(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Trận đánh cuối cùng của Ozawa

    
rong khi trước vịnh Leyte xảy ra các biến động huyên náo ấy, Lực lượng đặc nhiệm 38 của Đô đốc Halsey đã theo đuổi sát hạm đội lưu động số 1 vốn đang tránh né ở phía bắc để lôi kéo các mẫu hạm Mỹ xa dần hải đoàn của Kurtita theo đúng kế hoạch Sho. Ozawa có bốn mẫu hạm tổng cộng 116 phi cơ, 2 thiết giáp hạm, chiếc Hynge và Ise, 4 tuần dương hạm nhẹ và 9 khu trục hạm. Mặc dầu ông chỉ có thể sở cậy vào một hậu thuẫn yếu ớt của phi cơ trên đảo Đài Loan, ông không ngần ngại tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey ngay khi phi cơ tuần thám lúc rạng đông báo hiệu lực lượng Mỹ đến gần. Khoảng cách còn xa và ưu thế đè bẹp của địch với 787 phi cơ trong đó có 402 khu trục cơ đã làm cho toan tính anh hùng này trở nên vô ích. Trong số 76 phi cơ tấn công vào nhóm đi đầu của các mẫu hạm thuộc quyền Mitscher, một vài chiếc bị hạ, chừng 20 chiếc bay đến Lujon và chỉ có 29 chiếc trở lại các mẫu hạm của chúng.
Ozawa tạm thời rút lui rồi điều động để trở lại cách 200 dặm phía bắc Lujon lúc đêm đến. Chắc chắn là ông hy vọng rằng Kurita có thể tấn công trở lại vào rạng đông ngày 25 tháng 10, do đó ông tính rằng bổn phận của ông là phải ở lại đó như là một con mồi để cầm chân hạm đội thứ 3 của Mỹ.
Thật kỳ dị, Halsey rơi vào cái bẫy mà chính ông thường giăng ra để nhử Yamamoto và Koga trong các cuộc đụng độ tại quần đảo Salomon và, tập họp bốn hải đoàn của mình trong đêm, ông tung chúng lên phía bắc theo đội hình rẻ quạt rộng lớn bỏ hạm đội đổ bộ của Kinkaid lại rất xa đằng sau. Bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp và liên tục của Kinkaid, ông từ chối trích bớt một thiết giáp hạm thuộc một hải đoàn thôi để đi tiếp cứu, mặc dầu ông có một ưu thế áp đảo và không hề cần đến những chiến hạm khổng lồ vướng bận này. Bị ám ảnh bởi lòng ham muốn “đập bể bụng vĩnh viễn” hạm đội lưu động, ông không muốn tách rời khỉ bất cứ chiến hạm nào của mình.
Tảng sáng ngày 25 tháng 10, tất cả các mẫu hạm của Mitscher đều báo động, và đến 8 giờ, vì thấy được địch, 200 phi cơ cất cánh bay ùa đến các chiến hạm của Ozawa. Mẫu hạm Chitose bị trúng bom chìm ngay và mẫu hạm vinh quang Zuikaku bị trúng thủy lôi phải tách ra khỏi trục. Khi đợt phi cơ thứ hai và thứ ba bay đến, đội hình của chiến hạm Nhật bị hoàn toàn rối loạn. Ý thức được sự bất lực của các phi công cuối cùng còn lại, Ozawa đã gửi cho Onishi tất cả các phi cơ chiến đấu, chỉ giữ lại vài khu trục cơ. Những phi cơ cuối cùng này lần lượt bị hạ hết chiếc này đến chiếc khác; hạm đội lưu động lâm vào thế xuôi tay đưa mình chịu trận trước các đoàn của địch quân. Trò chơi tàn sát của Mitscher tiếp tục như trong một cuộc thực tập. Đến 14 giờ 15, mẫu hạm Zuikaku, lần lượt bị ba trái thủy lôi, nghiêng về một bên và chìm lỉm sau vài phút. Ozawa chuyển hiệu kỳ qua tuần dương hạm Oyodo và dẫn đầu hạm đội của ông chạy về phía bắc. Trong cuộc điều động này, ông mất luôn hai mẫu hạm chót là chiếc Chiyoda và chiếc Zuiho. Trong thời gian đầu hôm, phi cơ Mỹ ào ạt dồn về tấn công các thiết giáp hạm Ise và Hynge nhưng không có kết quả, thế rồi mất liên lạc với địch (Halsey không chịu gọi chúng về và đưa các lực lượng đặc nhiệm trở lại trước vịnh Leyte. Ông đã nhận được một điện văn hạ nhục của Nimitz như sau: “Lực lượng đặc nhiệm 38 đâu rồi? Cả thế guiơí đang tự hỏi như thế”). Vài chiến hạm còn sống sót đến tiếp hợp với chiếc Oyodo và cùng với nó, trở về được Nhật. Ozawa đã bị những tổn thất kinh khủng - ông không thể nào bị khác hơn được - nhưng là người duy nhất trong số các Đô đốc tham chiến trong kế hoạch Sho, ông đã thành công toàn diện trong sứ mạng đánh lạc hướng bằng cách nhử cho Halsey bỏ đi thật xa khỏi trận đánh chính yếu.
Trong thời gian đó, về phía nam, hải đoàn của Kurita vốn đã để mất cơ hội trời cho để đánh chìm các mẫu hạm hộ tống và các hải vận hạm Mỹ bằng hải pháo, đã rút lui về phía tây ngang qua eo biển Bernardino. Lực lượng đặc nhiệm của Halsey rốt cuộc cũng được quyết định gửi đi lùng kiếm, nhưng vì quá cách xa nên không gây phiền phức gì cho hải đoàn Nhật. Đêm 25 rạng 26 trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra cho nó. Kurita gửi một điệp văn cho các Đô đốc Onishi và Fukudomé để báo rằng “cơ hội có vẻ tốt đẹp cho một toan tính lấy lại quyền làm chủ bầu trời”. Một công điện cũng được Toyoda gửi đến yêu cầu ông “tái diễn cuộc tấn công nếu ông còn đủ sức làm như thế”. Ông xét đoán rất đứng đắn là “không còn đủ sức nữa” và tiếp tục con đường tiến về phía tây. Thuộc cấp của ông đã phải chịu đựng từ ba ngày qua các cuộc tấn công liên tục của tiềm thủy đỉnh, khinh tốc đỉnh và phi cơ địch. Chính bản thân ông, sau đó cũng phải đồng ý rằng đã kiệt sức và chỉ còn có một ý tưởng: cứu vãn các chiến hạm sau cùng và tránh cho các thủy thủ đoàn dũng cảm của ông khỏi một cái chết vô ích.
Đến 8 giờ 30 ngày 26 tháng 10, lúc hải đoàn Nhật chạy ngang quan Sibouyan, thì bị 30 chiến đấu cơ tấn công. Một tuần dương hạm trúng thủy lôi bị hư hại, và chiếc siêu thiết giáp hạm Yamato lãnh hai quả bom mà không hề hấn gì. Hai giờ sau, 30 oanh tạc cơ B-24 còn oanh tạc soái hạm nữa. Một quả bom nổ trước mũi, một quả khác mở ra bên tả mạn một lỗ hổng to tướng, nhưng nó vẫn tiếp tục rẽ sóng ngay giữa một rừng cột nước biển tung lên cao như những tòa nhà mười tầng. Thiết giáp hạm Nagato, mặc dầu bị trúng bốn quả bom, vẫn theo sau lằn sóng rẽ đôi của chiếc Yamato. Hai chiến hạm để lại đằng sau một cái đuôi dầu cặn và mảnh vỡ rộng lớn nhưng vẫn đến được Brunei, có ba tuần dương hạm và tám khu trục chạy theo. Chúng đã trải qua 1.000 hải lý mà không giảm tốc độ mặc dầu bị nước tràn vào và bị nhiều hư hỏng. Sau biết bao nhiêu thảm bại đáng buồn, dầu sao đó cũng là một niềm an ủi. Tuy vậy là một niềm an ủi mong manh bởi vì từ nay chúng cứ đã cho thấy rằng các đại thiết giáp hạm, không có khả năng tự vệ chống lại phi cơ, sẽ không còn một hiệu dụng nào nữa như là một chiến hạm xung kích. Ngoài ra hạm đội của Ozawa đã bị mất tất cả hàng không mẫu hạm.
Hy vọng duy để làm tê liệt cuộc tiến quân của lực lượng Mỹ từ nay là nhấn chìm các lực lượng ấy dưới một đám mây Kamikaze.