(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Cuộc điều tra

    
ự xúc động do thảm kịch Trân Châu Cảng làm bùng lên tại Mỹ mạnh mẽ đến nỗi một trong những ưu tư đầu tiên của tòa Bạch Ốc là chỉ thịt một cuộc điều tra sâu rộng ngay lập tức để xác định những sai lầm đã phạm phải và những người có trách nhiệm. Các ủy ban điều tra, gồm nhiều sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh của Lục quân và Hải quân, đến Trân Châu Cảng để thu thập bằng chứng và vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết các biến cố trong buổi sáng bi thảm của ngày 7 tháng 12. Các cuộc điều tra này được tiếp nối bởi một cuộc điều tra của Quốc hội kéo dài nhiều tháng và sử dụng hàng tấn giấy. Vì thế Morison, sử gia chính thức của Hải quân Mỹ mới nói, không có một biến cố quân sự nào ngay cả trận đánh Gettysburg hay trận đánh Jutland, lại là đối tượng của các loại tìm tòi kỹ lưỡng như vậy hơn cuộc không tập tại Trân Châu Cảng. Không những chỉ diễn tiến của biến cố được tái lập lại từng phút, mà nhiều sơ xuất về phía Mỹ, khiến cho Nhật có thể chiến thắng sấm sét được, cũng được moi móc ra và được phân tách tỉ mỉ.
Tình trạng thiếu chuẩn bị của quân lực Mỹ bắt nguồn từ ý chí chung của dân tộc và của các nhà lãnh đạo Mỹ muốn đứng ngoài vòng chiến tranh, và trong khuynh hướng tự nhiên của con người là thỏa mãn lòng ham muốn của mình thay vì chú ý đến những hoàn cảnh thực tại. Chính sách con đà điểu được áp dụng từ thượng tầng đến hạ tầng và điều này phần nào đã giải thích được sự chậm trễ của nhiều cơ cấu khác nhau của Bộ Tổng tư lệnh khi bắt đầu chuyển động. Các cơ cấu này, vốn ở trong tay các sĩ quan có trình độ kỹ thuật và trí thức có thể so sánh được với các đồng nghiệp của họ, thật ra cũng đã có thể mở mắt sớm hơn nếu những tin tức được chuyển đến họ kịp thời và dưới hình thức mong muốn - nhất là khi mà một vài tin tức ấy lại được thu thập một cách hữu hiệu nhờ các phương thức mới mà địch không hề nghi ngờ gì.
Các phương thức này do người Anh sáng chế ra, và Churchill, trong mục đích lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến, đã thông báo cho Roosevelt để ông này giúp kỹ nghệ hóa chúng. Một trong các khám phá mới lạ ấy là máy rada mà người Anh lần đầu tiên hoàn tất từ đầu cuộc chiến, một sáng chế mới khác là “Hệ thống kỳ ảo”, hay là bộ nhớ máy mở khóa mật mã, mà công cuộc chế tạo cực kỳ phức tạp đã được một nhóm chuyên viên hỗn hợp Anh-Mỹ thực hiện. Hai phương thức này đã giúp cho phía Anglo-Saxon có một ưu thế đè bẹp đối với đối phương cả hai đều đã sẵn sàng được đưa ra sử dụng từ tháng 12 năm 1941 và đã cung ứng một cách hữu hiệu những tin tức quan trọng hàng đầu, nhưng đã không được khai thác kịp thời do khiếm khuyết thuộc về cơ cấu kiến trúc các cơ sở tình báo và do sự điều hành kém cỏi của các Bộ tham mưu thuộc các Bộ Tư lệnh các cấp.
Khiếm khuyết liên quan đến kiến trúc các cơ quan tình báo không những chỉ làm tê liệt sự khai thác các phương thức sáng chế mới, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đã xen lẫn vào trong tất cả các guồng máy cổ điển nhất, chẳng hạn như sự truyền đi các dấu hiệu báo động bằng phương tiện quang học hay vô tuyến. Các khiếm khuyết ấy còn chịu trách nhiệm cả một phần nào về sự thụ động lạ kỳ mà các Bộ trưởng Hải quân và Tổng trưởng Chiến tranh đã chứng tỏ cũng như các Bộ tham mưu của họ trong thời gian vài giờ trước và sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 12 của Nhật Bản. Thật vậy, dường như các cơ sở tình báo và các vị chỉ huy chúng đã bị mất tín nhiệm trong các giới chính quyền và trong Bộ Tổng tư lệnh tối cao đến nỗi tất cả những gì họ nói ra đều không hề được coi làm trọng.
Sai lầm trong việc chuyển đi, tập trung, kiểm soát và chuyển giao trong thời hạn và dưới các hình thức chấp nhận được như thế, các tin tức có lợi ích sống còn (trong đó một số có thời gian rộng rãi đủ để được khai thác hữu ích) đã bị thất lạc trong cái mê cung thuộc các cấp trung gian giống như nước của một con suối mất hút trong cái sa mạc.
Từ đầu chương này, chúng ta đã thuật lại quang cảnh diễn ra tại tòa Bạch Ốc khi những tiếng vang đầu tiên của các quả bom tại Trân Châu Cảng được đưa đến. Phản ứng điềm nhiên của Tổng thống Roosevelt có hai nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên chính là vì đêm hôm trước (6 tháng 12), ông đã được báo động về tính cách cấp bách của một cuộc tấn công xâm lăng nhờ việc đọc được một giác thư của Nhật gửi cho viên Đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn vốn đã đánh thức nơi ông những kinh nghiệm lịch sử, khiến cho tin tức về cuộc tấn công thật sự không làm cho ông kinh ngạc hoàn toàn; nguyên nhân thứ hai chính là vì ông tin rằng bản giác thư ấy đã được chuyển cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân và ông nghĩ rằng những người này đã phải cho thi hành các biện pháp cần thiết để có thể đối đầu với tình thế một cách tốt đẹp nhất.
Thế mà thực tế đã không phải như vậy. Chúng ta sẽ thấy tại sao.
Tại Hoa Thịnh Đốn, cơ sở “Magic”, với bộ máy Purple được hoàn tất, đã thành công trong việc giải được các mật mã ngoại giao của Nhật - loại mật mã khó nhất so với tất cả các loại khác. Nhưng vì số chuyên viên ít quá, cơ sở này được Lục quân và Hải quân thay phiên nhau điều động từ một đến hai ngày.
Ngày 6 tháng 12, chính Hải quân có nhiệm vụ giải mật mã và ghi lại hoàn toàn các điện văn bắt được. Thật là một gánh nặng trong ngày hôm đó? Đông Kinh đã loan báo cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn rõ việc chuyển đến mười ba đoạn đầu của một giác thư mười bốn đoạn, đoạn thứ mười bốn được chậm lại một ngày chưa xác định.
Vì rõ rệt đó là một tài liệu tối quan trọng, chuyên viên giải mật mã bắt tay vào việc ngay khi vừa nhận được.
Đến 21 giờ, công việc hoàn tất. Các bản sao được phân phối và một sĩ quan thuộc cơ sở Truyền tin của Hải quân mang một bản đến tòa Bạch Ốc. Tùy viên hải quân liền trình lên cho Tổng thống lúc ấy đang vừa ăn tối xong. Ông đọc mười ba đoạn của giác thư và mặc dầu nói chung, chúng có vẻ hòa dịu, chi tóm lược tại các trọng điểm được các đại biểu toàn quyền Nhật, Nomura và Kurusu, phát biểu nhiều lần trong các buổi thương nghị, Tổng thống hướng về Harry Hopkins thì thầm: “Lần này, tất là chiến tranh rồi!”. Rồi ông gọi điện thoại cho Đô đốc Stark, Tư lệnh Hải quân. Người ta trả lời là Đô đốc hiện đang ở Học viện Quốc gia, nhưng có thể đi tìm ông ta. Tổng thống bác bỏ đề nghị này và giải thích với Hopkins rằng ông sợ sự ra về đột ngột của Stark ngay giữa một dạ hội, khi ông ta ngòi ngay lô hạng nhất, sẽ báo động các khán thính giả một cách vô ích. Chắc chắn là ông ta có một bản sao giác thư này khi ông ta quay trở lại văn phòng, nghĩa là trong vòng không đầy một giờ nữa.
Dự kiến lạc quan này đã không xảy ra, Stark sẽ đi thẳng về nhà và ngủ luôn. Chiếc phong bì chứa bản giác thư được trao cho Bộ tham mưu Hải quân mà không có một ghi chú nào đặc biệt, và được viên trưởng phòng hành quân mở ra, nhưng vì đây là một “tài liệu ngoại giao”, bản văn được gửi cho Đô đốc chỉ được để vào tập công văn đến thông thường. Diễn tiến ấy cũng được noi theo từng điểm một tại Tổng hành dinh của tướng Marshall, Tư lệnh Lục quân, và vì phong bì không để lại một dấu vết đặc biệt nào, không một ai có ý định làm phiền ông Tướng.
Hôm sau là một ngày chủ nhật, cả Đô đốc lẫn Đại tướng không ai đến sở sớm, nhất là Đại tướng vì ông vẫn có thói quen đi dạo bằng ngựa dọc theo bờ sông Potomac vào ngày chủ nhật.
Tại Bộ tham mưu, dầu sao người ta cũng bắt đầu lo ngại và đến 9 giờ, một tùy phái được lệnh đi tìm ông. Anh ta không tìm thấy và trở về tay không. Sau cùng mãi đến 11 giờ 15 - sau khi về nhà, tắm rửa - Đại tướng mới đến văn phòng.
Trong khoảng thời gian đó, đoạn thứ mười bốn của bản giác thư đã được nhận và được giải mật mã - một đoạn trọng nổ tung, bởi vì nó được chấm dứt bằng câu đe dọa này: Chính phủ Nhật lấy làm tiếc lưu ý chính phủ Mỹ rằng, vì thái độ của Mỹ, Nhật bắt buộc phải coi như không thể nào tiến tới sự thỏa hiệp bằng cách tiếp tục thương thuyết.
Ít lâu sau quả bom này, một trái khác lại được đưa đến dưới hình thức một công điện ra lệnh cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn phá hủy ngay lập tức các máy móc mật mã cũng như tất cả các tài liệu mật và ấn định đến 13 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn) sẽ cho chuyển lại đoạn mười bốn của bức giác thư.
Sau khi đọc đi đọc lại tài liệu này, Tướng Marshall với các cộng sự viên chính yếu bao quanh, cho thảo một điện văn chung cho tất cả các Tư lệnh quân sự tại chiến trường Thái Bình Dương, trong đó ông tóm tắt nội dung các điện văn của Nhật, đoạn ra lệnh cho họ “sẵn sàng trong thế báo động”.
Trước khi ký, ông thay đổi ý kiến và gọi điện thoại cho Đô đốc Stark để hỏi ông này có định làm như vậy không. Nhưng Stark bác bỏ đề nghị này. Các Đô đốc Kimmel, tại Trân Châu Cảng, và Hart, tại Phi Luật Tân, hoàn toàn biết rõ tình hình. Tài liệu ngoại giao này không mang lại một yếu tố quân sự mới mẻ nào. Nếu cứ lạm dụng lệnh báo động, rốt cuộc chẳng ai thèm quan têm đến nó nữa. Nhưng ông không thấy có gì bất tiện việc các nhà chức trách Lục quân thông báo cho các Tư lệnh Hải quân bản điện văn này khi học nhận được.
Marshall gác máy, thêm một đoạn bổ túc theo chiều hướng đó vào công điện, và giao cho viên Đại tá đặc trách tình báo tại Viễn Đông để mã hóa và chuyển đi ngay. Ông không hề nghĩ đến việc sử dụng chiếc máy điện thoại đặc biệt “loại trộn lẫn” đặt thường trực cho các giới chức sử dụng để được mau lẹ hơn bởi vì - cũng như phần đông các cộng sự viên - ông ghé bỏ một cách lộ liễu khám phá mới này vốn bị ông coi như hoàn toàn không được kín đáo. Ông đành nhấn mạnh vào chữ “ngay lập tức” mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nói thì dễ hơn làm nhiều! Một khi điện văn được mã hóa cẩn thận, công việc này đòi hỏi một giờ vì chữ viết của ông Tướng như mèo quà, vấn đề đặt ra cho các nhân viên chấp hành là làm cách nào để chuyển bức điện văn đi. Bằng vô tuyến điện? Lục quân chỉ có một máy phát 10 kw mà từ sáng sớm đã cố bắt liên lạc với các đơn vị tại Viễn Đông nhưng không được. Hải quân thì có những máy mạnh hơn, nhưng trên Thái Bình Dương có những khu vực im lặng đặc biệt chung quanh Hạ Uy Di. Như vậy chỉ còn lại đường dây liên lạc thương mại vốn có nhiều trạm tiếp vận nhưng chắc chắn hơn và nói chung thì mau hơn. Người ta dùng chính đường dây liên lạc này.
Rủi thay, hôm ấy đường liên lạc này lại rất bận. Và tại Honolulu, để làm cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, chiếc máy viễn ấn đảm bảo sự liên lạc giữa nhà bưu điện và bản doanh của Fort Shafer tại Oahu lại bị hư hỏng. Sau cùng, để đến được tay người nhận chính thức, Tướng Short, Tư lệnh lực lượng quân sự tại Hạ Uy Di, bức điện văn của Tướng Marshall đã phải mượn chiếc sắc cốt đáng thương hại của một tiểu bưu lại với chiếc xe đạp, bị chen lấn trong các đám đông cản lối và bị chặn bởi các nhân viên phòng vệ dân sự vì anh ta là một người Nhật, và điện văn ấy đã chỉ đến được tay người nhận một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi hạm đội Mỹ bị tiêu diệt.
Thế còn chuyện gì đã xảy ra tại Hạ Uy Di, trong lúc các cấp chỉ huy tối cao của Lục và Hải quân Mỹ do dự về các quyết định phải ban hành, khiến cho các cơ sở tình báo, lẫn các đài rada, lẫn các cuộc không thám đều không báo trước được cho các giới chức hữu trách địa phương về cuộc tấn công của Nhật sắp xảy đến cấp kỳ?
Bảng liệt kê thứ tự các biến cố theo thời gian được ủy ban điều tra của Thượng viện tỉ mỉ nêu ra, có thể cho chúng ta một lời giải thích:
Tại Hạ Uy Di, cơ sở phản gián do Tướng Bicknell chỉ huy đã khám phá ra được một cuộc điện đàm đúng ngay trên đường dây điện thoại thương mại giữa Honolulu và Đông Kinh tối nàgy 5 tháng 12. Cuộc điện đàm xuất phát từ một nha sĩ Nhật sống trên đảo ông ta gọi cho Nhật báo Yomiuri Shimbu để nói chuyện này chuyện nọ; đặc biệt là về sự hiếm hoi của loại cây có hoa, ngoại trừ cây dâm bụt và cây cúc vàng Nam Mỹ thì trái lại nở hoa rất đẹp. Ngay sau khi được thông báo cuộc điện đàm đáng nghi này. Tướng Bicknell đến Bộ tham mưu và xin được gặp riêng Tướng Short, Tư lệnh Lục quân tại Hạ Uy Di. Ông này đã tiếp ông ngoài cửa văn phòng. Lúc đó là 18 giờ 30 và vợ ông ta đang chờ dưới kia vì họ phải đi dự một buổi dạ tiệc. Ông ta đã rất trễ giờ và tỏ dấu hiệu nóng nảy khi nghe câu chuyện hóa dâm bụt. Ông ta chấm dứt cuộc tiếp xúc bằng cách nói với Bicknell rằng dầu sao “đêm nay cũng đã quá khuya và rằng ông ta sẽ suy nghĩ lại”.
Vốn đã bị khiển trách một đôi lần vì làm rối trí thượng cấp một cách vô ích, Bicknell không dám khẩn nài thêm.
Trong khi dự tiệc, Tướng Short tự trách mình đã đuổi khéo Bicknell như thế. Cuộc nói chuyện bị ngắt ngang có thể có tương quan với các chiến hạm hiện diện trong Trân Châu Cảng lắm chứ. Nhưng ông lại không đảm trách vấn đề an ninh cho hạm đội. Đó là việc của Đô đốc Kimmel, vốn cũng có cơ sở tình báo riêng và đoàn thủy phi cơ thám sát. Ông tin rằng Đô đốc chắc phải biết rõ vị trí chiến hạm Nhật mà nhất cử nhất động đều được nhiều nguồn tin thông báo cho ông ta. (Tướng Short lúc đó không biết rằng phòng nhì của hạm đội Thái Bình Dương từ hai hôm nay đã mất dấu những hàng không mẫu hạm Nhật). Kimmel lại không đến dự dạ tiệc. Ông ta đi ngủ sớm sau một ngày mệt đứt hơi. Ngày mai báo cho ông ta cũng còn kịp.
Lúc 3 giờ 50 sáng hôm sau, chiếc tàu rà mìn Condor đang tuần tiễu bên ngoài tầm lưới chắn ngang lối vào hải cảng, tin chắc là đã thấy một kính tiềm vọng nhô lên trước mũi. Nó lập tức báo ngay cho chiếc khu trục hạm Ward có nhiệm vụ canh phòng ngoài khơi. Chiếc Ward chạy về phía kính tiềm vọng đáng nghi, nhưng không nghe gì cả, phải hỏi chiếc Condor các chi tiết chính xác. Một cuộc đàm thoại vô tuyến diễn ra giữa hai chiến hạm và được đài truyền tin Trân Châu Cảng nghe rõ mồn một. Nhưng vì không có chiếc nào trực tiếp nói với đài, hiệu thính viên đành chỉ biết ghi âm lại. Nhiều cuộc báo động hụt loại này xảy ra bất thường. Người chuyên viên nghĩ là không cần phải báo cáo cho thượng cấp làm chi.
Đến hừng đông, ba chiếc thủy phi cơ thám sát cất cánh lúc 6 giờ 26, một chiếc bay trên một cơ xưởng hạm đang tiến vào lối vào hải cảng, cánh cửa tàu mở rộng. Chiếc khu trục hạm Ward, tiếp tục cuộc tìm kiếm, chạy băng qua luồng sóng của chiếc tàu sửa chữa và rất ngạc nhiên thấy khói bốc lên từ một chiếc phao vừa được chiếc thủy phi cơ ném xuống. Tất cả những người canh đêm đều quan sát mặt biển về phía chiếc phao nhả khói và một người đã thấy được một vật đáng nghi giống như chiếc tháp của một tàu ngầm bỏ túi. Lập tức chiếc Ward chạy đến và khai hỏa. Đến lượt chiếc thủy phi cơ thả bom. Lúc ấy khu trục hạm Ward mới báo cáo cho đài truyền tin tại Trân Châu Cảng: “Chúng tôi đã tấn công một tàu ngầm hiện diện trong khu vực cấm lai vãng”.
Lần này, tín hiệu được trực tiếp gửi đến, hiệu thính viên đài truyền tin Trân Châu Cảng chuyển cho sĩ quan trực, người này lại trình lên thượng cấp qua các cấp chỉ huy theo hệ thống.
Nhưng hệ cấp này quá dài và các cấp chỉ huy khác nhau của Bộ Tư lệnh tỏ ra đặc biệt nghi ngờ. Câu chuyện tàu ngầm xuất hiện tại lối vào hải cảng có vẻ hoạt kê quá. Hơn nữa, đây là một sáng chủ nhật, và giờ này chưa có ai tỉnh giấc cả.
Mãi đến 7 giờ 30, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ và đành chỉ ra lệnh chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực tức hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi về tháp tùng ông đến nhà thờ.
Lúc ấy là 7 giờ 55. Vài giây sau, những tiếng động vẳng lại. Nhiều cột khói bốc lên từ hải cảng và lập tức nhiều tiếng nổ vang lên tiếp theo sau.
Đô đốc nhảy vào chiếc xe và chạy hết tốc lực về văn phòng Bộ tham mưu. Ông phải mất 20 phút mới qua khỏi đoạn đường ngổn ngang người chạy trốn và xe chữa lửa. Khi ông đến hải cảng, tiếng động chát tai của bom nổ tạm ngưng, nhưng tất cả các thiếp giáp hạm của ông thì đang bốc cháy, chìm xuống nước hay bị hư hỏng tan nát.
Câu chuyện tàu ngầm này có vẻ rất hoạt kê và thật vậy nó rất hoạt kê. Nó đã chứng tỏ rằng kế hoạch của Nhật, mặc dầu được soạn thảo tỉ mỉ, cũng bị nhiều kẽ hở mà Bộ Tư lệnh Mỹ lẽ ra đã có thể lợi dụng được. Bức điện tín sau cùng mà ông lãnh sự gỉ Morimura, được đánh đi qua trung gian của ông nha sĩ, là một lầm lỗi, vì nó có thể thức tỉnh đối phương. Nhưng ít ra nó cũng còn cho phép bật đèn xanh cho Đô đốc Nagumo khi xác nhận với ông ta rằng có các thiết giáp hạm trong hải cảng. Tấn công hải cảng bằng một toán tàu ngầm bỏ túi là một lỗi lầm thứ hai, và trầm trọng hơn, bởi vì nó tạo thành một sai lầm chiến thuật có thể làm hỏng nỗ lực chính nhất là khi nó không được chuẩn bị kỹ.
Không có thủy thủ nào của chiếc Condor lẫn chiếc Ward lại mơ ngủ cả khi họ báo hiệu thấy khi thì một tiềm vọng kính, khi thì một tháp tàu ngầm. Quả thật kế hoạch Yamamoto đã có trù liệu một cuộc tấn công các thiết giáp hạm buông neo trong Trân Châu Cảng bằng một nhóm năm tàu ngầm bỏ túi được các tàu ngầm mẹ trang bị đặc biệt mang đến tuyến xuất phát.
Trong thực tế, Đô đốc chỉ còn hối tiếc cho cuộc tấn công cầu âu này, cuộc tấn công khó mà diễn ra đồng thời với cuộc tấn công của phi cơ. Tuy nhiên ông đã phải nhượng bộ áp lực của ông Bộ trưởng Hải quân khi ông này nại ra các lý do tâm lý. Sự sử dụng độc có phi cơ sẽ tạo ra ganh tỵ. Đặc biệt các quân nhân phục vụ dưới tàu ngầm, những người từ lâu đã nghiên cứu khả năng tấn công các chiến hạm đang bỏ neo bằng các tàu ngầm bỏ túi, đột nhiên thấy mình bị chiếm đoạt mất con ngựa chiến có hy vọng hơn cả. Yamamoto không muốn cho họ bị nhục và chấp thuận cho nhóm ưu tú này của Hải quân danh dự được hy sinh tối thượng cuộc tấn công đầu tiên mở màn cuộc chiến tranh.
Bởi vì đây chính là một sứ mạng tự sát đầu tiên. Mười chiếc tàu ngầm nhỏ ấy có tầm hoạt động không đủ để trở về tàu ngầm mẹ nữa kìa. Năm chiếc tàu ngầm mẹ há chẳng phải bị đe dọa vì địch trông thấy nếu chúng nổi lên mặt nước ngay giữa ban ngày lúc ở quá gần Trân Châu Cảng hay sao? Hơn nữa, những hiểm nguy bị ném lựu đạn chống tàu ngầm hoặc cả bị mắc cạn nữa, đã không cho thấy gần như một cơ may chiến thắng nào cả.
Cơ may thành công của chính cuộc tấn công cũng không mấy lớn lao, cuộc hành quân không biểu dương một lợi ích quân sự nào cả. Trái hẳn lại, nó đe dọa làm hỏng hiệu quả của sự bất ngờ. Quả thật đó là điều đã xảy ra và nếu không có sự chậm trễ khó tin của việc chuyển đi các tín hiệu báo động từ chiếc Condor, Bộ Tư lệnh Mỹ đã có thể được biết tin trước trong khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng - Nghĩa là hơn 3 giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu - rằng có một cái gì bất thường đang xuất hiện. Do đó có đủ thì giờ để cho các các khu trục cơ cất cánh, để lắp đạn cho các giàn cao xạ DCA, trên mặt đất và trên chiến hạm, để phân tán tất cả phi cơ trên mặt đất và để tăng cường sự theo dõi màn ảnh rada. Có lẽ cuộc tấn công của Nhật sẽ không giảm phần chí tử nhưng nó cũng bắt quân Nhật phải trả trá đắt.
Mới cách đó ít lâu Oahu cũng được trang bị các rada trên đất liền - thêm vào các giàn rada của các thiết giáp hạm vốn sẽ không thấy gì khi đậu trong lòng chảo. Nhưng đây là một kiểu mới, nhân viên không được huấn luyện kỹ, và ít quá; đèn để thay thế thì hiếm hoi và mệnh lệnh tiết kiệm gắt go đã được ban hành. Dầu vậy, bất chấp những thiếu sót, những giàn máy tuyệt vời này đã hoạt động hoàn hảo và đã khám phá được không đoàn của Fushida lúc còn cách xa 200 cây số. Tại đây cũng lại chính vì tổ chức chuyển lệnh báo động kém cỏi quá đã làm cho Bộ Tư lệnh không nhận được tin tức cốt yếu này.
Cuộc phiêu lưu của các binh nhì thuộc sở Truyền tin Lục quân, tốt nghiệp chuyên viên rada tạm thời Joseph Lockard và George Elliot, vẫn thường được kể lại với đôi chút tưởng tượng thêm vào. Chúng ta sẽ nhắc lại một cách tóm tắt thôi bởi vì nó là một tổng hợp điển hình nhất của các thiếu sót khác nhau thuộc lĩnh vực cơ cấu tổ chức vốn đã làm tê liệt hẳn hệ thống ra lệnh báo động trong buổi sáng hôm đó.
Tướng Short có trong tay năm trạm rada được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà cuộc tấn công đáng sợ nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do, tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm rada sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.
Mỗi trạm rada có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung úy Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác. Như thế đồng thời vừa là quá nhiều vừa là quá ít. Quá nhiều vì chỉ một bộ chỉ huy cũng đủ với điều kiện là phải đặt cạnh Trung tâm Tin tức và hoạt động thích nghi. Quá ít bởi vì Trung tâm Tin tức cô lập ấy lại chỉ được giao cho một trung úy không quân trẻ tuổi vô thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Trong số năm trạm rada hoạt động tại Oahu, có một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp: trạm Opana, nằm trên một ngọn đồi cao 250 thước phía Tây bắc đảo và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi. Chính hai binh sĩ Lockard và Elliot có mặt trong trạm này.
Cuộc canh chừng lâu 3 giờ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ: không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng.
Đến 7 giờ, Lockard sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Lackard chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn gọi anh: “Này, anh nhìn coi, có cái gì kìa”.
Lockard nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều. Anh không tin vào mắt mình nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn phi cơ quan trọng đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 cây số về phía bắc Đông bắc. Anh nhảy chồm đến chiếc điện thoại và gọi Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Một binh sĩ trả lời anh và bảo rằng anh ta có một mình, phiên trực đã chấm dứt. Nhưng trung úy Tyler, lúc đó chưa bỏ đi, nhấc ống liên hợp lên nghe. Giọng của người đối thoại càng lúc càng lo âu. Tyler ghi lại các chỉ dẫn vừa được chuyển đến: vị trí, đường bay và tốc độ phi cơ đáng nghi. Có một lúc mối nghi ngờ của ông bị lung lay. Thế rồi tâm trí ông lại được soi sáng: ông nhớ có thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng, một đoàn pháo đài bay từ Mỹ sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quáave;n nguyện vẹn. Trong khi cuộc tấn công thu dọn chiến trường này diễn ra, ông có sư thì giờ và rảnh trí để ước tính số lượng nạn nhân.
Tất cả các thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương kiêu hùng theo ông đều bị loại ra khỏi vòng chiến, các hầm chứa xăng đều bị bốc cháy cũng như hầu hết các phi cơ đậu rải rác trong sáu phi trường của Lục quân và Hải quân. Lớp khói quá dày đã ngăn không cho ông thấy những gì đã xảy ra cho các tuần dương và khu trục hạm bỏ neo rải rác trong nhiều cầu tầu khác nhau, nhưng chúng chỉ là các mục tiêu phụ được ghi trong các lệnh hành quân để ghi nhớ mà thôi.
Điểm đen duy nhất trong bức tranh về cuộc săn phi thường này là không có chiếc hàng không mẫu hạm nào có mặt tại đấy cả. Sự vắng bóng của chúng đã được các điệp viên báo trước, rồi được các phi vụ thám thính xác nhận. Đô đốc đã bỏ qua. Chắc chắn ông hy vọng có thể tấn công chúng trên mặt biển trong ngày, vì lúc đó mới có 10 giờ sáng.
Phi cơ của Fushida là chiếc cuối cùng đáp xuống mẫu hạm Akagi. Vị Tư lệnh của không đoàn hỏi ngay tin tức những người vắng mặt, tổn thất đợt đầu vô nghĩa: một oanh tạc cơ đâm bổ, năm phi cơ phóng thủy lôi và một kế hoạch trục cơ. Tổn thất đợt nhì trầm trọng hơn: mười lăm oanh tạc cơ đâm bổ và sáu khu trục cơ, tổng cộng 27 phi cơ với phi hành đoàn 59 người. Người ta vẫn còn hy vọng vài người trong số đó được cứu sống nhờ các phi công phóng thủy lôi hộ tống được lệnh khám phá mặt biển xung quanh hạm đội địch. Trong thực tế, mối hy vọng này trở thành tuyệt vọng, tất cả các phi cơ vắng mặt đều bị hạ trên đảo (Tuy nhiên một phi công Nhật đã sống sót được ít lâu trên đảo nhỏ Nuhau nơi phi cơ anh ta rơi và cho ta một ví dụ điển hình về tinh thần kháng cự phi thường mà sau đó các người đồng hương của anh luôn luôn chứng tỏ. Được một người Nhật sống trên đảo cứu và săn sóc, anh ta thu hồi vũ khí và bắt được các người bản xứ tuân phục mình. Nhưng sau 8 ngày, một người Hạ Uy Di to lớn như Hercule bắt gặp thình lình anh ta sau vườn nhà nơi trú ẩn. Viên phi công nổ hết một băng đạn súng lục về phía người khổng lồ lúc đó đã ôm chặt được anh ta. Hai người lăn xuống đất trong một cuộc cận chiến man rợ, người Hạ Uy Di mặc dầu bị 2 viên đạn làm bị thương, cũng đập đầu được người Nhật vào một tảng đá đến vỡ sọ).
Khi Fushida báo cáo cho Đô đốc xong, vấn đề đặt ra là có thể tung ra một đợt tấn công mới nữa không, nhưng kết quả của hai đợt tấn công vừa qua tốt đẹp đến nỗi Đô đốc Nagumo cho rằng việc phơi bày không đoàn ra trước phản ứng của địch lâu hơn nữa là vô ích. Ông không còn được tin tức gì về các hàng không mẫu hạm của Mỹ nữa và cũng không nên coi thường mối đe dọa của tàu ngầm địch. Mặc cho ý kiến của Đại tá Genda, phụ trách hành quân, và của Fushida, người luôn luôn nhiệt tâm hành động, mong ước một chiến thắng vẹn toàn hơn nữa, Nagumo ra lệnh cho hạm đội quay về Nhật.
Quãng đường về không sinh ra chuyện gì. Cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân nhỏ của Mỹ tại Midway, có trù liệu trong kế hoạch, bị hủy bỏ vì thời tiết xấu. Nagumo tách hai trong số các mẫu hạm của ông và hai tuần dương hạm để hợp tác tấn công đảo Wake, còn hạm đội thì tiếp tục tiến về Kuré và đến đích ngày 22 tháng 12.
Tại đấy, đoàn chiến hạm được tiếp đón bằng sự vui mừng cuồng loạn của toàn dân. Chưa bao giờ trong lịch sử một chiến thắng hải quân có tính cách quyết định như thế lại được mang về với một giá ít ỏi như thế.
Tại Trân Châu Cảng, hải cảng và thành phố bày ra quang cảnh thảm đạm nhất. Bệnh viện tràn ngập người bị thương và vô số quan tài sáng rực dưới ánh nến thắp chung quanh dồn đống ngày càng nhiều. Tại Fort Island những sườn sắt của thiết giáp hạm cháy đen vì ngọn lửa còn nhả ra từng cuộn khói. Bảng kết toán kinh khủng được thiết lập như sau: Chiếc Arizona bị nổ tung làm chết 1.100 người trong số 1.400 thủy thủ, chiếc Oklahoma bị chìm, sống tàu đưa lên không đã trải qua một cơn hấp hối ghê rợn, chiếc California và chiếc West Virginia tránh khỏi bị lật úp nhờ sự khéo léo của các thủy thủ đoàn cấp cứu, nhưng không khỏi bị chìm sâu xuống đáy biển. Chiếc Nevada, chiếc thiết giáp hạm duy nhất toan tính nhổ neo cũng không tránh khỏi thất bại nên bị chìm ngay giữa lối ra vào hải cảng. Chỉ có hai chiếc Maryland và Tennessee, được cặp vào hai chiếc trên, là khỏi bị thủy lôi nên còn nổi trên mặt nước mặc dầu bị bom làm cho hư hại nặng. Riêng chiếc Pennsylvania, soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương, cũng bỏ neo trong vịnh với hai khu trục hạm, nó chỉ bị trúng có một quả bom trong khi hai khu trục hạm thì biến thành hai đống sắt vụn.
Chiếc Pennsylvania - cùng với chiếc Colorado lúc ấy đang được sửa chữa tại San Francisco - là thiết giáp hạm duy nhất trong số chín chiếc của hạm đội Thái Bình Dương còn sử dụng được. Bảy chiếc khác thì hoặc vĩnh viễn mất luôn, hoặc lâm
  • Một năm với khởi điểm đen tối
  • (tt)
  • Corregidor
  • Ổn định và lật ngược thế cờ
  • Ba mươi giây trên Đông Kinh
  • Đêm canh cùng chiến trận
  • Biển Corail
  • Midway -
  • Guadalcanal
  • Cuộc đổ bộ
  • Anh hùng ca của Thủy quân lục chiến
  • Cuộc phản công
  • Trinh sát viên Coast Watchers
  • Những bước nhảy bọ chét
  • Những bước nhảy ếch
  • Suy tư trên cấp thượng đỉnh
  • Chiến trường trung ương Thái Bình Dương
  • Số phận bị thúc giục
  • Kế hoạch A-Go
  • Tiến ngược lên phía Nhật Bản
  • Kế hoạch SHO
  • Đêm Mabalacat
  • Trò chơi tàn sát
  • Trận đánh cuối cùng của Ozawa
  • Cơn thịnh nộ Kamikaze
  • Mac Arthur trở lại Manille
  • Vòng vây siết chặt
  • Hỏa thiêu Đông Kinh
  • Hồi chung cục của Hạm đội liên hợp
  • Kế hoạch Manhattan
  • Chiếc Enola Gay và chiếc Great Artiste
  • Tro tàn thảm bại
  • Giờ phút vinh quang của Mac Arthur
  • Đoạn kết
  • ---~~~mucluc~~~--- ---~~~cungtacgia~~~---