(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Một năm với khởi điểm đen tối

    
àng rào Mã Lai
Kể từ 15 tháng 12 năm 1941, nhờ đi sớm hơn lịch trình, Yamamoto ra lệnh cho thuộc cấp phải hạn chế rủi ro. Hiệu quả bất ngờ, cho đến lúc đó, đã đóng vai trò lớn lao trong các chiến thắng, từ nay sẽ không còn nữa. Giờ đây, tất cả những gì còn lại của Hải và Không quân Đồng minh đã được tập trung về biển Java - một vùng biển khép kín, rải rác đá ngầm, và vùng biển cạn khó nhận biết, không thể nào đưa hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm vào đó. Các căn cứ xuất phát của Hải quân Nhật - Cam Ranh tại Đông Dương và Davao tại Mindanao thuộc Phi Luật Tân - đều nằm cách xa mục tiêu mới cũng gần cả ngàn cây số. Một hải trình mà các tàu đổ bộ phải chạy mất hai ngày như thế đòi hỏi một sự bảo vệ liên tục của không quân. Vậy thì tiên quyết là phải đảm bảo một chuỗi phi trường thiết lập trên các đảo gần với đường vận chuyển của các dương vận hạm ấy: đảo Bornéo lớn lao và các đảo Célèbes.
Ngày 16 tháng 12, một bộ phận nhỏ của Thủy quân lục chiến được đổ len Miri, trên đảo Sarawark thuộc Bồ Đào Nha, và chiếm đóng phi trường. Lập tức vài khu trục oanh tạc cơ của không đoàn 21 từ Sài Gòn đến đáp xuống đấy. Mười ngày sau, cùng một cuộc hành quân tương tự đã diễn tiến tai Kuching, về phía nam của xứ này. Sự chống cự của Bồ Đào Nha gần như là số không.
Tiên liệu một phản ứng mạnh hơn nơi người Anh và Hà Lan, cuộc xung phong vào các hải cảng chính phía Bắc và phía Đông các đảo lớn Bornéo và Célèbes được giao cho các đơn vị chuyên môn của hải quân đội - đặc biệt là đoàn quân đổ bộ Sasebo, đơn vị đầu tiên của lực lượng Hải quân xung kích. Các không đoàn 21 và 22 thuộc đại đoàn không quân 11, do Đô đốc Tsukahara chỉ huy - chính các không đoàn đã tiêu diệt các pháo đài bay của Brereton tại Clark Field - rời Đài Loan để đến Davao. Một đoàn hai mươi tám phi cơ chở ba trăm bốn mươi bốn binh sĩ nhảy dù, đến nhập đoàn với hai không đoàn ấy, và bình mình ngày 10 tháng 11 năm 1941, các đoàn công voa rời Davao hướng về Tarakan, hải cảng dầu lửa quan trọng nhất của đảo Bornéo, thuộc địa Hà Lan.
Đạo quân trú phòng Tarakan chỉ có 1.300 người, mà hai phần ba là các quân nhân trừ bị không hề được huấn luyện quân sự tí nào. Hiểu rằng chống trả vô ích, viên Tư lệnh Hà Lan khi thấy cả một khối vũ khí vĩ đại ấy tiến đến gần, liền quyết định đốt các giếng dầu. Đoàn công voa Nhật buông neo cách bờ biển mười hải lý, vì khói từ các đám cháy do gió mùa mang đi bao phủ mặt biển trong một làn sương mù. Họ phải đợi đến hôm sau mới đổ bộ, nhưng quân Nhật chiếm phi trường mà chẳng tốn một tí hơi sức nào, và vài giờ sau phi cơ của Tsukahara đáp xuống thong thả.
Cùng lúc đó, đơn vị đổ bộ Sasebo đến Menado phía cực bắc Célèbes và ba trăm ba mươi bốn binh sĩ nhảy dù được thả xa hơn một chút về phía Nam, gần phi trường Kema.
Đó là lần đầu tiên Nhật sử dụng đến quân dù, và ngọn gió mùa thổi mạnh làm phân tán các biệt kích quân, nhưng quân trú phòng Hà Lan lại còn yếu hơn quân ở Tarakan và cả hai phi trường bị chiếm đóng mà không có một cuộc chống cự nào. Vài oanh tạc cơ Đồng minh từ đảo Amboine kế cận đến thực hiện một hành động giống như tấn công, và bốn pháo dài bay - thuộc lực lượng không quân của Brereton còn sót lại - vốn được rút về Java, đã bay đến thả bom xuống đoàn tàu đổ bộ. Mức độ trông thấy rõ rất kém, phi hành đoàn không được huấn luyện kỹ, bom rơi cầu âu chẳng tạo được tác dụng nào.
Sau chiến thắng này, quân Nhật lại chịu nghỉ ngơi một thời gian. Tất cả các phi trường chiếm được liền được sửa sang lại và được bố phòng. Các dương vận hạm đi đi lại lại để mang quân đội đến và lực lượng hải quân lo tập họp để đánh trận cuối cùng.
Phó đô đốc Kondo, Tư lệnh hạm đội số 2, đến Davao với các thiết giáp hạm và tuần dương hạm của ông. Lực lượng xâm lăng được chia ra làm hai đoàn: đoàn đầu tiên (lực lượng đông bộ và trung tâm) đặt dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Takhoashi, đoàn thứ hai (lực lượng tây bộ) dưới quyền Phó đô đốc Ozawa. Mỗi đoàn lại được phân chia làm hải đội tương ứng với các mục tiêu phải đạt, với các dương vận hạm, hộ tống hạm và lực lượng che chở của Hải quân như Không quân. Để cho tất cả đều được chuẩn bị, hạm đội hàng không mẫu hạm của Đô đốc Nagumo được đặt dưới quyền của Đô đốc Kondo.
Trước khối khí giới khổng lồ và được tổ chức hoàn hảo hơn gấp bội, trước các đạo quân xung kích gan dạ nhờ các các chiến thắng liên tiếp ấy, phía Đồng minh có gì để chống đối lại? Vài tuần dương hạm và khu trục hạm của ba quốc gia khác nhau, chừng ba mươi tàu ngầm phân tán trong các quần đảo và hành động đơn độc, vài không lực trơ xương và chẳng có chiếc mẫu hạm nào.
Trong tình cảnh mạnh ai nấy lo sau các cuộc bại trận liên tiếp cả ở Mã Lai lẫn ở Phi Luật Tân, các ban tham mưu cũng không được tha cho. Sir Brooke Popham bị thay thế bởi Trung tướng lục quân Percival vốn đã phải vất vả mới đến được nhiệm sở là đảo Tân Gia Ba bị bao vây. Đô đốc Hart của Mỹ, người chỉ huy hạm đội các tuần dương hạm (vẫn được gọi một cách kiêu kỳ là Hạm đội Á châu) được đưa đến biển Java từ tháng 11 năm 1941, đã rời Corregidor trên một tàu ngầm ngày 25 tháng 12 để đến Batavia. Khi đến nơi, ông ngạc nhiên được biết rằng người ta đã bơm ông lên chức Tổng tư lệnh các lực lượng Hải quân Đồng minh tại biển Java. Ông lại trở thành phụ tá Hải quân cho tướng Wavell của Anh, Tư lệnh quân Anh tại Ấn, cho đến lúc đó, một quyết định tại tòa Bạch Ốc giữa Churchill và Rosevelt đã nâng ông này lên chức vụ ít ai thèm muốn lo Tổng tư lệnh ABDA - ký hiệu bí mật này vốn là chữ viết tắt chỉ định toàn diện các lực lượng Mỹ, Anh, Hà Lan và Úc rải rác trong các quần đảo tại Đông Nam Á.
Sự chỉ định Tư lệnh ABDA đã là đầu đề của các cuộc thảo luận gay go trong phạm vi Bộ tham mưu liên quân (Joint Chiefs Staff) bắt đầu được hoạt động tại Hoa Thịnh Đốn. Churchill, cố tranh đấu để cho tôt Mỹ lấy quyết định “Germany first”, đã không còn mấy hy vọng cứu vãn Tân Gia Ba khi thiệt mất chiếc Prince of Wales và chiếc Rupeles. Số phận của các thuộc địa Hà Lan tại Ấn thì chỉ làm ông lưu tâm có một nửa, và ông không nghĩ bắt một trong các tướng lĩnh của ông gánh vác thêm trách nhiệm về một tai họa mới. Phần Roosevelt thì chẳng có sẵn ai dưới tay. Đã có lúc ông nghĩ đến Mac Arthur, nhưng ông này lại cương quyết không chịu rời Corregidor, nơi ông đang chỉ huy công cuộc chống cự của quân đội Phi Luật Tân đang bị bao vây trên bán đảo Bataan.
Thấy cuộc thảo luận sắp đi đến chỗ bế tắc, Tổng thống Mỹ liền đưa ra tên Wavell như là một nhà quân sự có thể đem lại sự đồng tý nhất trí. Được vuốt ve vì sự đề cao vị cứu tinh của Ai Cập, rốt cuộc Churchill đã bằng lòng.
Hoàn toàn biết rõ tình hình thực tế, Wavell thấy liều thuốc vừa được cấp cho thật là đắng. “Người ta đã trao vào tay tôi không phải là một đứa con hoang mà là những đứa con song sinh!” ông tâm sự với một trong những người thân tín. Trong tư cách là Tư lệnh quân lực tại Ấn, ông thường đến Tân Gia Ba và từ lâu đã biết rõ tính cách tuyệt vọng của các trận đánh trì hoãn của quân Anh trên bán đảo Mã Lai.
Ngày 9 tháng 1 năm 1942, khi ông đến Batavia nhậm chức, 85.000 người thoát vây tại Mã Lai, gần như đã rút hết về đảo Tân Gia Ba nhỏ bé, sẵn sàng chống lại quân địch trong một cuộc chống cự khốc liệt. Không thể nào còn có vấn đề bắt một đơn vị nào quay trở lại để phòng ngự hàng rào ngăn chặn Mã Lai nữa. Riêng phần các đơn vị mà Luân Đôn đã trích ra từ lực lượng đóng tại Ai Cập trong thời kỳ còn hy vọng cứu vãn bán đảo, thì cũng đã bị chặn lại tại Colombo vì mối đe dọa của Nhật tại Miến Điện. Do đó ông chỉ còn có các đạo quân trú phòng yếu ớt của Hà Lan trên đảo Sumatra và Java (chừng 25.000 người) và vài Tiểu đoàn Anh hoặc Ấn đã thoát ra được khỏi Bornéo. Một nhúm quân nhân đó rõ rệt là không thể nào đẩy lui được một cuộc tấn công của Nhật Bản. Giải pháp duy nhất đối với ông là trì hoãn cuộc tấn công này lâu chừng nào hay chừng đó để cho quân Mỹ từ Úc có thể đến tăng viện được. Để đạt được mục tiêu trì hoãn này, ông có trong tay các lực lượng hải quân và không quân, mặc dầu ít hơn và phân tán hơn, nhưng cũng rất đáng kể.
Tại Batavia, ông thấy một quang cảnh rối loạn không thể tưởng tượng. Cuộc tản cư của thường dân và lính đào ngũ từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Bornéo và Célèbes đã bắt đầu. Hải cảng chật ních tàu bè mà nơi đến thì lại ở trong tay địch. Nhà chức trách Hà Lan làm việc không xuể. Mỗi người đều lo thủ thân và từ chối tuân lệnh với lý do “chờ chỉ thị của chính phủ mình”. Do vậy, công việc đầu tiên của ông là tái lập trật tự và tổ chức một Bộ tham mưu hỗn hợp Đồng minh.
Giao quyền chỉ huy các lực lượng bộ chiến cho tướng Hà Lan Ian Der Poorten, ông đặt không lực dưới quyền chỉ huy của tướng Mỹ Brereton. Sự chọn lựa này cũng chẳng thích hợp gì. Brereton là một chuyên viên ngành oanh tạc chiến lược chưa bao giờ chỉ huy - ở nơi nào khác ngoại trừ Manille - các đại đơn vị không quân. Hơn nữa, các pháo đài bay của ông đến Java mà không có nhân viên dưới đất, không có phụ tùng thay thế gần như hoàn toàn vô dụng. Mối ưu tư lớn lao nhất của ông là đưa chúng ra khỏi tình trạng tệ hại này càng sớm càng hay. Wavell mau lẹ ý thức được rằng Brereton chẳng có ích lợi gì cho ông cả. Ông liền quyết định cho rút về các phi trường tại Palem - bang phía nam Sumatra, các phi đoàn săn giặc và oanh tạc tại Tân Gia Ba vì bị phô bày quá lộ liễu ở đấy, và giao cho một Phó thống chế không quân Hoàng gia RFA. Sau đó ông nới rộng quyền chỉ huy này đến các không lực Hà Lan và các phi đoàn săn giặc Mỹ bắt đầu được phái từ Úc đến.
Riêng phần hải lực Đồng minh thì một mệnh lệnh của Bộ tham mưu hỗn hợp Đồng minh đã giao cho Đô đốc Hart, lực lượng này đủ mạnh để ngăn chặn quân Nhật mở cuộc tấn công cấp thời. Hạm đội của Đô đốc Hà Lan Ian Doorman gồm có ba tuần dương hạm hạng nhẹ, chiếc De Ruyter, chiếc Java và chiếc Tromp, hạm đội của Đô đốc Mỹ Glassford có một tuần dương hạm nặng, chiếc Houston, hai tuần dương hạm nhẹ Boise và Marblehead, và hạm đội của Phó đô đốc Anh Collins (cựu Hạm đội China fleet) còn gồm tuần dương hạm nặng Exeter, tuần dương hạm nhẹ Perth và một đám các chiến hạm nhỏ già nua của Anh hay của Úc. Cùng với bảy chiến hạm chính yếu ấy còn có thêm bảy khu trục hạm Hà Lan, chín Mỹ, bốn Anh, cũng như một hạm đội tàu ngầm 38 đơn vị (13 Hà Lan, 25 Mỹ).
Về phương diện tổng quát, hải lực Đồng minh như vậy có thể so sánh được với lực lượng hải quân Nhật có ý định mạo hiểm đi vào biển Java, nhưng có điểm khác nhau là chúng không được thuần nhất, chia rẽ vì ngôn ngữ khác nhau, không có chủ thuyết chiến thuật và không có phương tiện báo hiệu chung.
Hơn nữa, ở cấp chỉ huy tối cao, còn lâu mới có đồng quan điểm. Đã chứng kiến các cuộc oanh tạc xuống căn cứ Cavite và Corregidor, Hart không còn có ảo tưởng gì về việc thắng trận. Ông chỉ có một ý tưởng là giữ cho các tuần dương hạm của ông hoạt động phía Đông Java để giúp chúng chạy trốn kịp thời về Úc châu. Collins, bị ám ảnh bởi sự phòng thủ Tân Gia Ba, chỉ quan tâm đến những gì xảy ra tại phía Tây. Riêng phần Phó đô đốc Hà Lan Ian Helfrich, Tư lệnh Hải quân Hà Lan, rất bực bội phải nhận sự lệ thuộc của người ta áp đặt lên ông. Ông ước tính một cách hữu lý rằng tốt hơn hết là đặt tất cả hải lực Đồng minh dưới quyền ông và sử dụng Bộ tham mưu của ông hơn là đặt ra một Bộ tham mưu mới vào phút chót. Trong tình cảnh trái nghịch nhau đó, Hart chấp nhận giải pháp đơn giản nhất: để cho các Tư lệnh hạm đội quyền có sáng kiến rộng rãi và chỉ can thiệp vào bằng cách ra lệnh cho Hải quân Mỹ mà thôi.
Chính ông là người được vinh dự nhờ một sứ mạng tấn công hữu hiệu đầu tiên đánh vào hạm đội tập trung của Nhật. Ngày 20 tháng giêng, được tin có một đoàn công voa lớn lao đang bỏ neo ngoài khơi Balikpapan, ông ra lệnh cho Đô đốc Glassford tiến đến tấn công. Chiếc Boise và chiếc Marblehead vừa đến Kupang, hải cảng chính của đảo Timor để được tiếp tế nhiên liệu sau kế hoạch hộ tống các đoàn công voa khởi hành từ Úc và trở về. Ngay khi được tiếp tế xong, Glassford nhổ neo cùng với hai tuần dương hạm và bốn khu trục hạm để đến trước mặt Balikpapan lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau nữa.
Ngay khi khởi hành, rủi ro đã xảy ra, chiếc Boise, mà Glassford dùng làm chiến hạm chỉ huy và dẫn đầu, đụng phải đá ngầm trong eo biển Sape. Một vết thủng quan trọng làm nước tuôn vào được phát giác, Đô đốc phải kéo cờ lệnh trên tuần dương hạm Marblehead và cho chiếc Boise trở lai Úc châu. Giây lát sau, chính chiếc Marblehead dừng lại vì hỏng máy. Sau khi sửa chữa tạm thời, chiếc tuần dương hạm lại tiếp tục chạy nhưng vì nó chỉ có thể chạy với tốc lực 15 gút, Glassford đành để cho các khu trục hạm vượt qua tiến về phía Balikpapan và cho chúng điểm hẹn để che chở chúng khi rút lui.
Bốn chiến hạm nhỏ này, được đặt dưới quyền chỉ huy sáng chói của Đại tá Paul Talbot, đến Balikpapan lúc 3 giờ sáng và thấy một đám dương vận hạm tập trung lớn lao của Nhật in bóng đằng sau ánh lửa của các chiếc giếng dầu đang bốc cháy. Trong hơn một giờ, các khu trục hạm len lỏi vào giữa đoàn tàu vừa chạy vừa bắn và phóng tất cả các thủy lôi. Bị bất ngờ, vì cuộc tấn công đột ngột, quân Nhật phản ứng chậm chạp và khi các khu trục hạm tập họp để giải cứu, chúng không còn thể nào đuổi kịp kẻ tấn công. Tất cả chiến hạm Mỹ trở về Sourabaya mà không bị trở ngại gì.
Đấy là chiến thắng đầu tiên của các chiến hạm Đồng minh kể từ khi khởi đầu chiến tranh và quân Mỹ hân hoan ca khúc khải hoàn, tuy nhiên những gì lẽ ra phải là một cuộc tàn sát, trong thực tế chỉ như một vết kim châm. Gần như tất cả các thủy lôi của Mỹ đều tác động tệ hại, chạy ngang qua bên dưới tàu địch rồi nổ thật chậm hoặc là tịt ngòi luôn. Tổn thất của Nhật giới hạn trong số bốn chiếc tàu chở hàng và một tàu hộ tống nhỏ. Các cuộc đổ bộ có chậm đi đôi chút, nhưng không gián đoạn.
Tuy vậy cuộc tấn công tại Balikpapan đem lại một kết quả may mắn: nó làm cho mũi tiến quân của Nhật quyết định lấy một điểm tựa khác tại Bandermasin, phía bị trì hoãn lại ít lâu, thật vậy Bộ Tư lệnh Nhật tây Bornéo, trước khi khởi cuộc tấn công.
Tháng giêng yên tĩnh trôi qua không bị cuộc báo động mới mẻ nào và, ngày 2 tháng 2, Hart muốn tái diễn cuộc tấn công với sự hậu thuẫn của Hải quân Hà Lan, vào Balikpapan mà lần trước đã gần đạt được thành công hoàn toàn. Một lực lượng hải quân đột kích được thành lập đặt dưới quyền chỉ huy Phó đô đốc Doorman với những chiếc De Ruyter, Tromp, Marblehead và Houston, ba khu trục hạm Hà Lan và bốn của Mỹ. Hải Lực nhổ neo tại Sourabaya trong đêm, nhưng đến sáng ngày 3 tháng 2, trong lúc lực lượng xung kích đang chạy theo hàng dọc cách phía bắc Bali 50 hải lý, thì một đoàn 80 oanh tạc cơ Nhật đột ngột hiện ra khỏi các đám mây và ném bom xuống đoàn chiến hạm Đồng minh. Ba tuần dương hạm bị trúng bom và Doorman phải cho lệnh quay lui để trở về Tjilatjap, trên bờ biển phía nam Java, hải cảng duy nhất nằm ngoài tầm oanh tạc cơ Nhật. Khi đến Tjilatjap, bảng kết toán những thiệt hại nặng nề: tuần dương hạm Marblehead bị hư nặng đến nỗi phải gửi về Mỹ, chiếc Houston bị sập tháp pháo phía sau và bộ phận điều khiển hướng bắn chống phi cơ bị hỏng. Chỉ có chiếc cuối cùng này là có thể được sửa chữa tại chỗ, tuy nhiên chiếc Houston vẫn cứ đuợc giữ lại vì sáu khẩu 203 ly còn bắn được.
Đấy không phải là tai biến độc nhất trong ngày, một thương thuyền chở súng phòng không của Mỹ trên đường đi đến Palembang bị đánh chìm ngoài khơi Sumatra và một Tiểu đoàn chuyên viên tác xạ phòng không bị mất tích trong một tai nạn xe lửa kinh hồn gần Batavia.
Vài ngày sau, cơ sở tình báo thuộc quyền thông báo cho Wavell một hải lực tập trung của Nhật đang được thành lập tại quần đảo Anambas. Tân Gia Ba đã bị vây hãm, đích đến của các chiến hạm này chỉ có thể là Sumatra vì nơi đây các mỏ dầu hỏa phong phú tạo thành mục tiêu chính yếu của địch. Ông ra lệnh ngay cho Doorman tập họp tất cả các chiến hạm có mặt tại phía tây Java và cho Brereton tung ra tất cả các oanh tạc cơ có sẵn trên quần đảo Anambas. Không có một pháo đài bay nào ở trong tình trạng bay được, do đó chính các oanh tạc cơ của không lực RFA vừa mới đến Palembang được giao cho sứ mạng này.
9 giờ tối ngày 11 tháng 2, chừng 20 chiếc Blênhim và Hudson nối đuôi nhau ở đầu phi đạo. Khi vài chiếc đầu tiên vừa cất cánh, một cơn giông nhiệt đới ào đến và mau lẹ biến thành cuồng phong dữ dội. Ba phi cơ rơi vỡ tan ở cuối phi đạo, chiếc thứ tư cất cánh được nhưng phải quay về và đáp xuống ngay. Chỉ có năm chiếc Hudson là bay đến được Anambas nhưng thời tiết quá xấu và hỏa lực phòng không quá dữ dội đến nỗi các phi công phải ném bom đại và quay về Palembang.
Sáng hôm sau, tin tức cho hay là đoàn tàu địch đã nhổ neo hướng về phía Nam. Cuộc xâm chiếm Sumatra bắt đầu.
Trong những ngày 12 và 13 tháng 2, một thời tiết dễ sợ vẫn tiếp tục che chở đoàn công voa Nhật tránh khỏi không lực RFA. Mặc dầu bị tấn công vài lần, toàn thể đoàn tàu đã đến được eo biển phân cách Palembang và đảo Banka. Bộ binh Anh và Hà Lan bị hải pháo từ các chiến hạm địch mau lẹ gây tán loạn và các xuồng đổ bộ bắt đầu đổ quân lên bãi biển. Bình minh ngày 14, ba trăm sáu mươi binh sĩ nhảy dù Nhật được thả xuống vùng lân cận phi trường chính của Palembang trong khi đó các khu trục cơ Nhật bắn phá vào các phi cơ - may thay không có là bao nhiêu - còn đậu dưới mặt đất. Sau những trận đánh rất dữ dội kéo dài suốt ngày, Tư lệnh các đơn vị quân đội Hà Lan quyết định tập trung lực lượng tại phi trường chính. Nhưng các phi cơ Nhật được tiếp tế ngay tại phi trường này lại cất cánh lập tức và bắn xối xả liên tục vào các đơn vị bộ binh Đồng minh. Sáng ngày 15 tháng 2, không còn vấn đề phản công nữa nhưng chỉ còn vấn đề là làm sao rút lui thật nhanh để đến được Java qua Ostaven và eo biển Sonde.
Trong khi các trận đánh trên đang diễn ra, Đô đốc Doorman theo lệnh của Hart, đã cho phân tán mỏng các chiến hạm phía nam Bali để đặt chúng ra ngoài tầm oanh tạc cơ địch và giờ đây đang tập họp chúng để đến tấn công các đoàn công voa Nhật tại Sumatra. Nhưng các chiến hạm này lại ở cách xa mục tiêu đến 800 hải lý.
Mãi đến tối ngày 14 tháng 2, những chiếc De Ruyter, Java, Tromp và Exeter được hộ tống bởi tuần dương hạm hạng nhẹ của Úc Hobart, bốn khu trục hạm Hà Lan và sáu của Mỹ, mới đến được eo biển Sonde.
Đoàn tàu vượt qua eo biển trong đêm tối mịt, khiến chiếc phóng ngư lôi hạm của Hà Lan Van Ghent, bị mưa lũ che khuất, đã đụng phải đá ngầm bị thiệt hại nặng nề. Bình minh hôm sau, đoàn tàu ra ngoài khơi đảo Banka, chạy vòng phía Bắc đảo này để đánh bọc hậu đoàn dương vận hạm Nhật đang buông neo trước Palembang.
Đến 8 giờ sáng ngày 15, do một khoảng trời sáng, đoàn tàu Đồng minh bị một phi cơ Nhật trông thấy. Một giờ sau, đợt phi cơ oanh tạc đầu tiên bay đến. Bay cao khỏi tầm đạn DCA của các chiến hạm, nhưng các oanh tạc cơ này cũng vẫn thả bom rất chính xác và hạm đội của Doorman đành bỏ cuộc tấn công. Nhờ các vận chuyển liên tục, các tuần dương hạm tránh được các đòn trực tiếp và chỉ phải chịu đựng vài quả bom nổ gần; nhưng cuộc báo động nóng bỏng biết bao!
Vào khoảng 6 giờ chiều, Doorman tập họp được hạm đội trở lại và chạy trở về eo biển. Hôm sau, hạm đội trở về buông neo tại Tjilatjap. Chiếc tuần dương hạm cũ kỹ Hobart và các chiến hạm tuần tiễu nhỏ của Anh có vẻ bị đe dọa quá nên được phép chạy về Colombo.
Chứng cứ cho thấy rằng, không được không quân che chở, hạm đội Đồng minh chỉ có thể hành quân ban đêm bằng cách áp dụng chiến thuật “Hit and run” (đánh và chạy).
Ngày 15 tháng 2 còn được đánh dấu bởi nhiều thảm họa khác. Tại Tân Gia Ba, quân Nhật chiếm được các hồ chứa nước ngọt. Dự trữ xăng cũng như đạn pháo binh đều cạn. Các tướng lĩnh chỉ huy ba điểm tựa, đang còn đánh nhau với địch, báo cho Percival rõ rằng mọi cuộc phản công đều bất khả và quân đội thiếu nước không thể nào chiến đấu hơn 24 giờ nữa. Toan tính rút lui về thành phố và tổ chức chiến đấu từ nhà này qua nhà kia đã có lúc được liệu đến nhưng số lượng người tị nạn Âu châu về bản xứ đông đến nỗi một quyết định như vậy chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc tàn sát không thể tưởng tượng được, Percival báo cáo cho Wavell rõ tình trạng bi thảm hiện tại của ông. Điều này là cả một đòn búa bổ kinh hồn đối với Wavell. Ông vẫn còn hy vọng Tân Gia Ba đứng vững vài tuần và ý tưởng về một đạo quân Anh với quân số quan trọng nhường ấy lại phải đầu hàng làm ông không thể chịu đựng nổi. Ông trả lời Percival bằng cách nhắc lại rằng mỗi giờ phút đứng vững có tầm quan trọng sống còn và phải chiến đấu “chừng nào có thể gây được thiệt hại cho địch quân”. Khi nhận được điện văn này những quân nhân đáng thương phòng vệ Tân Gia Ba phải nấp kín trong hâầm bị cơn khát và sốt hành hạ, rõ ràng là không còn khả năng gì gây tổn thất cho địch. Đến một giờ trưa, Percival gửi một đại diện đến gặp tướng Yamashita, ông này đòi hỏi phải đích thân Tư lệnh quân Anh đến gặp. Điều kiện đầu hàng thật khắc nghiệt. Chừng 80.000 quân Anh phải đầu hàng với tất cả quân cụ và các thường dân phải được đoàn ngũ hóa để tái lập công sở và các tư gia bị bom đạn phá hủy. Môộ vài cuộc hành quyết công khai và cuộc tàn sát các người bị thương đang nằm chật ních trong các bệnh viện đánh dấu bước khởi đầu của một chế độ chiếm đóng tàn nhẫn nhất trong chiến tranh.
Cùng ngày hôm đó, tuần dương hạm Houston của Mỹ cùng với ba khu trục hạm hộ tống rời hải cảng Darwin (Úc châu) để che chở cho hai dương vận hạm chở quân Úc lên đường đến Sourabaya. Bình minh hôm sau, đoàn tàu bị oanh tạc cơ tấn công và một phi cơ thám thính báo cáo cho Wavell biết có nhiều hàng không mẫu hạm ở phía bắc đảo Timor. Để tránh một thảm họa mới, ông ra lệnh cho Hart cho các dương vận hạm quay về Darwin và gọi chiếc Houston đến Tjilatjap. Tin tức do ABDA nhận được này hoàn toàn chính xác. Sáng ngày 19 tháng 2, trong khi các dương vận hạm vừa trở về Darwin, các mẫu hạm của Nagumo giáng cho hải cảng này một đợt tấn công tiêu hủy. Tất cả các cơ sở hải cảng và bến tàu đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác bị đánh chìm hay bị lật nghiêng. Mười khu trục cơ Mỹ trên đường bay đến Java bị hạ và 13 chiếc khác bị tiêu diệt trên mặt đất. Đến giữa trưa, các oanh tạc cơ của không đoàn 21 Nhật đến thay phiên cho phi cơ thuộc các hàng không mẫu hạm để hoàn tất công việc san bằng các cơ sở hải cảng Darwin thành bình địa. Đến tối ngày bi thảm đó, 11 chiến hạm Đồng minh bị mất, 25 phi cơ bị hủy diệt cũng như tất cả kho hàng tiếp tế dự trữ. Mục tiêu đầu quí giá Darwin vốn là trạm tiếp sức cho lực lượng tăng viện của Hoa Kỳ đến Java bị loại bỏ trong vòng nhiều tháng.
Song song với cuộc tấn công này, quân Nhật bắt đầu đổ bộ lên Bali. Helfrich ra lệnh cho Doorman vội vàng tập trung các tuần dương hạm lúc đó đang được phân tán mỏng, để tấn công lực lượng đổ bộ bằng mọi giá. Thấy rằng thời gian đã quá chậm trễ không thể tập họp chiến hạm trước khi tấn công, Doorman ấn định một điểm hẹn phía Tây Bali. Ông nhổ neo từ Tjilatjap với chiếc De Ruyter và chiếc Java trong khi đó chiếc Tromp còn ở trước Batavia mở hết tốc độ chạy về phía Đông. Java là chiến hạm đầu tiên thấy địch quân và khai hỏa lúc 10 giờ đêm vào các tàu chở quân địch. Trong cuộc đụng độ ngắn ngủi sau đó, một tàu phóng ngư lôi Hà Lan bị trúng một tạc đạn và bị chìm sau khi nồi súp-de nổ tung. Vì một chiếc khác bị mắc cạn trong eo biển Bali, lực lượng hộ tống của Doorman giảm thiểu còn hai khu trục hạm. Ông ra lệnh ngưừn chiến đấu chờ chiếc Tromp đến cùng với bôn khu trục hạm Mỹ. Nhưng hệ thống liên lạc vô tuyến quá xấu, không thể lập được liên lạc với nhau và chiếc Tromp với bôn khu trục hạm chạy trước, đến chiến trường lúc một giờ sáng mà không biết chuyện gì đã xảy ra. Các khu trục hạm Mỹ phóng tất cả thủy lôi mà không giảm tốc độ vào các chiếc bóng nổi bật trên khối bờ biển đen sậm. Không có quả nào nổ cả. Các khu trục hạm hộ tống của Nhật đuổi theo ngay và rơi vào chiếc Tromp vốn đang khai hỏa vào chúng và bị bắn chìm một chiếc. Thế rồi đến lượt nó cũng bị trúng đạn và một khu trục hạm Mỹ bị đánh chìm.
Đến 2 giờ 30 sáng, các tuần dương hạm của Doorman đến tiếp cứu nhưng một tuần dương hạm và nhiều khu trục hạm của Nhật đuổi kịp chiếc Tromp và tập trung hỏa lực vào nó, mức độ hư hỏng trầm trọng đến nỗi phải khó nhọc lắm nó mới thoát khỏi cuộc săn đuổi. Sợ bị phi cơ Nhật trông thấy khi trời sáng, Doorman chạy theo chiếc Tromp để che chở cho nó rút lui và cả hạm đội trở về đến Sourabaya lúc rạng đông.
Với sự chiếm giữ Bali, quân Nhật khóa chặt được cánh cửa đông phương của chiếc bẫy chuột.
Hart bị một vố nặng do sự thất bại của các tuần dương hạm dưới quyền. Ông chỉ còn lại năm chiếc - cùng với chiếc Houston đã bị hư hỏng nặng - là tượng trưng cho sự tham dự của Mỹ vào chiến cuộc. Tướng Brereton vốn đã cho di tản từng chiếc pháo đài bay quí giá về Colombom cũng đã tự rút về đó theo chiếc cuối cùng, nhường lại quyền Tư lệnh không lực của ABDA cho Phó thống chế không quân Anh Maltby. Hart quyết định theo gương ông ta và đề nghị quyền chỉ huy hải lực cho Đô đốc Helfrich là người trong thực tế đã hành xử quyền này trong mấy ngày qua. Hoa Thịnh Đốn chấp thuận, ông lấy phi cơ đi Úc và trở về Mỹ. Khi bước chân xuống phi trường ông trả lời các ký giả đến phỏng vấn: “Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi bị đánh tơi bời hoa lá”. Ông không được khen thưởng gì và hôm sau xin về hưu.
Ngày 20 tháng 2, Ủy ban tham mưu hỗn hợp tối cao Đồng minh báo cho Wavell biết rằng “Java phải được bảo vệ với sức mạnh cuối cùng vì tầm quan trọng của sự chiếm hữu và rằng ông có thể sử dụng tất cả phương tiện hải quân còn dùng được trên khu vực chiến trường thuộc chiến trường thuộc ABDA cũng như các phi cơ Mỹ được phái từ Úc đến”. Hôm sau ngày 21, cùng nguồn tin trên cho Wavell biết rằng trách nhiệm phòng thủ Miến Điện của ông được rút lại và tất cả tăng viện của Anh nay được chuyển đến chiến trường này. Một lát sau cùng ngày hôm ấy, một điện văn yêu cầu ông dời Bộ Tư lệnh “đến địa điểm nào và vào lúc nào thuận tiện cho ông nhất”.
Wavell trả lời các mệnh lệnh tráo trở này rằng Bộ Tư lệnh ABDA của ông không còn nữa, điều thích nghi nhất không phải là di chuyển nó mà giải tán nó. Ông thêm rằng công cuộc chống giữ Java sẽ được giao lại cho người Hà Lan và đề nghị giao quyền chỉ huy cho Thống đốc các thuộc địa Hà lan là Van Starkenborgh.
Đề nghị này được chấp thuận, ABDA bị giải tán lúc 9 giờ ngày 25 tháng 2 năm 1942 sau chín tuần lễ hiện diện. Hành động sau cùng của Wavell trước khi bỏ mặc người Hà Lan cho số phận đáng buồn của họ là ra lệnh cho hàng không mẫu hạm Langley của Mỹ và chiếc tàu chở hàng Seawitch đang tải các khu trục cơ đến Miến Điện, chuyển hướng tiến về Tjilatjap. Sau đó, ông lên chiếc vận tải cơ độc nhất có thể bay đến Colombo. Viên phi công chiếc máy bay này không có một ý tưởng nào về vị trí của Tích Lan và chỉ có được một bản đồ du lịch. Khi thấy trên bản đồ này địa điểm được chỉ định, anh ta tuyên bố rằng “mọi chuyện đều OK cả” và cất cánh mà không hỏi gì thêm. Chuyến bay thật sôi động, trong những rung chuyển do cuồng phong nhiệt đói gây ra, một đám cháy phát khởi trong hầm chứa hành lý nhưng phi hành đoàn dập tắt được. Như phép lạ, chiếc phi cơ đến được Colombo giữa đêm tối. Ông tướng bị kiệt sức vì những đêm thức trắng và những thử thách tinh thần phải chịu đựng, đã ngủ vùi trong suốt chuyến bay và chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cả...
Wavell ra đi chỉ để lại toàn là những người thắp đèn đường. Nếu việc ông ra đi có thể biện minh được thì sự kiện bỏ đi ấy sau không biết bao nhiêu người khác, đã không làm cho tinh thần của các chiến binh được nâng cao. Điều đó gây cho mọi người cái cảm nghĩ ghê rợn là “đàn chuột đã rời bỏ con tàu”... Tại Batavia, tại Bandoeng và tại Sourabaya những người tỵ nạn chạy đến với vợ con loan truyền các tin đồn kinh khủng. Phần đông họ từ Tân Gia Ba chạy đến. Tàu chở họ bị địch phóng thủy lôi dọc đường, nhiều ghe tàu khác bị gió mùa đánh lạc hướng, bị sóng lớn trên Ấn Độ Dương vùi dập. Người ta đọc được trong những cặp mắt thất thần của họ nỗi kinh hoàng mà họ đã chịu đựng. Nhiều người là binh sĩ đào ngũ trá hình kém cỏi dưới những bộ y phục lấy cắp được, những người còn lại, tả tơi trong những bộ quân phục phai màu. Đường phố ngổn ngang những đổ vỡ, chật ních xe cộ đủ loại. Mỗi giờ trôi qua không khí ẩm ướt của đại họa lại bị đè nặng dưới sức nóng ẩm của gió mùa.
Trong vùng biển khốn khổ ấy, chỉ có các cấp chỉ huy Hà Lan là còn giữ được bình tĩnh. Được giải thoát khỏi sự giám hộ giả tạo của ABDA vốn chỉ làm cho tình hình đáng buồn thêm trầm trọng, rốt cuộc họ thấy hoàn toàn được chủ động tại xứ mình và tự do tổ chức công cuộc phòng vệ hơn. Thuộc địa Hà Lan là xứ sở của họ. Vấn đề chủng tộc bị giảm thiểu rất nhiều nhờ các cuộc hôn nhân hỗn hợp, gần như không còn được đặt ra nữa. Dân bản xứ là những người được đồng hóa mạnh mẽ nhất vượt xa tất cả các thuộc địa của Âu châu tại Viễn Đông. Vậy thì ý chí kháng cự nay đã nhất trí. Nhưng phương tiện thì còn quá thiếu thốn, không đáng kể.
Tướng Der Porten Tư lệnh lục quân có trong tay chừng 25.000 người thuộc quân đội Hà Lan và chừng 10.000 dân quân Mã Lai, rất can đảm nhưng không có kinh nghiệm chiến đấu. Ông cho tập họp tất cả những binh sĩ không quân của các đơn vị đã ra đi hoặc bị tiêu diệt thành các đơn vị chiến đấu. Hai Trung đoàn DCA của Anh từ Sumatra đến, hai Tiểu đoàn Úc, nhiều chiến xa nhẹ và các giàn rada vừa được chở đến đã tăng cường thêm cho đạo binh thiếu đồng nhất mà ông đã kích thích được tinh thần nhờ nêu gương ngay giữa cảnh hỗn loạn toàn diện do các cuộc oanh tạc không ngừng gây ra.
Điểm yếu của hệ thống phòng thủ rõ ràng là tình trạng thê thảm của không quân, nhưng bầu trời luôn luôn đầy mây và những đêm tối mịt mùng có lẽ đã giúp bù trừ vào sự yếu kém đó. Hơn nữa Phó thống chế không quân Anh Maltby, người đã đưa từ Sumatra về nhiều phi đoàn, hiện đang phân phối chúng ra bốn phi trường trên đảo Java. Đó là một cấp chỉ huy ngoại hạng mà quyền uy sáng chói đã tạo nên nhiều phép lạ. Ông có ngày lập tức 35 oanh tạc cơ, 26 thám thính cơ và 25 khu trục cơ - lực lượng này đang chờ thêm các khu trục cơ do chiếc Langley và Seawitch sẽ mang đến vào ngày 27 hay 28 tháng 2.
Do đó, giờ đây là cả một cuộc chạy đua với thời gian mà sự thành công hoàn toàn dựa vào hoạt động của hải quân nhằm trì hoãn các cuộc đổ bộ của Nhật trong 2 tuần lễ cần thiết để quân tăng viện của Mỹ từ Úc có thể đến kịp. Helfrich cho tập họp về phía Đông Java tất cả các chiến hạm Đồng minh còn để lại cho ông và giao cho Đô đốc Doorman là người phần lớn đã từng dắt chúng tham dự các trận hải chiến. Hạm đội mới được thành lập như thế cũng khá mạnh: hai tuần dương hạm nặng (Houston và Exeter) có tổng cộng một giàn đại bác 12 khẩu 203 ly, ba tuần dương hạm nhẹ (De Ruyter, Java và Perth) tổng cộng 25 khẩu 150 ly, chín khu trục hạm (4 Mỹ, 3 Anh và 2 Hà Lan), không nói đến chừng 20 tàu ngầm rải rác trong quần đảo.
Phía bên kia chiến tuyến, say sưa chiến thắng vì đã chiếm đóng pháo đài được phòng vệ vững chắc nhất của Đồng minh một cách dễ dàng không ngờ, Bộ Tư lệnh Nhật không hề tưởng tượng rằng sẽ gặp một sự kháng cự mãnh liệt tại Java. Sau các cuộc oanh tạc mà chiến hạm Đồng minh phải chịu đựng trên biển cả cũng như trong hải cảng, giới chỉ huy Nhật đã ước tính rằng chúng đã bị đánh chìm hết, hoặc là bị hư hỏng nặng nề hết. Các phi công tấn công chúng đã trở về ca khúc khải hoàn. Cứ như lời họ thì vùng biển Java đã trở thành một “cái hồ của Nhật Bản”.
Kinh nghiệm quá mới mẻ. Chưa ai biết rằng các phi công oanh tạc đã ước lượng quá đáng hiệu quả của bom đến mức nào, trong cảnh lửa đạn mù mịt và khói do các vụ nổ gây ra và rằng thật khó cho họ biết bao nhiêu khi phân biệt giữa một trái bom “trúng đích” luôn luôn tàn phá kinh khủng và một quả bom “rơi gần” mục tiêu chỉ tạo ra vài hư hỏng nhẹ. Bằng cách giảm xuống một nửa thành tích của các phi công, Đô đốc Kondo tiến tới kết luận là chỉ còn lại hai tuần dương hạm và vài khu trục hạm của Đồng minh là còn sử dụng được. Do đó ông quyết định chiếm các đảo cuối cùng của hàng rào chặn Mã Lai mà không chờ đợi thêm và tung các đoàn công voa của ông về phía Java mà không cần một sự che chở nào khác hơn một nhóm tuần dương hạm như ông đã làm tại Célèbes, tại Bornéo và tai Timor.
Mối đe dọa của tàu ngầm có vẻ đáng sợ nhất đối với ông, vì thế một hải đội khu trục hạm được tăng cường cho đoàn công voa phía đông, đoàn tàu phải di chuyển một hải trình dài ngoài biển khơi. Ngoài ra, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự khéo léo của các hạm trưởng tuần dương hạm, vốn là những người rất thuần thục trong kỹ thuật dạ chiến, và các quân sĩ canh phòng trên cầu tàu, vốn được lựa chọn rất kỹ trong số những binh sĩ sống trong bóng tối và rình bóng đêm tinh nhuệ không khác gì mèo.
Để ngăn không cho tăng viện từ Colombo hay từ Úc đến, ông nhổ neo cùng hai thiết giáp hạm và bốn hàng không mẫu hạm của Nagumo đến dàn phía nam hàng rào chặn Mã Lai trong thời gian tiến hành cuộc đổ bộ.
Áp dụng các chỉ thị của ông, 56 tàu chở quân đổ bộ thuộc đoàn công voa phía tây được các tuần dương hạm của Phó đô đốc Ozawa che chở, ngày 25 tập họp trong eo biển Banka, từ đó, chúng chỉ có một lóng tay phải vượt qua là đến bờ biển Batavia kế cận và eo biển Sonde. 41 tàu đổ bộ thuộc đoàn công voa phía đông, một số từ Balikpapan đến, một số từ Bandjermasin đến, nhổ neo sáng sớm ngày 26 tháng 2 để đến các điểm tập hợp lựa chọn để đổ bộ chung quanh Sourabaya. Lực lượng hộ vệ đoàn công voa này mạnh hơn cả, gồm có hai tuần dương hạm nặng của Phó đô đốc Takeo Takagi - chiếc Nashi và chiếc Haguro - hai đoàn khu trục hạm mỗi đoàn do một tuần dương hạm nhẹ hướng dẫn và ba phi đội thủy phi cơ để đảm bảo che chở chống tàu ngầm cho đoàn công voa.
Ý tưởng điều quân của Phó đô đốc Takagi rất đơn giản: giữ cho tiểu hạm đôi của ông cách đoàn tàu đổ bộ hai dặm về phía trước, bằng cách sử dụng các khu trục hạm sao cho có thể ngăn chặn hải lực địch trong trường hợp lực lượng này có thể toan tính vượt thoát ra khỏi hải cảng.
Ngày 25 tháng 2, một số các phóng ngư lôi hạm đổ bộ lên đảo Bawean, nằm cách Sourabaya 100 cây số về phía bắc, một toán cảm tử Thủy quân lục chiến để thiết lập tại đấy một đài phát tin.
Nhờ một phi cơ thám thính báo cho biết cuộc điều quân này, Đô đốc Helfrich ra lệnh cho Doorman tập họp tất cả các tuần dương hạm và lập một hàng rào phía Bắc đảo Madoera kéo dài về phía Đông cho đến bờ phía Bắc của Java nơi che chở hải cảng Sourabaya. Vì không thấy một bóng chiến hạm nào của địch, toàn thể hạm đội trở về Sourabaya để tiếp tế nhiên liệu.
Tối ngày 26, Helfrich họp Đô đốc Doorman và tất cả các hạm trưởng để ra chỉ thị liên quan đến trận chiến quyết định không thể nào không xảy ra vào hôm sau. Một vài sự sắp xếp đơn giản được quyết định để tránh việc trao đổi tín hiệu càng nhiều càng hay. Các khu trục hạm thì vẫn được tập họp theo nhóm quốc gia, trong khi đó các tuần dương hạm thì xếp nối nhau theo hàng dọc trong thứ tự De Ruyter (soái hạm), Exeter, Houston, Perth và Java. Vì không được huấn luyện kỹ để bay đêm, người ta đã quyết định để các phi cơ thám thính của các tuần dương hạm lại đất liền để tránh các đám cháy vì xăng trong khi đang chiến đấu.
Helfrich chấm dứt hội nghị bằng cách tuyên bố rằng các thủy thủ đoàn Hà Lan nhất quyết chiến thắng hay là chết, và cám ơn các hạm trưởng Anh, Úc và Mỹ đã nhận lời theo hạm đội Hà Lan trong sứ mạng chủ yếu này. Ông nói thêm rằng giá trị mà họ đã chứng tỏ trong mấy tuần qua là một đảm bảo chắc chắn cho quyết tâm mà họ sẽ mang theo khi chiến đấu, rồi ông cáo biệt họ mà không hề giấu vẻ xúc động. Đô đốc Doorman và các hạm trưởng còn ở lại với nhau một lát trước khi chia tay. Họ sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau, vì tất cả, ngoại trừ một người, (Hạm trưởng chiếc Perth được quân Nhật vớt lên khi tàu chìm. Chính nhờ các bằng cớ mà ông đã viết khi bị bắt, diễn tiến trận đánh mới được dựng lại) đều bị mất tích trong cuộc tàn sát rùng rợn.
Ngay khi trở về tàu De Ruyter, Doorman ra lệnh nhổ neo. Một cuộc dò xét mới được tổ chức tận ngoài khơi đảo Badoera ngay trong đêm, nhưng không gặp gì. Sáng ngày 27 tháng hai, Đô đốc quyết định gửi về Sourabaya để bổ túc việc tiếp tế các chiến hạm hầu có thể ra khơi lại khi đêm về.
Đoạn đường về không xảy ra gì khác hơn là bị vài phi cơ Nhật từ Bali bay đến thả bom, nhưng đến 14 giờ 30, trong lúc hạm đội sắp vào hải cảng, một điện văn tối khẩn được gửi đến cho Soái hạm De Ruyter: một đoàn công voa địch được hộ tống rất mạnh mẽ đã bị phát giác từ hơn một giờ cách đảo Bawean hai mươi hải lý về phía Tây. Sau cùng Doorman định được vị trí của địch. Ông ra lệnh cho hạm đội quay mũi để đến đối diện với địch quân.
Kể từ lúc các oanh tạc cơ Nhật thấy hạm đội Đồng minh, các thủy phi cơ thám thính Nhật không ngừng bí mật bay theo dõi trên không. Nhờ vậy Đô đốc Takagi mau lẹ đoán trước một cuộc điều động các tuần dương hạm của Doorman. Ông lập tức di chuyển hạm đội để cắt đường về của nó tại phía Nam đảo Bawean và ra lệnh cho các tàu đổ bộ chạy trốn về phía Tây.
Không biết gì về vị trí của hạm đội địch, Doorman tiếp tục chạy nhanh để kịp tấn công các đoàn công voa lúc chập tối. Trong hai giờ tiếp theo đó, các hạm trưởng Đồng minh hối tiếc một cách cay đắng sự vắng mặt của các phi cơ quan sát. Để báo tin hạm đội địch đến gần, Đô đốc chỉ có chiếc khu trục hạm Anh Electra vốn được phái đi đầu hạm đội để làm hướng đạo. Trên các cầu tàu ai nấy lo âu rình xem hiệu lệnh của chiếc tàu nhỏ đang mở hết tốc độ chạy trong tầm trông thấy của các bạn đằng sau.
Đến 16 giờ, một chiếc đèn rọi bật cháy trên chiếc Electra. Đó là dấu hiệu cho biết “Thấy tàu địch...” 16 giờ 10, sau khi giảm tốc độ, Electra báo hiệu “hai tuần dương hạm, 12 phóng ngư lôi phía bắc - Đông bắc”. Vài phút sau hai tuần dương hạm nặng Exter và Houston khai hỏa khi còn cách địch 27.000 thước. Các tuần dương hạm nhẹ chỉ có pháo đội 150 ly không thể bắn xa như thế, chạy theo mục tiêu mà không thể bắn được. Lập tức chung quanh chúng những cột nước khổng lồ tung lên cao trong lúc đó các khẩu đại bác điên cuồng của chúng lại không trả đũa được. Đấy là các đại bác 203 ly của chiếc Nashi và chiếc Haguro đang khạc đạn theo một nhịp độ ngày càng mau.
May thay, với khoảng cách như thế, tác xạ của Nhật cũng bị phân tán xa mục tiêu và cuộc chiến đấu tay dôi này kéo dài trong suốt 20 phút dưới hình thức một cuộc trao đổi tác xạ tầm xa không kết quả gì cả.
Hai đối thủ không ai tìm cách tiến gần đối phương - Doorman, bởi vì ông muốn tránh cho đoàn tuần dương hạm của mình bị hỏa lực địch vây kín, Takagi, bởi vì không muốn rơi vào một hạm đội đông hơn và không bao giờ tính chuyện để rơi vào tầm hỏa lực của tuần dương hạm nhẹ của đối phương. Ông còn nổi khùng vì lúc đó đã cho lệnh tấn công bằng thủy lôi, với khoảng cách như thế - không có cơ may thành công nào.
Một trong các khu trục hạm Nhật bị trúng một trái phá 150 ly của chiếc Perth và tất cả hạm đội Nhật đều quay mũi sau một màn khói. Thành quả này kích thích lòng can đảm của binh sĩ Đồng minh và Doorman nghiêng đường tiến của hạm đội để tiến gần các tuần dương hạm địch.
Nhưng đối phương của ông, với sự chính xác đáng ngạc nhiên của hệ thống tác xạ trên các tuần dương hạm nhẹ, điều động để giữ khoảng cách và chờ cho các khu trục hạm đến đủ gần địch để ra lệnh một đợt tấn công mới bằng thủy lôi.
Không chờ đợi kết quả, hạm đội Nhật trở hướng mạnh để chặn hạm đội Đồng minh theo hình chữ T và khai hỏa tất cả các đại bác 203 ly.
Đến 17 giờ, một tạc đạn trúng vào một nồi xúp de của chiếc Exeter, bắt nó phải tránh qua một bên để cho chiếc Houston chạy theo sau khỏi bị chạm vào.
Chính đây là một đòn tiền định. Chiến hạm này có cả một huyền thoại. Chính nó, hai năm trước đã bắt buộc chiếc thiết giáp hạm bỏ túi của Đức, chiếc Graal Spee phải tự đâm vào mình tại Montevideo. Sau thử thách kinh khủng này, hình như không còn gì trên thế giới có thể ngăn chặn nó được. Khi chiếc Houston thấy Exeter nghiêng về bên trái, nó theo ngay chẳng ngần ngại gì. Nhưng một khối hơi nước khổng lồ đã che ngay tầm quan sát của nó và hiểu ngay là đã phạm phải sai lầm to lớn. Than ôi, quá chậm! Hai chiếc Perth và Java theo sau phải giảm tốc độ đột ngột. Để cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, một thủy lôi phóng tử xa đến thế lại trúng một khu trục hạm Hà Lan, chiếc Kortenaer khiến nó chìm lỉm trong một đám lửa vĩ đại. Tất cả hạm đội của Doorman tán loạn ngay giữa khói lửa trong lúc các tuần dương hạm của ông đến gần địch và sẵn sàng khai hỏa.
Một quang cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó giữa các khu trục hạm đôi bên trong các cuộc bắn trực xạ sát bên nhau mỗi khi gặp khoảng trời sáng bất ngờ. Các chiến hạm lớn không thấy tàu của Đô đốc đâu trong khi soái hạm vẫn lặp lại không ngừng bằng quang hiệu mệnh lệnh trứ danh “All ship, follow me!” (Tất cả, hãy theo tôi).
Bên phía Nhật, tình thế cũng rối loạn nhưng ít trầm trọng hơn. Takagi biết rằng ông chỉ bị mất có các khu trục hạm và các phi cơ quan sát đã cho ông biết quang cảnh hỗn loạn của đối phương. Ông cho hạm đội lùi xa về phía bắc để “suy nghĩ tiếp”.
Khí gió mùa thổi đến làm bầu trời sáng dần, sau cùng Doorman cũng tập họp được các chiến hạm thuộc quyền, và vì địch quân đã biến mất, ông lại dẫn chúng tiến lên phía bắc để cô bọc vòng các tuần dương hạm Nhật và sau đó đợi đoàn tàu đổ bộ mà giờ đây theo ông đã đến rất gần...
Không bao giờ người ta biết được tại sao ông bỏ ngang dự tính này sau vài giờ vì ông không trở về để giải thích, nhưng ta chỉ biết rằng đột nhiên ông trở hướng xuống về Nam. Tiếng đại bác đã im bặt. Trên chiến trường hoang vắng, chỉ có vài thủy thủ tuyệt vọng trên mặt biển ngập đầy dầu mazut. Chiếc chiến hạm dũng cảm Exeter vốn đã sống một cuộc đời đầy thử thách nay còn chạy chầm chậm về Sourabaya, có một khu trục hạm đi kèm. Các tuần dương hạm sắp thành đội hình hàng dọc chạy theo soái hạm De Ruyter.