(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Chiến trường trung ương Thái Bình Dương

    
hảm cảnh tại Bétio
Ma quỷ nào đã thúc đẩy trung sĩ nhất Price, vừa mới được gắn huy chương tại Guadalcanal, xin thuyên chuyển về Trung đoàn 2 Thủy quân lục chiến? Chỉ có anh mới có thể trả lời được. Đơn vị của anh đang dưỡng quân tại Wellington sau sáu tháng chiến đấu kiệt sức, và nhiều bạn hữu của anh đã được gửi về Hoa Kỳ trong những vị trí hoàn toàn yên nghỉ. Anh vẫn còn có thể nghỉ ngơi ít lâu nữa mà không mất chức vụ huấn luyện viên rất xứng đáng do kinh nghiệm chiến đấu trong rừng của anh. Nhưng Price là người có bản chất quân sự từ tâm hồn. Sau vụ Midway và sau các trận xáp lá cà hung dữ tại Henderson Field, anh đã có ý tưởng rất cao cả về vai trò trung đội trưởng bộ binh của mình. Anh tính toán hữu lý rằng, dẫn một toán người được đào tạo theo hình ảnh của anh và hoàn toàn ngưỡng mộ anh tiến lên xung phong, là một trong các sứ mạng cao cả nhất và phấn khởi nhất của hệ cấp quân đội. Khi được biết rằng vị chỉ huy cũ của mình tại Guadalcanal, trung tá Shoup, đã lần lượt được thăng cấp Đại tá và được bơm lên làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủy quân lục chiến, nhiệt tâm anh bùng lên. Không những là một trong các Trung đoàn danh tiếng nhất của Thủy quân lục chiến mà Shoup còn là một trong những người mà anh cũng thích được tháp tùng để dấn mình vào cuộc mạo hiểm. Hơn nữa, trung sĩ Price vừa được biết rằng giờ đây là một cuộc hành quân vào miền trung Thái Bình Dương và anh nghĩ, nhớ các kinh nghiệm tại Midway, anh có thể mang lại sự giúp đỡ quí báu cho vị Đại tá của mình. Anh không muốn nói đến một thứ tình hoài hương đối với các đảo san hô ấy, nhưng dầu sao, ý tưởng được đánh nhau dưới bầu trời lồng lộng gió biển thay vì vùng vẫy bất tận giữa những cây đước và cây dứa dại, cũng không phải là một ý tưởng không làm anh hài lòng. Qua hệ thống quân giai anh viết một lá đơn cho vị chỉ huy cũ và nhận được lệnh thuyên chuyển ngay khi người bưu tín viên trở lại.
Khi đến Trung đoàn 2, anh được bổ nghiệm vào một toán tiền sát viên do một trung úy có tên Hawkins chỉ huy, một cậu bé to con nhõng nhẽo mới hai mươi ba tuổi, vừa gia nhập vào Thủy quân lục chiến từ tháng giêng năm 1942, mà đã kiếm lon ngay tại mặt trận theo một mức độ mau lẹ khó tin. Thoạt tiên, có phần ganh tị với sự thăng thưởng khác thường ấy, nhưng Price bị chinh phục mau lẹ bởi sự giản dị, và sự tươi vui của người chỉ huy trẻ tuổi ấy, người đã tiếp anh với thái độ như muốn xin lỗi vì phải chỉ huy một chiến sĩ kỳ cựu như anh.
Toán tiền sát viên đang được huấn luyện cho một cuộc đổ bộ bằng phương tiện hải quân. Mỗi ngày các quân nhân theo học các lớp lý thuyết chen vào giữa là các cuộc thực tập lên tàu và đổ bộ thật nhanh trên các chiếc L.C.P. và các máy kéo lội nước, một kiểu xe kéo chạy xích mới đang được chất đống như cá mồi trên bến tàu, được trang bị với cả một kho vũ khí tự động thật sự.
Tin đồn lan truyền mau lẹ rằng mục tiêu xung phong sắp đến là quần đảo Gilbert đánh dấu ranh giới giữa quần đảo Ellice do Mỹ chiếm đóng, và quần đảo Marshall và người ta nói là quân Nhật đã xây dựng một hành trì không thể đánh chiếm được.
Nhìn lên bảo đồ, Price nhận thấy rằng quần đảo Gilbert này có một đặc điểm về địa lý độc nhất trên địa cầu:” vĩ độ số không, kinh độ 180. Cưỡi lên đường xích đạo như thế là cách đều hai địa cực, và lại còn nằm cách đều hai lục địa Á châu và Mỹ châu. Có lẽ người bản xứ ở đây đã chọn lựa nơi này trong số hàng ngàn đảo để được cách biệt mọi người càng xa càng tốt và có thể sống bình an không bị ai quấy rầy. Căn cứ theo cuốn Guide Bleu mà anh có trong túi, Price thấy rằng sự chọn lựa này rất chí lý. Chẳng ai chú ý đến các đảo san hô này trong nhiều thế kỷ và ngay cả cuộc viếng thăm của các thuyền trưởng Anh quốc Marshall và Gilbert năm 1788 cũng không làm xáo trộn sự yên tĩnh của họ. Trong thế kỷ 19, khách hàng cũng rất hiếm hoi: vài kẻ buôn cùi dừa khô tài tử, và sau đó một là viên chức hành chính người Anh thích cảnh cô tịch. Thỏa mãn với những hiểu biết tổng quát này, Price, như một triết gia, chờ đợi được các cấp chỉ huy của mình nói nhiều hơn về mục tiêu thật sự của cuộc tấn công trong tương lai.
Các điểm giải thích chính xác còn lâu mới được đưa đến. Mặc dầu Đô đốc Nimitz biết nhiều chi tiết hơn trung sĩ Price về quần đảo Gilbert và những người mới đến chiếm đóng, nhưng các tin tức ông có cũng đầy dẫy thiếu sót. Ông biết rằng quân Nhật đã chọn các đảo san hô Bétio và Makin để thiết lập các phi trường, nhưng tất cả các tin tức gần như chỉ có thế.
Bétio là một trong 16 đảo san hô thuộc nhóm đảo Tarawa, một nhóm đảo nằm rải lên trên các cạnh không đều của một tam giác vuông mà đường huyền là một dãy đá ngầm. Nằm ở cực tây của cạnh ngắn nhất, nó có lợi điểm là kế cận được lối đi qua duy nhất có thể cho phép tàu bè với một trọng tải nào đó tiến vào vùng biển san hô. Riêng phần đảo Marshall thì được quân Nhật chọn lựa vì nằm gần các đảo san hô kế cận thuộc quần đảo Marshall.
Tất cả những điều đó, Nimitz đã biết, nhưng điều ông chưa biết là bản chất và công cuộc bố trí phòng thủ cũng như số quân trú phòng trên đảo.
Lợi ích của quần đảo Gilbert đối với quân Nhật đã thay đổi trong hai năm chiếm đóng. Ngay khi vừa thiết lập xong phi trường tại đấy, thì hoạt động chiến tranh của họ được chuyển đến Rabaul. Makin và Bétio có đôi phần bị bỏ quên cho đến khi quân Mỹ đến xây cất phi trường tại quần đảo Ellice kế cận. Kể từ lúc đó, nhiều chuyến tàu vận tải đi đi lại lại giữa căn cứ hải quân lớn lao Truk và đảo san hô Tarawa.
Tháng 7 năm 1943, Đô đốc Koga chấp nhận viễn ảnh phải hy sinh Rabaul, ông quyết định tăng cường chu vi phòng thủ phía đông và giao cho Đô đốc Shibasaki quyền Tư lệnh nhóm đảo Tarawa. Với 4.000 Thủy quân lục chiến và 3.000 nhân công Cao Ly, Shibasaki biến đảo san hô Bétio thành pháo đài. Đó là một cấp chỉ huy cực kỳ sinh động trở thành bậc thầy trong nghệ thuật tổ chức thành lũy kiên cố. Trong tháng 10 năm 1943, ông đã đoan quyết với Koga rằng “phải có ba triệu quân Mỹ và 100 năm cố gắng mới chiếm được Bétio”. Các chiến lũy được xây cất bằng thân cây dừa nối với nhau nhờ các màu thép, được củng cố bằng các khối san hô nghiền vụn, sẽ mau lẹ chứng tỏ sức chịu dựng kỳ lạ của chúng. Các mệnh lệnh do ông ban hành cho các sĩ quan đều rất đơn giản và rất hợp lẽ phải: “Hãy chờ đợi các tàu chờ quân tấn công được tập họp để đổ quân trước khi khai hỏa. Chỉ nhắm bắn các chiến hạm. Nếu địch bắt đầu đổ bộ, hãy bắn xối xả vào các tàu chuyển quân bằng tất cả vũ khí trong suốt đoạn đường chúng tiến vào bãi biển. Sau đó, hãy tập trung hỏa lực vào các thành phần đầu tiên đặt chân lên ven bãi biển. Vì lẽ địch chỉ có một khoảng cách 20 giữa mé nước này và bức tường chiến lũy liên tục của anh, họ sẽ không thể nào tập họp các đơn vị lần lượt thực hiện một đợt phá khẩu để thiết lập một đầu cầu”.
Kế hoạch này sẽ được áp dụng sát khi quân Mỹ đổ bộ và thật khó mà không thành công.
Các không ảnh và kết quả quan sát của các hạm trưởng tiềm thủy đỉnh đã cho Nimitz thấy tầm quan trọng của các hệ thống phòng thủ ấy, ông liền quyết định tiêu diệt chúng bằng các cuộc hải pháo và oanh tạc liên tục trong một tuần lễ, rồi sau đó tràn ngập chúng nhờ ưu thế đề bẹp về số lượng của lực lượng đổ bộ vốn lên đến 14.000 quân, nhiều chiến xa nhẹ và pháo binh. Điều làm ông lo âu hơn cả là hệ thống phòng vệ bao quanh bờ biển của đảo. Mức thủy triều lên xuống thay đổi đáng kể lại thêm một ẩn số mới vào chiều sâu bất định được ghi trên bản đồ. Các chuyên viên của Bộ tham mưu khuyên nên chờ đợi con nước lớn vào cuối tháng 12, nhưng thì giờ thôi thúc quá, cuộc hành quân phải được thực hiện càng sớm càng tốt để cho quân Nhật không có đủ thì giờ hoàn thiện hệ thống phòng thủ. Rủi thay, con nước lớn của tháng 11 lại hạ xuống quá sớm. Ngày thích hợp nhất phải được ấn định là khoảng 15 tháng 11, điều này khiến Nimitz có quá ít thời gian để tập họp số lượng chiến thuyền, phi cơ và binh sĩ khổng lồ để đổ bộ. Bất chấp cơ nguy của một tình trạng lộn xộn nào đó, ông muốn toan tính thực hiện trò đu dây này hơn là trì hoãn ngày mở cuộc hành quân.
Sau cùng ngày J được ấn định là ngày 20 tháng 11 năm 1943, ngày giới hạn tối đa mà thủy truyền lên cao. Cuộc hành quân mang ám danh “Galvanic” ấy, được đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Spruance, cựu Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm của mẫu hạm Hornet tại Midway, giờ đây đang chỉ huy hạm đội thứ 5 gồm có sáu mẫu hạm mới, sáu thiết giáp hạm, bốn tuần dương và hai mươi mốt khu trục hạm. Lực lượng hải quân quan trọng này phải che chở từ ngoài khơi cho các cuộc hành quân đổ bộ và tham dự vào cuộc hải pháo cũng như không kích. Lực lượng hải vận hạm chở quân đổ bộ do Đô đốc Turner chỉ huy và Tư lệnh quân đoàn đổ bộ là Thiếu tướng Holland Smith thuộc Thủy quân lục chiến. Một lực lượng hải quân che chở khác, gồm có các thiết giáp hạm cũ, các tuần dương và khu trục hạm sẽ đảm bảo công cuộc yểm trợ tiếp vận và đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Hill.
Số lượng các giới chức tham dự, sự qui định mơ hồ về chức trưởng của họ và sự phân tán các lực lượng của họ sẽ không làm cho diễn tiến của cuộc đổ bộ được dễ dàng.
Sự sử dụng một hải đoàn thiết giáp hạm để hải pháo bờ vào một bờ biển được phòng thủ vững chắc từ một khoảng cách ngắn là một quyết định chưa bao giờ được toan tính kể từ kinh nghiệm tai hại tại eo biển Dardanelle năm 1915. Tướng Julian Smith, Tư lệnh đạo quân phải đổ bộ lên Bétio, tiên liệu rằng người ta sẽ tung binh sĩ thuộc quyền ông vào các công sự pháo đài của Nhật viền theo bờ biển trong những điều kiện tương tự như các điều kiện của Anzac tại Gallipoli, nên sợ rằng sẽ thấy binh sĩ của ông cũng chịu đựng một số phận thảm thương như thế. Trong một phiên họp tham mưu duy nhất giữa các giới chức có trách nhiệm về cuộc hành quân, ông phát biểu sự nghi ngờ về hiệu năng của các cuộc hải pháo. Đô đốc Hill tỏ ra rất khó chịu vì các điểm lưu ý này và tuyên bố rằng “tất cả những gì cưỡng lại được các cuộc oanh tạc sẽ, không những bị vô hiệu hóa, mà còn bị nghiền ra bột bởi trọng pháo của các chiến hạm thuộc quyền ông vốn không ngần ngại tiến sát vào bờ biển”. Ông đã lôi kéo câu trả lời thật cứng rắn của tướng Julian Smith: “Tàu chiến của ông có thể tiến gần cách bờ biển 1.000 thước, nhưng tôi được nghe nói rằng chúng được giáp sắt che chở, trong khi chúng tôi phải băng qua bãi biển chỉ cách địch vài thước, thì lại chỉ có lưỡi lê và không có thứ áo giáp nào khác hơn là chiếc áo kaki của chúng tôi”.
Chính ông Tướng Thủy quân lục chiến là người có lý. Từ đầu đến cuối, cuộc hành quân Galvanic, chỉ là một cuộc xung phong liên tục vào các công sự phòng thủ còn nguyên vẹn, do bởi những chiến binh không được võ trang đầy đủ và chỉ có chiếc áo kaki, ướt đẫm vì sóng biển, che thân.
Ngày 12 tháng 11 năm 1943, 14.000 quân nhổ neo từ hải cảng Efaté trong quần đảo Tân-Hébrides. Hai ngày trước đó, các L.S.T chất đầy những máy kéo lội nước mới ra lò từ Hoa Kỳ đến, cũng đã rời Wellington để đến tiếp hợp với lực lượng đổ bộ. Riêng hải đoàn của Đô đốc Hill, từ Trân Châu Cảng, cũng đã lên đường đến điểm hẹn chung được ấn định vào ngày 19 tháng 11 tại phía nam quần đảo Gilbert. Mặc dầu có sự cách trở ban đầu, sự tiếp hợp đã được thực hiện đúng theo thời biểu và hai nhóm hải vận hạm tại Makin và tại Tarawa bắt đầu chuyển quân qua tàu đổ bộ L.C.I đúng thời hạn mong muốn.
Giai đoạn đầu tiên của các cuộc đổ bộ lên bờ biển phải bắt đầu vào bình minh ngày 20 tháng 11 năm 1943 gồm có việc thiết lập ba đầu cầu trên đảo Bétio. Một nằm ngay giữa đảo, hai đầu cầu kia nằm hai bên và cách đều đầu cầu giữa chừng 500 thước.
Đảo Bétio có hình dáng một con két nằm chổng vó dọc theo xích đạo, mà chiếc mỏ hướng về địa cực. Một bến tàu từ rốn con két nhô ra, băng ngang qua hàng rào san hô ngầm thông góc với bờ biển. Các phi đạo của phi trường được thiết lập bên trong sâu một chút, ngay bụng của con chim.
Ba Tiểu đoàn tương ứng với 3 đầu cầu phải được đổ bộ lên bờ thành nhiều đợt, trước hết bởi các máy kéo lội nước, tiếp đó và khi nước lên khá cao, bởi các tàu L.C.I và L.C.T.
Ngay từ lúc khởi sự thảm cảnh đã bắt đầu. Sau khi các hải vận bỏ neo trong vùng biển san hô, việc chuyển binh sĩ và chiến cụ được thực hiện không có gì lộn xộn quá, nhưng khi các tàu đổ bộ tập họp tại tuyến xuất phát, chúng liền bị tán loạn vì hỏa lực tập trung dày đặc của các giàn súng Nhật trên bờ. Mọi người hoàn toàn bị bất ngờ vì tin rằng chúng đã bị “nghiền ra bột” bởi tác xạ của hải pháo trên thiết giáp hạm. Các khu trục hạm phải tiến vào gần sát bờ mới làm chậm bớt được cơn mưa trái phá rơi xuống các tàu đổ bộ.
Sau cùng, cuộc tập họp trước được dự liệu lúc 7 giờ, nhưng mãi đến 9 giờ mới có thể thực hiện được và khi đợt thứ nhất đến được hàng rào đá ngầm, một hỏa lực ác liệt chờ đón họ. Thủy triều đã xuống thấp và các máy kéo còn chạy được phải vất vả lắm mới vượt qua được. Các binh sĩ mang quá nặng phải nhảy xuống cách bãi biển rất xa, và trong cuộc đi bộ kiệt sức của họ, sáu trăm người đã bị giết hoặc bị thương. Những người lọt lưới được liền chạy tán loạn, tìm cách thoát hiểm trong các thế đất gồ ghề hiếm hoi. Nhiều máy kéo lội nước, cực nhọc rút ra để quay trở lại chở đợt thứ hai, phải chất đầy người bị thương. Nhiều thương binh còn mắc trên hàng rào đá ngầm và các binh sĩ vùng vẫy trong nước tập họp lại để ẩn núp sau đó. Đến 10 giờ, rốt cuộc chừng vài trăm binh sĩ đã đặt được chân lên bãi biển nhưng các đơn vị thì hoàn toàn tan rã. Binh sĩ không tìm thấy được sĩ quan của mình và không chịu tuân hành mệnh lệnh triệt để. Bị kẹt cứng trong các hố cá nhân, cách chiến lũy bằng thân cây viền theo bờ biển có vài thước, họ nghe tiếng đạn rít trên đầu do các xạ thủ mai phục đằng sau móng đá của bến tàu nhắm bắn và không dám thò mũi ra ngoài. Không một điều tiên liệu nguyên thủy nào được thể hiện. Cả Đại tá Shoup lẫn đại đội chỉ huy của ông đều không ai đặt chân lên bờ được. Sáng kiến nằm trong tay các trung đội trưởng. Gần như tất cả trung đội trưởng đều đã kháng cự với sự can đảm tuyệt diệu và chính một người trong số đó đã cứu vãn tạm thời tình thế.
Toán tiền sát viên của trung úy Hawkins và trung sĩ Price bám chặt được vào móng của bến tàu. Hiểu rõ nguy cơ giết người mà quân đổ bộ phải lãnh đủ do đạn tác xạ cạnh sườn của các xạ thủ đại liên Nhật Bản đang mai phục trong các bờ đá của chân móng bến tàu, Hawkins gọi tên từng người một, tập họp một số đông nhất binh sĩ thuộc quyền, rồi dẫn họ nhào lên vừa xung phong vừa thét: “Phải tiến đến đó!”.
Sau một trận cận chiến kinh hồn, các binh sĩ tiền sát của Hawkins quét sạch được tất cả các cổ đại liên mà binh sĩ Nhật tiếp tục bắn cho đến phút chót. Chắc chắn là hệ thống liên lạc với Đô đốc Shibasaki đã bị hư hại do cuộc hải pháo của các khu trục hạm lúc đó đạt đến cường độ mãnh liệt, bởi vì không có một thuộc viên nào của ông ta có sáng kiến phản công quân Mỹ. Dầu sao chăng nữa, bến tàu rốt cuộc đã được giải tỏa. Nhưng quân đổ bộ đã không thể sử dụng được vì quân Nhật, nấp trên ngọn dừa tưới đạn xuống đấy không ngừng nghỉ, tuy vậy, các tàu L.C.T đã có thể cặp vào bến bằng cách nấp vào sau các bờ đá của con đê chặn sóng, và vài chiến xa nhẹ còn chạy được vào cả trong đất liền.
Đến trưa, Đại tá Shoup đổ bộ và lập ban chỉ huy trên chiếc mái sụp đổ của một lô cốt lớn bị đối phương bỏ lại. Chỗ này, đầu cầu đổ bộ có chiều sâu 20 thước. Khi bóng đêm phủ xuống, ông thấy đằng sau mình cả một đoàn máy ủi và tàu đổ bộ vĩ đại đủ mọi kiểu. Gần như tất cả đều cặp được vào đầu con đê chặn sóng. Binh sĩ bắt đầu tiến lên theo hàng dọc, hoặc bò theo đường dẫn ra bến tàu hoặc ẩn nấp bên dưới nó. Khi đêm tối hoàn toàn, Shoup nhận được tin mừng đầu tiên trong ngày, một đại đội của ông đã cặp được vào bờ rất xa về phía tây - trên chiếc mỏ của con két - tại một địa điểm mà sự phòng thủ của Nhật không đáng kể. Đại đội tiến về phía đông gần 500 thước và nối kết được với những toán quân nhỏ lạc lõng trong vùng kế cận.
Khi được thông báo về tình hình của binh sĩ đổ bộ - nghĩa là vào lúc đêm đã rất khuya - thiếu tướng Julian Smith gửi cho Shoup một điện văn vắn tắt: “Chuẩn bị tấn công khi trời vừa sáng. Tôi sẽ gửi cho anh hai Tiểu đoàn tăng viện”.
Mặc dầu Thủy quân lục chiến không hề được nghỉ ngơi từ lúc 6 giờ sáng, không một ai có thể có lấy một phút nghỉ mệt. Không những họ bị cuốn hút vào công cuộc chuẩn bị tấn công vào sáng ngày hôm sau, mà ánh sáng của hỏa châu, tiếng úng liên miên của các chiến hạm và mùi hôi thối dễ sợ bốc ra từ các xác chết mà khi thủy triều rút xuống, nằm phơi đầy bãi biển, tất cả những thứ đó không thể nào thích nghi cho giấc ngủ được.
Đến sáng, hai Tiểu đoàn tăng viện đến, Shoup ra lệnh tấn công. Các binh sĩ dồn cục sau bộ chỉ huy của ông ra khỏi chiến lũy, được các phi cơ của Thủy quân lục chiến đâm xuống sát mặt đất tác xạ “straffing” liên tục. Nhưng hỏa lực của quân Nhật trong các lô cốt còn dày đặc hơn hôm qua. Bất chấp lựu đạn được phóng qua các kẽ hở của thân cây và súng phun lửa, quân Nhật tiếp tục bắn. Sau một giờ nỗ lực ngoài sức người, Shoup phải chấp nhận một sự thực hiển nhiên: cuộc phản công bị bảy gãy từ trong trứng nước. Phần lớn sĩ quan của ông bị chết hoặc bị thương. Hawkins, viên sĩ quan từng thực hiện chuyện phi trường với nhóm tiền sát viên của mình bị một mảnh đạn trái phá vào chân và ba mảnh vào vai. Mặc dầu anh từ chối không chịu cho di tản, Price phải lên thay anh nắm quyền chỉ huy... Shoup điện thoại cho Julian Smith báo rằng ông không còn làm chủ được tình hình. Ông thiếu tướng trả lời: “Ráng giữ vững vài giờ nữa, tôi sẽ gửi Trung đoàn 6 đến cho anh”.
Trung đoàn này là đơn vị trừ bị chót của toàn diện cuộc hành quân đổ bộ. Trung tướng Holland Smith đã giữ nó lại để dự phòng trường hợp cuộc đánh chiếm Makin gặp khó khăn. Thế mà phản ứng tại Makin không đáng kể và vì đội quân trú phòng Nhật không qua 400 người hòn đảo ấy đã bị chiếm đóng từ sáng. Tổn thất duy nhất của hải lực đổ bộ tại đó là một mẫu hạm hộ tống, chiếc Liscomb Bay, rủi ro bị một tàu ngầm Nhật phóng thủy lôi đánh chìm. Turner và Holland Smith từ lâu tin tưởng rằng sự việc tại Bétio cũng dễ dàng như thế, nên khi nhận được hung tin, họ mở hết tốc độ chạy về Tarawa.
Lời hứa sắp đưa Trung đoàn 6 đến tăng viện chắc chắn đã làm yên tâm những binh sĩ cố thủ ba đầu cầu đổ bộ tại Bétio, nhưng phải giữ vững vài giờ và không một ai biết có thể làm được việc này hay không. Binh sĩ của Shibasaki chiến đấu với một sức mạnh hung tàn. Chắc chắn lúc ấy vị Đô đốc Nhật đang có mặt bên cạnh binh sĩ của ông ta, ngay giữa lòng cuộc chiến, chuẩn bị phản công để hất quân Mỹ ra biển. Tổn thất của quân Mỹ lên đến mức dễ sợ. Xác chết xếp thành đống chung quanh đầu cầu đổ bộ. Các khẩu trọng pháo phải được vác đến sát lô cốt để bắn vào các lỗ châu mai, vì chúng không gây hiệu quả gì trên các thân cây bằng gỗ hay cây dừa được khôn ngoan nối kết với nhau bằng các mấu thép. Từ các thân cây còn đứng vững, những xạ thủ ưu tú Nhật, bắn hạ từng binh sĩ Mỹ lộ liễu với mức độ chính xác không chê được. Các sĩ quan than phiền với Shoup là những thành phần binh sĩ ưu tú của họ đã bị giết và những người khác bắt đầu mất can đảm. “Các anh chỉ cần bảo: ai muốn theo tôi?”. Shoup trả lời. “Nếu có mười người theo, các anh nên cho là đã sung sướng. Ít thật đấy, nhưng còn hơn không có ai!”.
Đến 13 giờ, mùi hôi thúi của xác chết nồng nặc đến nỗi các binh sĩ khiêng cáng phải dìm xác xuống nước. Trung úy Hawkins đáng thương, ngất ngư, phải được di tản bằng một cái bè cao su. Năm trong sáu sĩ quan thuộc Tiểu đoàn lập đầu cầu chính giữa đã bị giết... Rõ ràng là binh sĩ đã chịu đựng đến cùng. Shoup đi từ đại đội này đến đại đội kia xác định rằng - mà không tin chắc lắm - quân tăng viện sắp đến.
Nửa giờ trôi qua... một thế kỷ! Shoup thấy trước tai biến toàn diện. Nhưng đột nhiên ông nghe đàng sau một thứ xì xầm bắt ông phải quay lại: vùng san hô bao phủ những chấm đen và những tua bọt sóng. Đấy là các tàu đổ bộ quân trừ bị đang lao vào các bờ biển với tất cả sức mạnh của động. Cùng lúc đó một đám mây oanh tạc cơ đâm bổ tràn ngập trên các công sự phòng thủ của Nhật. Hầu hết các tàu chờ quân đổ bộ ủi vào bờ vô sự.
Hai giờ sau, gần 1000 chiến binh mới và khỏe khoắn được đưa lên bờ cùng với chiến xa nhẹ, pháo binh và các cấp chỉ huy. Cuộc phản công mà ai cũng sợ, đã không xảy ra. Chắc Đô đốc Shibasaki phải vùi thây dưới đống đổ nát của một hầm trú ẩn nào đó bởi vì một vẻ hoang mang đang bộc lộ bên phía quân Nhật.
Nhiều xe Jeep bắt đầu chạy dọc theo chân thành lũy. Đầu cầu bên trái đột nhiên mở rộng được gần 100 thước. Ngọn gió chiến thắng kích thích lại tinh thần can đảm của các đại đội bị khốn khổ nhất. Chiến trường bị một lớp khói bao phủ càng dày đặc hơn vì giờ đây còn có thêm khói từ các đám cháy bốc lên từ các hầm trú ẩn. Chiến binh Nhật đều tự để cho bị thiêu sống tại chỗ hơn là đầu hàng. Không có một tù binh nào... Chỉ có những xác chết cháy thành than và các thân người nát bét bị bom giết chết và hất từ ngọn cây dừa xuống đất. Cùng với bóng đêm, tiếng huyên náo giảm dần. Chiến thắng của Thủy quân lục chiến giờ đây đã được đảm bảo. Tên Tarawa đã đi vào lịch sử, làm lu mờ một cách rất bất công địa danh Bétio, nhưng cần gì! Một sự thất bại có thể đưa lại nhiều hậu quả đáng sợ vừa tránh được trong gang tấc.
Ngày 22 tháng 11 năm 1943 còn được đánh dấu bằng các trận đánh gay go vì các pháo đài sau cùng của Nhật, mặc dầu bị tràn ngập bởi cả một làn tuyết băng toàn xe tăng, pháo binh và binh sĩ, vẫn tiếp tục chiến đấu đến cùng. Trong tổng số 4.500 quân trú phòng, người ta chỉ tìm thấy còn có 400 công nhân Cao Ly là còn sống. Nhưng Trung đoàn 2 Thủy quân lục chiến phải trả giá đắt cho chiến công này. Trong 48 giờ, toàn diện lực lượng binh sĩ đổ bộ đã bị tổn thất 3.300 chết, bị thương hoặc mất tích, bằng số tổn thất tại Guadalcanal trong sáu tháng...
Khi ký giả Robert Sherrod, người cùng đổ bộ với Thủy quân lục chiến và theo dõi trận đánh tại tuyến đầu, đến hỏi đại tá Shoup phép lạ đã diễn ra như thế nào, người anh hùng của Bétio trả lời bằng câu đơn giản sau: “Người ta yêu cầu chúng tôi giữ vững, và, lạy chúa, chúng tôi đã giữ vững!”.