(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Thiết giáp hạm Prince Of Wales và tuần dương hạm Repulse

    
ào thời đó, Tân Gia Ba là viên ngọc đẹp nhất của xâu chuỗi những bến ghé cho thương thuyền bao chung quanh lục địa Á châu. Đấy là hải cảng xinh tươi nhất và cũng là hải cảng hạng nhất đối với du khách từ Âu châu đến. Ngay khi vừa bước chân xuống tàu, sức quyến rũ đông phương đã làm nghẹn cổ du khách với những bó nhang cháy rực trước chùa chiền, mùi xào nấu của các xe hàng ăn lưu động, những thớ thịt rung rinh, những thực phẩm kỳ lạ và những cửa hàng bí mật phảng phảng những làn khói siêu nhiên. Bến tàu và đường phố treo đầy những bảng hiệu vàng chói và những biểu ngữ bằng vải; sôi sục một thứ tiếng ồn ào không dứt, xen vào những tiếng lách cách chói tai và tiếng kêu la hổn hển của những người kéo xe. Tại đấy ta có thể cảm thấy luồng thương vụ khổng lồ trao đổi giữa Đông phương và Tây phương như nhịp tim đập của mạch máu trong cơ thể. Đối với những kiều dân Anh vốn sống hơi tách biệt một chút trong các biệt thự kiểu cổ thời Victoria, được một thứ rừng thẳm con con che chở khỏi những cái nhìn tò mò của người ngoài, thì Tân Gia Ba, với những kho quân dụng và những pháo đài mạnh mẽ, là cả một biểu tượng sống động của hào quang chiến thắng thuộc Vương quốc. Riêng phần các thủy thủ của Hải quân Hoàng gia, thì từ trên cao của các chiến hạm, họ hãnh diện ngắm nhìn hải cảng trù phú ấy, nơi mà tàu bè của cả thế giới đi qua trong không khí hòa bình kiểu “Pax Britannica” vốn được đảm bảo dưới họng súng đại bác của họ.
Chắc chắn vì biết trách nhiệm chung của mình trong việc duy trì không khí hòa bình xưa cũ ấy mà hơn ai hết họ mẫn tiệp thấy sự xúc phạm của mấy anh lùn Nhật Bản là khó lòng tha thứ được. Đối với Đô đốc Philips, quyết định phải ban hành là đương nhiên: ông sắp đưa các thiết giáp hạm xuất trận và giáng cho quân xâm lăng một vố trừng trị sấm sét.
Khi Đô đốc Tom Philips vừa mới rời khỏi văn phòng Tư lệnh thì người ta báo đưa cho ông bản tin khó tưởng tượng nổi về tai biến tại Trân Châu Cảng. Ông nhảy lập tức đến Bộ tham mưu Không quân để yêu cầu Tướng Pulford che chở trên không cho Sư đoàn trong cuộc xuất trận vào ngày mai. Sau khi khu trục cơ săn giặc đêm của ông trở về không, tiếp theo cuộc oanh tạc của Nhật, Pulford trả lời một cách mơ hồ: tất cả đều lệ thuộc vào tin tức ông ta nhận được từ biên giới Thái Lan, nơi mà hai trong số ba phi đoàn của ông được tung vào trận đánh.
Khi trở về chiến hạm Prince of Wales sau một đêm mệt nừ, Philips triệu tập các hạm trưởng và các sĩ quan chính yếu của ông. Trong buổi hội này, tất cả mọi tin tức địch tình đều được mang ra cứu xét. Quân Nhật đã đổ bộ lên Khota Baru và Singora dưới sự che chở ở tầm xa của một thiết giáp hạm thuộc cùng loại với chiếc Kongo - thiết giáp hạm cũ thời 1914 - và năm tuần dương hạm kiểu mới hơn. Không ai biết số lượng phi cơ Nhật đặt căn cứ tại Đông Dương, nhưng mọi chỉ dẫn đã cho thấy đó là một lực lượng rất đáng kể. Vậy thì chỉ cần một sự che chở hạn chế của khu trục cơ cũng đủ cho phép Lực lượng Z đánh bất ngờ vào các dương vận hạm chở quân của Nhật rồi sau đó sẽ quay trở lại hạm đội che chở của đối phương. Giờ thuận lợi nhất để tấn công đoàn dương vận hạm Nhật ở Khota Baru là bình minh ngày mốt, 10 tháng 12. Điều này đòi hỏi phải nhổ neo từ Tân Gia Ba ngay đêm nay lúc 17 giờ.
Tất cả các sĩ quan hiện diện đều nhất trí thừa nhận rằng Hải quân Hoàng gia không thể nào toan tính điều gì trong những hoàn cảnh trầm trọng như vầy, và rằng cuộc hành quân do Đô đốc đề nghị là “liều lĩnh nhưng chấp nhận được”.
Vài giờ sau, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse ra lệnh sẵn sàng nhổ neo. Đến 17 giờ 35 hai chiến hạm được bốn khu trục hạm hộ tống tiến ra khỏi hải cảng hướng về phía đông để trong đêm sẽ chạy vòng quần đảo nhỏ Anambas hầu tránh khu vực hải phận bị nghi ngờ là có mìn.
Bóng đêm ngày 8 rạng ngày 9 tháng 12 buông xuống rất sớm dưới một bầu trời đầy mây xám và mưa to. Các thủy thủ đoàn thích thú được biết rằng họ sẽ được đi “tìm cuộc đánh nhau”. Niềm tin của họ vào các đại chiến hạm mà họ đang ở trên đó là niềm tin tuyệt đối. Không một ai trên tàu lo lắng thật sự.
Tại Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật vì sợ sự can thiệp của đoàn chiến thuyền Anh quốc mà tất cả các đài phát thanh trên thế giới đều loan báo là đã đến Tân Gia Ba, nên vội tăng cường các biện pháp đề phòng cẩn mật. Đô đốc Kondo, Tư lệnh hạm đội số 2 đã nhổ neo với hai thiết giáp hạm và năm tuần dương hạm. Ngoài công cuộc thám sát liên tục được các máy bay trên chiến hạm thực hiện, nhiều tàu ngầm được bố trí chờ đợi đây đó trong quần đảo Anambas.
Các cuộc thám sát chưa mang lại kết quả nào thì lúc 14 giờ ngày 9 tháng 12, một trong các tàu ngầm tuần tiễu thấy lực lượng Hải quân Anh từ xa. Điện văn xác định vị trí do tàu ngầm này đánh đi đã tạo ra biến động toàn diện tại Sài Gòn. Một phi đoàn sẵn sàng cất cánh để oanh tạc đêm một lần nữa vào Tân Gia Ba đã được chặn lại kịp thời. Người ta vội vàng thay thế bom bằng thủy lôi và các phi cơ xếp hàng để chờ cất cánh ngay lập tức. Hạm đội của Đô đốc Kondo lúc ấy đang ở phía nam đảo Côn Đảo, chuyển hướng về phía Tây để cắt ngang đường về của đối phương và phóng các phi cơ thám sát lên trời.
Trong suốt ngày 9 tháng 12 đó, lực lượng Z tiếp tục hải trình lên phía bắc bằng cách chạy theo chữ chi. Trời xấu, mây thấp và mưa rào liên miên làm tràn ngập các cầu tàu, nhưng chếin hạm vẫn đường bệ rẽ sóng trên mặt biển Nam Hải. Kế hoạch của Đô đốc Philips có vẻ diễn tiến trong những điều kiện thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, đến 18 giờ 20 một khoảng trời sáng hiện ra, các binh sĩ canh gác của Lực lượng Z thoáng thấy chiếc bóng tí Honolulu của một phi cơ bay rất cao. Vừa lúc Đô đốc ra lệnh hướng về phía Tây bắc để tiến đến hải cảng Khota Baru. Sự xuất hiện của chiếc phi cơ lạ mặt đã gieo rắc mối kinh hoàng trên cầu tàu chiếc Prince of Wales. Trong lúc ấy Philips vẫn tiếp tục con đường hy vọng rằng chiếc phi cơ độc nhất ấy không thấy được các chiến hạm. Nhưng một giờ sau, một phi cơ khác lại bay trên đoàn tàu. Không thể nghi ngờ gì nữa, quân Nhật đã xác định được vị trí của Lực lượng Z, và hy vọng tấn công bất ngờ các dương vận hạm địch vào bình mình sáng hôm sau trở thành ảo vọng.
Gần như cùng lúc đó, một điện văn từ Tân Gia Ba được gửi đến cho chiếc Prince of Wales. Nó báo hiệu sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm Nhật phía nam vịnh Thái Lan và sự tập trung mạnh mẽ các oanh tạc cơ trên các phi trường tại Đông Dương. Điện văn còn thêm rằng các phi trường của Anh phía bắc Mã Lai bị oanh tạc nặng nề và không thể nào gửi đến Khota Baru lực lượng không quân che chở được yêu cầu cho ngày mai.
Những tin tức tai biến tuôn đến như thác đổ này làm cho những ngần ngại của Đô đốc trở nên có lý. Đến 20 giờ 50 ông ra lệnh cho Lực lượng Z quay ngược trở lại để trở về Tân Gia Ba.
Bầu trời lại bị mây che kín và bóng đêm đen tối đặc biệt. Đô đốc tin chắc rằng việc đổi hướng của ông không bị quan sát và nhờ bóng tối, ông có thể tránh xa khu vực nguy hiểm mà không lo ngại gì cả.
Thật vậy 4 giờ trôi qua mà không có cuộc báo động mới nào. Trên cầu tàu Prince of Wales người ta bắt đầu hít thở tự do.
Bên phía Nhật Bản trái lại, tình trạng báo động khẩn cấp hơn bao giờ hết. Các oanh tạc cơ đã trở về không trên phi trường Tân Sơn Nhất và không một tàu ngầm nào có thể tiếp xúc được đối phương. Đô đốc Kondo, vốn không có ý đương đầu ngay trong đêm với các chiến hạm khổng lồ của Anh mà các họng súng lớn gấp đôi vũ khí của ông, đã hướng thẳng hạm đội lên phía Bắc để chờ kết quả cuộc thám sát vào cuộc bình minh hôm sau.
Chính lúc đó bàn tay Thượng Đế can thiệp vào.
Lúc 1 giờ sáng ngày 10, Đô đốc Philips đang nằm nghỉ trong phòng trực, được một sĩ quan mang điện văn đến trình đánh thức dậy. Tân Gia Ba báo cho ông biết rằng một cuộc đổ bộ mới của Nhật đang diễn ra tại Kuantanr trên bờ biển Mã Lai. Sĩ quan phụ trách hải hành nghiêng người trên bản đồ và trình Đô đốc rằng Kuantan nằm giữa Tân Gia Ba và Khota Baru không đầy 6 giờ đường đối với chiếc Prince of Wales. Lập tức Sir Tom Philips ra lệnh tiến thẳng đến đấy. Ông đâu có biết, con người khốn khổ, ông sẽ lao đầu một cách vô ích vào tình trạng nguy khốn như thế nào!
Hai giờ sau, một tàu ngầm Nhật đang tuần tiễu phía Tây bắc quần đảo Anambas từ xa trông thấy Lực lượng Z và nhắm phóng luôn sáu quả thủy lôi nhưng không quả nào trúng đích. Chúng còn chạy cách xa các chiến hạm là đằng khác vì các xạ thủ không thấy được luông sóng sau chiến hạm. Nhưng chiếc tàu ngầm báo hiệu cho Đô đốc Kondo về cuộc tấn công và cho biết vị trí phỏng định. Tin tức này rất quan trọng. Giờ đây Kondo biết rằng lực lượng Anh sắp đi qua phía tây quần đảo Anambas. Ông ra lệnh cho Tân Sơn Nhất cho cất cánh tất cả các oanh tạc cơ và oanh tạc cơ phóng thủy lôi sẵn có nhằm về hướng đó một giờ giờ trước bình minh.
Không biết rằng mình đã lộ vị trí một lần nữa, Tom Philips tiếp tục tiến tới Kuantan và đến nơi khi trời vừa hừng sáng. Thủy thủ đoàn các chiến hạm đều ở vào thế chiến đấu và các xạ thủ đại bác sắp sửa khai hỏa vào các dương vận hạm địch. Nhưng mặt trời nhô lên trên một vùng biển trống trơn... Trong vòng ba khắc đồng hồ - từ 8 giờ đến 8 giờ 45 - Lực lượng Z chạy dọc theo bờ biển chầm chậm mà không thấy gì ngoài vài chiếc ghe. Do lương tâm nghề nghiệp, Đô đốc phái một chiến hạm hộ tống đến thám sát chúng, rồi với tư thế hoàn toàn bình tĩnh, ông ra lệnh chạy nhanh về Tân Gia Ba.
Bộ Tư lệnh Nhật vì không bao giờ tính toán đổ bộ lên Kuantan cho nên không hề tưởng tượng rằng Lực lượng Z lại có thể tiến gần vào bờ biển như thế, bất chấp nguy cơ rơi vào bãi mìn, cũng vì vậy đoàn phi cơ từ Tân Sơn Nhất bay trên vùng biển thật xa bờ về phía đông đã không trông thấy đoàn tàu Anh. Chúng nới rộng vùng tìm kiếm mãi tận khu vực cách Tân Gia Ba 200 hải lý, rồi vì sợ thiếu xăng, đành quay trở về.
Một loạt chuyển động tuy không ăn khớp này, đã khóa chặt số phận của Lực lượng Z.
Đến 10 giờ 20, trong lúc chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse rời xa bờ biển chạy theo hướng Đông nam, các màn rada của chúng nổi lên nhiều chấm trắng: đó là các oanh tạc cơ phóng ngư lôi Nhật đang bay trở về căn cứ phía bắc... Lập tức tiếng kèn báo động vang dội. Lệnh báo động được loan đi: “Có phi cơ bên phải!”. Các vũ khí loại Vickers nòng đôi được chụp vào các nắp sa thạch để tránh nóng đỏ. Tất cả các vũ khí nhắm ngay vào các phi cơ địch đang xuất hiện trên bầu trời xanh như vô số viên ngọc chói sáng. Các sĩ quan phụ trách hướng bắn chống phi cơ dùng dụng cụ riêng tính toán khoảng cách và giác độ. Giờ đây chỉ còn chừ khoảng cách giảm dần để khai hỏa vào các phi cơ tấn công mà số lượng ngày càng đông.
Ngay lúc các súng cao xạ bắt đầu nổ đinh tai, một toán chín oanh tạc cơ đầu tiên thả bom xuống chiếc Repulse. Phần lớn đều rơi ra ngoài nhưng một trái đã trúng vào hầm chứa phi cơ khiến nó bốc cháy. Toán an ninh hướng chiếc máy phóng phi cư và trút chiếc phi cơ đang chảy xang xuống biển. Hỏa hoạn được dập tắt ngay và thiệt hại không đáng kể. Một tiếng la thắng át cả tiếng ồn ào: đó là các xạ thủ cao xạ đang thét lớn “Trúng nó rồi!”. Một phi cơ Nhật vừa bị hạ và một cột nước vĩ đại bốc lên cao hàng trăm thước khỏi chiến hạm.
Đợt báo động nóng bỏng vừa qua, chín phi cơ khác nhào tới chiếc thiết giáp hạm. Lần này chúng bay xuống sát mặt nước bất chấp hỏa lực khủng khiếp bắn chặn. Ba phi cơ bị hạ, nhưng sáu chiếc khác phóng được thủy lôi và hai quả trúng chiếc Prince of Wales bên trái phía sau.
Lần này thì cả một tai hoại. Máy điều khiển bánh lái bị hư, trục quay chong chóng bên trái bị gãy tung để lại đằng sau môt lỗ thủng lớn. Chiếc chiến hạm tả tơi tìm chỗ trốn. Nó chỉ có thể chạy chầm chậm và chiếc Repulse thì vượt qua không tỏ vẻ vì là muốn điều động đến tiếp cứu. Chính nó cũng bị đe dọa bị một đợt phi cơ thứ ba tấn công và phải chạy theo chữ chi để tránh các luồng sóng.
Đến 12 giờ 20, sau một thời gian yên lắng ngắn, đợt tấn công thứ ba đã đến. Phi cơ tấn công chia làm hai toán: sáu chiếc nhắm vào chiếc Prince of Wales và sáu nhắm vào chiếc Repulse. Chiếc đầu lại lãnh ba quả thủy lôi, chiếc thứ nhì một quả thôi. Nhưng ba phút sau một đợt tấn công mới thúc vào chiếc tuần dương hạm chiến đấu kỳ cựu không còn khả năng trả miếng nữa. Không thể thoát được các đợt xung phong hung dữ từ khắp mọi phía, chiếc Repulse bị đánh đến chết bởi bốn thủy lôi mới. Nó bị lật nghiêng và trong lúc thủy thủ đoàn trượt theo thân tàu để nhảy xuống nước, nó chúi xuống từ từ và chìm lỉm.
Tuy nổi danh là không thể bị đánh chìm được, thiết giáp hạm Prince of Wales cũng không còn sống lâu hơn. Lại bị chín phi cơ khác tấn công và trở thành bất lực, đến phiên chiếc chiến hạm đường bệ chìm xuống nước. Lúc 14 giờ ngày 10 tháng 12, nó biến mất trong một đám mây khói khổng lồ. Một phóng ngư lôi hạm can đảm tiến đến gần vớt được hai phần ba thủy thủ đoàn (Chừng 1.200 người. Số phận của thủy thủ đoàn chiếc Repulse ít may mắn hơn vì xuồng cấp cứu không thể thả xuống được. Chỉ có 780 người được vớt lên mà đa số đều bị thương) nhưng cả Đô đốc lẫn Hạm trưởng đều không có mặt trong số những người sống sót. Họ không thể hay không muốn rời chiến hạm.
Tin tức về tai biến mới này đập mạnh vào trái tim Anh quốc. Mới đêm trước đây Churchill còn dự tính với ông Bộ trưởng Hải quân thành lập một hải lực hùng mạnh của Đồng minh xung quanh hai chiến hạm ấy để giữ vững biên giới Mã Lai, nay ông thật sự rụng rời khi hay tin ấy. Vì sắp lên đường qua Mỹ, ông đến Quốc hội đọc một diễn văn, cố gắng quân bình chứng cớ thất bại này bằng cách nói đến sự bố trí mặt trận Nga Sô và sức mạnh kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Lời nói của ông được lắng nghe trong một không khí im lặng lạnh lẽo. Trong Thứ dân Nghị viện này, nơi làm việc của các đại biểu một dân tộc mà ngành hàng hải là chủ yếu, mỗi người đều bối rối cảm thức rằng đây không phải là hồi chung cục thảm bại của một trận hải chiến thường nhưng kết cục bi thảm của chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse là hồi chuông báo tử của thời đại thiết giáp hạm và từ sự kiện đó, là hồi chuông báo tử của thuộc địa Anh quốc...
Tại Tân Gia Ba, sự xúc động còn lớn lao hơn. Người Nhật nay đã làm chủ tuyệt đối bầu trời và mặt biển. Họ sẽ có thể mang đến tận khắp nơi bao nhiêu tăng viện cũng được. Đạo quân nhỏ bé của Anh đang chiến đấu dũng cảm trong rừng rậm tại các cứ điểm rải rác, chẳng chóng thì chầy sẽ bị đẩy ra biển và giờ đây mỗi người đều biết rằng sẽ không có một “Dunkerque” nữa.
Quả thật đã không có một Dunkerque nào.
Cùng ngày hôm ấy, 10 tháng 12, các thành phần xung kích của đạo quân thuộc Tướng Yashimura từ Singora đến đã tấn công và đặt chân lên biên giới Mã Lai, đẩy lùi hai Lữ đoàn Anh bảo vệ cứ điểm. Đạo quân xâm lăng tràn lan khắp nơi theo hai đường giao nhau, một phía tây, một phía đông dọc theo dãy núi chạy dài từ bắc đến nam Mã Lai.
Kế hoạch phòng thủ của Anh chủ yếu là dựa vào sự thành công của một cuộc phản công trên biên giới Thái Lan. Trong trí vị Tổng tư lệnh Sir Robert Brooke, sự chiếm đóng mau lẹ các phi trường của Thái Lan chắc sẽ phải tạo cho quân Anh một ưu thế không quân địa phương tuyệt đối giúp họ đập tan mọi mưu toan xâm lăng từ trong trứng nước. Nhưng để ngăn chặn viễn ảnh của các cuộc đổ bộ lên bờ biển, các phi trường tại Mã Lai phải được phòng vệ vững chắc. Các phi trường này được thiết lập rải rác dọc theo những cánh đồng bằng phù sa nằm viền phía tây của rặng núi xương sống, trên bán đảo một hệ thống phòng thủ chiều sâu đã được thiết lập chung quanh chúng. Sự kiện này làm cho các Sư đoàn quân Anh bị rải mỏng dọc theo bờ biển phía tây của bán đảo.
Các cuộc đổ bộ bất thần tại Singora và Khota Baru giúp cho quân Nhật chiếm được tất cả các phi trường tại Thái Lan và tại Khota Baru ngay trong ngày đầy tiên, do đó kế hoạch của Anh biến thành hư vô. Phần lớn phi cơ của Anh bị tiêu diệt trên mặt đất bởi các cuộc oanh tạc liên miên, và một vài chiếc hiếm hoi còn sót lại phải rút lui về phía nam. Các Lữ đoàn phòng vệ các phi trường này lần lượt bị tấn công, và vì không có hậu thuẫn của không quân, chúng phải rút lui và cố sức tập trung vào khu vực giữa núi và biển.
Chính các khu vực được phù sa bồi đắp này tập trung tất cả công cuộc canh tác của bán đảo và các đồn điền cao su. Chúng được nối liền với nhau bằng một hệt hống đường bộ và thiết lập từ Johore đến Bangkok, nhưng một vài điểm tựa hiếm hoi được thiết lập tại đấy đã phô bày cho không quân Nhật những tấm bia đỡ đạn tuyệt diệu. Trong tuần lễ kế tiếp, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra dưới các cuộc oanh tạc không ngừng nhằm chống lại một địch thủ đông hơn và được huấn luyện kỹ hơn. Tiến sâu trên đường bộ với loại chiến xa hạng nhẹ, theo sau các đơn vị thiết giáp Nhật là các đơn vị bộ binh ưu tú tràn ngập khắp nơi bằng xe đạp mà họ lấy cắp khi tràn qua làng mạc. Các Lữ đoàn Anh đang tháo lui không có đường rút nào khác hơn là lẩn vào các khu rừng lân cận. Họ thấy bị cô lập ngay tại đó, không có phương tiện truyền tin lẫn pháo binh yểm trợ.
Phải biết rõ rừng rậm Mã Lai mới hiểu nỗi thống khổ mà những con người khốn khổ ấy phải chịu đựng. Ngoài đầm lầy và ruộng lúa, khoảng cách trông rõ của họ bị hạn chế trong tầm vài chục thước. Một đơn vị lọt vào đấy phải tổ chứ phòng thủ tứ phía. Quân Nhật thì rất thông thạo trong việc khai thác cảm giác sợ hãi hỗn loạn xâm chiếm các toán quân Anh lạc vào trong thế giới thù nghịch ấy. Họ tung vào rừng rậm các toán xung kích thường chỉ gồm vài chục người, nổ súng rời rạc khắp mọi phía và tạo cho quân Anh cảm tưởng bị bao vây. Khi đơn vị quân Anh cố gắng tổ chức lại để toan tính phá vòng vây rút lui, họ sẽ bị tấn công từ mạn sườn bởi đoàn người hung hăng lao đến với gươm dao. Lối thoát duy nhất của họ là bắn mù quáng để tìm cách ra khoảng trống với cơn nguy bị tiêu diệt bởi không quân hay hỏa lực của thiết giáp địch.
Thoạt tiên các đồn điền cao su có vẻ như có thể giúp ích cho công cuộc điều quân, nhưng các cấp chỉ huy quân Anh lại tìm thấy tại đấy một thứ thất vọng khác. Những hàng cây thẳng tắp vô tận của hàng ngàn thân cây trơn tru và cách khoản nhau đều đặn đã làm cho việc xác định vị trí không thể nào thực hiện được. Trong rừng cao su, con người dễ dàng mất khả năng định hướng. Một sự rối loạn nhỏ xảy ra trong khi di chuyển, dẫn dắt mau lẹ cả đơn vị tán loạn hoàn toàn. Mọi cố gắng tập họp đều bị tê liệt vì ám ảnh thấy quân địch xuất hiện đột ngột dọc theo hàng thân cây dài viền quanh các khoảng đất trống. Lúc ấy những người bị cô lập cảm thấy chóng mặt. Sự thất vọng xâm chiếm cả những người can đảm nhất.
Một đoàn quân không được huấn luyện kỹ để học cách thoát ra khỏi hiện tượng đó và chỉ biết chịu đựng một cách thụ động, sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và mau lẹ. Quân Nhật thì đã được huấn luyện như thế trước khi qua tham chiến. Quân Anh thì không làm như vậy, quân Úc lẫn cả quân Ấn lại càng không. Do đó các trận đánh để rút lui mau lẹ trở nên có tính cách một cuộc chạy trốn hỗn loạn, đối với những người sống sót, kết thúc trong những trại lao tác ghê gớm của “những chiếc cầu sông Kwai”.