(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Hỏa thiêu Đông Kinh

    
hưng khi các chi tiết thi hành đang được chuẩn bị, một biến cố xuất hiện đột ngột đã làm thay đổi hoàn toàn không khí cho đến lúc đó tương đối yên tĩnh cho các hội nghị tại Tổng hành dinh Thiên hoàng. Ngày 9 tháng 3 năm 1943, một vụ hỏa hoạn bề ngoài có vẻ là do tai nạn đã được loan báo giữa đêm khuya tại khu vực trung ương Đông Kinh, một pháo đài bay B-29 lợi dụng cơ hội đó đã hạ xuống thấp bằng cách ẩn mình trong đám khói. Đến 23 giờ 30, chiếc oanh tạc cơ này bị trông thấy và cao xạ D.C.A bắt đầu hoạt động, nhờ thế toàn thể thành phố lâm vào tình thế bị xác định với những tiêu mốc chính xác. Vài phút sau, các giàn rada báo hiệu cả một đoàn phi cơ vĩ đại đang tiến đến gần, và những trái bom đầu tiên bắt đầu rơi xuống Đông Kinh. Dân chúng ở khu vực công nhân Koto, một khu vực dường như bị đặc biệt nhắm đến, nghe những tiếng nổ chát tai rất khác lạ với tiếng động sắt ngọt của loại bom nổ, và cũng không có những ánh chớp rung chuyển soi sáng bầu trời đột ngột làm hiện ra những mái nhà kiểu Trung Hoa. Không có gì đáng lo lắm, chung qui các quả bom ấy... ít ra cũng rơi cách xa.
Nhưng nửa giờ sau cuộc biểu diễn kỳ lạ đó, một ánh lửa đỏ rực bắt đầu bốc cao lên trên khu vực Koto. Bom vẫn tiếp tục rơi, ánh lửa lan rộng và dần dần đạt đến một cường độ quáng mắt. Cả khu ngoại ô đồng loạt bị hỏa thiêu dưới hiệu quả của loại bom đốt cháy có hiệu lực ghê gớm (Đây là một loại bom Napalm trứ danh mà một trong các phụ tá của Tướng Le May, thiếu tá Powers, sau khi thấy hiệu quả tại Tainan, đã thuyết phục cấp chỉ huy của mình sử dụng trên các thành phố Nhật - Nay là Trung tướng Powers là Tư lệnh lực lượng không quân chiến lược của Hoa Kỳ). Cho đến 3 giờ 30 sáng, các pháo đài bay B-29 liên tiếp bay đến trên thủ đô Nhật Bản với một cao độ mà cao xạ D.C.A. không làm phiền được. Những người dân đáng thương ở các khu vực ngoại ô lập tức thấy bị ngọn lửa bao vây, liền chạy ùa ra tứ phía hy vọng thoát khỏi sức nóng của lò lửa. Nhưng dường như gió vẫn luôn luôn quay cuồng, và luôn luôn hạ ngọn lửa úp chụp lên những kẻ chạy trốn đang chạy tháo lui để rồi đụng phải một biển người khác.
Mặt trời lên cao chiếu sáng một quang cảnh rùng rợn. Những người ốm yếu, bệnh hoạn, già cả, trẻ con bị ngã trước tiên và bị dẫm chết. Những kẻ mạnh nhất chạy đến được bờ sông, kiệt sức nằm sõng sượt bên bờ, “như những con cá trong một cái hồ cạn nước”. Ngọn lửa đã kéo theo một mức độ hấp thụ dưỡng khí đến nỗi không khí dưới mặt đất không thở nổi. Hiện tượng chết ngạt ấy cũng lan tràn trong nhà dân chúng, trong các giao thông hào và hầm trú ẩn. Một khi đã bị hạn chế, ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy trong bốn ngày. Sau đó, những người sống sót còn mạnh khỏe hiếm hoi tiến vào đống đổ nát để tìm thân nhân hay của cải. Rồi các toán hướng đạo sinh đổ đến để tôi ra hàng núi xác chết ít nhiều bị cháy thành than tràn ngập cả đường phố. Xác chết được kéo bằng móc cho đến các xe vận tải để chuyên chở đến lò thiêu xác được ứng biến thiết lập.
Mặc dầu đã cho áp dụng các biện pháp đề phòng, nhưng cũng không thể nào giấu được bản kết toán hãi hùng với dân chúng tại các khu vực khác thuộc thủ đô. Hệ thống vận tải bị hỗn loạn, thực phẩm trở nên hiếm hoi, trên các đường phố tại Đông Kinh, nỗi kinh hoàng có thể đọc được trên khuôn mặt tất cả mọi người.
Tổng hành dinh Thiên hoàng khi nhận được các báo cáo phòng thủ thụ động đầu tiên (hơn 60.000 chết, 48.000 bị thương, hàng chục ngàn nhà cửa bị thiêu hủy) đã hiểu rằng loại bom lửa mới có thể giúp cho người Mỹ tận diệt dân Nhật trong các ngôi nhà bằng gỗ và bằng giấy của họ. Ngay khi Thủ tướng Nhật được báo tin, ông tiếp xúc với những nhà ngoại giao trung lập ngay lập tức để nhờ họ áp lực với các chính phủ đồng minh nhằm tiến tới thương thuyết hòa bình, nhưng ông cố ý không để cho họ tất cả các Tổng Bộ trưởng biết - đặc biệt là các Bộ trưởng lục quân và hải quân. Thật vậy nếu ý tưởng về một nền hòa bình “nhục nhã” không hề được thoáng qua trong trí óc các lãnh tụ quân sự, thì ý tưởng về một cuộc đầu hàng không điều kiện lại càng không thể nào được họ nghĩ đến. Vả chằn sự phẫn nộ do cái tang ngày 9 tháng 3 gây ra chỉ làm cho nhiệt tâm của họ được củng cố thêm. Giờ đây cuộc hành quân Ten-Go mang một âm vang sâu xa hơn: nó sẽ là một “cuộc xung phong Banzai” đầu tiên mà toàn dân sẽ lao vào để làm cho địch quân phải thất vọng vì kết quả của chiến thắng và bắt địch quân phải trả quá mắc cho chiến thắng ấy.
Các cuộc thảo luận cuối cùng tại Tổng hành di Thiên hoàng được khai diễn trong trạng thái tinh thần mới ấy. Một trong các câu hỏi đầu tiên được đặt ra là sự tham chiến của hạm đội: “Các chiến hạm sẽ làm gì trong lúc lục quân đang hy sinh trong các hang động tại Okinawa và các phi cơ Kamikaze đâm vỡ tan vào các mẫu hạm địch”.
Toyoda không dám trả lời: “Chúng tôi sẽ ở lại các hải cảng trong khi chờ đợi một cơ hội tốt đẹp hơn”. Các tướng lĩnh gặp cơ hội thuận tiện để nói với ông rằng chính vì sự chờ đợi cơ hội tốt nhất này mà xứ sở bị đẩy đến vực thẳm. Do đó ông đành đề nghị một cuộc hành quân đánh lạc hướng với những gì còn lại của hạm đội Ozawa để lôi kéo một phần hải lực của Mỹ đang tập trung chung quanh Okinawa. Giải pháp này dường như cũng không đủ đối với đa số các sĩ quan hiện diện, do đó đã có quyết định phái toàn diện hạm đội vào một cuộc xung phong tự sát để tiêu diệt tất cả chiến hạm Mỹ nào thoát khỏi tay phi cơ Kamikaze.
Một tuần lễ sau, những phi cơ thám sát hiếm hoi còn lại của Nhật còn bay trên hải phận báo hiệu thấy một hạm đội vĩ đại của địch bao phủ mặt biển đến ngút ngàn, đã rời Mariannes và dường như tiến về Okinawa. Cùng ngày hôm đó, quân Mỹ đã đặt đảo nào dưới một đợt oanh tạc và hải pháo nghiêm khắc vốn chỉ là sự khởi động của một cuộc hành quân tấn công.