Scan: Motsach, Đánh máy: TrungLeTran
Hồi 53
Nhập Vân long đấu phép phá Cao Liêm
Hắc Toàn Phong xuống giếng cứu Sài Tiến

- Phép thuật của ngươi đối với Cao Liêm cũng không hơn kém gì nhau, song ngày này ta trao cho ngươi một phép Ngũ Lôi Thiên Tâm, ngươi cứ theo đó mà làm thì có thể cứu Tống Giang để thay trời làm Đạo được. Còn lão mẫu ngươi ở nhà ta sai người trông nom tử tế không cần lo nghĩ làm chi, ngươi cũng là ứng vào tinh số trên trời nên ta tạm cho ra đó một phen, song trong lòng phải thuỷ chung giữ lấy lời xưa chớ bị người ta xúi giục mà quên bỏ nghĩa lớn của mình mới được.
Công Tôn Thắng vâng nhận các phép rồi cùng với Đới Tung, Lý Quỳ lạy tạ Chân Nhân và từ giã các bạn học mà cùng về nhà tư. Khi về tới nhà Công Tôn Thắng lấy hai thanh bảo kiếm sắp sẵn các mũ sắt, áo đạo cùng đồ hành lý rồi lạy biệt thân mẫu mà lên đường.
Đi được bốn mươi dặm đường Đới Tung bảo với Công Tôn Thắng rằng:
- Bây giờ tiên sinh với Lý Quỳ đi sau để tôi về trước báo với Tống Ca ca, rồi cho người đi đón.
- Được lắm xin hiền đệ cứ về báo trước để tôi đi sau càng tiện
Đới Tung dặn Lý Quỳ rằng:
- Anh đi đường phải theo mệnh lệnh tiên sinh, nếu có câu gì không phải thì tôi sẽ liệu cho anh.
Lý Quỳ vâng dạ mà rằng:
- Phép thuật tiên sinh cũng như La Chân Nhân vậy có khi nào tôi dám khinh nhờn, xin Ca ca cứ đi trước.
Đới Tung liền buộc giáp mà làm phép thần hành đi trước, còn Công Tôn Thắng với Lý Quỳ lục đục đi sau. Trong khi đi đường Lý Quỳ sợ phép thuật của La Chân Nhân nên hết lòng hầu hạ Công Tôn không hề có điều càn bậy. Cách vài hôm đi đến trấn Vũ Cương thấy cửa nhà đông đúc Công Tôn bảo với Lý Quỳ rằng:
- Mấy hôm nay đi đường khó nhọc nay ta vào uống mấy chén rượu suông ăn vài cái bánh chay, rồi sẽ đi cũng được.
Lý Quỳ nghe nói lấy làm mừng bèn tìm vào một hàng rượu ở bên đường để đánh chén. Khi vào tới nơi Công Tôn Thắng ngồi trên Lý Quỳ cởi khăn gói ngồi ở phía dưới rồi gọi nhà hàng dọn rượu lên. Công Tôn Thắng hỏi nhà hàng:
- Ở đây có bánh điểm tâm chay không?
- Thưa ngài trong hàng tôi bán rượu thịt không có thức ăn chay, duy ngoài chợ có thứ bánh táo là thức ăn chay mà thôi.
Lý Quỳ nói:
- Để tôi đi mua về đây.
Nói đoạn mở gói lấy ít tiền chạy ra chợ mua bánh, khi mua xong đương sắp ra về chợt thấy bên đường có tiếng người kêu quát lên rằng: ''Khoẻ thực '' Lý Quỳ nghe thấy vậy vội chạy đến xem thì thấy có đám đông người vây một anh chàng to lớn đương múa đôi chuỳ sắt ở đó. Anh chàng ấy mình cao hơn bẩy thước da mặt sần sùi, mũi thẳng xuống như dọc dừa, tay cầm chuỳ sắt ước nặng ba mươi cân múa may một lúc rồi đánh vào hòn đá ở đường vỡ hẳn ra. Chúng trông thấy bèn vổ tay khen ngợi ầm lên Lý Quỳ thấy vậy không sao nhịn được liền dắt bánh vào trong bọc chạy sấn vào giơ tay toan giật lấy chuỳ sắt của chàng kia. Chàng kia quát lên rằng:
- Anh là thằng nhắng nào dám vào giằng lấy chuỳ của ta.
- Anh múa có ra cái gì mà họ khen ầm cả lên? Đưa lảo gia múa cho mà xem.
- Được ta cho anh mượn hai cây chuỳ nếu không múa nổi, thì ta tặng cho mấy quả đấm mà xem.
Lý Quỳ lẳng lặng với lấy cây chuỳ múa lên múa xuống, tựa hồ như tung quả đạn tròn hồi lâu mới đặt xuống mà tâm thầm không hề ra dáng chút gì khó nhọc. Anh chàng kia trông thấy vội cúi rạp xuống mà lạy rồi hỏi rằng:
- Xin hỏi đại danh Ca ca là gì?
- Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở phía trước gần đây.
Nói đọan liền dẫn Lý Quỳ đến một nơi cửa khoá then cài cẩn thận, rồi lấy chìa khoá mở cửa mời Lý Quỳ vào. Lý Quỳ vào tới trong nhà toàn thị bể lò binh khí vứt ngổn ngang trong bụng liền nghĩ thầm: ''Anh này ắt hẳn là anh lò rèn, hiện nay trong sơn trại cũng cần đến bất nhược ta rủ hắn đi phắt cho tiện '' nghĩ vậy liền hỏi:
- Bác tên họ là gì xin cho tôi biết?
- Thưa ngài tôi họ Thang tên Long, thân phụ tôi ngày trước làm nghề thợ rèn sau gặp quan Lão Trung Kinh Lược cho làm quan ở phủ Diên Ân mới đây phụ thân bị mất ở chỗ làm quan, tính tôi lại hay rong chơi cờ bạc nên mới lưu lạc giang hồ phải tạm trú ở đây làm nghề thợ rèn để kiếm ăn. Tôi có luyện tập được nhiều võ nghệ, sau người ta thấy tôi có mụn đen khắp cả quanh mình Kim Tiều BàoTử, vậy dám hỏi quý danh là gì?
- Tôi tức là Hắc Toàn Phong Lý Quỳ ở Lương Sơn Bạc đây.
Thang Long nghe nói vội vàng cúi lạy mà rằng:
- Chết nỗi! Tôi nghe tiếng đã lâu mà không được biết?
- Anh ở đây làm nghề thợ rèn thì bao giờ cho khá được, bất nhược theo tôi đến Lương Sơn Bạc làm cho Đầu lĩnh có thú hơn không?
Thang Long hớn hở đáp rằng:
- Nếu quan anh có lòng tốt cho tiểu đệ theo đi thì còn gì hơn nữa.
Nói đoạn liền bái Lý Quỳ làm anh, rồi Lý Quỳ nhận Thang Long làm em. Thang Long lại nói Lý Quỳ rằng:
- Nhà tôi không có đầy tớ xin mời quan anh ra chợ, uống vài chén rượu suông cho tỏ tình thân ái, rồi nghỉ đây một đêm sáng mai sẽ đi..
- Tôi còn có sư pgụ ngồi đợi ở đằng kia, để tôi đem bánh về ăn rồi chạy ra ngay bây giờ, không thể nào trì trệ được nữa.
- Vội chi mà phải đi ngay như thế?
- Chết nổi! Tống Công Minh Ca ca hiện đương đánh nhau ở đất Đường Châu, còn tôi mời sư phụ về để cứu ứng đó.
- Sư phụ là ai?
- Thôi bất tất phải nói anh thu xếp đi ngay mới được.
Thang Long vâng lời vội vàng thu xếp khăn gói tiền nong, khoác nón dắt dao, cầm thanh đao lớn vất bỏ cả cửa nhà đồ đạc mà theo Lý Quỳ cùng đi. Khi đi đến tửu điếm Công Tôn Thắng trông thấy Lý Quỳ về bèn có ý gay gắt bảovới Lý Quỳ rằng:
- Anh đi đâu đến giờ này mới về, giá chậm lúc nữa thì tôi lên núi cho rảnh chuyện.
Lý Quỳ nghe nói không dám trả lời lẳng lặng dẫn Thang Long vào lậy chào mà kể rỏ cho Công Tôn Thắng nghe, Công Tôn Thắng thấy vậy cũng có ý vui mừng một chút, đọan rồi Lý Quỳ đem bánh ra ba người ăn uống với nhau. Khi ăn uống xong tính trả tiền hàng rồi Lý Quỳ cùng Thang Long đều khoác khăn gói theo Công Tôn Thắng về lối Đường Châu đi được chừng hai phần đường thì thấy Đới Tung đến tiếp đón. Công Tôn Thắng cả mừng liền hỏi công việc đánh nhau mấy bữa nay ra sao? Đới Tung nói:
- Mấy hôm nay Cao Liêm đã khỏi vết thương ngày nào cũng cho quân khơi đánh, nhưng Ca ca phải chịu nhịn không cho quân ra đánh, đành phải đợi tiên sinh đến đã.
Công Tôn Thắng cười nói rằng:
- Được lắm để tôi đến sẽ hay.
Lý Quỳ lại dẫn Thang Long vào chào hỏi rồi kể chuyện cho nghe, ba người kéo Đới Tung cùng đi. Khi gần tới trại cách năm dặm đường thấy Lã Phương, Quách Thịnh dẫn hơn năm trăm lính cùng ra đón tiếp. Bấy giờ bốn người cùng lên ngựa rồi trở về Đại trại.
Tống Giang, Ngô Dụng thấy Công Tôn Thắng về tới nơi vội vàng hớn hở vui mừng đón vào thăm hỏi, rồi cho đòi các đầu lĩnh vào đến trướng Trung Quân để chào mừng Công Tôn Thắng. Lý Quỳ dẫn Thang Long vào chào Tống Giang, Ngô Dụng cùng các vị đầu lĩnh rồi đặt tiệc ăn mừng rất là vui vẻ.
Ngày hôm sau Tống Giang, Ngô Dụng cùng Công Tôn Thắng bàn việc đánh Cao Liêm. Công Tôn Thắng nói:
- Xin Chủ tướng truyền cho nhổ trại kéo cả quân đến, xem thế giặc ra sao rồi tôi sẽ liệu.
Tống Giang nghe lời bèn truyền cho các trại, hết thảy đều kéo quân đến gần phủ Cao Đường để dàn trận. Khi tới nơi hạ trại yên ổn, đến sáng hôm sau quân sĩ ăn cơm từ trống canh năm, rồi sắp sửa chỉnh tề hết cả. Đọan rồi Tống Giang, Ngô Dụng cùng Công Tôn Thắng cưỡi ba con ngựa ra trước cửa trận, thúc cho khua trống phất cờ xông thẳng vào thành để đánh.
Nói về tri phủ Cao Liêm mới khỏi được vết thương nay bỗng thấy có quân mã Tống Giang kéo đến, chàng liền mặt giáp khoác bào sai mở cửa thành bỏ đích kiều xuống dẫn ba trăm thần binh ra thành nghinh địch. Khi tới nơi đôi bên mở cờ gióng trống dàn thành trận thế, rồi bên kia Tống Giang đứng trước mặt trận có mười viên tướng cưỡi ngựa đứng hàng nhạn hai bên. Bên tả có năm tướng là: Hoa Vinh, Tần Minh, Chu Đồng, Âu Bằng và Lã Phương ; bên hữu năm tướng là: Lâm Xung, Tôn Lập, Đặng Phi, Mã Lân và Quách Thịnh. Khoảng giữa ba viên chủ tướng Tống Giang, Ngô Dụng và Công Tôn Thắng đều thắng trận đứng nom sang trận Cao Liêm. Bấy giờ Cao Liêm thét bảo Tống Giang rằng:
- Bay là quân giặc cỏ ở trong xó rừng vũng nước, nay đã định đánh nhau phải quyết được thua mới được, nếu kinh sợ bỏ chạy thì không phải là hảo hán.
Tống Giang nghe nói liền hỏi:
- Ai chém thằng giặc kia cho ta.
nói vừa dứt lời thì Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh nắm thương phóng ngựa chạy thẳng ra ngoài giữa trận. Cao Liêm thấy vậy quát lên rằng:
- Ai bắt thằng giặc kia cho ta?
Vừa nói xong thì trong đám quan Thống Chế có một viên Thượng Tướng là Tiét Nguyên Huy múa song đao cưỡi ngựa ra đánh với Hoa Vinh, hai bên đánh nhau vừa được vài hiệp Hoa Vinh liền quay ngựa chạy về bản trận Tiết Nguyên Huy cũng múa đao phi ngựa hết sức đuổi theo. Khi đuổi gần tới nơi Hoa Vinh kìm ngựa lại, rồi dương cung đặt tên quay nhắm Nguyên Huy bắn một phát ngã xuống ngựa, hai bên quân lính đều reo hò ầm ỉ cả lên. Cao Liêm thấy vậy cả giận liền cầm miếng bài đồng hai tay đẩy kiếm gõ luôn ba tiếng, rồi thấy giữa trận thần binh có trận ác phong tung động cát vàng làm cho trời thảm đất sầu ai ai cũng kinh sợ. Đọan rồi thấy tiếng reo hò huyên náo, có một toán sài lang hổ báo cùng các thứ trùng độc thú dữ ở trong đám cát vàng hiện ra.
Bên kia Công Tôn Thắng thấyvậy liền cầm thanh kiếm Tùng Văn Cổ Định trỏ sang quân Cao Liêm trong miệng lẩm nhẩm sẻ đọc mấy lời rồi quát một tiếng ''Mau '' bấy giờ thấy một đạo kim quang bắn xéo qua quân Cao Liêm làm các thú dữ đều rớt xuống mặt đất. Quân lính cúi xuống nom thì đám trùng độc thú dữ toàn thị bằng giấy trắng cắt ra, bay là xuống đất thì cát vàng cũng nằm im không tung lên được nữa. Tống Giang thấy vậy cầm roi vẫy gọi toàn quân cùng xông sang đánh giết trong trận Cao Liêm, quân mã Cao Liêm kinh sợ tán loạn thiệt hại rất nhiều. Cao Liêm bèn kéo thần binh vào thành để giữ, quân Tống Giang đuổi đến gần thành, thấy địch kiều đã cất lên cửa thành đã đóng, trên mặt thành đá gỗ ném xuống như mưa liền gõ chiêng thu quân trở về đóng trại.
Khi điểm quân mã đều được đại thắng Tống Giang bèn vào trướng tạ công đức Công Tôn Thắng và khen thưởng khắp mặt tam quân.
Ngày hôm sau lại chia quân làm bốn mặt quanh thành Công Tôn Thắng nói với Tống Giang, Ngô Dụng rằng:
- Hôm trước tuy đánh được quân Cao Liêm nhưng còn ba trăm thần binh chạy cả vào thành và chăng ngày nay đánh thành rất gấp thì tất nhiên quân giặc đêm nay phải thừa kế mà ra d8ây cướp trại. Vậy chiều nay ta nên thu quân làm một, đợi đến chiều tối sẽ cho nấp cả vào các nơi bỏ mặc trại không cho chúng vào cướp và truyền lệnh cho các quân sĩ cứ nghe tiếng sấm hiệu, và trông ngọn lửa ở trong trại bốc lên là phải hết sức đổ ra đánh giết mới được.
Tống Giang nghe lời rồi truyền lệnh cho ba quân tiến lên đánh thành rồi chiều đến kéo cả vềtrại. Chiều hôm đó trong trại mở cờ nổi trống chè chén với nhau, mãi đến chiều tối mới đặt đội ngũ để ra nấp các nơi. Khi mai phục đã yên tịnh đâu vào đó rồi Tống Giang, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Hoa Vinh, Tần Minh, Lạ Phương, Quách Thịnh đều kéo nhau lên chổ gò cao để đợi.
Đêm hôm đó Cao Liêm dẫn ba trăm thần binh mỗi người lưng đeo ống sắt trong đựng các thức lưu huỳnh vá diêm sinh và mỗi người đều cầm dao trượng gậy miệng ngậm hồi còi, nửa đêm mở cửa thành kéo quân đi cướp trại. Cao Liêm dẫn thần binh đi trước sau lưng có ba mươi tên quân đ đuổi theo cùng nhau thẳng kéo tới trại Tống Giang. Khi gần tới trại Cao Liêm ngồi trên mình ngựa làm phép yêu quái, phút chốc đã thấy trời đất đen sì một trận cuồng phong đổ lá rụng cây đưa đến, đọan rồi ba trăm thần binh tiếp lửa vào ống sắt thổi còi làm hiệu xông xáo kéo vào trong trại.
Bên kia Công Tôn Thắng ngồi trên gò cao trông thấy liền giơ kiếm làm phép, rồi thấy trong giữa trại không bỗng dưng nổi lên tiếng sấm rất to, ba trăm thần binh nghe vậy vừa toan quay gót lui ra, bỗng thấy trong trại lửa đỏ rực trời rồi bốn mặt quân phục đổ ra vây chặt trong trại không còn một lối nào mà chạy thoát. Bấy giờ ba trăm thần binh đều bị quân mã Tống Giang giết hết không sót một người. Cao Liêm liền dẫn ba mươi tên quân kỵ chạy trốn về thành. Vừa chạy được mấy bước đã thấy Báo Tử Đầu Lâm Xung dẫn một toán quân mã đuổi sát giạt đằng sau Cao Liêm vội vàng gọi mở cửa thành bỏ địch kiều xuống dẫn được tám, chín quân kỵ chạy thoát vào thành. Còn mấy mươi tên nữa đều bị Lâm Xung bắt sống được cả. Cao Liêm vào trong thành liền đốc thúc dân chúng để trấn giữ trong thành rất là cẩn mật.
Ngày hôm sau Tống Giang lại đến vây đánh thành rất dữ Cao Liêm nghĩ thầm rằng:''Bấy lâu học được phép thuật vẫn tưởng hơn được người, ai ngờ ngày này còn có kẻ cao hơn nữa, như thế thì còn biết tính làm sao? Nay bất nhược phải mau mau viết thư sang hạt Đông Xương và hạt Khấu Châu để cầu cứu mới được. Hai hạt đó gần đây vả chăng hai ông tri phủ đó đều là môn đệ của Ca ca Thái Uý ta, thì tất nhiên họ phải đến cứu không sai..'' Nghĩ đọan viết hai phong thư sai hai quan Thống Chế mở cửa thành bên tây để cướp đường đi cầu cứu.
Bên kia các tướng của Tống Giang thấy người trong thành đi ra đã toan đuổi theo mà bắt. Ngô Dụng gạt đi mà rằng:
- Mặc cho họ đi ta phải dùng mẹo mà bắt mới thú.
Tống Giang hỏi:
- Quân sư định làm thế nào?
- Hiện nay trong thành tất binh nguy tướng ít nên mới sai người ra đi cầu cứu, vậy ta giả làm hai đội quân mã đến ứng cứu rồi đánh nhau lộn bậy ở ngoài để cho hắn mở cửa thành ra tiếp ứng, bấy giờ thừa kế đánh tràn vào đó thì thế nào cũng bắt được Cao Liêm.
Tống Giang nghe cả mừng liền sai Đới Tung về Lương Sơn Bạc lấy hai toán quân mã, chia làm hai để tiến đánh Cao Đường.
Về phần Cao Liêm sau khi sai người đi cầu cứu viện, đêm đêm thường đốt lửa sáng rực ở trong thành để làm hiệu chờ viện binh kéo đến. Cách mấy hôm sau đám binh lính canh thành bỗng thấy quân mã Tống Giang tự nhiên rối loạn xôn xao bèn vội vàng báo cho Cao Liêm biết. Cao Liêm nghe báo lập tức chạy lên mặt thành để xem, bấy giờ trông xa thấy có hai toán quân mã xung đột tung hoành bụi mù rợp đất, đánhgiết luôn tay làm cho bọn giặc vây thành đều bỏ tan tành chạy cả. Cao Liêm thấy vậy biết là viện quân đã đến, bèn điểm hết quân mã trong thành mở tung hết cả cửa thành chia làm bốn mặt mà ùa ạt đánh ra. Khi ra tới ngoài thành, Cao Liêm xông xáo đánh vào trận Tống Giang. Tống Giang, Hoa Vinh, Tần Minh cưỡi ba con ngựa theo lối đường nhỏ mà chạy, Cao Liêm thúc quân mã đuổi riết để bắt. Đương khi đó có pháo nổ liên thanh Cao Liêm lấy làm nghi sợ bèn thu quân toan quay trở về.
Bỗng đâu hai bên đường nổi thanh la ầm ỉ rồi bên tả có Tiểu Ôn Hầu, bên hữu có Kiên Nhân Quý đều dẫn năm trăm quân mã xông ra Cao Liêm cướp đường cố chạy quân mã bị thiệt hại tới quá nửa. Khi chạy thoát được vòng trận về cổng thành, ngẩng lên trông thành đã thấy toàn thị cờ của Lương Sơn Bạc cả.
Cao Liêm kinh hoàng liếc mắt trông quanh không thấy có toán viện quân đâu nữa, chàng bất đắc dĩ phải dẫn đám tàn quân, tìm đường lối hẻm trong núi mà chạy. Chạy được mươi dặm đường, chợt thấy có một đám quân sĩ ở trong núi kéo ra, rối thấy Bệnh Uý Tri ngăn cản giữa đường mà quát lên rằng:
- Chúng ta đợi đây đã lâu muốn sống xuống ngựa đi thôi.
Cao Liêm thấy vậy lại dẫn quân quay lại, bỗng lại thấy Mỹ Nhiệm Công dẫn một toán quân sĩ chắn ngang lấp đường ; rồi hai bên cùng xông vào để đánh Cao Liêm thấy đường đi lối lại đều mắc nghẽn cả, bèn bỏ ngựa xuống bộ rồi lần lên núi để trốn. Bọn kia lại xông lên núi đuổi theo Cao Liêm vội niệm mấy câu thần chú trong miệng rồi quát lên một tiếng '' Lên '' rồi cưỡi lên một đám mây đen phất phơ trên đỉnh núi.
Khi đó Công Tôn Thắng đứng trên sườn núi thấy vậy, bèn ngồi trên mình ngựa cầm thanh kiếm làm phép quát lên một tiếng '' Mau '' rồi trỏ thanh kiếm lên, thì thấy Cao Liêm ở giữa đám mây rơi tung ngay xuống trước mặt Lôi Hoành, Lôi Hoành tiện tay chém một phát đứt làm hai đoạn, rồi xách thủ cấp xuống núi. Tống giang nghe nói giết được Cao Liêm bèn thu quân kéo vào trong thành Cao Đường, trước hết hạ lệnh không cho xâm phạm dân gian và yết bảng cho dân được yên việc làm ăn. Đoạn rồi đến nhà lao để cứu Sài Đại Quan Nhân.
Bấy giờ Tiết Cấp cùng với lính ngục đều chạy trốn mọi nơi, duy còn bốn năm mươi tên tù còn sót lại. Tống Giang lại cho tháo gông mà tha cho tất cả mọi người, mà không thấy Sài Tiến ở đấy. Sau thấy có vợ Sài Hoàng Thành cùng vợ con Sài Tiến đều bị giam vào hai phòng riêng mà Sài Tiến thì không thấy, nên trong lòng buồn bã vô cùng. Ngô Dụng cho đòi tất cả các người làm việc ở chân Cao Đường đến để hỏi. Sau có một người Tiết Cấp tên là Lạn Nhân nói rằng:
- Bữa trước tri phủ Cao Liêm bắt chúng tôi phải giam giữ rất là cẩn thận và có dặn chúng tôi nếu có lỡ xảy ra sự gì, thì cứ đem giết ngay Sài Tiến đi trước. Cách đây ba hôm Phủ lại thúc đem Sài Tiến ra để hành hình, chúng tôi thấy người đó ra vẻ tuấn tú khôi ngô nên người chí khí mới không nỡ ra tay, mà nói dối là Sài Tiến đã ốm gần chết đến nơi không cần phải giết. Sau Tri phủ thúc giục luôn tôi đã phải nói dối là Sài Tiến chết rồi. Đọan rồi trong mấy hôm đánh nhau bận rộn nên tri phủ cũng không hỏi gì đến nữa. Sau lại sợ người bới vẽ đến tai Tri phủ, nên hôm qua tôi đem Sài Tiến ra chổ giếng khô ở phía sau, tháo gông cho nấp xuống đó. Nay không biết có còn hay không?
Tống Giang nghe nói vội bảo Lạn Nhân dẫn ra đi xem. Khi tới nơi nom xuống dưới giếng thấy tối đen mù mịt, không biết nông sâu thế nào, cho người đứng trên kêu gọi thì thấy dưới giếng im phắc như tờ, không có ai trả lời cả. Sau thòng dây xuống để đo mới biết giếng sâu có tới tám chín trượng. Tống Giang thấy vậy rân rấn hai hàng nước mắt mà nói rằng:
- Nếu vậy thì Sài Đại Quan Nhân nguy mất rồi.
Ngô Dụng nói:
- Xin chủ tướng thư tâm để cho người xuống đó dò xét xem sao?
Ngô Dụng vừa nói dứt lời thì Lý Quỳ chạy đến mà kêu lên rằng:
- Để tôi xuống cho.
Tống Giang nói:
- Được lắm! Chính ngươi làm hại Sài Đại Quan Nhân khi trước nay ngươi nên xuống cứu mới phải.
- Tôi xuống đó cũng không sợ gì, nhưng ở trên này đừng cắt dây mới được.
Ngô Dụng nói:
- Sao anh láu thế? Ai đã phản anh mà sợ?
Nói đọan sai người lấy thùng lớn, buộc hai bên cạnh nối đầu thùng rất dài, đặt một cây tre trên miệng giếng rồi quăng dây thừng lên trên đó. Đọan rồi Lý Quỳ cởi trần trùng trục, tay cầm song phủ ngồi vào trong thùng, buộc hai cái chuông bên cạnh thùng, rồi người đứng trên dong dây cho Lý Quỳ xuống giếng. Khi xuống tới đáy giếng Lý Quỳ ra lần mò sờ soạng bất đồ vớ phải đống xương Lý Quỳ kêu một mình lên rằng:
- Ối cha mẹ, cái quái gì mà gớm ghê như vậy?
Chàng lại sờ quanh sờ quẩn, thấy giữa lòng giếng đầy những bùn lầy không sao bước chân xuống được, Lý Quỳ để đôi song phủ vào thùng rồi với đôi tay ra giếng để lần xem. Chàng lần mãi sau thấy một người cuộn tròn trong vũng nước Lý Quỳ vội kêu lên rằng:
- Sài Đại Quan Nhân...
Kêu dứt lời thì thấy người kia trả lời, chàng liền giơ tay vào mũi để xem thì thấy vẫn còn thoi thóp thở. Chàng thấy vậy nói lầm bẩm một mình: '' Lạy trời đất cứ thế này thì còn có cơ cứu sống lại đây ''
Nói đọan lại nhảy vào trong thùng lắc chuông ra hiệu cho ở trên biết. Trên kia nghe thấy chuông hiệu vội vàng co kéo thùng lên. Khi lên tới nơi chỉ thấy một mình Lý Quỳ, Tống Giang lấy làm kinh ngạc mà hỏi, Lý Quỳ kể rõ mọi sự dưới giếng cho Tống Giang nghe. Tống Giang nói:
- Nếu vậy, ngươi lại phải xuống đó đặt Sài Đại Quan Nhân vào thùng, để kéo lên trước, rồi sẽ thòng thúng kéo ngươi lên sau.
- Thôi Ca ca không biết, tôi đi Kế Châu đã gặp hai lần nguy hiểm, nay chả lẽ lại chịu lần nguy hiểm thứ ba nữa.
Tống Giang cười mà rằng:
- Chẳng lẽ ta đùa ngươi hay sao? Ngươi cứ xuống đi mới được
Lý Quỳ vâng lời lại ngồi vào thùng rồi trên này dòng dây cho xuống giếng. Lý Quỳ ẵm Sài Tiến bỏ vào trong thùng lắc chuông ra hiệu cho kéo lên. Chúng kéo được Sài Tiến lên tới nơi, ai nấy đều mừng rỡ vô cùng, khi trông thấy Sài Tiến bị đầu trán sứt sẹo hai bên đùi nát nhừ da thịt, hai con mắt chỉ lim dim không mở ra được, thì mọi người lại thảm thiết xót thương sai người đi mời thầy về chữa ngay lập tức.
Bấy giờ Lý Quỳ ở dưới giếng đợi lâu không thấy thòng thùng xuống kêu la ầm lên Tống Giang nghe tiếng bảo dòng ngay dây xuống để đón Lý Quỳ.
Lý Quỳ lên tới nơi phát bẳn tính rằng:
- Các ông như thế không tốt sao không thòng dây xuống ngay là nghgiã lý gì?
- Vì mải trông Sài Đại Quan nhân nên quên khuấy đi mất... thôi nhà ngươi bằng lòng vậy.
Nói đọan sai người vựt Sài Tiến lên xe, rồi đem vợ Sài Tiến, vợ Sài Hoàng Thành cùng các đồ gia tài xếp hơn hai mươi cỗ xe sai Lý Quỳ, Lôi Hoàng hộ tống về sơn trại. Đọan rồi bắt cả nhà Cao Liêm hơn ba mươi người đều chém đầu ra lệnh, mà thưởng cho tên Lạn Nhân. Lại truyền lấy của trong kho cùng tài sản của nhà Cao Liêm xếp cả lên xe, kéo cờ đắc thắng trở về Lương Sơn Bạc. Khi đi qua các châu quận hề động lấy tơ hào của dân, ai ai cũng lấy làm kính phục.
Tiều Cái cho mời Sài Tiến lên nghỉ ở chỗ Tống Công Minh trên núi và sai làm một dinh cơ khác cho gia quyến Sài Tiến ở. Bấy giờ sơn trại lại có thêm Sài Tiến cùng Thang Long thì ai nấy đều vui vẻ, liền đặt tiệc ăn mừng rất là thoả thích.
Nói về phủ Đông Xương cùng phủ Khấn Châu biết tin Cao Đường bị mất, cả nhà Cao Liêm bị chết hết.Bèn cùng nhau thảo sớ lập tức tâu về triều đình, sau các quan chức ở Cao Đường chạy thốc về kinh để tâu báo cho biết. Cao Thái Uý biết tin anh em là Cao Liêm bị giết lấy làm căm tức trong lòng, liền hăm hở vào triều để tâu cùng Thiên Tử.
Sáng hôm sau đó khi lầu Cảnh Dương chuông động, các quan văn võ đều chỉnh tề triều phục bước vào đan trì để chầu Thiên Tử. Được một lát, Thiên Tử ngồi nơi chính điện có quan Điện Đầu tuyên bố rằng:
- Các quan có việc gì cần vào tâu, bằng không xin đề tan chầu.
Vừa dứt tiếng thì thấy Cao Cầu quỳ trước ban tâu rằng:
- Nay có bọn giặc ở Lương Sơn Bạc thuộc phủ Tế Châu, mấy tên đầu đảng là Tiều Cái, Tống Giang xưa nay tụ họp bọn đại gian đại ác, chỉ chuyên nghề cướp hại nhân dân, đánh phá phủ huyện, càn dở buông dóng không biết tới đâu mà kể. Năm trước đã đánh giết quan quân ở Tế Châu, đánh phá thành Giang Châu và thành Vô Vi rất là tàn ác. Nay lại đánh châu Cao Đường giết hại quan dân, cướp lấy kho tàng làm cho trăm họ phải chịu lầm than, đó là một cái vạ lớn của nhà nước hiện nay, nếu không sớm diệt trừ ngay thì mai sau tất là khó trị. Vậy xin thánh thượng xét cho.
Vua nghe tâu cả kinh bèn truyền chỉ cho Cao Thái Uý lập tức điều binh khiển tướng trừ bọn giặc Lương Sơn. Cao Cầu lại tâu rằng:
- Đám đó tuy vậy cũng là một bọn giăc cỏ bất tất phải lấy đại quân cho phí tổn quốc gia. Nay tôi xin cắt một người này có thể khu trừ ngay được.
- Khanh định cắt người nào ra đó, xin cứ truyền lệnh ra đi, sau nầy đánh giặc có công ta sẽ gia phong tước thưởng.
Cao Thái Uý tâu rằng:
- Người này là con cháu một vị khai quốc công thần Hồ Duyên Tân ở Hà Đông tên là Hồ Duyên Chước khiển hai cây roi đồng sức khoẻ muôn người không kịp hiện làm Đô Thống Chế ở huyện Nhữ Vinh trong tay sẵn có quân tinh tướng giỏi, có thể đánh nổi bọn giặc Lương Sơn. Nay xin phong người ấy làm Binh Mã Chỉ Huy Sứ lãnh các quân mã bộ lập tức ra đó, thì thế nào cũng được thành công.
Vua nghe nói lấy làm vui mừng bèn giao cho Viện Cơ Mật sai sứ thần vâng mang sắc chỉ lập tức ra đất Nhữ Nam mời Hồ Duyên Chước về kính phụng mạng. Khi sứ thần tới Nhữ Nam, Hồ Duyên Chước cùng các quan trong thành ra nghinh đón thánh chỉ, đem về tuyên đọc rồi tiếp đãi sứ thần rất là trân trọng. Đọan rồi lập tức thu thập các đồ mũ mảng, đai giáp, cung tên, gươm ngựa và dẫn ba bốn mươi tên thủ hạ gấp đường về chốn kinh sư.
Cách mấy hôm về đến kinh sư Hồ Duyên Chước đến điện Tư Phủ để chào Cao Thái Uý. Hôm đó Cao Cầu đương ngồi trên Suý Phủ nghe báo Hồ Duyên Chước đã về thì trong bụng lấy làm vui mừng hớn hở, lập tức cho mời vào nói chuyện. Khi Hồ Duyên Chước vào tới nơi Cao Thái Uý đem lời hỏi thăm, rồi đem các đồ thưởng ra cho, sáng sớm hôm sau mới dẫn vào chầu Thiên Tử.
Thiên Tử trông thấy Hồ Duyên Chước tướng mạo đường đường ra dáng một tay dũng lược thì trong bụng rất vui mừng hớn hở liền ban cho một con ngựa Tích Tuyết Ô Truy ngày đi ngàn dặm là một giống ngựa hiếm có xưa nay.
Hôm đó Hồ Duyên Chước vâng tạ ơn vua, rồi theo Cao Thái Uý trở về suý phủđể bàn việc khởi binh. Hồ Duyên Chước nói với Cao Thái Uý rằng:
- Dám bẩm ân tướng tôi xem bọn Lương Sơn Bạc có nhiều tướng giỏi, ngựa mạnh lương nhiều không thể vội khinh ngay được. Vậy tôi xin tiến cử hai tướng làm tiên phong để cùng đi ra đò thì mới có thể khu trù được giặc, chẳng hay ân tướng nghĩ sao?
Cao Thái Uý gật đầu khen phải, liền ân cần hỏi Hồ Duyên Chước xem định tiến cử những ai?
Mới hay:
Một phen huyết chiến dậy trời
Giết quân tàn bạo, cứu người oan khiên
Xưa nay tài trí tương liên
Mà cân hoạ phúc hoàng thiên cũng già.
Ấy ai gây cuộc phong ba
Hao binh tổn tướng dễ mà ích chi?
Con thuyền ngang dọc Liêu Nhi
Giang sơn này biết nặng về ai đây?