(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Những bước nhảy ếch

    
ếu tổn thất về nhân mạng và chiến cụ của không và hải lực Mỹ rất nặng nề trong năm đầu tiên của cuộc phản công này, thì tổn thất của bộ binh lại rất thấp đáng ngạc nhiên. Trong các cánh rừng sâu ấy, nơi mà các đầu đạn bắn phỏng chừng, bệnh tật đã tàn hại mạnh hơn là vũ khí. Chỉ có 1.600 quân Mỹ tử trận tại Guadalcanal, không đầy 1.000 tại Tân-Georgie. Bảng tổng kết thành tích cũng không kém phần chán nản: trong vòng 12 tháng, vòng đai chu vi Đại Đông Á chỉ thụt lùi có 450 cây số. Tại Munda, một đội quân trú phòng 8.000 binh sĩ Nhật, gần như không được sự yểm trợ của không lẫn hải quân, đã làm cho 36.000 quân Mỹ phải thất bại trong suốt 66 ngày. Bên phía kia của hàng rào “Bismarch Barrier”, nơi mà mặc dầu Mac Arthur có trong tay 8 Sư đoàn (5 Sư đoàn của Úc), bước nhảy bọ chét cũng chỉ ngang cỡ đó: 400 cây số. Vì thiếu phương tiện chuyển vận đổ bộ và bị địa hình núi non bên trong làm tê liệt, các lực lượng đồng minh hoàn toàn thiếu hẳn sự yểm trợ của không lực, vẫn còn kẹt cứng trước các pháo đài kiên cố tại Lar và Salamaua. Cuộc đổ bộ lên Tân-Irlande, nguyên thủy được trù liệu vào tháng 6 năm 1943, đã được hoãn lại đến một ngày vô định... Với cái đà này, muốn đến được Đông Kinh phải kể đến hàng chục năm!
Không bao giờ Nimitz ủng hộ hoàn toàn cuộc đổ bộ lên Tân-Géorie, cũng như cuộc tiến quân của Mac Arthur dọc theo xương sống của Tân-Géorie. Chính ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh do sự khẩn nài của ông Tướng, đã ra lệnh mở hai cuộc hành quân đó. Nhưng kết quả đáng chán của những bước nhảy bọ chét này đã cung cấp cho ông một bằng cớ tốt đẹp để lại lôi ra khỏi chồng hồ sơ một dự án mà ông ấp ủ từ lâu.
Tại sao lại để cho bị kiệt sức như thế bằng cách nhảy từ đảo này sang đảo kia trên một đoạn phòng tuyến được phòng thủ quá mạnh? Nhảy những bước bất ngờ trên một khoảng cách lớn hơn bằng cách chồm lên trên các đảo khó chiếm để đặt chân lên các đảo khác được phòng thủ yếu hơn, há chẳng phải là hay hơn sao? Với các phương tiện vật liệu đã bắt đầu được đưa đến, rất có thể cô lập hóa các trung tâm đề kháng rồi để mặc cho chúng tự tan rã mai một. Nguyên tắc này trái với giáo điều quân sự chính thống đến nỗi đã bị Ủy bản tham mưu hỗn hợp đồng minh nêu lên các sự chống đối kịch liệt.
Nimitz là một tay làm chính trị tế nhị, thay vì trở lại đòi hỏi, ông tổ chức một cuộc hành quân nhỏ trên một chiến trường phụ thuộc để làm cách nào có thể chứng tỏ quan điểm của ông là đúng.
Vào tháng 5 năm 1943, trong lúc Hasley vất vả chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Tân-Géorgie, Nimitz tập họp một lực lượng đặc nhiệm hùng mạnh - ít ra cũng là trên giấy tờ - gồm có ba thiết giáp hạm sống sót tại Trân Châu Cảng mà không ai biết sử dụng làm gì, và một lực lượng chuyển vận đổ bộ nhỏ chở hai Trung đoàn để tái chiếm hai đảo Attu và Kiska thuộc quần đảo Aléoutienns bị quân Nhật chiếm đóng từ trận chiến Midway. Thời tiết xấu liên miên và những khó khăn trong việc tiếp tế đã ngăn cản quân Nhật khai thác lợi điểm và sau cùng họ phải tập họp tất cả lực lượng của hai đạo quân trú phòng lên đảo Kiska, đảo gần căn cứ Dutch Harbor của Mỹ nhất.
Cơ hội rất tốt đẹp để toan tính một bước nhảy ếch lên đảo Attu bằng cách “by passant” đảo Kiska (Do dach từ Anh “by-pass” có nghĩa là qua mặt để cô lập hóa). Kinh nghiệm có tính cách rất xác minh. Đội quân trú phòng bị cô lập hóa phải bỏ cuộc sau hai tháng.
Vững tâm với thành công này, Nimitz làm cho ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh chấp thuận một bước nhảy ếch tương tự qua đảo Kolombangara, nơi các đạo quân trú phòng vừa được tăng cường các tay kiếm rùng rợn của Sazaki và được phi cơ tại căn cứ Vila che chở, sẵn sàng cầm cự một cuộc bao vây bất tuyệt.
Ngày 15 tháng 8 năm 1943, trong khi đôi bên đang đánh nhau tại Tân- Géorgie, một lực lượng chuyển vận đổ bộ do Đo đốc Wilkinson chỉ huy đã bất thình lình đổ lên bờ đảo Vella Lavella 6.000 bộ binh và 8.000 tấn quân dụng. Chừng 500 quân trú phòng Nhật Bản phải rút lui vào trong một cánh rừng già và bị bỏ mặc cho số phận tù hãm trong đó. Sau nhiều cố gắng vô vọng để tiếp tế cho họ, tướng Hyakutaké đành phải cho mười chiếc khu trục hạm và vài khinh tốc đỉnh đến tìm và di tản họ. Các tuần dương hạm Mỹ có nhiệm vụ phong toả, đảo đã cố gắng can thiệp. Rủi cho chúng. Nhờ ưu thế các thủy lôi mới, quân Nhật đánh chìm ba tuần dương hạm Mỹ và chỉ bị tổn thất một. Nhưng kết quả thì đã đạt được. Quân Nhật chỉ hồi hương được phần còn lại của một đạo quân trú phòng đói khát.
Lần này Nimitz đã chứng tỏ là chính sách nhảy ếch được trả giá. Kolombangara như thế là bị qua mặt và bị cô lập hóa và phần Wilkinson, lực lượng chuyển vận đổ bộ được tăng cường thêm nhiều chiến hạm, sẵn sàng toan tính một bước nhảy khác.
Sự chọn lựa mục tiêu kế tiếp đã gây ra nhiều cuộc tranh luận phũ phàng. Nimitz thì bằng bất cứ giá nào cũng không muốn tấn công một hòn đảo được quân Nhật bố phòng vững chắc. Thế mà chung quanh Rabaul, hòn đảo nào cũng được bố phòng vững chắc cả. Các đảo Shortland, Bougainville, Tân Bretagne và Tân Irlande, đều là các pháo đài kiên cố không thể bị chiếm được, lại do một không lực hùng mạnh che chở với vô số phi trường trong tay. Đô đốc Koga, kế vị Yamamoto, luôn luôn theo sát các huấn thị của vị tiền nhiệm sáng chói của ông, và quyết tâm sẵn sàng khai thác bất cứ một vụng về nhỏ bé nào của các Đô đốc Mỹ chủ lực của hạm đội mẫu hạm của ông đang rình rập trong các căn cứ lớn tại Truk hoặc tại Ponape và, trong những ngày cuối thu 1943 ấy, các mẫu hạm mới của Mỹ đang còn được chạy thử tại San Diego hay tại Trân Châu Cảng. Mạo hiểm đưa hai mẫu hạm già nua Enterprise và Saratoga vào các hải phận bị canh phòng chặt chẽ giống như vùng biển Corail (San hô) hay là biển Bismarck, thì đúng là đưa mồi cho đối phương.
Trong khi Mac Arthur thì nóng nảy cuống cuồng. Giờ đây dưới quyền ông đã có cả một quân đoàn không lực: Quân đoàn V mới được thành lập do một tướng lĩnh sáng chói chỉ huy, Tướng Kenney. Chính bản thân ông cũng đã rút ra các bài học hữu ích về những sai lầm đã phạm phải tại Phi Luật Tân, và giờ đây ông là người biết cách vận dụng các đơn vị không quân hơn phần đông tướng lĩnh Mỹ. Lực lượng đổ bộ thứ VII của ông do Đề đốc Barbey chỉ huy rất thiện chiến trong các cuộc hành quân đổ bộ. Ông ước tính là có thể thanh toán Lae và Salamaua rồi đuổi lực lượng Nhật ra khỏi bán đảo Huon để từ đó nhảy lên Tân-Bretagne. Ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh cho ông toàn quyền với trừ lệ duy nhất là ông không được đòi hỏi bất cứ hợp tác nào của hạm đội Halsey và phải bằng lòng với hải đoàn Anh-Mỹ vẫn do Đô đốc Crutchley chỉ huy.
Các cuộc hành quân tại Tân-Guinée đã phát động ngay từ đầu tháng 9 năm 1943. Kenney oanh tạc các phi trường Nhật hữu hiệu đến nỗi ông có thể thực hiện một cuộc hành quân không vận ngày 5 tháng 9 trên phi trường Nizab, phía bắc Salamaua, sự chiếm đóng phi trường này đảm bảo cho ông quyền làm chủ tuyệt đối không phận bên trên hai cứ điểm bị bao vây. Quân Úc đổ bộ gần Lae và chiếm đóng các vị trí của Nhật một cách sáng chói và đến lượt Salamaua thất thủ ngày 16 tháng 9. Ngày 2 tháng mười, bán đảo Huon được giải phóng ngoại trừ một ốc đảo còn kháng cự hải cảng Finschafen, đối diện với Tân-Bretagne. Sau những trận đánh trì hoãn cực kỳ dữ dội với quân Nhật đành phải di tản khỏi cứ điểm và quân của Mac Arthur tiến vào đấy ngày 20 tháng 10 năm 1943. Phần đầu của chiến dịch đánh Rabaul đã chấm dứt, và phương cách sáng chói được áp dụng trong đoạn cuối, đã làm cho uy tín của Mac Arthur được nâng cao gấp bội, khiến cho ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng mình đã chấp thuận một mưu toan đổ bộ lên Bougainville để khắp chặt mũi thứ hai của gọng kìm.
Kế hoạch hành quân này đã bị sửa đổi nhiều lần vì Nimitz không chịu thi hành ngay. Sau nhiều cuộc trao đổi quan điểm chua cay với Mac Arthur, ông bằng lòng giới hạn vào một cuộc đổ bộ lên phần chính giữa của hòn đảo to lớn ấy, tại vịnh Nữ hoàng Augusta, và vào sự thiết lập một vòng đai chu vi phòng thủ vài cây số giữa núi và biển. Vì vòng đai này nằm cách đều Buka và Buin, là hai cứ điểm tập trung lực lượng của Nhật, nên các tác giả của kế hoạch ước tính rằng địch quân phải mất ba tháng mới vượt qua được các cánh rừng già che chở chung quanh khu vực phòng thủ. Thời hạn này có thể giúp quân Mỹ xây dựng một phi trường và thiết lập các công sự phòng thủ kiên cố.
Kế hoạch này được thi hành không mấy khó khăn vào tháng 11 năm 1943. Đô đốc Wilkinson, kế vị Turner, người đã thành công rực rỡ tại Vella Lavella, đã chứng tỏ còn khéo léo hơn người tiền nhiệm của ông nhiều, trong việc điều động các đoàn tàu chuyển vận đổ bộ lớn lao, riêng phần tướng chỉ huy đoàn Thủy quân lục chiến thì bị ngã chết vài ngày trước ngày J, khiến cho chính Vandegrift, mới được thăng Trung tướng ít lâu, đã được triệu dụng đến thay thế. Với một cấp chỉ huy khí phách như thế, thành quả đã được đảm bảo rồi. Vài giàn đại pháo phòng duyên chế ngự vịnh Nữ hoàng Augusta bị các cuộc oanh tạc làm câm họng và bị chiếm giữ bằng lưỡi lê bởi một toán cảm tử Thủy quân lục chiến. Bình minh ngày 1 tháng 11, hạm đội của Wilkinson đổ bộ lên bờ 14.00 quân và 6.200 tấn quân dụng. Mười hai hải vận hạm đưa quân đến đã có thể nhổ neo ngay đêm đó mặc dầu có hai cuộc oanh tạc của Nhật. Các oanh tạc cơ Nhật bị khu trục cơ Corsair Mỹ từ phi trường Munda đẩy lùi, nhờ một phương pháp hành quân hoàn toàn mới: sự hướng dẫn khu trục cơ bằng rađa và vô tuyến điện thoại do một bộ chỉ huy đặt bản doanh trên một khu trục hạm điều khiển.
Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 11 năm 1943, một hải lực của Nhật gồm bốn tuần dương hạm và sau khu trục hạm do Đề đốc Omori chỉ huy đến tấn công lực lượng đặc nhiệm của Đề đốc Merril đang che chờ cho đầu cầu đổ bộ cách vịnh 15 cây số ngoài khơi. Cuộc dạ chiến này đem ưu thế về cho phía Mỹ nhờ các rađa được bổ chính tuyệt vời khám phá kịp thời đoàn chiến thuyền địch đang lao đến. Mặc dầu Merril không đưa được lợi thế về số lượng nhưng ông cũng đánh chìm được một tuần dương và một khu trục hạm của Nhật mà không mất một chiến hạm nào. Đề đốc Omori hy vọng tái lập chiến công của Mikawa tại đảo Savo, phải chịu kết quả ngược lại. Đến sáng ông rút lui với ảo tưởng là đã giáng cho quân Mỹ những tổn thất nặng nề trong lúc thật ra quân Mỹ chỉ có ba chiến hạm bị hư hại nhẹ.
Thời gian đã thay đổi và Halsey, được khích lệ nhờ chiến công đầu tiên này, liền mạo hiểm đưa hai trong các mẫu hạm của ông đến oanh tạc Rabaul. Thật vậy ông vừa nhận được chiếc Princetown, một mẫu hạm nhẹ 12.000 tấn được trang bị những thiết trí hướng dẫn phi cơ kiểu tối tân nhất sẽ giúp tăng cường sự che chở cho mẫu hạm Saratoga cũ kỹ. Cuộc oanh tạc hải cảng Rabaul do hai mẫu hạm này thực hiện ngày 5 tháng 11 năm 1943 đã làm hư hại các tuần dương hạm của Koga nặng nề đến nỗi ông phải cho rút lui tất cả về Truk và không bao giờ còn dám mạo hiểm đưa chúng đến hải phận Bougainville. Nhưng phản ứng của không quân thì rất ác liệt khiến Nimitz phải cho tiếp cứu thuộc viên của mình. Mặc dầu đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác, ông cũng phải cho tách khỏi Trân Châu Cảng nơi đang tổ chức công cuộc huấn luyện, hai hàng không mẫu hạm mới trọng tải 30.000 tấn. Essex và Banker Hill và mẫu hạm nhẹ Independence để tấn công từ phía đông, phi trường Rabaul. Cuộc phản công của không quân Nhật mặc dầu rất mạnh mẽ nhưng đã bị cương quyết đẩy lùi và trong dịp này Koga tổn thất 50 phi cơ của hải quân và các phi công bất khả thay thế mà vẫn không đánh trúng được các mẫu hạm của Mỹ.
Sự đột nhập của ba hàng không mẫu hạm mới thuộc quyền Nimitz đã gieo rắc bối rối bên phe Nhật Bản. Kế hoạch đầy tham vọng của Yamamonton nhằm lôi kéo, hải lực yếu ớt của Mỹ đến khá gần Rabaul để hủy diệt trong một trận đánh quyết định, nay không còn một cơ may thành công nào nữa. Với ba mẫu hạm tăng cường thêm và một ưu thế không quân ngày càng được xác nhận, quân Mỹ đã lấy lại thế chủ động. Giờ đây chính họ mới có lợi nếu một cuộc đụng độ toàn diện xảy ra. Vị Đô đốc thận trọng Koga lùi bước trước viễn cảnh này và quyết định không gửi tăng viện cho Rabaul lẫn Bougainville nữa. Ông rút lui chủ lực của các hạm đội về Palua và về Truk nằm ngoài tầm các phi trường vừa mới được quân Mỹ xây dựng.
Một lý do khác đã bắt buộc phải áp dụng biện pháp này: xăng và dầu máy bay bắt đầu thiếu hụt. Cho đến lúc đó tiềm thủy đỉnh Mỹ vốn nổi bật vì sự vắng mặt trên các trục hải hành chính yếu giữa Nhật và thuộc địa Hòa Lan, đột nhien bắt đầu hành động. Nhiều tàu dầu bị đánh đắm và những tổn thất ấy đã kéo theo một sự xáo trộn trầm trọng trong việc tiếp dầu cặn cho hạm đội và xăng cho phi cơ. Trong thời chiến tuy sự tổn thất vài chiếc tàu dầu là sự kiện tầm thường và có thể tiên liệu được, nhưng với niềm tin mù quáng vào một chiến thắng mau lẹ, người Nhật chẳng làm gì để đối phó với viễn ảnh này. Thay vì xây dựng lại các nhà máy lọc dầu của Hòa Lan và của Anh tại Bornéo và tại Java, họ lại chỉ lo mang dầu thô về Nhật và gửi các chế phẩm trở lại cho các căn cứ trên Thái Bình Dương để thỏa mãn nhu cầu của các đơn vị. Phương thức này không những chỉ làm giảm một phần ba hiệu suất tiếp tế dầu, mà còn gia tăng gấp đôi sự phô bày các tàu dầu cho các cuộc tấn công của tiềm thủy đỉnh Mỹ.
Ta có quyền ngạc nhiên tự hỏi, tại sao người Mỹ phải mất đến cả hai năm trời mới ý thức được điểm yếu đó của đối phương và không khởi động sớm hơn một cuộc tấn công qui mô bằng tiềm thủy đỉnh vốn có thể làm cho Nhật bị mắc nghẽn. Sự kiện lại càng đáng ngạc nhiên hơn nữa vì các thương thuyền của Mỹ vừa chịu đựng các cuộc càn quét của tiềm thủy đỉnh Đức trên Đại Tây Dương. Trong lúc 20 tàu ngầm của hạm đội Thái Bình Dương chỉ đánh chìm được có 350.000 tấn thương thuyền Nhật, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1942, thì chừng 20 U-boote của Đô đốc Doenitz đã gửi xuống đáy biển trong cùng thời gian đó, ba triệu tấn thuyền bè Mỹ. Quả không cần làm gì hơn để cho nỗ lực chiến tranh của Nhật vốn hoàn toàn lệ thuộc vào sự vận chuyển trên mặt biển bị tiêu diệt.
Thay vì rút ra từ những con số ấy các kết luận áp đảo, Bộ Tư lệnh Mỹ, vì bị ám ảnh bởi sức mạnh của hạm đội liên hợp Nhật còn nguyên vẹn với hai thiết giáp hạm 70.000 tấn, chín mẫu hạm và bốn mươi tuần dương hạm của nó, nên đã phân phối các tàu ngầm của mình cho nhiều hải đoàn khác nhau để thực hiện sứ mạng yểm trợ chúng. Sự phân tán này đã gây ra quá nhiều hậu quả đáng giận. Luôn luôn bị sử dụng trong các công tác phụ đới, các hạm trưởng tàu ngầm không được thi thố nghề nghiệp thật sự của mình. Hơn nữa, thủy lôi của họ cũng cho thấy là hoàn toàn vô hiệu; hoặc giả là chạy lạc lối hoặc giả là bị tịt ngòi không nổ. Sự đối chiếu kết quả trở nên khá khó khăn vì khoảng cách xa giữa các đơn vị và căn cứ mẹ của chúng tại Mare Island (San Francisco) không có nỗ lực nào được thực hiện để điều chỉnh các quái tượng này. Vô số báo cáo đã được chuyển trình nhưng chỉ nhận được các câu trả lời diên kỳ. Phải đợi đến khi xảy ra chứng nghiệm kỳ dị của tiềm thủy đỉnh Tinosa thì các giới chức hữu quyền tại Hoa Thịnh Đốn mới xúc động: sau khi phóng hai thủy lôi làm hư hại một tàu dầu lớn của Nhật, tiềm thủy đỉnh Tinosa đã cố sức thanh toán nó bằng cách phóng thêm mười một thủy lôi nữa, nhưng vô ích, cả mười một quả đạn đều trúng địch nhưng không một quả nào nổ. Viên hạm trưởng đáng thương của chiếc Tinosa chắc phải là người bình tĩnh ghê gớm mới cho giữ lại quả thủy lôi thứ 14 và quả cuối cùng để gửi về Mare Island xin tháo mở ra xem xét... Lần này đã có lệnh mở cuộc điều tra, nhiều sự trừng phạt đã được áp dụng và vài tháng sau, hai kiểu thủy lôi tuyệt diệu mới đã hoàn thành bởi công binh xưởng tại Mare Island. Chúng được gửi đến khu vực nam Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 1943 và lập tức con số trọng tấn tàu Nhật bị đánh chìm hàng tháng đã từ 100.000 vượt lên 200.000 tấn!
Nhưng ngọn lửa bùng lên không được bao lâu. Các cuộc hành quân đại qui mô do Đô đốc Nimitz chuẩn bị tại khu vực trung ương Thái Bình Dương sắp đưa về chiến trường này gần như tất cả hải lực của Mỹ và bắt buộc các tiềm thủy đỉnh phải rời bỏ khu vực săn mồ trên biển Nam Hải để đảm trách lại vai trò con chó chăn cừu, nhằm bảo vệ cho các lực lượng hải quân chạy trên mặt biển. Vả chăng, chúng sẽ được hào quang chiến thắng bao phủ nhân các trận đại chiến trên biển Phi Luật Tân.