Dịch giả: Nguyễn Trọng Định
Chương XXXIII

Trong vùng, không một ai biết Landry đã tới nhà Fadette. Giá có người nói cho Sylvinet biết thì chắc hẳn cậu ta ốm trở lại và không thể tha thứ cho cậu em đã tới thăm cô gái, chứ không về nhà gặp mình.
Hai ngày sau, Fadette ăn bận rất sạch sẽ, vì giờ đây không còn cảnh không có một xu dính túi như trước, với bộ trang phục bằng thứ lụa xéc mịn màng. Nàng đi qua vùng Corse, và vì cao lớn hơn ngày trước nhiều nên thọat đầu, nhiều người không nhận ra. Ở thành phố, nàng đẹp ra nhiều: được ăn ở tốt, nàng có da có thịt ra theo đúng độ tuổi, và người ta không thể cho nàng là một cậu con trai cải trang nữa, thân hình xinh đẹp hẳn lên. Tình yêu và hạnh phúc cũng ánh lên gương mặt và con người nàng một dấu ấn trông thấy rõ tuy không thể giải thích được. Cuối cùng nàng không phải là người con gái đẹp nhất thiên hạ, như Landry tưởng tượng, nhưng là cô gái niềm nở nhất, đứng đắn nhất, tươi mát nhất và có thể đáng mong ước nhất trong vùng.
Fadette xách một chiếc giỏ lớn, và bước vào nhà gia đình Bessionnière xin nói chuyện với ông lão Barbeau. Trông thấy nàng đầu tiên, Sylvinet ngoảnh mặt đi vì không thích gặp. Nhưng nàng hỏi ông bố cậu ta ở đâu vẻ hết sức đoan trang, khiến cậu ta bắt buộc phải trả lời và dẫn nàng tới chỗ kho lúa, nơi ông lão Barbeau đang xẻ gỗ.
Cô bé Fadette đề nghị ông dẫn mình tới một chỗ nàng có thể thưa chuyện riêng. Ông đóng cửa kho lúa và bảo nàng có việc gì cần nói cứ nói tự nhiên.
Cô bé Fadette không bối rối trước thái độ lạnh nhạt của ông lão Barbeau. Nàng ngồi lên một bó rạ, còn ông trên một bó khác, và nàng mở đầu câu chuyện:
- Thưa bác Barbeau, tuy người bà quá cố của cháu không bằng lòng bác, và tuy bác khinh ghét cháu, nhưng không phải vì vậy mà cháu không công nhận bác là người công minh nhất và đáng tin cậy nhất trong vùng ta đây, Ai ai cũng nghĩ vậy và bản thân bà cháu, trong lúc phàn nàn bác kiêu ngạo, vẫn phải thừa nhận như vậy. Hơn nữa, như bác đã rõ, cháu có tình thân từ rất lâu ngày với Landry, con trai bác. Anh ấy nói với cháu nhiều lần về bác, và qua anh ấy, hơn bất kỳ một ai khác, cháu biết bác thế nào và uy tín của bác ra sao. Vì vậy cháu tới nhờ cậy bác một việc và bày tỏ lòng tin tưởng vào bác.
- Fadette - ông lão Barbeau đáp - cháu cứ nói đi; bác chưa bao giờ từ chối không giúp đỡ bất cứ ai, và nếu là một việc lương tâm bác không ngăn cấm, thì cháu có thể tin cậy ở bác.
- Sự việc là thế này - cô bé Fadctte vừa nói vừa nâng chiếc giỏ lên đặt vào giữa hai ống chân ông lão Barbeau - Sinh thời, bà cháu, bằng cách chữa bệnh và bán thuốc, đã kiếm được nhiều tiền hơn là người ta nghĩ; vì cụ hầu như không tiêu pha gì và không đầu tư sinh lợi gì nên không ai biết cụ có những gì. Được đồng nào cất giấu dưới hầm nhà, cụ thường chỉ cho cháu và bảo cháu: "Khi bà không còn nữa cháu sẽ tìm thấy trong ấy những gì bà cất giấu; đó là tài sản sỏ hữu của cháu và của thằng em cháu. Sở dĩ ngày nay bà để các cháu phải chịu thiếu thốn chút ít, là để sau này, các cháu có dầy đủ hơn. Nhưng các cháu chớ để giới luật pháp đụng tới, họ sẽ ngốn hết với chuyện lệ phí này nọ đấy. Cháu hãy giữ lấy cho mình và giấu kín nó suốt đời để dùng trong những ngày già yếu, và không bao giờ phải thiếu thốn".
Sau khi mai táng bà cháu, cháu nghe theo lời cụ căn dặn, lấy chìa khóa căn hầm, dỡ những viên gạch trên tường ở chỗ cụ đã chỉ cho cháu. Cháu tìm thấy những thứ cháu mang tới đây, trong chiếc giỏ này. Thưa bác Barbeau, nhờ bác đầu tu sinh lợi giúp cháu theo ý bác, sau khi làm đầy đủ các thủ tục pháp lý mà cháu không hề biết gì hết, và tránh cho cháu những khoản lệ phí lớn mà cháu rất e ngại.
- Fadette, bác cảm ơn lòng tin cậy của cháu - ông lão Barbeau nói mà không hề mở nắp giỏ, tuy vẫn có chút tò mò - nhưng bác không có quyền nhận tiền của cháu, và cũng không có quyền trông nom công việc của cháu. Bác không hề là người giám hộ của cháu. Chắ hẳn bà cháu có để lại di chúc?
- Bà cháu không để lại di chúc, và người giám hộ của cháu theo pháp luật là mê chau. Nhưng bác biết là từ lâu cháu không hề có tin tức mẹ cháu, và cháu không rõ là mẹ cháu đã chết hay còn sống, tội nghiệp cho linh hồn mẹ cháu! Sau khi bà cháu qua đời, cháu không còn người thân thích nào khác ngoài bà mẹ đỡ đầu là bà Fanchette, một người đàn bà tốt bụng và trung thực, nhưng hoàn toàn không thể quản lý tài sản của cháu, thậm chí cất giữ nó để khỏi mất mát. Bà không thể không nói với những người khác và cho họ xem. Và cháu sợ hoặc bà đầu tư không đúng chỗ, hoặc bà để cho những kẻ tò mò đụng tới, làm thất thoát dần mà không biết, vì bà mẹ đỡ đầu tội nghiệp của cháu có biết tính toán gì đâu.
- Thế ra là một sự việc quan trọng hả cháu?
Ông lão Barbeau vừa hỏi vừa nhìn đăm đăm vào chiếc nắp giỏ, tuy không muốn, rồi cầm lấy quai giỏ nhấc lên thử, nhưng thấy giỏ rất vặng, ông lấy làm kinh ngạc và nói:
- Nếu là đồ sắt thì phải một con ngựa mới chở nổi.
Cô bé Fadette vốn có óc nghịch ngợm, lấy làm thú vị khi thấy ông lão muốn trông thấy những gì trong giỏ. Nàng làm như thể mở nắp giỏ; nhưng ông lão Barbeau nghĩ là mình thiếu tự trọng nếu cứ để cho nàng mở.
- Những thứ này không liên quan tới bác - ông nói - và vì không thế cất giữ nó, bác không có quyền biết công việc của cháu.
- Nhưng thưa bác Barbeau - Fadette nói - chí ít bác cũng phải giúp cháu chút việc ấy. Cháu không giỏi giang gì hơn bà mẹ dỡ đầu của cháu khi phải tính đếm trên con số trăm. Sau nữa, cháu không biết giá trị tất cả những đồng tiền cũ, tiền mới, và cháu chi có thể trông cậy vào bác để biết mình giàu hay nghèo, và để biết chính xác mình có bao nhiêu của cải.
- Thôi được - ông lão Barbeau không dằn lòng được nữa và nói - việc cháu nhờ bác không có gì to tát lắm, và bác không thể từ chối cháu được.
Thế là cô bé Fadette nhanh nhẹn mở hai chiếc nắp giỏ ra và lấy ra hai cái túi to tướng, mỗi túi đựng hai nghìn phrăng.
- Ồ! Không ít đâu - ông lão Batbeau nhận xét - và đó là một món của hồi môn nho nhỏ có thể thu hút nhiều chàng trai đấy.
- Không phải chỉ có thế - cô bé Fadette bảo - dưới đáy giỏ còn có chút ít gì đó mà cháu không rõ lắm.
Nàng lấy ra một cái túi da lươn, dốc vào chiếc mũ ông lão Barbeau. Có một trăm đồng tiền vàng đúc theo lối ngày xưa làm ông hết sức ngạc nhiên; và sau khi ông đếm xong, bỏ lại vào túi da lươn, nàng lại lấy ra một túi thứ hai cũng đựng chừng ấy, rồi một túi thứ ba, rồi lại một túi thứ tư, và rốt cuộc, cả vàng lẫn bạc và tiền lẻ, tất cả không kém bốn mươi nghìn quan.
Tất cả trị giá hơn một phần ba toàn bộ bất động sản của ông lão Barbeau, và vì bà con nông thôn không tính toán ra thành tiền mặt bao giờ, nên cũng chưa bào giờ thấy một lúc nhiều tiền đến thế.
Dù một người nông dân lương thiện và không vụ lợi tới đâu; cũng không thể nói khi trông thấy tiền khiến người ấy buồn phiền; bởi vậy mồ hôi chảy thành dòng trên trán ông lão Barbeau. Đếm xong tiền, ông bảo Fadette:
- Thiếu hai mươi hai đồng êcu (đồng tiền xưa tương đương năm phrăng bằng bạc) nữa thì cháu có bốn mươi lần một nghìn quan và như thế có nghĩa là cháu được thừa kể hai nghìn pixtông (Một đơn vị tiền tệ dùng trong thanh toán ngày trước) quý giá, và trở thành cô gái cầu hôn giàu có nhất vùng, cô bé Fadette ạ, và cậu em cô, chú bé Cào cào, có thể ốm o và cà khiễng suốt đời vẫn có thể đi thăm cơ ngơi của mình bằng xe ngựa. Vậy cháu hãy vui mừng đi, cháu có thể xem mình là người giàu có và công bố cho người ta biết nếu cháu muốn sớm có chồng.
- Cháu không vội vã tí nào - cô bé Fadette đáp - và trái lại, cháu xin bác giữ kín về chuyện tài sản này, thưa bác Barbeau. Xấu gái như cháu, cháu muốn người ta kết hôn với mình không phải vì tiền bạc, mà vì trái tim nhân hậu và thanh danh của cháu; và vì trong vùng ta đây, cháu bị mang tai tiếng xấu nên cháu sống ít lâu tại đây để người ta nhận ra cháu không đáng phải chịu tai tiếng ấy chút nào.
- Fadette - ông lão Barbeau vừa nói vừa ngước đôi mắt chưa rời khỏi chiếc giỏ lên - về cái gọi là vẻ xấu gái của cháu, bác có thể nói một cách thành thực là cháu đã nhắc tới quá nhiều, và cháu đã thay da đổi thịt ở ngoài thành phố để trở thành một cô gái xinh dẹp. Còn về tai tiếng, thì cháu không đáng phải chịu, nhưng bác vẫn tán thành ý kiến của cháu là hoãn lại ít lâu chuyện lập gia đình, và giấu kín chuyện của cải, vì không thiếu những kẻ bị nó làm lóa mắt và muốn kết hôn với cháu tuy không có lòng quý mến mà một người vợ phải mong đợi ở người chồng.
Còn về chuyện cháu muốn bác cất giấu số tài sản, thì nó trái pháp luật và về sau có thể khiến người ta nghi ngờ và tố cáo, vì không thiếu gì những miệng lưỡi độc ác. Vả lại, dù có giả định cháu có quyền sử dụng những gì thuộc về cháu, thì cháu tuyệt nhiên không có quyền đầu tư một cách nông nỗi những gì thuộc về cậu em cháu đang vị thành niên. Tất cả những gì bác có thế làm, là hỏi ý kiến tư vấn cho cháu mà không nói ra tên cháu. Rồi bảo cho cháu biết cách thức đầu tư có bảo đảm và có lợi di sản thừa của mẹ cháu và của cháu, mà không qua tay các luật gia: không phải mọi người trong giới họ đều hoàn toàn thủy chung. Vì vậy cháu hãy mang hết chỗ tiền này về và cất giấu kỹ cho tới bác trả lời cháu. Khi cần, bác sẽ sẵn sàng làm chứng trước mặt những người đại diện cho người đồng thừa kế của cháu, về số tiền bạc chúng ta đã tính đếm, và lát nữa bác sẽ ghi lại trong một góc kho lúa của bác để bác khỏi quên.
Đó là tất cả những gì cô bé Fadettc ước mong và ông lão Barbeau đã hiểu rõ. Nàng cảm thấy chút kiêu hãnh trước mặt ông về số tiền của của mình vì ông không thể lên án mình muốn lợi dụng Landry nữa.
Thấy Fadette rất mực khôn ngoan và tinh tế, ông lão Barbeau chưa vội lo chuyện ký gửi và đầu tư tiền bạc, mà trước hết đi tìm hiểu dư luận đối với nàng ở Château-Maillant, nơi nàng sổng năm trước. Vì nếu món hồi môn quý giá có sức hấp dẫn và khiến ông không còon băn khoăn về chuyện họ hàng, thì trái lại, tình hình không thể như thế và chuyện danh dự của cô gái mà ông muốn cưới làm dâu. Ông thân hành đến Châuteau-Maillant và hỏi thăm tin tức một cách trung thực. Người ta bảo ông chẳng những cô bé Fadette không hề mang thai khi tới và không hề sinh con, mà còn ứng xử rất tốt, không mảy may bị chê trách. Nàng đã phục vụ một bà già tu hành quý tộc và bà cụ coi nàng là chỗ thân tình hơn là người ở vì thấy nàng đức hạnh, khôn ngoan. Cụ rất luyến tiếc nàng và bảo đấy là một tín đồ Cơ đốc giáo hoàn mỹ, dũng cảm, cần kiệm, sạch sẽ, thận trọng, tính tình rất mực dễ thương, không sao tìm thấy được một người tương tự. Bà cụ rất giàu có, làm nhiều công việc từ thiện, và cô bé Fadette giúp đỡ cụ một cách tuyệt diệu khi chăm sóc người bệnh, pha chế thuốc thang và tiếp thu được nhiều bí quyết có giá trị mà bà cụ chủ đã từng học tập được ở tu viện trước ngày Cách mạng.
Ông lão Barbeau rất hài lòng, và trở về Cosse với quyết tâm làm sáng tỏ mọi việc đến cùng. Ông họp gia đình và giao trách nhiệm cho mấy người con lớn, các em và bà họ hàng tiến hành một cuộc điều tra thận trọng về hành vi của cô bé Fadette từ khi tới tuổi lớn khôn. Nếu tất cả những tiếng xấu người ta đồn dại chỉ do những chuyện trẻ con, thì có thể bỏ qua. Nhưng nếu có một người có thể khẳng định đã từng thấy cô gái có hành vi xấu hay làm một việc khiếm nhã, thì ông vẫn duy trì lệnh cấm đoán Landry giao thiệp với nàng.
Cuộc điều tra được tiến hành thận trọng như ông mong muốn, và vấn đề của hồi môn vẫn kín như bưng vì ông không hé môi nói với ai nửa lời, kể cả với bà Barbeau.
Trong thời gian ấy, cô bé Fadette sống rất kín đáo trong căn nhà nhỏ của mình, không muốn làm thay đổi gì hết nhưng giữ gìn rất sạch sẽ. Nàng cho cậu em Cào cào ăn vận sạch sẽ, và một cách kín đáo, cho cả nhà theo một chế độ ăn uống tốt. Sức khỏe của em hồi phục nhanh chóng; cuộc sống hạnh phúc cũng mau làm thay đổi tính khí của nó. Không còn bị người bà đe dọa và trừng phạt, chỉ còn được hưởng những cử chỉ mơn trớn, những lời nói dịu dàng và những cách ứng xử tốt đẹp, nó nhanh chóng trở thành một cậu bé khá kháu khỉnh, với những ý nghĩ cỏn con ngồ ngộ,: dễ thương, và không còn làm ai phật lòng, mặc dù chân vẫn khập khiễng và chiếc mũi tẹt.
Mặt khác, con người cũng như thói quen cua Fanchon Fadette có một sự thay đổi rất lớn, khiến thiên hạ không còn những ác khẩu với nàng nữa. Thấy nàng đi đứng hết sức nhẹ nhàng, duyên dáng, nhiều chàng trai mong ước nàng đoạn tang để có thể tán tỉnh và mời nàng nhảy.
Chỉ mỗi mình Sylvinet là khăng khăng, không thay đổi ý kiến. Cậu ta thấy rõ mọi người âm mưu một điều gì đó về cô gái trong gia đình mình. Ông bố thường không thể không nói về nàng, và mỗi khi người ta cải chính một điều dối trá ngày trước đối với Fanchon, là ông tỏ ra hoan hỉ vì lợi ích của Landry. Ông bảo rằng không thể chấp nhận việc người ta lên án con trai ông đã làm hại một cô gái trong trắng.
Người ta cũng nói tới chuyện Landry sắp trở về, và hình như ông lão Barbeau mong ông lão Caillaud chấp thuận. Rốt cuộc Sylvinet thấy không ai phản đối đối mối tình của Landry, cậu ta càng trỏ nên phiền muộn.
Thỉnh thoảng, ông lão Barbeau để lộ ra trước mắt cậu ta hai tiếng hôn nhân và bảo hai cậu con sinh đôi chẳng mấy chốc nữa mà đến tuổi không nghĩ tới chuyện đó. Chuyện hôn nhân của Landry vốn luôn luôn là một ý nghĩ xót xa trong đầu óc Sylvinet và như là lời chia tay cuối cùng giữa hai anh em. Cậu ta sốt trở lại, và bà mẹ lại đi hỏi thầy thuốc.
Một hôm bà Barbeau gặp bà lão Fanchette. Nghe những lời than vãn và lo lắng của người mẹ ấy, bà lão hỏi vì sao bà ta đi tìm thầy tìm thuốc xa thế và tiêu pha tốn kém đến thế, trong khi có ngay bên cạnh một nhà pháp thuật tài giỏi nhất vùng, không hề muốn hành nghề vì tiền bạc như người bà trước kia, mà chỉ vì lòng kính Chúa và yêu đồng loại. Và bà lão chỉ đích danh cô bé Fadette.
Bà Barbeau nói lại với chồng, ông lão không hề phản đối. Ông bảo vợ là ở Château-Maillant, người ta hết lời ca ngợi trí tuệ của Fadette, và từ khắp nơi, người ta kéo tới hỏi ý kiến cô gái cũng như hỏi bà chủ.
Bà Barbeau nhờ Fadette tới gặp và giúp đỡ Sylvinet đang lâm bệnh.
Trước kia, Fachon đã nhiều lần tìm cơ hội nói chuyện với Sylvinet, như nàng đã hứa với Landry, nhưng không bao giờ cậu ta chịu gặp. Vì vậy nàng không chờ đợi gì hơn và chạy tới gặp anh chàng sinh đôi tội nghiệp. Nàng thấy cậu ta đang ngủ thiếp trên giường, và xin gia đình để cho mình ở lại một mình với cậu ta. Vì tập quán của thầy phù thủy là hành động bí mật nên không một ai phản đối và không ai ở lại trong phòng.
Trước tiên, Fadette hết sức nhẹ nhàng đặt bàn tay mình lên bàn tay chàng trai sinh đôi để thõng trên mép giường. Cậu ta không hề hay biết, mặc dù rất tỉnh trong giấc ngủ, chỉ một cánh ruồi bay qua cũng đủ đánh thức dậy. Bàn tay Sylvinet nóng như lửa và càng nóng hơn trong lòng bàn tay cô bé Fadette. Cậu ta tỏ vẻ bứt rứt, nhưng không tìm cách rút tay lại. Fadette đặt bàn tay thứ hai lên trán Sylvinet, và cũng khẽ khàng như bàn tay trước và cậu ta lại tỏ vẻ bứt rứt hơn. Nhưng dần dà, cậu ta bình tĩnh trở lại, và nàng cảm thấy đầu và tay người bệnh mát dần từng phút một, và giấc ngủ trở nên tĩnh lặng như giấc ngủ một trẻ thơ. Nàng ngồi như vậy bên cạnh Sylvinet cho tới khi thấy cậu ta sắp sửa tỉnh dậy; nàng vội giấu mình phía sau một tấm màn, bước ta khỏi phòng rồi vừa ra về vừa nói với bà Barbeau:
- Mời bác vào gặp anh ấy và cho anh ấy ăn, vì không còn sốt nữa. Xin bác chớ nói gì về cháu với anh ấy nếu bác muốn cháu chữa bệnh. Tối nay, cháu sẽ trở lại vào lúc mà bác đã cho cháu biết là cơn bệnh nặng hơn cả, và cháu lại sẽ cố gắng cắt cơn sốt cho anh ấy.