Chương 20

    
agodenko và Raya Volkova, với tư cách là đôi vợ chồng mới cưới, đã được nhận một căn phòng ở tầng một của nhà tập thể. Trong cuộc đời chưa bao giờ Lagodenko tiếp khách - bây giờ nhiều bạn bè đến chơi với anh, Raya đun nước pha chè trên một cái bếp điện và đãi khách bánh ngọt. Nhưng thường thì anh và Raỉ-a tự mình đến chơi với các bạn trong khu tập thể. Tối tối họ thường cảm thấy thiếu tiếng cười giòn giã của Marina, cái giọng nói lý luận của Mắc, cái sắc sảo và hơi nghịch của Aliosa Remescov, những tiếng ríu rít vui vẻ, tranh cãi ồn ào cho đến tận đêm khuya.
Một hôm vào buổi tối Lagodenko rẽ vào tìm các bạn với vẻ đăm chiêu, trầm mặc.
Trong phòng về ban tối thường ồn ào, hỗn độn, đầy khói thuốc lá. Rasit chuẩn bị đi xem kịch, vừa ngồi vừa cạo râu bên mép ghế và soi vào một cái gương bỏ túi bé tí tẹo chỉ có thể nhìn thấy đôi má bôi đầy xà-phòng và một phần cái tai. Ở góc phòng, giọng trầm đục của một tay mới đến thế chỗ ở của Lagodenko - Xasa Sakhalin, sinh viên khoa toán - rống lên, Sakhalin đang kể một câu chuyện khôi hài. Không ai nghe anh ta cả. Lesik là trưởng phòng thay Lagodenko đang xạc Mắc về tội đã gọt bút chì để vỏ gỗ bừa bãi dưới sàn. Anh định ném cái bút chì qua lỗ thông hơi, nhưng sau khi dịu đi, anh ném nó vào giường ngủ của Mắc.
- Lần sau mà mình còn nhìn thấy - mình sẽ bắt cậu lấy râu để quét sàn! - Anh quát lên hung dữ, và khi thấy Lagodenko, anh vội nói thêm: - Người nhậm chức trước tôi đã làm các anh đâm hư ra, khiến các anh vô kỷ luật. Hiểu chưa? Đồ tự do chủ nghĩa. Còn tôi, tôi sẽ túm gáy các anh bắt vào khuôn phép, đồ lười chẩy thây ạ!
- Tí nữa cậu hãy túm gáy họ. Các bạn hãy nghe đây! - Lagodenko ngồi xuống một cái ghế ở giữa phòng. - Sakhalin, hãy im đi cho một lúc. - Có một việc phải giải quyết. Hôm nay mình gặp giáo sư Kodensky ở ngoài sân. Các cậu biết mình và ông ấy là đôi bạn chí thân, đến mức thậm chí, có hồi không chào hỏi gì nhau nữa. Ông ta đi đến gần mình nói: “Chào anh Lagodenko! Tôi muốn nói chuyện với anh được không?“ Mình bảo xin mời. Song mình thấy ngài giáo sư đã thay đổi hẳn, hoặc là ốm, hoặc là…
Anh chưa nói hết câu, thì cánh cửa kẹt mớ và Liuxia Voronkova chạy như bay vào phòng.
- Chào các cậu lần nữa! Có thể vào được không?
- Không được. Mình đang thay quần áo, - Lesik vừa bực bội đáp, vừa cởi chiếc áo vét.
- Aliosa, đừng có giò trò lưu manh. Mình mang đến cho các cậu tin mới đây! - và sau khi phá lên cười vui vẻ, Liuxia ngồi ngay xuống giường của một người nào đó. - Nửa giờ trước đây Hội đồng khoa học đã kết thúc phiên họp, và các cậu có biết là Kodensky đã bị phê phán cẩn thận không?
- Có thể chứ! - Lagodenko nói.
- Hoá ra kết quả thấp nhất trong kỳ thi này lại chính là môn học của ông ta, và thế là Boris Matveyevich bị phê phán một trận kinh khủng! Cả Krylov lẫn Ivan Antonovich đều phản đối ông ta. Về chủ nghĩa hình thức, về sự tách rời khỏi chính cái… cái… - Liuxia nghẹn lời vì quá xúc động, rồi vội vàng lắp bắp, - cái… tính hiện đại! Krylov nói rằng: anh đã làm cho các hình tượng văn học trở thành những hình nộm, những xác chết!. Ôi, lúc ấy Kodensky cứ ngồi ngay như tượng ấy! Sau đó ông ta nói, hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ không đi theo phương pháp hình thức chủ nghĩa nữa, nói chung là ông ta sám hối và thề thốt ghê lắm. Tất cả bọn mình đều ngạc nhiên vì sự thay đổi này!
- Nhưng “bọn mình” là ai mới được chứ? - Lagodenko giễu cợt hồi. - Có lẽ cậu đã phát biểu tại Hội đồng phải không? Hay cậu ngồi ở dưới bục diễn giả?
- Không, mình không ngồi, thậm chí không có mặt nữa, nhưng mình cũng ngạc nhiên! - Liuxia trả lời như máy không hề bối rối chút nào. - Ngoài ra còn quyết định người được học bổng đặc biệt nữa. Thế các cậu có biết ai được không? Sergei Palavin đấy!…
- Thế à, - Lesik nói. - Phải cho Andrei mới đúng chứ.
- Nhưng không được! - Liuxia phản đối. - Sergei là một người tài ba của trường ta. Quyết định như vậy là rất có lý.
- Hắn tài ba ở chổ nào? - Lagodenko cười khẩy, hỏi.
- Cậu ta chả là một học sinh xuất sắc là gì… một người có tài đến như vậy… kiến thức của cậu ấy rất uyên bác… và nói chung…
- Mình nói với các cậu rằng: tất cả đều do bản đề cương quyết định, - Mắc hạ giọng ra vẻ bí mật. - Đúng như thế. Cậu ấy đã thoát là nhờ bản đề cương ấy.
- Chà, chà! Nghĩa là có vấn đề, phải không? Tất cả mọi người đều nói là bản đề cương của cậu ấy đã vượt ra khỏi phạm vi đề tài…
- Thật vô lý hết sức! - Lagodenko vung tay. - Đáng lẽ phải trao cho Andrei. Ivan Antonovich dù sao cũng là một người yếu đuối, không đủ sức bảo vệ ý kiến của mình.
- Thậm chí thầy cũng không bảo vệ ấy. Có tin mới đây này! - Liuxia nói và lại phá lên cười. - Không, Petr ạ, cậu rất chủ quan, điều ấy thì ai cũng biết cả! Còn Andrei Syryk lại là một người rất khách quan, mình nghe thấy chính cậu ta nói rằng Sergei là một con người rất có năng lực, và là người xứng đáng nhất được hưởng học bổng đó…
- Andrei nói thế à? Thật là đồ giẻ rách, một cái bồ sứt cạp! Đấy chỉ là một sự khiêm tốn bệnh hoạn, mà từ đó… - Lagodenko thậm chí nhổ nước bọt vì tức giận. - Thế mà cậu cũng dựa vào hắn ta!
- Mình chỉ thông báo cho các cậu biết thôi, còn các cậu đánh giá thế nào thì tùy. Công việc chỉ có vậy thôi, - Liuxia vừa nói vừa đứng dậy. - Thôi mình đi về đây. Chúc các cậu khỏe, ăn tiểu đàng hoàng… À! Cho mình mượn cái chổi được không?
Trưởng phòng nói “được”, lập tức Liuxia vớ ngay lấy cái chổi và biến mất.
- Cô ấy chỉ cần có mỗi cái chổi thôi… - Sakhalin lầu bầu ở góc phòng.
Lagodenko im lặng mấy phút, trước khi tiếp tục câu chuyện đứt quãng về Kodensky, và cau có nhìn ra phía trước mặt, anh gõ gõ ngón tay xuống ghế:
- Này, các cậu nghe tiếp đây… - cuối cùng anh nói lắp bắp như máy, nhưng hình như vẫn nghĩ về điều gì khác. - Thế là… Mình gặp Kodensky, ông ta như mất hồn… - Lagodenko lặng đi rồi đột nhiên giận dữ lấy tay đấm vào đầu gối. - Ôi, dù sao cái con ác là vẫn cứ làm mình rầu rĩ! Mình cứ hy vọng kẻ bị lên án phải là một con công kia đấy… Ô thôi! Câu chuyện của mình với ông ấy là thế này: “Hiện giờ tôi rất đau khổ, - ông ta nói. - Tôi đã mắc nhiều sai lầm trong công tác giảng dạy của mình và tôi sẽ đi khỏi trường đại học tổng hợp. Những sai lầm mà anh đã phê phán tôi trong buổi họp”. Mình nghĩ để xem chuyện gì xảy ra tiếp. “Bây giờ tôi mới hiểu rằng tôi hoàn toàn sai, đặc biệt là thái độ đối với sinh viên. Tôi đã để ra cho các anh những yêu cầu cao khó thực hiện được. Tôi đã đặc biệt nhấn mạnh đến những khía cạnh ít cơ bản của môn học… Phải… Nhưng tôi nghĩ rằng, - ông ta nói, - những bất đồng của chúng ta là những bất đồng lành mạnh, bất đồng trong công tác, chúng có thể dạy cho cả tôi và cả anh nhiều điều, nhưng tuyệt nhiên không làm chúng ta bất đồng về nguyên tắc”. Ông ta nói điều gì đó na ná như vậy…
- Chà chà! Hay đấy! - Mắc thốt lên và ngồi xích lại gần hơn.
- Phải. “Tôi, - ông ta nói, - tôi vẫn kính trọng anh và các bạn anh như trước và đối xử với các anh như những người bạn. Nhưng bây giờ tôi lâm vào một tình trạng khó xử. Ở trường đại học tổng hợp người ta ít biết tôi, tôi làm việc ở trường các anh lâu hơn. Nếu anh và một số anh chị em nào có uy tín ở trong khoa nói lên những lời nói trung thực, hoàn toàn khách quan về công tác của tôi, về nhóm khoa học thì có thể giúp tôi thoát khỏi tình trạng đó”. Lúc đó mình nói luôn: “Thưa giáo sư, chính giáo sư nói rằng tự mình sẽ đi khỏi trường đại học tổng hợp cơ mà?” - Đúng, ông ta nói, tự tôi sẽ ra đi, nhưng có lẽ tôi sẽ không phải đi. Tất cả đều phụ thuộc vào tình thế. Người ta lên án tôi, chẳng hạn như bảo tôi có tính bợ đỡ. Nhưng chẳng lẽ anh cũng nhận thấy tôi có cái thói xấu đó hay sao? Nếu anh nhớ rằng, bao giờ tôi cũng…” - và cứ thế ông ta rên rỉ đến nửa giờ đồng hồ. Ông ta đã trích dẫn những bài giảng, nhắc lại những bài báo, những lời phát biểu, thậm chí đến cả những câu chuyện trao đổi ở ngoài hành lang. Trông bộ dạng ông ta có vẻ mất bình tĩnh, hoảng sợ đến nổi mình cảm thấy… - Lagodenko lấy bàn tay xoa xoa gảy, rồi vung tay lên, - cảm thấy lúng túng. Lạy trời, trông ông ta khổ sở qua!
Lagodenko lặng im, hơi bẽn lẽn băn khoăn liếc nhìn các bạn, rồi bất chợt cau mặt nói:
- Chuyện thể đấy. Cần phải suy nghĩ cho chín.
- Thế nhưng tại sao ông ta lại đến tìm chính cậu nhỉ? - Mắc hỏi. - Ai chẳng biết cậu “mến” ông ta như thế nào.
- Chính mình cũng hỏi ông ta điều đó: “Tôi đã tranh cãi với các anh về các đề tài văn học, điều đó là hoàn toàn tự nhiên thôi. Còn bây giờ, - ông ta nói, - tôi nói với anh là xuất phát từ tình đồng chí. Bởi vì tôi kính trọng anh”.
- Ôi, đồng chí cơ à… - Lesik giễu cợt. - Nước mã hồi đấy. Một lão già quỷ quyệt!
- Tại sao lại quỷ quyệt? - Lagodenko hỏi. - Trong trường họp này ông ấy hành động hoàn toàn dễ hiểu. Tại sao ông ta lại không có thể kính trọng mình, mặc dù có bất đồng? Hoàn toàn có thể như vậy chứ!
- Thế cậu có kính trọng ông ta không? - Mắc hỏi lại.
- Mình ấy à? Biết thế nào… - Lagodenko thở dài, chìm vào những suy tư rõ ràng là đã làm cho anh thấy hơi thoả mãn. Sau đó anh nói rất nghiêm trang: - Mình thương ông ta, một con người, một giáo sư già. Bất chợt mình thấy thương hại, thế thôi!
- Như vậy là không đúng! - Mắc nói. - Không thể bao che cho ông ta được. Điều đó là không đúng với lương tâm. Sao lại phải làm như vậy? Cậu lại định làm cái lối xí xoá hoà cả làng à? Thật là kỳ cục, cậu tự mình suy nghĩ sẽ thấy!
- Cậu ấy nói đúng đấy, - Lesik gật đầu, - lập luận rất chặt.
- Nhưng này, các cậu ơi! - bỗng nhiên vang lên giọng nam trầm của Sakhalin, một người hoàn toàn không biết gì về Kodensky, nhưng cũng lên tiếng chỉ vì có cảm tình với Lagodenko. - Người ta đã vấp ngã, các cậu lại còn hùa vào đánh thêm!
- Cậu chỉ biết môn toán của cậu thôi, cậu không hiểu gì về công việc của chúng mình đâu, - Mắc gạt đi. - Cậu im đi thì hơn.
Lagodenko nín lặng, ra sức gặm gặm cái tẩu thuốc. Sau đó, anh ưỡn thẳng người trên ghế, nói một cách nghiêm nghị:
- Mình thương hại ông ta đấy! nếu có người cần mình giúp đỡ, chả lẽ mình lại không… Mình là một thuỷ thủ - hiểu chưa? Mình không đánh kẻ đã ngã - hiểu không?
- Làm gì mà kêu ầm lên thế! “hiểu không, hiểu không! “…
- Mình không kêu - hiểu không? Mình chỉ muốn nói là… - Lagodenko lớn tiếng, - lương tâm của các cậu khô không khốc ấy. Đúng thế! Cứ như là củi vậy. Chính mình đã lánh xa cái đó, mình sống vì ngày hôm nay. Xét cho cùng ông ấy không phải là kẻ thù. Nếu ai yêu cầu mình, thì mình, một thủy thủ, sẽ…
- Cậu không phải là một thuỷ thủ! Cậu chỉ là một con sứa thôi! - Mắc thét lên bằng một giọng lanh lảnh, kích động, mặt đỏ lên vì tức giận, bỏ ra khỏi phòng, không thèm đợi câu trả lời.
… Sau ba giờ chiều, chủ nghiệm khoa Miron Mikhailovich Xidov mới tiếp khách. Nhưng người khách mà ông đang đợi có thể có mặt trước ba giờ, có thể đến vào giờ tiếp khách, cũng có thể xuất hiện vào lúc đêm khuya. Câu chuyện với người này chả có gì là thú vị. Nhưng nó lại cần thiết và không thể tránh khỏi.
Xidov đã gặp người này từ hơn bốn mươi năm trước. Đó không phải là tình bạn lâu năm, bởi vì tình bạn thường không tính bằng năm tháng, - số phận kỳ quặc ngẫu nhiên đã làm cho họ gặp nhau trong những thời gian khác nhau. Hai người cùng sinh ra ở một thành phố miền Nam nước Nga. Xidov là con trai một người thợ đóng sách, còn người bạn cùng học tương lai của anh lại sinh trưởng trong gia đình một trạng sư thuộc loại thường thường bậc trung từ Petersburg chuyển đến ở thành phố này. Hai cậu bé cùng học ở một trường trung học và trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất một năm, cùng lên Petersburg để học đại học tổng hợp.
Thời gian đầu ở trường đại học, hai người vẫn thân thiết như cũ, và cùng thuê một phòng. Nhưng chẳng bao lâu sau, người bạn của Xidov đã tìm thấy ở Petersburg những người họ hàng nào đó của mình, nên đã dọn đến ở với họ và sống rất sung túc (anh vẫn nhận tiền gửi của cha), còn Xidov phải sống rất cực khổ - anh thường bị đói, sống bằng những buổi dạy kèm rẻ mạt, bằng những công việc làm thuê ngẫu nhiên.
Sau đó, vào mùa thu năm một chín mươi bốn, đã xảy ra một sự kiện mà sau này con đường đi của họ hoàn toàn khác nhau. Một giáo sư nổi tiếng vì có những tư tưởng tiến bộ và được tầng lớp sinh viên có khuynh hướng cách mạng hết sức yêu mến bị đuổi ra khỏi trường đại học. Một nhóm sinh viên đã tổ chức biểu tình ầm ĩ để phản đối. Tất cả những người tham gia biểu tình đã bị đuổi ra khỏi trường, trừ một người đã tỏ ra vô cùng hối hận và xin tha tội vì những “sai lầm” của mình. Người duy nhất đó là cậu bạn cùng học phổ thông của Xidov.
Khi Xidov vừa mới bị đuổi ra khỏi trường đại học, thì anh lập tức bị động viên và bị đưa sang mặt trận Áo. Anh trở về Petrograd sau cách mạng với tư cách đảng viên Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga và là đại biểu binh sĩ. Trong những tuần lễ cách mạng đầu tiên ở Petrograd sôi sục và rạo rực, hai người đã gặp nhau - gặp nhau một cách ngẫu nhiên, trong một cuộc mít-tinh tại một phố nào đó, và cả hai đã không nhắc gì đến quá khứ, không phải lúc nói chuyện đó. Người bạn của Xidov đã học xong đại học và làm công tác biên tập từ điển bách khoa Granad. Anh ta than thở với Xidov là công việc này đã “giày vò anh, không đáp ứng nguyện vọng của anh”, rằng “trong những lúc cách mạng sôi sục này anh muốn được gần gũi với cuộc sống, với sự nghiệp chân chính”, và đề nghị Xidov giúp anh chuyển công tác sang ngành giáo dục. Xidov ra mặt trận. Anh không kịp giúp gì được.
Cuộc nội chiến sôi sục khắp nước đã ném anh từ nơi này đến nơi khác. Anh trở thành chính ủy sư đoàn ở mặt trận đánh Konchak, đã chiến đấu ở Kavkaz, đã tham gia tiêu diệt bọn Vranghen.
Năm hăm mốt, hai người lại gặp nhau ở thành phố sinh trưởng. Xidov được cử đến Moskva để vào học Trường đại học đào tạo các giáo sư đỏ vừa mới thành lập. Người quen cũ của anh công tác ở Ty giáo dục tỉnh. Cuộc gặp nhau trên mảnh đất thân yêu sau chiến tranh, những nơi chốn và những con người quen thuộc đã làm thức dậy những hồi ức mờ ảo về những năm tháng của thời thơ ấu và thời thanh niên - tất cả những cái đó đường như một lần nữa đã làm cho họ xích lại gần nhau. Hình như, Xidov thậm chí đã lấy làm tiếc rằng cuộc gặp gỡ lại ngắn ngủi đến như vậy, và anh cần phải lên Moskva gấp.
Nhưng vào giữa những năm hai mươi, cả người ấy cũng dọn lên ở Moskva. Lúc đầu anh ta làm việc cho nhiều nhà xuất bản, sau đó trở thành giảng viên, viết những bài báo phê bình văn học, xuất bản sách, nhận được học vị khoa học, và dần dần trở thành một người khá nổi tiếng… Xidov được cử làm hiệu trưởng một trường đại học của một trong những thành phố miền Trung Á và nhiều năm anh đã không có mặt ở Moskva. Khi anh trở về thì người bạn cũ của anh đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong giới văn học - anh ta là cộng tác viên của hàng chục trường học, tạp chí, nhà xuất bản, các ủy ban kỷ niệm, đọc nhiều bài giảng trước công chúng, tên anh ta với học hàm “giáo sư” quan trọng viết liền phía trước đã xuất hiện liên tục trên mặt báo và trên các tấm biển quảng cáo. Chiến tranh lại một lần nữa làm cho họ xa cách nhau khá lâu. Xidov vào tự vệ chiến đấu, ông ở mặt trận bốn năm. Bạn ông, người giáo sư nổi tiếng, lúc này phụ trách một khoa của một trường đại học vùng phía sau sông Volga.
Và thế là họ đã cùng nhau làm việc được ba năm. Họ không thích nhắc đến quá khứ, vả lại không có thời gian. Họ chỉ gặp nhau ở trường mà thôi. Quan hệ của họ bây giờ thuần túy là công việc và có lẽ không ai ở trong trường đại học lại biết được rằng đồng chí chủ nhiệm khoa văn học và vị giáo sư dạy văn học Nga kia có một thời đã cùng học với nhau trong cùng một trường trung học.
Nhưng bây giờ - phải bây giờ, ông ta có thể sắp đến nhà Xidov. Ông ta sẽ đề nghị một vấn đề gì đó. Hoặc… không, có lẽ ông ta sẽ nhắc đến cuộc sống chung của họ, đến những năm học ở mái trường phổ thông, hòn đảo Va-xilievsky. Sau đó, ông ta sẽ nói rằng không ai hiểu rõ ông ta hơn là người bạn thời phổ thông - Miron Xidov - của ông. Thế nhưng liệu Miron Xidov có biết ông ta - một giáo sư tóc bạc đáng kính có mái đầu ngẩng cao kiêu hãnh với nét hồng hào của người già trên đôi má đầy nếp nhăn không? Không, ông chỉ biết một cậu bé đầu húi cua trong bộ đồng phục nam sinh màu xanh da trời với những chiếc khuy áo sáng loảng, rồi thì ông có biết một người sinh viên cao gầy đeo kính kẹp mũi, nhưng cũng chỉ biết rất ít, và ông hoàn toàn không biết về con người mặc áo đại càn, chân vận đôi giày ống bóng lộn của Pháp và đội chiếc mũ lưỡi trai bằng da…
Té ra, bọn sinh viên biết rõ ông hơn là Miron Xidov, người bạn học phổ thông với ông. Ông đã bị phê phán đến nơi đến chốn trong buổi họp Đoàn Thanh niên Cộng sản về vấn đề của anh sinh viên lính thủy ngang tàng Lagodenko kia!
… Trời đã bắt đầu tối. Giờ tiếp khách đã kết thúc từ lâu. Hôm nay ông ta lại không đến, mà lệnh cho thôi việc đã nằm ở trên bàn đây rồi. Đành phải đưa cho đánh máy thôi.
Xidov với tay định bấm chuông gọi cô thư ký, nhưng cửa đã hé mớ và chính cô thư ký bước vào.
- Ông Kodensky muốn gặp đồng chí, thưa đồng chí Miron Mikhailovich.
- Xin mời vào, - Xidov vừa nói vừa đứng dậy.
Kodensky bước vào. Dạo này ông ta già đi, hốc hác đi, nhưng vẫn ăn mặc hết sức sạch sẽ, tươm tất và râu cạo nhẵn. Ông ta im lặng chìa bàn tay lạnh lẽo bắt tay Xidov và ngồi xuồng chiếc ghế bành trước bàn.
- Tất cả mọi câu chuyện đều vô ích. Tôi biết và tôi cố ý đến gặp anh muộn thế này, - ông vừa nói, vừa mỉm cười, giọng nói hơi run run. - Nhưng tôi hy vọng rằng… lúc này anh có bận không?
- Tôi đang đợi anh.
Kodensky gật đầu và tìm tẩu thuốc trong túi áo trên. Bằng những động tác chậm chạp ông nhồi thuốc vào tẩu, nhưng tay ông cứ run lên, làm các sợi thuốc rơi tung tóe xuống sàn nhà, toả lên mùi thơm của loại thuốc “Lông cừu vàng”. Cuối cùng ông cũng châm xong tẩu thuốc.
- Tôi chỉ quan tâm đến một điều, - Kodensky nói và hít một hơi thuốc dài, say sưa, như một người lâu lắm không được hút thuốc. - Anh trả lời tôi nhé. Tôi biết rằng anh sẽ là người phải ký lệnh, điều đó là tất nhiên. Nhưng tôi chỉ quan tâm đến một điều: anh hãy nói xem có phải anh cũng tin vào tất cả những lời rêu rao ấy không?
- Những lời rêu rao nào?
- Những lời mà người ta đã lăng nhục tôi. Đầu tiên là ở trên báo chí, sau đó là ở trong trường đại học tổng hợp, rồi sau nữa ở trong trường sư phạm của ta theo những mẫu mực có sẵn.
- Anh hãy giải thích tại sao anh lại gọi đó là những lời rêu rao?
- Giải thích à? Nào là: một kẻ theo chủ nghĩa duy mỹ, một tên theo chủ nghĩa hình thức, một tên bợ đỡ - quả thật tôi không thể nhớ hết những lời nói vô liêm sỉ đó. Anh biết đấy… - ông không giữ được cái giọng nói bình tĩnh hàng ngày nữa, giọng ông mỗi lúc một to và phẫn nộ hơn. - đó chỉ là sự gia giảm của những đơn thuốc định sẵn. Cứ thò cổ ra là sẽ bị thắt lại ngay…
- Anh cho rằng tất cả những lời phê phán ấy là sai cả ư?
- Không, tôi không cho là như thế. Tôi thừa nhận rằng xu hướng hình thức chủ nghĩa có trong giáo trình của tôi, trong các quan điểm của tôi. Tôi thừa nhận rằng tôi đã hiểu không đúng, đánh giá không đúng nhiều hiện tượng trong nền văn học Xô-viết. Nhưng văn học Xô-viết không phải là môn tôi dạy, tôi chỉ đụng chạm đến chút ít, hầu như không đụng đến là khác… Nói tóm lại, các quan điểm của tôi dù có sai, nhưng không bao giờ tôi đưa nó vào các bài giảng. Đúng, tôi công nhận là cuốn sách viết về Dostoevsky là một thất bại của tôi. Song chẳng lẽ ở chỗ tôi đã viết về ảnh hưởng vô cùng sâu sắc của Dostoevsky đến toàn bộ nền văn học thế giới. Nhưng đó là một thực tế! Một thực tế! Nó nói về ảnh hưởng của văn học Nga tới văn học phương Tây, chứ không phải ngược lại! Đúng, quỷ tha ma bắt… Thế nào? Tôi không đúng à? Tại sao anh lại im lặng?
Xidov lặng im buồn bã nhìn cánh tay to rộng của mình đặt trên bàn với những đường tĩnh mạch phình to, nặng nề, và khẽ gõ ngón tay út và ngón cái xuống mặt bàn. Ông rất khó nói với Kodensky. Rất khó nói chuyện. Khó nói bởi vì họ là những người quen biết nhau từ lâu và cũng bởi vì trước mặt ông không phải là một chàng thanh niên, mà là một ông già đã trải qua gần hết cuộc đời. Rõ ràng cuộc đời ấy đã trôi qua không thật đúng, có lẽ, thậm chí còn hoàn toàn sai lầm và việc nói thẳng cho con người này biết điều đó, nói toạc móng heo, không úp mở - Ồ, điều đó thật khó. Hơn nữa, trong ba mươi năm gần đây ông chưa bao giờ nói chuyện nghiêm chỉnh, sâu sắc với Kodensky - vì không có dịp nào, cũng vì… không muốn nữa. Thật thà mà nói, ông chỉ muốn thoát khỏi cuộc đối thoại căng thẳng phức tạp này. Không hiểu sao lúc nào ông cũng nghĩ rằng cuối cùng Kodensky cũng sẽ hiểu được, cảm thấy được, và phân tích được nhiều vấn đề… Nhưng có lẽ nghĩ như vậy là sai lầm.
- Tại sao anh im lặng? - Kodensky nhắc lại đầy xúc động. - Anh không đồng ý là Dostoevsky có ảnh hưởng đến văn học toàn thế giới à?
- Dostoevsky… Dostoevsky có liên quan gì ở đây? - Xidov nói nhỏ, mặt cau lại và bực tức. - Không nên nói tới cái đó.
- Thế thì nói cái gì? Anh làm ơn nói cho biết!. Nói cái gì mới được?
- Cái gì à? - Xidov thở dài lấy tay vuốt trán. - Đấy, anh nói là người ta đã vu khống anh. Ở đây, họ nói có cả chủ nghĩa hình thức, cả chủ nghĩa duy mỹ, cả thói bợ đỡ…
- Thì phân tích! - Kodensky gật đầu và ngồi sâu hơn vào chiếc ghế bành. - Nào, nào, tôi sẵn sàng!
- Chủ nghĩa hình thức, anh có hiểu… - Xidov im lặng một giây, mặt càng nhăn nhó rầu rĩ hơn, tay nắm chặt lại. Rõ ràng là nói về những vấn đề đơn giản thật khó khăn! Nếu trước mặt ông là một cậu bé hay là một nghiên cứu sinh năm thứ nhất… nhưng đằng này lại là một ông già tóc bạc, đã từng trải cuộc đời, đã đọc hàng đống sách, - lẽ ra ông ta phải tự hiểu tất cả. Nói chuyện với ông ta như thế nào bây giờ?
Sau khi thở một hơi dài, Xidov chậm rãi nói:
- Nếu anh muốn nghe, thì tôi nói rằng anh chính là một giáo sư đúng kiểu Tsekhov, tức là đối với ông ta điều quan trọng không phải là sếch-xpia, mà lại là việc chú giải Sếch-xpia kia.
- Không, tôi không muốn như thế! - Kodensky bật kêu lên, vội vàng xua tay, như phủi một vật gì trên áo. - Tôi không muốn những thủ đoạn con nít, những lối so sánh rỗng tuếch, những câu trích dẫn vô nghĩa đó! Hãy trả lời tôi, một cách trung thực - tôi tồi tệ ở chổ nào?
- Anh hãy nghe đây. - Xidov khẽ đập tay lên bàn. - chủ nghĩa hình thức, sự say mê hình thức sẽ dẫn đến cái gì! Dẫn đến chỗ, anh hiểu đấy, là muốn hay không muốn nội dung cũng bị đẩy xuống hàng thứ hai, nghệ thuật sẽ bị khuôn lại trong vòng quay của chiếc com-pa của chủ nghĩa duy mĩ. Và vì vậy mà anh không thể hiểu được thực chất nền văn học xã hội chủ nghĩa của chúng ta, anh không thấy được tính hơn hằn của nó so với văn học của phương Tây tư sản. Từ đó mà có cái gọi là thói bợ đỡ…
“Không, không phải điều đó, - Xidov bực bội nghĩ. - Mình nói không trúng rồi! Toàn những lời chung chung, tầm thường, chết tiệt. Cứ như thể một người nào đó, bằng một giọng buồn chán, lạ tai…”.
- Thật là một thứ lý giải vụn vặt! - Kodensky lẩm bẩm, nhún một bên vai. - Nếu như thế thì có thể chứng minh rằng tôi là một kẻ thuộc phải Trăm đen, một tên Do Thái, một tên trong hội Tam Điểm… Lạy Chúa! Và tôi lại là một kẻ bợ đỡ nữa! - ông nói hổn hển, rồi bất chợt nhổm người dậy. - Miron, chính anh là người biết rõ tôi, biết rõ gia đình tôi… Tôi là người Nga đến tận xương tủy, trong toàn bộ tâm hồn, tôi yêu nước Nga, phải, tôi yêu hơn cả… cuộc sống! Đấy không phải là nói mép đâu, anh Miron ạ! Anh phải biết rằng năm một chín mười tám, cha tôi đã yêu cầu tôi sang Pháp, nhưng tôi đã từ chối. Thế là ông ta bỏ đi, còn tôi thì ở lại với cách mạng, với nước Nga, với anh… Miron ạ!
- Thế anh ở lại để làm gì?
- Và, tôi là một kẻ bợ đỡ! - Kodensky vẫn tiếp tục nói hình như không nghe thầy Xidov. - Vậy ai là kẻ bảo vệ cho tính độc đáo của Blok, ai chứng minh rằng đó là một thiên tài đặc sắc của nước Nga? Có phải năm mười lăm, cái tên Pháp đó… Ồ, tên hắn là gì nhỉ, đã đến Petrograd? Anh còn nhớ chứ? Nói tóm lại, chắc anh còn nhớ tôi đã vạch mặt nó trước công chúng khi nó dám nói đến Blok… Thế nào, anh vẫn nhớ chứ?
- Không, - Xidov trả lời. - Tôi không nhớ. Anh Boris, bây giờ nhớ lại điều đó làm gì cho buồn cười.
- Buồn cười ư? - Kodensky ngỡ ngàng hỏi lại, và vụng về, cong người lại ngồi xuống chiếc ghế bành. - Buồn cười. Thì ra tôi đã trở thành kẻ đáng buồn cười… - Và bỗng dưng ông ta ưỡn thẳng người ra và thét to, đầy giận dữ: - Không, buồn cười ở chỗ khác cơ. Thật đáng buồn cười, khi một con người đã từng biết tôi bốn mươi năm rồi, lại ngoan ngoãn lặp lại theo người khác tất cả những lời kết luận hồ đồ, đê tiện, sáo rỗng! Đáng buồn cười ở chỗ người đó không thể giải thích cặn kẽ, mạch lạc sai lầm của tôi ở chổ nào? Tôi xấu xa ở chổ nào? Thật đáng buồn cười, khi người đó không tìm ra được một lời nào, mà chỉ nhai lại những lời nói có sẵn trong biên bản hội nghị…
- Thôi đủ rồi!
Một cái đập tay bất thình lình như tên bắn xuống mặt bàn đã cắt ngang câu nói của Kodensky. Xidov đứng bật dậy - người thấp lùn, to bè, với bộ mặt chợt đỏ rực lên. Vừa đi gần tới chiếc ghế Kodensky đang ngồi, Xidov vừa hồi giật giọng:
- Anh muốn tôi nói tất cả những gì trong bốn mươi năm qua phải không?
- Phải… nhưng mà… - Kodensky lắp bắp, hơi ngả về đằng sau.
- Thế thì anh hãy nghe đây! Tôi sẽ không nói gì về chủ nghĩa hình thức của anh, về chủ nghĩa duy mỹ của anh. Tất cả cái đó đều là hậu quả đấy, còn nguyên nhân của nó lại phức tạp hơn, mà có lẽ chưa có ai nói với anh được. Nguyên nhân là ở chỗ, trong suốt bốn mươi năm ấy, bốn mươi năm gian khổ và bão tố, anh đã sống không đúng. Anh chỉ quan tâm tới một điều là làm thế nào để tránh khỏi bị thương tật! Anh chọn cho mình một lối sống - đó là thứ chủ nghĩa hoài nghi tiện lợi. Mà đúng thật! điều đó thật thoải mái không phải buộc mình vào cái gì hết…
Kodensky suýt bật đậy.
- Nhưng, xin lỗi…
- Không! Trong bốn mươi năm ấy mọi thứ đều đã thay đổi - con người, đất nước và cả cuộc sống nữa, chỉ riêng Boris Matveyevich Kodensky là vẫn không hề thay đổi, hệt như con nhân sư bằng đá hoa cương vậy. Cái chủ nghĩa hoài nghi tiện lợi của anh là mốt của hồi đầu thế kỷ, sau đó nó đã trở thành lố bịch, và rồi thì có hại. Vì rằng cả cuộc đời anh. Boris ạ, anh chỉ lo cho sự bình yên của anh mà thôi! Anh có nhớ Merkulov, Oxtapenko, Richter, tôi - tất cả hai chục người đã bị đuổi khỏi trường đại học tổng hợp như thế nào không? Một mình anh, lúc đó đã quên đi chủ nghĩa hoài nghi của mình, nhưng không quên được sự tiện lợi, đã đến gặp hiệu trưởng để đầu thú, và… biết nói gì được nữa!
Kodensky bất giác nhổm dậy khỏi ghế, và lúc này đây họ đang đứng đối diện nhau: Xidov thấp lùn, chân ngắn, cả thân hình đẫy đà của ông hùng dũng lao về phía trước, còn Kodensky, người cao ngẳng, rướn thẳng một cách khác thường, vụng về thọc cả hai tay vào túi áo vét, đứng ngửa hẳn đầu về đằng sau. Rút ra một chiếc khăn tay. Kodensky run rẩy đưa lên lau trán, rồi nói khe khẽ, lúng búng, dường như qua sững sờ:
- Nhưng. Miron… khi chuyện đó…
- Đúng, chuyện đó xảy ra đã lâu! - Xidov gật đầu một cách dứt khoát. - Còn sau đó là cách mạng - một cuộc cách mạng mà anh đã ngồi quan sát qua cửa sổ toà soạn từ điển bách khoa của anh. Và sau đó nữa thì anh đã “lên núi” - một ngọn núi nho nhỏ, tiện lợi, với những bậc thang thích hợp và độ dốc vừa phải, hơn nữa, anh lại đã coi ngọn núi đó là đỉnh cao tuyệt vời và quan trọng số một trên thế giới này. Và ở đó anh đã leo lên khá cao… À, thế còn tiếp đó là gì? Anh đã leo lên tới tận đâu rồi?
- Để cho tôi nói…
- Hãy gượm, tôi chưa nói hết!
- Anh Miron!…
Kodensky đưa tay ra đường như muốn ngăn Xidov, nhưng Xidov đã nắm lấy tay ông, như muốn gạt sang một bên. Kodensky không chịu thua, trận đấu tay đôi lặng lẽ ấy kẻo dài mấy giây, sau đó tay Kodensky yếu đi và rời ra.
- Tôi biết rằng anh khỏe hơn tôi, - Xidov nói, xúc động và thở hổn hển. - Mà phải, anh giữ gìn sức khỏe khá đấy! Anh đã chơi tennis ở đây, trong khi những người khác thì xây dựng lên trường học từ một vùng đất trống không. Chắc anh còn nhớ tôi đã mời anh đi cùng tôi đến Trung Á? Nhưng, anh đã từ chối. Ố, tất nhiên, đó là chuyện quá mạo hiểm đối với anh…
- Anh Miron, anh cũng biết rằng tôi không thể làm như vậy được! - đột nhiên Kodensky nói sôi nổi. - Sau câu chuyện với một người phụ nữ… người vợ đầu tiên của tôi… tôi đã ở trong tâm trạng như vậy…
- Không đúng! Bây giữ anh còn né tránh, còn tự dối lòng mà làm gì? bởi vì… - Xidov nhìn thẳng vào mắt Kodensky. - Boris ạ, tôi với anh chẳng còn sống được bao lâu nữa. Việc chơi ten-nít, việc tập thể dục buổi sáng cũng không mang lại được cho anh một cuộc sống thứ hai. Hãy trung thực dù là vào lúc cuối đời này. Anh phải hiểu rằng… không có một hoàn cảnh nào, một người phụ nữ nào cản trở anh ra đi, chỉ có anh tự cản trở mình. Trong suốt cuộc đời mình anh chưa làm được một việc gì hết sức mình, làm một cách nhiệt tình, vì lương tâm, anh làm mọi việc chỉ bằng một tay, bởi vì tay kia anh còn phải giữ lấy cuộc sống tiện nghi, yên ổn cho anh. Và thế là cuộc sống cũng đã đến lúc xế chiều rồi. Cái gì sẽ còn lại? Cái sự yên ổn, tiện nghi cực đắt đó là cái gì?
Xidov đã lấy lại cái giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ, như giọng nói thường ngày của ông. Ông bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, hai tay chắp sau lưng, mắt nhìn xuống dưới. Dừng lại ở giữa phòng, ông dường như chăm chú và đăm chiêu lặng ngắm những đường viền trên tấm thảm.
- Cái đó… - Xidov nói chậm rãi, đầu hơi cúi xuống tí nữa. - Cái sự yên ổn đó chỉ là hão huyền… Các công trình, sách vở, bài báo của anh - tất cả những cái đó đã thuộc về quá khứ, bây giờ không ai chú ý, không ai cần đến chúng nữa. Anh không có học sinh. Cũng có thể có đấy, nhưng phần lớn chúng quên anh. Còn cái công việc ngày hôm nay của anh anh làm không đạt yêu cầu, rất kém. Chỉ đáng điểm 2. Đó là toàn bộ kết quả đấy. Tôi sẽ không nhắc lại tất cả những gì mà người ta nói ở Hội đồng, nhắc lại để làm gì. Tự anh cũng nói rằng anh có xu hướng hình thức chủ nghĩa, anh đã tự phê một cách rất gượng nhẹ. Không, đó không phải là xu hướng, mà là chủ nghĩa hình thức thuần túy. Còn xu hướng ở anh khác kia - đó là một xu hướng hơi le lói, còn chưa đậm sắc đối với hiện tại. Cuộc sống đòi hỏi - nên anh buộc phải chuyển hướng. Trong các bài giảng anh hoàn toàn phớt lờ văn học Xô-viết, còn trong Hội khoa học sinh viên thì anh nói về nó rất lúng búng. Bởi vì anh không hiểu biết và cũng không yêu thích nó, và bởi vì anh cũng không hiểu biết và không yêu mến thế hệ thanh niên của chúng ta. Và, anh Boris ạ, tất cả đều dẫn đến một kết cục đúng quy luật mà thôi. Thế là…
Xidov đi đến bên bàn mình, gạt mạnh chiếc ghế bành sang một bên, ngồi xuống.
- Đó là toàn bộ câu chuyện, - và sau khi im lặng một lúc, ông đột nhiên mỉm cười hình như nhẹ hẳn người đi. - Và không có lấy một câu nào trích ở biên bản hội nghị phải không?
Kodensky ngồi trong ghế bành, lưng còng xuống, chống hai cùi tay lên gối, hai tay đỡ lấy cái đầu đang gục xuống. Ông im lặng rất lâu. Xidov bật chiếc đèn bàn, tìm một mảnh giấy nào đó, ghi lên mấy chữ, càu nhàu xé toạc ra, rồi ném vào sọt giấy… Kodensky vẫn im lặng, vẫn ngồi bất động như cũ. Bất chợt ông hỏi:
- Anh có nhớ ngày mùa đông đầu năm mười tám, tôi gặp anh ở Petrograd không?
- Còn nhớ, - Xidov trả lời.
- Có lẽ… tôi không biết. Có lẽ, những điều mà tôi nghe thấy bây giờ có một cái gì đó là… - ông chợt im lặng như nuốt phải một vật gì làm ông không nói được, rồi nói tiếp: -… sự thật. Có lẽ… Đúng, hình như là đúng thế. Bây giờ tôi đã nhớ ra cuộc gặp gỡ ấy, nhớ một cách rất rõ… có thể tôi sẽ làm cho anh rõ thêm một vài chi tiết nào đó. Lúc đó anh mới từ mặt trận về, đầu đội mũ lông, lưng đeo khẩu mô-de… Tôi đã đề nghị anh tìm cho một chỗ làm việc ở đâu đó, anh rất bận, nhưng vẫn nói rằng: nếu cậu muốn hãy cùng với mình ra mặt trận. Và thế là tôi đã suy nghĩ suốt đêm hôm ấy. Tôi không sợ chiến tranh, không sợ chết và tất cả những điều khác nữa… Không, tôi do dự không phải vì hèn nhát. Tôi đã lập luận như thế này: nếu mình tình nguyện ra mặt trận, hy sinh thân mình, thì điều đó có nghĩa là mình phải tin vào cái lý tưởng mà mình sẽ chết vì nó. Như vậy đấy. - Kodensky nắm chặt tay, khẽ đấm vào đầu gối, nhưng giọng nói của ông lại không mạnh, mà càng nhỏ hơn, run rẩy hơn. - Chính đó là điều cần phải quyết định. Tôi cảm thấy cái quyết định này sẽ quyết định toàn bộ cuộc đời của tôi. Cuối cùng, tôi đã ở lại Petrograd. Sau đó là một cuộc sống lê thê, không chiến tranh, không đau khổ. Và dần dần tôi đã lún sâu vào cái hệ tư tưởng ấy. Nó ngự trị xung quanh tôi, trong mọi con người, trong công việc, và ngay cả ở trong không khí nữa và có thể nói rằng tôi đã hít phải nó một cách tự nhiên… Chắc anh hiểu tôi chứ?. Và tôi đã tin chắc như thế.
- Anh Boris, người ta không chỉ hấp thụ hệ tư tưởng, mà còn phải đấu tranh để giành lấy nó nữa.
- Đúng, đúng, tôi biết! - Kodensky vội vã gật đầu và đứng dậy - Đúng… Tôi đã không biết đấu tranh. Nhưng tôi trung thực… Tôi yêu thích công việc của mình… Mà đó là điều chổ yếu.”. Hay là anh còn hoài nghi?
- Tôi không hoài nghi gì cả. Nhưng Boris, anh thấy đấy - thời đại của chúng ta là thời đại của tính nguyên tắc nghiêm ngặt chưa từng thấy, khi mà một sự sai lệch nhỏ nhất cũng trở thành sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi. Những nét tư sản ở trong con người anh đã hiện hình thành chủ nghĩa hình thức, thành sự bợ đỡ vô tình - anh có hiểu không? Anh cần phải học lại. Anh phải tự mình học và hiểu biết nhiều, thì mới có quyền dạy người khác được.
Kodensky im lặng bước đi trong phòng. Trông ông nhợt nhạt hẳn đi, chỉ có bên dưới quầng mắt là còn lại đôi chút màu hồng. Bỗng ông dừng lại, cười khẩy và nói:
- Tôi vừa chợt nhớ - anh có biết là cái gì không? Căn phòng của chúng ta ở đảo Va-xilievsky, khi chúng ta cùng sống với nhau một thời gian ngắn! Giấy dán tường màu hồng, pho tượng bán thân nhỏ của Si-le, chiếc tủ gương lố bịch với hình những con sư tử… Lúc đó tôi cứ tưởng rằng tôi đã hiểu hết được mọi điều ở trên đời, và đối với tôi tất cả đều rõ ràng và đã được giải quyết hết rồi. Vậy mà giờ đây… anh thấy đấy, đã bao nhiêu năm qua… hoặc là… Thế đấy!. cuộc sống đã qua đi và chỉ đến bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu được một điều gì đó. Vâng, đúng thế. Chà, xin cảm ơn về sự dạy bảo.
Kodensky cúi chào, rồi bước nhanh ra cửa. Cái lưng già nua rúm ró của ông bỗng dừng lại bên cái cửa ra vào đang hé mở.
- Nhân thể, tôi nói thêm điều này, anh Miron ạ. - Ông nói và chậm rãi quay đầu lại. - Tại sao suốt đời tôi, tôi cảm thấy hình như lúc nào anh cũng ghen tị với tôi. Rõ ràng là tôi đã nghĩ sai. Thôi, chào anh.
- Chào anh, - Xidov đáp.
Ông lắng nghe tiếng bước chân xa dần. Sau đó ông gọi cô thư ký vào và đọc cho cô ghi nội dung tờ lệnh cho thôi việc. Ông ngồi im bất động, hai tay ôm mặt. Trái tim ông đập mạnh, lồng ngực như nghẹt thở vì một cơn đau ngấm ngầm, sâu lắng. Tuổi già là như thế đấy. Chỉ có một con người nhớ được thời trai trẻ của ông - đó chính là con người vừa mới bước ra khỏi phòng…
Krylov bước vào phòng. Xidov bỏ tay che mắt ra và ngồi thẳng dậy. Hai người ngồi lại trong phòng làm việc cho tới tận tối khuya - họ bàn về kế hoạch tiến hành hội nghị khoa học của sinh viên.
- Nhưng dù sao cũng phải triệu tập hội đồng khoa học, - đến cuối buổi nói chuyện Xidov đề nghị. - Anh thấy thế nào, Fedor Andreevich?
- Tôi nghĩ là nhất thiết phải triệu tập, - Krylov nói. - Không phải chỉ giải quyết chuyện Kodensky, điều đó hiện nay không cần thiết, mà còn phải bàn rộng hơn - về thực chất và nội dung cơ bản của chủ nghĩa hình thức. Hội đồng khoa học cần họp công khai. Để mọi người được biết lý do vì sao mà một giáo sư lại bị cách chức. Một tuần lễ trước đây sinh viên Belov có đến gặp tôi - anh ta đã chuẩn bị phát biểu về vấn đề Kodensky và có mang theo một số điều ghi chép để trao đổi với tôi. Anh ta phân tích một cách khá thông minh. Nhưng hôm đó tôi có nói với anh ta là hội đồng khoa học hoãn họp, vì Kodensky đi vắng.
- Làm thế sao được? Không, không, chúng ta nhất định phải triệu tập. - Xidov gật đầu. Im lặng một chút, ông bỗng nói bằng giọng khô khan và khẽ khàng: - Fedor Andreevich, tôi đã cùng học một lớp với Kodensky, hồi ở trường trung học…
- Anh nói sao? - Krylov ngạc nhiên thật sự. - Quả thật là tôi không ngờ đấy! Không hiểu sao tôi cứ tin là anh ta phải trẻ hơn nhiều… nghĩa là - hay là già hơn? - Krylov im lặng chừng một giây, vẻ chăm chú và, đột nhiên bật cười, phẩy tay. - Tóm lại, các anh không phải là đồng tuế. Miron Mikhailovich ạ! Các anh không thể là những người đồng tuế được - tôi tin chắc như vậy!