉ còn lại chiếc Hornet. Đây là một chiến hạm cực tốt vừa được mang ra sử dụng và được điều khiển một cách tài tình bởi Đại tá hạm trưởng Mitscher, một trong các phi công lỗi lạc nhất thuộc không lực hải quân, nhưng chưa bao giờ đụng trận. Như vậy không thể có vấn đề một mình ông đương đầu với cả hạm đội liên hợp. Thế mà Midway lại có thể bị tấn công ngày một ngày hai. Khi nào và bằng cách nào? Ông chẳng biết gì cả, nhưg điều ông chắc chắn là nếu quân Nhật đặt chân lên được các “quần đảo này vốn là đoạn cuối cùng của một dãy đảo nhỏ kéo dài thuộc quần đảo Hạ Uy Di, thì căn cứ Trân Châu Cảng quí báu vừa được xây dựng lại với biết bao khó nhọc sẽ thất thủ cũng mau lẹ như - nếu không phải là mau lẹ hơn - Hồng Kông và Tân Gia Ba.
Tình thế nghiêm trọng đến nỗi ông phải lấy ngay lập tức quyết định chủ yếu. Để cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, Đô đốc Halsey ngã bệnh phải đi nằm nhà thương sau chuyến đột kích Doolittle trở về. Ông triệu dụng Đô đốc Spruance (thay Halsey chỉ huy lực lượng đặc nhiệm) và Đại tá Mitschet, hạm trưởng chiếc Hornet. Tất cả đều đồng ý khẩn cấp yêu cầu Hoa Thịnh Đốn gửi tất cả không lực có sẵn đến tăng viện để phòng thủ các quần đảo và không để mất một phút gọi mẫu hạm Enterprise và nếu có thể chiếc Yorktown trở về. Đối với chiếc sau, tất cả còn lệ thuộc vào các chỗ hư hỏng chưa được xác định.
Ít ra về phương diện này, tin tức giúp yên tâm mau lẹ. Máy tàu hoạt động bình thường và sàn tàu phi đạo có thể được sửa chữa tạm thời. Việc sửa chữa toàn diện sẽ được thực hiện tại Trân Châu Cảng trong vòng ba hay bốn tuần.
Nimitz ra lệnh cho Fletcher trở về Trân Châu Cảng với tốc lực tối đa và báo cho hải quâ công xưởng biết trước chi tiết các sửa chữa cần thiết để cho công tác có thể bắt đầu ngay khi chiếc Yorktown cập bến. Phía Nam chỉ còn lại năm tuần dương hạm Mỹ và bộ phận hải quân Úc thuộc Đô đốc Grace của Anh... Mặc kệ biển Corail, mặc kệ Mac Arthur và quần đảo Salomon. Trong hoàn cảnh hiện tại, chính Midway là nơi cần cứu vãn.
Đối với những người biết được bí mật, những ngày sắp đến sẽ trôi qua trong cơn sốt và trong nỗi âu lo. Magic không còn cung cấp thêm giữa về ý định của bộ chỉ huy tối cao Nhật Bản. Một tình trạng vô tuyến báo hiệu điềm xấu đã thay thế cho cảnh lắm lời thường lệ. Một sự im lặng tương tự như thế cũng đã xảy ra trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Than ôi, rất có thể là cuộc hành quân M1 đã khởi động rồi.