(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Cơn thịnh nộ Kamikaze

    
rong các cuộc hải chiến tại Leyte, năm phi công do Onishi tung ra theo chiến thuật tấn công tự sát đã giáng cho hạm đội Mỹ nhiều tổn thất hơn cả 500 phi cơ mà Fukudomé đã hy sinh. Trước kết quả kỳ lạ này, tất cả các phi cơ có khả năng cất cánh đều được phân phối cho nhiều phi đội khác nhau và các phi công bắt đầu bổ chính các chiến thuật mới. Onishi tổ chức một cơ cấu dính liền gồm có nhiều huấn luyện viên. Các phi công Kamikaze được ở trong một khu doanh trại đặc biệt - những lều tre dựng sát mé nước đầy muỗi quấy phá - trong đó họ sống như thầy tu qua các buổi huấn luyện và các buổi suy nghiệm bộ luật Bushido. Vì họ quyết tâm trở lại căn cứ nếu hoàn cảnh không giúp họ trông rõ mục tiêu, một vài người đã sống như thế ít lâu trong những điều kiện phi nhân. Kể từ ngày 26 tháng 10 năm 1944, Onishi dùng các không đoàn trưởng của ông để quấy phá chiến hạm Mỹ chung quanh Leyte trong khi các hải vận hạm của Nhật lo tiếp tế nhân bóng đêm cho quân trú phòng trên đảo theo kiểu “chuyến tốc hành Đông Kinh”.
Ngày 29 tháng 10, 45.000 bộ binh Nhật và 10.000 tấn vũ khí và vật liệu đã được đổ bộ lên Ormoc, trên bờ đối diện và 100.000 binh sĩ của Mac Arthur bị mắc kẹt tại các vị trí của họ. Vì lẽ có chừng 350.000 quân Nhật được phân phối trên quần đảo Phi Luật Tân, viễn ảnh tương lai không lấy gì làm sáng sủa lắm cho quân Mỹ. Đô đốc Kinkaid kêu gọi các mẫu hạm của Mitscher đến oanh tạc trong hai ngày xuống phi trường Clark và Mabalacat. Phi cơ Kamikaze trả đũa khốc liệt. Chừng nửa tá phi cơ ấy vượt qua được hàng rào hỏa lực phòng không để lao vào ba mẫu hạm và một thiết giáp hạm. Chiếc thiết giáp hạm thoát được trong gang tấc, nhưng các mẫu hạm Intrepid, Franklin và Belleau Wood không thể tránh né được các ngôi sao băng lao xuống nổ tan trên sàn phi đạo hay đài chỉ huy. Ngay đêm đó ba chiến hạm bị hư hại nặng này được đưa hoặc dắt về tận Uliti. Hôm sau Đô đốc Halsey ra lệnh rút lui toàn diện hạm đội thứ 3. Các thủy thủ đoàn đã chiến đấu liên miên từ ngày 6 tháng 10. Họ đã hớn hở tham dự các trận đánh trong những tuần lễ đầu, nhưng từ khi nổi cơn cuồng nộ Kamikaze thì tinh thần họ căng thẳng tột độ.
Tin tức về sự thành công này đã gây tiếng vang mênh mông tại Nhật, tại đấy, một thứ điên cuồng bí ẩn xâm chiếm công luận. Mặc dầu quân Mỹ tiến đều, một niềm hy vọng mới phát sinh và được tuyên truyền phóng đại. Báo chí và đài phát thanh đã đi quá mức nồng nhiệt khi ca tụng “các cánh thiên thần lao xuống chiến hạm địch... Những than niên với cặp mắt sáng quắc đang mở đường cho vinh quang chiến thắng... Mỗi người cột một khăn quàng vào đầu, bạn bè nói lời vĩnh biệt với những người trưởng thành và bầu trời xung quanh họ từ từ sáng rực...” lời báo chí tại Đông Kinh.
Hàng trăm người tình nguyện đến trình diện xin được thu vào đơn vị Kamikaze. Rủi thay, máy bay thiếu hụt và khi Onishi thực hiện một chuyến trở về Đông Kinh ngắn trong tháng 11, ông phải mất công lắm mới kiếm được 150 phi cơ. Chúng được các phi công tân tuyển, phần đông không có hơn 100 giờ bay, lái theo ông để đi Đài Loan. Ông để viên Tham mưu trưởng lại đấy, đại tá Inoguchi, để thiết lập một trung tâm huấn luyện Kamikaze. Các khóa học kéo dài trong bảy ngày: hai ngày huấn luyện cất cánh với tối đa trọng lượng chuyên chở, hai ngày khác huấn luyện bay tập thể theo đội hình, ba ngày chót để học các chiến thuật tấn công khác nhau. Hai phương pháp thường được áp dụng nhiều nhất là đâm xuống 45 độ từ đằng sau mục tiêu sau một cuộc hạ thấp tiên quyết từ 7.000 xuống 1.000 thước, hoặc bay là sát mặt nước tiến đến cách mục tiêu 500 thước, rồi bay ngược trở lên và sau đó đâm thẳng góc xuống. Mỗi lần có thể tấn công bằng một cặp, hai phương pháp cùng đồng thời được áp dụng cho cùng một mục tiêu. Mỗi phi đội một khi đã được đào tạo xong sẽ đến tập họp tại Phi Luật Tân, từ đó sẽ được sáp nhập vào các đơn vị trên đảo Lujon hay đảo Cébu. Vài ngày sau, những kẻ mới học đạo được gửi vào chỗ chết và những người mới đến sẽ thế chỗ họ. Vài phi đoàn chính thống được Onishi giữ lại cũng đã làm chuyện phi thường để yểm trợ quân trú phòng tại Leyte.
Đáp ứng một lời kêu gọi khẩn cấp của Kinkaid, Halsey gửi một trong các lực lượng đặc nhiệm của ông đến thực hiện một cuộc không tập mới xuống Cébu, Clark Field và Mabalacat, nhưng vì mẫu hạm mới Lexington bị hư hại nặng vì một phi cơ Kamikaze, cho nên kinh nghiệm đã không được tái diễn nữa. Tám ngày sau, một Lực lượng đặc nhiệm khác trở lại tấn công “chuyến tốc hành Đông Kinh” mới vốn vẫn tiếp tục tiếp tế cho Leyte. Một tuần dương hạm và ba hải vận hạm Nhật bị đánh chìm, nhưng các mẫu hạm Mỹ Intrpid, Cabot và Essex đều bị phi cơ Kamikaze làm hư hại. Lúc đó Halsey gửi cho Nimitz một điệp văn báo tin rằng “những cuộc tấn công đứt đoạn trên quần đảo Phi Luật Tân theo ông dường như không có lợi”. Vị Tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương lúc ấy quyết định gọi Lực lượng đặc nhiệm 38 về nghỉ ngơi một thời gian.
Vào đầu tháng 12, các phi trường tại Leyte rơi vào tay quân Mỹ và sau cùng đã được sửa chữa lại. Tướng Krueger, Tư lệnh đệ lục lộ quân Mỹ có trong tay 183.000 quân nhưng ông đã bị tổn thất 2.250 tử trận và phải cho di tản nhiều ngàn binh sĩ bị thương hay bị các loại bệnh tật khác nhau - kiết lỵ, bệnh nhiệt đới, hay chân bị nhiễm độc năng do tình trạng dẫm đi liên tục trong bùn. Lúc đó ông yêu cầu Đô đốc Kinkaid chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ lên Ormoc để cắt đứt cầu liên lạc cuối cùng mà từ đó tăng viện được đưa đến cho đối thủ đáng sợ của ông, tướng Suzuki. Lập tức tất cả các khinh tốc đỉnh phóng thủy lôi, các khu trục hạm và chiến hạm thủy bộ của hạm đội thứ 7 được tập họp và ngày 12 tháng 12 năm 1944, cả một Sư đoàn được đổ bộ lên Ormoc. Trước mối đe dọa này, 35.000 quân của Suzuki phải rút lui vào trong bán đảo San Isidro.
Lúc ấy Mac Arthur quyết định coi đảo Leyte như đã được chinh phục xong và bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm Lujon. Phía Nhật, Tướng Yamashita, Tư lệnh binh đoàn Nhật Bản tại Phi Luật Tân, điện cho Suzuki là phải bỏ Leyte để tập trung về Lujon, “dầu phải tràn ngập nước mắt hối tiếc cho số phận 10.000 anh hùng phải bỏ lại để chiến đấu những trận cuối cùng mà không có một nguồn yểm trợ nào”. 10.000 anh hùng này đã đáp ứng lời kêu gọi chân tình ấy và chứng tỏ là xứng đáng với những truyền thống cao cả nhất của quân lực Nhật Bản, bởi vì họ đã hăng say chiến đấu trong những điều kiện thể chất khốn khổ không thể tưởng tượng được mãi cho đến tháng 5 năm 1945!