Hồi 19
Lương Sơn Bạc, Lâm Xung tôn Triệu Cái
Huy thành huyện Lưu Ðường kiếm Tống Giang

Lâm Xung liền nói lớn rằng:
- Việc nầy cũng bởi Vương Luân lòng dạ hẹp hòi, ghen hiền ghét ngỏ, nên tôi vì việc nghĩa khí trừ kẻ bất nhơn. Nay có Triệu huynh đây là người trọng nghĩa khinh tài, trí dõng kiêm bị, đâu đâu cũng nghe danh, trong ý tôi lấy điều nghĩa khí làm trọng, muốn tôn Triệu huynh làm chủ trại, vậy chớ anh em có bằng lòng chăng?
Các người đều nói:
- Xin vâng lời ấy.
Triệu Cái nói:
- Không nên, vả tôi là người mới tới, lẻ nào lại dám vượt bực như vậy?
Lâm Xung bước lại đỡ nhầu Triệu Cái lên ghế giao ỷ mà rằng:
- Nếu Triệu huynh từ chối thì hãy lấy Vương Luân làm lệ.
Nói rồi liền kêu các người ấy mà khiến tham bái.
Rồi đó, kéo nhau trở lại Tụ nghĩa đường sắp đặt ngôi thứ.
Ðến nơi, Lâm Xung đứng giữa trại nói lớn rằng:
- Nay Triệu huynh làm Chủ trại thì ngồi vị thứ nhứt, Ngô Học Cứu làm Quân sư thì ngồi vị thứ nhì.
Triệu Cái nói:
- Còn Lâm giáo đầu thì ngồi vị thứ ba.
Lâm Xung nói:
- Ðể đó mặc tôi, Công Tôn Thắng thì phải ngồi vị thứ ba còn tôi thì thứ tư ; Lưu Ðường thứ năm ; Nguyễn Tiểu Nhị thứ sáu ; Nguyễn Tiểu Ngũ thứ bảy ; Nguyễn Tiểu Thất thứ tám ; Ðổ Thiên thứ chín ; Tống Vạn thứ mười, còn Châu Quí thì thứ mười một.
Phân ngôi thứ xong rồi thì bày tiệc khánh hạ.
Từ ấy anh em hòa thuận cùng nhau đồng tâm hiệp lực không phải như ngày trước nữa.
Ngày kia Lâm Xung nhớ đến vợ mình là Trương thị, bèn sai người về Ðông Kinh mà rước. Té ra đến Ðông Kinh hỏi thăm người lân cận thì nói Trương thị đã bị Cao Thái úy lấy oai thế ép nài việc hôn nhơn, Trương thị tính bề không khỏi, cho nên tự ãi mà thác đi. Còn vợ chồng Trương Giáo đầu cũng vì việc ấy nên rầu buồn mang bịnh mà thác.
Lâm Xung hay đặng chuyện ấy thì lấy làm buồn bực lắm.
Tù ấy không còn lo đến việc nhà nữa.
Cách ít ngày, xảy có lâu la báo rằng:
- Tế châu phủ có sai hai ngàn binh và bốn trăm chíếc thuyền đến đánh.
Triệu Cái nghe báo cả kinh, lật đật hội kế cùng Ngô Dụng.
Ngô Dụng cười rằng:
- Huynh trưởng chớ lo.
Bèn kêu ba anh em họ Nguyễn lại nói nhỏ rằng:
- Vậy ba ngươi phải làm như vầy..như vầy...
Ba anh em họ Nguyễn lảnh kế ra đi.
Ngô Dụng lại kêu Lưu Ðường lại nói nhỏ rằng:
- Lưu hiền đệ phải làm như vậy..như vậy.. Lưu Ðường lãnh kế ra đi
:(Nguyên quan Phủ doãn nơi Tế châu sai Huỳnh An đem hai ngàn binh tới Thạch Yết thôn mà bắt bọn Triệu Cái).
Khi Huỳnh An đi đến Thạch Yết thôn thì truyền quân dừng thuyền mà nghĩ. Giây lâu thấy có ba người chèo thuyền đến thì biết là ba anh em họ Nguyễn, bèn lật đật hối quân chèo năm mươi tiểu thuyền áp ra vây phủ.
Ba anh em họ Nguyễn chèo tuốt vào rạch nhỏ, quân sĩ chèo thuyền rượt theo.
Còn Huỳnh An cũng đốc quân chèo đại thuyền theo tiếp ứng.
Giây lâu thì cóba tên quân về báo rằng:
- Chúng tôi rượt theo đặng ba bốn dặm, thì thấy trong rạch nhỏ có bảy tám chiếc tiểu thuyền chèo ra, bắn như mưa bấc, còn trên bờ thì có bốn mươi người quăng đá xuống làm cho thuyền bể hết, quân sĩ cả kinh bõ thuyền lên bờ mà chạy, té ra bị quân giặc áp ra giết hết. Còn ba đứa tôi nhờ dịp chộn rộn liều mạng chống tiểu thuyền nầy trốn đặng, về đây thông báo cùng ngài.
Huỳnh An nghe báo cả kinh, lật đật hối quân trở lại. Mới vừa quay thuyền trở lại thì thấy có phục binh ở trong bụi lau xông ra bắn như mưa, Huỳnh An liệu bề đại thuyền chạy không khỏi bèn lật đật nhãy qua tiểu thuyền mà đào nạn, còn quân sĩ thì bị thác hết.
Khi Huỳnh An còn đương hối quân chèo tiểu thuyền mà trốn, xảy thấy một chiếc thuyền xông ra đón đầu mà nạt lớn:
- Chạy đi đâu cho khỏi.
Nói rồi liền nhãy qua thuyền bắt sống Huỳnh An. (Nguyên người ấy là Lưu Ðường).
Rồi đó Lưu Ðường giải Huỳnh An về sơn trại.
Ba anh em họ Nguyễn giải những thuyền lớn thuyền nhỏ về thủy trại.
Triệu Cái cả mừng, truyền dọn tiệc mà hỉ hạ, Triệu Cái lại khiến cầm tù Huỳnh An nơi hậu trại.
Ðương khi ăn uống thì có lâu la báo rằng:
- Chúng tôi dọ đặng mười mấy người thương khách đi bộ, chiều nay sẽ đi ngang qua đây. Triệu Cái nghe báo thì hỏi rằng:
- Có ai lảnh mạng ra đi hay chăng?
Ba anh em họ Nguyễn xin đi.
Triệu Cái chịu cho, lại sai Lưu Ðường tiếp ứng nữa.
Bốn người ấy vâng lệnh ra đi đến chừng trời sáng thì đem về hai chục xe vàng bạc lụa là và năm chục con ngựa.
Triệu Cái cả mầng, lại truyền dọn tiệc khao thưởng mấy người ấy.
Nói về thủ hạ của Huỳnh An còn lại một hai người trốn thoát trở về báo hết các việc cho quan Phủ doãn Tế châu hay.
Quan Phủ doãn cả kinh, nhứt diện làm văn thơ cáo cấp cùng quan trên ; nhứt diện làm tờ công văn truyền rao cho các nơi, khiến phải giử gìn nghiêm nhặt.
Tờ ấy truyền đến Huy thành huyện. Tri huyện xem rồi thì khiến Tống Giang truyền lại cho các nơi.
Tống Giang nghĩ rằng:
- Té ra Triệu Cái đã gây ra đại sự như vậy. Nếu Triều đình hay đặng cử đại binh đến thì cự làm sao lại? Thiệt cũng là một việc đáng lo cho va. Bèn đem tờ ấy truyền rao cho các nơi.
Khi Tống Giang đương đi, xảy nghe phía sau có người chạy theo kêu rằng:
- Bớ Áp Ti, xin dừng gót ngọc cho tôi nói chnyện.
Tống Giang nghe kêu bèn dừng chơn lại thì thấy Vương bà đi với một người đàn bà nào lạ mặt, chạy lại nói với Tống Giang rằng:
- Nguyên chồng của bà nầy là hát bội, tên là Diêm Công ; cho nên người ta kêu bà là Diêm bà, nay chồng bà đau bịnh thiên thời mới thác hồi hôm nầy, nhà nghèo lắm, không tiền mua quan quách mà tẩn liệm. Tôi thấy vậy dắt bả đi kiếm Áp Ti, đặng xin một cái quan tài.
Tống Giang nghe nói liền ghé vào tiệm rượu mượn viết mực, làm một cái thơ giao cho Diêm bà, khiến đem đến chổ bán quan tài giao cho chủ tiệm là Trần Nhị Lang, rồi khiêng một cái quan tài về lo việc tống táng cho chồng.
Khi Diêm bà chôn cất chồng xong rồi, thì cậy Vương bà dắt đến nhà Tống Giang mà tạ ơn. Ðến chừng tù giả ra về, đi dọc đường thì Diêm bà hỏi Vương bà rằng:
- Tống Áp Ti coi bộ cũng lớn tuổi sao lại còn chưa có vợ?
Vương bà nói:
- Sao lại không có, nguyên Áp Ti có gia thế lớn ở nơi Tống Gia thôn ; còn chổ nầy là chổ ngụ, ở đở mà làm việc quan. Nầy, Áp Ti ấy có lòng nhơn đức lắm, thuở nay cứu giúp người nghèo biết là bao nhiêu.
Diêm mà nói:
- Tôi có một đứa con gái tên là Diêm Bà Tích, mười tám tuổi, nhan sắc cũng đẹp, khi trước cha nó dạy hát xướng cũng hay. Bây giờ tôi muốn gã nó cho Tống Áp Ti mà đền ơn trọng ấy. Xin chị làm ơn nói giúp cho nên việc.
Vương bà chịu.
Ngày kia, Vương bà đến nói với Tống Giang. Ban đầu Tống Giang không chịu, sau thấy Vương bà nói lắm thì cũng bằng lòng, bèn mướn một căn phố lầu cho mẹ con Diêm bà ở đặng tới lui. Từ ấy Diêm Bà Tích mới đặng ăn mặc lành lẻ.
Khi ban đầu thì Tống Giang mỗi đêm mỗi tới, sau lần lần năm ba đêm mới tới một đêm.(Ấy là Tống Giang có chí khí anh hùng. Tuy kết vợ chồng mặc dầu, song không chịu đắm mê tửu sắc )
Ngày kia Tống Giang đi với một người thiếu niên họ Trương tên Văn Viễn, người xứ ấy gọi là Trương Tam đến chổ Diêm Bà Tích ở mà ăn uống.
Trương Tam thấy Diêm Bà Tích diện mạo phương phi thì đem lòng tà niệm, Diêm Bà Tích thấy Trương Tam hình dung tuấn tú, thì mong dạ tư thông, hai đàng mi lai nhản khứ với nhau thì đã biết tình ý với nhau rồi.
Cách ít ngày, Trương Tam giả chước đi kiếm Tống Giang đặng có trò chuyện cùng Diêm Bà Tích. Từ ấy hai đàng ý hiệp tâm đầu càng ngày càng nồng.
Diêm Bà Tích không còn tưởng đến Tống Giang chút nào hết. Hễ thấy Tống Giang tới thì kiếm điều nói xúc tâm cho Tống Giang giận mà trỡ về chổ ngụ đặng có ăn nằm với Trương Tam .
Ðến sau Tống Giang hay đặng Diêm Bà Tích tư thông với Trương Tam, thì dứt tình không tới lui với Diêm Bà Tích nữa.
Ngày kia đuơng lúc chiều tối.
Tống Giang đi dạo ngoài đường, xảy gặp Lưu Ðường bước lại thi lễ rồi nắm tay Tống Giang dắt lại chổ thanh vắng.
Tống Giang nhìn biết Lưu Ðường thì cả kinh mà rằng:
- Sau Lưu hiền đệ dám cả gan xuống tới chốn nầy?
Lưu Ðường nói:
- Vì tôi vâng lịnh Triệu Bảo Chánh, nên phải liều mạng đến đây mà đền ơn cho hiền huynh.
Nói tới thì lấy thơ trao cho Tống Giang.
Tống Giang dắt Lưu Ðường vào quán rượu, đặng mượn đèn mà xem thơ ấy.
Khi Tống Giang xem rồi thì Lưu Ðường lấy ra một gói vàng ròng một trăm lượng, để trên ghế mà nói nhỏ với Tống Giang rằng:
- Triệu huynh khiến tôi đem vàng này mà đền ơn cho hiền huynh.
Tống Giang nói:
- Vàng ấy xin hiền đệ đem về đặng cho Triệu huynh tiêu dùng trong sơn trại.
Lưu Ðường không chịu, lấy gói vàng mà nhét vào túi chiêu văn của Tống Giang.
Tống Giang nói hoài, nhưng Lưu Ðường cũng không nghe túng phải làm thinh mà lảnh vàng ấy.
Rồi cũng bỏ phong thơ của Triệu Cái vào trong túi chiêu văn đó.
Khi ấy Tống Giang kêu tửu bảo dọn rượu thịt cho Lưu Ðường ăn uống.
Trong khi ăn uống thì Lưu Ðường nói với Tống Giang rằng:
- Rồi đây tôi cũng phãi đi kiếm Châu Ðồng mà đền ơn nữa.
Tống Giang nói nhỏ rằng:
- Chổ nầy không nên ở lâu đâu vậy hiền đệ phải về cho chóng. Ngày sau sẽ xuống mà đền ơn cũng đặng.
Lưu Ðường khen phải.
Ăn uống rồi thì Lưu Ðường từ giả Tống Giang trở về sơn trại.
Tống Giang đưa đi một khoảng xa rồi mới trở lại.
Nhơn lúc trăng tỏ, Tống Giang muốn dạo chơi hóng mát luôn thể.
Khi đương đi thì gặp Diêm Bà chạy theo mà nói với Tống Giang rằng:
- Mấy ngày rày tôi kiếm Áp Ti hoài mà không gặp, nay mới gặp đây, xin hảy về nhà đặng tôi nói chuyện cho Áp Ti nghe.
Tống Giang nói:
- Hôm rày tôi mắc việc quân nhiều lắm, nên về không đặng, để rảnh việc rồi tôi sẽ về.
Diêm Bà nói:
- Tôi biết con tiện nhơn ấy nói bậy, làm cho Ap Ti giận mà không về nữa. Nay tôi nói với Áp Ti ít lời xin tưởng tôi mà trở về đó một đêm, đặng tôi khiến nó lạy lục Áp Ti mà xin lỗi.
Tống Giang kiếm lời từ chối mà không chịu đi.
Diêm Bà năn nỉ hoài, Tống Giang cầm lòng không đậu, nên phải đi với Diêm Bà.