(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Corregidor

    
orregidor là một đảo nhỏ có hình dáng con nòng nọc hoàn toàn nằm trong con lạch dẫn vào vịnh Manille. Thật ra không hoàn toàn nằm ngay giữa, mà gần bên bờ phía bắc con lạch hơn: mũi Mariveles cực điểm của bán đảo Bataan. Đầu con nòng nọc là một chỏm núi đá cao 200 thước và đường kính 1.800 thước. quân Mỹ xây dựng ở đấy bốn pháo đài chế ngự biển khơi và đồn trú tại đấy. Đuôi con nòng nọc trải dài về phía đông và chìm xuống vịnh Maniile. Nó cũng là một dãy núi đá hiểm trở, ít ra cũng là phần nằm về phía tây. Cổ con nòng nọc là một cánh đồng nhỏ phân cách hai núi đá bên này và bên kia. Phía đuôi có nhiều triền đồi cực kỳ cheo leo đến nỗi quân đội phải cho đào đường hầm dài 200 thước vốn sẽ trở nên vô cùng quí giá trong các cuộc oanh tạc sau này.
Khi rời bỏ Manille, Mac Arthur đến đặt văn phòng trong các kiến trúc của quân trú phòng tại cực điểm của chiếc đuôi, kế bên một phi trường nhỏ. Ông chọn một biệt thự thật xinh cất trên một chỏm đá dưới các pháo đài để làm nơi cư ngụ. Một cánh nhà ngang được dùng làm bản doanh, cánh kia dành cho người vợ trẻ và đứa con trai bốn tuổi của ông.
Chính từ địa điểm quan sát từ trên cao này mà ông tướng đã điều khiển đạo quân Phi Luật Tân rút lui về bán đảo Bataan bằng cách quan sát bằng ống nhòm.
Từ ngày 29 tháng 2 năm 1941, cuộc oanh tạc của Nhật diễn ra hàng ngày. Địch quân xâm nhập vào khắp chung quanh vịnh Manille. Thực phẩm hiếm hoi, cuộc sống trên đống đá cô quanh ngày càng khắc nghiệt. May thay, quân Nhật tại Phi Luật Tân, vốn không được đông lắm, bằng lòng với cuộc bao vây quân Mỹ trên bán đảo và chờ đợi sự đói khát và mệt mỏi bắt họ đầu hàng.
Mặt trận 22 cây số phân cách hai bên đối địch được phòng thủ tương đối dễ dàng và không có gì xứng đáng với sự hiện diện của một Trung tướng cả. Nhưng Mac Arthur lại rất thăm thiết với đạo quân Phi Luật Tân và quyết tâm tôn trọng đến cùng những cam kết của ông với Tổng thống Quezon, Quốc trưởng Phi Luật Tân. Ông đã từng tuyên bố urbi ot orbi - và vẫn còn tuyên bố khi có cơ hội - rằng không thể nào Hoa Kỳ, trong khi hàng ngày gửi sang Âu châu hàng trăm chuyến tàu vận tải và cả một làn sóng phi cơ, lại không có phương tiện đến tiếp cứu các chiến sĩ tạ Bataan mà, trong chiều hướng diễn tiến của sự kiện, vốn là những chiến sĩ duy nhất giữ vững được một mặt trận kháng địch.
Lợi dụng những đường dây liên lạc cuối cùng còn lại, ông nhắc lại với Tổng thống Roosevelt rằng đây là những cam kết danh dự được đưa ra nhân danh cá nhân ông và rằng về phần ông, không bao giờ ông bỏ mặc Phi Luật Tân lại cho số phận hẩm hiu của xứ này.
Sự xác định lập trường có tính cách vừa chính trị vừa chiến lược này đã vượt quá xa chức chưởng của một Trung tướng cho dầu là một Trung tướng uy danh lừng lẫy đi chăng nữa. Nó gây bối rối rất nhiều cho Roosevelt khiến ông ta không biết làm sao thoát ngõ bí. Đô đốc King cực chẳng đã phải bằng lòng gửi nhiều tàu ngầm và các chiến hạm nhỏ, hai ba lần tránh được các chiến hạm tuần tiễu Nhật, đến tiếp tế cho quân trú phòng. Các khinh tốc đỉnh của Asiatic Fleet còn tại chỗ, thực hiện được vài chuyến đi về giữa Corregidor và các đảo lân cận chưa bị Nhật chiếm đóng. Nhưng đấy chỉ vừa đủ để có những gì giúp binh sĩ khỏi chết đói.
Vì mọi ưu đều hướng cả về Âu châu, tướng Marshall chống đối việc gửi quân và cả việc tăng cường vài phi cơ cho lực lượng không quân vẫn còn rải rác tại các phi trường trên các đảo.
Do đó chính trong trạng thái phẫn nộ chất chứa, mà Mac Arthur theo dõi bằng máy thu thanh, qua các làn sóng quấy phá cực mạnh của Nhật, diễn tiến các cuộc hành quân và những nỗ lực vô vọng của Wavell để bảo vệ hàng rào ngăn chặn Mã Lai.
Tân Gia Ba thất thủ làm ông phẫn uất. Trong các cuộc hội nghị tham mưu, Tân Gia Ba được coi là một “thành trì không thể bị chiếm được. Mới hai tháng trước đây, Đô đốc Philips của Anh còn lặp lại với ông như thế. Là người đương đầu với quân Nhật tại Bataan với một nhóm người nhỏ bé nhưng quyết tâm, ông chấp nhận được rằng một đạo quân 85.000 người được một không lực mạnh mẽ yểm trợ lại có thể bị đánh đưa đến hoàn cảnh phải đầu hàng mà không chiến đấu gì cả. Bị cô lập hóa quá lâu trong lãnh địa của mình, ông đã tiêm nhiễm tinh thần của dân sống ở đảo luôn luôn có khuynh hướng xem quê hương của mình như trung tâm điểm trái đất.
Ngày 23 tháng 2 năm 1942, một sĩ quan hớt hải đến Tổng hành dinh cầm trong tay một điện văn đóng dấu “ưu tiên tuyệt đối” Mac Arthur chững chạc mở ra và mặt ông biến sắc. Roosevelt ra lệnh cho ông phải rời Corregidor ngay lập tức để đi Melbourne và nắm quyền Tổng tư lệnh mới được thành lập tại đấy cho chiến trường Tây Nam Thái Bình Dương.
Đi Melbourne? Tại sao không đi Nam Cực luôn? Hiển nhiên là các anh thầy rùa ở Hoa Thịnh Đốn đã bị mất trí rồi!
Ông vứt bản điện văn và bắt đầu đi lòng vòng trong văn phòng như một con gấy bị nhốt trong chuồng. Nửa giờ sau, ông lấy quyết định: ông sẽ trả lời Roosevelt bằng một danh từ Mỹ tương đương với tiếng của Cambronne (Cambronne (Pierre), Đại tướng Pháp sinh ở Nantes (1770-1842). Ông chỉ huy một đạo quân ở Waterloo; bị địch quân đang vây khốn ông thúc giục đầu hàng, ông trả lời: “Thà chết chứ không bao giờ đầu hàng”). Đối với ông không còn giải pháp nào khác. Người ta đã đập vỡ ông, biếm nhục ông. Ông đã đưa ra lời cam kết danh dự với người Phi Luật Tân và bây giờ đây, người ta ra lệnh cho ông “căng buồm chuồn đi” để cho họ ở lại trong cảnh bối rối tận cùng!
Thế thì không! Ông sẽ trả lời “Không. Thật đơn giản. Không, không và không!”.
Khi ông thảo văn bản trả lời nổ tung xong, ông tập họp các cộng sự viên cao cấp lại: Tham mưu trưởng sutherland, Đô đốc Rockwell, Tư lệnh hải lực. Ông rất muốn mời Tư lệnh Lục quân đến, nhưng tiếng súng vọng từ trên các đồi xuống đã ngăn ông lại.
Khi các tướng lĩnh đến, Mac Arthur một tay chìa cho họ bản điện văn của Tổng thống và tay kia điện văn trả lời của ông. Trước sự ngạc nhiên hoàn toàn của ông, hai quân nhân cao quí ấy lắc đầu trong im lặng với sự biểu lộ bất đồng ý kiến rõ rệt. Rồi họ lựa lời khéo léo nói với vị chỉ huy rằng chức vụ Tư lệnh mà ông được giao phó có tầm quan trọng tối cao vừa đối với nước Mỹ vừa đối với Đồng minh, rằng có lẽ Wavell vừa bị bãi chức sau cuộc đại bại tại Mã Lai và rằng quân đội và dân tộc Mỹ giờ đây hướng mắt chăm chú vào ông...
Ông tướng sắp ngắt lời cộng sự viên nhỏ con của mình thì Sutherland, vốn là người hiểu rất rõ thượng cấp của mình, tiếp lời đúng lúc. Ông gợi ý rằng sự bổ nhiệm ông không có mục đích nào khác hơn là giao phó cho ông một đạo quân chắc chắn đang được tập trung tại Úc nhằm tái chiếm Phi Luật Tân.
Mac Arthur suy nghĩ. Nếu Sutherland nói đúng, bổn phận của ông đã được vạch ra rồi. Ông phải nhận. Nhưng trước hết ông phải đảm bảo được như thế đã. Do đó ông để cho các cộng sự viên cáo lui và nói với họ là ông sẽ suy nghĩ lại.
Sáng hôm sau, ông soạn một điện văn khác uyển chuyển hơn điện văn trước: “Vì các cuộc hành quân đang tiếp diễn và các nghĩa vụ đã kết ước, Tư lệnh không thể rời khỏi Corregidor ngay được”.
Ba ngày sau, hạm đội của Doorman bị tiêu diệt tại biển Java. Hàng rào Mã Lai rơi vào tay quân Nhật. Lúc ấy Mac Arthur mới hiểu tại sao Tổng thống vội vàng đến thế.
Cùng với Rockwell đang nghiên cứu các điều kiện và ngày giờ của chuyến khởi hành sắp đến, thì ngày 10 tháng 3 năm 1942, một điện văn mới của Roosevelt lại được đưa đến, lần này rất cương quyết: “Đi Melbourne ngay lập tức”.
Mac Arthur đến thăm Wainwright ngoài mặt trận. Ông tập họp các cộng sự viên chính và giải thích cho họ rõ tình hình. Cuộc họp mặt rất cảm động. Vị tướng lĩnh lão thành không còn tìm được lời để diễn ta hết tình cảm của ông đối với người học trò cũ đã phải chịu đựng gánh nặng kinh hồn của chiến trận và có thể là người mà ông sắp để lại cho trách nhiệm của sự bại trận. “Hãy cố giữ vững cho đến khi tôi trở lại và hãy nói lại với tất cả mọi người rằng tôi sẽ trở lại!”.
Công việc tổ chức cuộc khởi hành không phải là dễ. Chiếc tàu ngầm dự định đến ngày 27 tháng 2 từ lâu đã được phái đi làm nhiệm vụ khác. Ông phải tìm cách khác. Rockwell đề nghị dùng các khinh tốc đỉnh của ông, những chiếc PT boat trứ danh, kể từ khi hạm đội Á châu ra đi, đã từng làm chuyện phi thường để tiếp tế cho Bataan. Mac Arthur cho gọi trung úy Bucknell, người chỉ huy đoàn tàu đến. Đấy là một cậu thanh niên 25 tuổi có nét mặt rất cởi mở.
- Anh có thể chở tôi đến Mindanao nơi đó sẽ có máy bay từ Úc đến đón tôi không?
Bucknell tính nhẩm phỏng định trọng lượng của ông Trung tướng với ban tham mưu và gia đình của ông, các thư ký với hồ sơ của họ, vài người giúp việc. Cả một thế giới đó với hành lý... Các chiến hạm của anh thường chỉ được tiên liệu để chứa chí người của thủy thủ đoàn. Luật hiếu khách cấm đưa lên tàu thêm quá ba hay bốn người... Nhưng suy cho cùng, thì đây là thời chiến mà! Anh đã chẳng cùng với bốn khinh tốc đỉnh của mình, tám ngày trước, đã cứu 296 người bị đắm tàu của một chiến hạm bị chìm vì trúng mìn lúc chạy ra eo biển đó sao?
- Thưa Trung tướng, ông tính lúc nào khởi hành? Anh ta trả lời không ngần ngại gì nữa.
Hôm sau khi anh thấy trên bến có 40 người và một chiếc cam nhông vĩ đại chất đầy thùng bộng, va li, anh hối tiếc là đã không trình bày vài điểm dè dặt... nhưng đã quá trễ, phải cố chất tất cả mọi thứ xuống bốn chiếc khinh tốc đỉnh. Đêm tối không trăng rất thuận lợi. Cần nhất là phải làm nhanh để tránh không cho một phi cơ Nhật đến chúi mũi vào câu chuyện gia đình này.
Ông tướng bước lên chiếc tàu của Bucknell với bà Mac Arthur, cậu Arthur Douglas Mac Arthur, chị vú, sĩ quan tùy viên, Sutherland và vài người khác. Đô đốc Rockwell lên chiếc thứ hai. Chiếc thứ ba và thứ tư chia phần còn lại.
Khi mặt trời vừa lặn thì đoàn tàu nhổ neo. Các khinh tốc đỉnh cố gắng giữ khoảng cách gần nhau, nhưng một điểm hẹn cũng được tiên liệu tại một đảo nhỏ giữa đường đi đến Mindanao để giúp chúng tập họp lại trước khi bắt đầu phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình: một đoạn đường biển mà trên đó các động cơ vì đã quá mệt mỏi sau ba tháng đi lại liên miên rất có hy vọng thối chí không chịu chạy nữa.
Cuộc hải trình rất sôi động. Các khinh tốc đỉnh chở quá nặng nổ máy khó nhọc trong đáy sóng sâu. Mặt biển dường như bao phủ bởi các bóng đen đáng lo ngại và các luồng sáng thỉnh thoảng xuất hiện bắt buộc các hạm trưởng phải thắng mạnh làm hành khách ngã chúi vào trong “phòng ăn” chật hẹp được biến thành phòng ngủ. Đến nửa đêm các khinh tốc đỉnh phân tán cách nhau rất xa.
Chính chiếc thứ ba lại đến điểm hẹn trước, mặc dầu nó đã bị trễ mất ba giờ so với thời biểu. Nó phải đợi chiếc chở ông Tướng suốt cả một ngày tại đấy. Ông này khi đến lại từ chối tiếp tục đi mà không có Đô đốc Rockwell vốn đi trên một chiếc mà dường như máy móc bị trục trặc ngay khi khởi hành. Quả thật nó đã bị trục trặc máy móc nhưng sau cùng cũng đến được, rất trễ giữa đêm khuya, ba trong bốn động cơ của nó ngưng chạy. Phải bỏ nó lại và chia các hành khách lên hai chiếc khác. Riêng chiếc thứ 4 thì phải tự giải quyết bằng cách tiếp tục đi mà không đợi nó.
Đoạn thứ hai của cuộc hành trình lại càng khổ nhọc hơn đoạn đầu nhiều. Từ nửa đêm gió nổi lên thổi hàng loạt với cơn mưa như thác đổ. Tất cả hành khách đều kiệt sức, ướt loi ngoi, ngã quị vì những cơn say sóng rùng rợn. Không có vấn đề chạy chậm lại vì phải tuyệt đối đến được bờ biển Mindanao trước khi trời sáng.
Nhờ phép lạ, động cơ của hai chiếc khinh tốc đỉnh anh dũng chịu đựng sự thử thách và đến chiếc vịnh nhỏ vừa kịp, tại đây một tiểu đội tiền sát Mỹ đang chờ đón. Ngày 13 tháng 3 năm 1942 lúc 10 giờ sáng, mọi người tập họp dưới hăng ga phi trường Cogayan, phía bắc đảo. Điều thiếu thốn duy nhất là ba chiếc pháo đài bay được tiên liệu đến rước ông tướng và đoàn tùy tùng. Viên chỉ huy trưởng phi trường cho biết một chiếc bị rơi vỡ tan khi mới đến, hai chiếc khác ở trong tình trạng phải cho bay không trở về Úc. Ông ta hy vọng có hai chiếc mới sẽ đến vào hôm sau.
Thời gian chờ đợi kéo dài ba ngày. Viên Đại tá Mỹ lâm vào tình trạng nguy khốn kịch liệt bởi vì phi cơ Nhật mà ông ta không có gì để chống cự, lảng vảng rình mò khắp nơi và nếu chúng đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra, chúng có thể thực hiện dễ dàng một mẻ lưới ngon lành nhất trong suốt cuộc chiến tranh.
Phần ông tướng thì lại vui vẻ. Ông đã chịu đựng rất cừ cuộc thử thách trên mặt biển. Đó là một con người ưa mạo hiểm và là một con người của các hoạt động đã làm thay hình đổi dạng. Trước những nguy cơ, ông biểu lộ một thái độ khinh thường quen thuộc. Một hôm, Tổng thống Quezon, bạn ông, ép ông phải vào hầm nấp khi bom địch rơi như mưa, ông vừa cười vừa trả lời: “Ông đừng có lo! Có nhiều trường hợp một ông tướng chết lại tốt hơn là một ông tướng sống!”.
Sau cùng, quá nửa đêm ngày 17 tháng 3, hai chiếc pháo đài bay chở nặng, cất cánh rời khỏi Mindanao đi Port Darwin. Cuộc hành tình bình yên và đến 9 giờ sáng phi cơ đáp xuống phi trường Batchelor Field. Phi trường quá lộ liễu đối với các cuộc tấn công của Nhật đến nỗi một phi cơ khác gần như cất cánh ngay lập tức với ông tướng và đoàn tùy tùng để có thể giúp ông mượn đường hỏa xa xưa cũ, cách đó 1.000 cây số về phía nam, đưa đến Adelaide. Khi sang phi cơ, Mac Arthur hỏi viên phi công Mỹ về tình tình tại Úc:
- Có bao nhiêu quân sĩ ở đây để phản công?
Người sĩ quan trẻ chưa bao giờ được nghe nói gì đến vấn đề này, trả lời ấp úng:
- Thưa Trung tướng, tất cả những gì tôi được biết là chúng ta chỉ có một nhóm người nhỏ tại Úc mà thôi...
Sau khi phi cơ cất cánh, Mac Arthur quay sang vừa cười vừa nói với Sutherland:
- Bọn trẻ giống nhau cả, họ chẳng biết chuyện gì xảy ra...
Phi cơ đáp xuống ngay giữa sa mạc cạnh một nhà ga xe lửa sau ba giờ bay. Hai toa xe lửa có trần chạm trổ được móc vào một đầu máy bằng đồng đỏ đang khạc ra từng quả cầu hơi nước trắng. Mac Arthur và đoàn tùy tùng ở trong các toa chật hẹp nhưng tiện nghi mà ghế bọc da sáng loáng và các màn cửa thêu dường như xưa cũ từ thời nữ hoàng Victoria. Đối với các hành khách nhọc mệt này thì đây là cả một góc thiên đường, là sự di dưỡng sau cơn ác mộng bom đạn, là sự nghỉ ngơi sau nhiều đêm tức trắng.
Hôm sau, trong chuyến hành trình diệu vợi qua sa mạc, ông tướng xua đuổi các ưu tư bằng cách kể cho cậu bé Arthur, đầy kinh ngạc, nghe các cuộc phiêu lưu của những người Úc tiền phong: các cuộc tấn công xe ngựa bởi những tay “convicts” nổi loạn, các chiến tích rùng rợn của tên cướp Ben Joyce, mối đe dọa của đàn kangourous xuất hiện đột ngột bằng cách nhảy như một đám mây châu chấu...
Tại Adelaide phải miễn cưỡng rời bỏ các toa xe nhỏ nhồi xóc của xứ thần tiên để bước lên các toa xe sang trọng do chính phủ Úc đặc biệt phái đến đón. Đối với cậu con, nếu không phải là đối với người cha, cuộc phiêu lưu điên cuồng đã chấm dứt.
Sự thức tỉnh thật tàn bạo. Khi đến Melbourne, Mac Arthur sửng sốt biết rằng viên phi công trẻ tại Darwin đã nói đúng sư thật. Trên khắp nước Úc chỉ có độ chừng 25.000 quân Mỹ, gần như hầu hết là pháo thủ phòng vệ duyên hải, pháo thủ phòng không hay chuyên viên công binh. Không có đơn vị không quân nào, nhưng có 200 phi cơ phân tán trên khắp một lục địa cũng rộng bằng lãnh thổ Hoa Kỳ. Còn hơn thế nữa! Ngoài một Lữ đoàn bộ binh vừa đến Perth, tất cả các Sư đoàn bộ binh của Úc còn đang ở tại Trung Đông hay Ấn Độ. Không những không có vấn đề đạo quân viễn chinh để tái chiếm Phi Luật Tân, mà cũng chẳng còn gì để phòng vệ một lãnh thổ mông mênh cô quạnh như thế trên địa cầu mà phần cực bắc bị bao bọc bởi các quần đảo gần như hoàn toàn nằm trong tay Nhật.
Tất cả những tin tức ấy rơi trên người ông như những hột mưa đá trong cơn giông tố. Mặt ông tái xanh. Lần đầu tiên trong đời ông suýt bị xỉu. Ông thì thầm qua làn môi mím chặt: “Xin Thượng đế giúp đỡ!” và khép chặt mình trong toa xe lửa.
May thay, một niềm khích lệ lớn lao chờ đợi ông ở cuối cuộc hành trình bất tận. Người đón tiếp ông đứng đen nghẹt sân ga, và khi ông bước xuống, tiếng hoan hô vang trời. Nhiệt tình đầm ấm đó cũng chờ đợi ông nơi Thủ tươớn Curtin, ông ta không giấu diếm là do sự khẩn nài cấp bách của mình, Tổng thống Roosevelt mới chỉ định ông. Vài giờ sau, ông phải bất ngờ đọc một diễn văn khác tại Quốc hội. Ông vẫn mặc bộ quân phục kaki bạc màu và chiếc nón kết khổng lồ viền lá sồi kim tuyến mà những cơn mưa lũ nhiệt đói đã làm méo mó phần nào. Mặc cho vẻ tiều tụy biểu lộ sự mệt mỏi ghê gớm, những lời ông nói ra đã làm rung động quả tim người lắng nghe ông. Ông nói với tất cả những người lạ mặt ấy rằng ông cảm thấy như đang ở nhà mình cùng với họ, rằng tất cả mọi người đều được kết nối chặt chẽ với nhau bằng dây liên lạc huyết thống, bởi cùng chung lý tưởng cùng yêu mến tự do và rằng ông đến đây để chiến thắng hay để cùng chết với họ.
Mỗi người đều cảm thấy ông nói đúng và cái ông tướng có bộ dáng như một đại tài tử trở lại sân khấu này đã có một đức tính chủ yếu đối với họ: Ông có quả tim hoàn toàn kết chặt với phía thiện lương.