Chương VIII

Cái ý nghĩ Sylvinet có thể tự hủy hoại, chuyển từ đầu óc bà mẹ sang đầu óc Landry cũng dễ dàng như một con ruồi sa vào mạng nhện. Cậu ta hối hả đi tìm anh, trên đường chạy, cậu rất buồn, và nghĩ bụng: “Có thể trước kia mẹ chí lý khi mẹ trách móc trái im mình cứng rắn. Nhưng lúc này, chắc hẳn trái tim Sylvinet đau ốm lắm mới gây nên hết thảy nỗi đau buồn cho bà mẹ tội nghiệp và cả cho mình.
Landry chạy khắp mọi hướng mà vẫn không tìm thấy Sylvinet, gọi mãi vẫn không thấy trả lời, hỏi khắp mọi người nhưng không một ai biết gì hết. Cuối cùng, cậu ta tới đồng cỏ Joncièe và bước vào vì nhớ rằng ở đó có một nơi Sylvinet rất ưa thích. Đấy là một cái rãnh do khúc sông tạo ra trên mặt đất bằng cách làm trốc rễ hai hay ba cây trăn, những cây đó cho đến nay vẫn nằm ngang trên mặt nước, rễ chổng lên trời. Ông lão Barbeau không muốn kéo cây lên. Với cách đỗ như vậy, chúng vẫn giữ được những mảng đất lớn bám vào rễ, và như thế thật là thích hợp: mùa đông nào nước sông cũng ngoạm mất một mảng đồng cỏ.
Landry bước tới gần rãnh. Cậu không kịp đi quành qua chỗ góc, nơi trước kia, hai anh em đã tự xây một bậc thang nhỏ bằng đất có cỏ ép vào những hòn đá và những rễ cây to trồi lên mặt đất. Cậu lấy đà nhảy cao hết sức mình tới tận trong cùng vì bờ sông vướng cành cây và những đám cỏ cao lút đầu. Nếu cậu anh ở dưới đó e không thể trông thấy, trừ phi đi vào tận bên trong.
Cậu bước vào, tim đập thình thịch vì vẫn đinh ninh lời bà mẹ bảo là có thể Sylvinet muốn kết liễu đời mình. Cậu đi qua đi lại dưới tán lá cây, rẽ các đám cỏ, cất tiếng gọi Sylvinet và huýt sáo ra hiệu cho con chó chắc hẳn đã chạy theo anh cậu, vì cậu thấy nó vắng mặt ở nhà.
Nhưng mặc cho Landry tha hồ gọi và tìm: chỉ có một mình cậu trong khu đất. Là chàng trai quen làm tốt mọi việc và suy nghĩ một cách hợp lý, cậu quan sát cả hai phía bờ sông, cố tìm dấu chân hay một mảng đất bị sụt lở khác thường. Một cuộc kiếm tìm buồn bã và rắc rối vì đã khoảng một tháng nay Landry không tới đây, làm sao có thể biết được có một sự thay đổi con con. Toàn bộ bờ sông bên phải đều trồng cỏ, và ngay ở chỗ rãnh nước sâu nhất, lau lách cũng mọc dày ken, không thể trông thấy một cái góc lớn bằng bàn chân để tìm kiếm dấu vết. Tìm đi tìm lại mãi, rốt cuộc Landry nhìn thấy trong góc tận cùng dấu vết con chó và một đám cỏ bị dẫm đạp, như thể con Finot hoặc một con chó khác cũng lớn bằng nó đã nằm khoanh tròn trên đó.
Cậu suy nghĩ rất lung và đi xem xét bờ sông một lần nữa, nghĩ đến một chỗ sụt lở mới tinh, như thể có người vừa gây ra bằng bàn chân trong lúc nhảy, hoặc trượt. Tuy sự việc chưa thật rõ ràng, vì nếu có đi nữa cũng rất có thể là công trình của một con chuột nước to tướng thường lục lọi, đào bới ở những chỗ như thế này, cậu vẫn đau buồn tới mức không cất bước nổi nữa và quỳ gối xuống như thể để cầu Chúa phù hộ.
Cậu cứ quỳ như vậy, không đủ sức lực và can đảm đi nói với người khác điều đang làm mình hết sức khiếp hãi, nhìn dòng sông và cặp mắt đẫm lệ như thể muốn hỏi sông đã làm gì anh trai mình.
Nhưng dòng sông vẫn trôi lặng lờ, xoáy cuộn trên những cành cây là là mặt nước, chảy qua các vùng đất với một tiếng động nhỏ, tựa có ai cười và âm thầm chế nhạo.
Bị xâm chiếm và lấn át bởi ý nghĩ về tai họa, cậu bé Landry tội nghiệp đâm ra hoảng loạn. Chỉ một chút hiện tượng cỏn con bề ngoài rất có thể không nói lên gì hết, cậu ta cũng cho là một sự kiện cục kỳ nghiêm trọng.
“Cái con sông độc ác này không hé nửa lời với mình - cậu nghĩ - và dù mình cứ khóc một năm ròng, nó vẫn không trả anh lại cho mình đâu. Chính ở chỗ sâu nhất này kể từ khi nó tàn phá cánh đồng cỏ, đã đổ xuống không biết bao nhiêu cành lá, khiến ai đã rơi xuống đây thì không bao giờ còn có thể thoát. Lạy Chuá, lẽ nào người anh sinh đôi tội nghiệp của mình có thể ở kia, tận dưới dòng sông, cách mình hai bước chân mà mình không thể trông thấy hay tìm gặp lại trong đám cành lá và lau lách, dù mình dám bước xuống dưới đó hay sao?”
Landry bắt đầu khóc và trách móc anh; trong đời cậu ta chưa bao giờ sầu muộn đến thế.
Cuối cùng cậu ta nảy ra ý nghĩ đi hỏi ý kiến một bà góa mà ngưòi ta quen gọi là bà lão Fadet, sống ở cuối khu đất Joncière, sát con đường chạy xuống sông. Tuy không có đất đai và tài sản nào khác ngoài một mảnh vườn con và một căn nhà nhỏ, người dàn bà này vẫn không phải lo kiếm sống, nhờ có nhiều tri thức về bệnh tật và những bất hạnh của thiên hạ. Từ khắp mọi ngả, thiên hạ tìm tới hỏi ý kiến bà lão. Bà có bí thuật, hay nói như ai đó bí thuật, chữa khỏi vết thương, trẹo chân và những dị tật khác. Cụ gieo cho người ta ít nhiều tin tưởng vì bà lão có thề cất bỏ hộ bạn những thứ bệnh mà thực ra bạn không có bao giờ, như đau dạ dày hay sa ruột. Riêng phần tôi, tôi chưa bao giờ hoàn toàn tin những chuyện rắc rối ấy, cũng như không mấy tin những điều người ta nói về bà lão, chẳng hạn như bảo bà có thể làm cho sữa một con bò cái tốt chảy sang một con bò cái xấu, dù con bò ấy có già cỗi và ít được chăm sóc tới đâu đi nữa.
Nhưng với những bài thuốc tốt chống cảm lạnh, những lá thuốc cao dán lên vết thương hay vết bỏng, những thang thuốc nước chống sốt, thì rõ ràng bà lão kiếm tiền một cách xứng đáng và chữa khỏi khối con bệnh mà các thày thuốc có thể làm chết nếu người ta thử dùng thuốc của họ. Chí ít bà lão cũng bảo như vậy, và những người đã dược bà cứu chữa tin bà hơn là mạo hiểm dùng những thứ thuốc kia.
Ở nông thôn, người ta chẳng bao giờ là người thông thái nếu không có chút ít là phù thủy, vì thế nhiều người nghĩ bà lão Fadet biết nhiều điều hơn, chứ không phải chỉ như bà nói, và cho rằng bà có thể tìm thấy những vật bị mất, thậm chí cả con người. Rốt cuộc, từ chỗ bà lão có đủ trí tuệ và lý lẽ để giúp bạn thoát khỏi khó khăn trong những sự việc bà có thể làm được, người ta suy diễn ra rằng bà có thể làm những việc khác, mặc dù bà không có khả năng.
Trẻ em sẵn sàng nghe đủ loại chuyện và ở Priche, nơi người ta cả tin và đầu óc đơn giản hơn ở Crosse, Landry nghe họ kể rằng bà lão Fadet có thể vừa ném xuống nước một thứ hạt gì đó vừa cất lời nói, có thể tìm thấy xác người chết đuối. Hạt nổi trên mặt nước, trôi theo dòng sông, và đến chỗ hạt dừng lại, người ta tin chắc tìm được cái xác tội nghiệp. Có nhiều người cho rằng bánh thánh cũng có tác dụng ấy và trong không ít cối xay, người ta luôn luôn cất giữ bánh để dùng vào công việc đó. Nhưng Landry không có bánh, trong lúc bà lão Fadet ở sát khu Joncière và một khi đã đau khổ người ta còn đâu nhiều lý lẽ.
Landry chạy một thôi đến tận nhà bà lão Fadet và kể nỗi đau khổ của mình, nài nỉ cụ cùng với mình tới chỗ rãnh nước thử dùng bí thuật tìm xem cậu anh đang sống hay đã chết.
Không thích nghe người ta nói quá về tiếng tăm của mình và không sẵn sàng thi thố tài năng để chẳng được gì hết, bà lão Fadet chế giễu và khước từ cậu một cách khá thô bạo. Ngày trước, người ta mời mụ Sagette, chứ không mời bà lão khi các bà mẹ lâm bồn ở Ressonnière.
Bản tính hơi kiêu hãnh, vào một lúc khác Landry có thể phàn nàn hay giận dữ; nhưng lúc này đang quá đau buồn, cậu không nói nửa lời và quay về chỗ rãnh nước quyết tâm sẽ nhảy xuống nước mặc dù chưa hề biết bơi, biết lặn. Trong lúc cất bước, đầu cúi thấp, mắt dán chặt xuống đất, cậu cảm thấy có ai vỗ khẽ lên vai. Quay người lại, cậu trông thấy cô cháu gái bà lão Fadet vốn bà con trong vùng gọi là cô bé Fadette, phần vì đó là họ tên cô ta, phần vì người ta muốn cho cô bé cũng có ít nhiều phù thủy. Cô bé có vóc người nhỏ, gầy gò, đầu tóc rối bù và táo bạo, rất mau mồm, hay nhạo báng, lanh lợi tựa một cánh bướm, tò mò như một con chim vành khuyên và đen nhẻm như một con dế đồng.
Khi tôi so sánh cô bé Fadette với một con dế, là để nói rằng nó không đẹp vì con vật bé nhỏ tội nghiệp ấy còn xấu xí hơn cả lũ dế trong lò sưởi. Thế nhưng, nếu bạn nhớ lại mình đã từng là trẻ thơ và đã chơi với dế mèn, làm nó phát điên và kêu ré lên, hẳn bạn biết nó có một gương mặt nhỏ không có vẻ gì là dại dột, khiến người ta dễ buồn cười hơn là tức giận. Trẻ con vùng Cosse gọi con bé Fadette là Dế mèn khi chúng muốn làm nó điên tiết lên, dù đôi khi chỉ để tỏ tình bạn. Tuy có hơi sợ cô bé về mặt láu lỉnh, chúng không hề ghét nó, bởi nó có thể kể cho chúng nghe đủ mọi thứ truyện cổ tích và luôn luôn làm cho chúng những trò chơi mới có sẵn trong đầu óc sáng tạo của nó.
Tất cả những tên thật và biệt danh của nó suýt làm tôi quên cái tên nó nhận trong buổi lễ rửa tội và chắc hẳn sau này các bạn muốn biết. Tên nó là Francoise; vì vậy vốn không thích thay đổi tên tuổi chút nào, bà nó bao giờ cũng gọi nó là Fanchon.
Vì từ lâu có chút bất hòa giữa gia đình Barbeau ở Bessonnière và bà lão Fadet, nên hai anh em sinh đôi nhà này ít nói chuyện với con bé Fadette, thậm chí có phần xa lánh, chưa bao giò sẵn sàng chơi đùa với nó, cũng như với đứa em trai nó là thằng Cào cào còn ốm o và tinh nghịch hơn cả con chị. Thằng này luôn đeo bám chị, hờn dỗi khi chị chạy mà không chờ nó, tìm cách ném đá vào chị khi bị chị chế giễu, hờn dỗi một cách vô lối và làm con chị giận sôi lên tuy không muốn, vì khí chất vốn vui vẻ, sẵn sàng cười đùa trong mọi trường hợp. Tuy nhiên người ta nói có thành kiến về bà lão Fadet tới mức một số người, nhất là người trong nhà Barbeau, tưởng tượng ra rằng Dế mènCào cào sẽ mang lại tai họa cho mình nếu kết bạn với chúng. Nhưng không phải vì thế mà hai chị em nhà này không trò chuyện với họ vì chúng không hề xấu hổ. Con bé Fadette không bỏ lỡ cơ hội xáp vào anh em sinh đôi ở Bessonnière với đủ thứ trò bông lơn và lời nghịch ngợm mỗi khi thấy họ đang từ xa đi về phía nó.