Scan: Motsach, Đánh máy: TrungLeTran
Hồi 51
Lý Quỳ đánh chết Âu Thiên Tích
Sài Tiến bị hãm Cao Đuờng Châu .

Khi đó Chu Đồng nói với mọi người rằng:
- Nếu các ngài có lòng cho tôi cùng lên sơn trại thì xin giết tên Hắc Toàn Phong đi mới được...
Lý Quỳ nghe nói cáu lên mà rằng:
- À? Anh định giết tôi hay sao? Việc này là Tướng lệnh của Tiều Cái, Tống Giang chứ việc gì đến tôi mà...
Chu Đồng cũng hằm hằm giận dữ toan xông đến đánh nhau ngay, hai người kia lại phải xúm vào mà khuyên ngăn mãi.
Chu Đồng bảo với ba người kia rằng:
- Nếu có Hắc Toàn Phong ở đó dẫu chết tôi cũng không lên sơn trại..
Sài Tiến nói:
-Cái đó thì dể lắm, để Lý đại ca ở đây với tôi còn ba các ông cứ về sơn trại cho Tiều Cái, Tống Giang bằng lòng là được rồi.
Chu Đồng nói:
-Hiện nay đã xẩy ra sự thể như vậy, chắc là Quan Phủ tư giấy về huyện Vận Thành mà tróc nã cả nhà tôi thì làm sao cho đặng?
Ngô Dụng nói:
- Xin ngài cứ an tâm, có lẽ bây giờ Tống Công Minh đã cho đón quý quyến lên sơn trại rồi đó.
Chu Đồng nghe nói đến đó mới thư tâm một chút. Sài Tiến bèn sai đặt tiệc thiết đãi Chu Đồng, Ngô Dụng cùng Lôi Hoành rồi chiều hôm đó ba người cùng từ tạ mà đi lên sơn trại. Sài Tiến sai đóng ba cỗ ngựa để đưa ba người ra đến cửa quan. khi sắp sửa ra đi Ngô Dụng gọi Lý Quỳ dặn mà bảo rằng:
-Ngươi ở nhà Đại quan nhân đay tất phải giữ gìn cẩn thận không nên ngông ngáo làm càn, rồi trong một vài tháng nữa đợi khi Chu Đồng bớt giận, bấy giờ sẽ đón ngươi về sơn trại vàmời Đại quan nhân đây sẽ lên nhập đảng một thể.
Lý Quỳ nghe nói vâng lời bái biệt quân sư, đoạn rồi Ngô Dụng, Lôi Hoành cùng Chu Đồng bái biệt Sài Tiến mà cùng nhau đi lên Sơn Bạc. Khi ra khỏi địa phận Thương Châu ba người giao ngựa cho trang khách đem về rồi cùng nhau xuống bộ mà đi. Được ít lâu về tới hàng rượu Chu Quý liền sai người lên báo cho sơn trại biết. Tiều Cái, Tống Giang nghe báo cả mừng dẫn các đầu lĩnh dóng trống mở cờ cùng nhau ra bến Kim Sa để đón. Ngô Dụng và Lôi Hoành đưa Chu Đồng vào đến bến Kim Sa, cùng các vị đầu lĩnh thi lễ rồi cùng nhau lên ngựa đi vào Tụ Nghĩa Sảnh, mà chuyện trò một hồi hàn huyên.
Chu Đồng nói với các vị đầu lĩnh rằng:
- Tôi nay được các ngài có lòng hạ cố cho đón lên đây thực là cảm ơn vô hạn, song hiện còn gia quyến ở nhà nếu nhất lỡ Quan phủ tư giấy lôi thôi bắt bớ thì biết lấy ai mà cứu cho ra mới được?
Tống Giang cưới mà đáp rằng:
- Bà chị cùng cháu tôi đã đưa lên đây lâu rồi, huynh trưởng còn điều chi mà ngại?
Chu Đồng hỏi:
- Hiện nay ở đâu, xin Đầu lĩnh cho tôi được biết?
Tống Giang đáp:
- Hiện ở với thân phụ tôi đó, xin huynh trưởng qua thăm một chút cho yên tâm
Nói đoạn đưa Chu Đồng đến chổ Tông Thái Công ở rồi gọi vợ con Chu Đồng ra để cùng nhau trò chuyện. Vợ Chu Đồng nói với chồng rằng:
- Mấy bữa nay có mấy người đem giấy đến nói rằng: Tiết Cấp đã nhập đảng ở Lương Sơn, và giục tôi phải xếp dọn hành lý mà lên đay ngay lập tức. Nhân vậy tôi phải đến đây song đợi mãi không thấy Tiết Cấp về đây, nên không biết đầu đuô ra sao mà nói.
Bấy giờ Tống Giang mới đem lời trung thực mà xin lỗi với vợ chồng Chu Đồng, rồi mời Chu Đồng cùng Lôi Hoành xuống đóng trại ở dưới núi, và nhất diện sai mở tiệc để ăn mừng.
Bắc Nam buộc mối thâm tình
Rồi đây nước biếc non xanh còn dài
Cùng nhau ngang dọc ở đời
Trăm năm chỉ thẹn với lời bình sinh
Nói về Quan Phủ Thương Châu đêm hôm ấykhông thấy cậu ấm về thì trong lòng lấy làm nỏng nẩy lo sợ, liền cho người đi tiềm kiếm khắp cả mọi nơi. Đến sáng thấy người về báo là cậu ấm đã bị giết và hiện còn bỏ xác trong khu rừng đó. Quan Phủ nghe báo như sét đánh ngang tai, lập tức theo đến khu rừng đó để xét nghiệm. Khi tới nơi thấy con trai nằm chết ở đó thì vật mình than khóc hồi lâu, rồi sai người sửa áo quan để đem chôn. Đoạn rồi tư giấy sang huyện Vân Thành, tư đi các nơi để dò bắt Chu Đồng. Cách mấy hôm sau thấy công văn huyện Vân Thành tư sang nói rằng: Chu Đồng đã đem cả gia quyến mà trốn đi đâu mất.
Còn về phấn Lý Quỳ ở bến Sài Tiến thấm thoát đã hơn một tháng trời,chợt một hôm có một người ra dáng hối hả đem một phong thư đến cho Sài Tiến. Sài Tiến xem thư cả kinh mà rằng:
- Nếu vậy thì ta phải thân hành ra đi một phen mới được
Lý Quỳ hỏi:
-Đại quan nhân có viêc gì cần gấp như vậy?
- Tôi có một ông chú là Sài Hoàng Thành hiện ở Cao Đường Châu nay bị tên Ân Thiên Tích là anh em vợ của tri phủ Cao Liêm đến chiếm cứ vườn hoa, làm cho chú tôi phải tức tối mà đâm ra sinh bệnh, nguy hiểm đến nơi nay tính mệnh cơ hồ khó sống, nên mới gọi tôi sang đó để dặn dò công việc về sau. Vả chăng chú tôi lại không có con cái gì, thế tất tôi phải sang ngay mới được.
- Đại quan nhân định đi, tôi xin theo ngài cùng đi một thể có được không?
- Nếu đại ca cùng đi một thể cho vui, thì còn gì hơn nữa?
Nói đoạn liền sai người sửa soạn hành lý, chọn mười lăm con ngựa tốt và chọn mấy người trang khách thạo việc, rồi sáng hôm sau cùng nhau lên ngựa ra đi.
Khi tới Cao Đường thẳng vào trong phủ Sài Hoàng Thành. Sài Tiến để Lý Quỳ cùng đám người nhà ở ngoài nhà ngoài rồi một mình vào nhà trong thăm chú. Sài Tiến vào đến trong phòng hỏi thăm bệnh bình, rồi ngồi vào ghế ở bên cạnh chú nằm mà nức nở khóc không thôi. Người vợ kế Sai Hoàng Thành chạy ra khuyên giải mà rằng:
- Đại quan nhân đi đường khó nhọc tới đây, hãy xin thư tâm an nghỉ chớ vợi lo nghĩ phiền nảo làm chi?
Sài Tiến gạt nước mắt mà thăm hỏi đầu đuôi mọi lẽ, người vợ kế Sài Hoàng Thành đáp rằng:
- Ở đây cótri phủ mới đến tên là Cao Liêm anh em thúc bá với Cao Thái Uý ở Đông kinh kiêm giử binh quyền bản phủ, nương cậy thế anh uy quyền rất là lộng lẫy. Hắn nuôi một người anh em vợ là Ân Thiên Tích vẫn thường gọi là Ân Trực Các, tên này tuổi tuy còn nhỏ song ỷ thế Tri phủ mà làm càn làm dở, vô sở bất chi. Sau nhân có mấy đứa hùa đảng tâu nộp với hắn là nhà ta có vườn hoa rất đẹp, lại có Thuỷ đình ở trong. Hắn bèn dẫn đến hai ba mươi đứa gian đồ vào đây để xem rồi bắt nhà ta phải dời đi chổ khác cho hắn đến ở đây. Hoàng Thành thấy vậy có bảo với hắn, là nhà ta vốn dòng dõi kim chi ngọc diệp hiện có đơn thư thiết khoán của hoàng triều, không có phép nào đến đây mà ăn hiếp thế được? Ngờ đâu thằng cha ấy nhất định không nghe, bắt nhà ta phải dọn đi ngay lập tức. Hoàng Thành nhân thế sinh ra cãi nhau với hắn, song hắn lại thị thế đánh luôn không nể chút nào, bởi vậy Hoàng Thành phẫn uất mà sinh ra bệnh, cơm cháo không ăn thuốc men vô ích. Đến bây giờ chỉ còn thiếu một phần chết nữa thôi, nếu không có Đại quan nhân sang đây thì công việc thật là rắc rối, không còn biết trông cậy vào đâu được.
Sài Tiến nghe nói thở dài mà rằng:
- Thôi thím cứ an tâm cố tìm thầy mà thuốc men cho chú, sau nó có nhũng nhiểu điều chi cháu khắc cho người về Thương Châu đem đan thư thiết khoán đến đây rồi ta sẽ liệu, cho dẫu đến ngay trước mặt Thiên tử cũng kgông sợ gì cả
- Nếu vậy các công việc xin Quan nhân cáng đáng giúp cho, chứ như chú bây giờ còn làm gì được nữa?
Sài Tiến vâng lời ngồi trông nom hầu hạ chú hồi lâu, rồi trở ra ngoài nói chuyện cho Lý Quỳ cùng mọi người được biết...
Lý Quỳ nghe vậy nhảy lên mà rằng:
- Quân ấy thế thì vô lý quá, tôi có đôi đại phủ để tôi sửa cho nó một bửa đã rồi sẽ liệu...
Sài Tiến gạt đi mà rằng:
- Lý đại ca không nên vội nóng, mình cần chi mà phải đối đầu với nó dẩu nó có ỷ thế làm càn song nhà tôi có sắc chỉ của vua, can chi phải nói với nó. Còn chổ kinh sư to bằng mấy nó, khắc là công việc phải phân minh lẽ nào ta sợ
- Ối chà! Luật với pháp thì làm gì... nếu nó dùng được pháp luật thì thiên hạ đã không đến nỗi rối loạn? Tôi đây thì cứ đánh trước rồi mới nói, nếu nó còn thưa kiện ở đâu thì chém luôn một lũ quan ranh ấy đi một thể chứ cần gì?
Sài Tiến nói rằng:
- Không trách Chu Đồng với đại ca không yên với nhau được, ở đây là chốn cấm thành, có phải đâu như sơn trại nhà bác mà làm liều được hay sao?
- Cấm thành mà làm gì? Ở Giang Châu, ở Vô Vi quận dễ thường tôi không giết người đấy hẳn?
Sài Tiến lại cười mà rằng:
- Được, hãy để tôi xem sao đã.. nếu vô sự thì xin bác hãy cứ ngồi yên đây cho, thế là tốt rồi.
Đương khi nói chuyện, bỗng thấy mấy người tỳ thiếp hớt hải chạy ra mời Sài Tiến vào phòng Hoàng Thành. Chạy vào tới nơi, thấy Hoàng Thành dàn dụa đôi hàng nước mắt nói với cháu rằng:
- Cháu là một người chí khí hiên ngang, không thể để nhục đến tổ tiên ngày trước, nay ta bị Ân Thiên Tích hiếp bách quá chừng khó lòng sống được, vậy cháu cháu xin nghĩ đến tình xưa đem thư vào kêu với Thánh hoàng để báo thù cho ta, ta đây dẫu thác xuống suối vàng cũng được cảm ơn đôi chút.
Nói xong nấc lên một tiếng rồi nhắm mắt xuôi tay mà về nơi tiên giới Sài Tiến thấy vậy mà ôm chú khóc lóc kêu gào rất thảm thiết. Người thím sợ khi Sài Tiến quá thương nên bệnh, vội lấy lời uyển chuyển mà than rằng:
- Đại quan nhân chớ nên phiền muộn làm chi, phải yên tâm mà lo liệu việc nhà mới được.
- Hiện nay giấy má còn để ở nhà tôi cả, tất phải sai người lâp tức lấy về đây, mà làm sớ tâu về triều đình mới được, bây giờ hãy lo khâm liệm quan quách làm lễ thành phục rồi sau sẽ liệu việc nhà.
Nói đoạn liền theo quan chế mua sắmquan quách, bày đặt linh sàng rồi cùng nhau làm lể thành phục. Lý Quỳ nghe tiếng ở trong nhà than khóc thì giay tay mắm miệng buồn bực vô cùng, song dò hỏi người nhà không ai nói chuyện cho biết cả. Bấy giờ trong nhà mời các vị sư đến làm lể rất là huyên náo. Đến ngày thứ ba Ân Thiên Tích ngà ngà hơi rượu, cưõi ngựa dẫn hai ba mươi tay nhân đăng, tay cầm cung tên, miệng thổi sáo địch lửng thững rong chơi quanh phố hồi lâu, rồi mượn chén giả say mà nghênh ngang vào phủ Hoàng Thành. Khi tới nơi liền kìm ngựa đứng ngoài cửa thét gọi người nhà Hoàng
Thành ra hỏi. Sài Tiến nghe nói vội vàng mặc đồ nguyên tang chạy trở ra để chào, Ân Thiên Tích ngồi trên mình ngựa hỏi:
- Ngươi là người nào trong nhà này?
- Tôi là Sài Tiến là cháu Hoàng Thành ở đây.
- Hôm nọ ta bảo phải dọn tất cả đi, làm sao lại còn lẩn quẩn ở đó?
- Vì chú tôi bị đau nặng nên chưa thể dọn đi được. Hôm nay chẳng may chú tôi đã tạ thế rồi, vậy xin để đến hết thất tuần chúng tôi sẽ dọn đi ngay.
- Cái quái này, ta chỉ hạn cho ba ngày phải dọn đi ngay, bằng không ta gông cổ lại đánh đủ một trăm trượng cho biết phép.
Sài Tiến nói:
- Trực Các không nên thế, nhà tôi đây cũng dòng kim chi ngọc diệp, hiện có đan thư thiết khoán của thiên triều ai không là phải kính.
- Ngươi đem đây ta xem.
- Hiện tôi còn để ở Thương Châu đã cho người về lấy rồi.
Ân Thiên Tích nghe nói cả giận mà rằng:
- Quân này nói càn, không có thiết khoán thì ta sợ gì? Chúng bay đâu đánh thằng này cho ta.
Khi đó Hắc Toàn Phong Lý Quỳ nấp trong khe cửa nghe thấy Ân Thiên Tích thét đánh Sài Tiến liền mở tung cửa thét lên một tiếng, rồi nhẩy ra trước chận Thiên Tích xuống để mà đánh. Bọn hai mươi người kia toan sấn vào để đánh tháo, bị Lý Quỳ giơ tay gạt cho mấy anh ngã cả ra, rồi ù té chạy mất cả. Lý Quỳ quay lại vớ Ân Thiên Tích thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh luôn một chập Sài Tiến hết lời cản ngăn không được Lý Quỳ đánh luôn một lúc thì Ân Thiên Tích đã trợn mắt ngay người mà chết ngay đó. Sài Tiến lấy làm lo sợ kéo Lý Quỳ vào nhà trong mà bảo rằng:
- Chết nổi! Bác làm thế thì nguy hiểm quá không ở đây được đâu, phải lập tức trốn về Lương Sơn còn đây mặc tôi mới được.
Lý Quỳ nói:
- Tôi về thì khó gì nhưng Đại quan nhân ở đây tất là nguy hiểm, nhu thế tôi đi sao đành?
- Tôi đây đã có đan thư thiết khoán không ngại gì cả bác cứ về đi, chậm trễ là nguy mất cả.
Lý Quỳ vâng lời cầm đôi song phủ, lấy ít tiền bạc rồi theo lối cửa sau mà trốn về Lương Sơn. được một lát có hơn hai trăm người vác gươm giáo đến vây nhà Hoàng Thành, tìm bắt Lý Quỳ không thấy liền trói Sài Tiến mà giải vào phủ. Tri phủ Cao Liêm thấy Ân Thiên Tích bị người đánh chết, thì trong lòng tức bực như xé ruột gan đương nghiến răng nghiến lợi để đợi bắt người về tra hỏi. Khi thấy chúng giải Sài Tiến đến tri phủ liền quát lên hỏi rằng:
- Đồ súc sinh sao dám đánh chết người nhà quan, như thế phỏng đáng tội gì?
- Chúng tôi là con cháu Sài Thế Tôn khi xưa, hiện trong nhà có đan thư thiết khoán của Thái Tổ tiền triều để lại ở Thương Châu. Nay nhân qua đây thăm chú là Sài Hoàng Thành chẳng may chú mất vẫn còn định tang ở trong nhà. Dè đâu tên Ân Thiên Tích đem hai ba mươi tên người nhà đến toan đuổi chúng tôi mà chiếm lấy gia tài, tôi có phân giải đầu đuôi thì Trực Các nhất định không nghe mà sai người đánh ngay lập tức. Sau có tên người nhà tôi là Lý Đại đến che chở cho tôi chẳng may đánh phải Trực Các chứ tôi đây không có can thiệp
Cao Liêm quát hỏi:
- Tên Lý Đại ở đâu?
- Bẩm nó sợ bỏ chạy mất rồi.
- Nó là một thằng người nhà nếu không có lệnh của chủ khi nào nó dám đánh? Việc này chắc là ngươi thủ xướng rồi lại buông tha cho nó chạy, không tra tấn thì khi nào ngươi chịu thú?
Nói đọan quát lính đem Sài Tiến ra để đánh tấn. Sài Tiến kêu:
- Việc đó là tên Lý Đại nó cứu chủ lỡ đánh chứ việc gì đến tôi? Vả chăng tôi đã có thệ thư thiết khoán của nhà vua, có lẽ đâu dám thiện tiện mà gia hình ngay được?
- Vậy thệ thư ở đâu?
- Tôi đã cho người về Thương Châu để lấy rồi...
Tri phủ làm bộ giận dữ quát lên rằng:
- Tên này dám kháng cự với quan trên, chúng đâu cứ đem đánh đi cho ta.
Chúng vâng lời kéo Sài Tiến ra đánh mấy chục trượng nát thịt vọt máu tươi ra, không sao chịu nổi. Sau Sái Tiến biết thế không chống nổi bèn chịu nước thú nhận là sai tên Lý Đại đánh chết Ân Thiên Tích. Tri phủ liền sai đóng gông tử tù nặng hai mươi nhăm cân, giam xuống nhà ngục, và nhất diện sai đem xác Ân Thiên Tích về để mai táng. Vợ Cao Liêm thấy anh em bị chết liền lập chí báo thù, sui Cao Liêm tịch ký nhà cửa Sài Hoàng Thành bắt hết người nhà giam vào trong ngục.
Trời xanh khéo cũng trêu ngươi
Đem mồi phú quý nhử người tham ngu
Xưa nay tục tử phàm phu
Biết đâu thiên lý mà lo tránh mình
Nói về Lý Quỳ hôm đó từ giã Sài Tiến gấp đường về thẳng Lương Sơn vào Đại trại để chào các vị đầu lĩnh. Chu Đồng trông thấy Lý Quỳ lại đùng đùng nổi giận vác ngay đao xông đến để đánh. Lý Quỳ cũng múa song phủ ra đấu với Chu Đồng, các vị đầu lĩnh thấy vậy vội vàng chạy lại can ngăn, rồi Tống Giang nói với Chu Đồng rằng:
- Những việc dạo trước là vì Ngô quân sư thấy huynh trưởng không chịu đến đây mới làm kế như vậy, thực không có can thiệp gì đến Lý Quỳ cả. Nay huynh trưởng đã lên đến đây thì bỏ hết chuyện đó đừng chấp nhất làm gì, phải cùng nhau hiệp lực đồng tâm để cùng toan làm đại nghĩa mới được.
Nói đọan liền quay qua bảo Lý Quỳ vào nói lại với Chu Đồng, Lý Quỳ trợn hai mắt tròn xoe mà nói lại rằng:
- Có lẽ nào tôi phải thế? Tôi ở sơn trại đã bao lâu kể cũng có công lao đôi chút, còn hắn ta mới đến đây có được điều gì mà bắt tôi phải nói lại.
- Việc trước dẩu có tướng lịnh của quân sư, nhưng kể tuổi ra ông ta đáng làm anh ngươi, ngươi nên nói lại với ông ta, ta sẽ lạy ngươi là hết.
Lý Quỳ bị Tống Giang bức bách không thể dừng được, đành phải bảo với Chu Đồng rằng:
- Cứ lý ra tôi đây cũng chẳng sợ gì cả, nhưng ca ca ta đã nói vậy, thì ta cũng phải nể mặt nể lòng mà nói lại đây thôi.
Tống Giang lại bắt Lý Quỳ phải lạy Chu Đồng hai lạy và sai làm tiệc ở trong sơn trại để dàn xếp cho đôi bên thoả thuận với nhau. Trong khi ăn tiệc Lý Quỳ kể đến chuyện của Sài Tiến ở Cao Đường Châu, Tống Giang nghe rõ đầu đuôi liền cả kinh mà rằng:
- Nếu ngươi đánh chết Ân Thiên Tích mà bỏ đấy để trốn, thì tất là nguy hiểm đến Đại quan nhân, không thể nào tránh được?
Ngô Dụng bảo với Tống Giang rằng:
- Việc đó không hề chi, cứ đợi Đới Tung về đây sẽ hiểu...
Lý Quỳ hỏi:
- Đới viên trưởng đi từ bao giờ?
- Bữa trước ta sợ ngươi ở trong nhà Sài quan nhân hoặc lỡ có sinh ra sự gì nên phải bảo đến đó dò xem. Nay đến đó không gặp ngươi thì tất nhiên ông ta phải sang Đường Châu để thăm hỏi, co lẽ cũng sắp về tới đây thì phải.
Nói vừa dứt lời thì thấy tiểu lâu la báo:
- Đới viên trưởng đã về.
Tống Giang nghe báo vội ra đón tiếp, cùng vào đại sảnh rồi hỏi đến chuyện Sài Đại quan nhân. Đới Tung nói:
- Khi tôi đến Thương Châu nghe tin Lý Quỳ đã theo Sài Đại quan nhân đi sang Cao Đường tôi lại vội vàng lần ngay sang đó. Sau đến Cao Đường thấy họ đồn ầm lên rằng: Ân Thiên Tích tranh chiếm nhà của Sài Hoàng Thành là chú của Sài Đại quan nhân. Sài Đại quan nhân đã bị bắt giam vào trong ngục, còn nhà cửa của Sài Hoàng Thành đều bị Tri phủ là Cao Liêm chiếm nhận, lại còn đánh khảo Sài Đại quan nhân rất là tàn nhẫn.
Tiều Cái nghe nói liền bảo với mọi người rằng:
- Sài Đại quan nhân vốn có ân to cùng bọn sơn trại ta đây, nay mắc phải nguy hiểm như thế lẽ nào mà không cứu cho đành. Vậy tôi phải đi qua xuống đó xem sự thể ra sao mới được.
Tống Giang nói:
- Ca ca là chủ của sơn trại không thể đi liều như thế được, vả tôi với Sài Đại quan nhân lại có ơn nặng từ xưa. Vậy tôi xin thay Ca ca để đi chuyến này...
Ngô Dưng nói:
- Cao Đường Châu thành trì tuy nhỏ nhưng lương sẵn người đông, không thể khing địch được việc này phải phiền Lâm Xung, Hoa Vinh, Tần Minh, Lý Tuấn, Lã Phương, Quách Thịnh, Tôn Lập, Âu Bằng, Dương Lâm, Đặng Phi, Mã Lâm, Bạch Thắng dẫn ba nghìn quân mã bộ đi làm tiên phong. Trung quân chủ suý thì có Tống Công Minh, và Ngô Dụng, Chu Đồng, Lôi Hoành, Đới Tung, Lý Quỳ, Trương Hoành, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú dẫn ba nghìn quân mã bộ đi tiếp ứng.
Bàn định xong rồi, hai mươi hai vị Đầu lĩnh chỉnh điểm quân mã, và từ biệt Tiều Cái mà xuống núi kéo thẳng qua Cao Đường Châu. Khi tiền quân Lương Sơn Bạc kéo đến địa hạt Cao Đường đám thám tử liền báo cho tri phủ Cao Liêm biết. Cao Liêm nghe báo cười nhạt mà rằng:
- Quân giặc cỏ xưa nay vẫn lẩn núp ở vũng nước Lương Sơn, ta thường định đem quân đến bắt. Vậy nay chúng kéo nhau đến đây mà chịu tội, còn gì hay hơn nữa? Thực là Trời giúp cho ta thành công đó.
Nói đoạn truyền lệnh sắp sửa quân mã để ra nghinh địch, và sức cho dân phu coi giữ trên thành. Bấy giờ các quan trên từ Đô Thống Giám Quân, dưới đến Thống Lĩnh, Thống Chế cùng Đề Hạt được lệnh của tri phủ lập tức đem các bộ quân mã ra điểm duyệt ở Giáo trường rồi sắp thành đội ngũ mà ra cửa thành dàn trận. Cao Liêm lại còn có ba quân riêng gọi là ''Phi thiên thần binh'' toàn là bọn hảo hán khoẻ mạnh ở Sơn Đông, Hà Bắc, Giang Tây, Hồ Nam, Lưỡng Hoài và Lưỡng Tiết mộ đến cả. Tri phủ mặc áo giáp đeo kiếm cưỡi ngựa dẫn quân ra thành truyền lệnh các tướng bày trận chỉnh tề, rồi đem ba trăm thân binh bày hàng ở giữa đánh trống khua chiêng để quân Lương Sơn kéo đến.
Bên kia Lâm Xung, Hoa Vinh, Tần Minh dẫn năm nghìn quân mã tới nơi, cũng dàn thành trận thế đôi bên cờ trống nổi lên, rồi cùng đem cung tên ra để bắn áp vòng trận. Khi đó mười hai vị Đầu lĩnh đều kìm ngựa đứng trước cửa trận, rồi Lâm Xung hoành cây bát xà mâu vỗ ngựa xông ra quát lên rằng:
- Bớ tên giặc họ Cao, mau mau ra đây chịu tội
Cao Liêm nghe nói liền dẫn hơn ba mươi tên hạ tướng ra trước cửa trận, rồi kìm ngựa trỏ bảo Lâm Xung rằng:
- Chúng bay không biết tội là chết đến nơi, lại còn dám đến xâm phạm thành trì của ta nữa hay sao?
Lâm Xung lại thét lên rằng:
- Mày là đồ mọt giả hại dân, nay mai ta đánh đến kinh sư ta sẽ đem cả thằng Cao Cầu là đồ dối vua hại dân, mà chặt xác ra làm muôn đọan để trừ hại cho dân mới được.
Cao Liêm thấy vậy, quay hỏi chư tướng:
- Ai ra bắt thằng giặc ấy cho ta?
Nói đoạn trong đám quân quan có một viên Thống chế tên là Can Trực múa đao vỗ ngựa ra để đánh, đôi bên đánh nhau chưa được năm hợp Can Trực bị Lâm Xung phóng xà mâu đâm vào giữa bụng, ngã lăn xuống ngựa.
Cao Liêm thấy vậy cả kinh hỏi lên rằng:
- Anh em ai ra báo thù được?
Vừa dứt lời thì quan Thống chế là Ôn Vân Bảo tay cầm trường đao, mình cưỡi ngựa lang đeo nhạc xoang xoảng xông ra để đánh Lâm Xung. Tần Minh thấy vậy liền thét lên rằng:
- Ca ca hãy nghỉ tay để tiểu đệ chém thằng này cho.
Lâm Xung nghe nói bèn kìm ngựa nhường cho Tần Minh ra đánh Ôn Vân Bảo. Đôi bên đánh nhau được hơn mươi hiệp Tần Minh bèn lừa miếng phá đĩnh để cho Vân Bảo xông vào rồi đánh luôn một côn bể óc ra mà chết lộn xuống đất, còn con ngựa chạy về bản trận.
Cao Liêm thấy mất hai viên tướng liền rút thanh Thái A bảo kiếm ở lưng ra, miệng đọc mấy câu lẩm nhẩm mà quát lên rằng ;
- Mau...
Đọan rồi thấytrong đám quân Cao Liêm một trận gió xông lên tung cao đến lưng chừng trời, đùng đùng nổi gió cuốn cờ, chẳng khác gì lấy trời đất mà xông sang mặt trận Lâm Xung. Bọn Lâm Xung, Tần Minh, Hoa Vinh cùng các tướng đen tối mờ mịt không nhìn rõ được nhau, các ngựa ra trận cũng thét gào sôi lên sùng sục. Chúng thấy vậy đều phải quay ra để tháo chạy. Cao Liêm liền giơ kiếm vẫy ba trăm thần binh xông sang đánh giết, rồi quan quân thúc đến để giúp sức thêm vào. Quân mã của Lâm Xung đều kinh sợ tán loạn chạy ngược chạy xuôi, năm nghìn quân mã chết hơn một nghìn còn thì kéo chạy ra ngoài năm mươi dặm mới dám hạ trại. Cao Liêm thấy quân mã bỏ chạy đã xa, bấy giờ mới thu quân vào thành Cao Đường để nghỉ.
Bấy giờ binh mã của Tống Giang kéo đến, Lâm Xung tiếp đón vào trong trại rồi kể chuyện cho mọi người nghe. Tống Giang cả kinh hỏi Quân sư Ngô Dụng rằng:
- Chẳng hay đó là phép gì nguy hiểm đến thế?
- Cái đó chắc là một phép yêu ma, nếu ta có cách gì làm cho quay chuyển lửa tất là phá được.
Tống Giang nghe nói vội mở Thiền Thư ra xem, thấy trong quyển thứ ba có phép quay gió chuyển lửa để phá trận bèn lấy làm cả mừng, đọc thuộc các câu thần chú cùng các bí quyết rồi chỉnh đốn quân mã. Sáng hôm sau ăn cơm rất sớm để tiến vào đánh thành.
Bấy giờ Cao Liêm nghe báo vội điểm bọn quân mã đắc thắng cùng ba trăm thần binh kéo ra để đánh. Tống Giang đao kiếm xông ra trước trận, trông thấy đám quân Cao Liêm có một dẫy cờ đen, Ngô Dụng liền bảo Tống Giang rằng:
- Toán cờ đen đó tức là đám thần sư cả, hôm nay chắc là họ lại dùng phép vậy ta có cách gì mà địch được chăng?
- Tôi đã có cách phá trận rồi không ngại gì? Các tướng sĩ cứ vững tâm tiến đánh mới được.
Bên kia Cao Liêm dặn các tướng sĩ không được hăng hái khiêu đánh, cứ nghe thấy hiệu bài đồng là hết sức ra tróc nã Tống Giang sẽ có trọng thưởng. Cao Liêm ngồi trên mình ngựa đeo hai lá bài đồng, trên có vẽ rồng truyền phượng tay cầm thanh bảo kiếm xông ra trước trận. Tống Giang bèn trỏ Cao Liêm mà nói rằng:
- Hôm qua ta chưa tới đây, đám anh em lỡ thua một trận vậy hôm nay ta quyết đem các ngươi chém hết mới nghe.
- Đồ phản tặc mau mau xuống ngựa chịu trói cho khỏi bẩn tay ta.
Nói đoạn cầm thần kiếm khua lên trong miệng đọc lẩm nhẩm mấy câu, mà quát lên rằng '' mau...'' bấy giờ lại thấy một vùng hắc khí bốc lên mà sắp sửa tan ra thành gió. Bên này Tống Giang thấy vậy vội đọc mấy câu thần chú, tay tả bắt quyết tay hữu cầm kiếm, trỏ một cái rồi cũng quát lên rằng:
- Mau...
Đọan rồi thấy đám hắc khí kia bổng quay lại mà xông vào bản trận của Cao Liêm. Cao Liêm thấy trận gió quay về bèn vội lấy bài đồng gõ vào thanh kiếm, thì trong đám thần binh bỗng có trận gió cuốn cát tung lên, rồi hiện ra một đoàn ác thú thẳng xông sang trận Tống Giang. Tống Giang đương khi đắc sách, đương thúc giục quân mã xông vào bỗng thấy một đoàn ác thú, thì ai nấy kinh hoàng rồi, Tống Giang cắp kiếm mà quay ngựa chạy trước, còn các vị Đầu lĩnh cũng kéo chạy theo.
Bấy giờ Cao Liêm cầm kiếm vẫy lên, ba trăm thần binh tiến trước các quan quân tiến sau xông vào đánh giết. Quân mã Tống Giang thua chạy thiệt hại không biết tới đâu mà kể, Cao Liêm theo đuổi ngoài hai mươi dặm mới rút quân về thành. Tống Giang dẫn quân mã ra đóng ở ngoài thổ phỉ, kiểm điểm các Đầu lĩnh không thiếu một ai, bèn cùng nhau tụ họp để nghĩ kế và hỏi Quân sư Ngô Dụng rằng:
- Nay đem quân hai lần đến đánh Cao Đường đều bị thất bại không còn kế gì đ mà phá được thần binh, vậy biết làm sao cho được?
- Họ đã giỏi dụng thần binh thì đêm nay họ tất đến cướp trại, vậy ta nên phòng bị trước kẻo nguy. Chốn này chỉ nên lưu một ít quân mã để lại còn thì phải dẫn quân vào đóng cả ở trại cũ mới xong.
Tống Giang nghe nói bèn truyền cho Dương Lâm, Bạch Thắng ở lại coi trại, còn các vị Đầu lĩnh đều dẫn quân đến trại cũ để đọng. Dương Lâm, Bạch Thắng vâng lệnh dẫn quân ra đóng ở vùng cỏ, cách trại quân chừng nửa dặm đường để đợi.Vào khoảng cuối canh một chợt thấy sấm đùng đùng nổi lên, rồi Dương Lâm, Bạch Thắng cùng hơn ba trăm quân trông ra thấy Cao Liêm đi dẫn bộ ba trăm thần binh mà đi sát vào trong trại, khi vào tới nơi thấy trại bỏ không Cao Liêm bèn kéo quân mau mau trở về. Dương Lâm, Bạch Thắng thấy vậy liền sai quân reo hò ầm lên, rồi sai quân chỉa nỏ dương cung bắn ra. Cao Liêm sợ trúng kế đành phải theo thần binh mà chạy mau cho thoát, ba trăm thần bing cũng hớt hải sợ kinh chạy tán loạn đi mỗi nơi mỗi ngã. Quân Dương Lâm, Bạch Thắng phóng nỏ bắn liều, bất ý có một mũi tên bắn ngay vào vai tả Cao Liêm, rồi kéo ùa nhau ra đuổi đánh. Đuổi được một quãng đường Dương Lâm thấy Cao Liêm chạy đã xa bèn rút quân về mà không đuổi nữa.Bấy giờ gió im mây lặng, bóng trăng sao lại sáng giữa trời Dương Lâm, Bạch Thắng lần được chổ thảo phi bắt được hai mươi tên thần binh bị thương liền đem vào nộp Tống Giang và nói rõ tình hình gió mưa khi cướp trại cho Tống Giang nghe. Tống Giang, Ngô Dụng nghe nói cả kinh mà rằng:
- Ở đây chỉ có cách năm dặm đường, sao không thấy gió mưa chi cả.
Chúng nói:
- Đó là phép thuật yêu ma lấy nước ở quanh đâu đây, mà làm mưa từng đám nhỏ thôi...
Dương Lâm nói:
- Bấy giờ Cao Liêm đã rủ tóc chống gươm sát vào trong trại, sau bị một mũi tên mới chịu rút quân về thành, chúng tôi đã toan đuổi đánh song ít người nên không dám đuổi nữa.
Tống Giang liền thưởng công cho Dương Lâm, Bạch Thắng và sai đem chém nhưng tên thần binh bị thương, rồi cắt các vị Đầu lĩnh chia đóng ra làm bảy tám trại nhỏ, để vây giữ lấy trại lớn ở giữa và nhất diện cho người về sơn trại lấy thêm viện binh.
Hôm đó Cao Liêm bị mũi tên trở về trong thành dưỡng bịnh, truyền cho quân sĩ hết sức giữ thành đợi khi khỏi hẳn vết thương mới ra đối trận đánh bắt Tống Giang. Tống Giang thấy hai phen thất bại thiệt hại quân mã rất nhiều, trong lòng lấy làm lo phiền áy náy, bàn với quân sư rằng:
- Hiện nay chỉ có một mình Cao Liêm còn không phá nổi, nếu nay mai lỡ lại có thêm một vài toán quân nào đó thì làm sao mà đối địch cho được?
- Tôi thiết tưởng phá được Cao Liêm thí chỉ cho một kế nầy là diệu hơn cả... mà nếu người này không chịu đến cho thì thành Cao Đường không ngày nào phá được, mà tính mạng Sài Đại quan nhân chắlà nguy mất.
Mới hay:
Giang hồ nghĩa nặng nghìn cân
Vào sinh ra tử tấm thân xem thường
Nam nhi đã vững cương thường
Tiếng thơm nghĩa hiệp để nhường cho ai?
Gió mưa chi ngại chuyện đời
Gan vàng dạ sắt giữa trời một ta
Ví không từng trải phong ba
Nước non ai biết ta là thuỷ chung.