Chương 8

    
ndrei Syryk sống cả mùa hè và mùa đông ở gần Moskva, trong một nhà nghỉ vùng Borskoye. Mùa hè ở đây rất đông người và vui vẻ. Đông đảo thanh niên và những người thích nghi ở thôn quê đổ về đây, ngoài sông có nhiều bãi tắm và nhiều bến cho thuê thuyền, từ sáng đến tối lúc nào ngoài bãi bóng chuyền cũng vang lên tiếng đập bóng, - cuộc sống thật là hấp dẫn và dễ chịu, hệt như trong phim vậy.
Nhưng rồi nó biến đi rất nhanh, cái cuộc sống mùa hè không lặp lại đó, mang theo cả hương vị đồng nội, cả tiếng nhạc nhè nhẹ mỗi buổi chiều, cả tiếng cót két của những cọc chèo trên các chiếc thuyền, cả cái mềm mại ẩm ướt của lớp cát dưới những bàn chân không giày dép, - cuộc sống đó vút qua như sao băng tháng Tám và biến mất. Cả trong thành phố sôi nổi làm việc và nhiều mưa, cả trong sự bận rộn hàng ngày của nó cũng không còn lưu lại dấu ấn gì của cuộc sống đó nữa.
Rồi sau đó là mùa thu bắt đầu, các nhà nghỉ vẳng lặng, ngoài đồng và trong rừng hầu như không còn gặp người nữa, và những người còn gặp được thường là một số ít những người trồng rau đang vội vã ra bến xe buýt, trên vai là những túi đựng khoai tây. Và tấm mạng nhện chưa ai động đến đang đung đưa trên không, con đường rừng ngập đầy lá rụng - không ai thu dọn nó trước lúc tuyết rơi, và xa xa phía ngoài sông đang vọng lại tiếng phành phạch đơn điệu của chuyến ca-nô cuối cùng chở người hành khách ngẫu nhiên nào đó đang phải trốn xuống phòng khách ở khoang dưới cho đỡ lạnh.
Và suốt trong nhiều tháng vùng Borskoye im lìm dưới tuyết phủ. Những buổi sáng lạnh trời xanh ngắt, những buổi hoàng hôn xanh ngắt, còn đêm đêm - là tiếng chó sủa bên kia sông, tiếng tuyết xào xạc và xa xa phía chân trời là những ánh đèn của vùng ven Moskva run rẩy nhắp nháy một cách kêu gọi…
Andrei có một quãng thời gian ngắn sống ở vùng Borskoye. Sáng sớm anh đến trường, sau giờ học anh ăn trưa ở nhà ăn của trường và đến học ở thư viện. Chiều tối anh mới trở về Borskoye, và thỉnh thoảng anh cũng không về đó nữa - anh ở lại ngủ đêm ở chỗ các bạn trong ký túc xá sinh viên.
Bố của Andrei là đốc công ở một nhà máy chế tạo máy cái. Trong thời gian chiến tranh cả Andrei cũng làm việc ở nhà máy - không phải là nhà máy của bố anh, nhưng cũng là một nhà máy lớn. Vì bị cận thị anh không được nhận vào trường quân sự, và năm một nghìn chín trăm bốn hai chàng trai mười bảy tuổi đó đã vào làm việc ở nhà máy. Hai tháng đầu anh làm việc ở phân xưởng kéo đường ống - bằng máy kéo ống “profin”. Sau đó anh được chuyển sang làm việc ở lò đúc, rồi từ đó vào nhóm thợ nguội. Hai năm liền anh làm việc ở bên bàn thợ nguội, đến năm thứ ba anh chuyển sang làm nhân viên điều độ ở phân xưởng dụng cụ. Anh có nhiều bè bạn ở nhà máy và khi được cử đi học, anh cảm thấy nhất định anh sẽ duy trì tình bạn đó, không có lý do gì mà cắt đứt với các bạn đã cùng anh sống qua những năm gian khổ của chiến tranh.
- Tất cả các câu hứa hẹn, bọn mình biết hết! - Pavel Kuznetsov, anh thợ nguội của phân xưởng dụng cụ nói lúc chia tay. - Nhưng rồi thì coi như vĩnh biệt! Không bao giờ về nữa!
Andrei bực mình: quên bè bạn - ngay cái ý nghĩ đó cũng khiến anh thấy là nhảm nhí và đáng lên án. Thật ngu ngốc! Và thời gian đầu thật sự mỗi tuần một lần anh rẽ về thăm nhà máy, thăm Ban chấp hành Đoàn thanh niên, thăm câu lạc bộ và khu nhà tập thể. Còn về sau thì việc thăm viếng đó cũng thưa dần và một năm sau thi hoàn toàn chấm dứt. Cuộc sống mới, những hứng thú mới đã làm anh quay cuồng và cuốn anh theo hướng khác, và điều chủ yếu - đó là thời gian căng thẳng ở Moskva mà anh luôn luôn thấy thiếu.
Giờ đây có đôi khi ở ngoài phố, trên xe điện hoặc trên thang máy lên xuống xe điện ngầm. Andrei lại gặp một người nào đó, trước cùng làm ở nhà máy. Và rồi thì nào là sắp đến giờ làm việc, nào là nói chuyện chỗ đông người, chỗ mọi người qua lại e không tiện, họ bắt tay nhau và mỉm cười:
- Cậu khỏe lên đấy! Tình hình thế nào?
- Bình thường thôi! Công việc ở nhà máy ra sao?
- Bọn mình làm việc và nộp phôi… Xeriogia đi học rồi, bây giờ bọn mình có giám đốc mới.
- Ồ, thế là Nexterov đi học rồi đấy!
- Cậu ấy đi lâu rồi! Giá cậu đến thăm được nhỉ. Andrei, được không?
- Được, được, sắp tới nhất định mình sẽ đến!
Và anh lại cảm thấy rằng sắp tới nhất định anh sẽ đến, anh thành thật tin rằng, anh sẽ đến. Anh thấy vừa vui vừa buồn trước những cuộc gặp gỡ đó…
Mới đây, trong một trận đấu khúc côn cầu. Andrei đã gặp Pavel Kuznetsov. Anh trông thấy Pavel lúc rời sân vận động và nhận ra anh ta qua đôi vai rộng và chiếc mũ da quen thuộc mà anh ta thường đội gần như quanh năm. Sau những lời thốt lên vô mục đích đầu tiên, sau những cú đấm lưng nhau vui vẻ và những cái ôm ghì siết, đôi bạn say sưa trò chuyện và cùng đi bách bộ hồi lâu. Thì ra là Pavel đã đi khỏi phân xưởng và hiện nay là bí thư chuyên trách của Đoàn thanh niên nhà máy.
- Sắp tới bọn mình sẽ tổ chức đại hội bầu lại ban chấp hành Đoàn, - anh ta tự hào nói.
- Chúng mình không gặp nhau bao lâu rồi nhỉ? Đúng, hai năm rồi… - Andrei thở dài - Đôi khi mình phát ghen với những nhân vật của Turgenev - họ chỉ có biết đến thăm nhau và uống trà với nhau thôi. Thế mới là sống chứ!
Hai người vui vẻ nhìn nhau cười vang. Kuznetsov nắm tay Andrei:
- Mình có chuyện muốn nói với cậu. Andrei ạ.
- Gì thế?
- Cậu còn nhớ ở câu lạc bộ của chúng mình có nhiều nhóm phải không? Nhóm nhạc, nhóm kịch, nhóm cờ tướng, nhóm hội hoạ - đó là hồi cậu còn ở đấy. Sau đó chúng mình còn tổ chức các nhóm cắt may cho các bạn gái, nhóm mô-tô và bây giờ chúng mình đang nghĩ đến việc tổ chức nhóm văn học. Quần chúng chỗ mình rất say mê nhóm này, số bạn đọc ở thư viện đông vô kể. Và chúng mình thậm chí còn có cả những cây bút nữa.
- Những nhà văn?
- Ô, không phải là những nhà văn, cậu hiểu rồi, mà nói chung là có những người cầm bút. Cậu có nhớ anh chàng Valekh Batukin không, học trò của Kyzmin ấy? Ông Kyzmin thợ cả ở phân xưởng cơ khí số 6 ấy mà? Có râu… còn cậu học trò Valekh là cái cậu mặt rỗ ấy mà. Bây giờ cậu ấy đã là thợ bào bậc năm rồi đấy! Cậu ấy viết những bài thơ - mình phải nói với cậu là cậu sẽ phải ngạc nhiên! Những bài đó có in ở báo của bọn mình. Mọi người đều nói rằng đó là một tài năng thực sự. Hôm nay vừa đúng lại có bài thơ trào phúng của cậu ta nói về nhà ăn đấy! về chuyện xếp hàng dài thì cậu ấy nói đúng quá đấy! Và chỗ bọn mình còn nhiều người viết nữa. Có lực lượng đấy!
- Điều đó thú vị đấy, - Andrei nói.
- Đúng, đúng! Mình phải nói với cậu là điều đó rất thú vị. Vì vậy mà bọn mình mới muốn thành lập một nhóm văn học. Nếu không thì các bạn ở đó là những người có năng lực mà học vấn thì lại không có đủ. Quận đoàn có khuyên bọn mình đến gặp khoa văn học ở trường đại học nào đó. Mình thì nghĩ thế này: chẳng lẽ các cậu lại không cử giúp người nào đó đến được hay sao? Cử ở những lớp trên để họ không bị ảnh hường đến học tập. Hay cứ một bạn gái cũng được! Một tuần hoặc hai tuần một lần vào buổi chiều. Mình sẽ thu xếp với công đoàn nhà máy. Còn chính cậu… chẳng lẽ cũng bận quá ư?
- Mình đang nghĩ xem, - Andrei nói. - Mai mình sẽ gọi điện báo cho cậu, được chứ?
Trong mọi việc Andrei đều thích hỏi ý kiến bố, điều đó đã thành thói quen từ hồi còn nhỏ, tức là từ lâu lắm rồi, khi mẹ anh qua đời. Bố Andrei là đốc công của nhóm công nhân lắp máy, ông thường được cử đi những chuyến công tác dài ngày đến các nhà máy ở Leningrad, Rostov, Kolomna. Trong cuộc sống lao động và khó khăn đó Andrei đã lớn rất nhanh và trở thành người trợ thủ và người bạn của bố. Ông Stepan Afanaxevich là một con người vui tính và khác thường. Chiều chiều khi đi làm về và ngồi vào bàn ăn, ông luôn luôn hỏi:
- Thế nào, lớp thanh niên đã làm được những gì cho thời đại rồi?
Andrei và Olia, cô em gái của anh, phải kể cho ông nghe về việc học tập của mình với đầy đủ mọi chi tiết Sau đó ông Stepan Afanaxevich cho biết những tin mới nhất của nhà máy, ông thường hay tả lại qua nét mặt, khi thì là đồng chí kỹ sư trưởng, khi thì là một chú bé học việc nào đó, khi thì là ông già bẳn tính làm nghề theo dõi định mức. Và bao giờ ông cũng kể một chuyện gì đó rất buồn cười.
Được biết đề nghị của Kuznetsov về nhóm văn học, ông Stepan Afanaxevich liền bảo ngay:
- Đi đi, đi đi, còn phải suy nghĩ gì nữa! Từ lâu bố đã bảo con: chớ để mất mối liên hệ với nhà máy. Giai cấp công nhân kia mà! Có phải chuyện đùa đâu? Không nên xa rời giai cấp công nhân!
- Nghĩa là bố khuyên con như vậy?
- Không phải bố chỉ khuyên mà là bố ra lệnh, vì chính lợi ích của con! - Ông Stepan Afanaxevich nghiêm mặt lại và giơ ngón tay trở lên. Rồi bỗng nhiên ông cười tươi đến nổi để lộ hàm răng chắc, trẻ, sáng bóng trong chòm râu đen như than và nói một cách mơ mộng: - Rồi con sẽ tốt nghiệp trường đại học của mình, sẽ vượt lên toàn bộ sự thông minh sách vờ này và sẽ trở thành… ai nhỉ? Thành nhà giáo dục hoặc thành cái nhà ông nghiên cứu… “ăn học” này?
Andrei mỉm cười:
- Con đã nói bao nhiêu lần là con sẽ trở thành nhà giáo dục, nhà giáo dục! Bố cứ yên tâm!
- Thôi được! Rồi người ta sẽ điều con đi đến một nơi nào đó, cách xa khoảng nghìn dặm, nơi chỉ có thảo nguyên bao la, ví dụ thế, hoặc rừng tai-ga khó vượt qua được, nơi chi có những người đánh cá, những thợ săn, những công nhân - và xung quanh không có được một nhà nghiên cứu “ăn học”. Được chứ? Và rồi con sẽ dạy các em nhỏ học các môn khoa học, còn các em sẽ dạy cho con những việc bình thường hàng ngày và tính giản dị, cũng như hồi xưa có một anh sinh viên bị đi đày đã dạy cho bố học môn lịch sử, còn bố thì dạy anh ấy cách bắt chim sáo và khoét lỗ tiêu…
- Bố ơi, trà của bố nguội rồi, - Olia đẩy tách trà về phía bố nói.
- Ố, à… chờ tí! Còn đến khi về già thì bố cũng sẽ lần đến với con. Chúng ta sẽ sống với nhau. Con sống với bọn học trò của con, còn bố, con thấy đấy, bố sẽ sống với lũ nhóc của con. Chúng mình sẽ nuôi ong. Ôi!. - Ông thở dài và cười vang, đầu lắc lắc. - Thế nào, lớp thanh niên, ông bố của các bạn thích nói nhảm nhí qua, phải không? Thích chứ! Và chính bố cũng biết rằng, không có gì có thể bắt bố xa rời phân xưởng được, nhưng bố vẫn nói bốc thế đấy. Không có gì cả! Đó là tai hoạ… Và rồi bố con ta sẽ như thế nào nhỉ?
- Bồ đừng lo lắng qua sớm như vậy!- Andrei nói, trán nhăn lại.
Anh không thích nói những chuyện đó. Ở ông bố càng ngày càng thấy xuất hiện những ý nghĩ về chuyện chia ly với con cái. Một mặt - ông tin chắc rằng họ sẽ phải đi xa thủ đô, và đến chính cái nơi còn rất ít các chuyên gia, nơi đang cần đến họ nhất, mặt khác - ông biết rằng, ông không thể đi theo con cái được. Công việc ở nhà máy là cuộc đời của ông. Đi khỏi nhà máy có nghĩa là tắt thở luôn.
Và giờ đây ông lại đang nghĩ về điều đó, bỗng nhiên ông im lặng và như một cái máy ông ngoáy chiếc thìa trong tách trà.
- Bố ơi, bố hứa là sẽ sửa cho con chiếc cối xay thịt, bố không quên chứ? - Olia nói. Nó bị tung mất một chiếc vít.
- Ô, vít tung ra à? - Stepan Afanaxevich nói đùa, nhanh nhẹn ngoáy chiếc thìa vẻ tươi tỉnh. - Không sao, chúng ta sẽ đưa vào kỷ luật ngay bây giờ, nếu nó dám tung ra…
Đêm hôm đó, trên chiếc đi-văng ngắn có đệm lò xo kế bên cửa sổ. Andrei trằn trọc mãi không thể chợp mắt được. Anh nghĩ mãi về cái nhóm văn học sắp tới của mình, về những con người mà anh sẽ phải làm quen, và có thể, là sẽ gặp nhau lại. Liệu anh có biết cách làm cho họ thích thú được không? Nói chuyện với họ có dễ dàng và hấp dẫn không? Và liều anh có được chút năng lực sư phạm nào không? Giá mà anh không có cái tính nhút nhát đáng nguyền rủa nhì… Đó là nỗi đau khổ đè nặng lên toàn bộ cuộc đời anh. Hồi học phổ thông anh bị coi là một học sinh uể oải, ít hoạt động, bởi vì không bao giờ anh tự mình xin thầy giáo trả lời, không bao giờ anh đứng tại chỗ mà phát biểu, còn trong những kỳ thi vấn đáp, vì quá hồi hộp anh thường bị lẫn lộn.
Trường phòng phân phối của nhà máy, ông già Sa-tơrov thường nói với anh: “Syryk, sao thật sự lúc nào cháu cũng nương nhẹ như vậy? Cháu cần phải xông xáo và hò hét lên chứ! Tay nào cãi lại cháu - cháu cứ “cạo” hoặc “trần” cho cẩn thận, nếu cháu còn là một tay điều độ viên thật sự”. Trước mặt các cô gái, nhất là những cô chưa quen. Andrei rất lúng túng và trước những đám đông anh chỉ im lặng và đứng lánh ra một bên. Các cô gái coi anh là một con mọt sách hay cau có và có thái độ giận dỗi xem thường anh. Một số khác, biết anh một cách gần gũi hơn, thì lại kính trọng anh, nhưng số người này không nhiều.
Chính anh là một người vừa sắc sảo, vừa hát hay và cũng thích vui đùa. Nhưng tính nhút nhát, hay nói như kiểu bố nói, “tính hoang dã” thường ngăn trở anh bộc lộ đúng bản chất của mình.
Andrei không sợ phải làm việc, không sợ phải xông vào những vấn đề khó khăn - anh nắm vững công việc của mình lắm. Nhưng liệu các bạn sẽ đón tiếp anh ra sao? bởi vì có nhiều người trước đây anh đã biết, đã cùng làm việc ở một phân xương và anh cũng như họ, đã từng mặc bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ, bị thủng lỗ chỗ vì những phôi tiện nóng tóe lửa. Có thể đối xử xuề xoà với họ được không? “À, chào các bạn thợ tiện! tình hình công việc thế nào?” - Không, không nên như thế, mà phải có thái độ nghiêm túc, oai vệ, nếu không buổi học sẽ biến thành buổi nói chuyện phiếm vô tích sự. Phải đường bệ như một diễn giả? “Thưa các đồng chí, tôi đang hình dung ra những hoạt động của chúng ta…”.
Quỷ quái! Mọi người sẽ bỏ nhóm ngay. Vì nhóm phải hoạt động sau giờ làm việc - chính anh đã biết điều đó nghĩa là thế nào, bản thân anh đã từng làm việc…
Andrei trở mình luôn làm cho những chiếc lò xo kêu cót két. Anh vã mổ hôi ra vì những ý nghĩ giày vò, không có kết quả đó. Hay chỉ vì trong phòng nóng quá? Trong nhà mọi người đã ngủ cả rồi - bố và Olia đi nắm sớm vì họ phải dậy sớm, xung quanh tối om và yên tĩnh, từ lò sưởi toả ra hơi nóng khiến anh không ngủ được.
Andrei đứng dậy, đi chân đất đền bên cửa sổ sáng ánh trăng màu tím bạc. Anh cứ thế đứng đó cho đến lúc thấy thấm lạnh. Và khi anh chui lại vào trong chăn ấm, thì anh không còn suy nghĩ điều gì nữa. Bỗng nhiên anh chỉ còn thấy nhà máy và phân xưởng của mình, nơi mà từ rất lâu anh đã bắt đầu… Bên cạnh lò rèn là một chiếc búa hơi đồ sộ, nện ầm ầm suốt ngày suốt đêm. Trong lò là những thỏi thép màu da cam, người ta rèn phác chúng ra để cho thợ nguội hoàn chỉnh tiếp. Muốn châm thuốc hút chỉ cần lấy kìm cặp thỏi thép rút ra, thỏi thép sáng rực, khiến mặt nóng hừng hực. Bác thợ cả chửi ầm lên một cách dữ tợn. Nhưng bản thân bác cũng thường châm thuốc kiểu ấy, bác cũng chẳng bao giờ có diêm cả. Họ của bác là Xmezdov - bác là một người nhỏ bé, có khuôn mặt màu xám, đầy nếp nhăn của con quỉ lùn.
Bác quát mắng mọi người, bác không đi, mà là chạy và tự mình làm lấy mọi việc. Và bác không bao giờ ăn, ngủ và thậm chí là ngồi trên ghế cả. Mọi người vừa sợ vừa kính trọng bác. Nhìn bác, mọi người đều muốn làm việc tốt hơn. Người ta gọi bác là “Ôn dịch”.
Còn phân xưởng bên cạnh thì có Galia, một cô gái đẫy đà, mắt xanh, có bộ mặt dịu dàng, tươi tắn.
Cô thường mặc áo bông và đi ủng. Andrei chỉ chào hỏi và nhìn cô, khi nào cô đi qua phân xưởng. Cứ như vậy một thời gian dài. Một lần anh đi dọc hành lang tối om bên cạnh kho dụng cụ, hoàn toàn không một bóng người - đang là ca đêm mà. Có một người nào đó từ trong cửa chạy về phía anh.
- Ai đấy? - một giọng lo lắng vang lên. Anh nhận ra là giọng Galia. Cô chạy lại gần anh. - Ai đấy?
- Tôi đây, - Andrei nói.
- Chiến thắng ở Leningrad rồi! Vòng vây đã bị phá vỡ! chiến thắng rồi! - cô kêu to như tắc thở vì chạy vội và bỗng nhiên đôi cánh tay mềm mại của cô ôm chầm lấy cổ anh và đôi môi cô miết chặt vào má anh rất nhanh và nồng nhiệt.
- Do đâu mà cô biết tin này thế. Galia?
Nhưng cô đã bỏ chạy đi rồi. Còn anh ngay lúc đó không hiểu rằng đó là lần đầu tiên trong đời, một người con gái đã ôm hôn anh.
Sau đó anh cùng với cô đọc tờ báo có đăng tin của Cục thông tin Liên Xô và anh đã dùng bản đồ giải thích cho Galia rõ diễn biến của chiền sự. Sau đó Galia đã xin vào làm việc ở một quân y viện và đã đi Leningrad. Cô vốn là người Leningrad.
Ban đêm cả nhà máy chìm trong bóng tối, không một cửa sổ nào có ánh sáng nếu bạn đến vào giờ giải lao, chỉ thỉnh thoảng mới thấy lập lòe những điếu thuốc lá cuốn lấy. Và trong màn đêm đó là tiếng còi rúc trầm trầm, căng thẳng, kéo dài không dứt. Các toà nhà cũng phát ra tiếng ù ù không dứt, chỉ có những tấm kính là rung lên từng hồi.
Còn bây giờ, có lẽ, đã sáng rồi…
Ở đó là những cửa sổ ra cửa sổ, thật là khổng lồ…
Tối hôm đó ở ký túc xá có tổ chức “ngày sinh nhật chung”. Những người được kỷ niệm là Raya Volkova. Marina Gravet và Aliosa Remescov. Những ngày kỷ niệm của họ chênh nhau vài ngày, nhưng theo truyền thống cũ của ký túc xá, tất cả bọn họ đều tổ chức kỷ niệm vào một ngày - làm thế vừa vui vẻ vừa trọng thể hơn, vừa tiết kiệm hơn.
Buổi kỷ niệm diễn ra trong căn phòng lớn của các bạn gái do “một ủy ban kỷ niệm đặc biệt” trang hoàng dành riêng cho việc đó, Thẳng ngay trước cửa ra vào có treo một tấm biểu ngữ lớn: “Hãy trao cho các bạn được kỷ niệm những tặng phẩm có chất lượng cao” - và trên đó có vẽ bằng mực tẩu những hình mẫu tặng phẩm bắt đầu từ chiếc xe hơi Moskovich và kết thúc bằng chiếc bếp dầu dùng trong gia đình.
Trong phòng còn treo nhiều tấm biểu ngữ, nhiều bức biếm hoạ khác nhau, nhiều bài thơ vui được sáng tác vội vàng, còn ở giữa phòng là bàn tiệc đã bày biện, được ghép lại bằng ba chiếc bàn văn phòng và sáng lấp lánh bởi các loại bát đĩa khác nhau (kể cả những chiếc cốc nhựa để cạo râu) và một ít những món ăn nguội đơn điều. Người nào bước vào cửa cũng bị hoa mắt bồi màu phẩm đỏ của món ăn nguội đó.
Trên tường phía trước bàn hiện ra một dòng chữ: “Lễ sinh nhật không phải là để xa hoa, mà là một sự cần thiết nghiêm túc!”.
Vadim đến muộn. Mọi người đã ngồi vào bàn, và một sự lộn xộn hối hả, ồn ào vang lên khi người này không có cốc, người khác chưa có đĩa, người thứ ba chẳng có gì ngồi, và anh ta bèn ngồi ghép với ai đó vào một ghế và sau động tác bất cẩn đầu tiên cả hai cùng bay xuống sàn trong tiếng cười vui vẻ của mọi người.
- Màn thứ mười, có cả Vadim Belov. Nhạc đâu rồi! - anh chàng Lesik cao ngông vừa thét lên, vừa đứng bật đậy. Cậu ta đã ngã ngã say và không mặc áo vét, kravat thì lệch sang một bên. - Có cả tặng phẩm! Hiện nay khách đến là có ý thức…
Vadim bị kẹp giữa hai bạn được kỷ niệm hôm nay. Marina Gravet, không ngừng ba hoa và cười cợt, lúc này bắt đầu chăm sóc tới anh - rót cho anh nửa cốc vodka, trút vào đĩa của anh cả núi đồ ăn: món vinegret, cà chua muối, xúc-xích và phó-mát trộn lẫn vào nhau. Cô mặc chiếc áo dài đẹp, uốn tóc kiểu rất nhã, má đỏ dậy, và cặp mắt huyền của cô ánh lên một cách hạnh phúc và kỳ quặc.
- Marina, thôi đi! Xin đủ món vinegret thôi! - Vadim phản đối.
- Không, không! Nữa đi! - Marina vừa cười khanh khách vừa kêu lên. - Anh ăn hết cả đi! Vinegret là món ăn bắt buộc! Không thì nó sẽ hỏng mắt! Phải chia đều cho mọi người, cho tất cả mọi người!
Ngồi bên phải Vadim là Raya Volkova mặc bộ quần áo màu xanh sẫm, đứng đắn, trên về áo lấp lánh hai dãy cuống huân chương nhiều màu. Cũng như Vadim, Lagodenko và nhiều thanh niên khác hiện đang học ở trường, Raya đã từng sống ở mặt trận - chiến tranh đã cướp mất của cô bốn năm trời. Tốt nghiệp phổ thông ở miền quê Tambob lúc mười bảy tuổi, Raya đã tình nguyện nhập ngũ và theo học một lớp đào tạo y tá. Đến cuối chiến tranh cô đã là một trung úy. Cô được kết nạp Đảng ở ngoài mặt trận.
Vadim có cảm tình với cô gái điềm đạm có đôi mắt xám lớn tuổi nhất khoa đó - mọi người đều tôn trọng cô, còn các bạn gái cùng sống với cô ở ký túc xá thì thật sự yêu mến cô, họ âu yếm và vui đùa gọi cô là “mẹ”.
Raya hỏi Vadim, vì sao anh chỉ đến một mình không đi cùng với Lena.
- Mình không biết là các cậu mời cô ta. Thế các cậu có mời cô ta chứ?
- Tất nhiên! Bọn mình gọi điện thoại và nhờ mẹ cô ta báo hộ. - Raya nói - Lẽ ra cậu phải ghé vào rủ cô ra cùng đi! thế là chính cậu có lỗi! Còn Sergei thì vẫn đang bị cúm. Liuxia có ghé lại thăm cậu ấy.
Hôm nay Raya thật sự không được vui, thậm chí còn có vẻ bối rối, và luôn luôn chau mày, dường như đang căng thẳng suy nghĩ về một chuyện gì đó. Trong tiếng cười đùa của mọi người quanh bàn tiệc hầu như không nghe thấy tiếng của cô. Vadim nhận thấy trong số khách khứa đền dự không có mặt Petr Lagodenko.
- Petr đâu rồi?
Raya nhún vai.
- Không biết Anh ấy bỏ đi đâu đó và cũng chẳng nói gì với ai cả. Vadim, không hiểu tính tình con người là như thế nào nhỉ? - cô nói nho nhỏ và có vẻ đau khổ, rồi quay lại phía Vadim. - Nhất định là làm hỏng mất buổi tối vui… Mình đã nói với anh ấy: “Anh đến nhé! - Còn anh ấy thì: “Tôi biết làm gì ở đó nhỉ? Bây giờ với tôi đâu phải là lúc cười cợt và chơi nhảy cừu nữa!” - Mình nói! - “Ngược lại, anh cần phải giải trí và cuối cùng thì anh hãy vì tôi mà đến đó! - Không…” Cô chẳng hiểu gì cả, hãy để cho tôi yên! - Mình không hiểu… Không biết phải nói thế nào với anh ấy đây?
- Có thể, lúc này cậu ấy ở một mình lại thật sự tốt hơn. - Vadim nói. - Cậu ấy, chắc là đang cùng với Andrei ở đâu đó. Andrei cũng không ở đây phải không?
- Không, anh ấy không đi cùng với Andrei đâu… - Raya lắc đầu và quay người lại.
Vadim muốn nói điều gì đó để động viên an ủi Raya, nhưng anh không biết làm việc đó như thế nào. Anh hiểu rằng cô ta giấu kín tâm trạng của mình trước mọi người, và lúc này nếu nói chuyện với cô về Lagodenko thì sẽ khiến cô cảm thấy khó xứ, nặng nề. Ngay cả bản thân Vadim, người đang chờ gặp Lena ở đây bỗng cũng thấy mất hứng thú đối với buổi tối vui này. Trước đây khi anh và Lena chưa có chuyện gì với nhau thì anh rất thích thú đi dự các buổi tối vui và anh cũng ngồi chơi thoải mái với các bạn trai, cười đùa và vui chơi với các bạn gái rất đông đảo. Nhưng bây giờ chỉ có một cô gái mà bên cô anh thấy dễ chịu, một mình cô có thể mang lại cho anh tất cả những gì tạo nên niềm vui và sự tuyệt diệu của tất cả những buổi tối vui cùng với tất cả các bạn gái và những bài ca, và còn hơn thể nữa, hơn thế rất nhiều. Thế nhưng cô lại không có ở đây và anh thấy buồn chán, anh không biết cách làm cho bản thân vui lên. Rượu thì nhiều, nhưng anh không thấy say. Anh uống hầu như không ăn chút gì và vẫn không thấy say.
Ngày hôm nay, cuối cùng, kỳ kiểm tra môn tiếng Anh chờ đợi từ lâu đã được tổ chức và lúc này, quanh bàn tiệc, sự kiện đó đang được thảo luận một cách sôi nổi.
- Vadim, thế cậu làm bài thế nào? Có dùng danh động từ không?
- Chỉ ở bài đầu. Bài làm của mình nói chung là đúng. Sau đó mình có hỏi Andrei, bài của cậu ta cũng thế!
- Còn mình, chắc sẽ bị điểmCô3”, mình biết trước, - Galia Mamonova, một cô gái mảnh khảnh, có mái tóc rất kiểu cách và đôi mắt của nàng tiên cá, đã nói với một niềm tin rầu rĩ. - Mình ngốc thật, nhất định là bị lẫn…
Marina bực mình quay lại nhìn cô:
- Galia, ngược lại thì có, lạy chúa! Im đi cho! Cậu thì lúc nào cũng than thở, mà vẫn cứ luôn luôn được điểmCô5”.
- Đúng, đúng, cô lúc nào cũng giả nghèo giả khổ! - Liuxia vui vẻ phụ hoạ. - Cô ấy vừa may một chiếc áo dài thật lộng lẫy: “Ôi, các cậu ạ, cái áo mình mặc trông vô duyên không này? Mình đúng là một con quỷ! - Còn chính cô ấy lại đẹp nhất bọn mình kia chứ.
- Ồ, đâu mà… - Galia nói khẽ, mặt đỏ lên và mắt nhìn xuống.
- Các cậu có thấy hôm nay Lena tất bật qua không? - Lesik hỏi. - Cô ấy ngồi trước bàn mình. Mình để ý: cô ấy giơ cho mình hai ngón tay. Thế là thế nào? Mình không sao hiểu nổi. Thì ra là cô ta không biết làm bài tập thứ hai như thế nào. Còn mình thì lại chưa làm xong bài dịch…
- Cậu nói về Lena đấy à? - Liuxia cắt ngang lời anh bằng cái giọng the thé của mình. - Cậu tưởng là cậu đã làm mọi người ngạc nhiên ư! Cô ấy luôn luôn dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Vì cô ấy cho rằng điều chủ yếu là mọi người phải có nhiệm vụ giúp đỡ cô ấy. Vì cái gì? Vì đôi mắt đẹp à?
- Ồ, đừng bịa chuyện. - Mắc cau mày nói. - Lena không nghĩ thế và mình không thấy có điều đó…
- Mắc, cậu không thấy gì hết! Cậu bao giờ cũng dũng cảm ngồi ở bàn đầu và chẳng thấy gì cả! Còn chúng mình thì thấy hết!
- Không! Liuxia, cậu nói không đúng, - Marina dứt khoát lắc đầu nói. - cái gì thì không biết chứ tiếng Anh thì cô ấy học khá, chứ không như cậu. Chổ nào cần học thuộc lòng, thì Lena rất thuộc.
Vadim nghe tất cả những câu chuyện về Lena đó với một sự chú ý căng thẳng, nhưng cố giấu mọi người về sự chú ý đó và làm ra vẻ rất thờ ơ. Và dù vậy, anh vẫn có cảm giác là mọi người thấy rõ sự căng thẳng và nỗi xúc động của anh và họ hiểu rằng vì sao anh lại làm ra vẻ thờ ơ và im lặng không nói. Lẽ ra anh cần phải nói một điều gì đó và tham gia vào câu chuyện. Và cuối cùng, vì sao anh lại phải im lặng, nếu trong lòng anh thấy không nhất trí với họ, đặc biệt là với cô nàng Voronkova ngu dốt, giọng the thé kia? Bỗng Vadim ngẩng đầu lên và hẳng giọng chậm rãi nói:
- Các cậu nghĩ thế là không công bằng. Nói chung… kiến thức của tất cả các cậu cũng đại khái như nhau, trừ Nina Fonika.
Raya mỉm cười và dịu dàng nói:
- Vadim, bọn mình không có ai nghĩ xấu về Lena đâu. Cồ ấy là một cô gái đẹp, tốt, nhưng cậu cũng biết, cô ấy là con một… Dường như cô ấy bàng quan với tất cả những gì không liên quan đến cô ta. Một sự bàng quan trẻ con đáng yêu. Bọn mình đã biết nhau từ ba năm nay, mà cậu thử tưởng tượng xem, cô ấy mới đến ký túc xá của bọn mình có bốn lần. Mà cả bốn lần đều vì có việc cả.
- Đúng thế, đều vì có việc cả - hoặc là bít-tất bị rách hoặc là cặp tóc bị mất. - Liuxia giải thích vẻ xoi mói.
Vadim cúi xuống đĩa của mình, cố gỡ lớp võ của khoanh lạp-xưởng mà anh đang gỡ dở.
- Thôi xin các bạn! đủ rồi! - bỗng Lesik đứng dậy nói to. - Tóm lại, hôm nay kỷ niệm ngày sinh của những ai? Chỉ được nói chuyện về tớ thôi và uống đi! uống mừng Aliosa… - cậu ta cất tiếng hát. - Chỉ mừng Aliosa thân yêu thôi, chứ chưa đến lúc rót hoặc uống mừng người khác đâu…
Khi bữa tiệc đã tàn, mọi người dẹp bàn vào tường và bắt đầu khiêu vũ. Căn phòng khá rộng, một lúc có thể nhảy tới mười cặp. Lesik đã bỏ kravat ra, mệt nhoài và tươi cười, đi xen vào giữa các cặp nhảy, ngoặc chân tất cả mọi người và lắp bắp những gì đó một cách tinh nghịch.
- Lesik, bò cái trò ấy đi! - Marina gắt lên, cô đang nhảy cùng với anh bạn là một chàng sinh viên khoa triết học ở trường đại học Tổng hợp, tính tình lặng lẽ, - Cậu hãy lịch sự: một chút…
- Marina, mình có phải là người được kỷ niệm hay không? điều bất nhã nhất đối với người được kỷ niệm là phải đối xử lịch sự…
Raya bước lại gần Vadim và mời anh nhảy. Trông cô tái nhợt hẳn đi.
- Raya bị mệt phải không? - Vadim hỏi, - Có lẽ, nghi một chút tốt hơn chăng?
- Không, không hề gì! Thế là… vẫn không thấy Petr đến!
- Ồ, chắc là cậu ấy sẽ đến. - Vadim nói vẻ tin tưởng. - Nhất định cậu ấy sẽ đến!
Vadim nhảy rất giỏi, anh nhảy được tất cả các điều, nhưng ít khi anh thấy thích thú với việc đó. Lúc này anh cố gắng nhảy thật tốt, anh nhẹ nhàng và thận trọng đỡ lấy Raya và nhớ lại những bước mới mà anh đã quên từ lâu - anh cảm thấy rằng dù chỉ một việc nho nhỏ đó, anh cũng làm cho Raya vui lên một chút. Họ nhảy với nhau rất hợp vì cả hai cùng im lặng, mỗi người đều suy nghĩ về chuyện riêng của mình và điều đó không khiến họ thấy khó chịu. Đứng ngoài mà ngắm cái cặp nhảy lặng lẽ và chăm chú đang cẩn mẫn vẽ nên những động tác khó hiểu nhất đó, có thể tưởng rằng họ hoàn toàn bị điệu nhảy cuốn hút và quên cả mọi chuyện trên đời…
Sau đó Rasit Nuraliev bước ra giữa phòng và bắt đầu nhảy một điệu nhảy phương Đông chậm rãi và lạ lùng, còn mọi người đứng thành vòng tròn vỗ tay và đồng thanh hô: “Át-xa… Át-xa… - dường như anh đang nhảy một điệu nhảy kavkaz nhanh mạnh. Sau đó họ hát những bài hát có arcodeon đệm. Lesik chơi arcodeon, đầu anh ngoẹo xuống ngực và hình như anh đang ngủ, nhưng anh chơi rất đúng nhạc và chơi tất cả những bài mà mọi người đề nghị.
Khi đã có nhiều người ở xa ký túc xá bắt đầu sửa soạn ra về, thì bỗng nhiên Lagodenko đến. Vẻ cau có, râu không cạo, mặc chiếc áo ca-pốt đen hải quân, anh đừng lại ngoài cửa và mọi người không nhận ra anh ngay. Bất chợt Raya nhìn thấy anh và cô chạy lại gần.
- Petr đến kia rồi! - Liuxia nói, không hiểu sao cô cười ầm lên. - Đến mà không chút dấu ấn của bụi đường!.
Lagodenko lặng lẽ chào mọi người và ngồi xuống cạnh bàn. Anh từ chối không ăn và không uống, lấy của Lesik điếu thuốc lá thơm - món quà ngày sinh nhật - và châm lửa hút. Raya ngồi xuống cạnh anh và họ thì thầm nói về chuyện gì đó một hồi lâu. Lagodenko luôn luôn cau có và trả lời Raya, nhưng mắt lại nhìn đi chỗ khác.
Buổi kỷ niệm sắp kết thúc. Tiếng arcodeon đã im bặt, cặp cuối cùng nhảy điều van-xơ cũng đã dừng lại thở phì phò và ai đó nói to một câu đã thành truyền thống:
- Quý khách thân mến, chắc các vị đã chán chủ nhà chăng…
Và chỉ còn Marina và Liuxia vẫn chưa thấm mệt cùng với một nhóm nhỏ những người còn say sưa là đang vội vã kết thúc cái trò chơi gì đó như kiểu xem số tử vì hoặc xem bói “vẹt”. Liuxia rút từ trong mũ ra một tờ giấy cuộn tròn, và Marina xướng tên một người nào đó đang có mặt ở đó. Trong tờ giấy có viết sẵn một câu tục ngữ, một câu cách ngôn nổi tiếng hoặc chỉ là một lời khuyên nho nhỏ về đời sống hàng ngày. Tờ giấy được đọc to lên trong tiếng cười và tiếng vỗ tay náo nhiệt của mọi người.
- Quẻ này của ai? - bỗng nhiên Liuxia hỏi.
- Lagodenko!
-CôCả đại đội bước sai nhịp, chỉ một mình trung úy là bước đúng…”.
Lần này không một ai cười nữa, tất cả đều nhìn vào Lagodenko. Anh vẫn ngồi bên cạnh bàn, hút thuốc và hình như không nghe những điều mọi người nói về anh. Bỗng anh đứng dậy, khoác áo ca-pốt vào và lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Raya cũng đứng dậy.
- Cậu làm thế để làm gì? Cố tình à? - bước lại gần Liuxia, cô nói nhỏ có vẻ bực, - Chính cậu cũng biết anh ấy là người thế nào?
- Mình không cố tình gì cả! Thế có chuyện gì đặc biệt vậy?
- Chẳng có gì đặc biệt cả! Cậu thật là… - Và, không nói hết câu, Raya bước nhanh ra theo Lagodenko.
Đó cũng là lá số cuối cùng, trò bói “vẹt“ chấm dứt. Mọi người bước ra phía cửa, nơi đó trên mặt bàn chất đầy những áo bành tô hoặc áo khoác lông không đủ chỗ treo trên mắc áo. Lesik giúp các bạn gái mặc áo và lúng búng nói bằng giọng ngái ngủ:
- Buổi tối vui đã kết thúc. Gia nhân đã tắt đèn, chuyện trò cũng đã tắt lặng từ lâu… khách khứa chia tay… biết bao nhiêu áo khoác lông, bao nhiêu kim cương quý, bao nhiêu giày bằng cao su xốp…
Vadim quyết định ghé qua ít phút vào phòng của các bạn ở tầng hai, nơi Lagodenko ở. Anh xô phải Raya ở chỗ cầu thang hẹp không có đèn.
- Petr ở trên đó à?
- Ừ, cậu lên đi… Mình không thể ở cùng anh ấy được, - cô nức nở, cố ngoảnh mặt không nhìn Vadim, - Không nói được…
Trong bóng tối Vadim vụng về bắt tay cô và lắp bắp:
- Không hề gì, Raya… Mình lên nhanh thôi…
Lagodenko nằm ở trên giường, quay mặt vào tường. Hai người cùng phòng đã ngủ, trùm chăn kín đầu. Ở góc bên kia Mắc Vinkin vẫn đang ngồi trên giường, khư khư ôm bàn cờ trên đùi và đang tính cách giải một nước cờ thế.
- Sao cậu đến dự muộn thế? - Vadim hỏi, ngồi xuống giường của Lagodenko.
Lagodenko quay mặt lại phía Vadim và im lặng khoảng một phút, mắt chăm chú nhìn anh.
- Mình đi Sevastopol về, Vadim ạ, - đột nhiên anh nói.
- Để làm gì?
- Người ta định lấy mình làm phó thuyền trưởng. Đã quyết định rồi!
- Ra thế, - Vadim im lặng một lát, rồi nói. Anh quyết định sẽ nói một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc, mặc dù anh biết Lagodenko sẽ không chịu tiếp thu một cách nghiêm túc. - Ra thế, làm phó thuyền trưởng là một công việc tốt và thú vị đấy…
- Cậu định nói với ai thế? - Lagodenko tức giận cằn nhằn. - Hừm, thế ra chính cậu nói cho mình biết rằng đó là một công việc tốt…
- Anh bạn sẽ chẳng đi đâu cả đâu, - Vadim suy nghĩ. - Chi tại những câu chuyện đùa. Vì thế mà cậu bực mình”.
- Ồ, tất nhiên, mình chẳng có chuyện gì để nói với cậu cả, - anh nói một cách điềm tĩnh. - Nhưng dù sao… Mình cảm thấy ngày mai cậu sẽ suy nghĩ lại.
- Nghĩ lại là thế nào? Chẳng lẽ cậu không biết mình à? - Lagodenko cao giọng. - Mình nói à? Đủ rồi! Mai mình sẽ lên gặp ban chủ nhiệm khoa, nộp đơn xin học hàm thụ.
- Thầy Miron Mikhailovich không cho cậu làm thế đâu!
- Cho chứ! Thầy ấy là người hiểu biết…
- Nhưng mình cho rằng, - bỗng Vadim đứng dậy vẻ kiên quyết nói, - tất cả những chuyện về việc ra đi của cậu đều là nhảm nhí cả! Cậu hiểu không? Cậu không phải đi đâu cả, cậu cần phải học ở đây, phải tốt nghiệp và nói chung… Nói chung hành động như vậy là hèn nhát!
- Sa-a… o? Hèn nhát à? - Lagodenko bật dậy khỏi giường. - Thế nghĩa là cậu chẳng hiểu gì hết à, Vadim? Sau chuyện xảy ra với thầy Kodensky, mọi người có hoang mang, có lúc có người còn tỏ ra ác cảm với mình nữa! Cậu hiểu không? Còn mình, thật vậy, mình đã phải chịu đựng nhiều chuyện như vậy rồi, quỷ bắt mình… Nhưng bây giờ mình không muốn…
- Nếu cậu tin vào điều gì đó, - Vadim bừng bừng ngắt lời, - nếu cậu cho mình là đúng - thì cần phải chứng minh, cần phải đấu tranh! Cậu rõ chứ! Chứ không phải là tránh xa đến một vùng nào đó, đến Saratov để làm phó thuyền trưởng!…
- Hừ, đấu tranh!. - Lagodenko mỉm cười. - Xin nhắc lại là cậu chớ có gào lên, ở đây mọi người đang ngủ… Mình là một thủy thủ - cậu hiểu chứ! Và không bao giờ mình đấm vào dưới thắt lưng đâu, còn họ… Ở đó họ gợi lại những chuyện cũ của mình từ năm thứ nhất. Ngày kia sẽ có cuộc họp Đoàn.
- Thế thì sao?
- Sao à! Thế rồi… các cậu sẽ lên án mình. - Anh liếc nhìn Vadim và cau mày lại. - Với thầy Kodensky tất nhiên là mình không đúng, có quỷ mà biết… Nhưng cậu hiểu đấy, lò xo đã bật lên! Không chịu nổi nữa!. Cậu Mắc kia, chắc là, - anh hất đầu về phía Mắc, - đã viết một bài phê phán mình gửi cho báo. Còn cậu thì chắc là sẽ vẽ một bức tranh châm biếm. Đại loại như: “Con nhái và con bò” hoặc “Voi và chó con “…
Anh im lặng nhìn chằm chằm vào Vadim. Vadim không trả lời. Anh luôn luôn thấy khó mà tranh cãi với Lagodenko, khi anh ta không bình tĩnh, hơn nữa cả hai người đều không biết tranh luận một cách bình tĩnh. Vadim mỉm cười nghĩ rằng giờ đây nhất định Lagodenko sẽ coi sự im lặng của anh là một sự phản bội.
- Tóm lại, chẳng Việc gì cậu phải đi cả, đó là điều vô lý! - anh nói một cách rầu rĩ, như bực mình với chính mình, với việc mình không biết cách nói năng có sức thuyết phục và có trọng lượng. - Vả lại cậu sẽ chẳng đi đâu cả…
Lagodenko trả lời với vẻ bình tĩnh không ngờ.
- Đúng thế à? để rồi xem!
Cả hai cùng im lặng một phút. Vadim nhớ lại câu nói của Raya: “Làm thế nào nói chuyện được với anh ấy?. - Đúng, không nói chuyện thật sự được. Vadim cũng thấy thông cảm với con người ương bướng, gai ngạnh đó, Lagodenko về cơ bản chắc chắc là đúng, nhưng đồng thời sự tự tin qua đáng và giọng nói khiêu khích của anh ta cũng lại làm cho Vadim khó chịu. Sự khó chịu không rõ nét đó cũng ngăn cản Vadim chuyện trò cởi mở với Lagodenko: phê phán điều này đó, nhưng lại đồng ý hoặc tán thành điều khác một cách bình tĩnh, thân ái. Tất nhiên Lagodenko không có quyền nói năng thô bạo với thầy giáo, nhưng nếu ở cuộc họp mà có bàn về thầy Kodensky thì nói chung, anh, Vadim, cũng có chuyện gì đó để nói. Nhưng lúc này anh không muốn nói trước điều gì cả. Cứ để cho mọi chuyện được giải quyết tại cuộc họp Đoàn.
- Thế sao cậu lại không đến dự buổi kỷ niệm sinh nhật của các bạn? - Vadim thở dài, hỏi. - Chính cậu đã xúc phạm đền Raya.
- Mình không biết vờ vĩnh, Vadim ạ! Khi mình thấy trong lòng u uất thì mình không thể làm bộ vui vẻ được. Và mình cũng không muốn làm cho tâm trạng của người khác bị u uất. Raya phải hiểu điều đó và không nên bực mình.
Anh giận dữ quay mặt vào tường và kéo chăn lên đầu.
- Mình ngủ đây! Chào cậu, Vadim ạ! - Anh lẩm bẩm bằng giọng khàn khàn từ trong chăn.
- Hừ, chào cậu…
Vadim từ chỗ Lagodenko ra về, lòng nặng trĩu, tự giận chính mình, dường như anh vừa từ bỏ một công việc nặng nề mà anh chưa bắt đầu một cách thật sự…
Mãi đến một giờ đêm, khi trong phòng đã tắt đèn và mọi người đã đi ngủ cả rồi. Andrei mới về.
Phải ở lại thành phố - điều này khá hãn hữu đối với anh, - Andrei đành ngủ đêm ở ký túc xá và nằm chung một giường với Lagodenko. Họ vẫn là bạn cũ. Tình bạn của những con người rất khác nhau đó bắt đầu từ cách đây hai năm và bắt đầu bằng một giai thoại. Trong trường có tổ chức một buổi dạ hội kịch, múa, các trò chơi văn học và các trò vui khác nữa. Lagodenko vốn không bao giờ lỡ dịp phô trương bắp thịt cánh tay của mình, bỗng nghĩ ra chuyện tổ chức cuộc thi chớp nhoáng tuyến người khỏe nhất. Anh lôi ở trong phòng ra hai chiếc lực kế với những lò xo bằng thép và đề nghị kéo căng ra - lúc đầu là một chiếc, và sau đó là cả hai chiếc cùng một lúc. Một chiếc thì có nhiều người kéo ra được, nhưng cả hai chiếc cùng một lúc thì chỉ có một người và cũng không kéo được quá hai lần. Lúc đó, Lagodenko bèn len qua đám khán giả và ưỡn ngực một cách kiêu hãnh kéo chiếc lực kế tới sáu lần liền. Mọi người vỗ tay vang dội và thầy chủ nhiệm khoa Miron Mikhailovich trịnh trọng tuyên bố Lagodenko đoạt giải quán quân của buổi dạ hội. Các bạn gái chạy ngay xuống căng-tin lấy phần thưởng đến - đó là một chai bia.
Nhưng ngay lúc đó trong hàng ngũ khán giả có một sự hỗn loạn lạ lùng gì đó xảy ra: một vài người ra sức đẩy vào giữa đám khán giả một thanh niên to béo, cử chỉ vụng về, đeo kính trắng đang khăng khăng từ chối một cách tuyệt vọng và nói gì đó bằng một giọng khàn khàn khó hiểu. Hoá ra là lớp hai đang dùng sức mạnh đẩy đại diện của mình lên vũ đài. Cuối cùng, khi Andrei bị đẩy ra giữa đám đông, thì anh chẳng còn biết làm gì hơn là cầm lấy chiếc lực kế.
- Mình không quen. Cần phải luyện tập… - anh lắp bắp, mặt đỏ bừng lên và nhìn chằm chằm xuống sàn nhà vì quá lúng túng.
Nhưng thấy anh nhẹ nhàng kéo căng chiếc lực kế rộng hết cả lồng ngực, mọi người hiểu rằng khả năng thẳng lợi của lớp hai rất lớn. “Một… hai… ba… bốn… - Khán giả đồng thanh đếm - sáu!” - tất cả kêu vang vẻ đe doạ. - “Bảy!” - kỷ lục của Lagodenko đã bị phá. Andrei dư sức tiếp tục nâng thành tích của mình lên. “Mười… mười hai… mười ba…” - Khán giả ồ lên. “Mười lăm!“ - Andrei quẳng chiếc lực kẻ xuống nền nhà.
- Phù… ù… ù.! Thế thôi, - anh hắng giọng nói và đứng đẹp về một bên.
Lagodenko mỉm cười bái phục. Chai bia, thật ra, vẫn dành lại cho anh, vì người thẳng cuộc té ra không thích uống bia, nhưng điều đó dường như lại nhấn mạnh nỗi nhục nhã của sự thất bại. Lagodenko dũng cảm bắt chặt tay Andrei và nói rằng anh đã thắng một cách trung thực, “dù với sức vóc như vậy, thì điều đó chả có gì đặc biệt cả”.
Tình bạn của họ bắt đầu từ hôm đó.
Andrei sờ soạng tìm được giường của bạn và khẽ đẩy vào vai bạn.
- Cậu ở đâu về vậy? Sao muộn thế? - Lagodenko ngồi ngay dậy và hỏi. Rõ ràng là anh chưa ngũ.
- Mình đến nhà máy cũ của mình! Petr ạ, ngày hôm nay của mình thật là tuyệt diệu. - Andrei nói bằng giọng thì thầm xúc động khác thường. - Hôm nay mình đã kiểm tra được chính mình. Mình đã nói với cậu là mình bắt tay tổ chức nhóm văn học ở nhà máy chưa nhỉ? ở nhà máy mình ấy mà! Đấy, hôm nay đã là buổi học đầu tiên, bắt đầu từ tám giờ rưỡi rồi đấy, mà mãi tận mười hai giờ mới kết thúc. Thật ra các bạn ở đó mình đều chưa quen, tất cả đều là thanh niên của các phân xưởng. Và có một kỹ sư, anh ta có làm thơ. Nhưng đó thật là một tập thể tuyệt diệu! Họ bắt đầu những cuộc tranh luận. Hôm nay mình trình bày với họ một bài về văn học hiện đại. Mình nói mất một giờ, sau đó họ tranh luận hai giờ!. Mình kể nhé!
- Kể đi!
- Ở, nghe nhé… - Andrei ngả người xuống giường, đẩy Lagodenko vào sát tường và kéo chăn lên. - ở đó có một chú bé tên là Batukin, lúc mình ở đó cậu ta còn đang học việc. Và thế là cậu ta tấn công mình: tại sao các nhà thơ lại viết về công nhân ít thế? Ở đó họ đã đọc hết các sáng tác mới, thư viện của họ rất phong phú. Và họ nói về nhiều vấn đề. Họ hỏi mình về Draizer, về Jack London… Cậu ngủ rồi đấy à?
- Không, mình chưa ngủ.
- Họ có một tờ báo của Đoàn. Mình hứa sẽ giúp họ và còn lôi cuốn một số người trong chúng ta nữa. Điều đó rất thú vị, đúng không?. Ở đó người ta hiện đang sáng tạo ra bao nhiêu thứ! Cậu nên biết là mình không còn nhận ra nhà máy của mình nữa. Mình bước vào một vùng mênh mông và bị lạc! Thật đấy… Nhiều người mới đã nổi tiếng, nhiều kỷ lục mới được lập, nhiều thiết bị mới được lắp đặt… tất cả đang đi vào dây chuyền sản xuất… Giá mà bây giờ được làm việc ở đó. Bỗng nhiên mình lại bị lôi cuốn đến đó! - Anh thở dài và sung sướng trở mình trên giường. - Cậu hiểu cho là suốt thời gian vừa qua, suốt mấy năm vừa rồi mình cảm thấy có một lỗi lầm gì đó đối với các bạn ở nhà máy - mình đã bỏ ra đi, đã tách rời họ, gần như đã quên mất họ… còn họ thì không hề quên mình, họ vẫn nhớ minh! Cả nhà máy cũng vẫn nhớ minh! Và giờ đây thật là dễ chịu được quay trở lại đó với tư cách khác và giúp họ theo cách mới. Thật là vô cùng thoải mái. Sao cậu lại im lặng thế, Petr?
- Mình vẫn nghe cậu đấy chứ! Chưa bao giờ mình nghe thấy cậu nói nhiều chuyện như vậy.
- Hà, hà! Mình có thể nói suốt đêm nay. Đúng thế! À, thế buổi lễ mừng sinh nhật thế nào? Tiếc là mình không thể đến dự!
- Vui vẻ cả!
- Thế à? Mình có mang quà tặng về cho các bạn đó. Ngày mai mình sẽ đưa. Mình mua tặng các bạn gái ít kẹo, còn tặng Aliosa ít giấy ảnh, loại giấy bóng, cậu ta cứ tìm mua mãi. Ở đó có một đồng chí thợ nguội, tên là Balasov… Petr, cậu ngủ đấy à?
- Không. Andrei ạ! Mình đang suy nghĩ. - Lagodenko im lặng một lát, rồi nói thêm: - Ngày kia sẽ họp Đoàn. Bây giờ cậu ngủ đi, được chứ Andrei, còn mình đang muốn suy nghĩ một chút.