(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Kế hoạch miền Nam

    
ạm đội liên hợp
Với một thái độ trầm tĩnh tuyệt đối của một tay chơi bài Poker, mà ông là một người sành sỏi thật, Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh “Hạm đội liên hợp” của Nhật, không chờ kết quả của vố tấn công táo bạo vào Trân Châu Cảng, đã cho áp dụng ngay kế hoạch miền Nam, một kế hoạch mà các chi tiết được qui định trước các chi tiết liên quan đến cuộc không tập căn cứ Hải quân Mỹ rất lâu.
Vốn là đối tượng của vô số các cuộc nghiên cứu tham mưu, kế hoạch này đã hoàn thành sau các thất bại đầu tiên tại Trung Hoa khiến cho hy vọng vào một chiến thắng mau lẹ bị dập tắt! Rõ ràng là Nhật Bản không thể nào chịu đựng được một chiến tranh lâu dài vì cuộc kháng chiến của Trung Hoa đã không cho phép khai thác các lãnh thổ chinh phục được. Để có thể đập tan các cuộc kháng chiến này, điểm chủ yếu là phải có thể cung cấp gạo cho binh sĩ và nhiên liệu để tiếp tế. Còn đâu khác hơn? Nghĩa là trong các quần đảo giàu có tại Đông Nam Á từng được khai thác tận tình bởi các kẻ xâm lăng tây phương từ nửa thế kỷ qua. Kế hoạch miền Nam được thiết lập tỉ mỉ chính là để chiếm hữu các nguồn tài nguyên này của người Tây phương.
Trái với kế hoạch xâm chiếm Trung Hoa vốn thuộc thẩm quyền riêng biệt của Lục quân, kế hoạch miền Nam chủ yếu lệ thuộc vào “Hạm đội liên hợp”.
Danh xưng “Hạm đội liên hợp” không mới mẻ gì. Nó đã có một tiền lệ vinh quang. Chính đó là danh hiệu được đặt cho hạm đội của Đô đốc Togo năm 1904, người chiến thắng trận Port Arthur và trận Tsoushima lừng danh sau đó. Yamamoto thường được so sánh với vị tiền nhiệm trứ danh, cũng có các đức tính của một Tư lệnh đại đơn vị y như bậc tiền nhiệm, và cũng giống như ông ta, ông có cái thiên phú hiếm có làm cho thuộc viên yêu mến mặc dầu vẫn đòi hỏi họ một sự phục vụ tận tụy vô bờ bến. Nhưng chính tại đấy, nghĩa là trên bình diện con người, đã có sự khác biệt giữa hai nhân vật.
Trước hết về phương diện thể chất, họ không giống nhau. Togo là một người mảnh khảnh, vẻ mặt khổ hạnh mà cái nhìn sâu sắc phản chiếu năng lực tiềm tàng và sự chừng mực. Yamamoto cũng giống như ông ta, có một tầm vóc trung bình nhưng thể chất vạm vỡ hơn. Thói quen tập thể thao đã khiến toàn thể bắp thịt của ông mềm dẻo và mạnh mẽ hơn. Khuôn mặt tròn của ông rạng rỡ nhờ cặp mắt linh động thường như tươi cười và biến đổi mau lẹ đến lạ lùng. Ký ức của ông thật phi thường và ngoài kiến thức rộng rãi như một bách khoa tự điển sống, ký ức ấy khiến ông có khả năng nhớ mặt người cực kỳ dễ dàng. Ông được mọi con tim trìu mến nhờ sự chăm sóc mà ông dành cho mỗi người và đối đãi với thuộc viên với thái độ thẳng thắn tự nhiên như người nhà. Đấy là một con người hành động mà đức tính nổi bật nhất là sự ưa thích các “mạo hiểm có tính toán”.
Trên bình diện chiến lược, ông là môn đệ của Togo, người mà tài năng rất được ông ngưỡng mộ. Ông không giấu diếm là đã mô phỏng các kế hoạch của mình theo những kế hoạch của bậc thầy ông. Ý tưởng tấn công bất ngờ một địch thủ đồng sức mạnh để che chở cho một cuộc đổ bộ đang diễn tiến là ý tưởng được trực tiếp gợi ra từ cuộc điều quân của Togo trong trận đánh quân Nga tháng 2 năm 1904.
Chúng ta hãy nhắc lại, trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm ấy, ba hải đoàn phóng ngư lôi hạm - của Hạm đội liên hợp đầu tiên đương thời - đã đến tấn công đoàn chiến thuyền Nga Sô đang bỏ neo trong vùng biển ngoài cảng Port Arthur. Cho đến lúc đó, chưa bao giờ có lực lượng hải quân nào trên thế giới lại toan tính mạo hiểm đưa các chiến hạm nhỏ bé bị coi là cực kỳ tầm thường ấy, đi tập kích quá xa căn cứ như thế mà lại không hề được một sự yểm trợ nào khác. Sự táo bạo có tính toán ấy đã thành công vượt quá sự chờ mong. Các phóng ngư lôi hạm bất thần đột kích vào một địch thủ đang say ngủ và chỉ trong vài phút đã đánh đắm được ba trong số các chiến hạm địch mạnh nhất. Tính cách mới mẻ và táo tợn của phương thức tấn công đã đảm bảo cho sự thành công. Ba mươi bảy năm sau, cũng chính chiến thuật ấy đã thành công tại Trân Châu Cảng với hàng không mẫu hạm của Nagumo.
Thời cơ chính trị cũng thế, rất giống nhau: các cuộc thương thuyết rắc rối một cách cố ý, bắt đầu bằng cấp cao nhất do các Đại sứ đặc biệt làm ra vẻ muốn đạt đến một thỏa hiệp, và kéo dài càng lâu càng tốt để ru ngủ sự khinh thường của đối phương.
Cho đến cả sự ấn định thời biểu đồng nhất của các cuộc hành quân như đã được dự liệu trong ngày 8 tháng 2 năm 1904 cũng được lặp lại một cách trung thực trong cuộc không tập ngày 8 tháng 12 năm 1941. Cuộc đổ bộ quân Nhật lên Chemulpo, ở Triều Tiên đã xảy ra trước 7 giờ so với cuộc tấn công của các phóng ngư lôi hạm vào Port Arthur. Bằng vào các phương tiện truyền tin mau lẹ hơn, Yamamoto đã giảm bớt thời gian đi trước này xuống 1 giờ, nhưng nguyên tắc chỉ là một. Sự chọn lựa hải cảng đổ quân ban đầu cũng tương ứng với cùng một kế hoạch chiến thuật: Chemulpo là đầu cầu của phòng tuyến dọc theo con đường đưa thẳng tới biên giới sông Yalou hải cảng nhỏ bé được Yamamoto chọn lựa để đổ quân xâm chiếm trên bán đảo Mã Lai, cũng nối thẳng với Tân Gia Ba, một đồn canh xa nhất bảo vệ sự di chuyển của tàu bè từ biển Java vào biển Nam Hải mà ông phải chiếm đóng bằng mọi giá.
Song song với cuộc đổ bộ này, kế hoạch miền Nam tiên liệu một cuộc tấn công gọng kềm trên các quần đảo Đông Nam Á châu: Quần đảo Phi Luật Tân, Bornéo, Célèbes và Moluques. Một khi bị nhốt trong hải phận Java, các lực lượng hải quân yếu kém của Tây phương sẽ thấy bị rơi vào bẫy chuột và việc bắt chúng chấp nhận hải chiến trong các điều kiện thuận lợi nhất cho Hạm đội liên hợp chỉ còn là trò chơi của hạm đội này.
Kế hoạch này phải được thực hiện từng điểm một. Thời biểu nguyên thủy được tôn trọng đều đặn như kim đồng hồ quay. Sự sai biệt so với thời biểu qui định không bao giờ vượt quá một tuần tại các địa điểm khó khăn nhất.
Cuộc tấn công tại Mã Lai
Yamamoto cho rằng Tân Gia Ba là pháo đài vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Anh tại Đông Nam Á. Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai và nhìn ra dọc theo eo biển Malacca, hải cảng Tân Gia Ba có thể cho cả một hạm đội trú ẩn, về hệ thống phòng thủ chung quanh hải cảng được xây dựng rất kiên cố. Ba phi trường trên đảo hợp với các phi trường trên bán đảo tạo thành một hệ thống phòng thủ đáng sợ. Một cuộc tấn công trên không bất ngờ y như kiểu tấn công vào Hạ Uy Di không có một cơ may thành công nào, vì trái ngược với người Mỹ, người Anh biết đề cao cảnh giác và từ lâu đã chờ đợi một cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa của Hà Lan tại Ấn Độ Dương. Để chiếm hữu Tân Gia Ba, do đó cần bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Mã Lai, chiếm các phi trường, rồi công hãm pháo đài ấy vốn chỉ cách đất liền bằng một eo biển hẹp rất dễ vượt qua.
Vì tầm quan trọng của các lực lượng Anh quốc tại Mã Lai (31 Tiểu đoàn quân Anh, Ấn và Úc tương đương với hơn 3 Sư đoàn) kế hoạch xâm chiếm tiên liệu một cuộc đổ bộ lên bờ biển phía đông bán đảo của quân đoàn 25 thuộc Tướng Yamashita, với sức mạnh ba Sư đoàn được chọn lựa trong số đơn vị tinh nhuệ nhất và một Sư đoàn không quân. Sự di chuyển một đạo quân như thế phải được đảm bảo bằng cách xuất phát từ một hải cảng gần địa điểm đổ bộ càng tốt. Chỉ có giang cảng Sài Gòn tại Đông Dương là hội đủ các điều kiện bắt buộc, và Bộ Tổng tham mưu hoàng gia đã chọn lựa giang cảng này.
Chính vì mối ưu tư cần có một hải cảng xuất phát tối cần thiết này mà chính phủ của hoàng thân Konoye (Thời đó Tướng Tojo chưa làm Thủ tướng) đã làm áp lực đối với nước Pháp, ngay sa khi Pháp bại trận, để Pháp chấp thuận dành cho quân Nhật vài tiện ích quân sự tại Đông Dương. Những yêu sách đầu tiên rất khiêm nhường: sử dụng ba phi trường, đồn trú chừng 6.000 người. Trong suốt một năm, nền ngoại giao của chính phủ Vichy đã thành công một cách kỳ diệu trong việc tránh né được các sự lấn áp khác. Nhưng đến tháng 7 năm 1941 khi chiến thắng của Hitler tại Nga Sô đảm bảo cho Nhật khỏi trông thấy viễn ảnh đáng sợ bị quân Nga tấn công vào Mãn Châu, các đòi hỏi của Nhật tại Đông Dương lại đè nặng hơn. Chính phủ Pháp đã trả lời bằng sự bác bỏ, Không quân Nhật liền oanh tạc Hải Phòng trong khi đó Lục quân Nhật đuổi dồn các tiền đồn biên giới của Pháp tại Thượng du Bắc Việt. Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu cứu của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ông này bắt buộc phải thỏa mãn các đòi hỏi của Đông Kinh, mà giờ đây là sự sử dụng tám phi trường, giang cảng Sài Gòn và vịnh Cam Ranh.
Trong thực tế, những yêu sách mới này đã có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng biến chuyển của các cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ. Ý thức được mức độ trầm trọng của sự kiện, và để trả đũa, Tổng thống Roosevelt quyết định phong tỏa mọi ngân khoản của Nhật tại Mỹ, rồi noi theo Anh quốc và Hà Lan, phong tỏa luôn mọi nguồn cung cấp nguyên liệu và dầu hỏa chở đến Nhật.
Các biện pháp này đưa Nhật Bản vào tình thế bế tắc. Số dự trữ nhiên liệu giảm dần vì chiến cuộc tại Trung Hoa không cho phép Nhật được sống còn nữa. Một phong trào uất hận rộng lớn đã quét sạch chính phủ của hoàng thân Konoye và Thiên Hoàng đã phải kêu gọi lãnh tụ đảng quân nhân, Tướng Tojo lên nắm chính quyền.
Anh quốc là nước đầu tiên bị rúng động. Nó liền phái đến Tân Gia Ba viên Bộ trưởng trẻ tuổi Duff Cooper với sứ mạng là phối hợp hành động giữa các nhà chức trách quân sự và dân sự tại các thuộc địa ở Viễn Đông. Tình thế trước mắt ông ta có vẻ đã đến mức báo động. Sự phân phối quyền hành thiếu phân minh và không ai chấp thuận sự cần thiết phải thống nhất chỉ đạo công việc trong các thuộc địa khác nhau thuộc vùng Đông Nam Á. Cũng giống như tại Pháp sau vụ Munich, các kiều dân Tây phương tiếp tục hy vọng một phép lạ sẽ xảy đến để kéo dài sự yên ổn vàng son của họ. Trong những bungalow mở rộng cửa trong làn sương đêm vùng nhiệt đới, sự thù tạc vẫn tiếp tục như chẳng có gì xảy ra cả. Đô đốc, Tướng lĩnh và công chức cao cấp thảo luận về tình hình với nhau trong các lễ phục màu trắng. Phần đông đều vững tin. Vị Tổng tư lệnh Quân lực tại Viễn Đông là một ông Air- Marshall của Không lực Hoàng gia, Sir Robert Brooke Popham. Ông ta không ngừng lặp đi lặp lại rằng pháo đài Tân Gia Ba là một cứ điểm không thể bị chiếm được và Hồng Kông là một thứ Gibraltar của Viễn Đông. Để trả lời cho những ai tỏ ra ít lạc quan hơn về khả năng kháng cự của các cứ điểm này, các vị Đô đốc nói rằng lực lượng Hải quân Hoàng gia có mặt ở đây để phòng vệ chúng. Và rồi thì hạm đội thiết giáp hùng mạnh của Mỹ há chẳng phải đã được tập trung tại Hạ Uy Di trong mục tiêu rõ rệt là để can thiệp khi có lệnh báo động đầu tiên đó sao?
Chắc chắn, lực lượng Hải quân địa phương quá yếu rồi: ba tuần dương hạm của Hà Lan, một của Anh, và một của Úc trong hải phận Java, chừng một tá khu trục hạm và một số tàu ngầm tương đương phân tán trong quần đảo. Rõ rệt lực lượng ấy không đáng gì. Nhưng đã có tin đồn đại từ lâu rằng, đáp ứng các đòi hỏi của Đô đốc Tư lệnh Hải quân tại Tân Gia Ba, Churchill đã phái đến để tiếp cứu chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, một chiến hạm tối tân nhất và hùng mạnh nhất của hạm đội Anh quốc. Đấy là sự kiện có bản chất rất an ủi tâm trí các Đồng minh và nâng cao tinh thần những kẻ chủ bại.
Tin này chính xác. Nó đã thoát ra được khỏi vùng im lặng dày đặc thường bao phủ chung quanh các sự di chuyển của các chiến hạm lớn. Bất chấp các lời khuyên thận trọng của Bộ Tư lệnh Hải quân, Churchill đã ra lệnh cho viên Bộ trưởng Hải quân lập một lực lượng hải quân - Lực lượng Z - với chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, tuần dương hạm chiến đấu Repulse và hàng không mẫu hạm Indomitable. Quyền chỉ huy được giao cho một trong các tướng lĩnh sáng chói của Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Sir Tom Philips, mà cho đến lúc đó phụ trách phòng hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ba chiến hạm chạy riêng rẽ với các khu trục hạm hộ tống phải có mặt tại Tân Gia Ba vào ngày 1 tháng 12 năm 1941 và ở lại đấy cho đến khi có lệnh mới.
Nếu tin tức về việc phái đến ba chiến hạm ấy được lan truyền một cách dễ dàng, chính là tại vì trong tâm trí Winston Churchill, biện pháp này trước hết có mục đích tạo ra điều mà ngày nay chúng ta goi là hiệu lực gián chỉ. Một hiệu lực như thế theo định nghĩa, phải bao gồm một hình thức quảng cáo nào đó. Thủ tướng Anh quốc đã giải thích điểm này trong Hồi ký của ông, nói rằng ông hy vọng bằng cách này “có thể thực hiện một thứ đe dọa mà các chiến hạm tối quan trọng, với ý định được giấu kín, có thể áp đảo lên các kế hoạch một địch thủ hải quân trong tương lai”.
Đi ngược thời gian, ngày nay ta không thể không nghĩ rằng chính đó là lối suy nghĩ mà một thế kỷ trước đây, vị Nữ hoàng trẻ tuổi Victoria đã có thể thực hiện, khi mà câu châm ngôn trứ danh “Britannia rules the waves” (Anh quốc thống trị đại dương) đang còn đúng cách. Nó có vẻ quá lỗi thời đối với chúng ta một ngày trước cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng.
Sự di chuyển lực lượng muộn màng này lẽ ra đã có thể đạt được mục tiêu nếu như chiếc hàng không mẫu hạm được những người tun tin loan báo, đã thật sự lên đường đi Viễn Đông. Thế mà thực tế không phải như vậy... Chiếc Indomitable, mà sự hoàn tất gặp rất nhiều khó khăn và các cuộc chạy thử đã chấm dứt trong vùng biển Caraibles, đã bị thất bại như khó tưởng tượng được rằng khi biết việc bất lợi này mà Đô đốc Tom Philips còn chấp nhận tiếp tục cuộc hành trình. Ông vừa rời các bạn đồng sự của Không lực Hoàng gia, những người đã cùng ông làm việc trong suốt một năm để làm tê liệt các thiết giáp hạm của Đức bỏ neo trong hải cảng Brest. Ông không lạ gì những nguy cơ mà các thiết giáp hạm phải đương đầu trước các phi cơ phóng thủy lôi và các oanh tạc cơ đâm bổ. Trong lúc cáo biệt các đồng sự của Lục quân và Không quân RFA, Thống chế Không quân Harris, Tư lệnh đơn vị Bomber Command một trong các tướng lĩnh viễn kiến nhất về cuộc chiến, đã nói khi bắt tay ông: “Don’t forget your umbrella Tom!” (Đừng quên chiếc dù không lực săn giặc!). Philips đã cười với người bạn thân với một cái nháy mắt để ông ta yên tâm. Tuy vậy sau đó, ông đã chẳng hề để tâm đến lời khuyến cáo này.
Đến Tân Gia Ba ngày 2 tháng 12 năm 1941, ngày 5 Sir Tom Philips lấy phi cơ đi Manille để hội kiến với Mac Arthur và Đô đốc Hart. Ông thấy họ rất tin tưởng vào các cứ điểm vững chắc của Mỹ tại Phi Luật Tân, nhất là khi họ vừa nhận được nhiều “pháo đài bay” B-17, kiểu phi cơ tối tân nhất của kỹ nghệ hàng không. Không gạt bỏ khả năng mở cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa Hà Lan tại Ấn Độ Dương, họ ước tính rằng đấy là cả một mối đe dọa trường kỳ và đảm bảo với ông một sự hỗ trợ của Mỹ ngày càng tăng, trong giới hạn của công thức “All but war”. Nhưng tối ngày hôm sau, 6 tháng 12, có tin một đoàn công voa Nhật mới được phát giác trong Vịnh Xiêm La. Chắc đó là một sự lấn áp mới của Nhật trên xứ sở nhỏ bé Đông Nam Á này, tương tự như những lấn áp mà họ đã làm cách mấy tháng trước tại Đông Dương bằng cách lợi dụng sự bại trận của Pháp. Biến cố không kém phần nghiêm trọng và vị Đô đốc Anh lập tức quyết định cáo biệt các chủ nhân.
Từ Manille hấp tấp ra đi ngày 7, tối hôm đó Philips đến Tân Gia Ba và thảo luận với vị Tổng tư lệnh Sir Robert Brooke, về cơ hội thuận tiện để tung ra đúng lúc cuộc tấn công được dự liệu trong kế hoạch dưới danh hiệu “Matador”, mà nội dung gồm có việc chiếm đóng Thái Lan để đi trước cuộc xâm lăng của Nhật. Thật vậy ai cũng tin rằng đoàn công voa bị phát giác đêm trước tiến về Singora, một hải cảng của Thái Lan nằm cách biên giới Mã Lai vài chục cây số về phía bắc. Vừa mới nhận được lệnh từ Luân Đôn, theo đó chỉ tung ra “cuộc hành quân Matador” là nếu có bằng cớ chắc chắ quân Nhật vi phạm qui chế trung lập của Thái Lan, Sir Robert Brooke ước tính rằng phải chờ đợi, trước khi chủ động một hành động quân sự có hậu quả lớn lao như thế, cho đến khi có tin tức chính xác hơn về hải trình của đoàn công voa Nhật.
Cuộc hội kiến giữa hai tướng lĩnh vừa mới chấm dứt thì cả một làn sóng tin tức báo động đổ đến chấm dứt thái độ do dự của vị Tổng tư lệnh. Chỉ huy trưởng cảng Khota Baru, nằm ngay biên giới Thái Lan, báo cáo một cuộc đổ bộ lên bờ biển và một cuộc hải pháo dữ dội. Vài giờ sau, trong khi Bộ tham mưu ban hành mệnh lệnh cho các phi trường để khởi động một cuộc không tập nhắm vào đoàn công voa Nhật Bản, các đài rada Tân Gia Ba báo hiệu có một đoàn phi cơ lạ đang bay về phía đảo này.
Đến 4 giờ 40 sáng, thành phố đang còn sáng trưng ánh đèn, đột nhiên bị đánh thức vì tiếng bom nổ. Công tác chuyển lệnh báo động đến các nơi đã do các chấp hành thiếu kinh nghiệm và thiếu lương tâm đảm trách. Sự bối rối tương tự cũng đã làm tê liệt phản ứng ở mọi cấp thuộc hệ thống chỉ huy và sáng ngày 8 tháng 12, tất cả các phi trường tại Mã Lai bị oanh tạc nặng nề mà không một phi cơ săn giặc nào của Anh cất cánh được. Cuộc tấn công sấm sét này nhắm vào các đoàn phi cơ vốn đã yếu thế hơn về lượng lẫn phẩm đã mang lại những hậu quả thảm hại: Ngay từ đầu tiên của cuộc xung đột, quân Nhật đã làm chủ được bầu trời trên bán đảo Mã Lai.
Nếu cuộc oanh tạc lần đầu tiên vào Tân Gia Ba không gây hậu quả quân sự nào - các phi cơ Nhật bị chiếu sáng bất chợt, đã không thể nào phân biệt được mục tiêu - thì nó lại gây hậu quả thê thảm trên tinh thần dân chúng. Hai trăm nạn nhân thiệt mạng trong khu bản xứ quá đông đúc và người Mã Lai cho đến lúc đó vốn tin tưởng rằng sức mạnh của Anh là vô địch, đột nhiên mất hẳn ảo tưởng. Tiếp theo đó là một tình trạng rối loạn tiềm năng và mau lẹ bùng nổ thành cơn hỗn loạn gây xáo trộn sâu xa công cuộc cai trị tại thuộc địa. Cảm nghĩ khinh thường tương tự cũng lan tràn tại một vài đơn vị quân Ấn Độ đang được đưa ra nằm ở tuyến đầu và câu chuyện truyền kỳ về ưu thế tuyệt đối của quân lực Nhật Bản lan truyền mãi cho đến cả trong hàng ngũ quân Anh. Riêng về phần các nhà chức trách dân sự, những người đã bất cẩn bộc lộ niềm tin tưởng lạc quan và đã tuyên bố với những ai muốn nghe nói đến một cuộc xâm lăng của Nhật Bản là hoàn toàn không thể nào có được, thì họ đã bị mất hết lòng tin của dân chúng kể cả dân bản xứ Á châu lẫn người Âu châu.
May thay, còn có hải quân! Trong một môi trường chủ yếu là hàng hải như thế này, Hải quân Hoàng gia Anh đã giữ được cho uy tín khỏi bị sứt mẻ.