(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Trò chơi tàn sát

    
ình minh ngày 25 tháng 10, hạm đội của Kurita vốn đã bị tiềm thủy đỉnh Mỹ tấn công bất ngờ đêm hôm trước và bị thiệt mất một tuần dương hạm, tiến về phía eo biển San Bernardino, từ đó nó sẽ phơi mình cho các cuộc tấn công của những mẫu hạm Mỹ đang canh phòng ngoài khơi vịnh Leyte. Cuộc tấn công của các phi cơ dưới quyền Onishi thật đáng ngưỡng mộ. Mặc dầu có sự hiện diện của vô số phi cơ khu trục Mỹ, một oanh tạc cơ đâm bổ của Nhật đã liệng được một trái bom trên mẫu hạm Princeton với sự chính xác đến mức nó xuyên qua nhiều hầm tàu và đâm ngang vào hầm chứa thủy lôi. Một tiếng nổ khủng khiếp làm chiếc mẫu hạm bắn tung thành từng mảnh và gây tổn thất nặng nề cho tuần dương hạm Birmingham đang tiến đến gần. Phi công Nhật tránh né được và bay về căn cứ theo mệnh lệnh thượng cấp, nhưng sự táo bạo điên rồ mà anh ta đã chứng tỏ khi thực hiện cuộc tấn công đã nhập vào tinh thần Kamikaze và đã chứng minh rằng ngọn gió mới giờ đây khích động toàn thể các phi công.
Quân Mỹ trả đũa sấm sét. Tất cả phi cơ của năm mẫu hạm khác ào ạt tấn công các siêu thiết giáp hạm của Ugaki và mặc dầu có sự dũng cảm phi thường của vào khu trục cơ dưới quyền Onishi, họ đã đánh trúng được chiếc Musachi 17 trái bom và 19 thủy lôi. Dầu cho có chắc chắn bao nhiêu chăng nữa, chiếc soái hạm cũng không thể nào chịu nổi một lượng bom đạn như thế và nó chìm dần trong sóng biển. Như thế là chiếc siêu thiết giáp hạm, niềm kiêu hãnh của hạm đội Nhật, biến mất ngày hôm ấy mà không bao giờ bắn được một phát đại bác nào trong suốt cuộc chiến tranh.
Các chiến hạm khác cũng bị trúng bom ít nhiều cho nên sau khi chuyển qua chiếc Yamato, Đô đốc Kurita ra lệnh cho hải đoàn quay lui để chờ đêm tối.
Hành động này là một sự sai trật trầm trọng đối với kế hoạch Sho vì kế hoạch ấy dự liệu một cuộc tấn công đồng thời vào các chiến hạm đổ bộ do bởi hai hải đoàn dưới quyền Kurita, hải đoàn của Ugaki và hải đoàn của Nishimura. Hải đoàn sau đã tiến dọc theo bờ biển Mindanao để tiến vào eo biển Surigao lúc đêm tối; do đó nó đã đến vịnh Leyte trước các thiết giáp hạm khá lâu. Được thông báo khoảng cách chậm trễ này, Toyoda đành phải gửi cho tất cả một bản điện văn ngắn gọn sau: “Lao vào địch với tất cả lực lượng của quí ông”.
Nishimura lao vào tấn công trước. Lúc 2 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 10, các khinh tốc đỉnh và khu trục của Đô đốc Kinkaid đang tuần hành trong eo biển Surigao đã phóng vào trục tiến quân vô số chùm thủy lôi mà một quả đã đánh chìm được thiết giáp hạm Fuso. Nishimura không vì thế mà không tiếp tục tiến. Người chiến sĩ kỳ cựu mà người ta đã lôi ra khỏi các quân trường tại chính quốc cùng các chiến hạm già nua ấy, đã muốn trút hết các với hầm đạn vào địch quân bằng mọi giá.
Đến 3 giờ 30 sáng, những làn sóng dội ngược trở lại các giàn rada trên cột buồm các chiến hạm Nhật bắt đầu làm cho các mặt kính hiện lên những đốm sao báo hiệu các thiết giáp hạm Mỹ dưới quyền Kinkaid xuất hiện. Vài phút sau, những quả đạn đầu tiên được bắn đi và những vòng cung sáng chói của vô số đạn đạo “Tracers” đã chọc thủng bầu trời tối mịt. Các thiết giáp hạm Mỹ mà phần đông là những chiếc còn sống sót sau vụ Trân Châu Cảng, đã “chắn ngang hình chữ T” các thiết giáp hạm của Nishimura và tưới ngập đạn đại bác vào chúng theo đúng chiến thuật cổ điển đã được Đô đốc Togo sử dụng để chống hạm đội Nga tại eo biển Tsoushima.
Đến 4 giờ, thiết giáp hạm Yamashiro, bốc cháy từ trước ra sau, mới chớm vận dụng để làm lạc hướng tác xạ của địch, nhưng đúng lúc đó bị trúng nhiều thủy lôi và biến mất trong một vùng lửa sáng loé. Tuần dương hạm Mogami cũng bị bốc cháy phải lẩn tránh cùng chiếc Shigura còn nguyên vẹn như nhờ có phép lạ. Vừa rút lui, hai tuần dương hạm lại gặp các tuần dương hạm của Đô đốc Shima chạy đến tiếp cứu. Các chiến hạm này sau khi phóng hết thủy lôi từ xa nhằm vào các tuần dương hạm địch, cũng quay đầu trở lại. Sự can thiệp của chúng đã quá chậm.
Trước bình minh ngày quyết định ấy, thế là một trong các “mũi kìm” do kế hoạch Sho tiên liệu đã bị bẻ gãy. Nhưng đúng lúc đó, một biến cố bất ngờ xảy đến làm đảo ngược một tình thế đã quá sức tai hại, và nghiêng lợi thế cho quân Nhật. Các hải đoàn mẫu hạm của Halsey, được một phi cơ tuần thám báo tin có sự hiện diện của hạm đội lưu động số 1 thuộc quyền Ozawa về phía bắc Phi Luật Tân, liền nhận được lệnh rời khỏi vị trí canh gác để đến chặn đầu địch. Khi Đô đốc Kurita rốt cuộc cùng với hải đoàn của ông tiến ra khỏi eo biển San Bernardino, ông không thấy một chiến hạm nào của Mỹ và lợi dụng ngay phép lạ này, ông cho mở hết tốc độ lao về phía nam tấn công thẳng vào lực lượng đổ bộ. Lúc ấy các chiến hạm chuyển vận thủy bộ này chỉ được che chở bởi độc có các mẫu hạm hộ tống được dự liệu để yểm trợ cho quân đổ bộ. Khi Đô đốc Sprague, Tư lệnh một trong các hải đội mẫu hạm hộ tống ấy được báo tin một hạm đội hùng mạnh đang tiến đến gần, ông phải mất ít lâu để xem có phải đó là tàu Nhật hay không. Tôn trọng lệnh im lặng vô tuyến, Halsey đã không thông báo sự ra đi của ông và tin tưởng là đã tránh khỏi được mọi bất ngờ. Khi ý thức hiểm nguy đang đe dọa, ông phân tán các chiến hạm theo một vòng cung rộng lớn và cho tất cả các phi cơ cất cánh đúng lúc các quả đại pháo đầu tiên của Kurita bắt đầu rơi từng chùm siết chặt chung quanh ông. Sáu mẫu hạm hộ tống đáng thương của Sprague, chỉ là những tàu vận tải được trang bị một sàn phi đạo, trở nên các tấm bia đỡ đạn không được phòng vệ trước các đại pháo hùng mạnh của các thiết giáp hạm Yamato, Kongo và Haruna. Chúng chạy về phía nam với tốc độ 17 gút, nhưng vì hạm đội địch chạy mau hơn 10 gút, chúng không có ảo tưởng gì nữa về chung cục của trận đánh. Chính lúc đó, một phép lạ mới đã xảy ra - lần này có lợi cho quân Mỹ. Sprague đã tung lên không gần 200 phi cơ và được chừng 50 phi cơ khác của các hải đội kế cận đến trợ chiến. Như một kẻ lấy trộm tổ ong bị bắt gặp đang hành sự, Kurita bị tấn công bởi những con ong vò vẽ hung dữ đổ dồn bom trên các chiến hạm của ông và càn quét các cầu tàu bằng các loạt đại liên. Hơn nữa những cơn mưa rào liên miên từ trên trời trút xuống đã che khuất mục tiêu, khiến ông tin là đang có chuyện với cả một hải lực mẫu hạm hùng hậu thật sự. Hải đoàn của ông đã bị cuộc tấn công đêm trước làm yếu đi nhiều, cho nên Kurita không dám săn đuổi các mẫu hạm Mỹ mà ông đã ước tính qua tốc độ thật sự của chúng. Sợ sẽ bị rơi vào một tổ ong vò vẽ mới, ông quay lui sau hai giờ theo đuổi và sau khi chỉ đánh đắm được một mẫu hạm hộ tống (Chiếc Gambier Bay) và một tuần dương hạm.
Những nỗi khốn khổ của Sprague chưa phải là đã hết. Khi các quả đại pháo cuối cùng vừa rơi xuống thì nhiều phi cơ Nhật xuất hiện trên dãy núi thuộc đảo Samar. Người ta thấy chúng tiến tới theo một đội hình phân tán và thực hiện các động tác nhào lộn bất thường. Đấy là các phi cơ Kamikaze của Onishi, lần này thì thấy được hải đội mẫu hạm hộ tống địch, và cương quyết lao xuống, mỗi chiếc nhắm vào con mồi của mình. Không đầy một giờ, các mẫu hạm Santee, Saint Lo, Suwannee, Kitkum Bay và chiếc Kalinin Bay trông thấy nhiều phi cơ đủ loại bay lượn làm lạc hướng tác xạ của súng phòng không rồi đâm xuống vỡ tan trên sàn tàu. Phần đông các mẫu hạm hộ tống làm chủ được các đám cháy nhưng trên chiếc Saint Lo, bom và thủy lôi chứa trong hăng ga đã gây ra một tiếng nổ tai biến. Trận chiến chấm dứt theo cuộc quần ngựa ấy, cuộc quần ngựa đua đầu tiên của cả một loạt ghê gớm và lâu dài.
Sprague đã cứu hải đội của ông thoát chết cơn tai biến, những tổn thất của buổi sáng hôm đó thật là nặng ngoài việc mất chiếc Saint Lo, 1.130 người đã bị giết và 913 bị thương nặng trên toàn thể các mẫu hạm hộ tống. Hơn nữa chiến thuật khủng khiếp của Nhật đã làm giao động tinh thần các thủy thủ đoàn. Tin tưởng có sự hiện diện của hải đoàn Halsey bên cạnh, Đô đốc Kinkaid quyết định gửi ba hải đội mẫu hạm hộ tống về Uliti để sửa chữa các chỗ bị hư hỏng.