Chương 10

    
ầu tháng Mười Hai, bà Vera Fadeevna, mẹ Vadim, bị ốm. Từ lâu, bà đã thấy khó ở, thấy đau đầu và ho - cứ tường là chỉ cúm xoàng thôi. Khi bệnh tình nặng hơn và bà phải nằm nghỉ, thì bác sĩ vẫn điều trị cho bà mới nghi rằng phổi bà có chuyện và mời bác sĩ chuyên khoa lao của quận tới, ông này xác định là bà bị viêm màng phổi. Bà Vera Fadeevna hoàn toàn kiệt sức, ăn không còn biết ngon nữa, giờ đây bà không ngồi dậy được, mà chỉ nằm trên chiếc giường cao kê cạnh cửa sổ, người gầy rộc đi với khuôn mặt tái nhợt chỉ còn lại là những nét thanh mảnh và những viền vàng quanh mắt. Bà đang đọc Veresaev. Có mỗi một tập của Veresaev mà bà đã đọc tới tuần thứ hai vẫn chưa xong.
Những bạn bè quen thuộc, những người cùng công tác ở Bộ nông nghiệp thường đến thăm bà. Họ từ chỗ làm việc đến, vẫn xách theo cặp và túi, lúc nào cũng vội vã, nói nho nhỏ, nhưng vẫn kịp kể lại những tin tức của cơ quan và của thành phố. Họ thường mang quà đến biếu bà và không hiểu sao thường chỉ là một thứ giống nhau - quít và táo. Họ sẵn sàng lao xuống bếp nếu cần phải nấu một món gì đó, họ rửa bát đĩa, họ dẫn ra những ví dụ bất tận để an ủi hoặc khuyên giải bà. Sự lắm lời của họ, những cái nhìn thông cảm của họ về phía Vadim và tiếng thì thào ở phòng ngoài đè nặng lên anh: “Thế nào, ý kiến bác sĩ thế nào? Ông ấy bảo sao?”.
Bác sĩ khoa lao của quận, ông Gorn, nói nhiều và nói về mọi chuyện trên đời. Vóc người cao lớn, lưng hơi gù, có bộ ria hung hung, đi đôi ủng to, với chiếc va-li nhỏ của phụ nữ trang trí rất tinh xảo, ông bước vào phòng một cách ồn ào và mang theo vào đó cái giọng trầm vang vang một cách vui vẻ của mình.
- Thế nào rồi, bà bạn quý hoá? Bà vẫn đọc kia à? Ổ ồ, đến nhà bà không ổn lắm, tối qua. Bà không chịu chăm lo cho đôi mắt, mà bà còn phải ăn ở với chúng đến bốn mươi năm nữa. Nhiệt độ thế nào rồi? Thế đấy… Bà lại làm tội Veresaev rồi chứ? Một nhà văn khá, và rất tận tâm. Thuốc tôi kê lần trước bà uống rồi chứ?. Vâng, bà biết đấy, ông ta thích phơi trần giống người hiện nay ra, với tất cả những nhược điểm của họ. Đó là vì ông ấy là thầy thuốc đấy - mà các thầy thuốc, mọi người đều biết, đó là một bọn người thô bạo, sống sượng… Ngày mai, nhất định, tôi sẽ cho y tá mang ống giác đền giác cho bà. Tôi không rõ là phải ghi đơn cho bà thế nào đây?
Rồi vừa ghi đơn, ông vừa tiếp tục nói, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn bà Vera Fadeevna đang ngoan ngoãn và im lặng nghe ông.
- Nhưng bà bạn quý mến ạ, bà chớ nên quá say mê chuyện đọc sách. Hai giờ thôi, đừng nhiều hơn. Tốt hơn hết là nghe đài, buổi sáng, bà biết đấy, có những buổi phát thanh thiếu nhi rất tuyệt! buổi tối thì nên nghe ca nhạc hoặc ca kịch, còn ban ngày thì nghe phần gì đó trong chương trình “Mưa là gì”, giả dụ thế, hoặc những câu chuyện gì đó về cuộc sống của loài ong. Thuốc bột thì nhất định phải uống rồi. Tôi định sau một tháng nữa, sẽ mời bà đi trượt băng theo địa chỉ: 26 Petrovka…
Trong phòng rửa mặt, vừa cẩn thận rửa đôi bàn tay to, mập giống như bàn tay người thợ thủ công của mình, bác sĩ Gorn vừa sôi nổi hồi chuyện Vadim về trường đại học, và ông đặc biệt hứng thú nói chuyện về thể thao. Ông là một người rất hâm mộ môn bóng đá và môn khúc côn cầu.
- Thật là ngược đời! Tôi chữa bệnh cho mọi người mà chính tôi lại bị bệnh không chữa được. Hôm chủ nhật vừa rồi tôi cũng cố xem đấu bóng đá. Tuyệt thật! Các nhà hát không thể sánh nổi. Tôi tin rằng, anh bạn thân mến ạ, khúc côn cầu và bóng đá - đó là vũ ba-lê của thế kỷ hai mươi này đấy.
- Ông Fedor Ivanovich, - Vadim kiên quyết ngắt lời ông, - như thế có nghĩa là chưa xác định được là bệnh gì cả ạ?
- Anh thấy đấy, anh bạn thân mến ạ! tôi chẩn đoán là bị viêm màng phổi. Nghĩa là viêm màng phổi chứ không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng… tôi định mời giáo sư Andreev.
- Một nhà chẩn bệnh trứ danh! Nếu anh nhớ - mặc dù làm sao mà anh nhớ được! - Ngày trước có một giáo sư như vậy…
Những ngày này Vadim thật là vất vả. Buổi sáng - đó là thời gian đau khổ nhất đối với anh. Phải đi đến trường và đi biền biệt đến tận chiều để bà mẹ ở nhà một mình, Vadim hồi này phải dậy thật sớm, chuẩn bị cơm nước cho bản thân và cho bà Vera Fadeevna ăn cả ngày - anh biết nấu ăn khá tốt, anh học được hồi ở bộ đội. Trong lúc bà Vera Fadeevna còn ngủ, thì anh đã tất bật dưới bếp, và nhón chân đi từ bếp lên nhà hoặc ngược lại, đôi lúc lại quên món gì đó ở trong chạn đựng thức ăn. Lát sau bà tỉnh giấc, đúng vào lúc anh đang bưng xoong bột hoặc cháo đặt lên chiếc bàn con cạnh giường bà.
Bà Vera Fadeevna luôn luôn sợ rằng vì bà mà anh đến trường bị chậm. Vừa tỉnh dậy, bà đã hỏi một cách lo sợ:
- Vadim, mấy giờ rồi con?
Sau đó anh đo lại nhiệt độ buổi sáng của bà, rửa bát đĩa, đứng liếc qua tờ báo… Đến giờ phải đi rồi! Bà Vera Fadeevna giả vờ ngủ. Nhưng lần nào Vadim cũng làm hỏng cái ý định khôn vặt đó, anh nói to, bằng giọng sảng khoái thiếu tự nhiên:
- Mẹ ạ, đến giờ con đi học rồi đấy!
- Con vẫn chưa đi à?. Đi nhanh lên con, con đến bị muộn mất thôi! - Thậm chí bà còn hơi bực mình: - Thật tội!
Vadim nói rằng anh còn “hàng đống” thời gian và rồi chậm rãi mặc quần áo. Nhưng vừa ra khỏi cửa là như một chú bé mười tuổi, anh chạy lao từ cầu thang ra bến xe buýt, vừa chạy vừa nhảy đến sùi bọt mép, và đến trường đúng nửa phút trước giờ kẻng báo lên lớp…
Bác sĩ Gorn ghi cho Vadim một giấy chứng nhận để anh có thể được phép nghỉ học. Đôi lúc Vadim cũng phải dùng đến tờ giấy đó - đó là vào những ngày bà Vera Fadeevna cảm thấy đặc biệt khó ở vào buổi sáng.
Cuộc sống của Vadim đã khó khăn lại càng bị đe đoạ bởi những khó khăn và lo lắng lớn hơn, bởi vì bệnh tình của bà Vera Fadeevna chẳng khá lên chút nào, và cho đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng là bệnh gì, vì vậy nó lại càng đáng sợ. Hơn nữa lại sắp hết học kỳ đến nơi.
Đúng, sắp hết học kỳ đến nơi! Từ nay đến đó chỉ còn tính bằng tuần lễ: ba - hai - một. Vào giữa tháng Mười Hai, Spartar Galuschian đã triệu tập ban thường vụ Đoàn của khối để bàn việc kết thúc học kỳ và bàn một vấn đề nữa theo sáng kiến của Andrei Syryk.
Sau giờ học Vadim ghé vào thư viện để tận dụng nửa giờ trước lúc họp ban thường vụ. Anh cũng còn có một mục đích khác nữa - gặp Lena ở đó. Từ hôm họp Đoàn mà Vadim từ chối tiễn Lena về nhà, trong quan hệ của họ đã xảy ra một sự thay đổi lạ lùng. Không hiểu vì sao mà họ thôi không chuyện trò gì với nhau nữa. Hôm đầu thì chuyện đó hình như là một sự ngẫu nhiên, chính họ cũng không tin là đã đến mức phải giận nhau chưa, đến ngày thứ hai thì niềm tin đó đã thành sự thật và cả hai người vẫn tiếp tục giữ ý với nhau, còn đến ngày thứ ba thì về cơ bản họ không nhìn đến nhau nữa. Thế là họ không cãi nhau, mà hoá ra cãi nhau và nguyên nhân thì không phải là do anh từ chối đưa tiễn Lena. Hoàn toàn không phải vì thế.
Có một lần - lần đó là từ trước hôm họp Đoàn - Spartar lại gần Vadim và nói:
- Anh bạn có chuyện gì đó không ổn thì phải. Tan học một cái là biến ngay mất, không tìm đâu thấy, bỏ cả làm báo, và nghe nói cậu cũng không làm cả bản đề cương cho số tạp chí tới nữa. Có chuyện gì vậy?
- Mình cũng không biết nữa. Hình như chẳng có chuyện gì cả… - Vadim nói, mặt cau lại và đoán trước chiều hướng của câu chuyện. - Mình đã xả hơi ít lâu, mình sẽ bắt đầu khẩn trương.
- Cậu cẩn thận đấy! Spartar nheo mắt chi tay doạ - sắp hết học kỳ rồi, mà cậu thì cứ… - anh lấy tay vẽ những vòng tròn tưởng tượng trong không khí. - Thế tại sao cậu lại không viết bản đề cương?
- Mình viết, nhưng khá chậm.
Có đến mười ngày gần đây anh hoàn toàn không mó gì đến bản đề cương cả. Anh tự giải thích một cách đơn giản: tất nhiên bây giờ anh khó mà làm được gì hết “bà Vera Fadeevna đang ốm. Đúng! Tất nhiên là có thể. Nhưng mọi điều chủ yếu lại là ở chỗ khác kia… Lena! Cô ta đã chiếm mất nhiều thời gian của anh, đã làm anh đau khổ vì những suy nghĩ và lo lắng, không để cho anh được yên tâm ngay cả khi anh chỉ có một mình, hoặc ở nhà, hoặc ở thư viện. Gần cô anh không thấy dễ chịu, mà càng thấy khó xử hơn. Chẳng lẽ lại như thế thật sao? Chẳng lẽ tình yêu của anh - nếu nó là tình yêu thật sự, dũng cảm và giản dị, là thứ tình yêu duy nhất mà người ta đã viết ra và hư cấu nhiều như vậy trên đời này - lại là một sự trở ngại và đau khổ hay sao? Ở một đoạn nào đó của một nhà văn lớp trước có viết: “tình yêu - đó là lúc người ta muốn những cái không có và không hề có”. Bao giờ cũng vậy - Monterky và Capuletti, bà Bovari. Anna Karenina. Đối với họ tình yêu là cuộc sống, còn cuộc sống là sự đau khổ. Và bi kịch của những đau khổ của họ là ở chỗ trong khi đấu tranh cho tình yêu của mình họ phải đấu tranh cho quyền được sống. Trước kia, trong những thời kỳ xa xưa, là như thế.
- Tình yêu - đó là lúc người ta muốn những cái hiện không có, nhưng rồi nhất định sẽ có”. Điều đó lành mạnh hơn và công bằng hơn. Khó khăn là ở chỗ có quá nhiều người ở xung quanh và mỗi người thì lại cần có tình yêu của mình. Khó khăn là ở chỗ những tình yêu đó qua nhiều, là ở sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ của những cuộc gặp gỡ, của những hoàn cảnh, của những lời nói do ai đó nói lên, là ở cái khát vọng vĩnh viễn không thấy nói muốn vươn tới cái tốt hơn, cái mới hơn. Tại sao lại là Lena? Cô ta có nét gì đặc biệt đến thế nhỉ? Tại sao lại không phải là Raya, không phải là Marina, không phải là cô gái mặc áo choàng lông kiểu Tây Ban Nha mà sáng dậy anh vẫn gặp ở bến xe buýt - họ đã quá quen với việc gặp nhau vào một giờ nhất định, đến nổi họ đã bắt đầu chào hỏi nhau như những người quen cũ mỗi khi gặp nhau.
Lagodenko có lần hỏi anh:
- Thế nào? Cậu sắp lấy vợ đấy à?
- Sao cậu lại nghĩ thế?
- Thôi, cậu không phải đỏ mặt lên như củ cải đỏ ấy! Mình thấy hết, không lầm vào đâu được.
Vadim không thể chịu đựng được cái nhiệt tình của Lagodenko là người luôn lấy cớ “nói thẳng vào mặt” để can thiệp một cách thô bạo và phiền phức vào những công việc của người khác. Phải nói chuyện với anh ta là thấy khó chịu ngay.
- Ồ, thế thì sao? - anh hỏi vẻ u uất.
- Mình rất mến cậu, Vadim ạ! - Lagodenko bỗng nhiên tỏ vẻ nghiêm túc nói. - Có điều cậu đừng giận. Dù sao mình cũng lớn tuổi hơn cậu và ít nhiều có kinh nghiệm hơn vì cuộc đời mình cũng phức tạp hơn. Cậu đừng giận nhé. Mình muốn nói rằng khi người phụ nữ chỉ có thể là người phụ nữ thì đối với cậu điều đó còn là quá ít. Chẳng cần phải là thiên tài cũng thấy rằng như vậy là quá ít.
- Thế cậu biết cô ta à?
- Mình biết. Mình khá thính nhạy đối với những chuyện đó. Cô ấy là một cô gái kháu đấy và nếu lấy chồng, cô ấy sẽ còn đẹp hơn nhiều. Nhưng cô ta hình như… - anh im lặng cố tìm ra một định nghĩa chính xác. - Cô ta là một con chim gáy, Vadim ạ!
- Chim gáy à? - Vadim hỏi lại như một cái máy.
- Ô, đúng thế, cô ta chẳng có gì là độc đáo cả, chỉ có mái tóc uốn thôi. Suốt đời cô ta sẽ chỉ có lấy của cậu mà chẳng có gì trả lại cả. Mà cậu thì lại cần cái khác. Vả lại, có quý mà biết được điều ấy, cậu hãy xem thử xem.
- Tất nhiên rồi! Rồi mình sẽ xem, - Vadim kiêu hãnh nói.
Vadim có thái độ ghen tuông và hoài nghi đối với tất cả những câu chuyện như vậy hoặc tương tự như vậy với các bạn bè của mình. Nhưng chúng lại khắc sâu vào tâm trí và sau đó làm anh xúc động một cách thầm kín mãi không quên đi được. Anh sinh viên trường kiến trúc Moskva, ở cùng nhà với Vadim, đã gặp Vadim và Lena ở ngoài phố - ngay tối hôm đó anh ta đã nói với Vadim rằng anh ta đã gặp anh đi với một “cô gái tuyệt mỹ” và anh ta cứ năn nỉ gặng mãi xem cô ta là ai. Anh ta thấy tự ái vì chuyện Vadim chỉ gật đầu lúc gặp nhau, mà không dừng lại và không giới thiệu anh ta với Lena. Mắc Vinkin đã say mê cô một cách vô vọng từ lâu - chính cô đã kể cho Vadim nghe rằng anh chàng đã viết cho cô những bức thư dày cộp từ hồi còn học năm thứ nhất, còn cô thì đã trả lời bằng những câu trích trong quyển sách giáo khoa tiếng Anh. Các bạn gái cho Lena là người nông nổi, thiển cận, nhưng Vadim lại có thái độ phê phán đối với ý kiến đó của họ. Thầy Ivan Antonovich thì gọi đùa cô là Nữ thần Nimpha.
Đúng là mọi người nói về cô ta không phải là ít! Không ai thật sự biết rõ về cô ta cả. Chỉ có chính anh, chỉ có một mình anh là có thể hiểu được cô, riêng anh phải hiểu rõ mọi chuyện và anh chỉ tin ở chính anh thôi. Đúng, Lena chưa từng ra mặt trận, chưa từng trải qua trường học cuộc đời như Raya Volkova đã từng trải qua. Cô cũng không thật sự có năng lực và hiểu biết nhiều như Nina Fonika, và thậm chí cũng không đẹp như Izabela Uxatsenko (ảnh của cô nữ sinh viên năm thứ ba nổi tiếng này vừa được in ở bìa cuốn tạp chí “Ngọn lửa nhỏ“ và hiện nay nghe nói có tới hàng trăm bức thư của những bạn đọc bị rung động bởi bức ảnh gửi tới cho cô), không, Lena chỉ đơn giản là Lena và không một ai khác có được cặp mắt màu hạt dẻ tươi và trong sáng như vậy, có được tiếng cười và giọng nói dễ nghe như vậy…
Anh bèn quyết định phá tan sự im lặng nặng nề đó trước. Tuy rất coi khinh việc “sáng tác” những mảnh thư trong khi nghe giảng trên lớp, coi khinh cái “thói quen nhà trọ” đó, nhưng cũng đã có một lần anh nén lòng gửi cho Lena một mảnh giấy: “Em vẫn còn giận anh ư? - Anh nhìn thấy Lena cẩm mảnh giấy, rồi bỏ xuống bên cạnh mà không đọc và vẫn tiếp tục ghi bài một cách thản nhiên. Cô viết rất lâu. Cuối cùng, giáo sư tạm dừng lời, Lena, thậm chí không kẻo mảnh giấy lại gần, mà khinh bỉ giở nó ra ngay ở chỗ nó đang nằm, tức là ở giữa bàn và đọc lướt từ xa. Vì Thế mà cô bạn ngồi cạnh Lena, cô Voronkova ranh mãnh và lắm mồm cũng đã đọc được. Khẽ nhún vai và không buồn nhìn Vadim, Lena dùng ba ngón tay vò nhàu mảnh giấy và vứt nó vào ngăn bên. Cô cũng không viết trả lời gì cả.
Vào giờ giải lao Vadim không nói với cô một câu nào, thậm chí cũng không nhìn về phía cô. Anh nghe thấy cô cười ầm ĩ với các bạn gái và tán chuyện với Sergei ở chỗ bậc cửa sổ phía cuối hành lang. Cô bắt đầu hay nói chuyện với Sergei, hai người cùng nhau đi dạo đọc hành lang lúc giải lao, cùng nhau xuống căng-tin, cùng nhau đền thư viện. Những chuyện đó được dàn dựng ra nhằm chọc tức Vadim, còn Sergei ở đây chẳng có lỗi gì cả. Đôi lúc Vadim thậm chí lại thấy thương hại cô. Bản thân cô, chắc chắn, cũng đau khổ vì cái trò chơi đó và cố tỏ ra bình thản và vô tư, nhưng đêm đêm có thể vẫn khóc thầm. Một cô gái ngốc nghếch! Việc gì phải làm cái trò cười đó!
… Bao giờ cũng vậy, ngay sau giờ học, phòng đọc sách rất đông người và ồn ào, tất nhiên chỉ là sự ồn ào có thể cho phép trong thư viện. Bên cạnh quầy làm việc của thủ thư là một dãy dài sinh viên đang xếp hàng chờ đổi sách, một anh chàng nghiên cứu sinh nào đó định mượn sách mà không xếp hàng, một cậu sinh viên năm thứ nhất rụt rè nhường cho mọi người lên trước. Các cô gái giữ thư viện chạy đi chạy lại nhanh như sóc giữa những hàng giá sách kê sát nhau, leo lên những chiếc thang di động, và thỉnh thoảng lại kêu lên bằng cái giọng đều đều quen thuộc:
- Không cho mượn “Âm mưu xảo quyệt và tình yêu” ra khỏi thư viện đâu! Chỉ còn một bản thôi!
- Anh mượn cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris“ có lời nói đầu à?
- Không, chưa thể cho anh mượn Sech-xpia được! Anh vẫn chưa trả Ixakovsky phải không? Thế thì trả Ixakovsky đi, rồi hãy mượn Sech-xpia! Không, không được!…
Lena ngồi sau chiếc bàn con cạnh cửa sổ và lật lật tập bảo “Cá sấu”. Vadim lấy sách theo thẻ mượn của mình và bước lại gần chỗ bàn cô ngồi.
- Buồn cười không? - anh đưa mắt nhìn qua vai cô và hỏi.
Lena khẽ gật, vẫn không ngẩng đầu lên. Vadim ngồi xuống cạnh cô và giờ sách ra. Anh ngồi im lặng một lúc và liếc nhìn cô. Mái tóc uốn màu tro sáng vàng lên dưới tia nắng xoã xuống trán và khẽ lay động mỗi khi cô lật từng trang báo. Và tất cả cái dáng trông nghiêng của cô kể từ từng sợi lông tơ trên má, cho đến từng chiếc lông mi cong cong đều sáng lên trong tia nắng đó. Vadim nhìn cô và cảm thấy tất cả nỗi bực dọc của anh tan biến mất cả và, giống như một lớp bụi mỏng không đáng kể đang nhảy múa trong tia nắng, chúng đã biến đi bởi một hơi thở nhẹ của cô và chỉ còn lại một sự say mê mà anh không đủ sức cưỡng lại và cũng không nên cưỡng lại. Anh khẽ chạm vào tay Lena và hỏi bằng một sự dễ chịu hân hoan không ngờ:
- Bà giận gì tôi thế, bà lão?
- Hãy nói với tôi cho cẩn thận, - Lena ngước cặp mắt sáng màu hổ phách bình thản nhìn anh và khẽ nheo lại tránh tia mặt trời, nói: - Tôi căm thù những ông lão, bà lão đó của các anh lắm. Điều đó chỉ để đùa cợt ở năm thứ nhất thôi.
- Thế à? Vậy thì vì sao em lại giận anh?
- Tôi chẳng giận gì cả. Và anh đã biết là vì sao!
Anh thậm chí không nhận ra sự vô lý trong câu trả lời đó và im lặng một cách khó khăn một lúc lâu!
- Thôi được, hãy tha lỗi cho anh, - bỗng nhiên anh lắp bắp một cách cau có.
- Tha lỗi? - Lena nhếch mép cười, mắt nhìn Vadim và hàm răng trắng bóng của cô ánh lên một cách tinh quái trong đó có một chiếc răng mọc lấy nhỏ màu xám. - Được! Vì trân trọng những công trạng của anh trước đây tôi sẵn sàng tha lỗi cho anh! Đành thế vậy!
- Mặc dù… anh cũng không biết là anh mắc lỗi gì.
- À, ra anh không biết! Quyết định tha lỗi bị hủy bỏ!
Nhưng việc tha lỗi vẫn được thực hiện và ngay lập tức Lena mời Vadim đến rạp chiếu bóng xem một bộ phim mới. Nhưng Vadim đã nói bằng một giọng thất vọng rằng anh không thể đi cùng với cô được - anh phải có mặt ở cuộc họp ban thường vụ Đoàn.
- Thế đầy! - Lena nói. - Anh thì lúc nào cũng tìm được một lý do gì đó thật kêu. Chắc anh không nhất thiết phải có mặt ở ban thường vụ, đúng không?
- Không, nhưng anh…
- Khoan đã, anh hãy trả lời em: anh có nhất thiết phải có mặt hay không? Anh có phải là ủy viên thường vụ không?
Vadim thở dài và nhẹ nhàng nói:
- Không, em cũng biết anh không phải là uỷ viên thường vụ. Nhưng anh đã hứa với Spartar, anh đã trót hứa rồi, em hiểu chứ? Chính anh cũng không biết…
- À, anh đã trót hứa! - Lena gật đầu vẻ nghiêm túc. -. Thế thì lại là chuyện khác. Tất nhiên là cần phải đi!
Sergei bước vào phòng đọc, nách kẹp một cặp sách.
- Vadim, cậu ở đây à? ở dưới kia người ta đang tìm cậu, ở cuộc họp ban thường vụ Đoàn ấy…
- Mình biết rồi. Mình đi ngay đây, - Vadim nói. - Lena, thế thì có lẽ chúng ta sẽ đi vào ngày mai chứ?
- Mai à? Em không biết!. - Lena nhún vai vẻ hoài nghi và nói dài giọng ra. - Mai em phải tập tốp ca, các việc khác…
- Ồ, thế thì tùy em, - Vadim nói. - Chào em!
Anh bước ra ngoài cửa và đã bước xuống cầu thang anh vẫn còn nghe thấy - cũng có thể là anh cảm giác thầy giọng nói của Lena: “Sergei, thế nào, anh có rỗi hay là cũng họp ban thường vụ? - Sergei trả lời gì đó và cả hai cùng cười vang. Vadim thấy đau nhói trong lòng. Trước đây Lena làm đỏm với Sergei trước mắt anh để chọc tức anh, Vadim, nhưng bây giờ thì chính anh đã đi khỏi rồi kia mà! Anh không thể nhìn thấy cô, không thể nghe thấy cô nói nữa. Còn nếu như cô ta cố tình nói to như vậy để anh có thể nghe thấy từ ngoài cửa? Ồ, tất nhiên là… Tuy vậy, không, cô nói điều đó không to lắm, mà bằng giọng cô vẫn thường nói. Và chỉ là ngẫu nhiên mà anh nghe thấy.
Bỗng nhiên Vadim thấy rầu rỉ, anh uể oải bước xuống bậc thang và anh chẳng thấy mong muốn gì cả, không muốn cùng với Lena đi xem chiều bóng, không muốn ngồi dự cuộc họp ban thường vụ mà hôm nay anh nóng lòng chờ đợi…
Cuộc họp ban thường vụ được tiến hành tại phòng họp của ban chấp hành Đoàn khoa ở tầng hai. Ngoài Galuschian và các ủy viên thường vụ, Vadim còn thấy ở đây có Xasa Levtsuc, các bí thư chi đoàn và một sổ đoàn viên cả nam và nữ thuộc diện tích cực, cũng như Vadim, được mời đến dự cuộc họp đặc biệt quan trọng này.
Trước hết mọi người thảo luận về việc chuẩn bị cho học kỳ mùa đông. Ai cũng có ý kiến phát biểu và phát biểu khá sôi nổi, Spartar Galuschian nổi xung lên công kích các bí thư chi đoàn, anh ta đòi họ phải nêu tên những sinh viên mà họ “kém tin tưởng“ và phải tổ chức giúp đỡ cho những sinh viên đó. Vadim lơ đãng nghe. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ hy vọng nhìn thấy Lena: cô từ trường về cùng với ai, đi một minh hay là cùng với Sergei? Nhiều người đi từ sân trường ra cổng, cổng ra vào cứ phải khép mở liên tục. Rồi dòng người đó bắt đầu thưa dần - từng đôi một bước đi chậm rãi, những người đi một mình thì chạy vội vã… Không thấy Lena trong số đó có thể anh đã bỏ sót không nhận ra cô.
Spartar Galuschian đã phát biểu sang vấn đề thứ hai:
- Thưa các đồng chí, vấn đề cơ bản xem như đã bắt đầu tiến hành! - anh ta nói với vẻ trang trọng khác thường. - Hôm nay chúng ta cần phải suy nghĩ: làm thế nào để đưa hoạt động đó, như người ta thường nói, vào “sản xuất hàng loạt”. Bây giờ đồng chỉ Andrei sẽ kể cho chúng ta nghe về kinh nghiệm bước đầu của mình.
Vadim vốn không được nghe phần đầu ý kiến của Spartar, lúc này chẳng hiểu gì cả. Andrei bắt đầu nói về cái nhóm văn học nào đó, sau đó là về nhà máy, nơi anh ta đã làm việc trong thời kỳ chiến tranh và về những người công nhân trẻ… Ồ, thế đấy! Ban thường vụ đề nghị nên liên hệ với các đoàn viên của một nhà máy lớn và nên nhận đỡ đầu họ: tổ chức các buổi lên lớp, hướng dẫn các nhổm sinh hoạt. Andrei đã hướng dẫn một nhóm văn học ở nhà máy lớn chuyên chế tạo máy cái. Đó cũng là một kinh nghiệm bước đầu.
Khi Spartar lại bắt đầu nói, Vadim đã lắng nghe một cách thích thú. Ở năm thứ nhất và năm thứ hai Vadim và Spartar là những người bạn thân thiết. Có một vụ hè, cả hai đã cùng nhau đến nghỉ ở vùng Kavkaz, họ đã cùng nhau cuốc bộ dọc con đường quân sự Gruzia, đã cùng nhau đến vùng Konkhida, đến Tbilixi và Erevan, thậm chí đã cùng nhau đến tận ven hồ Xevan - đó là điểm tận cùng của cuộc du lịch của họ. Họ đã sống bên hồ Xevan tới mười ngày, đã đến thăm công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Xevan, đã lang thang trong các dãy núi ven hồ oi bức và sáng chói đúng hệt là ở Armenia. Từ trên những đình núi bị mặt trời thiêu đốt phảng phất đền ngất ngây cái không khí xa xưa: những người Midi đã biến khỏi cõi đời này, vương quốc Parphia thần thoại, tiếng rống của những con voi chiến và chiếc áo trào màu xanh của vị giáo sư lịch sử cổ đại Vikenchi Lvorich. Khi quay về, họ chỉ còn đủ tiền mua vé xe. Suốt quãng đường từ Baku đến Moskva họ nằm trên các tầng giường không có nệm và cầm hơi bằng những quả dưa chuột to tướng của vùng Kavkaz và bằng những điếu thuốc là “Phương Đông”. Một mùa hè thật thú vị!…
Năm ngoái Spartar đã lấy vợ, vợ anh là sinh viên trường đại học năng lượng, sống ở ký túc xá. Vadim cũng ưa cô ta - một cô gái tính tình trầm lặng, người cân đối, có đôi bím tóc dày đen bóng, nhưng cô đã cướp mất Spartar của anh, có lẽ, cũng không phải là cô, mà là cuộc sống vừa đến với cô, một cuộc sống mới, phức tạp và còn xa lạ đối với Vadim. Họ có lạnh nhạt với nhau một chút. Đầu năm nay Spartar được bầu làm bí thư Đoàn của khối. Anh ta sôi nổi làm công tác Đoàn. Thế là họ cũng chẳng có thời gian mà gặp nhau nữa, ngoài những buổi lên lớp hoặc những cuộc họp hành. Hàng ngày Spartar bù đầu vì những công việc không thể hoãn lại được: khi thì họp chấp hành Đoàn, khi thì họp chi ủy, khi thì đi dự họp chấp hành quận Đoàn, khi thì họp hội đồng khoa học mà anh ta bắt buộc phải có mặt. Giờ đây anh ta luôn luôn vội vã, vừa đi vừa nói một cách đứt quãng và lo lắng, ở anh bắt đầu xuất hiện những từ ngữ mới, những động tác mới trong lúc nói chuyện.
Và lúc này anh ta đang vung bàn tay chém xuống không khí bằng những nhát chém nghiêng, dứt khoát. Bộ mặt chưa có râu mép đỏ gay như mặt trẻ con của anh ta có vẻ khắc khổ, trán nhăn lại vẻ tập trung căng thẳng. Spartar có một phẩm chất hiếm thấy: anh ta không hề nghĩ rằng mọi người nhìn anh như thế nào, mọi người đón tiếp anh, Spartar Galuschian, một thanh niên hơi gầy, mặc bộ quần áo đen, rộng một cách vụng về, có cái cổ thon nhỏ và bộ mặt rất trẻ, rất sạch sẽ ra làm sao. Mọi người tiếp nhận quyết định của anh, ý nghĩ của anh như thế nào - đó mới là điều khiến anh quan tâm và lo lắng.
Lúc này anh ta đang tranh luận với bí thư chi đoàn ba Pitsugina. Pitsugina sợ rằng nếu quá mải mê với hoạt động ở nhà máy thì có thể ảnh hưởng nhiều đền việc học tập của đoàn viên. Sinh viên cũng đã nhiều việc quá rồi…
- Đồng chí Pitsugina, không nên làm chúng tôi phát hoảng lên! Không nên làm như vậy! Chúng tôi hoàn toàn không có ý định chuyển xuống nhà máy. Nhưng công tác xã hội không bao giờ cản trở bất kỳ một ai cả.
- Nó đang cản trớ đồng chí đấy thôi, - Pitsugina nói. - Môn lô-gích học của đồng chí đến nay vẫn…
Spartar vội ngắt lời:
- Chuyện ấm ớ, đồng chí hãy nghe đây! Cản trở ta lại là một chuyện khác kia! Nhân tiện xin nói là tôi đã thanh toán xong môn lô-gích học rồi! Nhưng vấn đề không phải là ở đó! đồng chí có hiểu là khi con người ta ngồi lì một năm, hai năm, ba năm trong những bức tường của một nhà trường như nhà trường của chúng ta đây, trong giới hạn những đề cương, những thời gian biểu, những tiếng thì thầm ở thư viện và những niềm vui cũng như những tai hoạ của thi cử, thì anh ta đang dần dần để mất đi sự cảm thụ cuộc sống trong những bức tường đó. Đúng, anh ta đọc báo, nghe đài, anh ta phát biểu rất hay ở những cuộc hội thảo chuyên đề về tình hình quốc tế và về kinh tế chính trị học! Nhưng cuộc sống của đất nước là cuộc sống sôi động biết bao… - Spartar lấy hơi, - Các đồng chí hiểu ý tôi chứ? Cuộc sống đó không phả vào mặt anh ta những lớp bụi than, không nung nóng anh ta trong lò nung hừng hực lửa! Nó chỉ lướt qua mé ngoài, tưởng là đi bên cạnh, nhưng té ra là vẫn ở mé ngoài. Các đồng chí sẽ nói rằng: chúng ta là sinh viên, chúng ta là hậu phương của kế hoạch năm năm, là lực lượng hậu bị của kế hoạch năm năm. Ờ, thì cứ là lực lượng hậu bị đi! Nhưng dù sao chúng ta vẫn có thể cống hiến cho đất nước nhiều hơn những phần chúng ta đang cống hiến. Chúng ta đã có một số những kiến thức, kinh nghiệm nào đó - chúng không thể cứ nằm chết gì đó suốt cả bốn năm. Chúng ta đang học tập à? Thì cả nước cũng đang học tập. Trước kia thì một số người được học tập, còn những người khác thì phải làm việc. Còn bây giờ thì tất cả đều học tập, tất cả đều làm việc: Báo tường, sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi dạ hội - những hoạt động xã hội đó ở trong trường còn là quá ít. Tất cả những điều đó là dành cho chúng ta, và đang ở xung quanh chúng ta…
- Chúng ta còn tham gia vào cuộc vận động bầu cử. Đoàn tuyên truyền cổ động của chúng ta tốt, - có ai nói bằng một giọng tự ái. - Không nên coi mình như em bé mồ côi…
- Rất tốt! Nhưng dù sao… - bàn tay rám nắng của Spartar chém vào không khí. - Ngay cả những điều đó vẫn là ít! Các đồng chí chắc còn nhớ Lenin đã nói rằng các đoàn viên thanh niên cộng sản cần phải “… sử dụng mỗi giờ phút rỗi rãi của mình để chăm bón vườn rau, hoặc tổ chức học tập cho thanh niên ở một nhà máy hoặc một công xưởng nào đó…“ Chỉ có một điều là đừng có giới hạn ở phạm vi lời nói. Trong số báo tường ra sắp tới đây cần phải có bài viết về ban thường vụ hiện nay và về tiền đồ của chúng ta. Vinkin, hãy lưu ý điểm đó! Tôi sẽ gửi bài đến.
Vadim nghe Spartar nói với vẻ chú ý căng thẳng mỗi lúc một tăng. Nhiều điều trong ý kiến phát biểu đó đối với anh không phải là khám phá mới mẻ gì - bản thân anh đã biết tất cả những điều đó và đã hiểu những điều đó một cách có lý trí từ lâu, nhưng cái “sự hiểu biết bằng lý trí” một cách khô khan chết cứng đó bỗng nhiên dường như tìm thấy “đứa con rứt ruột” của mình và cái sự hiểu biết cháy bỏng dễ gây xúc động đó đã chạm đến tận đáy lòng anh. Đúng. Galuschian đã nói đúng, chúng ta còn thấy quá ít và còn hiểu biết chưa đủ về cuộc sống. Và anh, Vadim Belov, một người hơn ai hết đã biết rõ những gì đang diễn ra trên đất nước, những gì đã được khôi phục lại, những gì đang được xây dựng mới, ở đâu cỏ những thành phố mới đang mọc lên, một người có thể kể ra vanh vách tắt cả những sự kiện lớn hàng năm trên khắp năm châu - anh đã làm được những gì trong suốt hơn hai năm rưỡi qua, ngoài việc học tập tốt và vẽ những bức biếm hoạ cho báo tường? Anh đã xả hơi sau chiến tranh. (Thử nghĩ xem những đồng chí khác đã chiến đấu suốt cả năm năm!) Giờ đầy anh nghỉ ngơi đã đủ rồi. Rõ ràng hiện nay anh đã nghi ngơi quá đủ rồi… quỷ bắt anh đi.
Nhưng chính anh chưa bao giờ nhìn thấy một nhà máy lớn cả! Nhà máy đúc gang tí hon ở Tasken được vây quanh bằng hàng rào đất sét thì không đáng kể. Chính mắt anh chưa được thấy một phân xưởng thật sự, mà anh lại là công dân của một cường quốc công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới.
- Vadim, sao đồng chí kín tiếng thế? - Spartar đột nhiên quay về phía anh. - Chúng tôi sẽ cử đồng chí đến nhà máy để đặt quan hệ với ban chấp hành Đoàn ở đó. Đồng chí và Andrei Syryk.
Vadim bỗng đứng phắt dậy.
- Đồng ý, - anh nói, - tôi xin đi.
Anh nghĩ rằng nếu điều đó sẽ bắt đầu vào ngày mai và Lena lại mời anh đến rạp chiếu bóng (chính cô, có lẽ, hôm nay cũng không đi), thì rồi anh sẽ buộc lòng lại phải từ chối. Và bỗng nhiên anh nghĩ rằng Lena cũng đã nói điều gì đó có lý: đúng, thật ra có nhiều điều anh cảm thấy lý thú thì lại hoàn toàn chẳng hấp dẫn gì cô cả…
- Các đồng chí hãy cử cho năm người. Như vậy sẽ vững vàng hơn, - Levtsuc khuyên. - Hãy lấy Palavin, đồng chí ấy trông oai vệ, lại có Tẩu thuốc nữa.
- Họ sẽ tưởng đồng chí ấy là giáo sư! - Marina Gravet cất tiếng cười vang.
- Không sao! Tóm lại, Syryk, Vadim, ban thường vụ thì cỏ Nina Fonika, Sergei để gây ấn tượng và… Ồ, giả sử hãy để Lagodenko đi. Đó cũng là nhiệm vụ của Đoàn giao cho đồng chí đấy, đồng chí Petr ạ! Các đồng chí hãy lên đường vào những ngày gần nhất, sau khi chúng ta qui định với nhau.
- Tôi sẽ không đi cùng với Sergei đâu, - bỗng Lagodenko nói.
- Sao lại thế?
- Tôi sẽ không đi cùng một hướng với đồng chí ấy.
- Có chuyện gì vậy? Lại bắt đầu…
- Đúng thế đấy, tôi sẽ không đi! - Lagodenko lắp bắp nhắc lại. - Các đồng chí hãy cử đồng chí ấy xuống chỗ các cô gái, xuống trường ca kịch vui mang tên Zazhunov mà gây ấn tượng…
- Thế nhưng, bây giờ thì Sergei đang bận, - Valia Maue nói, - đồng chí ấy đang viết “kịch bản vui” cho dịp Năm Mới.
- Thôi được! Các đồng chí cứ đi bốn người vậy, - Spartar nói.
Năm ủy viên thường vụ nhất trí tán thành bản nghị quyết được ghi như sau:
“Ban thường vụ Đoàn khối năm thứ ba khoa văn quyết định tổ chức vào học kỳ 1 và bằng mọi cách phát triển ở học kỳ 2 mối quan hệ có tính chất đồng chí và đỡ đầu với các đồng chí đoàn viên của nhà máy chế tạo cơ khí do đồng chí Kuznetsov làm bí thư Đoàn”.
Vadim ra về cùng với Spartar.
Bầu trời phía Tây vẫn còn sáng trong những đám mây cuốn cuộn màu tím sẫm. Từ phía đó thổi lại một làn gió mạnh, dồn đuổi những lớp mây đen trên đỉnh đầu, phân tán chúng thành từng cụm đen ngòm dễ tan ra với những hình khối rối tinh mù. Hè phố bị ngăn ra bởi những dãy hàng rào cao bằng gỗ. Nơi đây đang mọc lên một dãy nhà nhiều tầng. Công việc vẫn tiến hành cả vào lúc chiều tối - ánh điện hàn sáng rực lên cùng với những tiếng nổ lép bép khô khốc, những người công nhân hú gọi nhau trên giàn giáo. Tầng trên cùng vẫn sáng rực ảnh đèn, có tiếng đập, vỗ gì đó, giống như những khổ vải bị căng ra, có tiếng đàn ông kêu to một cách khó hiểu và cao vút, rồi tan ra trong gió…
Spartar bước nhanh trên những chiếc cầu nhỏ tạm thời đã võng xuống bắc đọc theo hàng rào. Một bên nách anh ta kẹp một chiếc cặp sách dày, tay kia thì cầm một chiếc “túi lưới“ rỗng không. Vadim theo sau anh ta một cách vất vả.
- Cả ở đây người ta cũng làm việc và xây dựng suốt ngày, suốt đêm… - Spartar không quay lại và lẩm bẩm vừa đủ để mình nghe. - chúng mình đã quen qua rồi - quay đi là hàng rào, ngoảnh lại lại hàng rào. Chỉ tổ khó đi… Vậy mà cũng có những đội sản xuất thanh niên đấy, đúng không? Tất nhiên, ở đây cũng có thanh niên, họ từ khắp các tinh đến để xây dựng Moskva. Ở ngay kế bên…
Vadim muốn kể cho Spartar biết vì sao chính anh đang nóng lòng chờ được làm việc ở nhà máy. Nhưng giải thích chuyện đó không phải là đơn giản, ở đây có một vấn đề chứa đựng mối quan hệ khó nhận thấy được với Lena. Mà Spartar - điều này thì Vadim có cảm giác - lại có thái độ hơi mỉa mai đối với Lena, anh ta nói chuyện với Lena một cách dịu dàng, vui đùa, nhưng không bao giờ nghiêm túc cả. Không, không nên nói về Lena với anh ta. Và chính Spartar Galuschian - là anh chàng đã cùng anh mặc quần đùi leo núi, cùng anh chén món sữa chua mang đi ăn đường, cùng anh tranh luận về Blok và Mayakovsky, là một anh chàng bướng bỉnh và dễ cáu giận có chiếc cổ ngắn, là anh chàng mà anh coi là rất kém hiểu biết, kém thông minh, ít kinh nghiệm trong cuộc sống hơn là bản thân anh, - hôm nay bỗng nhiên Vadim lại cảm thấy anh ta là một con người mới lạ, thông minh, sáng suốt, xứng đáng được tôn trọng thật sự. Anh ta biết nói về điều chủ yếu nhất, về cái điều quan trọng đối với tất cả mọi người và đối với bản thân anh, Vadim, nói riêng.
- À, cậu hồi này thế nào? - bỗng nhiên Spartar hồi và vẫn không quay lại. - Gần đây chúng mình chẳng gặp được nhau và cũng chẳng nói được gì với nhau. Mẹ ra sao rồi?
Vadim nói rằng mẹ ốm nặng.
- Vì thế mà cậu có về buồn như vậy phải không? - Spartar hỏi. - Mình thấy thế.
Đúng, chủ yếu là anh buồn vì lý do đó và cũng còn vì một số lý do khác ít quan trọng hơn. Họ nói về những kỳ thi sắp tới. Spartar sực nhớ lại hôm nay cô Pitsugina đã trách anh rằng anh đã lơ là đối với môn lô-gích học. Đúng là anh đã lơ là. Thi thì anh cũng đã thi xong rồi, nhưng rất chật vật, hầu như anh không có đề cương của các bài giảng.
- Đúng, Vadim ạ, khá là vất vả… - Spartar thở dài nói. - Mệt như trâu bò. Thế mà lại còn có gia đình, vợ trẻ lúc nào cũng giận dỗi, cậu hiểu đấy. Hôm nay chẳng hạn, - anh lắc lắc túi lưới, - phải đến hiệu thực phẩm, mua cho được các thứ cho bữa tối. Su-ra viết đồ án thiết kế thi, còn mình phải lo việc nội trợ… Cậu thấy đấy, có gia đình rồi chẳng còn biết nói gì nữa!
Anh cười vang, có lẽ, bất chấp tất cả, rất hài lòng về tư cách mới của một người đã có gia đình.
- Có một điều làm hại mình - là mình không biết cách bĩnh tĩnh gì cả! Làm việc chí chết, quên hết mọi chuyện. Điều này không hay ho gì, vì vậy mà mình rất mệt! Đúng thế! Cậu nghe chứ! - Anh sôi nổi quay về phía Vadim và nắm lấy vai anh. - Cần phải đến xem thư viện!
- Thư viện nào?
- Là mình nói ở nhà máy của họ ấy mà! Bao giờ các cậu đến đó, các cậu sẽ thấy. Việc này thì bọn mình có thể giúp được. Chủ yếu là phải có những hình thức mới. Cậu hiểu chứ? Những hình thức hấp dẫn, có hiệu quả! Chỉ mới đề xuất ý kiến thôi thì chưa đủ. Phải thực hiện bằng cách nào? Với hình thức gì? vấn đề là ở đầy…
Đến ngã tư họ chia tay nhau.
- Cậu cũng suy nghĩ nhé! Phải có một cái gì đó mới mẻ!. Suy nghĩ nhé! - Đã đi xa rồi, Spartar còn kêu lên một lần nữa.