(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Kế hoạch A-Go

    
háng 4, tháng 5 năm 1944. Trên đổ biểu tổ chức vĩ đại của ủy ban tham mưu hỗn hợp, các hàng cột tương ứng với những tháng ngày định mệnh này, nổi bật lên trong một màu xám vì chống chất vô vàn con số, các yếu tố biến đổi, các ước tính. Tất cả mọi sự việc ở đấy đều lệ thuộc vào cuộc hành quân Overlord, cuộc đổ bộ vĩ đại tại Normandie vốn sẽ phải quyết định số phận của cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Trong các sự dự liệu cũ về chiến trường Thái Bình Dương, thì sự chiếm đóng bảy đảo san hô Mili, Jalut, Majuro, Maloelap, Wotffe, Kwajalien và Eniwetok sẽ kéo dài 2 tháng. Bình thường thì nó phải chấm dứt vào tháng 4 và 1 tháng nghỉ ngơi đã được xem là cần thiết trước khi mở cuộc tấn công tiếp.
Cuộc tiến quân thần tốc của Nimitz đã làm xáo trộn các tiên liệu này. Đại quân đảo Marshall đã bị vô hiệu hóa ngày 15 tháng 3 và căn cứ Truk bị tiêu diệt. Lực lượng của Spruance chỉ bị các tổn thất không đáng kể, không có gì ngăn trở một đợt tiến quân mới nếu kế hoạch cho phép thay đổi thời biểu. Nhưng không thể được. Giống như một chuyến xe lửa tốc hành đã phóng trên đường ray, guồng máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ phục vụ cho một số quá đông người thụ hưởng đến nỗi không thể nào thay đổi gì được nơi nó. Gia dĩ kế hoạch tấn công lên quần đảo Marianné đã không được ủy ban tham mưu hỗn hợp chấp thuận vì bị Mac Arthur thúc giục, ủy ban còn ngần ngại không biết phải theo đường lối nào.
Vả lại, ông Tướng sôi sục chẳng cần chờ được bật đèn xanh mới thực hiện thêm một bước nhảy nữa trên lộ trình của mình. Từ lâu ông có thói quen hành động không cần chờ đợi khi ông thấy chắc chắn thành công mà không cần phải xin bất cứ một sự giúp đỡ nào. Đó là trường hợp cuộc hành quân được dự trù sắp đến gồm có trước hết “By-Pass” căn cứ không quân hùng mạnh Wewak rồi chiếm duyên hải đảo Hollandia, 300 cây số xa hơn về phía tây, nơi có rất nhiều phi trường lớn.
Cuộc xung phong đổ bộ lên Hollandia, mà trước đó đã được chuẩn bị kỹ bởi một loạt oanh tạc có phương pháp, đã diễn ra trong các ngày đầu tháng 6, đúng lúc quân sĩ của Eisenhower lan tràn khắp Normandie. Cuộc đánh chiếm cũng thành công như cuộc đổ bộ tại Âu châu nhưng đã đưa lại một trong những niềm thất vọng sôi động nhất trong cuộc chiến định mệnh này: Các phi trường của Hollandia bị ngập nước vì nằm kế cận hồ Sentani, không thể nào làm khô được và hoàn toàn không thích nghi cho các pháo đài bay cất cánh... Nhưng cần gì! Cuộc đổ bộ tại Normandie đã thành công (Đọc “Hitler và trận đánh Normandie” - Sông Kiên xuất bản. Sách đã phát hành), chiếc đầu con bò cái ốm yếu đã bị vượt qua. Từ Aléoutennes đến Tân-Guinée, các lực lượng Mỹ đang hào hứng sửa soạn cuộc xung phong quyết định.
Về phía Nhật Bản, vụ mất tích của Koga đã đưa đến một tình trạng do dự. Tổng hành dinh Thiên hoàng đã để hơn một tháng (Đô đốc Takáu, Tư lệnh khu vực Tây nam Thái Bình Dương xử lý thường vụ) mới chỉ định người kế vị ông là Đô đốc Toyoda, người cho đến lúc đó vẫn chỉ huy khu vực hải quân Yokosuka. Trong tư cách là chỉ huy trưởng căn cứ hải quân quan trọng bao bọc cả vịnh Đông Kinh này, Đô đốc Toyoda đã tham dự chặt chẽ vào việc thiết lập các kế hoạch phòng thủ quần đảo Nhật Bản. Ông cũng đã trông nom công cuộc cải biến thành hàng không mẫu hạm chiếc Shinano, thiết giáp hạm thứ ba cùng loại với chiếc Yamato, vốn đã được lên khung tại công xưởng Yokosuka. Tổng hành dinh Thiên hoàng đặt niềm kỳ vọng lớn lao nhất vào chiếc siêu hàng không mẫu hạm 71.000 tấn này. Một mẫu hạm có thể mang theo 100 phi cơ và gần như không thể nào bị đánh chìm được. Nhưng Toyoda chưa bao giờ hành sử quyền chỉ huy trên mặt biển trong thời gian chiến tranh, và tên ông gần như là xa lạ với tất cả thủy đoàn. Đúng vào lúc quyết định ấy, chính đây là một điểm yếu trầm trọng. Có lẽ ông có thể bù trừ yếu điểm này bằng cách đặt bộ chỉ huy trên một trong các chiến hạm của mình, chiếc siêu thiết giáp hạm Musachi hoặc mẫu hạm mới Taiho rực rỡ vừa mới được mang ra sử dụng. Các giải pháp khác nhau ấy đều đã được đưa ra nghiên cứu tại Tổng hành dinh Thiên hoàng, sau cùng cơ cấu chỉ huy tối cao này chọn lựa một giải pháp dung hoà: Toyoda sẽ đặt hiệu kỳ của ông trên chiếc tuần dương hạm Oyodo, trên nguyên tắc vẫn bỏ neo tại Kisakaru trong vịnh Đông Kinh, nhưng sẽ di chuyển tùy theo tình thế.
Công thức tạp nham này sẽ cho thấy là không thực hành được. Năm tháng sau, khi mối đe dọa của các pháo đài bay Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản trở nên chính xác, Toyoda rời tuần dương hạm để thiết lập bộ chỉ huy trên đất liền, trong các hầm trú ẩn dưới mặt đất thuộc viện đại học Keio, lân cận Đông Kinh. Ông có đi ra ngoài vài tuần để đích thân đến Đài Loan nhận quyền chỉ huy không lực thuộc hải quân đúng lúc các trận đánh tháng 10 năm 1944 đang diễn tiến. Sau khi trận chiến thất bại, ông có ý định đến Phi Luật Tân, nhưng Bộ tham mưu ép ông trở về Đông Kinh, và sau đó, ông ở tại đấy cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta thấy có các mệnh lệnh hành quân do Toyoda soạn thảo nhắm vào các trận đánh quyết định - và đặc biệt là kế hoạch A-Go nổi tiếng bắt đầu có hiệu lực từ lúc có cuộc tấn công của Mỹ vào quần đảo Mariannes. Kế hoạch này lặp lại các nét chính của kế hoạch Koga. Tuy nhiên kế hoạch nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải hòa nhập về mặt chiến thuật không lực của lục quân và của hải quân vào trong một cơ cấu duy nhất, và xác định rõ ràng các khu vực mà ông hy vọng sẽ xảy ra một trận quyết định với lực lượng Mỹ. Đấy là khu vực phía Nam, giữa quần đảo Carolines và Tân-Guinée vốn được coi là khu vực có thể xảy ra chiến trận nhất. Khu vực quần đảo Mariannes trở thành thứ yếu. Ý tưởng hành quân thì vẫn như cũ: nhử chủ lực hạm đội mẫu hạm địch đến càng gần dãy phi trường trên các đảo càng tốt để cho phi cơ trên các phi trường này có thể hỗ trợ các không đoàn của mẫu hạm Nhật.
Vì số lượng phi cơ cần thiết chỉ có thể được tập trung vào cuối tháng 5 năm 1944, cho nên tất cả các đơn vị được lệnh từ chối đụng độ cho đến nhật kỳ ấy. Các điểm tiên liệu trong kế hoạch đã chú trọng vào tuần lễ sau cùng của tháng 5 năm 1944, đến 450 phi cơ của hải quân trong khu vực phía bắc phân phối trên các căn cứ Iwo-Jima, Saipan, Tinian và Guam, và đến 510 phi cơ trong khu vực phía nam được phân phối trên quần đảo Carolines, Phi Luật Tân, Célèbes và Tân-Guinée. Quá ít. Mỗi một khu vực ấy cũng đã rộng bằng cả Đại Tây Dương giữa quần đảo Antilles và Dakar, và mật độ của các phi cơ đặt căn cứ trên mặt đất trong mỗi khu vực tỏ ra quá yếu. Hơn nữa, do sự kiện quân Mỹ đã loại trừ căn cứ Truk và các phi trường Nhật trên quần đảo Carolines về phía đông, cho nên một thứ no man’s land không được phòng thủ sẽ nằm giữa giới hạn bán kính hoạt động của các phi cơ đặt căn cứ trên đất liền trên hai khu vực.
Để cố bít kẽ hở nguy hiểm này, ban tham mưu của hạm đội liên hợp đã cho thay đổi kiểu chiến đấu cơ đang được sản xuất (oanh tạc cơ đâm bổ Susei và phi cơ phóng thủy lôi Tenzan) để cho chúng có một bán kính hoạt động 400 dặm, trội hơn 30% bán kính hoạt động của phi cơ Hellcat Mỹ vốn chỉ có 280 dặm. Loại phi cơ đầu tiên kiểu này đã được đưa ra khỏi công xưởng vào cuối tháng 4 năm 1944 và được ưu tiên gửi đến Tân Gia Ba, nơi mà tất cả mẫu hạm của Ozawa đang được tập họp để huấn luyện. Vị Tư lệnh hạm đội lưu động số 1 hy vọng còn có ba tuần nữa để hội nhập các phi cơ mới. Các cuộc thực tập ban ngày và ban đêm nối tiếp nhau theo một nhịp độ điên cuồng. Từ trên xuống dưới ai cũng mơ hồ cảm thấy ván bài sắp đánh sẽ có tầm quan trọng sống còn cho Nhật Bản. Nhưng chín mẫu hạm của hạm đội lưu động số 1, trong đó có chiếc Taiho, mới đến gia nhập, vượt trội hơn hẳn tất cả các mẫu hạm đang chạy trên mặt biển, và các siêu thiết giáp hạm của Ugaki, đã gây ra một cảm tưởng về sức mạnh đến nỗi chiến thắng gần như là một điều chắc chắn. Do đó chính trong không khí say sưa này mà tiếng cồng đầu tiên của hiệp quyết định vang lên một cách bất ngờ.
Ngày 20 tháng 5 năm 1944, Mac Arthur, thấy rằng Hollandia không cung cấp được cho các oanh tạc cơ của ông những căn cứ xuất phát mà ông cần thiết để phá tan công cuộc phòng thủ trên quần đảo Phi Luật Tân, mưu toan một cuộc đổ bộ bất ngờ lên đảo Biak, bất chấp khoảng cách quá lớn giữa nó và các căn cứ của ông và bất chấp tầm quan trọng của lực lượng trú phòng trên đảo. Đấy là một cuộc hành quân táo bạo nhất và có hậu quả lớn nhất trong suốt cuộc chiến của Mac Arthur. Lực lượng thủy bộ số VII do viên Đề đốc trẻ tuổi Fechteler xử lý quyền chỉ huy. Ngày 27 tháng 5 đã thành công trong việc đổ bộ 10.000 quân lên đảo. Mặc dầu đạo quân trú phòng Nhật trên tiểu quần đảo này cũng đông đến cả chục ngàn người, nhưng họ đã không đẩy lùi được quân tấn công. Viên Đại tá chỉ huy quân Nhật đã cho lập chung quanh các phi trường một hệ thống phòng thủ chiều sâu vô cùng kiên cố bẻ gãy được cuộc tiến quân của Mỹ, nhưng ông ta không thể đẩy họ ra biển. Binh sĩ của Mac Arthur đã tiến sát phi trường trong tầm súng đại bác, cho nên quân Nhật không thể sử dụng các phi trường được nữa.
Chốt Biak được coi như vô cùng quan trọng cho công cuộc phòng thủ khu vực phía nam đến nỗi vị Tư lệnh hạm đội liên hợp phải tổ chức ngay một cuộc hành quân để đẩy lùi quân xâm chiếm. 2.500 Thủy quân lục chiến Nhật được đưa lên khu trục hạm tại Mindanao để đi tiếp cứu; các thiết giáp hạm Musachi và Yamato cùng với lực lượng tuần dương hạm hộ tống hùng mạnh áp đảo, sẵn sàng can thiệp. Song Toyoda đã không dám ra lệnh nhổ neo hạm đội lưu động số 1 của Ozawa vì các chiến hạm bị phân tán rải rác đang huấn luyện và không sẵn sàng chiến đấu với hiệu năng tối đa. Nhưng vì hạm đội thiết giáp của ông rất cần sự che chở của không quân để có thể đương đầu với hạm đội Mỹ, ông ra lệnh cho Ozawa gửi một phần phi cơ và một số phi công ưu tú đến Mindanao.
Do sự kiện này, các kế hoạch A-Go, vốn được soạn thảo hết sức tỉ mỉ, đã bị một sự xáo trộn đầu tiên. Tại Mindanao, mọi người đều tin rằng sắp có một sự can thiệp cấp kỳ của hạm đội Mỹ tại khu vực phía Nam Thái Bình Dương. Vị Đô đốc chỉ huy cuộc hành quân tiếp cứu vì nhận được một điện văn báo hiệu sai lầm là có sự hiện diện của một mẫu hạm Mỹ nên đã vội cho lực lượng quay lui mà không chờ có sự xác nhận. Trong lần toan tính thứ hai, ông ta gặp các tuần dương hạm của Crutchley đang canh gác ngoài khơi Biak, và ông ta đã ẩn tránh mà không tấn công, tin rằng đang có chuyện với bộ phận tiền phương của một hải lực quan trọng.
Nhưng cùng ngày ấy - ngày 8 tháng 6 năm 1944 - vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp được thông báo rằng các mẫu hạm Mỹ đã rời khỏi quần đảo Marshall để tiến về quần đảo Mariannes. Mọi hy vọng của một cuộc gặp gỡ tại khu vực phía nam đều tiêu tan. Cuộc hành quân tiếp cứu Biak bị hủy bỏ ngay và hạm đội lưu động số 1 được lệnh quay trở về Tawi - Tawi phía bắc Bornéo để được tiếp tế. Sau đó nó sẽ phải đến tiếp hợp với hạm đội thiết giáp của Kurita và sau khi tiếp nhận các phi cơ biệt phái, cùng với các thiết giáp hạm lên đường tiến tới Saipan “để tìm kiếm hải lực địch tại đó và tiêu diệt chúng cùng một lúc”.
Ngày 15 tháng 6, Ozawa và Kurita thực hiện cuộc tiếp hợp hai lực lượng trong quần đảo Phi Luật Tân. Trong thời gian đó, các mẫu hạm Mỹ thực hiện các cuộc oanh tạc tàn phá Saipan và một không đoàn còn tiến xa đến tận Iwo-Jima cách 400 cây số phía bắc quần đảo Mariannes. Sau đó ít lâu, phi cơ thám sát của Kusaka thấy một hải lực gồm nhiều trăm chiến thuyền đang trên đường tiến tới Mariannes. Sáng ngày 15, Toyoda chuyển đến các Đô đốc thuộc hạm đội liên hợp bản điện văn sau đây: “Nhiều lực lượng quan trọng của địch đã bắt đầu các cuộc đổ bộ trong vùng Saipan-Tinian. Hạm đội liên hợp sẽ tấn công chúng trong hải phận quần đảo Mariannes để tiêu diệt chúng. Áp dụng kế hoạch A-Go cho trận đánh quyết định”.
Ngọn lao đã phóng đi. Cuộc gặp gỡ sẽ xảy ra ở cách quá xa căn cứ không quân của Kujaka.
Chiều ngày 16 tháng 6, hạm đội liên hợp tiến ra khỏi các eo biển thuộc quần đảo Phi Luật Tân và được tiếp tế bổ túc dầu cặn trong ngày 17 bằng các tàu dầu của hạm đội. Nhiều tin tức rất chính xác hôm ấy được đưa đến cho Ozawa, liên quan đến sự phân phối hải lực Mỹ. Một lực lượng mẫu hạm tuần tiễu ngoài khơi Saipan và dường như muốn ở lại đó trong suốt cuộc hành quân xâm chiếm; rất nhiều chiến hạm, trong số đó có các mẫu hạm nhẹ và các mẫu hạm hộ tống, phụ trách che chở cho cuộc đổ bộ và oanh tạc thúc giục không ngừng nghỉ các phi trường và hệ thống phòng thủ trên bộ tại Guam, Saipan và Tinian.
Nhờ có thì giờ trong suốt ngày 17 để hoàn tất kế hoạch tấn công, Ozawa không chờ đợi mệnh lệnh của Đông Kinh, ra lệnh lên đường tấn công, trên các chiến hạm, tinh thần căng thẳng từ giờ phút. Các thủy thủ đoàn đã được thông báo những biến cố trọng đại đang được chuẩn bị, biển lặng, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Các điều kiện hết sức thuận tiện cho một cuộc tấn công bằng phi cơ. Các hoa tiêu ngồi chờ trong phòng báo động trong cơn sốt mệnh lệnh cất cánh.
Đến nửa đêm, một đệp văn từ Đông Kinh gửi đến và sau đó được công bố trên tất cả các chiến hạm thuộc hạm đội. Điệp văn ký tên vị Tổng tư lệnh hạm đội và được soạn thảo như sau: “Tôi kính cẩn cúi đầu chuyển đến quí ông bản điệp văn của Thiên hoàng mà Tổng hành dinh vừa đưa đến. Cuộc hành quân đang xúc tiến sẽ có vô vàn ảnh hưởng sâu xa đến số phận vương quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các lực lượng hải quân sẽ ráng hết sức mình và cũng sẽ thu đạt được các kết quả tuyệt vời như trận đánh Tsoushima”.
Được khuyến đại bởi âm vang mênh mông của tước vị Thiên hoàng, đấy chính là sự khích lệ tối hậu cho tất cả chiến hạm mà Tư lệnh các hải đoàn phổ biến trước ngày xảy ra trận chiến vĩ đại. Bất chấp sự mệt mỏi tột độ của những ngày trước đó, không một người nào tính đến chuyện nghỉ ngơi. Từ trên xuống dưới hệ cấp các đơn vị, trong tâm trí mọi người đều nghĩ đi nghĩ lại các hành động phải làm trong cuộc thử thách vĩ đại ngày mai.
Ý tưởng điều quân của Ozawa rất đơn giản: lợi dụng bán kính hoạt động cực lớn của các phi cơ mà ông vừa nhận được (gần gấp đôi bán kính hoạt động của phi cơ Mỹ) để đồng loạt tung chúng về phía hạm đội địch, rồi tiến đến gần mà không sợ bị tấn công cho đến khoảng cách vừa tầm của các phi cơ kiểu cũ mà bán kính hoạt động yếu hơn. Lúc đó các mẫu hạm địch sẽ hoặc bị hư hại, hoặc quá bận phòng thủ nên không thể nghĩ đến chuyện tấn công. Như thế, ông có thể tiếp đón các phi cơ thuộc đợt đầu lên mẫu hạm và tuyên bố một đợt tấn công thứ hai với sự yểm trợ của các không đoàn đặt căn cứ trên đất liền. Các thiết giáp hạm khổng lồ và các tuần dương hạm sẽ can thiệp tiếp theo bằng hải pháo để tiêu diệt những gì còn nổi trên mặt biển. Kế hoạch táo bạo này có tính cách vô vùng hữu lý. Nhưng nó đã phạm nhiều lầm lỗi.
Ozawa là một sĩ quan hải quân sáng chói đã từng chia sẻ binh nghiệp giữa sự chỉ huy trên biển và các văn phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu. Ông được nhào nặn bởi các chủ thuyết thuộc nhiều trường phái chiến tranh và có thiên phú đáng kể về mặt tổ chức - tư thế của ông trong các cuộc hành quân tại Mã Lai là một bằng chứng - nhưng ông không phải là một phi công và không biết thích nghi các phương pháp của ông với thứ vũ khí mới mà kỹ thuật đã vượt khỏi tầm hiểu biết của ông. Quen thấy các phi công Nhật vượt trội hẳn phi công Mỹ, ông không ý thức được một cách chính xác tình trạng giảm giá trị mà các không đoàn của ông phải chịu đựng từ khi những phi công tân tuyển thay thế các phi công lão luyện. Ông cũng không tưởng tược được rằng các căn cứ không quân trên các đảo, được cao xạ D.C.A bảo vệ mạnh mẽ, lại có thể bị phi cơ địch vô hiệu hóa. Kế hoạch của ông có phần nào dựa trên sự tiếp tay của các phi cơ đặt căn cứ tại Saipan, Tinian và Guam; thế mà ngay cả trước khi trận đánh bắt đầu, các phi cơ này đã bị tiêu diệt thật sự ngay trên mặt đất bởi các oanh tạc cơ hạng nặng của quân đội Mỹ hoặc bị hạ từ trên không bởi vô số khu trục cơ của các mẫu hạm nhẹ đang tuần tiễu trong quần đảo Mariannes.
Sự thận trọng đòi hỏi phải chiến ngay khi nhận biết được tin tức này. Thế nhưng một biện pháp như thế không thể nào phù hợp với tâm tánh của vị Tư lệnh hạm đội lưu động. Ông không hề nghĩ đến biện pháp ấy.
Ozawa là một người nhỏ thó mảnh khảnh, nét thanh tú và dáng vóc sinh động. Cái nhìn của ông lọc qua hai hàng lông mi gấp nếp chiếu sáng rõ một khuôn mặt bất động. Một cảm tưởng về sự bình tĩnh không có gì lay chuyển được và về sự quyết tâm lạnh lùng, đã thoát ra từ nhân cách ông. Ông có thiên phú tạo niềm tin nơi kẻ thuộc quyền nhờ những tia sáng chói lọi từ nơi đức tự tin mãnh liệt của chính ông.
Khi Ozawa được báo cho biết có sự hiện diện của các hải lực địch cách 50 hải lý về phía tây nam Saipan lúc 7 giờ sáng ngày 19 tháng 6 năm 1944, 246 phi cơ có tầm bán kính hoạt động lớn của hải đoàn 1 và 2 được lệnh cất cánh. Cuộc hành quân diễn tiến nhỏ trong một cuộc thực tập. Đến 8 giờ, hai mẫu hạm cư phi cơ cất cánh đổi hướng về phía nam để giữ khoảng cách. Mỗi người đưa mắt theo dõi đoàn phi cơ hùng hậ bay xa dần trong bầu trời xanh biếc. Toàn diện hạm đội lưu động đều phấn khởi vì niềm tin tuyệt đối vào sự thành công.
Đột nhiên, đài chỉ huy của soái hạm được báo động bởi một phi cơ tuần thám đang bay sát mặt nước theo lối chữ chi kỳ lạ để tránh sự chú ý. Gần như lập tức các trinh sát viên báo hiệu có nhiều luồn sóng thủy lôi và chiếc phi cơ đâm thẳng góc xuống một trong các thủy lôi ấy rồi vỡ tan, cách soái hạm vài chục thước. Sự hy sinh anh hùng ấy dường như đã tránh cho chiếc Taiho khỏi bị đe dọa một chốc lát sau khi đột ngột chạy tréo sang một bên, nó lại tiếp tục hướng đi ban đầu. Vài giây sau, một tiếng nổ điếc tai làm rung chuyển chiếc chiến hạm: một thủy lôi thứ hai đã trúng đích! Cách sắp đặt các phòng ngăn dưới hầm tàu Taiho đã được nghiên cứu kỹ đến nỗi chiếc đại chiến hạm chịu đựng tiếng nổ như là một mũi kim chích vào da. Sau khi chậm lại một chút, nó trở lại tốc độ bình thường trong lúc các toán an ninh lo bít các chỗ nước tràn vào. Không có gì thay đổi kế hoạch khởi thủy. Chiếc Taiho chỉ chứng tỏ một điểm yếu và vừa hợp thức hóa danh tiếng “mẫu hạm không thể bị đánh chìm” của nó.
Một niềm lo âu bắt đầu biểu hiện trên đài chỉ huy của soái hạm khi chẳng có tin tức gì về các đoàn phi cơ tấn công được chuyển đến sau hai giờ chờ đợi. Đến 10 giờ, Ozawa ra lệnh phóng đợt xung phong thứ hai, khoảng cách với địch quân giờ đây giảm xuống đủ để cho các phi cơ có bán kính hoạt động ngắn can thiệp vào. Ngay lúc đó, thang máy của chiếc Tahio lại bị hư làm chậm trễ giờ khởi hành của các phi cơ và mãi đến 12 giờ 30 chúng mới có thể cất cánh được. Vài phút sau, nhiều phi cơ Nhật, trong số đó nhiều chiếc dường bị như bị khó khăn, bay trên chiếc đại chiến hạm, để đáp xuống. Sự vận chuyển để tiếp nhận gần như tận, nhất là khi ai nấy rất nóng lòng muốn biết kết quả của trận đánh.
Báo cáo của các phi công kiệt sức, mà phần đông phải được giúp đỡ mới bước ra khỏi phòng lái được, đã gieo rắc mối kinh hoàng trên đài chỉ huy của soái hạm. Đợt tấn công đầu tiên thoạt kỳ thủy đã gặp mây, rồi cả một đoàn phi cơ địch đông như bầy ong ẩn đằng sau, cách mục tiêu hơn 30 hải lý (35 cây số) chờ đợi chúng. Trong cuộc đụng độ rối loạn xảy ra sau đó, các phi cơ Nhật bị số đông phi cơ địch áp đảo. Đa số bị bắn hạ, nhưng vài chiếc chắc đã vượt được hàng rào phi cơ ngăn chặn của hạm đội Mỹ. Chắc chắn chúng đã có thể tấn công địch và đáp xuống Guam sau khi hết xăng vì người ta không thấy chúng trở lại nữa.
Khi biết được các tin tức này, Ozawa đã do dự một lúc, rồi quyết định tung đợt cuối cùng 42 chiếc của hải đoàn số 1. Khi các phi cơ vừa cất cánh hết, một tiếng la lớn vang đến đài chỉ huy của mẫu hạm Taiho: chiếc Shokaku lúc đó đang chạy ngang hàng cách hai dặm, bị trúng đạn ở mạn hữu đang tuôn ra một làn mây khói. Tiếng động do một vụ nổ xa xa đã làm tiêu tan mọi nghi ngờ: đến lượt chiến hạm bị trúng thủy lôi!
Trên mẫu hạm Shokaku, các toán an ninh quen thuộc với các hư hại trong khi đụng độ, đã dập tắt được ngọn lửa do tiếng nổ gây ra và sau một giờ chiến đấu, nguy cơ cháy xăng có vẻ đã đi qua.
Trong lúc đó vài phi cơ của đợt hai bắt đầu đáp xuống chiếc Taiho. Thấy mẫu hạm Shokaku đã chế sự được các hư hỏng, Ozawa ra lệnh cho hai mẫu hạm tiến về phía đông để tiếp đón hai đoàn phi cơ cuối cùng sau khi chiến đấu trở về. Không một phi cơ nào của Mỹ đến tấn công hạm đội Nhật. Những hư hỏng duy nhất gây ra cho hạm đội cua rông đều do các tàu ngầm địch rủi ro gặp phải trên trục tiến quân. Mặc dầu các phi cơ trở về với nhịp độ rất yếu, ông có quyền nghĩ rằng quân Mỹ phải bị thiệt hại khá nặng nên phải rút lui về phía đông để khỏi bị thiệt hại thêm.
Theo như các nhân chứng có mặt lúc đó thì vị Tư lệnh hạm đội lưu động số 1 “rạng rỡ lạc quan” trong lúc đột nhiên, cả một loạt tiếng gầm kéo dài làm vỡ tan sự im lặng, lúc đó là 15 giờ. Thoạt tiên ông cho đó là tiếng nổ của lựu đạn chống tiềm thủy đỉnh do các khu trục hạm vốn có nhiệm vụ săn đuổi liên tục tàu ngầm Mỹ tung ra. Nhưng khi thấy chiếc Shokaku, ảo tưởng biến mất. Nhiều cuộn khói bốc cao cho đến cột buồm và, hai phút sau, một tiếng nổ phát ra vang dội, phóng một chùm tia lửa lên cao. Rồi các cuộc khói đen quay cuồng do gió thổi tạt lên mặt biển trên hai luồng sóng sau chiến hạm. Mẫu hạm kỳ cựu của những trận đụng độ hùng tráng trên biển San hô và quần đảo Salomon lần này phải gục ngã vì cháy xăng.
Ozawa vừa mới có thì giờ ra hiệu cho chiếc Zuikaku đến gần, 15 phút sau một tai nạn bi thảm đã làm đài chỉ huy soái hạm bối rối. Hơi xăng lan tràn dưới đáy hầm và từ các loa phóng thanh lệnh báo động được ban ra: “Nguy cơ cháy xăng”. Tất cả các mạch điện đều bị cắt trong các ngăn bị đe dọa khiến gây ra một cảnh hỗn loạn. Thủy thủ đoàn trên chiếc Taiho không cùng có kkn như của chiếc Shokaku. Người chỉ huy an ninh, hoảng hồn vì tỷ lệ lớn lao các ngăn tàu mà hơi xăng tràn, liền ra lệnh mở hệ thống quạt để thông hơi đáy tàu. Mệnh lệnh điên rồ này cũng như một mồi lửa đưa xuống dưới một thùng thuốc súng. Đáy mẫu hạm đồng loạt biến thành một lò lửa thép và xô ngã các tường vách ngăn cách hầm tàu. Hầm máy bị lửa tràn ngập và tất cả các động cơ đều ngừng quay. Mẫu hạm nghiêng và bắt đầu chìm.
Đô đốc Ozawa ra lệnh di tản và cùng với Bộ tham mưu chuyển sang chiếc tuần dương hạm gần nhất. Vừa đặt chân lên đó, ông thấy mẫu hạm Taiho chúi xuống từ đằng sau và biến mất trong sự rung chuyển vĩ đại.
Khi đêm xuống, Bộ tham mưu của ông đặt tại các phòng ốc chật hẹp của tuần dương hạm Majuro, Ozawa tuyệt đối bình tĩnh soạn thảo các huấn lệnh cho hạm đội lưu động số 1. Ông đã bị những tổn thất nặng nề, nhưng ông còn lại một đại mẫu hạm, chiếc Zuikaku, chiến hạm luôn luôn may mắn, và toàn diện lực lượng mẫu hạm nhẹ. Ông chưa có con số chính xác các phi cơ được tiếp nhận trở lại, nhưng tính toán rằng những chiếc không trở về chắc đã xuống Guam hoặc Rota trong quần đảo Mariannes. Hơn nữa, các báo cáo của những phi công sống sót sau trận đánh đã nhấn mạnh đến bốn mẫu hạm nặng của Mỹ bị đánh chìm và một số lớn khu trục Hellcat bị bắn hạ.
Do đó Ozawa suy tính rằng không có lý do gì không tiếp tục cuộc tấn công. Một điểm hẹn liền được ấn định với các tàu tiếp tế vào ngày mai, trong khi đó mệnh lệnh tiếp tục các cuộc không thám vào lúc bình minh được chuyển đến cho các mẫu hạm của hạm đội. Sau đó Đô đốc ra lệnh im lặng vô tuyến hoàn toàn cho tất cả các chiến hạm đang hành quân trong vùng.
Đêm tối và những giờ đầu tiên của hôm sau trôi qua mà không có báo động mới, Ozawa kết luận rằng hạm đội Mỹ bị khó khăn phải rút về phía đông, nên quyết định đuổi theo.
Mặc dầu những điều tiên liệu của Ozawa hoàn toàn sai lạc (các phi công của ông chỉ có làm hư hại được hai mẫu hạm và một thiết giáp hạm) thì không phải hạm đội Mỹ không tỏ ra kém phần ham chiến đấu. Không có một máy bay tuần thám ban đêm nào đến quấy rối sự yên tĩnh của các chiến hạm Nhật trong khi các thủy phi cơ thám sát của Nhật không ngừng quan sát từ xa mọi chuyển động của đối phương. Đối với Ozawa thật khó - nếu không phải là không thể nào tưởng tượng ra nguyên nhân của sự ngần ngại quá thận trọng này.
Trong thực tế, có hai nguyên nhân: một mặt Đô đốc Sprannce, Tổng tư lệnh quân lực xâm chiếm quần đảo Mariannes, đã ra lệnh cho Đô đốc Mitscher, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm mẫu hạm, đừng rời xa Saipan nơi đang diễn ra cuộc đổ bộ khó khăn; mặt khác, sự ngăn chặn các phi cơ Nhật (mà phi công Mỹ mệnh danh cho là một “cuộc bắn chim bồ câu” vì số lượng nạn nhân lớn quá) đã kéo theo một sự mệt mỏi không phải là ít, đến nỗi Mitscher phải gạt bỏ ý tưởng tung các phi công của mình vào một cuộc phiêu lưu mới.
Mitscher là một phi công lão luyện có vô số giờ bay, và trái ngược với các Đô đốc thường vốn hay có khuynh hướng sử dụng máy bay như là đạn đại bác mà không cần nghĩ đến chuyện gì có thể xảy ra cho chúng sau đó, ông chăm sóc tinh thần của các phi công, những chiến sĩ mà ông biết rằng ngày một ngày hai sắp đến sẽ quyết định chiến thắng hay chiến bại. Vì lẽ ông hoàn toàn không biết gì về tổn thất của địch do tàu ngầm gây ra, ông ngại một cuộc tấn công mới sẽ xảy ra ngày 20 tháng 6 và muốn đương đầu với đợt tấn công này với đầy đủ phương tiện của mình. Một buổi sáng nghỉ ngơi, theo ông, là vô cùng cần thiết và cũng không đòi hỏi - đáng lẽ ra ông phải làm - gia tăng thập bội các cuộc tuần thám để tìm lại vị trí hạm đội Nhật.
Thế mà, trong buổi sáng đó, Ozawa đã nhận được một điện văn dài của Kasuka, Tư lệnh không lực tại quần đảo Mariannes, báo tin rằng 17 phi cơ sống sót sau cuộc “bắn chim bồ câu” hôm trước đã khẩn cấp đáp xuống Guam, hoàn toàn không thể cất cánh lại được nữa, và rằng các không đoàn của riêng ông vì bị thử thách quá nhiều bởi các cuộc oanh tạc ồ ạt của đối phương đến nỗi chỉ có thể mang lại cho ông một sự hỗ trợ yếu kém mà thôi. Khi biết được về định mệnh mới này, thái độ lạc quan của Ozawa đột ngột sụp đổ. Ông hủy bỏ sự tiếp tế đã tiên liệu, và rút lui hạm đội lưu động của ông về Nhật Bản.
Như thế là hai hạm đội đối nghịch xa dần nhau thay vì xáp lại gần nhau và mãi đến 16 giờ ngày 20 tháng 6 một phi cơ tuần thám của Mỹ mới báo hiệu được vị trí hạm đội Nhật Bản. Mặc dầu nhận được lệnh của Đô đốc Spruannce là “tấn công ngay khi có tin chính xác”, Mitscher vẫn ngần ngại không muốn tung ra các không đoàn của mình để tấn công. Quyết định của ông sẽ rất trầm trọng: mặt trời đã hạ dần xuống chân trời và hạm đội Nhật đang ở vào vị trí xa nhất của bán kính hoạt động, điều này bắt buộc các phi cơ phải quay trở về lúc trời tối và bắt buộc tổ chức một cuộc tiếp đón phi cơ hết sức liều lĩnh. Nhưng cơ hội đánh bất ngờ và tiêu diệt hạm đội địch hết sức tốt đẹp. Do đó, rốt cuộc ông chấp nhận mạo hiểm.
Các không đoàn Mỹ tổng cộng 216 phi cơ tấn công làm nhiều đợt từ 18 giờ 20 đến 19 giờ, nghĩa lúc mặt trời lặn. Hạm đội lưu động số 1 vẫn còn phân tán xa nhau, tạo thành nhiều mục tiêu dễ dàng, nhưng sau khi bay một chặng đường 450 cây số, các phi cơ của Mitscher chỉ vừa đủ xăng để thả bom hoặc phóng thủy lôi vào chiến hạm đầu tiên trông thấy, rồi quay lui ngay không để mất một giây.
Tham chiến trong các điều kiện này, trận chiến hết sức mơ hồ rối loạn, các phi cơ khu trục của Ozawa mặc dầu số ít, nhưng đã chống cự rất hung dữ. Trong số bảy mẫu hạm của hạm đội lưu động, năm chiếc bị đánh trúng, nhưng chỉ một chiếc bị chìm (chiếc Hiyo) vì bị trúng nhiều bom và hai thủy lôi (Mà một quả lại do một tàu ngầm phóng đi). Tất cả chiến hạm khác có thể tiếp tục chạy về Okinawa và Nhật Bản. Hạm đội của Ozawa đã thoát khỏi cuộc tàn sát.
Trong khi hạm đội lưu động số 1 lao vào bóng đêm, các phi cơ của Mitscher gặp rắc rối to trong khi tìm cách trở lại mẫu hạm của chúng. Mặt trăng lưỡi liềm chiếu sáng các cuộc tấn công sau cùng nay đã bị mây bao phủ cả chân trời che khuất và các phi công phải bay bằng dụng cụ phi hành trong bóng tối hoàn toàn. Các làn sóng vô tuyến bận rộn vì các tiếng gọi lo âu và các chỉ dẫn do chiến hạm phát đi bị chìm ngập trong một thứ tiếng lao xao không nghe rõ được.
Lo âu khi chờ đợi phi cơ trở về, Mitscher đã áp dụng một quyết định chưa từng có trong các niên giám của các cuộc hải chiến. Ông ra lệnh cho tất cả các chiến hạm hướng các đèn rọi lên chiếu sáng bầu trời và cho chiếu sáng sàn đáp các mẫu hạm bằng tất cả mọi phương tiện kể cả đèn pha xe hơi. Sau đó ông tung các phi cơ săn giặc đêm bay lên đón đoàn phi cơ trở về để hướng dẫn chúng đáp xuống tổ ấm.
Cuộc thao diễn nối tiếp sau đó trông thật ngoạn mục. Sáu mẫu hạm nặng và năm mẫu hạm nhẹ chạy trên hai trục dưới một vòm các chùm đèn chiếu sáng và hỏa châu. Khi các phi cơ xuất hiện như những con đom đóm sáng bạc, các đèn ròi được tắt đi và các phi công có thể hạ xuống phía các sàn đáp được đèn xe hơi rọi sáng. Nhưng thần kinh căng thẳng quá cho nên mọi chuyện khó thể xẩy ra như trong một cuộc thực tập. Nhiều phi công không móc được dây hãm đà và đâm vào các rào cản, làm chậm trễ những chiếc theo sau; nhiều chiếc khác, hết xăng phải đáp trên biển; sau hết nhiều chiếc chìm luôn xuống nước vì nhiều lý do. Trong tổng số 216 phi cơ cất cánh lúc 16 giờ, chỉ có 116 là được thu hồi. Trong số 100 chiếc thì 20 chiếc bị quân Nhật bắn hạ, 80 bị mất vì tai nạn. Mitscher đã làm tất cả mọi chuyện, và các thuộc viên của ông cũng đã thực hiện chuyện phi thường để cứu các phi công lâm nạn. 101 người được vớt ngay trong đêm và 59 người được cứu khỏi các xuồng cao su hôm sau. Do đó, tổn thất về người chỉ lên đến con số rất thấp 49 bị giết hay mất tích.
Riêng về phần thiệt hại của hạm đội thứ 5 thì không đáng kể: một trái bom đã rơi trên thiết giáp hạm South Dakota, một phi cơ - quyết tử đâm vào thiết giáp hạm Indiana, nhưng không có mẫu hạm nào bị đánh trúng.
Quả thật là thiệt hại không bao nhiêu nếu so sánh với thảm bại mà hạm đội lưu động số 1 phải chịu đựng. Gần như tất cả chiến hạm đều bị hư hại, và trong tổng số 430 phi cơ lúc khởi hành, chỉ còn lại có 35 chiếc là còn có thể bay được.
Ngay khi bỏ neo hạm đội, Ozawa gửi cho vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp một lá đơn từ chức diễn tả niềm hổ thẹn đã để cho cơ hội đưa Nhật Bản đến chiến thắng bị trôi qua một lần nữa. Ông tự gán cho sự thất bại của mình nguyên nhân đầu tiên là do sự kém cỏi của ông, nhưng đồng thời cũng là do tình trạng thiếu huấn luyện phi công. Tổng hành dinh Thiên hoàng từ chối không cho ông từ chức vì như thế là kéo theo sự từ chức của Toyoda. Hải quân Nhật Bản trong tình trạng bị săn đuổi không thể nào đủ sức chịu đựng sự thay đổi chức vụ Tổng tư lệnh lần thứ ba.